#Stats1 ul{margin:0;border:0;padding:0;height:32px;background:url(//goo.gl/ZHG881) no-repeat 0 -34px} #Stats1 li{margin:10px 0;border:0;padding:0 0 0 40px;list-style-type:none} #totalComments{height:32px;background:url(//goo.gl/ZHG881) no-repeat} #totalCount{height:32px;background:url(//goo.gl/ZHG881) no-repeat 0 -68px}

Chủ Nhật, 17 tháng 7, 2011

Quỹ mang tên mình.

OAI NHỈ !

Mời chị xuống dưới, chúng ta trở ra ngoài tìm một cái quán nhỏ thoáng mát dễ nói chuyện hơn. Xin chị cẩn thận, bước chậm từng bậc thang nhé, nhớp lắm đấy.Trong này, các tù nhân nam trẻ, án nhẹ, có hai buổi thay phiên nhau mang xô xách nước sinh hoạt từ tầng
trệt lên hai tầng lầu trên theo cầu thang này. Họ luôn tranh thủ thời gian được làm công tác này để nghịch ngợm, vung vẩy chân tay tự do hết cỡ, cho nên nước văng tung tóe. Cầu thang vòng vèo này đã tối tăm, ẩm thấp, lại càng nhớp nhúa và trơn trượt. Chị có nhận ra thính giác của chị đang tiếp xúc với một thứ mùi không thể có ở phía ngoài không? Mùi nhà tù đấy chị ạ. Đó là thứ mùi được kết hợp bởi một tỉ thứ mùi  khác nhau từ thân thể của một tỉ con người khác nhau  hợp lại. Kinh không chị? Ấn tượng không  chị? Nó khen khét, hôi hôi, rin rít, hăng hắc, mông mốc, khai khai, bẩn bẩn nhưng cứ ngửi cũng ngửi được, cứ ngửi vẫn không chết. Ngửi rồi quen chị ạ. Không diễn tả được chị nhỉ? Người đàn ông trẻ có khuôn mặt bình thường, không có gì đặc biệt nhưng có nét hiền lành khắc khổ, một nhà văn thế hệ mới, cũng có vài ba tác phẩm tiêu biểu, hỏi có biết không thì độc giả có người ú ớ, có người nói cũng có nghe tên, nhưng nói chung, tác giả trẻ thì thường được mấy bà mấy cô ưu đãi. Chú nhà văn này hiện định cư tại một bang khá đông người Việt tha hương bên Mỹ, đồng thời cũng là một thiện nguyện viên trong nhóm giúp đỡ người nghèo, đang thành thạo hướng dẫn nhà văn Lê thị Hồng Na đi  từ  phòng học dành cho các thiếu nhi phạm pháp tầng một khám Chí Hoà xuống tầng trệt. Hai người  đi dọc con đường hành lang nhỏ và tối, cua vòng bát giác theo một bức tường gạch quét vôi màu cháo lòng dài vô tận, lạnh lẽo, mù mờ và vắng vẻ. Nhà văn nữ  khéo léo, kín đáo quan sát. Cách một quãng chừng hai chục bước chân mới có một hai quản viên tuổi trung niên, người nom cũ kỹ và buồn bã, kiệm lời, chỉ nhìn khách ra vô như nhìn những con gián từ đâu vô tình chạy ngang chân họ rồi chúng vội rúc biến vào góc tường tối ngỏm đen thui lúc nào không biết. Họ ngồi bàn giấy hoặc  đi tới đi lui bàn giao công việc cho nhau với những lời  trao đổi ngắn gọn, nhàm chán, y hệt những rô-bô được vặn nút hoạt động. Cho tới khi thấy có chút ánh sáng le lói trước mặt là khách biết đã tới cửa chính ra ngoài khám. Ra tới cửa chính, khách gặp lại ô sân rộng mà ban nãy khi vào, thường là chẳng ai để ý nhìn. Giữa sân có cột cờ, bên kéo, bên thả gồm bốn sợi dây dù loại to sờn cũ loằng ngoằng, nhìn lên ngọn thấy lá cờ Tổ quốc  may cỡ trung bình, trời không gió, nó lặng im trầm buồn. Nhìn xuống mặt sân xi măng xám xì lỗ chỗ ta đếm được tám  đường sơn lớn trắng bẩn kẻ dọc chia hai bên sân làm tám, bên này bốn, bên kia bốn. Góc sân, sát cổng, có căn nhà xây nhỏ, cỡ ba nhân bốn, một cửa sổ và một cửa lớn ra vào, ngay trên cửa có gắn bảng Phòng tiếp khách, bảng trắng, chữ đỏ, rõ ràng và vô cảm, bởi vì cái cửa ra vào đó không mở bao giờ. Còn ở cửa sổ  phòng khách, tuy lúc nào cũng mở, nhưng luôn luôn xuất hiện một nhân viên mặc đồng phục, ngồi bàn giấy, án ngữ giữa khung cửa, chìa khuôn mặt vô hồn, lãnh đạm ra  và sẵn sàng đón nhìn bất cứ một ai bước tới cái khung cửa ấy, hỏi rồi cúi xuống cuốn sổ, ghi, ghi, rồi hỏi, rồi ghi, rồi hỏi, rồi ghi … rồi chỉ trỏ cho người ta vô trong. Trời, các bạc tôi cũng không làm nghề này.




Vượt qua cổng khám, khi ra không khám xét, người ta dễ dàng tìm được hai chiếc ghế gỗ nhỏ trong một quán nước bình dân giữa một dãy quán mọc san sát nhau hai bên con đường dẫn vào khám mát rượi hàng cây xanh ngắt nhưng trên cao mây trắng ngày nào cũng bay ngang là là nỗi sầu vô biên. Trong những quán nước nhỏ này, cà phê đen ly lớn hơn chung uống rượu đế một chút, giá hai ngàn, bịch đậu phộng rang một ngàn, mồi  đón tiếp mọi chuyện đời tù rạc, tội tình của bà con thăm nuôi khăn gói từ thập tỉnh về cũng như của những thân nhân ngụ ngay thành phố. Ngồi đối diện nhà văn, chú em thiện nguyện viên ôn tồn kể chuyện, chi tiết và rõ ràng:

Đầu tiên em quen được cô giáo Hoan  trong một lần vào thăm khám này. Cô là một nữ tu sống ngoài đời, cô thường tới đây dạy học miễn phí. Cô nói thời gian này, bề trên Tu hội sai cô tuần hai buổi vô dạy chữ cho những trẻ em đang thụ án trong khám, theo lời mời của ban Giám đốc quản tù. Đó, cái phòng mà hồi nãy em và chị đi tham quan ghé qua đó, mỗi sáng thứ ba, thứ năm hằng tuần, từ tám giờ tới mười giờ là lớp học dành cho những  thiếu niên phạm pháp còn mù chữ. Lớp có khoảng ba chục cháu nhỏ. Chúng chịu ngồi học ngoan ngoãn, đầu cúi gằm trên trang vở và chỉ dám len lén nhìn khách khi có thể, nghĩa là khi  cô giáo quay đi chỗ khác. Nhìn kỹ từng khuôn mặt, chị sẽ thấy hầu hết chúng đều thuộc loại những đứa trẻ bụi đời, gầy gò, đen đủi. Trên từng trang vở chữ lớn mở ra, chị sẽ được tự nhiên  ngắm nhìn những bàn tay ghẻ lở, mốc mác đang chuyên cần tập viết. Cô giáo Hoan phải cầm tay từng cháu, uốn những ngón tay nhỏ bé nhưng khô cứng theo từng nét chữ. Có mấy đứa lớn tướng ngồi bàn cuối cũng chăm chỉ gò theo  từng chữ mẫu viết lớn ở mỗi đầu hàng. Có lần em đã hỏi chuyện một đứa: Con bao nhiêu tuổi, dạ mười ba, sao con phải vô đây? Dạ đánh lộn, lấy dao đâm người ta.  Hỏi sao không đi học lo đánh lộn để  bị ở  tù? Nó căng mặt nói hổng có cơm ăn, đi theo du đãng, mấy ảnh nuôi. Em hỏi chứ ba má con đâu? Con hổng biết, ở với bà ngoại, bà chết rồi.Vậy đánh lộn mấy lần mới  bị bắt? Dạ nhiều, hổng nhớ, nhưng nhớ vô đây lần này là lần thứ ba. Rồi nó nhoẻn miệng cười với em, nụ cười hồn nhiên vui vẻ, làm như vô khám Chí Hòa sướng, khỏi lo đói bụng. Đứa nhỏ nhất phạm tội ăn cắp là một thằng bé lên tám, nhưng coi nó quắt queo, gầy đét và tinh khôn hơn số tuổi của nó nhiều. Nó bị bắt ở ga Hòa Hưng khi đang rạch túi xách của một phụ nữ. Em hỏi còn nhỏ sao ăn cắp? Nó nói nghề của con mà chú (Trời!). Hỏi  con rạch túi người ta không sợ bị công an bắt bỏ tù sao? Nó nói: dạ bị bắt ít lâu cũng được thả thôi vì còn nhỏ mà.Có những cháu rất đáng thương, em  sẽ giới thiệu với chị từng cháu.Tất cả những đứa trẻ này đang được cô Hoan dạy cho biết đọc biết viết, biết làm toán. Qua cô giáo này, em  biết được một vài trường hợp rất đáng được quan tâm  và em đang cố gắng tìm cách giúp đỡ. Cô  Hoan là một cô giáo ân cần và chu đáo với trẻ nhỏ, đặc biệt là lũ trẻ lang thang bụi đời này.Cô dạy học và tìm hiểu từng cháu, gần gũi với từng trường hợp tới nỗi cô còn có thể kể ra vanh vách tên tuổi, nghề nghiệp và địa chỉ của  cha mẹ một số cháu (nếu có). Chắc hẳn cô đã phải dành nhiều ngày giờ thăm viếng gia đình các cháu (nếu có) để công trình giáo dục của cô được đến nơi đến chốn và cũng để đem lại cho cô niềm vui hạnh phúc trồng người.Cô khoe với em là tháng vừa qua, cô đã tìm được công việc cho hai thằng nhỏ mới xuất trại. Tuần này cô đang lo vận động một nhóm thợ hồ xây nhà cho má thằng Tí. Thằng nhỏ này đã có giấy tha về, chắc nó mừng lắm. Có nhà, hy vọng má con nó lo làm ăn chứ không đi móc túi nữa. Má nó hứa rồi.

Làm việc với cô giáo này em cũng mừng vì có người cộng tác tốt. Mang tiếng được mời thuyết trình, nói chuyện vài buổi ở mấy đại học bang, truyện viết ra, in bán cũng có người mua, nhưng những nhà văn trẻ như  em cũng phải lao động vất vả, đổ mồ hôi sôi nước mắt ở nước người chứ đâu giàu có hơn người, dành dụm bao năm trời chỉ mong có ngày trở về quê nhà tìm dịp giúp đỡ bà con đồng hương. Cũng biết có nhiều hoàn cảnh nghèo khổ, túng bấn, tật nguyền đáng thương nhưng để giúp cụ thể, phải tìm chị à. Lần trước về ViệtNam, em mang theo một số tiền, rồi chẳng quen ai là người nghèo để giúp đỡ. Hỏi thăm bác tài chở mình từ Tân Sơn Nhất về khách sạn, anh ta chở em tới thăm một mái ấm tình thương. Xe chạy quãng đường dài  xa lắc xa lơ, tới một ngôi nhà ba tầng lầu, khang trang đẹp đẽ, anh ta nói mái ấm tình thương nuôi người nghèo đó, anh vô giúp đi. Em nói nhà người nghèo gì mà đẹp, mà to hơn nhà tôi bên Mỹ. Chị biết anh ta trả lời sao không? Mái ấm nào cũng giàu sụ à anh ơi. Mấy ông cha, bà thầy khéo kiếm tiền lắm. Anh thấy nhà thờ trong thành phố này không? Đẹp hết xảy, kiến trúc đủ kiểu, làm như mấy ông cha phải đua nhau xây nhà thờ mình sao cho đẹp hơn nhà thờ kia mới chịu được. Có nhà thờ tui thấy mới xây hồi năm nào đây còn mới tinh, láng coóng, lộng lẫy nguy nga đẹp quá chừng. Khi không ,bữa hổm đi xe ngang tui thấy thợ đập tan tành bình địa. Hỏi: ủa sao nhà thờ đẹp vậy đập làm khách sạn năm sao hả? Người ta nói: không, xây lại kiểu khác chơi. Em nói vậy thôi, bị sợ đưa tiền giúp người nghèo, mấy ông cha bà xơ lại đem xây nhà thờ đủ kiểu. Thế rồi chuyến đó em lại mang tiền về Mỹ. Lần này, gặp cô giáo Hoan, em tính mình bỏ của còn cô ấy bỏ công. Bọn này sẽ giúp một nơi mà hồi nào tới giờ em chưa thấy ai nghĩ tới, đó là đi thăm và giúp đỡ những đứa trẻ ở tù ra có cơ hội tìm lại cuộc sống đàng hoàng và lương thiện. Cụ thể, coi như em đã tìm ra nơi đáng giúp, đó là cái lớp học chữ dành cho thiếu niên phạm pháp này của cô Hoan đó chị.

Hiện giờ, chúng em đã lên danh sách mười lăm cháu cần xây dựng nơi ăn chốn ở và hỗ trợ chúng sớm vì sắp tới thời điểm chúng hết hạn tù, tạm thời trong vòng mười hai tháng đầu, tính từ ngày chúng xuất trại ra tù. Đây, em cho chị xem (chú ấy mở chiếc cặp táp mang bên mình, cẩn thận rút ra một xấp giấy, trên mặt giấy có dán tấm hình cỡ bốn nhân sáu, kiểu chụp làm thẻ, có nhiều hàng chữ ghi chú kế bên tấm hình.Trang một có tít lớn, nhà văn nữ hơi nhướng mắt, nhìn ngược cũng đọc thấy rõ hàng chữ Danh sách các em đợt 1).

Chú thiện nguyện viên vừa quay một xấp giấy xuôi về phía nhà văn vừa nói tiếp: Chị cầm theo dõi, em có bản phô-tô nữa đây. Kể sơ chị nghe vài trường hợp chúng em đang tiếp xúc.

Trường hợp thứ nhất là cháu Ngô văn Lên. Chị nhìn thằng bé này mặt mũi cũng sạch sẽ sáng sủa đấy chứ. Vậy mà cha mẹ bỏ nhau, thằng bé từ nhỏ theo mẹ ra chợ bán mấy đồ khô, có học hành gì đâu. Rồi cũng phải học ,mà đây là học ăn cắp. Cảnh sát quen mặt nó luôn.Vào khám hoài, bị đánh hoài cũng không chừa được tội ăn cắp. Em nói mày ra tù, ráng đi học, chú đóng học phí, may đồ cho con, cho con tiền ăn sáng. Nó nói, nếu lo cho má con nữa thì con chịu. Miễn má mày vẫn cứ phải buôn bán đàng hoàng. OK.

Trường hợp thứ hai, qua trang hai nghe chị! Cháu Nguyễn Ngọc Vàng. Thằng nhỏ này mồ côi cha mẹ, lớn lên đi theo thằng anh làm cao bồi chợ Bà Chiểu. Chuyên môn đâm thuê, chém mướn mấy vụ tẹp nhẹp trong chợ. Có chuyện xích mích, cãi cọ, muốn thanh toán cỡ nặng có, cỡ nhẹ có, cứ kêu anh em nó. Thằng anh lần đó lại thoát chứ.Vậy rồi tiền người ta thuê ăn vài tuần cũng hết, thằng em ngồi tù chờ mong anh vô thăm nuôi buồn bã, mỏi mòn thấy tội nghiệp ghê.Còn ba tháng nữa ra.

Cô Hoan đã gặp thằng anh nó, khuyên nhủ, đề nghị. Được, thằng anh nó nói cô giúp anh em cháu chiếc xe gắn máy đi chở hàng cho mấy bà trong chợ. Nhà văn nữ thật thà buột miệng:

- “Sao tin nó được ta? Cho nó cái xe nó đi ra xa lộ đua xe mình mất công khiêng nó vào nhà thương?”

Chú kia cười, phải tính đường, phải dò nết từng trường hợp chị ơi, làm việc với bọn cao bồi này khó lắm. Dụ ngon dụ ngọt nó còn mè nheo mình đủ thứ chán chê. Cô Hoan hay lắm, cô có tài khuyến dụ con nít. Cô nói như chị vậy đó. Nó bảo cháu cũng thương thằng Vàng chứ bộ, không cha, không mẹ, nó là người dưng sao đi chơi bỏ nó. Vậy là hai anh em cùng chở nhau ra xa lộ chơi trò đua xe? té chết luôn cả hai? Nó nói không phải vậy. Có xe thì người ta mới mướn chở đồ. Hai anh em cùng đi, thằng Vàng phụ cháu xếp đồ, cột đồ chứ. Cô có lòng giúp đỡ, anh em cháu đâu dám làm bậy. Thấy nó cũng tình cảm phải không chị? Nhưng cô Hoan tính sẽ cho Vàng đi học. Không biết có xin được không vì nó quá tuổi rồi. Cũng có thể bỏ tiền cho cháu học nghề chị nhỉ. Phải lo cho nó học nghề thì cũng mấy năm chị ạ. Dù sao cũng phải mua cho thằng anh cái xe. Cứ rộng rãi thế để chúng thấy tình thương mình dành cho chúng qua những cái vật chất mình lo cho chúng chị ạ.

Chị mở trang tám, em cho chị xem hình, lý lịch và thành tích của một bé gái bụi đời, chị sợ luôn.

Nhà văn buồn bã thở một hơi dài để phủi bớt đi những lớp bụi đời xám quánh thằng Lên, thằng Vàng vừa thản nhiên vô tư nhả vào mặt, vào tai, vào mắt bà. Bà lật bỏ qua mấy trang, tới trang tám là hình con gái. Đứa con gái này có mái tóc dài đen mượt cột bím hai bên, khuôn mặt tròn nhưng không vui, trông có duyên ngầm nhưng nước da tai tái, xanh xao, bệnh tật thế nào ấy. Cặp mắt sáng nhưng sắc và dữ.

Ghi chú: LỜI KHAI CỦA BỊ CÁO:

 Họ tên: Trần Mỹ Hảo  tự Bé Tư.

 Sinh ngày … tháng …năm … :không biết. Chắc năm nay  tui mười lăm tuổi( mặt mày già như mười tám).

 Cha: không biết, Mẹ: không biết. ( Ủa, chứ ai là người đặt tên cho nó vừa tốt  vừa đẹp quá trời).

Ngụ: không có nhà , ở lang thang.

Can tội: Đánh ghen thuê.

Lời khai: Đánh ghen thuê nhiều lần không thèm tính tới, không muốn nhớ tới. Chỉ nhớ có lần nhận tiền chém bà kia gãy bả va i(Trời, chắc nó chơi mã tấu quá). Bà đó giựt chồng người ta, còn chửi Tư, cho đáng. Có lần nhận tiền lột quần áo bà kia giữa chợ, thấy vui (Trời đất ơi!). Có lần nhận tiền, vô quán nhậu tìm đối tượng, gặp cha già ngoại tình  nhậu xỉn thấy con nhỏ tưởng đứa con gái vô tìm ổng, hết hồn nhấn bà bồ chui gầm bàn, sao mà bà đó té lọt xuống hồ sen nhà hàng, còn dúi nắm tiền vô tay Tư hối mày về đi sóp mua áo đẹp, ba buồn quá, ngồi chút, về liền, đừng nói má héng. Coi như bữa đó Tư không mắc tội đánh người, còn có thêm tiền … boa (nữ sĩ lắc đầu ngao ngán, vui nỗi gì !).

Tội trạng mới nhất : Đánh lầm người. Có hối hận vì nghe đâu bà này vô nhà thương rồi mới xuất huyết sọ não. Chắc chết!

Thôi, đừng xem tiếp nữa chị ạ kẻo về mất ngủ. Trẻ con bây giờ kinh lắm. Sợ lắm mà cũng thương lắm. Chị là nhà văn nổi tiếng cả trong nước lẫn bên ngoài. Em thấy ở đâu có người Việt Nam là ở đấy danh tiếng chị được giới hâm mộ biết đến và yêu mến, nhất là bên Mỹ, độc giả yêu chị lắm. Sách chị cũng đã làm cho các  dịch giả ngoại quốc thích thú, tìm hiểu và yêu mến văn chương nước mình. Còn anh nhà là nhà thơ vang danh khắp từ Bắc chí Nam. Hai viên ngọc quý của đất nước, hai tâm hồn mơ mộng, nhẹ nhàng, thanh thoát, lại sống trong một ngôi nhà tuy nhỏ bé, thanh đạm nhưng ấm êm, hạnh phúc, chắc anh chị chẳng bao giờ phải tiếp xúc với những kiếp người vì nghèo khổ, thiếu thốn tình thương, giáo dục gia đình mà đâm đầu  chôn vùi cuộc đời trong những hố sâu tội lỗi. Cũng may là em và cô Hoan gặp được chúng khi chúng còn trẻ để mình còn kịp níu vớt chúng lên. May hơn nữa là chúng em lại được làm quen với anh chị và hôm nay thật là diễm phúc cho em được rước chị đi tham quan chính nơi cần phải giới thiệu với chị. Chỉ tiếc, hôm nay anh nhà không được khỏe để mời anh cùng đi. Lớn tuổi rồi chân tay người ngợm nó cũng không chiều mình nữa chị nhỉ. Cũng tiếc hôm nay không phải buổi các cháu học cô Hoan, nhưng không sao, lần sau chị nhé. Chị sẽ thấy chúng em làm việc rất tích cực và đồng cảm. Tiền bạc rồi sẽ tiêu hết, chỉ mong sao mình giúp được chút gì cho người anh em là vui thôi.

Em nói, chị suy nghĩ xem nhé. Em định lập ra một cái Quỹ. Cái Quỹ này em sẽ đổ tiền vào, anh chị không phải đổ, em lo tất, anh chị không phải lo, em chỉ muốn xin anh chị (chú thiện nguyện viên ngập ngừng một tí rồi mới thong thả, rõ ràng nói tiếp từng chữ một):

ban cho em - diễm phúc - được lấy tên chị - làm tên Quỹ. - Chị nhé.

Nhà văn Lê thị Hồng Na nghe đến đây thì đã hiểu ra vấn đề. Nói thật lòng, bà thường có cảm tình với những người nom thật thà chất phác giống như chú em tốt lành này vì nãy giờ bà thấy chú ăn nói tử tế, nhũn nhặn và … đâu ra đó. Nói chi bên ngoài ân cần và lịch sự. Tài liệu, hồ sơ có giấy trắng mực đen rõ ràng. Công việc và lý tưởng của chú tốt đẹp. Trái tim, tấm lòng của chú  bao la. Đồng tiền của chú cũng đáng giá quá. Mà suy đi nghĩ lại, nếu chú ấy có mượn tên mình làm tên Quỹ từ thiện để lo cho các cháu thì mình cũng đâu mất gì. Nếu có cái Quỹ tên Lê thị Hồng Na thì cũng thích đấy nhỉ, mấy ông bạn bà bạn đồng nghiệp bên Hội văn học thành phố sẽ lác mắt, sẽ ghen tị, sẽ dè bỉu. Kệ. Để họ ghen tí cho vui, nhất là nhà văn Thẩm Thanh thân thiết, chị ấy sẽ rất ủng hộ cho xem. Chị ấy sẽ đùa: Quỹ mang tên mình, Hồng Na oai nhỉ!

Cái chú em này cũng có đời sống âm thầm, không ham danh lợi, chứ nếu không dại gì chú ấy bỏ tiền ra lập Quỹ lại để tên người khác bao giờ! Sợ là sợ những người mua danh mua tước ấy! Một người nghệ sĩ chân chính phải có đời sống phù hợp với một lý tưởng cao đẹp như vậy đó.

Ngoài ra, cái lý do thuyết phục nhà văn nhất, đó là Quỹ mình có sự  cộng tác của cô Hoan, một Tu Sĩ. Tu sĩ Công Giáo là những người đáng tin cậy.

- Chị nhé. Chị đừng ngại, chị không phải làm gì cả, chị để em lo. Chị không phải bỏ tiền vào, chị để em bỏ. Chỉ cần chị  vẫn cứ viết đều cho chúng em noi gương  và chăm sóc anh nhà, thế là em yên tâm rồi. Chắc chị còn ngần ngại điều gì ạ? Xin chị hiểu cho …

Nhà văn gật gật  ngắt lời: Tôi hiểu.

Thôi, nếu chú thấy việc tôi đứng tên Quỹ, tiền của chú,  không có gì ngăn trở  thì tôi bằng lòng. Miễn là xin chú đừng làm gì mất uy tín cho người mang danh Quỹ.

Nét mặt chú thiện nguyện viên giãn ra, tươi như bông hoa cúc vàng ngày xuân. Em cám ơn chị. Quỹ đã được mang tên chị thì em sẽ phải cố gắng làm việc nghiêm túc để giữ uy tín cho chị và phát triển Quỹ ngày một tốt hơn. Chị sẽ thấy mọi giấy tờ đều hợp pháp, ngay cả lời chấp thuận đứng tên của chị, chúng em cũng lập biên bản có chữ ký của  bên A bên B đàng hoàng chị ạ. Xin chị đọc biên bản em đã chuẩn bị sẵn đây ạ. Đây là tên em. Đồng trách nhiệm là tên Nữ tu Maria Nguyễn thị Hoan.

Dạ đây, chỗ này sẽ ghi tên Chủ tịch Quỹ còn để trống, bây giờ  là tên chị đấy ạ, chị cho em xin chữ ký vào chỗ này. Chỗ này nữa  ạ. Em hứa với chị, trở về Mỹ, em sẽ cố gắng thực hiện sớm Quỹ này. Trước khi chia tay, chị cho em gửi biếu anh nhà chục cam và hộp sâm Hàn  này. Mong anh sớm bình phục. Chị giữ sức khỏe nhé. Dạ, dạ. Cám ơn chị. Em đưa chị về.

Nhà văn chia tay chú em đồng nghiệp chăm làm việc từ thiện, ngỏ mấy lời vàng ngọc chân thành khích lệ. Mong chú được nhiều ơn  Chúa phù hộ. Sẽ theo dõi công việc của chú.

                            0000000000

 Ba tháng sau.

Tại tổ ấm của nhà văn Lê thị Hồng Na.

Phu quân nhà văn đang đi dạo trong sân nhà.

Sức khỏe của ông dạo này không cho phép ông đi bộ ra công viên tập thể dục. Hai ông bà tập ngay tại sân nhà.

Từ một năm nay, sân nhà cứ nứt nẻ, gồ ghề dần ra vì cây vú sữa già (nhà thơ chồng đặt tên nó là cây Từ Nhũ) ở góc vườn trổ rễ nảy cả xi măng lên, đi cứ phải mò từng bước, kẻo vấp ngã. Người già ngã là nguy, là quỵ luôn. Bên bàn làm việc kề cửa sổ nhỏ, Bà Na ngồi vào ghế, vừa mở máy check-mail, vừa để mắt dòm chừng từng bước chân, từng động tác chậm chạp của chồng. Sau lần qua cơn tai biến mạch máu não cách đây hơn ba tháng, chân tay của ông yếu đi nhiều. Nhớ lại những ngày tháng ông phải nằm trong bệnh viện, bao nhiêu thứ chi phí nghĩ mà ớn lạnh, nổi da gà. Bà nhìn ông than thở:

- Giá bây giờ bạn bè  gửi cho vài trăm đô mình  thuốc men, nhân có tiền, tráng lại cái sân  cho phẳng, mình nhỉ.

- Ừ. Muốn sân phẳng thì phải nhổ bỏ cả cây Từ nhũ  mình ạ. Những rễ con, rễ cái loi ngoi trong lòng đất thế nào cũng lại nảy lên mặt sân, lại làm hư sân thôi. Chẳng xi măng nào lấp chúng đi được.

- Vâng, đúng đấy.

Bà Hồng Na vừa gõ tên và pass word  vào hai ô trống. Bà ngồi chờ hộp thư mở. A, lâu quá mới có thư chị Thẩm Thanh đây mình ạ. Bà này là lười gửi meo lắm. Chắc phải có tin mới lạ đây. Mấy chữ chủ đề thư hiện ra : CHUC MUNG.

Nữ sĩ click vô dòng tên người gửi: “ThanhTham”.

Thư đã gửi vài dòng như sau, bà đọc to cho ông cùng nghe :

Hi Hong Na,

Doc tren mang, biet Na vua lap Quy Tu Thien. Bon minh ben nay ung ho het minh. Buoc dau, minh di quyen gop va da gui vao Quy Le thi Hong Na của ban duoc muoi ngan (10.000 USD) roi. Chuc hai ong ba van luon khoe manh de co suc di tham vieng nguoi benh tat, khon kho.

Than men,

Tham Thanh

Nhà văn Lê thị Hồng Na còn chưa kịp hiểu sự thể ra làm sao thì bỗng bà giật thót người vì nghe đánh huỵch một cái, ở ngoài hè, toàn bộ tấm  thân bệnh tật của nhà thơ chồng bà vừa ngã đổ nhào trên mặt sân xi măng nứt nẻ. Thôi rồi. Cấp cứu bố, các con ơi.
ANNA

Không có nhận xét nào: