#Stats1 ul{margin:0;border:0;padding:0;height:32px;background:url(//goo.gl/ZHG881) no-repeat 0 -34px} #Stats1 li{margin:10px 0;border:0;padding:0 0 0 40px;list-style-type:none} #totalComments{height:32px;background:url(//goo.gl/ZHG881) no-repeat} #totalCount{height:32px;background:url(//goo.gl/ZHG881) no-repeat 0 -68px}

Thứ Hai, 25 tháng 7, 2011

Tiếng súng đoạn tình

TIẾNG SÚNG ĐOẠN TÌNH

ANNA
Nhiều năm trước,trong một thời gian dài, ai cũng nhớ chiếc ra-đi-ô của mọi gia đình thường hay vang lên giai điệu ngậm ngùi thương
tiếc, âm u buồn thảm của một bản tình ca quen thuộc được phổ nhạc từ bài thơ “Hoa tím cài trên nòng súng”, tác phẩm duy nhất để đời của nhà thơ Nhật Hiền:
Chiều nao hoa tím tan tành
Cài trên nòng súng một cành tang thương
Em đi máu đỏ còn vương
Tình tôi một dải mây buồn khăn sô.
Một nhạc phẩm sống dai trong lòng người hâm mộ như vậy mà chẳng thấy có bài báo nào nhắc nhở tới cuộc đời, gốc gác của tác giả phần lời thì thật thiếu sót.Bây giờ người ta thường bỏ béng tên tác giả Thơ trên các bìa đĩa nhạc cho gọn. Nếu có được hỏi tới thì vội vàng xin lỗi em quên, hay tại nhà in nó sót. Thân phận nhà Thơ cũng ráng mà trôi tuột theo cái tên vô duyên của mình. Cho nên để đỡ bất công với các thi sĩ (dù sao thi sĩ cũng là người, mà đã là người ai chẳng thích lưu cho đời tí danh!), tôi xin tình nguyện kể ra đây thiên tình sử não nuột không kém  chuyện nàng Mỵ Châu ngày xưa, coi như đọc xong truyện là quý vị sẽ biết ngay cơ duyên nào đã khiến cho nhà thơ Nhật Hiền sáng tác tác phẩm Hoa tím… trên. (Hình như tôi đang phạm phải cái tật dễ ghét của báo chí ngày nay là hay viết tắt hoặc cắt bớt chữ nghĩa đi cho vắn gọn phiên phiến, thí dụ tên truyện của người ta là “Em chỉ là con điếm“, thế mà viết lại thì anh nhà báo nào cũng cứ là chỉ còn “ Em chỉ là…”. Cái chữ mình vứt đi ấy, biết đâu đối với tác giả lại là cần thiết. Đừng tưởng!). Thôi thì tôi viết lại đầy đủ: “Hoa tím cài trên nòng súng”. Đấy, cái nòng súng ở đây cũng quan trọng đối với con người ta lắm chứ, nhất là đối với quý ông Nhật Hiền, tác giả bài thơ. Còn đối với một  người có trí nhớ kém cỏi như tôi mà vẫn lưu giữ được trong ký ức tuổi thơ từ đầu đến cuối một  câu chuyện tình lãng mạn và  độc đáo như thế này thì quả thật, nó cũng đáng được kể ra đây hầu quý vị trong lúc nào đó nếu quý vị dành chút thời giờ rảnh rỗi cho cuốn truyện này.
Câu chuyện mà tôi sắp kể sau đây là  chuyện có thật, chính đứa bé bảy tuổi là tôi bấy giờ đã chứng kiến những vui buồn, sướng khổ của các nhân vật và các nhân vật ấy lúc bấy giờ đang ở tuổi thanh niên thiếu nữ yêu đương nhau cơ mà, chứ tôi làm gì có được một vai chính trong chuyện này khi mà lúc ấy tôi chỉ  mới biết đánh vần vừa đủ để lên năm thứ hai tiểu học chữ bé và đang theo  học lớp  Giáo lý bao đồng. Phải thanh minh rõ ràng như vậy  để ai nấy đều hiểu rằng, tiếng súng đoạn tình trong chuyện này không hề do tay tôi điều khiển đâu nhé, kẻo lại xúm vào đưa tôi ra tòa, bảo là thủ phạm dấu tội mấy chục năm trời. Lại cũng phải cãi lấy cãi để, dù chưa ai nói gì mình, bởi vì hôm qua trên tờ báo Thiếu Nữ, tôi có đọc được bài viết của một nữ bác sĩ tâm lý khai thật ra rằng đứa cháu gái mới lên mười một  tuổi của bà ấy hãnh diện khoe với cả nhà rằng nó đã có bạn trai, yêu lắm, học kém đi nhưng vui hơn lên … Thật  khổ cho các ông ngoại, bà ngoại, ông nội, bà nội, thật khổ cho các bậc phụ huynh. Hú hồn, con cháu gái tôi năm nay đã  hai tám rồi, chỉ học là  học (ế rồi còn gì !).
Nhà thơ Nhật Hiền chính là ông chú ruột của tôi và sau đây là câu chuyện tình năm xưa của ông ấy.
Chú Hiền tôi người lành tính, thật thà, chậm chạp, có phần nhút nhát, đặc biệt chú rất sợ súng đạn, chiến tranh … Tưởng với tính tình như vậy chú tôi sẽ không dám làm quen con gái, sẽ khó mà kết bạn được với cô nào có vẻ mạnh mẽ, cương quyết một chút, vậy mà chú tôi đã làm và một thời đã có được một người yêu xinh đẹp, dứt khoát, chín chắn và thông minh hơn mọi người tưởng nhiều.
Ngày xưa ấy, trong cư xá này, tôi nhớ như in, có một dãy nhà  nhỏ bé, rất thanh vắng và yên tĩnh. Bố mẹ tôi và anh em chúng tôi ở một căn phòng trên lầu hai. Chú Hiền là em út của bố tôi, chú  đang là sinh viên năm cuối, độc thân, cùng ở chung với bố mẹ tôi và anh em chúng tôi.
Dãy nhà này rất ngộ nghĩnh. Người ta thiết kế thế nào mà từ trên lầu xuống thì đường đi của các bậc thang luôn đưa ta tới những cửa nhà bếp của các nhà dưới tầng trệt, rồi sau đó mới đi vòng trở ra sân ngoài. Từ năm xửa năm xưa các kiến trúc sư xây dãy nhà này đã có ý định làm cầu thang như  thế để cho chú tôi có cơ hội làm quen con gái bằng một trò nghịch ngợm, trêu chọc rất kỳ cục, vô duyên chưa ai bằng, tôi nghĩ thế. Cô con gái dính trấu ấy có tên rất đẹp: cô Nguyệt Trúc. Nhà cô Trúc ở tầng trệt, con ông thiếu tá gì ấy, nhà giàu , tử tế, nhưng như mọi gia đình ở tầng trệt, nhà cô  cũng có cửa bếp nhìn ra những bậc cuối của thang lầu. Trước đó, tôi chỉ biết cô là một trong những người sống  trong cư xá, ở trong cùng dãy nhà với nhà mình thôi, chứ chưa có dịp chào hỏi  cô, tại vì lúc đó tôi còn bé, cô Trúc đã là người lớn như chú Hiền rồi.
Một hôm, chú Hiền dắt tôi ra phố để mua cho tôi mấy quyển truyện tranh mới. Khi hai chú cháu tôi xuống gần  hết dãy cầu thang, chỉ còn ít bậc, chợt chúng tôi nhìn thấy ở cửa bếp nhà gần nhất, có một người đang đứng giữa cửa. Một cô gái  đang đứng giữa cửa bếp, quay người ra ngoài. Cô ấy mặc một bộ quần áo có những bông hoa nho nhỏ màu tim tím, thân mình thanh mảnh, dễ coi, hai bàn chân trắng muốt  đi đôi dép Lào kiểu, hai tay bưng một cái nồi… đen, và ngay trong thời điểm chú cháu tôi vừa đi xuống gần tới nơi, chính là lúc cô đang  úp cái… nồi đen ấy vào mặt cô. Chúng tôi chỉ có thể thấy toàn vẹn khuôn mặt cô này là cả một cái đít nồi đen to kềnh và nham nhở. Không biết cô này là ai, chỉ thấy như cô đang … húp cái gì trong nồi, nghe xùm xụp… Tôi thấy cái cảnh này ngộ nghĩnh quá, suýt bật cười ra tiếng, nhưng chú Hiền kịp bịt miệng tôi lại, rồi làm điệu bộ bắt tôi im lặng, còn chú rón rén, rất rón rén lại gần cái … nồi đen ấy, đưa tay cẩn thận, chậm rãi, gõ nhẹ vào giữa cái đít nồi ba cái. Vừa làm động tác ấy xong, chú Hiền lập tức nắm vội tay tôi kéo đi, hai chú cháu tôi quăng mình biến ngay ra  ngoài đường. Tôi co chân chạy theo sức kéo của chú tôi, nói theo kiểu bà nội tôi là chạy mất dép đấy, không dám chứng kiến nhân vật sau cái nồi đen ấy là thiếu nữ nào, có đang nổi giận la hét, mắng chửi gì không. Sợ quá! Nhưng rồi khi ra tới sân, không nghe tiếng chân người đuổi theo, tôi lén liếc lại đằng sau xem động tĩnh. Bất chợt, mắt tôi  dán chặt vào hình ảnh từ xa là một cô gái đang đứng trong căn nhà tầng trệt ngay chân cầu thang. Cô đang nhìn chúng tôi qua cửa sổ. Thoắt thấy tôi ngoái lại, cô đưa nhẹ một cái đấm trong không khí, hướng về phía chú cháu tôi, đoạn kéo rèm cửa, tôi kịp thấy áo cô có in những bông hoa nho nhỏ màu tím. Thôi chết, cô ấy đã biết chú cháu tôi vừa làm trò quỷ trêu ghẹo  cô rồi. Cô này hiền thật, sao cô không chửi chú tôi nhỉ. Chú lùn Hiền chắc cũng đã kịp chụp được dung nhan Bạch Tuyết  vào máy ảnh con tim mình cho nên từ lúc ấy chú chỉ tủm tỉm cười, không nói gì, mua sách cho cháu xong là lôi cổ nó về luôn. Thành phố Đà Lạt, đường  Hoàng Diệu, đầu thu có gió lạnh se mà hai chú cháu tôi cứ dấn bước đi vội, thấy trong ngực áo có hơi  thở âm ấm dễ chịu. Thông đang reo vi vu mấy lời êm ái, ngọt ngào. Lòng tôi thấy vui vui, không phải vì chuyện nghịch ngợm của chú tôi mà vì sắp được về nhà, lăn kềnh ra giường nệm đọc chuyện đã đời, trẻ con ấy mà. Quên luôn.
Buổi tối hôm ấy, chú Hiền gọi tôi lại, dúi vào tay tôi một mảnh giấy nhỏ, giao việc, bảo cô hồi sáng chú trêu tên là Trúc, đưa thư  này cho cô ấy (ô kìa, chú Hiền biết tên cô húp nồi chè ?). Hứa thưởng kẹo nhẫn. Tôi xuống lầu, dừng chân trước cửa bếp nhà gần nhất, cửa bếp nhà cô  áo hoa tím  nhỏ xinh. Tôi nhìn vào bếp nhà  ấy, gọi khẽ: Cô Trúc ơi. Gọi hai lần thì cô nghe, cô ra. Tôi đưa mảnh giấy bảo chú cháu gửi cô cái này. Cô hỏi chú cháu là ai, tên gì, có phải người ban sáng như  thế, như thế không. Tôi nhận. Cô phịu mặt bảo không đọc thư  này  đâu, ai bảo chú cháu trêu cô. Tôi sợ cô giận lây sang cả cháu gái chú tôi, không để cô trả  thư lại, tôi chạy ù đi, khoán trắng mọi sự vào những lời lẽ trong thư của chú Hiền. Tôi không đọc được những gì trong thư ấy, chỉ biết hôm sau, cô Trúc chặn lối tôi rồi cũng đưa cho tôi một mảnh giấy, bảo đưa chú Hiền (ơ hay, cũng biết chú tôi tên Hiền ?) Cũng hứa thưởng … kẹo nhẫn. Cứ thế, những lần sau đó, con chim xanh dễ thương, dễ bảo luôn có kẹo ăn. Thích ơi là thích. Tôi nhớ như in, kẹo nhẫn là loại kẹo ngọt, tròn tròn, dẹt dẹt, được gói trong miếng giấy bóng kính trắng nhìn thấy rõ kẹo và nhẫn, cái màu xanh, cái màu đỏ, cái màu vàng, đủ màu rất đẹp, dành để dỗ trẻ em. Trẻ con thời đó rất thích ăn kẹo nhẫn bởi vì ăn một cái kẹo thì được sở hữu một cái nhẫn bằng nhựa, bé bé vừa ngón tay các em, người ta ịn cái nhẫn ấy vào giữa cái kẹo tròn, nhìn cái kẹo qua lớp giấy bóng kính, em bé đã thích mê tơi, chảy nước dãi, đòi mua. Kẹo đủ màu xanh,đỏ, vàng. Nhẫn cũng đỏ, vàng, xanh tuỳ thích. Ngậm  kẹo vào miệng thấy mát và thơm. Trẻ trai thích kẹo hơn nhẫn, mấy đứa con gái như tôi thích nhẫn hơn kẹo (nhưng không lấy nhẫn của con trai, vì chúng nó đã ngậm vào mồm, kinh!). Tôi luồn những chiếc nhẫn nhựa xinh xắn ấy vào một cái kim băng và cài  chùm nhẫn ấy trên ngực áo, trông rất … oách. Giờ, trong album nhà vẫn còn tấm ảnh chụp tôi  năm xưa còn bé, trên ngực áo có đeo một chùm nhẫn, đấy là từ những lần ăn kẹo thưởng nhờ việc chuyển thư đấy.
Lúc cái kim băng cài trên ngực áo tôi đã đầy nhẫn, là lúc tôi thấy chú Hiền và cô Trúc đã chơi rất thân với nhau, như bồ bịch ấy, đại khái là thế. Chú Hiền thường cho tôi đi theo mỗi khi rủ cô Trúc đi chơi. Tôi đuợc đi thác Cam Ly, chụp ảnh ở cầu vòng dưới gốc thông, mặc áo đầm có cài chùm  nhẫn kẹo ở ngực áo, được ra đồi Cù ềnh a đọc truyện tranh, có lần mơ màng đánh luôn một giấc trên thảm cỏ xanh êm ái, mặc kệ  cô chú tâm sự chuyện trò  xong gọi dậy, dắt về. Chả cần biết gì.
Cho tới một ngày đi chơi chung nọ, đang nằm trên cỏ xem truyện, tôi chợt nghe gần mình có tiếng thút thít của ai đó, lén nghiêng trang giấy, tôi thấy cô Trúc ngồi cạnh chú Hiền, cô đang chậm nước mắt, chú Hiền mặt dài thuỗn thuột, đôi mắt đượm nỗi ưu tư, lo lắng  về một nẻo đường  vô định xa xăm, cả hai người đang chia sẻ với nhau một chuyện rất buồn. Bỗng tôi nghe rõ ràng, tôi còn nhớ như in, tiếng cô Trúc vừa sụt sịt, vừa nói, giọng quả quyết  câu như sau:
-Nếu phải đi thì em đành dùng tới biện pháp chẳng đặng đừng : Đoàng một phát là xong.
Chú Hiền hốt hoảng, co rúm người lại, đưa tay bịt miệng cô Trúc…
Con bé lên bảy nghe rất trọn vẹn câu nói này nhưng nó  không hiểu gì cả. Sợ bị mắng vì nghe chuyện người lớn, nó cắm đầu xem tiếp câu chuyện đến đoạn hoàng tử cầm tay công chúa, công chúa ngồi dậy, mở mắt ra… Hoạ sĩ vẽ công chúa mặc áo đầm nhiều tầng xòe tròn, eo áo cô bé tí xíu, chun chun chun chun, đẹp ơi là đẹp….
Rồi chú Hiền gọi đi về. Nó rất buồn khi thấy hoàng tử và công chúa thật ngoài đời đang ngậm ngùi, đau khổ…
Mãi mấy tháng sau….
Một đêm, trong giấc ngủ say mơ, tôi bỗng giật mình thức giấc bởi một tiếng nổ lớn, nghe rất gần, âm thanh chát chúa ghê rợn vang rền cả dãy nhà cư xá. Bố mẹ tôi mở cửa xem chuyện. Tiếng chân bước, tiếng người  lao xao bên ngoài hành lang, hàng xóm láng giềng , lố nhố thập thò qua lại, sợ hãi xì xào hỏi nhau: Ai bắn ? Bắn ai đấy ? Dưới tầng trệt hả? Chết rồi sao ? Eo ôi! Tôi lồm cồm tung chăn bò dậy, chạy ào ra ngoài hành lang, nơi chú Hiền đang đứng như tượng gỗ. Tôi bám tay chú tôi, nhón chân nhìn xuống và tôi nhớ như in rằng, lúc ấy, chú Hiền và tôi chứng kiến rõ ràng người ta đang khiêng một chiếc băng ca cứu thương lên chiếc xe díp màu lá già mở cửa sẵn, trên băng ca có người nằm, thân thể được phủ kín hết từ đầu đến chân bằng một tấm vải lớn màu trắng nhà thương, toát ra vẻ rùng rợn của một vụ án mạng.
Có lẽ bị hình ảnh xác chết trên băng ca ám ảnh khủng khiếp ghê gớm quá, không chịu đựng nổi, chú tôi lao người  vào chiếc ghế sa-lông dài trong phòng khách, nằm sấp mình xuống, mặt dụi vào nệm ghế, hai tay bấu chặt vào thành nệm, đầu lắc qua lắc lại, người run lên từng hồi… Không hiểu chuyện gì, nhưng lập tức đứa cháu của ông chú thân yêu  này cũng chạy vào theo, lao người nhảy lên lưng chú Hiền, nắm bả vai chú giật mạnh, hỏi dồn :
-Chú, chú, ai bị bắn vậy?
Chú Hiền nghe tiếng, quay mặt nhìn tôi rồi trả lời người bạn tri kỷ nhất của chú trong màn sương đẫm lệ (ôi chú Hiền đang khóc) với hơi thở và giọng nói rất yếu đuối:
- Cô Trúc chắc chế… ết .
-Lạy Chúa, ghê quá, kinh khủng quá. Súng bắn cô Trúc hả chú ?
Sao vậy? Ai bắn cô Trúc?
Chú Hiền lắc đầu. Lắc đầu là sao? Không biết. Ai bắn cô Trúc? Lắc đầu, không biết. Cả hai chúng tôi chia sẻ cho nhau nỗi đau đớn hoang mang cùng cực.
Chú tôi bỗng ngồi bật dậy, bình tĩnh lại, đưa tay làm dấu Thánh giá, mắt nhắm lại, miệng lẩm bẩm cầu nguyện… Tôi ngước nhìn miệng chú, không đoán được chú đang đọc kinh gì để đọc theo nhưng cũng bắt chước chú, làm dấu, rồi chỉ biết ngồi thu lu, lặng im chờ đợi, trong lòng trào dâng niềm thương mến hai con người, mới đây còn dạt dào tình yêu tươi trẻ mà nay thấm đẫm đau khổ  chia ly.
Như cảm thấy bên cạnh mình có người cho mình trút bầu tâm sự, cho dù người đó chỉ là một con bé oắt con, nhưng nó rất đáng tin cậy, chú tôi thầm thì kể lể :
-Đáng lẽ tối nay cô Trúc phải vâng lời bố cô ấy để lên máy bay đi ngoại quốc du học, nhưng cô ấy không muốn xa chú. Tại ông bố nhà binh có kỷ luật nghiêm khắc bắt buộc quá mà. Bố cô Trúc  quen chỉ huy trong quân đội, ông nói một là một, hai là hai, vợ con sợ oai ông lắm.
Nói đến đây, chú Hiền ôm mặt, lắc đầu buồn bã. Chú không ngờ cô gái mà chú thương yêu ấy có một tính cách mạnh mẽ và quyết liệt đến như thế. Chú sợ cô Trúc quá, con gái gì mà bạo dạn, kiên cường thế không biết, rồi chú nghĩ mà cảm động quá chừng chừng, vì tình yêu dành cho chú mà cô Trúc ra nông nỗi này. Chú giả dụ chú ở vào hoàn cảnh cô Trúc, cố gắng để tỏ tình yêu mình dành cho người mình yêu đi chứ, ừ thì cũng dám làm chuyện  gì đó rất mạnh mẽ cho  xem, nhưng nhà mình đâu có súng. Không có súng rất khó tự tử. Có súng nhưng súng của bố mình, khó lấy. Đoàng cái là xong, những biện pháp khác chết chậm hơn, nhưng đặt tay lên cò súng, dí vào thái dương không dễ đâu Hiền ơi.
Ai gọi đấy? Không phải có tiếng gọi não nề nào đó vang lên từ một âm hồn mới qua đời còn lang thang đâu đó, nhưng là tiếng bố tôi hối hai chú cháu:
-Thôi yên rồi, chuyện người ta, không phải việc mình, còn sớm lắm, nhà ta đi ngủ lại thôi.
Rõ ràng bố tôi không biết gì nhé. Sao lại là chuyện không liên quan gì đến chú Hiền! Và tôi nữa chứ!
Chiếc xe díp chở xác nạn nhân vừa bị bắn đã đi xa, màn đêm vẫn còn bao trùm khắp khu nhà, hai chú cháu tôi ủ rũ trở về giường nằm. Tôi ôm con gấu bông nhỏ bé mềm mại thiếp dần vào giấc ngủ tuổi thơ êm mơ, mặc kệ chú Hiền đêm ấy đã trút bao nhiêu giọt nước mắt thất tình của chàng trai trẻ đang yêu lên trên chiếc áo gối cô đơn ố vàng mồ hôi chua loét.
Chuyện tình của ông chú tôi đến đây là hết. Còn gì nữa đâu khi người mình yêu đã ra người thiên cổ.
ooooooooo
Nhiều năm sau, tôi bây giờ đã có chồng có con, chú Hiền cũng đã có gia đình riêng. Chú thím tôi xuống Sài gòn sinh sống, hai chú cháu xa nhau, lớn rồi, mỗi người mỗi cảnh, những kỷ niệm xưa  đã qua, phai mờ dần theo năm tháng.
Một lần, về thăm bố mẹ tôi còn ở khu nhà cũ, bố tôi có nhắc tới chú Hiền. Tôi chợt nhớ tới tiếng súng đêm năm xưa. Tôi hỏi bố :
-Bố nhớ không bố, ngày xưa, hồi con còn bé, trong cư xá này có người tự tử giữa đêm khuya? Con còn nhớ đấy.
-Ai nhỉ ? Năm nào nhỉ ? Bố tôi quên rồi.
Tôi nhắc cho bố nhớ chuyện.
Bố tôi còn gượm, bao giờ cũng thế, hễ tôi có điều  hỏi bố, thì phải đợi bố rít một hơi đã rồi bố mới trả lời. Bố vê cục thuốc lào, suy nghĩ, hồi tưởng, đặt cục thuốc vào lỗ, ấn ấn, lựa một cái đóm, châm lửa, thong thả rít một hơi dài, thong thả ngửa mặt nhả khói lên trời, mùi thuốc lào thật thơm, từ bé tôi đã  rất mê  cái mùi hiệu ba số 8 này.
Một lúc sau, bố tôi mới gật gù xác định vấn đề,  bố đã nhớ ra rồi :
-Chuyện không phải như con biết đâu. Tiếng súng đêm hôm ấy là của người ta thủ tiêu Bảy Viên đấy.
Thú thật, thưa quý vị, chỉ đơn giản là một phụ nữ nuôi con, làm nội trợ thật thà, không tìm hiểu xa xôi, không rành chuyện trinh thám, hình sự  hay chính chị chính em, cho tới nay, tôi vẫn không biết Bảy Viên là ai .
Cũng không biết nhân vật Nguyệt Trúc của chú tôi trong đêm khuya ấy, cô biến đi đâu.
Dù sao, lúc này, trong lòng tôi cũng tênh tênh một niềm hãnh diện phù vân bơ thờ. Tủm tỉm cười thầm, tôi tự nhủ, nhà báo văn nghệ nào muốn tìm hiểu để viết một bài về nguyên mẫu Hoa tím trong bài thơ tình nổi tiếng “Hoa tím cài trên nòng súng” của Nhật Hiền không?
Hỏi tôi này. Cưa đôi nhuận bút nha !!
ANNA

Không có nhận xét nào: