#Stats1 ul{margin:0;border:0;padding:0;height:32px;background:url(//goo.gl/ZHG881) no-repeat 0 -34px} #Stats1 li{margin:10px 0;border:0;padding:0 0 0 40px;list-style-type:none} #totalComments{height:32px;background:url(//goo.gl/ZHG881) no-repeat} #totalCount{height:32px;background:url(//goo.gl/ZHG881) no-repeat 0 -68px}

Thứ Hai, 25 tháng 7, 2011

Chiều quá ! Hư .

 CHIỀU QUÁ ! HƯ.

ANNA
 Sau khi thanh củi cuối cùng vừa cháy hết thì chương trình văn nghệ lửa trại Làm Quen cũng vừa kết thúc. Vài người trong chúng tôi ngồi nán lại để giao lưu riêng lẻ.

Ngồi cạnh tôi là anh Cam, một người rất nhiệt tình làm công tác xã hội. Anh kể cho chúng tôi nghe nhiều chuyện có liên quan đến các mái ấm tình thương, những cô nhi viện, viện dưỡng lão, trường mù, v.v. Có một chuyện làm tôi rất ấn tượng, với lời mở đầu của anh như sau:
- Chúng ta thường hay thiên tình cảm về những người khuyết tật và dành những ưu đãi cho họ cách tận tình, không tính toán, như một cách thực hiện bài học Thiên Chúa dạy là biết bù đắp và chia sẻ những gì chúng ta, những người lành mạnh có đuợc cho những anh chị em khiếm khuyết khác.
Để tôi kể cho các bạn  nghe một trường hợp, xem nhận định của các  bạn như thế nào.
Rồi anh kể:
- Đây là câu chuyện với nhân vật chính tên là Treng. Chị Treng sống một mình, nuôi trẻ mồ côi hoặc con nhà ai gửi tới. Chị bị cụt chân trái trong một tai nạn giao thông hồi nhỏ và bây giờ chị luôn mang một ống chân giả, nhờ thời gian, chị đi lại dễ dàng, nhiều khi  ta khó nhận ra chị là một người khuyết tật, nếu không tinh ý nhìn xuống chiếc giày cũ chị mang bên chân trái, nó cứng và hơi to hơn chiếc bên phải một chút xíu. Chị Treng phải luôn đi giày.
Mỗi sáng, một tay chị xách giỏ rau, củ, quả nặng, một tay chị bê một mẹt hành ngò chanh ớt đi chợ bán. Bước ra cửa, chị luôn quay đầu vô dặn vói lũ con nít:
- “Ở nhà ngoan, mẹ về mua quà”.
Lũ trẻ dạ, chào mẹ như những con chim non ngoan .
Chúng là bảy đứa con nít, được chị Treng mang về nuôi không. Có đứa là con công nhân, cha mẹ nghèo, không nuôi nổi, phải gửi nơi chị. Có đứa, mẹ nó làm cái nghề vất vả ban đêm, không cho con bú được, phải gửi nơi chị. Có đứa, cha nó bị vợ bỏ, không biết cách nuôi con, phải gửi chị. Có vợ chồng kia đi mót lúa, làm thuê, quê Cà Mau, cũng nhờ chỗ quen, gưi lên thành phố xin chị nuôi dùm hai đứa con bệnh tật.
Chị Treng nhận tuốt. Chị đi lượm đồ thừa chợ đầu mối lê-ghim vứt bỏ: Đầu thừa đuôi thẹo, rau dưa, cải củ, mang về lặt lại, được ít nhiều, mang  trở ra chợ ngồi bán, lấy tiền nuôi chúng.
Chị em bạn hàng cũng hay gói ghém cho chị những quà vặt mang về cho trẻ: Mấy củ khoai lang luộc, mấy cái bắp nấu, mấy ổ bánh mì …
Mẹ con có gì ăn nấy, rau là chính.
Đứa nhỏ mới có bảy, tám tháng tuổi còn bú mẹ, khóc èo ẹo, chị đi xin sữa mấy chị trong xóm có con thơ, về thuôn vô bình, nhét cái vú bình vô miệng là bé nín re, mút chùn chụt thấy thương vô cùng.
Rồi xóm chị ở thuê quen mặt, thấy thương, giúp này giúp kia, cũng đỡ khổ.
Nói đúng ra là chị sướng chứ chị không khổ. Chị tự làm cho mình ra vất vả thì có. Bởi, không chồng không con, nhưng chị có cha, có mẹ, có anh chị em, có nhà cửa đàng hoàng mà không ở. Đi thuê nhà ở riêng, lượm mót nuôi con người ta. Chơi vậy đó!
Tôi dẫn nhóm bạn làm công tác xã hội tới thăm nhà chị Treng nuôi trẻ, lần đầu tiên là vào một buổi tối tháng Ba, sau lễ Thánh Giuse, cách đây ba năm. Trời không mưa, nóng vã mồ hôi, tụi tôi vừa đi vừa gỡ khẩu trang ra lau mặt. Căn nhà nhỏ chị Treng thuê nằm trong một khu phố nghèo, ngõ ngách quanh co, nhưng hỏi  tên chị  thì người ta  biết liền.
Vô nhà, ngửi ngay mùi rau úng.
Chị đi đâu đó, chỉ có mấy cháu nhỏ đang chơi trong nhà. Ngoài hiên có hai đống rau tạp nham chưa nhặt. Tôi làm quen, hỏi chuyện một con bé tên Hân, sáu tuổi:
- Các con kêu cô nuôi các con là chi?
- Dạ, mẹ Treng.
- Nhà này có mấy bạn hết thảy? Mẹ Treng nè, ..
Bé Hân kể:
- Dạ, Nhỏ, Xíu, Trắng, Thiệt, Thương, Hiền, hết.
Mấy người lớn thấy con bé ngộ nghĩnh, cười. Một  cô trong nhóm đọc lại thứ tự:
- Hân nhỏ xíu trắng hiền thiệt thương!
Hân thông minh, cười lả giả:
- Dạ không, con đen thui hà.
Rồi trợn mắt lên, nó khoe thêm:
- Cũng hổng có hiền đâu. Nói xong, nó hét lên một tiếng thật to như để làm chứng cái oai của nó. Mấy đứa khác thích thú như đang thưởng thức một trò chơi. Chúng đâu có sợ, nhưng em bé đang ngủ trong góc nhà thức giấc, ọ oẹ.
- Suỵt, con la lớn em dậy sao. Em đó tên gì?
Một cô lại hỏi Hân, nhưng Hiền đứng kế bên trả lời:
- Dạ, tên Nhỏ. Hiền Nhỏ. Em con đó.
- Vậy sao? Ba má gửi cả hai anh em vô đây hả?
- Dạ, con bị tật ở lưng (lưng thằng bé bị nổi một cục bướu rất lớn phía vai phải), em con bị hở van tim. Xím con mắc đi mần kiếm tiền cho em vô bệnh viện.
- Nhà con ở đâu?
- Dạ, ở dưới quê.
- Quê con ở đâu?
- Dạ, Cà Mau.
Thằng nhỏ tên Hiền Lớn này thật dễ thương. Nó nói đặc giọng Nam Bộ, người Cà Mau:
- Hồi đầu, có ên con ở đây thôi. Em con mới lên.
- Sao Hiền biết em bị hở van tim?
- Dạ, con nghe xím nói.
Tôi thắc mắc :
- Xím là ai?
- Dạ, là má đó. Bà ngoại con là người ba tàu mà!
Ý trời, thằng nhỏ khôn trước tuổi. Nhỏ xíu mà biết hết … ba đời nhà nó.
- Năm nay Hiền mấy tuổi rồi?
-Dạ, con sắp bảy tuổi.
- Em Nhỏ mấy tuổi?
Hiền cười tươi:
- Em con hai tuổi. Chú tới coi, em con nó nhỏ xíu hà.
Tụi tôi xấn vô bên trong góc nhà, nơi có mắc cái võng nhỏ cho em bé nằm. Đây là đứa bé đang bị bệnh tim đây, sao chị Treng dám nuôi đứa nhỏ này, ai cũng thắc mắc, nhưng chỉ thì thào với nhau vì Nhỏ đã nhắm mắt ngủ lại. Khuôn mặt  trẻ thơ đang say ngủ đẹp biết bao.
- Mấy con chơi, nói nhỏ cho em ngủ nha.
- Dạ. Mấy đứa nhỏ đang túm tụm lại bày đồ chơi với nhau nghe một cô dặn dò thì dạ rất ngoan.
Cô bạn trong nhóm là bác sĩ, lưu tâm tới cái bướu trên vai Hiền Lớn. Cô vạch áo nó ra xem. Cô nắn qua nắn lại, hỏi han Hiền mấy câu. Cô cũng có vẻ áy náy khi biết trong nhà chị Treng có nuôi em Nhỏ bị bệnh hiểm nghèo như vậy, nhưng chúng tôi chỉ là khách lạ, không dám góp ý gì với chủ nhà. Vả lại, cũng chưa biết rõ khả năng chị Treng. Cũng có thể chị đã tốt nghiệp ngành Y thì sao! Nhưng dù thế nào cũng không thể nuôi em ở nhà. Bệnh này phải cho đi bệnh viện chứ! Cuối cùng thì chúng tôi kết luận vỏn vẹn ở một chữ: Nghèo. Cha mẹ nó nghèo. Chị Treng cũng nghèo.
Nghèo mà còn nhận nuôi con nhà nghèo làm chi. Như vậy chỉ có một lý do là yêu trẻ mà thôi, chứ không thì rỗi hơi mà đâm đầu vào. Cứ xem một người mẹ nuôi con nhỏ vất vả, cực khổ như thế nào khắc biết. Con Xíu bốn tuổi, thằng Thiệt năm tuổi, bé Thương hai tuổi, ba đứa trẻ mồ côi, đứa mất cha, đứa mất mẹ, nhà cửa không có. Người tụi nó nhỏ xíu, quắt queo như con cá mắm. Chỉ đôi mắt là sáng. Đôi mắt bé nào cũng trong veo, ngây thơ, thánh thiện như mắt thiên thần. Nhất là bé Thương, vừa trắng trẻo vừa xinh xắn, ai bảo con nhà mồ côi. Chúng như những bông hoa nhỏ, tôi yêu quá.
Những ma-xưa hồi tục, những sư huynh già mất học trò mà tôi từng quen biết, thường hay lập ra những mái ấm tình thương nuôi trẻ, chắc cũng bởi yêu sự tươi sáng, trong lành của trẻ thơ. Riêng tôi, chẳng có khả năng làm những việc lớn lao giúp ích cho các cháu như thế, tôi chỉ biết đi thăm, có chút quà cho cháu vui. Bụng bảo dạ, mai kia trúng số, mình sẽ làm nhiều việc cho chúng.
Thế mới phục chị Treng.
Nhóm xã hội chúng tôi bày những món đồ chơi mới ra và hướng dẫn cho các cháu chơi chung. Chúng hớn hở ra mặt.
Hồi lâu sau, có một người phụ nữ mặc áo bà ba đen, bước thẳng vô cửa. Đó chính là chị Treng, chủ nhà, một phụ nữ tuổi trên dưới bốn mươi một chút, tóc dài kẹp ba lá giản dị, quê mùa, dáng người dong dỏng, có vẻ luôn tất bật, bận rộn vì tham công tiếc việc. Chúng tôi làm quen với nhau dễ   dàng  và nhanh chóng.
Chị Treng mới bế con bé Trắng, chín tháng tuổi, con của một cô gái trẻ làm nghề ban đêm, đi bú nhờ về. Cứ từ năm giờ chiều là cô này mang con tới gửi, sáng lại đón con về. Mỗi lần đón con, cô gái trả cho chị tí tiền công.
Chị Treng quê Thái Bình, nói chuyện thật thà như quả cà. Hỏi chị có gặp khó khăn nào lớn trong việc nuôi các cháu thế này không, chị nói không, có sao ăn vậy, mẹ con nuôi nhau. Người ta quăng thì mình lượm, không lượm người ta cũng quăng, không lượm tội nghiệp chúng nó. Chị thản nhiên nói chuyện nuôi trẻ nít như nuôi chó con.
Thấy chị hôn hít, đùa giỡn với con bé trên tay, chúng tôi yên tâm ra về vì  cứ theo kinh nghiệm cho biết, người nuôi trẻ phải có tình thương yêu trẻ như thế thì mới tin tưởng được.
Chị ngồi bệt xuống nền nhà xi măng, ống quần co lên làm hở một đoạn chân giả bằng nhựa cứng màu ngà vàng ố. Một cô bạn nhìn thấy, hỏi thăm, chị nói – “Tai nạn lâu rồi” ngắn gọn. Thấy chị làm như không muốn ai lưu tâm đến bản thân mình, cũng không nghe than thở vất vả này kia vì bọn trẻ, anh em chúng tôi bảo nhau, người quên mình như thế đáng được giúp đỡ.
Thấy lũ trẻ ngoan ngoãn, lễ phép với khách, lại gọi chị Treng là mẹ, chúng tôi hài lòng là đã chọn đúng địa chỉ để thăm viếng lâu dài.
Từ đó, nhiều lần anh chị em chúng tôi bảo nhau đến giúp đỡ chị Treng, coi như cộng tác với chị trong việc chăm sóc các cháu. Người thì mua tặng chị cái xe đẩy để chị khỏi phải bưng rổ, bưng mẹt.
Người thì mua sắm cho các cháu, mỗi đứa một cái ly nhựa, hai bộ đồ thun, một đôi dép, mới toanh, màu mè sặc sỡ, khiến trẻ con vui, nhảy cẫng nhận quà.
Người thì đem đồ nghề tới kê lại cái cửa bị lệch bản lề, sửa cái máng xối bị vẹo. Có anh thợ hồ còn cẩn thận, tận tâm đem gạch, cát, xi-măng xây lại nền bếp cho các cháu vô nhà cầu khỏi bị trơn trượt.
Cô bác sĩ mang tới cho nhà chị một tủ thuốc căn bản, còn cho số điện thoại, dặn chị gọi cho cô khi trong nhà có cháu nào đau ốm .
Riêng tôi, quyết định dấm dúi cho chị mỗi tháng một phong bì mỏng để phụ chị tiền thuê nhà. Nghe chị nói, căn nhà chị đang thuê thuộc đất nhà thờ, đất của cha xứ. Cũng mong cha tính giá rẻ cho chị.
Nói tóm lại, ngay từ buổi đầu quen biết, chúng tôi đã tận tình làm tất cả những gì trong khả năng chúng tôi có, để vun đắp cho cái gia đình nhỏ bé, nghèo khổ của một phụ nữ tật nguyền.
Không biết những công việc vặt vãnh chúng tôi làm cho chị Treng có ích lợi gì lắm cho các cháu không, có vui lòng chị không, mà bận sau, cách đấy mấy tháng, bọn chúng tôi có người ghé thăm, về kể lại kỳ này, nhà chị Treng nuôi thêm nhiều trẻ, nhớ tên không nổi đâu. Thế là tôi ào tới coi. Ui cha, cả muời mấy, hai chục đứa nhỏ. Mấy đứa cũ nhớ khách chạy ùa ra chào tôi. Tôi tìm mặt lẩm nhẩm: Thiệt nè, Xíu nè, Thương nè. Hiền đâu? Hân đâu?
- Dạ Hiền, Hân đi học.
- Vậy sao? Còn mấy con?
- Dạ, mẹ Treng đang xin cho tụi con vô trường. Một cháu lớn, mới vô, bạo dạn thưa.
Như vậy, hiện nay chị Treng đang có thêm một vấn đề phải lo, đó là cho mấy lớn vô trường học. Muốn đi học phải có khai sinh, địa chỉ đàng hoàng. Không biết chị lo thế nào? Rồi còn học phí cho chúng?  Tôi nhìn bao hết một lượt đám trẻ con trước mắt mình: Cũng có tới cả chục cháu đến tuổi đi học rồi đó. Một chục cháu là một chục mối lo, bởi chúng là người các tỉnh tụ về chứ đâu phải trẻ thành phố. Tôi hỏi chuyện một cháu gái, đứng nép người hiền lành, bẽn lẽn. Cháu tên Mong, mười một tuổi, cùng quê với chị Treng. Mong mới vào được nửa tháng:
- Mẹ Treng đi chợ, ai coi các em? Chơi với nhau, đánh nhau thì sao? Ai xử?
Mong cười nói:
- Thưa chú, mẹ chỉ đi một lúc thôi ạ. Không được đánh nhau ạ.
- Thế đánh nhau mẹ Treng có phạt không?
Con bé lặng thinh, không trả lời câu hỏi của tôi. Trẻ xa cha mẹ thì khôn ngoan lắm, cứ theo cách nó nín lặng trước một câu hỏi thì biết. Tôi dò:
- Sao Mong  không ở quê, lại vào đây?
- Tại nhà cháu nghèo ạ.
Đấy, trả lời như thế rõ là khôn, nhưng chú mày cũng có cách để truy chứ tưởng à con! Liền khi ấy, chị Treng về. Chị cầm lửng lơ cái rổ, cái mẹt không.Taykia chị khệ nệ bưng một bịch thức ăn nặng. Hai chục miệng ăn chứ ít à! Chị cười hỏi tôi, chú tới lâu chưa? Tôi ấn cho chị chút tiền còm, rồi ngồi chơi thêm một tí, có ý hỏi về việc học của các cháu. Chị Treng trình bày:
- Tôi có ra phường xin chứng nhận giấy tờ cho các cháu. Trường Tiểu học gần đây nhận cho mười bé, miễn học phí, diện nghèo. Còn mấy cháu lớn cấp 2 thì chưa xin được, trường lại xa.
Có con nhỏ, tôi thông cảm mối lo hiện tại của chị Treng. Tôi ra về để chị còn lo cho bọn trẻ. Chị tiễn tôi mà tay cầm cái bình không, vẫn mang đi hàng xóm xin sữa cho con nhỏ. Đôi chân so le của chị tất bật, vội vã …
Mong mang bịch thức ăn xuống bếp, các em nhỏ líu ríu chạy theo. Chúng như một lũ ruồi tội nghiệp. Căn nhà trở nên chật chội quá sức.
Chúng tôi bàn nhau chung tiền giúp chị Treng tìm thuê một căn nhà khác rộng hơn.
Một tháng sau, có người bạn tốt đang trong thời gian tạm ngưng kinh doanh vì lô cốt, bằng lòng cho chị Treng thuê cửa hàng hai tầng lầu của anh ấy ở phường Bảy. Chị Treng và các cháu lục tục dọn nhà.
Chúa thương quá rồi còn gì!
Gần đến Nô-en, chúng tôi ngỏ ý muốn mượn tầng hai nhà chị Treng để làm văn nghệ. Nói là mượn chứ thực ra tụi tôi muốn giúp chị tổ chức một bữa tiệc cho các cháu vui chơi tại nhà. Chị Treng bằng lòng. Thế là tối 24, sau khi nắm đuôi áo nhau đi nhà thờ dự lễ, lên hôn chân Chúa Hài Đồng nằm trong máng cỏ về, các con của chị Treng được qua một đêm Giáng Sinh vui vẻ, ca hát tiệc tùng khó quên. Chúng được ăn gà KFC, được uống Coca Cola, được ăn bánh kem ngọt, lại được xem các cô các chú ca múa nhạc. Nghiệp dư nhưng không kém phần hấp dẫn bởi đa số chúng tôi là dân ca đoàn, chuyên môn làm văn nghệ. Làm cho lũ trẻ vui và no, lòng chúng tôi sung sướng vô cùng.
Trong nhà, hiện tại đã có hai cháu trai học cấp Hai, khỏe mạnh, có thể giúp chị Treng những việc nặng. Điều này làm chúng tôi, những người bạn có lòng với gia đình đông con của chị đỡ áy náy phần nào, nhưng vấn đề tìm trường cho các cháu vẫn luôn làm chúng tôi và chị bận tâm chưa dứt, đồng thời nó cứ như sợi dây liên kết chúng tôi lại với nhau, dặn nhau phải cầu nguyện luôn để xin Ơn Trên hướng dẫn. Và rồi, cuối cùng cũng có một chị Hiệu Trưởng trường trung học kia nhận bảo trợ cho các cháu vào học, miễn học phí.
Nói chung, chúng tôi cộng tác hết lòng với chị Treng, không so đo, tính toán. Về tinh thần cũng như vật chất, chị cần gì cho các cháu, cứ nói, ai có khả năng là đỡ gánh ngay cho chị. Chị Treng bây giờ giống như tượng Phật bà, tọa một chỗ xòe nghìn tay cứu độ chúng sinh.
Lòng thương xót Chúa và Mẹ vô cùng, một lần kia, bỗng dưng run rủi sao mà chị Treng gặp được một người có lòng. Tấm lòng người ấy thật tôi chưa từng thấy, chưa từng gặp. Theo chúng tôi đi thăm mái ấm của chị Treng có một lần thôi mà người bạn ấy đã nhường cho các cháu một ngôi nhà, tuy có một tầng lầu, nhưng khá rộng, lại có sân vườn bao quanh, lý do: an cư lạc nghiệp. Cứ ở, cô không lấy tiền thuê nhà (riêng tôi cũng có lời cám ơn cô). Cô ấy giúp cho chị Treng không phải sống kiếp ở trọ, ở thuê. Cô ấy chọn lấy mấy cháu trai lớn trong nhà đi học nghề thợ bạc, rồi vào làm nhân viên trong công ty vàng bạc đá quý của cô ấy luôn. Đã vậy, cô lại còn tìm một bác gái có bằng cấp về ngành giáo dục, mới về hưu, đến phụ giúp chị Treng chăm sóc các cháu nữa. Nghe nói bác tên Hài. Chị Treng đã gặp thiên thần rồi. Thôi thế là không còn thiếu thốn gì  nữa nhá.
Chúa khoan nhân là mục tử tôi,
tôi không còn thiếu gì,tôi không còn e sợ nỗi gì .
(Tv.22)
Người phụ nữ khuyết tật ấy giờ có đầy đủ mọi điều kiện giúp cho cuộc sống chị và những con người thuộc về chị được thoải mái, nhẹ nhàng, không bận vướng, lo toan thái quá. Chúng tôi chúc chị bình an trong ơn nghĩa Chúa và Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp. Giờ chị chỉ còn mỗi việc là tạ ơn và … tạ ơn.
Bấy giờ, mỗi khi ngồi lại với nhau, nhóm công tác xã hội chúng tôi vẫn khẳng định: Trong số những vị lập mái ấm tình thương nuôi trẻ cơ nhỡ thì chị Treng là người may mắn hơn cả. Chị Treng là người được nhiều Ơn Thánh bảo trợ hơn cả. Suy cho cùng thì cái lý do khiến mọi người tận tình thương yêu giúp đỡ chị cũng bởi chị là một người khuyết tật. Đã là một người khuyết tật, chị lại còn hy sinh cuộc đời nuôi nấng trẻ mồ côi, cơ nhỡ như thế thật đáng khâm phục. (Trong khi đâu đó, báo chí đăng nhan nhản tin mẹ hành hạ con ruột; mẹ mìn bắt con nít đi ăn mày mang tiền về nộp cho mụ đánh bài, chủ vựa tôm hành hạ thằng bé làm công mới tí tuổi đầu, v.v.).
Yên tâm, thế cho nên sau đó suốt mấy tháng trời, chúng tôi bỏ bẵng, không ghé thăm mẹ con chị Treng. Tình cờ, có lần đi qua gần khu vực đó, tôi gặp một láng giềng nhà chị, dì Ba. Dì Ba cho biết kỳ này mẹ con chị Treng ngon lắm, có người nước ngoài tới thăm hoài, chắc chắn có tài trợ. Chuyện thường ngày ở huyện. Tôi quá biết! Nhà chị Treng là trễ đó. Tại chị Treng quê mùa, kém học lại không nhanh nhảu, bon chen, chứ các mái ấm khác, lên mạng cái là một chục nhà tài trợ (nhất là người nước ngoài) xếp hàng đứng ngay trước cửa, muốn gì được nấy. Tôi nghĩ bụng: Có người giúp thế cũng đỡ khổ. Cầu mong sao nhiều người biết đến trường hợp của chị Treng để các cháu được đầy đủ như mọi trẻ em khác, vì chúng có quyền được chăm sóc và những người lớn chúng ta có bổn phận phải lo cho chúng.
Dì Ba còn nói:
- Bà chủ nhà mới cho cô Treng xây thêm lầu phòng, không tin chú tới coi, ngôi nhà đó giờ bảy, tám tỉ bạc chứ ít a!
Tôi ngạc nhiên hỏi:
- Chị Treng lấy tiền đâu mà sửa nhà? Kỳ này chị ấy còn đi chợ rau nữa không?
Dì Ba toét miệng cười, như những người phụ nữ lanh chanh rất rành chuyện nhà kế bên, dì nói:
- Không, cổ có nhiều tiền người nước ngoài cho rồi, giờ ở nhà thôi. Sắp nhỏ cũng sướng, được bà Hài thương quá trời đất.
Tôi nghe biết vậy, nhưng lúc ấy có việc vội đi, không quẹo vào. Chính vì nghe được thông tin cho biết bây giờ chị ấy và các cháu đã có một cuộc sống dễ thở như vậy mà tôi an tâm, không thấy cần thiết phải vội ghé thăm. Chính tôi cũng đang phải vật lộn với cuộc sống để lo cho gia đình tôi, một gia đình tuy nhỏ nhưng cũng đầy đủ những khó khăn như bất cứ một gia đình  nào.
Qua đi một mùa hè nữa nóng nực và bận rộn, khoảng đầu tháng sáu năm sau thì phải, trên đường đi công tác về trễ, tám giờ tối, tôi tạt vào một quán cà phê wifi nhỏ, ngồi gõ vội đoạn cuối bài tản mạn Câu chuyện cuối tuần cho kịp gửi toà soạn ra số mới. Đang gõ, bỗng dưng, có linh cảm thế nào, tôi ngẩng đầu lên, qua tầm nhìn phía trên  màn hình của chiếc laptop, tôi giật bắn người khi nhận ra trong góc tối của quán, một đôi tình nhân đang ôm ghì nhau mà người nữ chính là … chị Treng. Chị Treng áo đen, tóc dài chứ còn ai! Ôi, chị Treng có người yêu. Phát hiện này thật thú vị, nhưng cũng thật … cay đắng! Cay đắng vì tôi luôn cảm mến người phụ nữ này bởi  lý tưởng quên mình của chị. Những tưởng chị không lập gia đình và quên chuyện riêng tư để một dạ yêu thương con trẻ chứ! Tôi chắp tay cầu xin Chúa cho tôi nhìn lầm. Và vì lúc này máu thám tử trong người tôi nổi lên, tôi vội gập máy, tìm chỗ kín đáo, ngồi nghiêng người, dấu khuất và cố gắng kiểm định thị giác mình lần nữa. Chị Treng tội nghiệp của tôi trở nên dại khờ, nhỏ bé quá trong vòng tay cồng kềnh của một người đàn ông cao to, không rõ mặt.
Tôi phải đợi một lúc lâu, hai người mới đứng dậy ra về. Tôi cúi gằm, tay che mặt, tay vờ gõ máy liên tục như vài cô cậu đang ngồi máy chung quanh  khi chị Treng và người đàn ông kia đi ngang qua, tuy có cách mấy bàn. Và, trong bóng tối của quán cà phê đèn không đủ sáng ấy, tôi nhìn rõ chiếc giày cũ quen thuộc, màu đen và cứng, bên chân trái của người phụ nữ. Đích thị! Tim tôi thắt lại và máu trong người tôi ngưng chảy. Lòng tôi vỡ ra từng mảnh. Có ai đó đem ném lý tưởng của tôi xuống đất rồi chà đạp lên. Thì ra thế đấy. Đời chả có cái mẹ gì là đáng yêu, đáng phục cả, tôi văng cho bõ tức. Mỗi phong bì tôi bỏ cho nhà chị ta là một lần con gái cưng của tôi mất một chầu kem ngon, ngồi quán đẹp, ăn với bố mẹ; hay tôi đây phải hy sinh một chầu gặp gỡ, vui vẻ với bạn bè tôi đó chứ! Có tháng nào tôi dám quên! Tức quá! Bồ bịch thế này làm sao toàn tâm toàn ý lo cho trẻ được. Tôi muốn, chúng tôi giúp là giúp khi chị ta sống vì bọn trẻ thôi. Bằng không, tôi đây, một kẻ rất tầm thường, cũng có thể nuôi trẻ được. Phải mách.
Ngày hôm sau, các bạn trong nhóm đều biết chuyện này vì cái miệng tôi không khép được. Có bạn xua tay cho rằng tôi chủ quan; trong bóng tối, một chiếc giày đen không thể là bằng chứng xác thực được. Có bạn cười, nói tôi lý tưởng hóa cuộc đời quá; thôi để chị Treng có chồng, có con, biết đâu, nhờ đó, tình yêu thương chị ấy dành cho các cháu mới càng chan hòa đúng nghĩa hơn. Có bạn ghẹo,hay tôi ghen. Không! Tôi biết tôi. Không ai biết tôi bằng tôi biết tôi. Bạn thấy đấy, cái nghề  ăn cơm nhà vác ngà voi của những người làm công tác xã hội như chúng tôi đây thì động lực nào thúc đẩy chúng tôi chịu vất vả, thua thiệt? Có phải vì tiền không? Không. Nào có ai trả lương cho chúng tôi đâu! Có phải vì muốn được kính trọng, được biết tiếng không? Không. Toàn việc âm thầm. Không cần, không muốn ai hay, ai biết? Chúng tôi chỉ muốn nhìn ngắm tình yêu, một tình yêu vị tha,vô vị lợi. Một tình yêu xả kỷ, hiến thân.
Tôi không đủ quảng đại để tha thứ cho chị Treng cái tội bỏ con đi với bồ. Tôi không cho phép chị chia sẻ cuộc sống chị với ai để bỏ một lũ cháu nhỏ ở nhà. Tôi không bằng lòng chị đi tìm niềm vui riêng, đang khi đám trẻ ở nhà chỉ biết chúm rụm lại bên nhau với nỗi buồn thiếu thốn tình thương cha mẹ. Tôi thừa nhận tôi không có lòng bao dung đối với chị Treng. Tôi đòi chị, đã hy sinh, phải hy sinh trọn vẹn, không thì thôi.
Bất chợt, hình ảnh chiếc giày chân giả thoáng hiện lên trong  trí tôi. Tôi bỗng thấy tởm lợm, buồn nôn. Ôi, nhờ chiếc giày đen cũ rách rưới này mà chị Treng moi được biết bao báu vật từ những con tim nhẹ dạ, yếu mềm của chúng tôi. Nhờ cái chân giả mà chị lôi kéo được khách ngoại quốc đến viếng thăm rồi mở hầu bao ra, trút hết vào bàn tay chị , cho đến đồng đô la cuối cùng. Nhờ có danh hiệu là một người khuyết tật mà chị được ở trong một ngôi biệt thự ngon lành cả đời vợ chồng tôi ky cóp cũng đừng hòng mơ. Vậy, chắc chắn, nhờ có gia sản đồ sộ như thế mà chị ta sắm được một người tình ở độ tuổi không còn trẻ lại thêm cái chân què.
Tôi nửa muốn tìm đến tận nhà vạch trần thói tinh ma của chị ta ra một lần cuối cùng, nửa muốn lặng thinh khinh bỉ, không bao giờ muốn nhìn mặt con người bên ngoài hiền lành thật thà như vậy mà bên trong đầy sự toan tính, vụ lợi, ích kỷ. Chị ta đã lợi dụng tình thương của tất cả mọi người để tạo lấy một cơ ngơi ngon lành và một tình nhân dễ kiếm. Nhớ lại xem, từ hồi đầu tới giờ, chị ta nhận biết bao nhiêu, mà có bao giờ mở miệng nói một câu cám ơn người cho không? Làm như chúng tôi có bổn phận phải lo cho chị ta sao?
Rồi tự dưng những khuôn mặt ngây thơ, những nụ cười xinh tươi thánh thiện của Xíu, của Thương, của Thiệt; những câu nói ngây ngô, những thắc mắc thông minh của Hân, của Hiền; những nhẫn nại, chịu đựng của Mong (sau này tôi biết Mong trốn nhà vì bị bố ép ở nhà chủ nợ để trả nợ tiền cờ bạc của ông ta, em thà vào nhà chị Treng, khổ mấy cũng chịu); những cơn đói sữa của Trắng còi cọc, những cái nấc, cái nghẹt thở của Nhỏ bệnh tim v.v. lần lượt hiện ra trước mắt tôi. Tôi uất lên tận cổ khi nhận ra rằng các thiên thần ấy mới chính là những con tốt cho người đàn bà tinh khôn ấy lấy làm mồi, lợi dụng những tấm lòng hảo tâm đổ tình xót thương vào túi riêng chị ta. Ai bảo thật thà như quả cà? Tôi à? Đấy chỉ  là buột mồm nói vần thôi chứ quả cà giả dối lắm. Bên ngoài da trắng nõn trắng nà, núm xanh non tươi như mới hái, đít phẳng đầy mà bên trong già cứng, hột vàng chát chạt.
Vậy, thử hỏi, thời gian qua, các cháu sống thế nào?
Tôi tự đấm ngực đã không thường xuyên đến thăm nom các cháu để biết được các cháu ăn uống có đủ chất bổ dưỡng không, có vui không, có được giáo dục tử tế không … Chợt nhớ ra bác Hài, người  đang cùng ăn, cùng ngủ, cùng  sống gần gũi với các cháu  suốt gần một năm nay. Tôi quyết định tìm gặp bác, và vì muốn tránh mặt chị Treng, tôi liên lạc với bác sĩ  Cúc, nhờ cô ấy giới thiệu. Từ hồi bác đến giúp chị Treng, tôi và bác chưa hề giáp mặt nhau bao giờ.
Như thế, lần đầu tiên, tại nhà cô Cúc, tôi gặp bác Hài.
Bác Hài nói:
- Có nghe các cháu nhắc lâu quá không thấy các cô các cậu đến thăm.
- Dạ vâng, chúng cháu mỗi người một việc bác ạ, vả lại từ khi biết mẹ con chị Treng  an cư lạc nghiệp rồi thì chúng cháu cũng yên tâm.
- Cậu nói thế. Chỉ cần sự hiện diện của mình thôi thì trẻ con nó cũng vui, đâu cần gì nữa. Tội nghiệp chúng nó, mỗi đứa một hoàn cảnh.
Tôi nghe hối hận, cảm kích trong lòng, hỏi thăm mấy đứa. Bác kể:
- Thằng Hiền, con Hân học giỏi lắm. Chúng được miễn học phí cả. Sau, thấy người ta tài trợ cũng khá, tôi đề nghị cô Treng nên đóng tiền để cho các cháu đi học bình thường như con nhà khác, kẻo chúng mang mặc cảm người ở mái ấm tình thương không cha không mẹ lo cho, lại buồn. Vị chi trong nhà có mười cháu đi học.
Bác Hài lẩm nhẩm tính :
- Hiền này, Hân này, Mong này, Hưng này,  Tí Anh này…
- Thưa bác, thế còn các cháu lớn đi làm ạ?
- Có hai anh em ngoan lắm, cha mẹ bị tù tội oan thế nào không biết, cha xứ biết rõ hoàn cảnh, thương, gửi cô Treng. Cô chủ nhà đòi phải cho chúng vừa đi làm, vừa đi học, không được bỏ học. Cô hứa sau này thành nghề, có lương sẽ cho các cháu giữ làm của riêng.
- Thưa bác,  còn : Thương, Xíu, Thiệt?
- Ba đứa nhỏ cậu nhắc, chúng cũng nhắc cậu luôn. Thế cậu nhớ bé Nhỏ, em thằng Hiền chứ! Thằng bé được đưa đi nằm viện tim rồi và sẽ được mổ miễn phí, nhờ các cha dòng Chúa Cứu Thế ghé thăm, giới thiệu đấy.
Tôi mừng ra mặt:
- Cám ơn Chúa. Còn Trắng ạ? Biết làm gì rồi, dứt sữa chưa bác?
-Trắng thì … Bác Hài kể đến đây thì ngập ngừng như tìm lời. Tôi nói ngay:
- Cháu biết trường hợp mẹ nó.
- À như cậu  biết đấy. Mẹ nó bán nó cho cô Treng luôn, lấy ít tiền rồi bỏ đi mất. Chả biết tìm đâu ra mà khuyên nhủ chị ta hoàn lương . Khổ thân! Con bé gầy gò, vừa biết bập bẹ: Mẹ, mẹ.
Cho đến lúc này tôi vẫn chưa biết hỏi thăm thế nào về cuộc sống riêng của chị Treng, người mẹ nuôi bất đắc dĩ của lũ trẻ, từng ấy đứa trẻ đáng  yêu mà tôi luôn thương nhớ chúng  sâu sa tận trong lòng tôi. Phải chi tôi có điều kiện thay thế chỗ của chị ta!  (Để cho chị ta được rảnh rang đi tới quán cà phê mỗi tối). Chúa biết!
Cuối cùng,  dằn cơn giận xuống,   tôi ướm lời bác  Hài:
- Chị Treng từ khi có bác chắc chắn là sướng rồi, bác nhỉ!
- Ôi, cái số nhà chị này tất tả ngược xuôi lắm cậu  ạ.
- Sao cơ? Cháu nghĩ rằng bác đang giúp đỡ chị ấy quá nhiều đấy chứ. Còn lo gì nữa?
- Cậu xem. Có ông Tây mắt xanh đến thăm, cứ bảo để xem có cháu nào bị bệnh sẽ giúp làm giấy tờ đưa đi ngoại quốc chữa bệnh. Có ông Tây mũi khoằm yêu quý cô Treng lắm, như các cô các cậu đấy, rồi giúp đỡ, rồi viện trợ bao nhiêu. Tiền thì nhiều đấy, nhưng phải chạy đôn chạy đáo. Hết lo giấy này đến lo tờ kia. Lên quận xuống phường, một mình cô ấy. Mà cũng phải thôi cậu ạ, vì là, làm việc với người ngoại quốc phải danh chính ngôn thuận, đâu ra đấy. Chi thu trong nhà lại cũng phải kê khai, có nhân viên nhà nước đến kiểm tra ngân sách, tài khoản v.v.
Bác Hài lập lại:
- Một mình chị ấy, chạy sáng chạy tối …
Tôi nghĩ bụng: Bác ơi, bác lành thánh quá.
Tôi hỏi:
- Sao bác không phụ với chị ấy (để chị ấy khỏi phải đi sáng đi tối!)?
- Không.Việc ai nấy làm. Cô Treng nhờ tôi trông coi mọi việc trong nhà. Cậu nghĩ, mười mấy đứa trẻ mình tôi săn sóc.
Bó tay! Thảo nào bác Hài không hề biết gì về chị Treng mỗi khi chị ra khỏi nhà. Làm giấy tờ! Vâng, đi làm giấy tờ, một mình chị ấy, lo sáng lo khuya! Không lẽ tôi phải trắng trợn hơn?
Bỗng tôi chợt nhớ tới một thông tin trên báo mạng cách đây ít ngày. Tin ấy đăng rằng bên Hy Lạp bây giờ người ta đổ xô đi tìm mua con nít.
Ông Tây mũi khoằm này là người gì?
Có phải là người Hy Lạp không?
Có phải là người đi với chị Treng tối ấy không?
Chị Treng đi làm giấy tờ gì?
Hợp thức hoá giấy mua con bé, con một cô gái điếm?
Làm giấy bán con cho người nước ngoài? Bé Trắng sao rồi?
- Con bé Trắng bây giờ sao rồi bác Hài?
Tôi buột miệng hỏi lại lần nữa về bé Trắng.
- Con bé dễ thương quá cơ cậu. Hôm nọ, cô Treng bế nó đi ra tiệm chụp cho tấm ảnh. Trông thế mà cái mặt xinh ơi là xinh. (Chụp hình làm giấy tờ chứ còn gì!). Tội nghiệp cô Treng. Cái chân như thế mà cứ tất ba tất bật suốt về lũ trẻ, chẳng một lời than van. Cho nên tôi phải cố gắng, làm được việc gì trong nhà giúp cho cô ấy thì cắm đầu cắm cổ mà làm thôi. Cứ yêu trẻ là chả nề hà gì, cậu nhỉ. Thôi nhé. Cô Cúc cho tôi về kẻo nhà còn nhiều việc. Hôm nào cậu ghé chơi cho các cháu nó mừng. Không cần quà bánh gì cả.
Tôi ngỡ ngàng nhìn bác Hài. Sao trên đời này lắm thánh thế này? Đi đâu cũng gặp thánh. Còn mình thì cứ như quỷ ám, toàn nghĩ  điều  xấu xa cho người. Cái chân giả quỷ quái kia, ngươi hãy biến đi cho khuất mắt ta, đừng cám dỗ ta nữa.
Để bác Hài ra về, bác sĩ Cúc giữ tôi nán lại thêm một lúc, khi này cô Cúc mới góp ý riêng tư:
- Anh Cam à, anh đừng sửng sốt như người từ trên trời rơi xuống chứ. Chị Treng cũng bình thường như mọi vị làm việc từ thiện khác thôi mà.
Nói thật, từ nãy tới giờ, có lúc em thấy anh có vẻ như bị sốc? Anh lấy làm lạ khi biết chị Treng được tài trợ từ ngoại quốc chứ gì! Đó là sự thường, bởi vì làm sao một người phụ nữ Việt Nam nghèo, trong thời buổi khó khăn này lại có thể tự sức nuôi nổi mười mấy đứa con nít? Cứ suy anh em mình ra thì biết.
Lương anh em mình coi vậy cũng còn khá hơn nhiều người thợ, người lao động phổ thông khác. Hỏi anh, vậy mà anh chị hay vợ chồng em đây có dám sinh tới đứa con thứ ba không? Sữa cho con hết nửa tháng lương bố nó rồi.
Thông cảm cho người ta đi thôi ông ơi. Ông không thể hiểu được nỗi khổ của những người mẹ nghèo như thế nào đâu. Đàn ông các anh đôi khi rộng rãi, nhiều khi khắt khe quá đấy. Em nghĩ, giá như anh chịu khó làm xe ôm, làm thư ký giúp chị Treng đi làm giấy tờ này nọ, có phải thời gian qua chị ấy đỡ vất vả không. Anh vẫn nhiệt tình với các công việc như thế mà, phải không nào!
Tôi ngồi nghe, tim gan nóng bừng, sôi sùng sục.
Một tháng sau, tôi nghe bác sĩ Cúc báo tin bác Hài gọi điện kể rằng bé Trắng đã được một ông người nước ngoài vẫn hay đến thăm, đưa đi chữa bệnh. Không biết bệnh gì. Nó vốn suy dinh dưỡng, đầu to đít bé. Còn chị Treng thì lên máy bay đi Mỹ với ông Tây mũi khoằm. Đi luôn rồi. Nhà để bác Hài lo.
Ức chị Treng, từ ấy đến nay, tôi không đi thăm viếng thêm một mái ấm tình thương nào nữa. Tôi đi làm, chiều về ở nhà đọc sách và chơi với con tôi. Không bận tâm, nghĩ  ngợi gì nữa hết .
Anh Cam kể đến đây thì quay hỏi tôi:
- Bạn thấy tôi có quá quắt không?
Thấy tôi còn đang suy tư, anh nhìn sang chị ngồi sát bên cạnh tôi,  hỏi:
- Thưa chị, chị đã nghe câu chuyện tôi vừa kể. Xin chị cho biết, chị  nghĩ thế nào ạ?
Chị ấy thản nhiên  buông ngay một câu:
- Chiều quá hư đấy thôi,chú ơi.
ANNA 

Không có nhận xét nào: