#Stats1 ul{margin:0;border:0;padding:0;height:32px;background:url(//goo.gl/ZHG881) no-repeat 0 -34px} #Stats1 li{margin:10px 0;border:0;padding:0 0 0 40px;list-style-type:none} #totalComments{height:32px;background:url(//goo.gl/ZHG881) no-repeat} #totalCount{height:32px;background:url(//goo.gl/ZHG881) no-repeat 0 -68px}

Thứ Ba, 26 tháng 7, 2011

Em Mơ

EM MƠ 

  ANNA

 1.
Mơ vừa qua tuổi trăng tròn. Em thật thà, quê mùa.
Thời gian đầu mới xuống Sài gòn làm việc, Mơ buồn và nhớ nhà ghê gớm, bởi thương bố mẹ và các em mà phải xa nhà, xa quê.

Mơ làm việc với cậu mợ này còn trẻ, hay cãi nhau hay giận nhau, chán lắm, nhưng cậu mợ mới có em bé xinh, Mơ thích phụ mợ ấy chăm em, nên ở lại. Mấy lại, Mơ… chẳng biết đi đâu nữa.
Mơ rất đỗi ngạc nhiên tại sao ở thành phố, người ta đi lễ về là cãi nhau ngay được! Ở quê Mơ, đố! Bố mẹ điệu thẳng lên cha xứ.
Dần dần Mơ hiểu thôn quê và thị thành khác nhau, duy có một điều ở đâu cũng không thay đổi, đó là cái tình người ta dành cho nhau, nhất là trong mối giao tiếp đồng đạo. Đã gặp nhau ở nhà thờ trong Lễ, chầu, kinh hạt, người ta cũng dễ dàng tử tế với nhau ở ngoài đời hơn, không phải vì sợ tội mà không làm sự dữ, nhưng vì thấy tha nhân đáng yêu hơn. Còn như cậu mợ đây lại khác, không nói ra nhưng Mơ biết.
Mỗi ngày một tí, Mơ tỉnh tớm ra.
Hôm qua, vì có giờ tập hát ca đoàn nên ngay từ chiều, mợ Duyên nhắc Mơ nhớ là quần áo sớm để tối trông em cho mợ đi nhà thờ.
Mơ trông em thì chỉ biết bế em, chơi với em hay cùng lắm ru được em ngủ thôi chứ nếu em ốm, em yếu mình, em quấy khóc thì Mơ chịu. Tối qua, có lúc em ọ oẹ, Mơ sờ trán em thấy hâm hấp, lúc ấy cậu Hà có nhà. Cậu cáu ầm lên:
- Hát với chả hỏng. Con còn bé tí thế mà cứ đến giờ là bỏ đi. Mày đi gọi mợ về.
Y lần trước, mợ đi tập hát, ở nhà em bị sựa, cậu cũng cằn nhằn như vậy. Tội nghiệp mợ, thích đi tập hát lắm. Mơ cũng thích hát ca đoàn. Ở nhà Mơ cũng vào ca đoàn xứ Mơ đấy chứ. Hôm Mơ từ giã các anh chị em trong ca đoàn đi thành phố, có mấy người rơm rớm nước mắt nhớ Mơ. Vào ca đoàn vui cho nên Mơ về phe mợ. Mơ không thích cậu vì cậu nóng tính lắm, hơi tí gắt, trong khi Mợ thì đoảng, Mơ lại hay sai sót.
Nghe cậu nói to, Mơ vội quơ dép đi ngay, dĩ nhiên Mơ đi thì cậu phải luôn mồm cho đỡ sốt ruột:
- Ụa, ụa, nín nào, ba sương, nín nào.
Vừa vào đến sân nhà thờ, Mơ đã nghe văng vẳng tiếng ca đoàn đang tập hát trên gác đàn, nhớ ơi là nhớ. Cái không khí tập hát nó khác hẳn với lúc mình đang hát lễ. Hát lễ thì đâu ra đấy, nghiêm trang cung kính, không sai sót, không cục cựa, không liếc ngang liếc dọc, bè nữ không nhìn ra đàng sau bè nam. Một tiếng đồng hồ hít thở điều độ, răng môi nhịp nhàng, đứng ngồi răm rắp, lại phải chăm chú nghe cha giảng, kẻo lúc cha hỏi mà ca đoàn không trả lời được thì quê lắm. Cha sẽ nghiêng đầu, ngửa cổ ra sau, cho mấy sợi tóc dài bên ngôi trái đổ xuống, che phần hói bóng lộng ở trên trán, thở dài mà than rằng:
- Ca đoàn mà thế thì còn ai là người để ý đến bài giảng của cha nữa.
Cha không hiểu rồi. Ca đoàn đâu phải thành phần chăm chú nhất. Chính những cô cậu ăn mặc đẹp ngồi trên mấy hàng ghế đầu mới phải nghe lời cha giảng vì họ sợ cha gọi, và khi cha đã gọi thì cha nắm được áo mà lôi lên cung thánh. Cha cứ gọi họ. Còn ca đoàn ở mãi gác đàn cơ mà, sao cha chỉ mặt được. Ca đoàn không sợ cha tí nào, mặc dù không phải gần chùa gọi bụt bằng anh. Nói ca đoàn không chăm chú nghe giảng là bởi còn lo bài hát, lo lễ đến đâu… Tuy nhiên, nếu có bài giảng nào hay thì bọn này cũng sẽ vỗ tay tán thưởng thôi, tại giọng cha giảng rù rà rù rì, lại cũng lấy từ Phúc Âm ra mà nói lại từ đầu thôi, chả thêm ý tưởng gì khác, sao cha không đọc hai lần bài Phúc Âm ấy cho nhanh?
Còn trong giờ tập hát í à! Vui ơi là vui. Để lúc khác Mơ kể, giờ đang cơn dầu sôi lửa bỏng.
Mơ lần mò lên đến gác đàn, nhìn thấy mợ ngồi ngay hàng đầu, đang chăm chú, say sưa uốn mồm, uốn môi tập hát. Mợ liếc thấy Mơ, vội bỏ sách hát xuống, cúi đầu chú ca trưởng ra ngay.
Trên đường về, tiếc là nhà gần quá, hai mợ cháu chế nhạo thói hay cáu gắt của cậu, bắt chước cậu khi bực mình thì hai cánh tay cứ vung vẩy, vung vẩy , rồi hai mợ cháu cùng rũ ra cười, quên cả em đang ốm ở nhà. Tính mợ thế, vô tâm vô tính, hay cười, hay quên, hơi vô duyên. Mơ thấy mến mợ.
Thế mà cậu thì…. Vừa thấy mợ bước chân vào đến cửa là cậu nhăn nhó:
- Nó nóng quá đây này.
Rồi cậu tuôn một chuỗi, nào là tập gì mà lắm thế, có vài bài hát ngắn tí trong lễ, hát mãi cũng thuộc, việc gì phải tập đi tập lại; nào là sau lễ anh em bảo nhau ở lại tập hát; nào là con thơ con mọn; nào là đủ thứ… nào là. Mợ im lặng, lo hạ sốt cho em theo cách bà chỉ cho lần trước. Lần trước bà sang, bà bảo:
- Chồng nói, vợ phải nghe.
Mợ cũng nghe lời bà, nhưng không phải luôn luôn. Hôm qua mợ nhịn thôi. Mợ ghét tính đàn ông       nói dai.
Sáng hôm nay em đã hết sốt, đã cười với mợ, với Mơ.
Cậu bảo:
- Em phải nghỉ ca đoàn thôi vì con còn bé quá.
Mợ không chịu. Mợ bảo:
-Bắt em ở nhà suốt ngày á! Tuần chỉ có hai buổi tập.
Rồi mợ mếu máo than cậu đã không cho mợ đi làm lại còn cắt đứt ca đoàn là nơi mợ có nhiều bạn bè thân thiết từ bé đến giờ. Cậu không đi ca đoàn cậu không biết ca đoàn vui như thế nào. (Chính xác! Mơ nghe sướng rên vì mợ đã nói thay lời cho Mơ).
Thế là hai vợ chồng làm mặt giận suốt một buổi, đến trưa mới hoà, cũng nhờ mợ vô tâm vô tính, hay cười hay quên. Mấy lần như thế rồi.
Ở thành phố, nhà nào nhà nấy như cái lồng chim, người ta không điên, không cãi nhau mới lạ. Mơ hay so sánh, ví von và bình thản đón nhận.
Quê Mơ nghèo nhưng nên thơ và thanh bình. Làng Mơ thơm mùi tre xanh, mùi nhang, mùi đay, mùi cói. Nhà Mơ ở sâu phía trong, vào nữa là làng người dân tộc, họ nói Mơ không hiểu. Họ cũng nghèo, chỉ biết làm rẫy và đem đổi nhẫn giả, bông tai giả cho người Kinh để lấy gạo. Trở ra, từ nhà Mơ đến nhà thờ phải qua một đoạn đường dài cả cây số, đất đá gồ ghề, hai bên đường cỏ mọc um tùm, cây ăn trái trong hàng rào nhà người ta vươn ra, đến mùa, mình cứ vừa đi vừa ngắt ăn, chả ai nói. Qua một bụi tre xanh và một ngôi mộ cổ bằng đá ong rồi mới ra mặt đường cái. Nhà thờ ở bên kia đường. Quốc lộ số 1 đi về thành phố hay ngược lên là cao nguyên Lâm Viên.
Ở nhà, những buổi chiều, Mơ nhìn thấy ông mõ Phần nhà bên cắm đầu cắm cổ, vắt áo dài lên vai đi cho nhanh qua nhà Mơ là Mơ biết sắp sửa được nghe chuông nhất. Ở nhà, xa thế mà nghe rõ chuông Truyền Tin, chuông Lễ, chuông sầu, chuông Trọng.
Ở nhà, sáng sớm Chúa nhật, bố lẹt xẹt đôi dép, hắng giọng vào phòng gọi mẹ và chúng Mơ dậy đi lễ. Chúng Mơ là Mơ, em Mây và em Cu Thoáng.
Ở nhà, tối rằm, bố mẹ hay rải chiếu ra sân cho em Cu gác chân chữ ngũ nằm chơi, xem bố rê thuốc hút, mẹ mò mẫm nhặt cói vớt việc, Mơ, Mây phụ mẹ, cả nhà xum vầy chờ trăng. Đầu chái nhà Mơ có một bụi chuối, hai cây ổi, ba cây Hương Nhu và một góc vườn cho xà lách, rau cải, rau dền, thêm linh tinh mấy loài hoa trắng nhỏ như Lài, Nguyệt Quế cho mẹ ướp trà, gài tóc… Một cây Ngọc Lan già ngay trước thềm nhà… Dọc bờ rào, bố trồng được năm cây chôm chôm tróc giống tốt. Đến mùa, những chùm chôm chôm ra đỏ chóe trên đầu, những buồng chuối trắng vàng lủng lẳng dọc thân cây, những quả ổi xanh tròn trịa, be bé, hiếm khi được chờ cho chín mềm tự trên cành. Trăng đậu lên cao, óng ả cả vườn nhà, hương Nguyệt Quế, Ngọc Lan bát ngát. Hai em Mơ gọi đám bạn hàng xóm  sang chơi chung rất vui. Mơ hay ngồi nhìn các em chơi Ô ăn quan, lò cò, chuyền đũa, oẳn tù tì nhéo mũi, rồi cả ca múa, đuổi bắt dưới trăng. Mơ không tham gia vì mẹ bảo Mơ tồng ngồng rồi chứ không còn bé bỏng gì nữa, vậy Mơ làm  chị cả tập cho các em những bài hát rất hay, như đêm trăng nào các em cũng rủ nhau vừa múa vừa hát bài này:
Đây là nơi đâu, là nơi đâu?
Đây là rừng sâu, là rừng sâu.
Chào tiên cô vừa sang,
Chào cô vừa đến đây,
Cùng nhau múa mừng, cùng nhau hát mừng,
Tính tình tang tính, tính tình tang tính.
Như đá (đoá) hoa thắm tươi chúng em xin chào nàng tiên.
Nàng là nàng ở đâu?
Nàng là nàng ở đâu?
Chúng em là ở gió đùa trăng.
Chim líu lo trên cành
Ta hát vang sao đành.
Gió ơi gió ơi sao đành không đến.
Tình tang, tình tang sao khuya rừng vắng.
Sao lướt cuốn trăng đẹp đôi.
Trăng, sao, mây về đây cùng vui với gió.
Ngàn ánh trăng nhấp nhô dưới ngàn khe lá.
Vui với ngàn khe lá,
Ta rích ta tình tinh,
Ta rích ta tình tình ta rích ta tình tình.
Các em múa đều và nhịp nhàng, nhưng mỗi lần bài hát được cất lên thì mẹ lại rũ ra cười vì có những chỗ lời ngô nghê chả hiểu. Mẹ hỏi “ta hát vang sao đành ” nghĩa là gì , nhưng  nhớ thế thì cứ hát thế, không biết sửa làm sao. Nhất là chỗ láy thành “Trắng, sáo , mây… “, với câu cuối : “ta rích ta tình tình”, chữ ‘rích” hát lên nghe buồn cười lắm cơ. Bài này cô giáo dạy Mơ từ hồi Mơ đi lớp Một, bao nhiêu năm nay rồi mà Mơ nhớ được cả bài để dạy lại các em là giỏi quá ấy chứ. Chả thế mà cứ chờ cho trăng vàng len được nửa sân là bố yêu cầu:
- ” Trắng, sáo, mây ” đi nào!
Thương bố lắm. Cách đây hai năm, bố đi lạc đường vào khu nuôi chó của một người nhà giàu. Ông ta cho bảo vệ ra đánh bố gãy chân. Rồi thế nào mà trên huyện không giải quyết gì cả. Bác Yêu, ông Phần, mấy người hàng xóm bảo chúng nó “đi” với nhau hết rồi, mình dân ngu cu đen chẳng kiện cáo gì được đâu. Vậy là cái Cub 50 của bố phải bán đi. Bây giờ bên chân gãy đã lành, nhưng bước một bước lại phải quặt bàn chân một cái, bố Mơ ra người khuyết tật.
Bố lo phần đay, cói, mẹ và hai con gái lo dệt. Mẹ dập xong cái chiếu thì đứng lên, chống tay vào hông, vặn lưng, vẹo bên này, vọ bên kia vài cái, đi ra vườn chăm rau như để thay đổi không khí, chăm rau xong lại vừa đi vừa vặn lưng vào nhà dập chiếu tiếp. Mẹ dập suốt. Bố, Mơ, Mây thay phiên nhau luôn cói. Mẹ chấp cả ba bố con. Trước, nhà Mơ cũng có thời kỳ se nhang nhưng em Mây bị dị ứng bột nhang chảy nước mắt nước mũi, bố mẹ phải chuyển qua nghề dệt chiếu, đau lưng hơn. Tuần hai buổi, ngay từ sau lễ về, mẹ và Mơ gánh chiếu ra chợ bán. Đường ra chợ vui khôn xiết vì gặp toàn người làng. Bác Yêu, cô Thới gánh rau, bác Bài bán gà, bán trứng, bà Nãi bán quạt, bán ảnh tượng, ông trùm Bất buôn cau khô, thuốc lào. Còn các nhà khác, có rẫy thì  ra rẫy, không thì ở nhà se nhang. Đến gốc tre, gặp nhau thì đứng lại kháo láo vài ba câu  làm chuyện, rồi đi tiếp. Qua ngôi mộ cổ thì vừa mệt, mở túi lấy chai  nước, mẹ con thay nhau uống lấy một ngụm. Ai đi qua nhà thờ cũng cúi đầu kính cẩn chào Chúa. Mẹ và Mơ cũng làm thế. Tất thành thói lệ của người làng. Người làng biết chuyện nhà nhau cả, chẳng dấu được. Con cái ông nào, bà nào đang đi học hay đi làm ở đâu cả làng biết. Bác Yêu bảo mẹ:
- “Cô cho cái Mơ đi độ một hai năm thôi rồi phải bắt về để gả chồng cho nó chứ.”
Cô Thới thì rỉ tai mẹ:
- “Thằng Đĩnh nhà em học xong rồi về đấy, nó không muốn làm việc xa nhà đâu, chị để cái Mơ cho con em”.
Mơ biết anh Đĩnh, nhưng chưa giáp mặt nói chuyện bao giờ. Anh Đĩnh đang học ngành xây dựng ở Thủ Đức. Mai mốt làng muốn cất nhà tầng, nhà xây là có tay anh Đĩnh. Nghĩ đến đây Mơ lại buồn. Bao giờ nhà Mơ mới có tiền xây lên nhỉ. Cứ mái tôn, vách gỗ mãi thế này ư? Mỗi lần gánh chiếu đi qua nhà anh Lợi “thầu”, Mơ và mẹ lại ngước lên ngắm cái lan can bóng loáng trên lầu nhà anh chị ấy, mê mẩn cả tâm thần. Đấy, bây giờ, người trẻ người ta làm ăn phát nhanh như thế đấy. Thôi, nghèo không phải là cái tội, mình cứ cố gắng đem sức lao động ra làm việc thì Chúa sẽ lo cho mọi sự con ạ, mẹ bảo thế. Vâng, chỉ xin rày hằng ngày dùng đủ, nhưng sợ cái văn minh đô thị nó quyến rũ đến mười kinh Lạy Cha cũng không mở được mắt ra. Cho Mơ xuống thành phố, bố mẹ buồn gấp đôi Mơ, nhưng gánh chiếu không lo được học phí cho cu Thoáng. Dưới Sài gòn có anh chị Toàn là con bác Cả, họ hàng ruột thịt, đáng trông nhờ. Bố mẹ cậy anh chị ấy để ý trông nom Mơ, vì thế Mơ mới ở nhà cậu mợ này. Cậu là sếp của anh Toàn đấy. Giá Mơ có được, ít là cái bằng Tốt nghiệp thì anh Toàn đã kiếm việc văn phòng cho Mơ rồi. Con nhà nghèo đành chịu vậy. Mơ ở nhà cậu mợ này được ba tháng rồi, đã bớt nhớ nhà, nhưng là đừng có ai nhắc.
Hôm nay, Mơ mới biết cậu Hà là đạo theo. Theo là để lấy mợ Duyên cho đám cưới hoàn hảo, vừa lòng bố mẹ vợ. Thảo nào cậu ấy khó khăn với mợ Duyên trong chuyện đi tập hát. Mơ nghĩ bụng, mai này, Mơ có chồng, chồng Mơ phải là người có chung đạo Công giáo với Mơ cơ, để đừng hay cãi nhau. Có gì thì cứ lôi Chúa ra mà nói, không ai cãi ai được. Mơ buột miệng nói ra với mợ Duyên như thế, mợ bênh cậu, bảo cậu giữ đạo tốt lắm, hiểu hết giáo lý đấy, với mình cũng không được nghĩ xấu cho người không cùng tôn giáo với mình. Mợ còn phân tích, giảng giải cho Mơ nhiều trường hợp người Công giáo mà không bác ái, yêu người bằng người ngoại đạo, lại có những cặp vợ chồng đạo ai nấy theo mà sống rất hoà thuận. Bây giờ giáo hội đã cởi mở hơn với những đám cưới mà một bên ngoài Công giáo. Mợ Duyên thật tốt. Mợ bảo mai kia, mợ rủ Mơ vào ca đoàn với mợ. Ôi thích quá, nhưng nghĩ  đến tính hay làm khó của cậu và thấy em Xịn còn bé thì Mơ e ngày ấy còn xa vời vợi.
Có lẽ xa vời vợi thật, vì hồi nãy bác Thiên gọi điện báo tin bà bên nhà ốm, mợ chạy qua chạy lại hai nhà mấy lần vì cứ định cho bà nhập viện rồi lại thôi.
Cậu có bạn làm trong Thống Nhất, cậu mợ chuẩn bị sẵn, nếu bà mệt quá sẽ phải nhập viện.
Thế là tối nay mợ bỏ tập hát, ru em ngủ xong mợ chạy sang bà.
Cậu bận họp chưa về, chỉ có mình Mơ ở nhà trông em. Bỗng chuông cửa reng, Mơ chạy ra. Mơ ngỡ ngàng hết sức khi nhận ra bên ngoài cổng, người vừa bấm chuông và đang đứng chờ đó là anh Đĩnh, con cô Thới người cùng làng với Mơ. Anh thanh niên dường như cũng nhớ mặt Mơ nên cả hai đều ngạc nhiên khi gặp nhau tại một nơi xa lạ, bất ngờ này. Đĩnh hỏi mợ, Mơ bảo mợ đi vắng, rồi Mơ nghe Đĩnh hỏi câu thứ hai, giọng ngờ ngợ:
- Có phải nhà… ấy ở Gia Yên phải không?
Mơ tươi hẳn, gật đầu:
- Vâng. Anh là con cô Thới?
Thế là hai người nhận ra nhau là người cùng làng. Đĩnh bảo Đĩnh hát cùng ca đoàn với chị Duyên. Thấy chị vắng mặt không báo, anh ca trưởng cho Đĩnh lại hỏi thăm. Đĩnh nói, nếu đã biết Mơ làm ở đây rồi, hôm nào nghỉ học sẽ lại chơi. Mơ tần ngần muốn ngăn thôi anh đừng tới, nhưng không biết sao cứ im lặng  để cho Đĩnh về.
Đĩnh về rồi Mơ thấy lo. Mơ sợ cậu mợ nghĩ Mơ có bạn trai. Bố đã dặn ở nhà người ta, đừng đua đòi đàn đúm bạn bè, không làm việc được, người ta nói về quê, bố mẹ không bằng lòng. Mơ cứ nhấm nhấm đầu ngón tay giữa, đắn đo, lo âu, suy nghĩ. Rồi Mơ nhớ lại khuôn mặt anh Đĩnh, lần đầu tiên Mơ giáp mặt và đứng gần Đĩnh. Mơ áng chừng Đĩnh cao hơn Mơ khoảng một tấc rưỡi, nhớn hơn Mơ vài tuổi. Mắt Đĩnh sáng, mặt Đĩnh gầy và dài, mũi Đĩnh, miệng Đĩnh, da dẻ Đĩnh … à không rõ vì trời chạng vạng, nhưng nói chung đây là lần đầu tiên Mơ đối diện trực tiếp anh ta. Thấy cũng được. Nghe giọng nói cũng hiền lành. Chỉ sợ cậu mợ nói đến tai bố mẹ. Thôi, bỏ qua đi. Mơ đóng cửa, lên lầu nằm cạnh em. Em vẫn ngủ ngon. Xịn ngoan quá, cứ được ru là ngủ.
Cho đến khi mợ về, đánh thức Mơ dậy nhường chỗ cho mợ, thì Mơ mới biết Mơ đã ngủ được một giấc ngon lành cả tiếng đồng hồ.
Mơ lần xuống giường Mơ ở tầng dưới, mắt vẫn còn muốn nhắm tịt lại. Mười bảy bẻ gẫy sứng trâu. Em thả mình xuống chiếu, không mắc màn, lăn quay ra ngủ tiếp như chú heo con no cám. Trong mơ, Mơ thấy Đĩnh, một cậu thanh niên mới lớn, mặt gầy, da rám nắng, có nụ cười tươi. Đĩnh đặt tay lên vai Mơ, Mơ hốt hoảng hất tay Đĩnh ra vì Mơ chưa bao giờ cho con trai đụng vào người. Tay Mơ vung ra, đập mạnh vào cái gì cứng như là một thanh gỗ, đau điếng, Mơ giật mình, tỉnh giấc, cánh tay rơi ngang thành giường. Mở mắt, Mơ thấy mợ đang pha sữa cho em. Mợ càu nhàu:
- Lười thế Mơ, muốn muỗi nó tha à! Dậy mắc màn đi  cô nàng.
Mơ vội dạ vâng, ngồi lên mò mẫm cái màn đang rơi dưới chân giường. Nãy giờ chả có con muỗi nào đốt cả, nằm trong màn bức lắm nhưng phải nghe lời người lớn.
Mơ vớ cái chăn quấn quanh bụng, dịu dàng vuốt mớ tóc đen mượt dài sang một bên gối, thả mình xuống, em lại nhẹ nhàng đi vào giấc ngủ êm đềm, quên mộng mị.


2.
Bà mất.
Mợ khóc quá. Mọi người không cho mợ sang bà vì sợ em bị sài, nhưng cậu lại phải túc trực bên ấy để thay mặt tang gia đón khách, đa số là bạn bè hoặc đối tác của cậu.
Mắt đỏ hoe, mặt mũi bơ phờ, mợ bấm số alô:
- Đĩnh ơi, đến phụ anh Hà khuân hộ chị cái lư hương sang nhà mẹ chị nhá, nặng lắm…
Mơ nghe thế vội chạy xuống bếp, bung mái tóc đen nhánh ra, hai tay vuốt gọn ra sau rồi khéo léo cặp lại ở trên gáy thành một đuôi tóc chảy mượt, xong Mơ kéo cạp quần cho vừa đúng eo, hai tà áo cho thẳng thắn, kẻo người ta bảo mình luộm thuộm.
Anh Đĩnh sắp đến.
Dĩ nhiên Đĩnh đến thì mợ nhờ Đĩnh, chẳng phải việc của Mơ và Mơ cứ ở dưới bếp, nhưng làm sao ấy, cứ thấy hồi hộp!
Có tiếng xe vào sân, tiếng đàn ông nói chuyện đằng trước nhà. Mơ đang mân vài cái bát dếch trong chậu mãi không rửa xong, thì  nghe cậu gọi:
- Mơ!
Cậu gọi to làm Mơ hốt hoảng dạ từ trong bếp mà hai chân cứ luống cuống không nhấc lên được vì biết khách đã đang ở nhà trên.
Mơ lên. Mơ không dám nhìn Đĩnh tí nào, không rõ hôm nay Đĩnh mặc áo màu gì nữa ấy. Mơ mơ hồ nghe tiếng cậu bảo cái gì, hình như là cầm cái này đi theo cậu. Hình như Mơ có dạ vâng, rồi Mơ cầm cái ấy lũi thũi đi theo cậu đang khệ nệ khênh cái lư hương, có Đĩnh đang phụ một bên.
Mơ đi sau, sát  hai người. Thật là một lợi thế cho Mơ để tự do ngắm nghía người thanh niên đồng hương đang đi trước mình hơn mà anh ta không biết, hay có biết cũng chả làm gì được Mơ. Để xem người có tử tế không thôi, cứ bên ngoài đã!
Đĩnh hơi đen, chân tay hơi cứng. Tóc tai gọn gàng, quê quê. Quần áo tuy sạch sẽ nhưng không là ủi gì cả, nhăn từ trên xuống dưới. Mông quần hơi bóng. Cái thắt lưng cũ rồi, xăng đan cũng loại thường, không tốt lắm, quai hậu một bên sờn rách, hình như bị răng chó nhà ai gặm.
Ơ, Mơ hay nhỉ! Kệ người ta, xăm xoi kỹ thế!
Ừ mà cũng lạ, Mơ có để ý ai như thế bao giờ đâu, nhất là người khác phái. Con gái mà nhìn lén con trai là không được, không có sách nào dạy sự nết na cho phép cả. Mơ nhớ mẹ hay ru em Cu bằng vè Cụ Sáu có cả bài dạy về vấn đề này.
Mơ cúi xuống tủm tỉm cười một mình, bây giờ Mơ mới nhận ra cái vật Mơ cầm trên tay mà cậu bảo mang đi là cái bình đựng nước thánh. Nó như cái xô nhỏ bằng thiếc cứng, có quai, kèm theo cái “vẩy vẩy”, bên trong đựng nửa bình nước. Nước thánh, có thể xua đuổi ma quỷ. Mơ cho tay vào xô, nhúng đầu ngón tay trỏ cho chạm  mặt nước. Chỉ cần một tí thôi, đức tin đã đủ. Mơ đưa ngón tay chạm nước thánh ấy lên làm dấu Đơn cách kín đáo, rồi yên tâm rảo bước. Nhà mợ gần nhà bà, hai nhà ở hai dong song song liền nhau.
Sang đến nơi, Mơ khép nép đứng ở góc nhà, chờ cậu bảo. Căn phòng khách trống trải. Bà được đặt nằm thẳng cứng dưới một lớp vải ra trắng phủ kín từ đầu đến chân trên chiếc giường đơn kê giữa nhà. Đôi hài nhung đen thòi ra dưới hai ống quần sa tanh bóng, lạnh lẽo và cô độc. Hai người đàn ông loay hoay sắp xếp bày bàn thờ phía trong với lư hương, chân nến, tượng Chịu Nạn, hoa, đèn, trái cây. Người nhà hòm cũng vừa đến, bắt đầu công việc treo trướng, treo cờ. Người ta nói chuyện với nhau bằng những lời thì thầm, nghiêm trang. Đĩnh tiến lại chỗ Mơ đứng, đưa tay nhận bình nước thánh tìm chỗ để. Dám chừng tay Đĩnh có chạm vào tay Mơ, làm Mơ muốn giật bắn lên như chạm phải điện. Đang đứng gần thi hài lạnh cứng của bà mà toàn thân, mặt mũi chân tay Mơ nóng bừng.
Đĩnh và cậu Hà lại di chuyển vài thứ đồ vật trên một chiếc bàn. Đến khi Đĩnh để bình nước thánh vào chỗ xong, quay ra thì Đĩnh đã chẳng thấy Mơ đâu. Mơ biến mất rồi. Đĩnh tiếc không hỏi được Mơ mấy câu. Anh định hỏi:
- No-en này Mơ có về Gia Yên không?
Nếu Mơ nói có thì Đĩnh rủ Mơ về cùng chuyến xe. Nếu Mơ nói không thì Đĩnh sẽ bảo để Đĩnh xin chị Duyên cho. Đi chung cho vui. Nhà Đĩnh cùng ngõ với nhà Mơ mà. Đĩnh còn muốn hỏi:
- Có phải hồi trước ở nhà, Mơ có hát trong ca đoàn Sao Mai phải không?
Nếu Mơ nói “phải rồi” thì Đĩnh sẽ rủ Mơ vào ca đoàn ở đây. Nếu Mơ nói bận việc nhà thì Đĩnh sẽ bảo để Đĩnh xin chị Duyên cho. Bè Sốp đang thiếu người.
Đĩnh còn muốn hỏi  vài câu hơi có vẻ thân tình, không biết Mơ có trả lời không …
Mới quen, ngại.
Đĩnh về, ghé nhà chị Duyên lấy xe, không thấy Mơ đâu, chắc ở dưới bếp, chắc Mơ cũng ngại.
Cả ngày, Mơ tất bật vì cậu mợ đi suốt. Vừa việc nhà, vừa trông em. Mơ mệt nhưng vui vui. Hóa ra, nhà người ta có đám mà mình lại thích. Thôi để trong lòng, đừng nói ra.
Chiều, mợ vừa ra khỏi nhà được một lúc thì cậu về, bảo Mơ mang thêm hai hộp nến sang đám ma. Khi Mơ sang nhà đám, ca đoàn đang hát viếng bà. Mơ đánh liều, đứng lì ở ngoài nghe hát, bài Con luôn trông cậy Chúa. Ca đoàn mợ Duyên hát hay, nhưng giọng nữ không mạnh bằng giọng nữ Sao Mai của Mơ, có lẽ vì họ không đi đủ. Bài hát cầu hồn nào cũng buồn, nhưng thấm thía. Mơ nhớ quay quắt những dịp đi hát đám tang như thế này ở quê Mơ, ca đoàn Mơ hát, vui và thân. Thoáng thấy anh Đĩnh đứng trong bè nam, Mơ vội tụt ra sau như phải lén lút, nhưng bác Thiên đang tiếp khách ngoài sân đã trông thấy Mơ, bác gọi lại. Mơ đưa nến cho bác rồi lỉnh về.
Anh Đĩnh hôm nay mặc áo màu xanh nhạt. Mơ về đến cổng rồi mà vẫn chưa muốn vào nhà, vì đầu óc Mơ còn vương vấn cảnh bên nhà đám, bây giờ mà bị cậu Hà hỏi một câu là ấp úng ngay. Mơ hay bị tẩu hỏa nhập ma như vậy. Em vịn tay vào cái vòng sắt ở cổng, di di chân dép trên mặt đường, cúi đầu tưởng tượng lúc này bác Thiên đã mang hai hộp nến vào nhà trong, mấy người ca đoàn vẫn đang hát…
Mơ vừa vào sân thì mợ cũng vừa về tới. Mợ ngạc nhiên hỏi:
- Đi đâu về thế Mơ?
Mơ cười hì hì:
- Cậu bảo mang nến sang bên bà. Mợ đi đàng sau  cháu đấy.
- Sao mợ không thấy Mơ?
- Cháu đưa nến cho bác Thiên rồi về ngay.
- Sao Mơ không vào đọc cho bà một kinh?
- Thế ạ. Mai mợ nhá. Mai mợ cho cháu sang đọc kinh cho bà nhá.
Cứ làm như còn trẻ con lắm, chỉ thích được xổng ra khỏi nhà chứ Mơ chả chăm đọc kinh gì đâu!
Mợ Duyên ừ.
Mơ vào bếp thu dọn nốt cho mọi sự ngăn nắp gọn gàng sạch sẽ hết, rồi leo lên giường ngồi khoanh tròn đọc kinh tối.
Mơ làm dấu rồi chia trí ngay.
Mơ nghĩ tiếc, ban nãy không vào bên trong, đứng sau mấy anh chị ca đoàn mà đọc kinh cầu nguyện cho bà cũng tốt. Giá lúc ấy mình cứ đứng vào ca đoàn mà hát chung với họ thì cũng có sao đâu. Mơ vào là đứng ngay đàng sau mấy người bè nam đấy.
Rồi Mơ lại chia trí.
Anh Đĩnh cao giống mẹ anh ấy, chứ không giống bố. Cô Thới lỏng khỏng, lênh khênh.
Con cám ơn Đức Chúa Trời là Chúa lòng lành vô cùng, chẳng bỏ con, chẳng để con không đời đời…
Và đã cho phần xác con hôm nay được mọi sự lành lại cứu lấy con kẻo phải chết tươi ăn năn tội     chẳng kịp.
Đã mười giờ rồi, thảo nào buồn ngủ  rũ cả ra, Mơ bối rối không biết hôm nay Mơ có  làm điều gì làm cho Chúa buồn không. Muốn đọc thêm kinh Ăn năn tội nhưng sao mắt cứ díp vào, phải cố dậy mắc màn, cố chui vào trong, cố với tay dắt dắt vài chỗ rồi ềnh ra luôn. Mơ nằm nghiêng, quấn cái chăn quanh bụng, hai bàn tay chắp vào nhau, úp dưới má.
Ngủ thôi. Anh Đĩnh thây kệ nhà anh Đĩnh!
3.
Mơ được phép lên nhà anh chị Toàn để gửi mấy tháng lương vừa rồi về cho bố mẹ. Đợi cậu mợ đi lễ về đã rồi mới đi được.
Mơ giữ lại hai trăm, ấn trong túi quần, để dành, không tiêu gì. Mơ tính, hồi ở nhà, mỗi buổi, mấy mẹ con gò lưng dập được một chiếc chiếu thước tư, mối lấy năm chục, bán lẻ sáu, có khi bảy chục. Có hai trăm nghìn trong người là giàu rồi, thiếu gì người còn nghèo hơn mình, phải đi bán vé số kiếm từng đồng kia. Họ vất vả cả ngày, dãi dầu mưa gió, nắng nôi; mình ở nhà lầu cao ráo, mát mẻ.
Nghĩ đi rồi nghĩ lại, Mơ ước, giá ở nhà này, cậu Hà đi làm xa thì Mơ thích hơn. Cậu hay quát mắng. Có trả lương tử tế mà không đối xử tử tế cũng chẳng ai muốn ở nhà mình. Có cậu ở nhà, Mơ chỉ muốn chui vào bếp hay bế em ra sân. Nhất là những lúc vợ chồng họ cằn nhằn nhau, Mơ chỉ muốn đi ra đường. Bởi vậy, Mơ cứ định bụng phải lấy chồng đạo gốc. Nói vậy chứ mợ đã bảo rồi, nhiều khi người có đạo gốc còn sống tệ hơn người mới biết Chúa. Cậu nhà này đạo theo mà sao khó khăn quá!
Sáng nay Chúa Nhật, Mơ dậy sớm đi lễ Nhất rồi về trông nhà, trông em cho cậu mợ đi lễ Nhì. Hai vợ chồng, cậu mặc áo sơ-mi đen, mợ mặc áo trắng kín đáo, kiểu đơn giản. Cậu vừa cài tang vừa lẩm bẩm:
- Chúa nhật có buộc đi hai lễ đâu.
Mợ ngạc nhiên hỏi:
- Vâng, thì có ai bắt anh đi hai lễ?
- Anh nói em í. Em đi lễ sáng với anh rồi còn đi  lễ chiều.
- Ca đoàn em hát lễ chiều mà.
- Sao em không hát lễ sáng?
- Cái anh này! Đâu phải nhóm của em mà em vào.
- Mình đổi nhóm đi!
Mợ lắc đầu, nói cậu không hiểu.
Cậu không hiểu là đúng rồi. Vì cậu có vào ca đoàn bao giờ đâu!
Cậu không hiểu cái sự gắn bó của mỗi ca viên đối với một ca đoàn nó thắm thiết, sâu sa như thế nào. Càng ở lâu trong ca đoàn càng yêu ca đoàn hơn, khó mà dứt ra được nếu nữ không vì lấy chồng xa, nam muốn làm ăn nơi khác. Mợ sinh hoạt trong ca đoàn này tính đến nay là chẵn mười năm rồi. Bao nhiêu mùa Vọng, bao nhiêu đêm Giáng Sinh, bao nhiêu tuần Thánh, bao nhiêu mùa Mừng Chúa Sống Lại, bấy nhiêu kỷ niệm nối kết mọi người trong ca đoàn lại với nhau, với mợ. Mỗi giờ tập hát có những niềm vui, nỗi buồn khác nhau. Thánh ca nhiều bài mới, lúc đầu tập thấy chán, sau càng hát nhuyễn càng thấy hay, thấy thấm. Những bài bốn bè, càng dài, càng khó càng hấp dẫn, lôi kéo mọi người lại với nhau vì ai cũng phải cố gắng, hy sinh nhiều hơn. Anh giỏi giúp anh yếu, người vững nhạc lý phải è đầu ra tập cho anh em. Ca trưởng mướt mồ hôi dầu, chạy từ bè này qua bè kia kiểm tra những đoạn khó. Một bài mới được kéo qua hai, ba tuần. Em nào vắng mặt hay đi trễ tuần trước còn có cơ hội nghe tập lại. Bài dài, hát lễ trọng, tập cả mùa không xong..
Mỗi buổi tập bao giờ cũng có pha trò, đùa cợt trên ghẹo nhau chứ không yên, cho nên ca trưởng ra lệnh mỗi bè tự lôi nhau đi đâu đấy mà tập riêng mươi mười lăm phút. Phải tập thôi chứ đâu dám giỡn, lúc trở lại ráp bè mà lạng quạng thì  ắng ngắt cho rồi.
Thường là các chị kêu ca trưởng khó tính vì tuần lễ mới gặp nhau một lần, phải cho chị em ta nói chuyện hỏi thăm nhau tí chút chứ vào là bắt tập luôn. Kỷ luật sắt, độc tài quá đặt luôn cho biệt hiệu là Hít -le.
Thường là các anh vào trễ vì từ sở làm về, giờ tập đã sát, lại cũng ít nam chịu siêng năng việc nhà Đức Chúa Trời bằng nữ. Tenor và Basso bao giờ cũng ít người hơn hai bè nữ, cho nên lép vế hơn, hiền lành chịu lụy hơn nhưng họ được ngồi đàng sau.
Ngồi những hàng sau là một hồng ân Đức Chúa Trời chỉ dành cho hai bè nam.
Muỗi đốt? Gãi thoải mái.
Chưa kịp tắm? Chua thoải mái.
Quần rách? Che thoải mái.
Khổ cho Sop và Alto, hơi tí là bị mọi người phát hiện. Lúc nào chị em cũng phải tươm tất, đẹp đẽ, đoan trang, thuỳ mị. Mái tóc chỉ đổi kiểu tí thôi là mấy ông tướng ngồi sau rít lên. Dám mặc áo mới thi phải chuẩn bị trước để nghe bọn thiên hạ ngồi sau lưng hú hú điếc tai. Bè nam không để yên bè nữ mấy vụ mới mẻ, khác lạ.
Mệt, nhưng vui không quên được.
Chọc ghẹo nhau đấy rồi cười đấy, chả ai giận hờn, bởi ai cũng biết rằng, bên trong những tinh quái ấy là cả một mối tình thân thiết mà chỉ có những ca viên sinh hoạt lâu năm mới hiểu. Hát ca đoàn không chỉ là họp mặt lại để hát và đùa cợt như thế.
Một anh ca viên có người thân bị tai nạn – Cả ca đoàn lo lắng, giúp đỡ.
Một chị trong ca đoàn bệnh – cả ca đoàn đi thăm.
Như mợ Duyên đây có mẹ mới qua đời, nhờ một cái là các em đến làm ngay, coi như việc nhà họ.v..v.. Còn nhiều điều khác hay lắm, kể không hết. Nói tóm lại, cậu không đi ca đoàn cậu không hiểu, không biết. Mợ không thèm nói.
Mơ hiểu, Mơ biết, Mơ cũng không nói. “Ơn gọi làm ca viên” quý lắm, không phải ai cũng được đâu.
Nãy giờ là Mơ nghĩ miên man trong đầu, chứ còn cậu mợ đi mất đất từ lâu rồi. Lễ về, cậu mợ còn đi tiệm ăn sáng. Ở nhà có mình Mơ với em Xịn. Em đang nằm trong nôi, mút tay, không khóc, nhưng Mơ không dám rời xa. Mơ ngồi ở mé giường lớn, gần cửa sổ, sát bàn trang điểm của mợ để nom em. Phía trên các thứ lọ nước thơm, phấn thơm, chiếc gương hình bầu dục được gắn trên tường hơi bụi. Mơ đi tìm khăn .
Mơ đến trước gương, bắt đầu lau.
Mơ lau nhẹ từng chỗ. Mơ lau mắt Mơ, miệng Mơ, mũi Mơ, tai Mơ, tóc Mơ. Lau đến đâu, Mơ ngắm Mơ đến đấy. Mơ thấy ngực Mơ đầy, áo Mơ căng, mặt Mơ xinh lạ.
Mơ nhoẻn miệng cười, hai hàm răng Mơ hơi vàng nhưng bóng và chắc. Môi Mơ mọng hồng.
Mơ nhướng mắt to, chớp chớp hai hàng mi dài rồi chợt phì cười với mình trong gương. Khiếp! Có ai bất chợt bắt gặp Mơ lúc này thì  Mơ ngượng chết!
Mơ xóa xóa, lau lau hết mặt gương như muốn che Mơ, dấu Mơ đi, không cho ai nhìn thấy một cô Mơ mới lớn. Mơ hồng, Mơ thơm. Mơ quý.
Trên đời này, Mơ chỉ muốn cho một người ngắm Mơ thôi…
Người ấy phải là người đạo gốc.
Hát ca đoàn nữa thì càng tốt.
ANNA

Không có nhận xét nào: