#Stats1 ul{margin:0;border:0;padding:0;height:32px;background:url(//goo.gl/ZHG881) no-repeat 0 -34px} #Stats1 li{margin:10px 0;border:0;padding:0 0 0 40px;list-style-type:none} #totalComments{height:32px;background:url(//goo.gl/ZHG881) no-repeat} #totalCount{height:32px;background:url(//goo.gl/ZHG881) no-repeat 0 -68px}

Thứ Ba, 26 tháng 7, 2011

Hành trình của muối

                                                                                                                                                   ANNA
HÀNH TRÌNH CỦA MUỐI

I/. Hoài niệm
Thầy Tâm chậm rãi rút từ trong hộc bàn ra tấm hình đen trắng của thân phụ thầy. Ông vừa qua đời được đúng bốn chín ngày.
Sáng nay, thầy đã được phép bề trên cho về ăn bữa cơm gia đình tiễn đưa Cốt bố thầy lên nhà Chờ Phục Sinh của giáo xứ.
Thế là gia đình đã chu toàn mọi việc tang chế cho ông cụ, kể từ khi ông nằm xuống cho tới hôm nay, ngày ông đã có … “hũ yên nhà đẹp”. Thầy Tâm là người con trai thứ ba trong gia đình, thầy mới khấn tạm được hai năm trong dòng. Những ngày này, vừa chưa qua khỏi nỗi đau mất cha, thầy vừa hoang mang về ơn gọi của mình, lòng cứ buồn bã, ủ ê. Thầy bâng khuâng ngắm kỹ khuôn mặt dài, gầy guộc và xương xẩu của bố thầy trong ảnh. Từ đôi mắt sáng hiền lành, chiếc mũi  dọc dừa cao cân đối, cái miệng rộng với vành môi dày và đỏ, hai gò má cao, tới cái trán thông minh ngày xưa, giờ trong tấm hình ông chụp trước ngày qua đời không lâu này chỉ còn lại một đôi mắt buồn rười rượi trên những nếp da nhăn nhúm với cái miệng móm sều, già khọm so với tuổi sáu mươi của ông.
Đáng lẽ, nhà định lấy tấm hình mới nhất này để phóng to làm di ảnh nhưng mẹ Tâm không chịu, bà bảo nhìn vào trông khổ quá, buồn lắm. Bà tìm trong album, lấy tấm ảnh chân dung bố thầy chụp mãi từ năm mẹ thầy còn đang mang thai thầy, tấm hình ấy trông ông trẻ và đẹp trai, với áo vét, cà vạt lịch sự. Dĩ nhiên, hơn hai mươi năm trời trước,  ai chả khác bây giờ. Đến nỗi, khi treo tấm hình ấy lên, con bé cháu Tâm, con người anh cả đã hỏi:
- Hình bác nào đấy?
Tâm giữ lại tấm ảnh ốm o gầy mòn của bố, giữ lại khuôn mặt gần gũi và ấm áp đối với thầy vì nó nhắc thầy nhớ lại hình ảnh của bố thầy, mới tháng trước đây thôi, những ngày, giờ bố con ở bên nhau, bố thầy là ốm o gầy mòn như thế, trông khổ như thế và thầy mang theo vào nhà dòng. Mẹ Tâm nói đúng, cứ nhìn vào tấm hình của bố thầy là thấy buồn. Cứ nhìn vào là những thước phim buồn bã lần lượt hiện ra trong ký ức Tâm.

Ngày Tâm vào dòng, bố thầy như mất đi một người bạn tâm tình. Trong nhà, thầy Tâm giống tính cha nhất. Thỉnh thoảng ông gửi vào cho con trai những dòng thư tâm sự. Thỉnh thoảng thôi vì ông cũng không muốn làm con bận tâm, dù rằng thư ông toàn nói về sự kém cỏi, nhỏ bé của trí khôn con người, về lòng khát khao đi tìm Thượng Đế, v.v., là những ý tưởng, suy tư rất đáng được chia sẻ cho các thầy tu. Bố Tâm không khuyên Tâm cố gắng này nọ như các bậc phụ huynh có con đi tu khác, bởi chính trong ông là một tâm hồn luôn thao thức, tìm kiếm, mong mỏi, ước ao. Ông chẳng khác gì một chú bé đệ tử, lúc nào cũng háo hức học hỏi chân lý cuộc đời. Ông như một cành hoa quỳ, lúc nào cũng đăm đắm hướng về mặt trời. Ông cặm cụi đọc hết sách này đến sách khác để tìm hiểu về cội nguồn. Tâm thấy có một thời gian ngắn, bố thầy chịu làm việc với các ông trùm trong xứ.

Nói là “chịu” bởi vì vừa cúng tượng Phật cùng là chuông mõ lên chùa để trở lại Đạo xong thì bố thầy vấp ngay phải một nố thuộc về cha xứ và các ông bà có chức trong xứ khiến cho bố thầy lảo đảo ngã, dập dụi. Hồi đó, một lần thầy Tâm về nhà chơi, đọc thấy trên tủ gương, bố thầy dán câu này : “Không muốn xưng tội thì đừng phạm tội”, thầy hiểu tâm trạng tiêu cực, bất mãn của bố thầy. Có lúc, thầy lại thấy bố thầy hay đi Tây Ninh thỉnh đạo, hay đọc sách đạo Cao Đài. Rồi một thời gian dài, ông lại liên lạc với hội thánh Tin lành Anh quốc để nhận tài liệu học hỏi về Kinh Thánh họ gửi miễn phí. Đó là chưa nói tới những năm xưa, trước khi bố thầy Tâm trở lại với Chúa thì ông đã từng ở trong chùa, tụng kinh niệm Phật với Sư trụ trì chùa ấy suốt mấy năm trời cho đến khi gặp được một cha Dòng An Sơn. Con chiên lạc ấy sau này, khi đã có cả một bầy con, khi đã dẫn đường cho bầy con ấy đến được với Chúa Giêsu rồi thì lại vẫn còn mấy bận lang thang, lạc lõng giữa đường. Con đường bố thầy đi cứ buồn bã, âu sầu sao ấy. Ông đi tìm, ông gặp, rồi Muối của ông lại ra nhạt. Suốt đời, bố thầy cứ là đi tìm, đi tìm, tìm mãi, tìm hoài, tìm cho tới chết.
Mấy hôm trước ngày mất, bố thầy kêu đau đớn trong người khác với mọi ngày. Thầy Tâm thủ thỉ:
- Xin Chúa ở với bố nhá.
Bố Tâm gật đầu ưng thuận. Thầy vội đi tìm một ma xơ già, chỗ quen biết, đến đọc kinh giúp ông ăn năn tội xin ơn chết lành, lại xin cha giáo thầy tới xức dầu cho ông. Bà Năm Thiệt lối xóm qua thăm, đè ra cạo gió kêu đỏ quá chừng nè trời. Càng cạo càng đau, nhà xót xa lắm, nhưng nén lòng để người bệnh phải ra hết gió mới khỏi. Tối ấy, như thường ngày, trước khi đi ngủ, thầy Tâm còn cho bố uống hai viên thuốc bác sĩ kê toa để chữa bệnh phổi của bố thầy. Thầy nhớ câu nói cuối cùng thầy nói với bố thầy:
- Mai con lên sở lãnh nhu yếu phẩm cho bố.
Câu nói ấy làm bố thầy vui vì trong nhu yếu phẩm của sở Nhà đất, ngoài mấy món hỗ trợ cho bữa ăn gia đình còn có hũ bơ đậu phộng, chai  rượu thuốc, thứ bố thầy Tâm có thể dùng để giải sầu.
Ông bố gật đầu ừ yên tâm. Khoảng ba giờ sáng hôm sau, thầy phát hiện bố thầy nằm bất động. Ông đã ra đi trong giấc ngủ. Thế là hết sầu, chẳng cần giải sầu.
Suốt đời bố đã đi tìm như vậy chắc chắn Chúa sẽ cho bố gặp. Con hằng tin như vậy.
Bố hết sầu rồi, nhưng con vẫn còn những nỗi sầu không ai chia sẻ được, bố ạ. Bố phù hộ cho con với.
Thầy rưng rưng ôn lại chuyện đã qua.
Nghĩ mà não nuột cả tâm can.
Hôm bố thầy Tâm nằm xuống, người anh  lớn trong nhà bảo thầy cùng đi với anh vào trình cha xứ.
Nghe chuông, cha quát từ trong nhà:
- Đứa nào đấy?
Anh Hai đứng im, quay mặt, không trả lời, như  thể không thèm trả lời. Thầy Tâm vội lên tiếng:
- Dạ thưa cha, con vào xin lễ ạ.
Phải đợi một lúc lâu sau, cha xứ mới bước ra, chỉ đứng tựa cửa như không buồn tiếp khách, áo quần cháo lòng xốc xếch, mặt mũi khó khăn, tóc tai nhếch nhác. Kể cũng là sự lạ! Nghe con chiên vào xin lễ mà thờ ơ thế! Hay tại con chiên này đen đủi rách rưới?
Thoạt trông thấy ông thầy trẻ, cha dịu mặt:
- Sao? Vào đây. Có chuyện gì thế?
- Dạ thưa cha, bố con mới qua đời, anh em chúng con vào trình cha, xin cha đến làm phép xác và ban cho bố chúng con một Lễ An Táng.
Cha xứ làu bàu hỏi:
-Mới qua đời à? Ông ấy tên gì nhỉ?
Thầy Tâm khai ra.
Vừa đưa tay vớ cuốn sổ Giáo dân Giáo xứ to đùng ném vào giữa bàn, cha xứ vừa lật, vừa hỏi lại tên gì, nhà ở khu phố mấy, khu giáo nào, chết lúc nào, tên thánh, tên gọi, công tác trong giáo xứ v.v.. Vừa khi thấy hàng tên bố thầy Tâm, ngài dừng tay lật, ắng ngắt vài giây, rồi cau mày nhìn lên, cho biết:
- Hai anh phải biết là bố các anh khi còn sống giữ lòng đạo như thế nào? Lâu nay tôi không thấy ông này đi lễ.
Hai anh em thầy Tâm nín bặt. Cha xứ rao:
- Về cái nố này tôi không cho phép đưa người quá cố vào nhà thờ để làm lễ An Táng nhá. Hai anh có hiểu không?
Hai anh vẫn ắng ngắt, đứng im. Thầy Tâm bỗng nhìn thẳng vào mặt cha xứ. Thầy đang chờ đợi vị chủ chăn nói một lời là thầy quyết định phải xử trí ra sao ngay.
Cha xứ cũng chỉ đợi có thế. Ngài lạnh lùng giải thích, hình như theo Thần học mới, chứ trong Giáo lý căn bản thì không thấy có:
- Khi ông ấy còn sống mà không biết Chúa là ai thì bây giờ chết đi, liệu Chúa có biết ông ấy là ai không? Thôi  thì cứ đưa ra nghĩa địa rồi tôi  ra ngoài ấy làm phép xác cho. Đưa đây!
Cha xứ lật một cuốn sổ khác.
Cha có ý nói đưa tiền xin lễ cho cha để cha ghi sổ, nhưng không nói không rằng, thầy Tâm quay ngoắt người, bỏ đi thẳng một bước ra khỏi cổng nhà xứ, không ngoái lại. Ông anh chạy theo ná thở.
Ngay hôm sau, có cha xứ bên cạnh và cha giáo của thầy Tâm đến, mỗi cha dâng một Thánh lễ  tại gia cho linh hồn Giuse bố thầy.
Không có gì ngăn trở.
Không có gì ngăn trở nhưng không khí nhà héo nặng nề hơn đưa đám vì người anh lớn không kín miệng giữ phẩm giá cho cha xứ. Anh ta kể hết những gì hôm qua tai nghe mắt thấy ở phòng cha xứ và tuyên bố:
- Tao không tin Đạo nữa.
Mấy người phụ nữ trong họ hàng xúi dại mẹ thầy Tâm chuyển sổ Gia đình Công giáo sang xứ bên cạnh. Bà chị họ nóng máu lại bạo mồm, chửi thề rồi trách anh em thầy Tâm:
-Tại các cậu không nhớ làm thủ tục đầu tiên với chả đó thôi.
Cha xứ mà để giáo dân gọi theo ngôi thứ ba bằng tiếng “chả” ấy thì thật chẳng còn gì là thể thống cha xứ nữa. Thật lòng, nghe bà chị họ dùng tiếng ấy, thầy Tâm mát cả ruột. Ai bảo linh mục mà hách, mà hợm, mà ham.
Nói vậy chứ không phải vậy. Chuyện xảy ra vừa rồi giữa nhà thầy với cha xứ là chuyện đáng buồn, đáng suy nghĩ. Vui gì!
Sau một tuần phép về thụ tang cha, thầy Tâm trở về dòng mang theo nỗi buồn chất ngất. Nghe em gái thầy mách, người anh kế thầy bỏ lễ Chúa Nhật vừa rồi vì không muốn nhìn mặt cha xứ.
Được sống từng giờ, từng phút sát bên Thánh Thể là Nguồn An Vui mà sao mình không thấy an vui? Quỳ ngay dưới chân Chúa mà sao lời cầu nguyện khô khốc? Đọc Lời Chúa mỗi ngày mà sao vẫn  tối tăm, mê muội? Thầy ước ao được một lời khích lệ cho thêm sức chịu đựng kiên nhẫn? Mà kiên nhẫn chịu đựng để làm chi? Nếu thấy không còn gì là lý tưởng nữa thì hãy can đảm lên mà quyết định cho cuộc đời mình. Một lần để giải thoát, sống vật vờ không ra làm sao, dường như càng chịu đựng, con tim càng chai lì. Thầy Tâm trải qua những giờ nguyện ngắm đầy ưu tư, vấn nạn cám dỗ đời tu. Thầy không tìm thấy niềm vui trong đời sống chung là điều thầy cho rằng quan trọng nhất trong đời tu, bởi vì mình đã không thể hoà đồng, vui vẻ yêu mến người anh em ở ngay bên mình thì làm sao có thể yêu Chúa được? Nói yêu Chúa là giả dối, mà kẻ giả dối chẳng đáng làm người, hẳn là làm con cháu ma quỷ thôi chứ làm môn đệ Chúa sao được. Ngày mới vào dòng, cha Giáo nhà hỏi thầy rằng:
- Con muốn học xong Tú tài mới mặc áo khấn hay khấn trước học sau?
Thầy đã nói thật đúng như suy nghĩ trong lòng:
-Thưa cha, áo dòng đối với con không quan trọng. Con cần đời tu đức.
Thầy không sợ cha ấy nghĩ thầy phách lối. Thầy hài lòng với chính mình vì đã trung thực trong lời nói.
Mới vào tu mà đã hách xì xằng như vậy e không đậu được, em ơi, nhưng không thì thôi, chẳng sợ.
“Bụng nghĩ sao nói vậy, miệng lưỡi chẳng điêu ngoa.”
Thầy Tâm tu dòng “pha”, chiêm niệm và hoạt động, nhưng không vì thế mà thầy chịu được cảnh cứ hết giờ kinh sách trong nhà thờ là quay ra làm việc hùng hục để kiếm tiền. Trong nhà dòng, mạnh ai nấy sống. Thầy cảm thấy bất mãn với những bài huấn đức sặc mùi vật chất. Vấn đề của bề trên lúc này là muốn anh em lưu tâm đến mục đích kiếm tiền. Anh em nào làm việc có lương mang về ắt được bề trên ưu đãi, đối xử vui vẻ. Anh em nào không kiếm ra tiền, dù suốt ngày vất vả với các công tác trong nhà như một bà nội trợ trăm công nghìn việc không tên phục vụ cộng đoàn vẫn bị coi là ăn bám. Thời buổi ngoài đời mưu sinh phải bôn ba, lặn lội, không dễ kiếm ra đồng tiền lương thiện, người ta thất nghiệp dài dài, một thầy tu lớ ngớ ngu ngơ, thật thà chất phác, biết làm sao có tiền mang về cho bề trên vui?  Những buổi họp mặt chỉ toàn than vãn, trách móc. Thầy Tâm không xin được việc trong công ty nào ở ngoài đời, cơ quan nhà nước thì dĩ nhiên là không rồi, bề trên phải giao cho thầy toàn bộ công tác thực hiện sách vở cần thiết cho cộng đoàn, đặc biệt là cập nhật Kinh Nhật Tụng bản dịch mới. Công việc rất thích hợp với người có tâm hồn hướng nội ,củ rủ cù ru như Tâm, nhưng việc này không ra tiền. Vì thế, thầy cứ thấy vẻ lạnh nhạt trong ánh mắt bề trên và thua kém làm sao giữa anh em, mặc dù không thiếu những anh em luôn quý mến thầy, nhưng đó chỉ là những tình cảm riêng tư. Trong đời sống chung, thường ta sẽ gặp được những tâm hồn đồng điệu, đồng cảm, hay cùng sở thích, đam mê với ta, rồi lại có dịp làm việc với nhau nữa thì quý mến nhau, hay nói chuyện trao đổi, sẻ chia tâm sự cho nhau. Yêu mến nhau như thế không gọi là nhân đức. Nhân đức là nhìn thấy hình ảnh Chúa Giêsu trong người anh em, nhất là những người hay làm mất lòng ta, trái ý ta, hay làm cho ta khó chịu, bực mình, nhìn thấy ghét. Lý tưởng đời tu đòi hỏi ta phải yêu thương tất cả mọi người không trừ ai. Ở chung một nhà mà phân biệt, chia rẽ, liếc ngang liếc xéo, giận dỗi, tránh mặt nhau hoặc chỉ yêu người thích mình thì không gọi là đức bác ái tu trì. Thầy không bằng lòng khi thấy một anh kia cứ mất bao nhiêu thì giờ để giặt chăn giặt màn cho bề trên mà anh  ta mến chuộng, đang khi bề trên ấy khỏe mạnh, không bệnh tật, chẳng bận rộn việc gì. Thầy sốc khi thấy một anh kia tát tai một anh nọ vì anh nọ chỉ giúp đỡ một anh khác chứ không giúp mình.Thầy tức vì nghe mấy bề trên gọi nhau vào phòng xem một bộ phim chưởng. Thầy khinh khi thấy thầy phụ bếp kín đáo làm những món ngon riêng  tẩm bổ cho các bề trên đồng hương với thầy ấy. Thầy bất mãn khi thấy một cha trong dòng xử dụng chiếc xe gắn máy mới toanh nhà quê cho. Thầy nản vì thầy nhỏ quá, không nói được. Nói ra thế nào cũng bị quy tội hỗn láo, tội để ý bề trên, tội ganh tị, tội bất mãn, tội xét đoán…
Rồi thầy xét mình. Đúng thật, thầy có những thói đời ấy thật, nhưng bởi đâu?
Không, đã xét mình thì chỉ xét tội mình, không được bởi đâu. Bởi đâu, thế nào cũng ra bởi ai, chẳng hề bởi tôi bao giờ.
Thầy Tâm không nghĩ rằng mình sẽ đổ lỗi cho ai đâu. Thầy chỉ thấy chính mình không tìm thấy lý tưởng trong  cuộc sống hiện tại thì nản mà thôi.
Thầy giống bố thầy, muốn  lên đường đi tìm. Không gặp, chưa gặp thì lại đi tìm, đi tìm  nữa.
Cất tấm ảnh bố mình vào chỗ cũ, thầy Tâm mở sách đạo đức ra đọc. Thầy không suy được gì vì mắt nhìn vào những dòng chữ mà đầu óc để chu du nơi đâu không biết. Anh Vấn, bạn thân, tu cùng lớp đứng ngoài cửa phòng ới vào:
-Ê Tâm, chiều nay nghỉ giờ Luân lý, lên gác chuông?
Gác chuông là một cái tổ hết sức ấm cúng của riêng Tâm và Vấn, hai ông thầy trẻ, lắm nỗi niềm chung riêng, hễ xong công tác hoặc được buổi nào cha giáo cho nghỉ học là hai thầy lại rủ nhau lên gác chuông tâm sự. Nói là tâm sự cho nên thơ, thực ra là để giảm “xì-troét”, như người ta thường nói.
Đường lên gác chuông quanh co, phiền phức, ai cũng ngại, ít người mò lên đấy, mà cũng chẳng có gì cần lên đấy, chỉ trừ ngày lễ lớn phải giăng cờ người ta mới lên.
Có hai lối lên gác chuông.
Một lối là trèo từ mái nhà khách sang, nếu hụt chân có thể bỏ mạng hay nhẹ cũng què.
Một lối khác mua đường, xa xôi hơn nhiều là đi theo cầu thang góc phòng hội, lên hành lang phòng ngủ nhà Khấn có tường gạch xây kín, chiều cao tới cả mét. Dọc theo hết hành lang dãy phòng ngủ nhà Khấn, lên cầu thang góc thư viện. Dọc theo hành lang thư viện, lên sân thượng nhà nguyện tráng xi măng, nơi để phơi củ sắn, dưa cải, lá ngải của thầy nhà bếp và thầy nhà thuốc. Đi hết chiều dài sân thượng, tức là hết chiều dài nhà nguyện, từ đầu đến cuối khoảng năm chục mét, quẹo ngang là tới gác chuông, nơi ta có thể với tay chạm vào vành cái chuông đồng khổng lồ được treo trên nóc gác với chiếc khoen sắt kiên cố. Ở khoảng cách giữa mái nhà nguyện hình tam giác với nóc gác chuông  là một cái sân nhỏ chỉ vừa ba, bốn người ngồi chụm gối, kín đáo, người đứng dưới đất nhìn lên, dù chỉ là khoảng cách độ mười mấy mét chiều cao cũng không nhìn thấy người ngồi trên ấy vì nó khuất sau cái đầu của một chữ M hoa được thiết kế làm cổng chào dẫn vào hành lang tiền đình nhà Chúa. Cái sân nhỏ kín đáo trên ấy chính là nơi hai thầy trẻ hay tìm tới.
Chiều nay, thầy Tâm còn việc trong xưởng in nhưng nể anh em, thầy bỏ việc lên gác chuông. Chốn thân tình, hễ Tâm xả thì Vấn nghe, Vấn xả thì Tâm nghe.
Tâm vẫn luôn dặn lòng, anh em có nói gì cũng phải nhớ một nguyên tắc: Không nói xấu người vắng mặt. Đơn giản thế mà nhiều khi không dễ giữ.
Tâm lên tới nơi đã thấy Vấn có mặt trước. Hai người bạn ngồi xuống bên nhau, một vài giây thinh lặng thân ái vây quanh hai thầy tu trẻ. Thầy Vấn mở lời khoe:
- Hôm qua mẹ em xuống thăm em, anh có biết không?
Tâm vui lây:
- Vậy sao, thích nhỉ. Chắc mẹ anh mệt lắm hả?
Vấn gật đầu:
-Nhưng gặp em, mẹ em nói chuyện rôm rả. Mẹ em khoe chè, cà phê năm nay được mùa, hái không ngơi tay. Hàng đóng không kịp mối gọi. Mẹ em nói cố gắng tu, đến lễ Khấn cả nhà xuống dự lễ.
Thầy Vấn nói đến đây bỗng ngưng, mắt chớp chớp, giọng chùng xuống:
- Em thấy hai bàn tay của mẹ em nổi gân, da mặt thấy sạm hơn, tóc có sợi bạc.
- Mình đến tuổi này thì cha mẹ mình phải già đi, xấu đi, yếu đi chứ làm sao. Ai chẳng vậy.
- Ừ ,thì cũng biết  thế , nhưng … nhiều  khi… em cứ nghĩ…
Thầy Vấn cúi đầu, ngập ngừng không nói nữa. Rồi thầy ngẩng lên nhìn bạn:
- Anh Tâm.
- Hả?
- Thế lỡ năm nay em không đủ phiếu khấn thì sao?
- Thì về. Có sao!
- Nói như anh đâu được. Đừng đùa chứ.
Tâm cứng cỏi lắc đầu:
- Không, em chẳng đùa. Tu tại tâm,Vấn à.
- Dĩ nhiên, nhưng anh biết đấy, cả nhà em kỳ vọng vào em.
Tâm im lặng vì đã biết tâm sự của Vấn là ước ao làm linh mục và cha mẹ Vấn thiết tha với ơn gọi của Vấn lắm. Họ có thể bán hết gia sản để con trai họ có điều kiện đầy đủ theo đuổi đời sống tu trì. Tâm cảm thấy thương xót cho Vấn và cha mẹ cậu ấy. Giả như Vấn không tu được, cậu ấy vẫn là một người tốt cho xã hội cơ mà! Không đi tu nữa đâu có phải là điều làm cho bậc sinh thành phải hổ thẹn, nhục nhã đâu.
Tâm an ủi bạn:
- Em nói anh đừng buồn, thà em thấy anh sống tốt ngoài thế gian còn hơn thấy anh cố níu đời tu mà sống không xứng đáng với ơn gọi cao cả của mình. Em đã nghĩ cho em như thế đấy.
Vấn đưa mắt nhìn ra xa vời, suy nghĩ:
- Anh sống trong một gia đình có tư tưởng thông thoáng, lại là người thành phố, khác em. Ở Bảo Lộc, nhà cách nhà nhưng mọi người biết nhau hết, nhất là người Công Giáo với nhau. Ba em kể năm xưa có thầy quê em tu xuất không dám về nhà, ở rịt dưới Sài gòn, sống lây lất mãi, may cưới vợ, vào được hộ khẩu thành phố. Coi như không tu được, xấu hổ phải bỏ xứ mà đi.
- Mình sống vì dư luận người đời sao Vấn?
Vấn đau khổ biện hộ:
- Tại anh không sống ở nhà quê, anh không biết, dư luận độc ác lắm.
- Khổ tâm thật.
- Vả lại, người nhà quê kính trọng các cha lắm. Nhất Chúa nhì cha.
- Ừ, em biết.
- Lời cha là lời Chúa. Anh biết không? Năm ngoái, dịp xây lại nhà thờ, cha vào nhà em, nói một câu với mẹ em: ”Bà hai cây nha”.
- Là sao?
- Là đóng góp hai cây vàng để xây nhà thờ đó.
Thầy Tâm la hoảng:
- Hai lượng vàng?
- Ừ, hai cây.
- Mẹ anh chịu nộp ?
- Không nộp không được anh ơi. Thế là mẹ em phải đôn đáo bán non mấy tạ cà phê không đủ.
Thầy Tâm nóng hết cả người, cố dằn:
- Không nộp thì sao?
Thầy Vấn nhăn nhó:
- Anh không hiểu được đâu. Ở các giáo xứ miền quê như chỗ nhà ba mẹ em, cha xứ biết rõ khả năng tài chính của từng gia đình. Có nhà cha phán năm cây ấy chứ.
Thầy Tâm ngửa mặt lên trời, cố nuốt cục tức qua cổ. Trời ơi, thảo nào thằng Vấn này nó cố đấm      ăn xôi.
Rồi nó cũng thế thôi, làm cha nó sẽ ăn vàng chứ đâu phải ăn xôi. Thầy cứ thảng thốt khi nghĩ tới những thỏi vàng của mẹ thầy Vấn mà đời thầy chưa bao giờ được nhìn thấy chúng như thế  nào. Thầy nhẫn nhục chúc lành cho bạn một cách bất đắc dĩ:
- Vậy thôi, em mong anh đậu. Anh đậu cho cả nhà anh vui, cả làng anh vui, cho đời anh vui.
Vấn phì cười, quên buồn lo, chợt nhớ bạn cũng có nỗi ưu tư riêng, thầy rụt rè hỏi nhỏ:
- Anh viết đơn xin khấn chưa?
Tâm không trả lời, chỉ lắc đầu. Vấn e dè không dám hỏi tới, sợ không phải lúc.
Vấn biết Tâm trong thời gian qua bị cám dỗ muốn về. Thường, tâm trạng của các thầy gần tới mùa khấn ai cũng thế. Tâm sống tốt, hiền lành và có nhiều tài vặt làm ích cho cộng đoàn, đem vui cho đời sống chung. Cứ như nhận xét của.. ”bề dưới Vấn” thì cá nhân Tâm là một tu sĩ có tư cách xứng đáng, nhưng về hạnh kiểm gia đình Tâm thì Vấn…. không biết. Vấn hy vọng ban cố vấn sẽ hiện đại, thoáng mát hơn, ai chịu trách nhiệm cuộc đời người ấy. Hậu Công đồng cứ là hậu Công đồng, canh tân vẫn cứ chỉ là một từ ngữ … nhẹ như lông hồng. Vấn cũng nhớ lại biết bao nhiêu lần, trên gác chuông này, Vấn và Tâm đã từng phân tích những chuyện lỗi đức bác ái xảy ra trong nhà. Biết bao nhiêu lần, hai anh em bảo nhau cuối tuần phải đi xưng tội vì mình hay bực tức với bề trên, với anh em chuyện này, chuyện nọ, sao đi tu mà thế nọ, sao đi tu mà thế kia.
Vấn bàn:
- Anh cứ viết đơn. Nếu không được, đâu phải tại anh từ chối ơn Chúa.
Tâm bối rối, dựa lưng vào tường, xoay tới xoay lui. Thầy buột miệng:
- Em cảm thấy đi tu mà không sống đức bác ái  với nhau thì vô ích. Làm sao giảng cho giáo dân? Làm sao truyền đạo cho người ngoại?
- Hay tại mình cầu toàn?
- Phải cầu toàn chứ Vấn. Chúa bảo các con hãy nên Thánh vì Ta là Đấng Thánh cơ mà.
- Hay tại mình cứ xét người chứ không xét mình? Tại sao mình không đi trước trong tinh thần yêu thương? Ý em là mình chỉ bất mãn vì thấy người khác chưa sống tốt, còn mình đã chắc là tốt chưa?
Tâm lắc đầu ngao ngán nhìn Vấn:
- Vấn ơi, những gì tởm lợm anh em mình chứng kiến và kể cho nhau nghe có phải là bịa đặt không? Đừng tự dối lòng, dối người chứ! Người này biết cả nhá, anh đừng lên mặt đạo đức dạy em à nha! Anh cũng đã từng: Ông điên tiết rồi đây” mà sao hôm nay ra vẻ bao dung, nhân hậu  quá ha!
Vấn cười, nhớ lại lần thầy bắt gặp hai thầy lớp trên choảng nhau vì một chỗ ngồi trong nhà hội. Hôm ấy Vấn đã có quát lên như thế, mới yên. Công nhận Tâm thẳng tính nhưng hắn nói đúng thật. Vấn là người hay lôi Tâm lên gác chuông, bắt đôi tai của Tâm làm cái bịch cát cho Vấn đấm những khi Vấn bắt gặp những trái khoáy, những trí trá, gian manh trong cộng đoàn.
Tâm cũng thấy, cũng biết mấy chuyện, nhưng mỗi lần muốn mở miệng kể cho bạn nghe, anh lại sợ hai đứa thành bè, thành cánh. Có hai vụ hãi hùng lắm nghe! Muốn trình bày với bề trên tử tế nhưng không biết bắt đầu với danh nghĩa gì cho đáng tin vì ngay cả đối với thủ phạm, mình cũng chỉ là một thằng bề dưới, hạng tép riu. Bề trên tử tế liệu có tin mình không nữa. Nhân chứng nhỏ, vô giá trị. Cũng không biết ai là bề trên tử tế đây? Ôi, tìm được một bề trên đạo đức thánh thiện trên thế gian này thật khó lắm thay! Cuối cùng cả hai an ủi nhau bằng câu nói muôn đời đúng:
- Chúa biết.
Tóm lại, Tâm và Vấn chỉ là hai thằng nhãi ranh trong nhà dòng. Khấn tạm lần hai, oai như cóc chết.
Bề trên mới là chính. Tiếng nói của các cha mới có giá trị. Lại có thứ tiếng nói có hiệu quả riêng. Cứ cố mà lên đến Vĩnh Thệ rồi muốn làm gì thì làm. Giờ đừng vội nói tới canh tân, góp ý, không ai nghe đâu. Còn ương hả? Xéo!
Tâm vừa chợt nhìn thấy sợi dây chuông đong đưa. Có người ở dưới tháo lỏng ra. Thầy vội phủi mông quần, đứng lên nhắc bạn:
- Sắp chuông thong dong đấy, xuống thôi.
Vấn nhắc lại:
- Viết đơn đi nhá.
Nói rồi, thầy đi nhanh xuống trước, thầy Tâm thong thả bước đi sau. Hai người  không dám đi cùng nhau. Trong nhà có một thầy kia chuyên môn để ý ai hay đi với ai, ai hay nói chuyện với ai. Chẳng biết dò xét anh em như vậy để làm gì. Cái thói này ở ngoài đời nó tống cho vỡ mặt.


II/. Một chặng đường
Chuẩn bị lễ Khấn.
Cha bề trên Y-Nhác cho gọi thầy Tâm lên phòng.
- Con đánh máy dùm  cha  tờ Chương trình này, trình bày cho cha thiệp Mời lễ Khấn và đưa in  hai ngàn bộ. Trong vòng một tuần nhé, được không?
- Dạ, con sẽ cố gắng. Thiệp in ốp-sét ạ?
- Ừ, thầy hỏi cha quản lý chỗ in. Thiệp năm ngoái in tốt đấy. Chủ tiệm có đạo, tài trợ mình luôn không tính tiền.
- Dạ, giáo dân có nhiều người tốt lắm ạ.
- Ừ, anh có quen ai  nữa cứ giới thiệu cho cha.
Thầy Tâm cười nhẹ, cáo từ cha  bề trên ra ngoài. Trong trường hợp như thế này, thầy không nên vâng dạ kẻo làm bề trên vui ảo.
Vừa bước dọc theo hành lang tu viện, thầy vừa mở đọc bản nháp viết tay xem trước chương trình lễ Khấn tháng tới của nhà dòng. Năm nào cũng vậy, cứ vào cuối tháng Tư, sau Phục Sinh, mọi anh em trong dòng đều có công tác chuẩn bị cho lễ Khấn. Mùa bận rộn này gọi là mùa Khấn.
Trong chương trình và thiệp mời chỉ ghi: Lễ Vĩnh Thệ và Tiên Khấn. Không có danh sách anh em khấn tạm khấn lại như Tâm, như Vấn. Mọi sự khác sẽ được bề trên công bố trước cả tháng trời, sau những đợt cấm phòng Năm trọng thể để củng cố, ổn định tinh thần người được khấn cũng như người không được khấn.
Thầy Tâm trở về phòng đánh máy, ngồi vào bàn làm việc mà lòng để đâu, đánh chữ cứ sai, sửa đi sửa lại hoài. Rối trí, thầy ẩy ghế đứng lên, đi tìm cha quản lý hỏi địa chỉ tiệm in. Mấy ngày rồi Tâm, Vấn chỉ trông thấy nhau trong nhà nguyện, trong nhà cơm chứ chẳng có thì giờ nói chuyện riêng. Thường là thầy Vấn rất bận. Thầy bận coi heo. Công tác chuyên môn của thầy Vấn là nuôi năm anh chị Trư. Lãnh địa của thầy Vấn là khu chuồng, anh em quen gọi là khu B, cách nhà bếp một khoảnh vườn trồng rau thơm rộng mười tám, hai mươi mét vuông gì đấy.
Cha quản lý Ta-đeo mua đủ các loại hạt giống rau thơm về trồng. Rau thơm lên xanh tốt vẫn không thể nào át nổi mùi con cái nhà thầy Vấn. Chúng trắng hồng đến nõn nà và hôi hám phát nôn. Ấy vậy mà nước phân chúng thải ra, ủ kỹ, để dành tưới cây tốt đáo để. Kinh giới, tía tô, húng chanh, húng quế, rau răm, thì là nẩy đọt xanh mơn mởn suốt mùa.
Thầy Vấn bảo thầy phúc đức được có hàng xóm là một á á thánh. Cha Ta-đeo xin bề trên cho chọn cái phòng rất gần khu vườn quyện ảm cả hai thứ đặc – mùi trên làm văn phòng Quản lý. Trước kia nó là cái kho nhỏ chứa lương khô, sau bị dột mất ba góc, phải chuyển lương thực đi, nhưng bỏ không thì phí. Cha bảo phòng này còn đẹp chán, hơn hẳn nhà bố mẹ cha ở Phường Đúc. Cha cứ ở, bao giờ bề trên bảo cách khác thì xin vâng.
Bây giờ xuống khu B tìm cha quản lý thế nào cũng gặp thầy Vấn!
Quả y như thế, nhưng ngài ấy đang chuẩn bị cho heo ăn, không gặp được. Chúng ụt ịt inh ỏi, ai nói người ấy nghe.
Còn cha quản lý thì đang chổng mông ngoáy nồi cám phụ thầy Vấn.
- Cha ơi, kệ anh Vấn, để anh ấy làm. Sao cha cứ mua việc vậy?
- A, thầy Tâm xuống chơi tệ xá chúng tôi. Rảnh quá hỉ thầy Tâm?
Vừa thẳng người, ngừng tay ngoáy, cha vừa quệt hơi cám heo xông lên, nhỏ ròng trên mặt, vui vẻ phân trần:
- Nóng quá bọn hắn ăn chậm, mình chờ sốt ruột, Vấn hỉ. Ngoáy cho mau nguội.
Gặp cha Ta-đeo là vui. Cha có giọng Huế ngọt và nhẹ. Tâm lại gần bên, thưa cha về lời cha bề trên bảo. Cha cười hà hà:
- Khó chi mô. Vô phòng, chờ xíu, cha tìm trong sổ hỉ.
Hai cha con vô nhà kho cũ. Cha quản lý mở sổ, ghi cho Tâm địa chỉ và tên tiệm in tốt bụng. Cha thì thầm:
-Tay nhà in Ngọc Chân đây hay làm phúc, mình đâm ngại. Mấy lần cha đưa hắn in, in xí xí, hay in số lượng lớn, hắn có đả động tới công xá chi mô, trả tiền nhất định không lấy. Hắn tốt như rứa, Cha không muốn lợi dụng lòng tốt của giáo dân, con hiểu chứ?
- Dạ, con hiểu. Con cũng nghĩ giống cha.
Thầy Tâm hỏi ý cha quản lý có nên đưa nơi khác in thiệp chăng. Ngài nói, thôi để ngài nói chuyện với cha bề trên xem sao đã.
- Vậy xin cha đưa in dùm con luôn nhé.
- Ừ, đưa văn bản cho cha.
Tâm bắt chước giọng Huế ngọt:
- Con cảm ơn cha hỉ!
Vậy là ngài đã cứu Tâm một bàn trông thấy. Tâm không thích thấy bề trên hỉ hả vì được giáo dân làm không công cho mình. Tâm nghĩ, nếu sau này đi coi xứ, Tâm thà nghèo túng, thiếu thốn còn hơn nài ép giáo dân đóng góp này nọ. Người ta không nói ra đâu, nhưng họ khinh mình trong bụng ấy.
Tâm hẹn cha quản lý hai ngày, rồi trở ra gặp Vấn:
- Anh Vấn, em nghe lời anh, viết đơn rồi đấy.
- Nộp chưa, nộp chưa? Vấn hỏi tới tấp.
- Từ từ, xong việc in thiệp cho bề trên, nộp luôn.
Vấn toét miệng cười:
- Cũng được.
Tâm rất thích tâm hồn chất phác quê mùa của Vấn. Cái gì cũng thẳng ngay như ruột ngựa, không để bụng với ai. Nói vậy chứ cũng tuỳ. Thầy Vấn đã có lần công khai hỏi tội một anh chàng lớp trên về cái thói hay để ý việc người khác rồi đi hót với bề trên lấy điểm. Thầy thấy xấu là bạt phăng, nhưng đi tu mà thật quá như thế không hay.
Nhiều khi người nhà tu lầm lẫn giữa việc xét đoán anh em với khả năng phân biệt tốt xấu. Có người thấy việc xấu xa, mờ ám không dám tố cáo, sợ lụy vào thân. Hoá ra sự im lặng lúc này là một thái độ hèn kém và ngu xuẩn, bất xứng với bậc tu hành.
Cắt đứt  những suy tư hay làm cho lòng thêm phiền muộn, thầy Tâm chào bạn rồi lao về phòng bắt tay ngay vào việc để kịp hẹn đưa nội dung cho cha quản lý, sau đó còn phải chuẩn bị sách hát cho anh em về dự lễ khấn nữa.
Phó thác cho cha Ta-đeo như vậy rồi quên bẵng đi, hai tuần sau cha gọi, mới nhớ.
Vậy là chương trình và thiệp mời đã hoàn tất và đã đến tay ban bệ. Nhiều cha trẻ khen thiệp mời năm nay màu sắc hiện đại, đẹp hơn năm ngoái. Thì năm ngoái cũng là tay Tâm chứ đâu. Kể cũng vui, như vậy là mình có tiến bộ trong nghề đấy chứ. Thiệp năm nào cũng vậy, cứ theo ý tưởng của cha Giáo dạy Luân lý, thiết kế sao cho có cảnh nhà nguyện trong ngày Lễ Trọng tấp nập, hoành tráng, giáo dân tham dự đông đảo, có cảnh áo dòng tu sinh, áo màu thiếu nữ, công an dân phòng cứt ngựa hòa hợp, cho nhiều màu sắc. Chẳng biết có khi nào “đấng” ban ý tưởng thiết kế lại yêu cầu đưa cả Cộng Hòa-Xã hội.. vân vân… với cờ đỏ vào nội dung Thiệp mời của nhà Dòng không nhỉ! Ai biết khi nào loạn ắt là người tài đó.
Sách hát cũng xong rồi, Tâm yên lòng dẹp công việc qua một bên. Bây giờ chuẩn bị vào tuần phòng được rồi. Chỉ còn hai ngày nữa thôi. Năm nay, các thầy khấn tạm sẽ đi cấm phòng ở Châu Sơn. Nghe Châu Sơn là anh nào anh nấy thích chí, rú lên sung sướng, họ làm như chưa bao giờ được sống đời cầu nguyện, tĩnh tâm  đúng nghĩa như lần nào đó đã được lên Châu Sơn, chạm vào tinh thần chiêm niệm của Châu Sơn không bằng.
Thầy Tâm, thầy Vấn cũng thế. Hai thầy bồi hồi nhớ lại khung cảnh ấm cúng, thánh thiện trong dòng Châu Sơn. Cách đây hai năm, lớp Tập các thầy đã được lên đó cấm phòng. Dòng chiêm niệm có khác. Họ hát Thần tụng hay tuyệt. Không bè, không đuổi, không rộn rã trống đàn, cứ thong dong, thảnh thơi ca ngợi, làm như họ chẳng có việc gì ngoài việc ca tụng Chúa. Nghe các cha, các thầy Châu Sơn hát, ai cũng mê mẩn tâm thần, tưởng như mình đang ở trên thiên đàng. Nếp sinh hoạt của nhà dòng ấy cũng thật là hay. Các cha, các thầy tự cày bừa, tự trồng cấy, tự chăn nuôi, tự làm hết mọi việc, cung cấp mọi nhu cầu thiết yếu cho nhà, không phải mướn thợ, không phải bỏ tiền mua máy móc, dụng cụ vì trong nhà có sẵn kỹ sư, nhà sáng chế, kiến trúc sư, họa sĩ, bác sĩ v.v. Trong nhà dòng, máy bơm, máy phát điện, máy ủi đất, máy cày, máy gặt, máy tuốt lúa, máy xay, v.v. đều là sáng tạo của các cha các thầy. Tất cả đều có tuổi thọ rất cao, dĩ nhiên là được bảo hành vĩnh viễn. Các thầy tự học tất cả để đem tất cả phục vụ cộng đoàn. Họ chỉ biết làm việc và cầu nguyện.
Điều sáng rỡ, đáng yêu và lôi cuốn khách hành hương nhất là vẻ đẹp toát ra từ nhân đức khiêm nhường đạo hạnh của từng cha, từng thầy. Từng lời ăn, tiếng nói, từng cử chỉ, thái độ họ đối với ta, với anh em trong nhà họ, đều là nhỏ nhẹ, tôn trọng, hiền hoà và chân thật.
Thế mới là Muối. Muối cho chính anh em sống với mình, ngay bên mình mới là muối thật.
Thầy Tâm nhớ lại bố thầy cũng đã từng trở về với Chúa nhờ ơn gặp được sự khuyên bảo của một linh mục dòng đan tu nổi tiếng này.
Được tĩnh tâm tại Châu Sơn còn gì thích bằng. Người như thế, cảnh vật, hoa cỏ đẹp như trong tranh, khí hậu trong lành, thanh khiết, sống trong nhà Chúa như vậy không làm thánh thật uổng.
Thầy Tâm tần ngần giở chiếc áo ấm thầy Vấn có dư, chia sẻ cho thầy từ lần trước lên Châu Sơn, như một kỷ niệm thân ái giữa  hai anh em. Đã biết cao nguyên lạnh như thế nào, lần này thầy chuẩn bị cả găng, cả vớ, cả khăn len. Con người ta thế đấy, trước tiên là phải lo phần vật chất đã. Ngồi trong phòng co rúm người, ra ngoài trời chân tay run bần bật, cũng khó cầm lòng cầm trí chớ! Vậy mà vẫn cứ thích ngắm sương mù ban sớm. Sương trắng, lạnh, đẹp và thơm mùi cây cỏ. Hơi sương từ trong miệng phả ra khi anh mở miệng nói trông thật buồn cười. Người nào cũng khoác lên mình một tấm áo len, áo dạ, người dày cộm những vải những len mà vẫn co ro như không đủ ấm. Thanh niên trai tráng mà còn thế đấy. Đúng là dân Sè-goòng. Hôm qua Tâm thấy Vấn nhắc nhở từng anh trong lớp nhớ mang quần áo ấm đi tĩnh tâm. Các thầy khấn tạm hồn xác chộn rộn, lao xao.
Thầy Tâm ta thì bâng khuâng, mơ mộng như nhà thơ đang tìm hứng. Thầy hồi tưởng những giây phút được hiệp thông với các cha các thầy khổ tu hát kinh tại triều ca trong nhà nguyện dòng chiêm niệm ấy. Chao ôi sao mà thánh thiện đạo đức quá chừng. Những giai điệu bình ca giản dị thanh thoát, những lời thánh vịnh sâu lắng thiết tha nâng tâm hồn con người ta lên cao  mấy tầng trời không muốn rời xuống.
Vậy rồi cũng phải rớt cái bịch thôi, bởi vì tuần phòng chỉ có chín ngày. Thiên thần lực lưỡng, chơi banh, tập tạ mỗi ngày, xì-ke nhất cũng năm chục ký lô, đến ngày thứ mười, ngài nào không rớt cái bịch mới lạ.
Từ khi rớt cái bịch, con người thực tế lại bắt đầu lao vào khổ – tập – diệt – đạo, nói theo giáo lý nhà Phật, dẫu có là nhà tu hành chân chỉ hạt bột như … Vấn của Tâm đây chẳng hạn. Tâm còn tệ hơn nhiều, bởi vì Tâm cả nghĩ, Tâm cầu toàn, Tâm cứ đòi lý tưởng phải rõ ràng trước mắt mới chịu. Cho nên Tâm khổ. Tâm khổ đi, khổ lại. Lên khấn huy hoàng, bước xuống thấy khổ sở, lại lên khấn huy hoàng, bước xuống lại thấy khổ sở.
Vấn thì không. Thầy ấy vô tư như chú heo con trong chuồng. Lần tư lự gần đây nhất là hôm hai anh em tâm sự trên gác chuông ấy.
Có vẻ như hai tính cách bù trừ cho nhau.
Tâm chợt cảm thấy bồn chồn khi nghĩ đến giây phút gặp gỡ bề trên trong những ngày sắp tới, khi đi cấm phòng Năm về. Anh nào khấn tạm cũng vậy thôi. Mỗi năm một lần, nghe gọi là mồ hôi toát ra như xông cảm. Dầu vậy, như một trang sách, loại Học làm người có viết, mọi trạng thái căng thẳng đều luôn nhẹ bớt nếu ta ý thức được và biết tự chủ, trấn an tinh thần, bình tĩnh đón nhận mọi kết quả có thể xảy ra cho mình. Tuần phòng Năm cần thiết cho các thầy là vậy, nhưng đã bảo, thầy Tâm là người cả nghĩ. Lúc nào thầy cũng suy tư, trăn trở. Cái tính ấy làm cho con người ta ra ông cụ non thôi thầy ạ.
Giuse Tâm mở ngăn kéo bàn, lấy ảnh bố thầy ra ngắm, trầm ngâm thương nhớ. Thầy  nguyện thầm rồi cất ảnh đi, đoạn tìm một mảnh giấy trắng đặt trên bàn. Thầy muốn áp dụng một phương pháp tự chủ để chuẩn bị tinh thần cho những gì sắp xảy ra trong những ngày tới. Thầy lấy bút chia cột trên tờ giấy. Trên đầu mỗi cột, thầy ghi một từ mang tính chỉ định sự kiện, đại khái như:
Khấn  -  Không khấn  -  Hoãn…
Rồi thầy tự sắp đặt đời thầy vào từng hoàn cảnh có thể xảy ra đó.
Nếu như vậy, thì mình làm sao? Ghi ra.
Nếu rơi vào cái này thì mình sẽ thế nào? Ghi ra.
Cứ ghi những khía cạnh tích cực trước để tạo sự phấn khởi cho bản thân. Coi như ta đón nhận hết bất cứ nghịch cảnh nào sẽ xảy ra cho ta, kể cả điều tệ hại nhất.
Khấn? Thì ghi:
+ Vẫn là một tu sĩ, có điều kiện để sống lý tưởng, tiếp tục đi tìm sự cao vời như lòng mong ước.
+ Nếp sinh hoạt hằng ngày không bị xáo trộn.
+ Lại tiếp tục những ngày tháng kỷ luật, điều độ trong nhẫn nại, cố gắng vươn lên.
+ Lại chiến đấu với những trái ý trong đời sống chung.
+ Vẫn sống chung với những con người ấy, những tính cách ấy.
Hoãn? Thì ghi :
+ Có  cơ hội để nhìn lại kỹ hơn, khách quan hơn mọi vấn đề mà không sợ ăn gian thời gian của Chúa.
+ Thua kém anh em cùng lớp: Viên thuốc phòng bệnh kiêu ngạo có tác dụng suốt đời tu.
+ Hơi buồn vì sẽ khấn Trọn cách Vấn một năm.
Tâm bỗng bủn rủn khi nhìn vào cột Không khấn.
Thầy chẳng biết ứng phó làm sao nếu bỗng dưng phải đối diện với hoàn cảnh này. Cây bút bi thầy cầm trên tay rung rung theo mấy ngón tay run rẩy. Thầy đặt ngòi bút xuống mà không biết viết gì, định viết mà không viết được.
Thầy mơ hồ tưởng tượng thầy đang lại sống trong gia đình mình, một cuộc sống lâu nay đã trở nên xa cách, đâm ra khó chấp nhận:
Không dễ đi lễ mỗi sáng đều đặn.
Không tiện viếng Thánh Thể.
Không có chỗ yên ắng đọc kinh, đọc sách.
Không giờ giấc, không chuông.
Không luật thinh lặng, không huấn đức.
Không ăn cơm đúng bữa.
Không sống sạch sẽ, gọn gàng như ý.
Không đi ngủ đúng giờ được.
Trong một căn nhà nhỏ, ai muốn nói lúc nào cũng được, ai muốn ngủ thì lăn ra ngủ. Ai đói thì xuống bếp mò cơm lên nhà ngồi ăn. Nhồm nhoàm, vừa ăn, vừa nói, vừa cười. Trẻ con nghịch ngợm, phá phách, la khóc om sòm. Hàng xóm chạy qua chạy lại, ti-vi mở bất cứ lúc nào, những bản nhạc, những lời ca não nề, bi luỵ… Thầy sẽ bất đắc dĩ  phải tham gia vào những câu chuyện của người khác, không liên quan đến mình.
Rồi mẹ thầy và anh em thầy sẽ làm việc để nuôi thầy? Không. Thầy phải vất vả chứ.
Thầy sẽ phải đi tìm việc làm.
Người ta sẽ từ chối.
Người ta sẽ thử việc, rồi chê bai.
Thầy sẽ làm công cho chủ.
Việc sẽ không đúng ý mình.
Lương sẽ không đủ ăn.
Sẽ có ngày thất nghiệp.
Có thể mẹ và các anh sẽ cằn nhằn.
Đầu óc sẽ chỉ quanh quẩn với tiền bạc.
Sẽ phải bon chen, giành giựt.
Ôi trời!
Chúa ơi, ngoài đời xô bồ quá con sống thế nào được. Chúa biết con quen nếp sinh hoạt nhà tu ổn định và yên ả rồi. Từ trước tới giờ con có phải quyết định điều gì đâu! Mọi sự có bề trên lo cho hết. Người đi tu cứ thảnh thơi, thanh nhàn, vô tư lự. Đời tu hạnh phúc, sung sướng ở chỗ đó. Con quen rồi.
Chúa ơi, con sợ. Xin đừng đảo lộn tùng phèo lên, con chịu không nổi. Con yếu đuối lắm.
Trong tâm trí thầy, nỗi hoang mang bối rối lo âu lên đến cực điểm.
May thay, những khi lâm cơn cùng quẫn, người ta  luôn luôn được ơn Chúa chạnh thương. Chúa nhắc cho thầy Tâm nhớ đến á á thánh Ta-đeo quản lý nhà, một người nhân đức. Chúa ban các tâm hồn đạo hạnh cho ta cậy nhờ, bàn hỏi vì Chúa không muốn hiện ra hoài. Hiện ra hoài con cái lờn mặt! Hi hi!
Thầy để trống cột Không khấn, đứng lên, bỏ dở công trình sắp đặt cuộc đời trên trang giấy ấy, một bước đi về khu B, hương húng quế hòa lẫn mùi phân heo, cám lợn thân quen sắp sửa ập đầy hai lỗ mũi.
Tối hôm ấy, thầy Tâm được một cái hẹn như ý.
Đêm hôm ấy, có hai tâm hồn, một già, một trẻ cùng nhau hoà điệu, đồng cảm, tìm lối vươn lên ý nghĩa cao vời, tuyệt đỉnh của đời người Kytô hữu tận hiến theo Thánh ý Chúa. Thầy Tâm sướng, có thiên thần bay lượn quanh mình. Khuya khuya khuya, cha già quản lý mới hối thầy về phòng.
Cũng nhờ có một đêm tâm tình với cha Ta-đeo như vậy, sáng ngày đoàn tu sinh khởi hành vào cuộc cấm phòng Năm, một Giuse Tâm đã vui vẻ cùng anh em lên đường. Nụ cười phấn khởi, lòng trí an vui, thầy đã có được tinh thần phó thác xin vâng đến với thầy trước cả tuần Phòng.
Chín ngày thầy Vấn đi tĩnh tâm, cha quản lý ở nhà lo luôn việc tắm heo, cho heo ăn. Cha phải làm quần quật suốt ngày vì sau khi  các cha, các thầy dọn mâm bữa trưa xuống cha mới có thể thu dọn đồ ăn thừa cho chung vào nồi cám. Buổi chiều cha phải tắm cho lũ heo, rửa chuồng, che chắn cho chúng ngủ yên qua đêm. Ở gần chuồng heo, cha cũng đã quá quen với chúng, vả lại, mẹ cha ở quê cũng nuôi heo. Nhiều khi cha yêu các thầy trẻ như thầy Tâm, thầy Vấn như yêu lũ heo con. Nếu chúng cứ đơn sơ, hồn nhiên ăn rồi ngủ theo giờ, ắt chúng lớn nhanh, mau lên ký.
Cha hy sinh làm tuần chín ngày hợp ý với các thầy khấn tạm đang cấm phòng, cách riêng cầu nguyện cho thầy Tâm, thầy Vấn là chỗ thân quen, nhờ cậy lời cha. Cha đã biết, mùa Khấn cũng là mùa của “hoa và nước mắt”. Cha thương các thầy lắm. Cha mong, dù đậu hay không các thầy cũng vui vẻ đón nhận ý Chúa trong đời. Ý Chúa sẽ được thể hiện qua ý bề trên. Phải tin như vậy.
Mùa Khấn còn được các thầy đặt cho cái tên là mùa “Phán xét”. Đến mùa, bề trên sẽ ngồi trong phòng, cho gọi từng thầy vào để gặp gỡ, tìm hiểu chuyện tâm hồn, chuyện lương tâm, chuyện đời tu, đồng thời, nếu có thể được thì bề trên tuyên bố kết quả phiếu bầu của ban Cố vấn nhà dòng xem năm nay thầy ấy có được tiếp tục khấn tạm lại hay không. Kết quả phiếu quá bán thì ổn thôi, không nói làm gì. Không được ba trên năm, có nghĩa là phải xuất, không được tu nữa, không được sống trong nhà dòng nữa mà ra ngoài đời, sống như mọi thanh niên khác. Xuất cũng có nghĩa là thầy ấy không còn là tu sĩ của dòng, không mặc áo dòng nữa, phải tự kiếm công ăn việc làm nuôi thân và có thể lập gia đình như mọi người đàn ông độc thân khác. Dĩ nhiên, thầy ấy có thể đi tu dòng khác, nếu muốn.
Vào gặp bề trên thì phải riêng từng thầy. Cũng tuỳ trường hợp, có người vào gặp chỉ nửa giờ. Có người vào cả hai tiếng đồng hồ, lại có người cả buổi, lấn cả sang giờ cơm trưa của bề trên. Có người gặp bề trên xong, bình thản như không có sự gì xảy ra. Có người vui vẻ, chắc chắn được khấn lại. Có người buồn, thân, hỏi thì biết là được khấn nhưng không nói vì sao lại buồn, chắc bị bề trên nhắc lỗi nhiều. Có người ra mắt đỏ hoe. Có người bề trên gặp đi  gặp lại.
Năm nay cũng thế.
Đoàn đã trở về nhà được hai ngày. Tuần phòng nhanh vậy đấy. Ai nấy lại vào việc của mình. Gặp các thầy mới trong tuần phòng ra, những vị ở nhà không đi dịp này trêu:
- Nóng quá, cậu tránh xa tớ ra.
Giá mà họ cứ để cho sức nóng của Chúa Thánh Thần nung nóng họ mãi nhỉ! Và để “tranh thủ”, các bề trên vào việc luôn.
Mấy ngày nay, lớp thầy Tâm, thầy Vấn lần lượt được gọi lên gặp bề trên.
Cái giờ phút cực kỳ quan trọng trong đời tu của thầy Vấn xảy ra khi thầy Tâm đang cùng một thầy khác làm công tác sơn lại nhà nguyện để chuẩn bị lễ khấn. Thầy Tâm vừa leo lên gác chuông để sơn lại chữ M trước tiền đình. Một chữ M này thôi phải cả buổi.
Mãi sáng hôm sau mới đến phiên thầy Tâm được gọi.
Cha bề trên ngồi sẵn sau bàn làm việc của ngài, vui vẻ, dịu dàng mời Tâm vào phòng và bảo nhẹ:
- Ngồi đi Tâm.
Tâm ngồi vào chiếc ghế trống đặt trước bàn, một tay vịn vào cạnh bàn, im lặng, đợi chờ.
Cha bề trên ân cần hỏi thăm đôi ba chuyện có liên quan tới công tác chuẩn bị băng rôn, sơn phết, chỉnh trang nhà nguyện mà thầy Tâm có một phần trách nhiệm. Cha tỏ vẻ hài lòng về tất cả mọi sự, không một lời phiền trách. Đoạn, phải mất đi một vài giây ắng im ngắt quãng, ngài chuyển hướng câu chuyện với vẻ mặt và giọng nói ngập ngừng, biểu lộ đôi chút đắn đo, ngài cảm thông với thầy Tâm khi phải báo tin buồn là thầy không đủ phiếu khấn.
Ngài chuẩn bị dang hai tay để ôm choàng lấy thầy mà ai ủi vỗ về. Chưa lúc nào ánh mắt cha hiền hậu và tràn đầy yêu thương cho bằng lúc này. Niềm mến thương của bề trên trong giây phút này thường có tác dụng làm dịu lại hoặc ngăn chặn được những cơn bất bình đột xuất, những bất mãn bộc phát không kịp kiểm soát, những đòi hỏi, những yêu cầu gắt gao, vô lối hay có khi còn mang vẻ hỗn xược, bất cần đời, đòi ngài phải minh bạch, công khai kết quả, hay nhẹ hơn là những giọt nước mắt đớn đau của kẻ bị loại bỏ, bị từ chối.
Hôm nay, Tâm chính là kẻ bị loại bỏ, bị từ chối ấy.
Thầy ngoan ngoãn lắng nghe trọn phán quyết của bề trên.
Một giây im lặng nặng nề trôi qua với hai cha con.
Không, chỉ là nửa giây thôi, rồi Tâm bình thản, nhẹ nhàng thưa:
- Thưa cha, con xin kiếu về phòng thu dọn đồ đạc, quần áo.
Đoạn anh đứng thẳng lên, lễ phép cúi đầu chào, quay gót bước ra khỏi phòng bề trên.
Vị Tổng quyền tu viện cứ há hốc miệng nhìn theo người bề dưới có thái độ lạ lùng kia. Chưa bao giờ ngài gặp một thầy nào xử trí sự việc cách bình tĩnh và nhanh chóng như thế. Có phải đây là Tâm của mọi ngày mà thầy đã không nhận ra? Nó gói trọn vẻ nhẫn nhục đứng đắn, lẫn thái độ khinh mạn của một  chàng tuổi trẻ sa cơ, thất thế nhưng hãnh tiến, không thất vọng, nhu nhược.
Tâm như đã định.
Thầy đi dọc theo hàng lang phía sau dãy tường nhà khách để về phòng riêng. Việc của thầy bây giờ là gom hết quần áo, đồ dùng, sách vở cá nhân vào va li. Hai chiếc áo dòng gửi trả nhà dòng. Xong thì đi chào các cha, các thầy trong nhà rồi về gia đình ngay trong buổi chiều này. Tối nay thầy sẽ có mặt ở gia đình thầy. Kể từ buổi tối nay, thầy sẽ sống một cuộc đời khác hẳn. Thầy sẽ là một người thế gian, một người phàm đúng nghĩa. Thầy không còn là một tu sĩ nữa đâu. Mà không là một tu sĩ nữa thì có phải là mất linh hồn rồi đâu! Thầy Tâm cứ miên man suy tư suốt đoạn đường đi từ phòng cha bề trên về, cho đến khi thầy chợt nghe sau bức tường nhà khách có tiếng khóc của ai đó. Thầy đi sát vào bức tường theo quán tính và như thế, thầy nghe rõ được đó là tiếng gào khóc nức nở liên tục của một phụ nữ trong câu chuyện đang nói với một ai khác nữa. Người kia là nam, có lẽ là tiếng thầy phụ trách nhà khách. Người phụ nữ có lúc gào lớn tiếng hơn, có lúc như phân bua dai dẳng, có lúc như tỉ tê, van nài. Giọng người đàn ông nhỏ nhẹ, thỉnh thoảng phát biểu và không rõ tiếng. Tâm quyết định vòng lên đằng trước để xem cho biết người phụ nữ gặp chuyện đau khổ đó là khách của anh nào trong nhà. Vừa bước lên bậc tam cấp vào hành lang nhà khách,qua cửa phòng Trưng bày, thầy Tâm thấy từ xa, dáng tất bật của thầy Ngọc nhà khách tiến tới gần mình. Thầy Ngọc lướt qua thầy Tâm, mau chóng ghé sát, rỉ tai thông tin:
- Mẹ anh Vấn ở Ban Mê xuống. Khóc quá, mình đi mời cha bề trên đây.
Tâm vội hỏi vớt:
- Vấn báo tin về nhà cách nào nhanh vậy?
Ngọc vừa quay lưng đi, vừa ngắn gọn:
- Đánh giây thép.
Cho đến lúc này, Tâm mới  biết Vấn cũng không đủ phiếu như mình. Hèn chi từ hôm qua tới giờ Vấn biến đi đâu mất, không thấy mặt mũi đâu.
Thôi rồi ! Bà mẹ “hai cây” này đã từng xây mộng cao cho đứa con trai yêu dấu đây mà. Tội nghiệp quá ! Đúng như Vấn nói, ở nhà quê, giáo dân coi trọng chức linh mục ghê gớm lắm, cho nên thất vọng này của Vấn là một thảm họa cho bà.
Trường hợp Tâm thì khác. Tâm, Vấn cứ luôn có những tính cách trái nhau.
Chút xíu nữa đây, Tâm sẽ xuất hiện ở trước cửa nhà và bấy giờ mẹ Tâm mới biết con mình không còn tu nữa. Sẽ không có gì khủng khiếp xảy ra cho nhà Tâm, Tâm biết, bởi vì hình ảnh một cha xứ, hình ảnh một linh mục chưa bao giờ là hình ảnh đẹp đối với những người trong gia đình thầy. Cũng may !
Ngay đối với chính bản thân mình, thầy Tâm vẫn luôn tự nhủ: Ở đâu cũng phải làm Muối. Đi tu mà không “mặn mà” thì đừng tu còn phúc hơn.




III/.  Hương của muối
Thời điểm câu chuyện trên xảy ra là năm 1981. Còn bây giờ đã là đầu thế kỷ 21. Một trong những biến cố xảy ra ngày xưa ấy, dẫu trọng đại, giờ cũng chỉ còn là kỷ niệm nhẹ nhàng đối với một cụ bà tám mươi lăm tuổi.
Trong căn nhà gỗ ba gian, cây mít ở vùng cao nguyên giá lạnh, bà cụ thường hay ngồi trong chiếc ghế bành ấm cúng kể chuyện ngày xưa cho con cháu nghe. Bà hay kể chuyện vì người già nhớ kỹ quá khứ và vì con cháu muốn tạo điều kiện cho não bộ bà luôn hoạt động, không cho nó ở không. Tuổi già mà cứ để đầu óc lười biếng, không làm việc, sợ sớm lú lẫn, hay quên. Ông bố trong nhà phân công:
- Đứa nào học bài xong, việc nhà xong, rảnh thì ngồi tiếp chuyện bà. Hỏi bà chuyện này chuyện nọ. Bới chuyện ngày xưa ra mà hỏi, đừng để bà ngồi một mình, buồn rồi cứ ngủ gà ngủ gật. Đừng mở ti vi nhiều. Đừng để bà ngồi không. Hát cho bà nghe.
Bố mẹ chúng sanh cho ông bà liền tù tì một lúc bốn đứa cháu trong vòng có sáu năm.
Bốn đứa cháu nội bà lớn dần lên như lũ heo con kháu ăn. Nay thì hai đứa con gái lớn đã lập gia đình ra riêng, nhà chồng chúng cũng cùng thôn Anh Lan này, chạy  đi chạy về suốt. Nhà chỉ còn hai đứa bé. Thằng anh lớn hơn con em hai tuổi, cả hai theo nghề sư phạm, đang làm thầy giáo Toán cấp Hai, cô giáo cấp Một, hằng tuần sinh hoạt ca đoàn, dạy giáo lý thiếu nhi, cắm hoa nhà thờ. Chúng láu táu, hay trêu bà nội nhưng có hiếu và biết lo cho gia đình.
Chúng rất yêu bà nội chúng. Bà nội chúng, nếu đứng lên chỉ cao chừng thước hai vì bà bị còng lưng. Bà bị còng lưng vì ngày còn trẻ, bà phải hái chè, hái cà phê, nhặt chè, cân cà phê, làm vườn, gói hàng, bán buôn nhọc nhằn vất vả để nuôi bố chúng ăn học ở thành phố. Ông bà chúng phải chạy từng bữa ăn, từng manh áo, từng đồng học phí cho bố chúng, cho đến ngày bố chúng từ thành phố về, mang sức trai phụ giúp gia đình, ông bà mới đỡ khổ.
Từ khi ông chúng bệnh, nằm một chỗ không đi nhà thờ được, trong nhà thường văng vẳng tiếng thánh ca mở từ những đĩa nhạc đạo để ông hợp ý ca ngợi Chúa, Mẹ, các Thánh và hướng lòng trí ông về những sự cao vời.
Bà còn yêu cầu các cháu mở những phim hay ngày xưa như Cuộc đời Chúa Cứu Thế, Quo vadis, Mười điều răn, Giai điệu hạnh phúc, Marchellino cho bà xem đi xem lại không chán. Một lần thằng cháu lớn đi tìm đâu được phim The Passion về mở cả nhà xem để suy niệm mùa Chay. Gớm, bà thương Chúa Giêsu chịu quân dữ đánh đòn, khóc nức, khóc nở suốt từ đầu đến cuối, hai tay cứ nắm vào, đấm thùm thụp vào vai, vào lưng như đánh tội mình.
Nói chung, người con trai của bà và các cháu bà đã làm cho bà rất hạnh phúc. Cuộc đời bà càng về già càng nhiều vui sướng, ủi an hơn. Bà chẳng ước ao gì nữa ngoài một gia đình ấm cúng, con cháu hiếu đễ như thế này.
Ông mới về chầu Chúa năm ngoái, bà buồn nhớ cả năm trời, may có lũ cháu vui vẻ chăm nom săn sóc, bà đã nguôi ngoai, nhưng tuổi già khiến mắt bà ngày càng kém cỏi và tai bà nghễng ngãng hơn. Bù lại, bà có giọng nói sảng khoái, khỏe mạnh của người con miền cao nguyên núi đồi trùng điệp. Bà đọc kinh to và hát lễ cao vút còn hơn giọng những cô gái trẻ. Hai cháu gái gọi đùa bà là ca sĩ Siu-bà-Nội.
Những chuyện bà kể, quanh đi quẩn lại độ chừng mươi chuyện, lần nào cũng với ngần ấy câu, cùng một cách dùng chữ, nhấn nhá đúng như lần trước đã kể.
Có một chuyện được bà kể cả một tỉ lần – con cháu bà nó nói thế, cứ đến câu: “Lúc ấy, bà quỳ xuống van lạy các cha” thì bà lại phì cười rồi nói tiếp  vì đã ngộ ra Ơn Chúa: “Như bây giờ thì bà chẳng làm thế đâu”.
Đấy, nhờ câu chuyện này mà lũ cháu bà mới biết rằng bố chúng là dân tu dòng Thánh Bô-na-ven-tu-ra. Năm xưa, khi nhận được tin con trai không đủ phiếu khấn, bà đã hộc tốc leo xe đò chạy suốt về Sài gòn, vào thẳng nhà Dòng để tìm cha bề trên hỏi cho ra lý do tại sao con bà không được tu nữa, và nếu có thể được thì xin các cha cho cháu nó hoãn lại, chứ đừng bắt nó xuất có được không. Bà đã quỳ xuống, khóc lóc thảm thiết mà xin các cha cho con trai bà được tiếp tục sống đời tu cao quý vì bà muốn thế. Đời bà chỉ ước ao một niềm là con bà đậu Linh mục. Các cha muốn gì bà xin dâng.
Thế mà bây giờ, mỗi lần lũ cháu vặn hỏi bà nhiều câu cắc cớ để xem tâm lý và lập trường của bà có suy suyển theo tuổi già không. Cả tỉ lần bà đều dứt khoát tuyên bố: Bố chúng mày sống ngoài đời có ích nhiều hơn là đi tu.
- Thế là bà không quý chức linh mục nữa à?
- Quý chứ. Đây là bà nói riêng trường hợp bố mày thôi.
- Sao lúc bố con xuất bà lại khóc lóc van xin bề trên nhà dòng ấy?
- Bấy giờ bà nghĩ thế, bây giờ bà nghĩ khác.
- Bây giờ bà nghĩ sao về bố con hở bà?
- Bố mày sống tốt, tốt lắm.
- Bõ Tâm con cũng tốt bà nhỉ?
- Ừ, bõ Tâm cũng tốt lắm.
Tới đây, lần nào bà cũng nhắc lại câu: ”Thứ nhất là tu tại gia, thứ hai tu chợ, thứ ba tu chùa”.
Bõ Tâm là cái nhà anh tu cùng dòng, rồi xuất cùng năm với con trai bà. Ngày ấy, xuất ra được một năm thì con trai bà lấy em gái chú Tâm. Còn chú Tâm, nghe kể, có ý định đi tu lại ở một nhà dòng chiêm niệm nào đó nhưng gánh nặng gia đình đặt cả lên vai chú khi người anh trai kế bị ung thư thanh quản, qua đời khi còn trẻ, nhà chỉ còn hai mẹ con. Khi chú xuất về, mẹ chú bị gai cột sống nặng, hai chân yếu hẳn, chẳng làm được việc gì. Nhà nghèo, mẹ goá con côi, được cái chú Tâm không bao giờ mở miệng kêu ca, cứ cặm cụi làm việc, kiếm tiền về nuôi mẹ, nuôi em. Cô em về làm dâu nhà bà, hợp không khí cao nguyên, nó khỏe ra, chẳng ốm đau gì nữa cả.
Chú Tâm cứ sống độc thân mãi cho đến giờ. Ai cũng quý mến, gạ để con gái cho, chú biết là lẩn trốn người ấy ngay. Dầu sao, thanh niên nhà nghèo cũng có chút mặc cảm. Cậu này lại sĩ lắm cơ, không chịu lụy ai về tiền bạc cả đâu. Càng thân, chú ấy càng né tránh việc nhờ cậy .
Con trai bà thương quý chú ấy một trời! Mỗi lần hai anh em gặp nhau, chuyện trò đến nửa đêm không dứt ra được. Bà bảo chú Tâm:
- “Nó kết anh hơn kết vợ nó“.
Cháu bà, trai, gái, đứa nào cũng nhận bác Tâm làm bõ. Bám chú nhất, là thằng thầy giáo. Nó cứ đòi bắt chước bõ  Tâm, không lấy vợ. Có lần, nó hỏi:
- Bà có muốn con đi tu không?
Bà cụ hạ kính, lăm lăm nhìn cháu phân tích:
- Trước hết phải vui thích sống đời cầu nguyện, khó nghèo đã cháu ạ. Mày nghịch ngợm, tiêu hoang như thế liệu có tu được không?
Nghe thế mới thấy bà còn thông minh, sáng suốt lắm. Nhưng với Út thì bà khuyến khích cho cháu đi tu vì bà thấy các Dì Dòng giúp xứ hiền hậu chân tu (hay bị cha xứ bắt nạt, mắng mỏ).
Con bé lại hỏi:
- Chân tu là sao hở bà?
Bà trả lời rất nhanh, không cần suy nghĩ:
- Là sống nghèo.
- Nhưng đời có câu: Bần cùng sinh đạo tặc mà bà.
- Nghèo là không tham lam, không tham lam thì không đòi hỏi, kiếm chác.
Thế là cháu nội bà lại một phen nể phục bà còn khôn ngoan, sắc sảo lắm. Tám mươi mấy tuổi rồi mà tranh luận đâu ra đấy.
Dạo này sức khỏe bà yếu hơn năm ngoái.
Hai cháu nội thay phiên ở bên bà. Bố chúng tìm thuốc, tìm sâm tẩm bổ cho bà đều đặn.
Bà hay nằm nhưng vẫn thích có người đến bên giường nói chuyện và nghe bà nói. Giọng bà vẫn sang sảng và đầu óc bà vẫn tinh anh.
Đến mùa thu, vào mùa thu hoạch cà phê, chè tươi, mùa trẻ tựu trường, hai cháu phải đi dạy học lại ,bà nằm một mình. Bố mẹ chúng vừa phải trông cho thợ cân hàng, vào hàng, vừa giao dịch với mối lái, vừa cơm nước lại vừa chăm mấy con heo nái trong chuồng, bận lắm, chốc chốc mới chạy vào thăm bà.
May mắn thay, ngôi nhà nhỏ kế bên vừa đề biển bán đã có người mua. Láng giềng mới là hai vợ chồng già đã về hưu với một cô con gái lỡ thì. Cô tên Sim, có vết bớt trên má phải, người hiền lành, sạch sẽ, ít nói, ăn chay trường, làm việc theo ca trong bệnh viện thị xã.
Gia đình bên này biết được cô là y tá, vội cho người sang ký hợp đồng đặt cô làm điều dưỡng cho bà cụ.
Thật vui khi bà nhớ ra rằng, lần bà nằm viện, cô Sim chính là người mỗi sáng vào phòng phát thuốc và chích cho bà.
Thoạt tiên, mọi sự được ký kết giữa hai bên chỉ hoàn toàn đặt trên công việc săn sóc sức khỏe người già, tiền lương quy định rõ ràng, sòng phẳng, nhưng chẳng mấy chốc, hai  gia đình mau chóng kết thân với nhau, đến nỗi không ai còn muốn nhắc đến cái hợp đồng xa lạ ấy nữa. Hai cháu bà đi dạy về, có quà cho bà nội, cho bố mẹ thì cũng có quà cho ông bà, cô bên ấy. Chúng chạy qua chạy lại nhà ông bà hàng xóm, tự nhiên như nhà chúng vậy. Cô Sim cũng hay phải nhờ vả thanh niên bên này giúp cô những việc nặng, ba cô không làm được. Cô hay sang chơi, xuống nhà dưới học con dâu bà cách nuôi heo rồi trở lên ngồi bên giường bà một lúc. Khi ấy, bà lại có người cho bà nói chuyện suốt. Cháu bà để quyển Hạnh các Thánh ở đầu giường, nhờ cô Sim, lúc nào rảnh sang chơi, đọc cho bà cháu nghe. Cô thường đọc sai các từ La tinh hay tên các Thánh ngoại quốc, nhưng không sao, chỉ tại cách phiên âm của người viết. Cô cũng không hiểu nhiều từ trong sách đạo, thí dụ mạc khải, linh ứng, thần hứng, linh thao v.v.. Cháu gái bà đã chuẩn bị sẵn quyển Một tâm hồn, bao giờ có dịp nó sẽ biếu cô. Đối với nó, quyển ấy tuyệt vời.
Có lần ai đó đưa cuốn Tân Ước, cô mang về, được vài ngày xin trả lại, đọc không hiểu. Cô chỉ thích truyện các Thánh. Khi đọc cho bà nghe, cô đọc chậm rãi, lớn tiếng, bà rất yêu. Bà hỏi:
- Sim này, cháu có thích cắm hoa không? Rồi bà bảo Út giới thiệu cô với việc cắm hoa trong nhà thờ, là việc xưa nay cháu gái bà vẫn làm. Cô phụ cháu bà những ngày nó bận việc. Học và hành đi đôi với nhau. Đâm ra cô say sưa với những bình hoa, sắc hoa lúc nào không biết, cứ thản nhiên ra vô nhà xứ.
Dần dà về sau, mỗi khi vào nhà thờ đặt hoa ở bàn thờ nào, cô lại ngước lên tượng ảnh, miệng lâm râm khấn xin. Cô bảo bên Phật cũng có Lễ, cũng có xâu chuỗi, nhưng hột to hơn và đều nhau, khác chuỗi bên Đạo. Cô bảo cô cũng kính mến Đức Mẹ Maria như thờ Phật bà Quan Âm vậy. Cô bảo bên Phật có cả ngàn vạn chư Phật, chư bồ tát do tự tính luân thân, tu thành chánh quả, chắc như các Thánh bên Đạo vậy. Nghe cô nói, thấy cô sùng đạo.
Gia đình cô Sim đi lễ chùa ngày Rằm mỗi tháng.
Vợ chồng con cái hiền lành còn hơn nhiều người Công giáo.
Bên này cũng quý họ lắm.
Ông con bà, một lần, có anh vợ Sài gòn lên chơi đã hứng khởi bảo con gái qua mời cô Sim sang đàm đạo. Hai con chiên của Chúa lần đầu tiên ngồi nói chuyện về đạo giáo với một phật tử, cảm thấy tò mò, thắc mắc nhiều điều, vì quả thật từ trước tới nay, hai bác chưa bao giờ có cơ hội tiếp xúc với người ngoài Công giáo, người nhà bà chưa bao giờ biết tới một giáo lý thứ hai nào ngoài giáo lý của Chúa. Bác Tâm có vẻ hào hứng vì bác muốn tìm hiểu xem một vài tư tưởng về Phật học mà bác đọc trong sách, thực tế được các phật tử thực hành ra sao. Bác còn âm thầm cưu mang một mục đích truyền đạo vào trong buổi trò chuyện này nữa. Bác ngỏ lời tìm hiểu rằng:
- Theo như tôi biết thì giáo lý Phật dạy rằng: Thế gian là cuộc biến hoá vô thường. Sắc sắc, không không, phù hoa chìm nổi, toàn những khổ đau, sầu não. Ta phải dứt bỏ cho được những điều ấy thì mới mong giải thoát được kiếp này mà siêu thoát, mà vào niết bàn. Đúng không cô?
Cô Sim trả lời:
- Dạ đúng.
- Cô à, tôi thắc mắc thế này: Mình đã ra không rồi thì cái gì nó đi vào sự luân hồi, cái gì vô niết bàn hở cô?
- Dạ, Phật dạy ta những cách làm cho dứt nhân duyên mà đi vào con đường giải thoát chứ không muốn cho ta tìm hiểu nhiều đâm ra mê muội, đắm đuối, chỉ tổ thêm lòng dục, lòng khát.
- Cô cứ nói tiếp đi.
- Những vật đã sinh ra trong thế gian đều do nhân duyên cấu thành, chứ không phải tự nhiên mà có. Một vật sinh ra có hình có sắc là do ngũ uẩn. Khi ở bụng mẹ, người ta nhờ khí huyết mẹ mà sống. Sinh ra rồi thì nhờ thực phẩm. Cái hình hài này chỉ là đi mượn mà thôi, nó không phải là ta. Nó cứ sinh sinh hóa hóa mãi rồi sẽ tiêu tán đi, không việc gì phải thắc mắc tìm hiểu cho nhọc trí anh à.
- Vậy sao! Tìm hiểu nhọc trí sao?
Ông bố lũ trẻ nhà này gật gù thú vị  vì lời giảng của cô y tá láng giềng. Ông nghĩ bụng, phải cho ông anh vợ mình nghe cô này giảng thuyết, bởi vì như cô ta nói, mọi sự khổ đau sầu não đều do ta cố đòi tìm hiểu cho được biết những điều cao siêu mà quên mất con đường cần đi là sự giải thoát chính mình. Bõ Tâm của lũ trẻ chẳng bao giờ thấy an phận thủ thường. Cứ thích suy tư, tìm hiểu mấy thứ triết học, thần học thấy mệt. Phần ông sẽ không hỏi, cứ ngồi nghe bác Tâm bọn trẻ nói chuyện với cô Sim. Cô đã giảng như thế, ông hỏi sẽ mang tiếng là tham sân si, không siêu thoát được, nhưng lòng bảo lòng nghe, rằng hãy đợi đấy, cha cố hụt nhà ông sẽ giảng đạo cho cô. Ông lại cũng muốn cho ông anh mình có cơ hội nghe một Phật tử chân chính nói gì về đạo Phật. Mình dốt, dựa cột mà nghe, chả thích lắm ru?
Cô Sim hôm nay hoạt bát hơn mọi ngày. Cô nửa muốn nói nhiều, nửa muốn lắng nghe tâm tư , ý nghĩ từ người đàn ông trông rất hiền lành như ông thầy tu vừa từ thành phố lên chơi.
Bác Tâm không chịu nhận “tìm hiểu là nhọc trí” như cô Sim nói. Bác đặt câu hỏi:
- Theo cô, chân lý ở đâu?
- Dạ thưa, ta cứ theo con đường Phật đi mà tự giải thoát. Khi đã giải thoát được mọi khổ não, ắt sẽ trông thấy rõ chân lý ở ngay trước mắt, chứ không phải đi tìm. Cũng có Phật phái khác lại cho rằng thế gian chỉ là cái ta tưởng tượng ra mà thôi. Mê hoặc và mù tối gây cho ta ảo tưởng giữa ta với thực tại. Sự thực thế gian và thực tại là một chứ không có hai. Luân hồi là mê hoặc, niết bàn là giác ngộ, hai phương diện của chân lý.
Hai người đàn ông nghe lùng bùng nơi lỗ tai. Bác Tâm muốn nghe cô Sim nói nữa nên đề nghị:
- Xin cô một ví dụ.
- Thưa bác, ví dụ sợi dây để trong chỗ tối, bác trông ra con rắn. Đem đèn soi cho rõ mới ra sợi dây. bấy giờ nhờ được soi sáng, bác không còn lầm lẫn và hết cả sợ hãi. Sợi dây và con rắn chỉ là một.
Hai bác trai cùng lúc vỗ trán đánh đét một cái.
Cô Sim nói luôn:
- Em biết hai bác hiểu nhưng không phục. Dĩ nhiên trong đạo Phật, sách tìm hiểu có thiên kinh vạn quyển, nói sao cho hết. Kiến thức em chỉ có hạn, mong hai bác thông cảm.
Hai người đàn ông cùng vội ồ lên:
- Thông cảm chứ. Chúng tôi rất phục cô theo đạo Phật mà có sự học hỏi chứ không chỉ tụng kinh gõ mõ mà thôi. Vậy là khá lắm rồi. Ý chúng tôi là muốn đi tìm chân lý.
Cô Sim nửa đùa nửa thật, reo lên:
- Vậy hai bác cho em cùng đi với. Em vẫn đang đọc sách về Chúa đấy.
Bác Tâm ngẩn người:
- Tôi tưởng cô đã thấy chân lý trong Phật pháp?
- Dạ chưa. Thưa bác, trí khôn của em cùng quá cũng chỉ ở sợi dây và con rắn.
Cả ba cười vang. Những môi miệng già nua, cằn cỗi bỗng dưng trở nên trẻ trung, hồn nhiên như bé thơ, trẻ nhỏ. Bà cụ đang thiu ngủ, bị  thức giấc, bà hỏi vọng ra nhà ngoài:
- Có gì cười vui thế?
-  Bà ơi, dậy xem Tây du ký. Ba thầy trò Đường Tăng đang trên đường đi Tây Trúc thỉnh kinh.
Bố thằng cu phân vai :
- Cô Sim làm sư phụ được đấy.
Đường Tăng thì chưa bao giờ thấy “bị” vui và thèn thẹn như tối nay. Cô biết phải làm gì khi đã cạn lời, bèn khéo léo tìm bài rút lui:
- Dạ, vậy thì thầy đây xin kể hầu Ngộ Không và Trư  Bát Giới một câu chuyện tóm gọn tối vui này ạ. Chuyện như sau: Một hôm, Phật chìa mấy cái lá cây trong tay ra mà hỏi các đệ tử rằng:
- Mấy cái lá ta cầm trên tay đây và số lá trên rừng, ở đâu nhiều hơn, đâu ít hơn?
Các đệ tử nhao nhao trả lời:
- Thưa trên rừng nhiều lá, còn số lá Thế tôn cầm trong tay ít hơn ạ.
- Hỡi các con, những điều ta biết mà ta không đem dạy cho đệ tử và những điều ta đem dạy đệ tử cũng vậy. Tại sao có nhiều điều ta không dạy các con? Vì những điều ấy không đem lại ích lợi gì cho các con cả. Nó không làm cho các con dứt bỏ chuyện đời, thoát vòng sinh tử mà giác ngộ để vào được niết bàn yên vui đâu.
Cô Sim thật láu lỉnh và có duyên. Cô kể xong chuyện thì cáo về ngay, để lại cho hai anh em nhà này một giây hụt hẫng, luyến lưu. Ông em hỏi:
- Bác thấy sao, tay này đáo để chứ?
Ông anh đưa tách chè tươi lên nhấp môi, ậm ừ, lừ mắt đe:
- Vâng. Nhưng tôi đồ rằng đây không hẳn là một buổi nghe thuyết pháp thuần tuý, phải không chú?
Phòng trong có tiếng ho khúng khắng của bà nội các cháu. Người già hơi tí là bị thức giấc. Chuyện gì thì cũng chả bằng một giấc ngủ ngon không mộng mị, vậy mà đêm nay thế nào bác Tâm cũng phải thao thức vì  tách trà nhà này cho mà xem.
ANNA

Không có nhận xét nào: