#Stats1 ul{margin:0;border:0;padding:0;height:32px;background:url(//goo.gl/ZHG881) no-repeat 0 -34px} #Stats1 li{margin:10px 0;border:0;padding:0 0 0 40px;list-style-type:none} #totalComments{height:32px;background:url(//goo.gl/ZHG881) no-repeat} #totalCount{height:32px;background:url(//goo.gl/ZHG881) no-repeat 0 -68px}

Thứ Ba, 26 tháng 7, 2011

Tối hậu thư

TỐI HẬU THƯ

  ANNA  
    Cả tháng nay Diên đi tìm mẹ.Nói như khùng. Mẹ vẫn ở nhà mà đi tìm đâu?
Sáng xòe tay nhận mười ngàn mẹ cho, thưa: Mẹ, con đi học, miệng không buồn mở. Trưa về uể oải:
Mẹ, con đã về. Tối đi học thêm cũng một công thức thưa gửi như vậy! Ăn cơm bữa nào cũng như bữa nào, cứ vục mặt vào tô cơm vừa cá kho vừa canh thịt nháo nhào, cố nhét cho đầy cái bao tử thôi chứ chả thấy ngon gì, nhìn tô cơm của Diên ăn chẳng khác món cám heo hổ lốn. Nhớ hồi còn bé bằng thằng Bon con cô Lành nhà bên, cứ đòi phải có hải sản, sườn cây vừa miệng Diên mới chịu cầm bát cơm lên ăn. Sao lớn lên cuộc đời mình nó chán thế này nhỉ! Vậy mà nhớ ngày mình còn học lớp Lá, chị Nụ ô-sin cứ dỗ ăn nào, ăn nào mau nhớn. Mau nhớn để làm gì hả chị Nụ? Để chán thế này đây á? Bây giờ cứ chỉ là học, rồi ăn, rồi học, rồi ăn, rồi ngủ, xong một ngày. Ngày hôm sau lại học, rồi ăn, rồi học, rồi ăn, rồi … ngủ nữa à? Sao mình có thể dễ dàng chấp nhận được cái vòng kim cô khủng khiếp này từ mấy năm nay ta? Chán dễ sợ mà trong nhà chẳng ai để ý tới mình, người lớn ai cũng cứ bình chân như vại mà sống. Có ai biết được tâm trạng cực kỳ chán nản của mình đây không? Chắc chắn người đó không phải là mẹ rồi, vì Diên thèm, Diên cần một mẹ an ủi, một mẹ dỗ dành, một mẹ cho Diên nhõng nhẽo cơ.
Mẹ là người đẻ ra mình này, cho mình bú này, bế mình đi bác sĩ này, cho mình uống thuốc này, dạy mình a bờ cờ này, dạy mình biết chào hỏi người trên này, mua quần áo đẹp cho mình này, dẫn mình đi Lễ này, xin cho mình học Giáo Lý Bao Đồng này, chụp hình cho mình này, lựa món ăn ngon cho mình này, chọn trường cho mình này, à.. gì nữa ha? Nhiều, hằng ngày mẹ vẫn lo cho mình đầy đủ mọi sự.
Chỉ tức cái mẹ không hiểu được bên trong mình, cái nỗi khổ tâm bên trong lòng đây mới cần người chia sẻ. Vậy nên Diên vẫn thiếu mẹ, Diên phải đi tìm mẹ.
Nhà chỉ có bốn người: Bố, mẹ, chị Khanh và Diên.
Bố đi làm suốt ngày, tối lại đủ thứ chương trình trong tuần: thứ hai tennis, thứ ba bóng chuyền, thứ tư tỉa cảnh, thứ năm đi bơi, thứ sáu đi nhậu, thứ bảy xả hơi, dĩ nhiên Chúa nhật cũng đâu ở nhà. Bố mẹ có đụng mặt nhau, ngồi cạnh nhau nói vài câu trao đổi thế là hiểu nhau rồi, chẳng cần tâm sự, sẻ chia gì hết, việc ai nấy làm cũng quá đủ bận rộn. Bố không quen xía vào việc nhà của mẹ, mẹ cũng đâu biết gì chuyện công ty của bố mà bàn. Bố mẹ không hề lớn tiếng với nhau về chuyện tiền bạc, thế là ổn rồi. Bố mẹ tin tưởng nhau nên không có chuyện ghen tuông, cãi vã. Diên ghét mấy vụ đó lắm, có chắc Diên tự tử luôn. Tội con Mỹ Nghê, mẹ nó biết ba nó ngoại tình mà cứ cố chịu đựng, sống trong cay đắng, bởi muốn giữ thể diện. Làm ra chuyện, xấu vợ hổ chồng.
Chị Khanh có khác gì bố, đi tối ngày, hết đến trường lại vào nhà thờ. Cứ như một bà thánh. Hay cho chị ấy đi tu quách cho nó xong, ở nhà chả giúp được việc gì. Ừ, mà nhà cũng đâu có việc gì nhỉ, toàn người lớn, toàn người ngăn nắp gọn gàng, chỉ có hai bữa cơm thì đã có mẹ nấu rồi.
Nghĩ cho cùng, gia đình Diên thật lý tưởng.
Nhà Hồng Phai có ba em nhỏ, ồn ào khủng khiếp, nó cứ phải vô gốc đa sân chùa ôn bài chứ ở nhà không thể học được.
Bạn Nghị thì có má bị liệt, cha say xỉn, một tuần dọn chè cho chó mấy lần, cực mà không dám kêu, kêu cha đập. May còn có má nó xót xa, mỗi lần vậy mỗi lần an ủi, năn nỉ bảo nó ráng chịu đựng, dù sao cũng là cha con xỉn chứ không phải tên giang hồ nào nó bắt con phục vụ, đừng buồn, có ngày ba bay nghĩ lại, ổng thương bù.
Bạn Chương mồ côi mẹ phải vừa đi học vừa phụ việc quán phở gần nhà, tối nào cũng về rất khuya,  lại còn nước mắt ngắn dài vì bị bà chủ đánh mắng là hậu đậu. Chương nói nếu mẹ nó không chết thì chắc nó không khổ như vầy.
Mà đã thấm vào đâu, báo đăng chuyện thằng nhỏ Hào Anh ở Cà Mau đó, nhìn hình chụp tấm thân nhỏ bé của nó bị chủ vựa tôm hành hạ thấy thương, muốn khóc luôn. Cho nên nhìn lại thấy mình sướng muốn chết. Ủa mà sao sướng lại muốn chết? Sướng quá hoá rồ đó, mình muốn rồ, muốn khùng nè.
Diên than với Hồng Phai:
- Nhà bạn vui, còn nhà tôi buồn hiu à, cả ngày chẳng ai nói với ai câu nào, bà nội tôi bảo ở với chúng mày như ở với một lũ câm.
Hồng Phai cười:
- Bạn cứ đến ở nhà tôi một buổi là bạn biết, vui kinh khủng.
Hồng nhấn mạnh hai từ kinh khủng làm Diên tưởng tượng tới những trò quỷ quái ba đứa em      nhỏ của Hồng bày ra. Cũng sợ, vì Diên thích nơi  yên tĩnh.
Có lần Diên ganh tị với Nghị:
- Tuy ba Nghị vậy nhưng má Nghị thương Nghị quá hé. Sướng.
Mắt Nghị hoen đỏ:
- Tui nghĩ tới ngày má tôi từ giã cõi đời chắc tui cũng muốn chết theo luôn. Tui chỉ sống bằng những lời nói dịu dàng, thương yêu của má tui thôi đó bạn.
Diên nghe mà chua xót trong lòng, thấy mắt mình cũng ướt ướt hay sao.
Còn Chương Phở thì khỏi nói. Nó lãnh được bao nhiêu tiền là tự do tiêu xài bấy nhiêu, không phải lo cho ai vì ba nó lấy vợ hai ở riêng rồi. Chỉ buồn cái không có mẹ.
Nhưng,
Diên còn mẹ nè, sao Diên không vui?
Mẹ Diên hiền lành, đạo đức lắm. Mẹ hay đi nhà thờ dự Lễ, đi chầu Thánh Thể đọc kinh dòng Ba buổi tối, kinh Lòng Thương Xót lúc ba giờ chiều. Mẹ cắm hoa, dâng hoa, quét nhà thờ, lau cung thánh. Mẹ làm mọi việc để được gần Chúa và các Thánh, đặc biệt là Đức Mẹ Maria. Tối nào mẹ cũng lần chuỗi năm mươi trước ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp. Mẹ chẳng có thì giờ ngồi tám như mấy bà hàng xóm nhiều chuyện. Vì thế, mẹ cũng chẳng có lúc nào rảnh để nói chuyện với Diên. Diên muốn mẹ hỏi thăm Diên những khi Diên vui, Diên buồn, mà mẹ đâu có để ý nét mặt Diên bao giờ để biết Diên buồn hay Diên vui. Diên học giỏi mẹ đâu có khen, mẹ nói một câu có phải Diên hứng khởi không! Diên xinh mẹ cũng chẳng để tâm, chắc mẹ quan niệm rằng cái nết đánh chết cái đẹp giống bà ngoại vẫn nói chắc! Diên muốn hỏi ý mẹ về mấy thứ thời trang con gái bọn Diên bây giờ hay đua nhau xài, như đính cườm trên áo, cài nơ trước hoặc sau lưng, áo chẽn mặc ngoài, quần ống phồng, thắt lưng to bản với quần xệ v.v. xem mẹ có mô-đen không, nhưng coi bộ mẹ chỉ muốn Diên mặc áo dài. Chời ơi, áo dài là cái thứ áo giả hình nhất. Nữ sinh bây giờ mặc đồng phục áo dài nhưng nhiều đứa không hề hiền, không hề dịu, không hề nết, không hề trắng như phụ huynh tưởng đâu. Chẳng thà các bà mẹ cứ chấp nhận cho con cái mình nó chơi thứ nó thích, xài thứ nó lựa chọn rồi thì tốt xấu nó chịu chứ ép dầu ép mỡ đừng nỡ ép ngoan.
Nhưng mà Diên thì ngoan, ngoan tự nhiên. Diên chỉ học, ăn, ngủ, rồi lại học thôi, giống như Xuân, Hạ, Thu, Đông rồi lại Xuân ấy. Ở nhà, mẹ sai làm việc gì là làm việc ấy, không cãi bao giờ. Vi tính là để phục vụ chương trình học. Chị Khanh và Diên không chát bao giờ, thỉnh thoảng hai chị em  cũng chơi game xả hơi tí nhưng tuyệt đối không chát, mất thì giờ lắm, để giờ luyện tiếng Nhật, tiếng Hàn. Ngoại ngữ rất hữu ích.
Giá mẹ biết được thời nay, đứa trẻ nào không game, không chát, đứa ấy đáng được phong thánh. Làm sao mẹ biết được, bởi vì mẹ đâu có nhu cầu mở mạng, mẹ đâu có biết Internet có sức hấp dẫn và quyến rũ thanh niên như thế nào. Chị Khanh và Diên bị cám dỗ hoài ấy chứ, nhưng phải hy sinh vì sợ sa đà, nghiện là chết, học hết vô.
Đó, ngoan quá sức vậy mà chẳng hề được một lời khen thưởng của mẹ. Tủi tới độ Diên nằm mơ thấy mẹ mắng Diên rằng: Học cho mày chứ học cho tao hay sao phải kể công. Buồn dễ sợ! Tỉnh giấc, tuôn ướt hết một bên gối.
Cuối năm lớp Chín, Diên được Giấy khen Học Sinh Xuất Sắc toàn trường luôn, vậy mà mang về cũng dấm dúi trong ngăn bàn, không muốn đưa mẹ xem. Không có hứng, thế thôi. Tại mẹ lạnh lùng, thản nhiên với phù hoa, danh lợi quá! Mẹ tốt quá, mẹ chỉ nghĩ đến Chúa thôi, mẹ không tha thiết gì đến trần gian cả. Nói gì mẹ cũng bảo được lời lãi cả và thế gian mà mất linh hồn nào ích gì. Ơ kìa, Diên có đòi để mất linh hồn đâu. Mẹ kỳ cục hết sức.
Hồi đầu tháng Ba năm ngoái, nhà có khách lạ. Mẹ bảo chị Khanh ra cho bác ấy biết mặt con gái mẹ. Diên nghe chị Khanh kể lại loáng thoáng là hôm ấy người ta muốn cho con trai người ta làm quen với chị Khanh. Thế thôi. Có thế thôi mà mẹ cũng phải dấu diếm Diên (nếu không dấu diếm thì tại sao không nói cho con cái nó biết?). Kỳ! Mẹ còn kỳ cái này nữa là bắt cái anh gì đó muốn chơi với chị Khanh thì đến nhà này, không hẹn hò đi đâu hết. Mẹ ơi là mẹ, mẹ thái quá con gái mẹ ế cả lũ cho xem. Tội nghiệp chị Khanh, xinh hơn Diên nhá, ngoan hơn Diên nhá, còn đạo đức tốt lành nữa, hai mươi mốt tuổi rồi mà có dám bồ bịch gì đâu. Thật ra chị cũng chưa muốn có bạn trai vì chị đang thích học, đang học mà có bạn trai cũng không xấu, Diên nghĩ vậy. Vậy mà có lần chị Khanh làm mẹ xấu hổ với hàng xóm quá chừng. Mẹ bảo:
- Thật là xấu hổ.
Có gì đâu. Anh kia là người nghiện xì-ke, cha xứ nhờ một anh trong ca đoàn chở anh ta quá giang ra bến xe buýt về Gò Vấp, nhưng anh ca đoàn bận việc đột xuất để anh xì ke này đứng chờ mãi ở sân nhà thờ, cha xứ không biết. Chị Khanh vào nhà xứ thấy vậy hỏi thăm rồi trình lại cha. Chị nhận để chị đưa anh kia ra bến xe, cũng gần. Có vậy thôi mà đi qua chợ, mấy bà ngoài chợ trông thấy liền đồn đến tai mẹ là bạn trai chị Khanh người trông tai tái. Sư khỉ! Mấy bà già lắm chuyện! Vậy mà còn hay đi nhà thờ. Mà mẹ nữa, nghe vậy mà mẹ xấu hổ à? Mẹ coi thường mấy người xì ke quá. Có khi người ta trót dại một lần rồi dính, chứ người ta đâu có phải là người xấu. Nói thật chứ ngay mấy chị làm nghề mà người đời khinh nhất ấy, Diên không khinh. Diên thương các chị. Mẹ là mẹ không chấp nhận những gì xúc phạm đến danh giá gia đình, nhất là xúc phạm đến cá nhân mẹ. Giữa mọi người, mẹ muốn mẹ phải được tôn vinh là một phụ nữ rất đáng kính trọng. Bất khả xâm phạm! Mẹ mà đã sang cả như thế thì con gái mẹ cũng phải theo lề theo thói.
Diên ương, Diên khùng, không theo đã đành, ai ngờ chị Khanh ngoan thế mà cũng không theo. Chị Khanh không theo lề thói của mẹ. Chị Khanh đi  đâu ấy, không biết.
Một hôm, mẹ thấy thư chị Khanh đặt trên bàn:
Xin phép bố mẹ cho con đi xa.Con xin lỗi không thưa trước vì biết rằng bố mẹ sẽ không cho đi.Con xin hứa sẽ luôn sống xứng đáng là một người con ngoan của Chúa, của Mẹ Maria, của bố mẹ. Con yêu và nhớ bố mẹ.
Ký tên: con của bố mẹ,
N.Q.Khanh.
Tái bút:  Chị mang hình ảnh Diên trong lòng chị.


Suốt một tháng trời mẹ ngồi buồn, ăn cho có, làm cho có. Bố, mẹ và Diên trở thành ba ốc đảo không cầu không ván bắc ngang.
Có khi bố gượng được, đàn ông mà, nhưng mẹ ủ rũ mãi. Mẹ càng ủ rũ hơn khi nghe bác khách năm ngoái đến nói với mẹ rằng:
- Chị chỉ có hai đứa con gái mà không quản lý nổi, vậy mà hồi đầu còn lo sợ con trai tôi đàng điếm, ăn chơi.
Còn Diên thì ôi thôi, tai nghe đủ điều, bạn bè kể có, báo mạng đăng tin có. Nào là con gái Việt Nam bây giờ thích lấy chồng Đài Loan,chồng Hàn quốc; nào là giới trẻ bây giờ thích tự lập, thích tách rời khỏi gia đình; nào là bên Trung quốc bây giờ mấy cha đại gia tìm mua con gái còn trinh về giết lấy  hên; nào là con gái nhà kia bỏ nhà đi theo bạn chat; nào là bên Singapore hiện nay có hẳn một khu gái mại dâm là người Việt Nam …
Thế giới đang rơi xuống vực thẳm sa đọa hãi hùng.
Diên nhớ chị Hai nhưng cũng tin tưởng chị Hai của Diên là người tốt, rất tốt, vô cùng tốt là đằng khác. Mong chị Hai đi đâu mau mau ổn định đời sống rồi cho gia đình hay tin. Ủa, đi đâu mà lại biết trước rằng bố mẹ sẽ không cho đi nhỉ! Bố có khi nào lên tiếng về tương lai con cái đâu. Con gái thì để mẹ giáo dục. Bố không áp đặt bao giờ. A,hay chị Khanh đi tu? Nô, đi tu thì việc gì phải sợ. Hay chị Khanh đi xuất cảnh với một đại gia? Nô, phải có hôn thú, phép cưới chứ, chị Khanh đâu có qua mặt cha xứ bao giờ. Hay chị Khanh yêu một người quá nghèo, quá hèn, không xứng đáng với bố mẹ? Nô,chị Khanh đang học trối chết mà yêu với đương gì.Ui chu choa, nghĩ mãi không ra, muốn hỏi mẹ mà không dám. Mẹ lúc nào cũng như một bức tượng lặng im. Sao mẹ buồn? Sao mẹ ít nói? Sao bố mẹ không chia sẻ với nhau chuyện này? Diên hoang mang: Hay là chị Khanh… hư thật rồi?
Diên nhớ chị Khanh đi vắng được ít ngày thì mấy anh chị Giáo lý viên ùa tới nhà hỏi. Mấy anh chị Giáo lý viên về là cha xứ tới thăm. Cha xứ về là cô Lành đi qua đi lại, nhìn vô nhà Diên hoài.
Mẹ rất bực. Diên biết tính mẹ không muốn cho ai tò mò dò xét chuyện nhà mình, dẫu rằng nhà Diên chẳng có gì xấu. Tính mẹ vậy, kín đáo và riêng tư, không chia sẻ. Có thể là từ sau lần mẹ nghe người ta bàn tán bồ chị Khanh nghiện ma tuý đó.
Rồi mấy cô, mấy bác dòng Ba thắc mắc, mấy bà Lòng Thương Xót xin khấn cho mẹ tìm được          chị Khanh.
Mẹ trả lời mấy người ấy là tôi cho cháu nó đi nơi yên tĩnh ôn bài thi, không phải tìm. Lần đầu tiên trong đời Diên thấy mẹ nói xạo. Nhưng Diên cũng không biết sự thật chị Hai đi đâu.
Mờ ám, bí mật đến thế sao?
Tối hôm ấy, đợi mãi mới thấy mẹ dọn dẹp bếp núc xong, Diên quyết định sẽ hỏi mẹ chuyện chị Hai. Tại sao lại không hỏi, chuyện nhà mình, chuyện chị mình chứ có phải chuyện hàng xóm đâu mà bảo tọc mạch, mình có quyền hỏi chứ!
Mẹ ngồi xuống salon, vừa cầm tờ báo thì có  điện thoại, mẹ bắt máy. Tự nhiên Diên muốn nghe mẹ nói gì.
- Dạ đúng.
-……
- Dạ vâng.
-……
- Dạ vâng ạ. Không sao đâu ạ.
Chời ơi, hiểu được chết liền.
- ………………………………………………… (lâu lắm, mẹ cứ nghe).
- Miệng lưỡi người đời ấy mà ạ. Có nói thật họ cũng chẳng tin. Lại xuyên tạc, cắt xén.
- ………
- Dạ vâng. Chào cô. Cám ơn cô đã cho biết.
Diên nhào vô:
- Ai đó mẹ?
- Cô giáo của chị Hai.
- Chị Hai đi đâu mẹ? (cái này Diên gọi là thừa nước đục thả câu).
- Hai lên nhà bác Mỹ thực tập.
(Bác Mỹ, chị ruột bố, ở Đà Lạt, bác không liên lạc với nhà Diên vì bác không thích mẹ).
- Sao mẹ biết? Chị Hai nói hả?
- Mẹ nghĩ vậy. Thôi ăn cơm đi còn học.
Ôi mẹ tôi! Thế là công Diên theo dõi, tìm hiểu là công cốc rồi.
Đã vậy, Diên không tin.
Diên không tin một người cha như bố Diên, một người mẹ như mẹ Diên lại có thể thản nhiên sống khi không biết con gái mình nó bỏ nhà đi đâu cả hơn tháng nay. Bố mẹ phải biết và phải biết chị Khanh đang an toàn. Còn không thì cũng phải làm sao chứ!
Một, là mẹ đoán đúng: chị Khanh đi học nhà bác Mỹ.
Hai, là mẹ nghi chị Khanh hư rồi nói dối mẹ.
Ba, là mẹ biết chị Khanh hư mà không nói.
Bốn, là mẹ không biết chị ấy đi đâu, nhưng mẹ sợ mang tiếng với mọi người nên phải giả vờ bình tĩnh .
Năm, là.. à…
Diên bày đủ thứ tình huống có thể xảy ra cho chị Khanh. Cái nào cũng có thể và… không thể.
Nhưng,
sao trong thư chị Khanh dấu cả nhà?
Có gì là xấu xa khi chị nói là luôn cố gắng sống ngoan với Chúa, Mẹ và bố mẹ?
Cho đến lúc này, bỗng một ý tưởng mới vụt hiện lên trong đầu Diên: Diên ngố quá. Chỉ có Diên là không biết thôi. Bố mẹ có biết, biết hết, nhưng không cho Diên biết sự thật bởi vì Diên chỉ là một con nhỏ không biết gì. Diên không đáng được cho biết những chuyện trong gia đình.
A ! Cay đắng thế đấy, nhưng, chả lẽ vậy sao?
Diên đây, con nhà tử tế, tuổi trưởng thành, học trường chuyên, xuất sắc, hạnh kiểm tốt, con gái ngoan, biết suy nghĩ cho gia đình, có tình cảm yêu thương và chỉ muốn gia đình hạnh phúc. Được chưa?
Không được sao?
Tại sao bố mẹ coi thường Diên vậy?
Diên có bao giờ làm cho bố mẹ buồn phiền hay mất mặt với họ hàng , lối xóm đâu?
Tại sao bố mẹ lại đặt Diên ra ngoài thành phần của gia đình, không cho Diên chia sẻ chuyện nhà?
Bao nhiêu “sao” nhảy múa trong đầu Diên.
Đã vậy, Diên ra khỏi gia đình cho mà biết. Diên đi bụi cho coi. (Nói vậy thôi chứ Diên không làm đâu. Cơn khùng lên thì nói thế đấy).
Nếu quả thật Diên bị bố mẹ coi ra rìa như thế thì Diên chỉ biết …. buồn.
Diên buồn lắm, tủi lắm, mẹ có biết không? Diên cảm thấy Diên bị xúc phạm, bị bỏ rơi, bị cô đơn.
Diên dẹp bố ra vì bố chỉ biết công việc và tiêu khiển.
Diên có mẹ chứ không mồ côi. Diên cần mẹ. Diên muốn mẹ tôn trọng Diên, bởi vì Diên hiểu biết và nhất là Diên là con cái trong gia đình.
Diên yêu gia đình mình.
Diên muốn hét lên như vậy đó.
Bố mẹ có nghe không?
Thưa bố mẹ,
Nếu bố mẹ cứ không cho con chia sẻ những chuyện gia đình, con sẽ câm và điếc cho mà xem.
Bấy giờ con sẽ bịa chuyện với công an để cho người ta đăng hình con lên báo, thông tin rằng: Cô gái tên N.G.D., mười tám tuổi, ngụ tại …, con ông … và bà … bị kẻ xấu bắt vận chuyển ma tuý rồi bị chúng đánh đập tàn nhẫn tới độ mất hết khả năng nghe và nói.
Bố mẹ sẽ thấy cả  gia đình mình lên mặt báo.
Mong bố mẹ không thể lạnh lùng và thản nhiên hơn được nữa.
Bố mẹ lãnh đạm với con cái là điều tàn nhẫn hơn mọi thứ roi vọt đấy ạ.
Đứa con rất yêu gia đình,
Maria Giang Diên
ANNA

Không có nhận xét nào: