#Stats1 ul{margin:0;border:0;padding:0;height:32px;background:url(//goo.gl/ZHG881) no-repeat 0 -34px} #Stats1 li{margin:10px 0;border:0;padding:0 0 0 40px;list-style-type:none} #totalComments{height:32px;background:url(//goo.gl/ZHG881) no-repeat} #totalCount{height:32px;background:url(//goo.gl/ZHG881) no-repeat 0 -68px}

Thứ Hai, 25 tháng 7, 2011

Góc trời đày

GÓC TRỜI ĐÀY

 
 ANNA
 Anh chủ quán cà phê Lung Linh muốn gỡ bỏ giàn dây nho giả bằng nhựa đã cũ được treo lằng nhằng phía trên
quầy tính tiền, nói cách khác là lủng lẳng ở trên đầu chị chủ quán từ hồi mới khai trương. Lá xanh biếc, đọt tươi mơn mởn, xum xuê những chùm tím rịm lẳn tròn và sai trái, nhìn cứ như nho thật, lá thật nhưng theo dòng thời gian nó bám bụi bám bặm bẩn thỉu, xuống màu, nhìn biết ngay, hết nên thơ … Mình còn chán nữa là khách (nói thật, anh chủ ghét đồ giả, hoa giả lắm. Đây là chiều theo ý thích của chị chủ mà chưng đấy thôi.Với lại, hồi mới sắm về, đồ giả trông cũng không đến nỗi nào). Phía trên cùng, có những đoạn dây nho hơi cao đối với anh. Nhắm chừng đứng dưới đất với không tới, anh định quay vào nhà trong tìm cái thang chữ A. Nhưng thôi, giờ đã xẩm tối, để đó, lo cắm hoa cho kịp.
Anh chủ là một người có tâm hồn nghệ sĩ, tốt bụng, cởi mở và mẫn cảm. Tính tình anh luôn dịu dàng, nhẹ nhàng, vì thế anh có nhiều bạn. Anh thương bạn và bạn cũng thương anh, có khi họ thương nhau còn hơn thương cha mẹ hay thương người ruột thịt, bởi vì cha mẹ hay người ruột thịt không hiểu để mà thương họ được bằng chúng họ với nhau. Cả một bọn khác người thương lấy nhau. Cả một thế giới ương ương sống với nhau. Anh bỏ tiền thuê mặt bằng mở quán là để chiều chuộng cái tính mơ mộng và ham kết bạn của anh, chứ không mong làm giàu, nhưng hoá ra khi bắt tay vào kinh doanh, anh thấy mình cũng không đến nỗi tồi. Cuộc sống cũng còn nhiều điều thú vị đáng sống, đáng yêu  ở trước mặt. Anh chia sẻ với bạn bè, những người bạn trời đày của anh. Thoạt đầu, anh và chị tính sổ sách cuối tháng chỉ cần đủ trả tiền nhà, tiền điện, tiền lương mấy nhân viên bưng cà phê, tiền đi chợ nuôi hai người đủ sức ngồi trông coi quán, coi như sống được. Sống mà vui thì gọi là sống được. Mấy tháng đầu eo sèo, tính dẹp tiệm. Mấy tháng sau đỡ hơn, đã có ít khách quen. Dần dần quán đông. Bạn bè kháo nhau. Từng cặp rủ nhau tìm tới Lung Linh tâm tình, quán nhỏ mà dễ thương lắm.
Mùa thu này là mùa thu thứ hai tính từ ngày khai trương quán. Chị chủ đã quá quen với công việc sổ sách của một thâu ngân viên. Nhớ hồi đầu chị tính lộn tiền hoài. Bây giờ anh chủ cũng đã trở thành một người nổi tiếng, ít nhất là  trong giới.
Quán mở cửa trễ. Buổi sáng, chủ nhân ông dành thời giờ để phụ chủ nhân bà làm các thứ việc linh tinh, chợ búa cơm nước phục vụ cho cuộc sống vật chất vốn bị coi là tẻ nhạt, tầm thường, qua loa-rơ-măng cho xong. Thêm chuẩn bị cà phê, đường, sữa, cam, chanh cùng các thức uống khách yêu thích. Tất cả là để phục vụ cho buổi tối. Không thể thiếu hoa và nến. Hoa và nến được chủ nhân đặc biệt lưu tâm. Lung Linh nổi tiếng một phần cũng là nhờ ở hoa và nến. Hoa và nến đẹp là nhờ ở tay anh chủ quán.
Mỗi buổi chiều, khi nắng vàng đã  tắt, ngoài sân cánh gió hiu hiu thoảng, anh chủ bắt đầu tạo mẫu cho hoa. Quán có mười hai bàn, chiều nào bàn tay tài nghệ nhỏ nhắn của anh cũng chăm chút cho mười hai bình hoa tươi tắn, duyên dáng và dễ thương. Không cần nhiều hoa, không cần nhiều lá, nhiều cành. Đơn sơ, nhỏ bé, nhưng những bình hoa trên mười hai bàn nước trong quán cà phê Lung Linh luôn lấy được cảm tình của khách. Cũng bởi hoa  đi với nến. Khi bàn có khách ghé ngồi, lập tức một em phục vụ từ trong tiến ra, ân cần đặt lên bàn một ly nến thơm màu hồng,  rất nhỏ và rất xinh. Em mời khách tự tay châm lửa đốt nến, dĩ nhiên chẳng ai từ chối thú vui tao nhã và lãng mạn này. Ngọn nến cháy lên lung linh, huyền ảo. Ánh nến  đong đưa lan tỏa mùi hương dìu dịu thơm mát làm thanh thản lòng người. Nến dậy hồn hoa. Những cánh hoa long lanh ngấn nước tươi tắn vươn sắc rực màu. Anh chủ chỉ thích chọn những cành hoa đẹp buồn.
Thế cho nên, trời vừa xẩm tối, người ta muốn vào Lung Linh ngồi để ngắm hoa và nến, để lòng tan chảy hết mọi ưu phiền trong ngày. Cứ ngồi yên lặng, hai tay buông thõng, mắt nhắm lại, hơi thở nhẹ nhàng đón lấy mùi hương hồng hoa của bạch lạp tỏa lan, nghe bên tai thoang thoáng những giai điệu du dương êm ái. Gu nhạc của Lung Linh luôn luôn là  da diết, thiết tha, u buồn, lắng đọng, tâm tình và tuyệt đối không bao giờ anh chủ mở volume lớn. Thời chưa làm chủ quán, anh rất ghét theo bạn bè đi uống cà phê. Họ vô tư, nhưng anh chỉ chịu được những nơi yên tĩnh, vắng vẻ, không mở nhạc hoặc phải mở rất nhỏ, liu riu thôi, và phải  là những bài anh yêu thích. Ý muốn ấy thật vô lý và khó chiều, ríêt rồi anh bị rơi vào týp người già nua, khó tính khó nết. Bạn bè không thể kéo anh vào quán nào có nhạc được. Tìm không được quán ưng ý, anh chơi trò làm chủ quán. Làm chủ một quán cà phê để được làm chủ cái máy mở nhạc. Ương thế. Anh kỵ những loại nhạc ồn ào, náo nhiệt. Anh yêu đời sống âm thầm và mơ mộng, vậy thôi. Bất cần đời.
Khách đồng cảm với anh chủ không nhiều nhưng trung thành, thân thiết và cũng bất cần đời như anh. Khách có thể là những người bạn đã bao lần ngồi tâm sự bên nhau. Khách cũng có thể là một người lạ đến rồi đi, nhưng chỉ những ai có chung một tiếng lòng mới ở lại với quán, mùa này qua mùa tới.
Một buổi tối, có một người khách trẻ vào quán. Khách lẳng lặng tìm một chỗ ngồi riêng tư. Khi nến đã được thắp lên, khách đưa một đĩa nhạc ra đề nghị quán mở cho nghe nhờ. Anh chủ xem qua bìa đĩa. Chỉ là một đĩa chép. Cái bìa khéo tay hay làm, có hình chụp hai thiên thần nắm tay nhau bay là là trên mây, dưới có tên đĩa ngắn gọn viết tay: Taizé. Lạ! (vậy là xét về mặt con chiên yêu thánh nhạc, anh chủ bị trừ điểm rồi!), anh chủ tắt máy, rút cái đĩa nhạc Đoàn Chuẩn quen thuộc ra, giọng Ánh Tuyết đang vươn cao với câu hát “Nhưng thôi tiếc mà chi, chim rồi bay…” chợt tắt tịt. Anh  bỏ đĩa của khách vào, ấn play. Một triều giọng người vươn lên như suối nước dạt dào chảy trào ra. Đây rõ ràng là loại nhạc cầu nguyện. Những bè trầm, bè  bổng quyện lấy nhau, êm ái du dương  như  tiếng ngợi ca, chúc tụng của một đoàn thiên thần trinh trong tiến dâng lên tòa Chúa sáng láng, hay đều giọng và liền tiếng, thanh thoát và ngân nga như  lời kinh Nhật tụng của các thầy khổ tu thanh tịnh đang hát đối đáp nơi triều ca  trước những buổi lễ Misa năm giờ sáng tinh sương trong một nhà Dòng rặt chiêm niệm nào đó. Sốt sắng, trang nghiêm, hòa đồng, tha thiết. Nhưng đây là lời tiếng Anh. Có những câu đơn xướng chân phương, mực thước, rõ lời, dễ nghe, với giọng Nữ cao vun vút hoặc giọngNam  khỏe mạnh như:
Lord we lift up your Name
hay :
He’s my Rock
He’s my Fortress
He’s my Deliverer
In Him will I trust
chen giữa những câu Điệp khúc hát cộng đồng cứ rì rầm, rì rầm lập đi lập lại hoài một lời ca ngắn gọn, dễ nghe, dễ hiểu, dễ nhớ như:
In Him will I trust
In Him will I trust
Ha-lê-lui-a ,Ha-lê-lui- a…
hay
Sing to the Lord
Sing to the Lord
phụ họa theo lời ca chính, như dòng suối âm thanh điều đặn, miệt mài, triền miên vang lên không ngừng nghỉ.
Có bài Hosanna phấn khởi, linh hoạt với tiếng vỗ tay nhịp nhàng rập ràng, nghe như trực tiếp thu âm lời tung hô, chúc tụng của cả một rừng tín hữu đang tụ tập tham dự buổi cầu nguyện tại quảng trường thánh Phêrô mênh mông người trong  một ngày lễ lớn.
Tiếng đàn ống cổ truyền thánh thiện, đạo đức làm chủ đạo, nâng tiếng người thêm nhịp nhàng rền rĩ, có khi chen vào là vài dòng nhạc cho tiếng flute du dương cao vút hoặc có đoạn lại vang lên tiếng kèn đồng trịnh trọng nghiêm trang.
Anh chủ đưa tay vặn nút volume nghiêng về phía tay phải một chút. Khi giọng ca đến chỗ vươn lên cao vút, hai cánh tay anh chủ bỗng thấy rờn rợn, lành lạnh, nổi da gà. Âm nhạc ngợi ca trong sáng và thánh thiện từ ngàn xưa  cứ vừa vang lên là đã làm cho con người muốn quỳ gối xuống, dang hai tay, đầu ngước cao, tâm hồn siêu thoát vươn về Đấng Tối Cao Chí Thánh. Lời ca ngân vang chốn nào, chốn ấy trở nên địa đàng, tiên giới. Anh chủ lắng nghe và thưởng thức. Anh tiến về bàn người khách trẻ, thân thiện kéo ghế ngồi bên, nhỏ nhẹ hỏi:
- Thánh ca phải không anh? Anh cho mượn chép nhá. Trả liền.
Khách gật đầu, nụ cười dễ dãi.
Sau đó thì anh chủ và khách lạ quen nhau dễ dàng. Hỏi ra khách là cha phó. Cha phó trẻ, mới về nhậm chức.
Từ buổi sơ giao có sự đồng cảm về âm nhạc, cha phó thường hay ghé quán anh chủ vào những buổi tối cha không có giờ dạy Giáo lý cho trẻ em trong nhà xứ. Hai người bằng tuổi nhau. Hai người mau chóng trở thành bạn bè thân thiết. Thật ra, bước chân vào quán Lung Linh, cha phó như bị xa lạ, khác biệt vì ở đây, đa số là khách quen, khách đặc biệt. Thoạt đầu, cha như bị choáng, may có anh chủ trấn an.
Mà làm như ý Chúa đưa dẫn, cha phó mê Lung Linh luôn, chẳng mấy chốc cha trở thành khách thân quen của quán.
Những cặp có Đạo như Trung-Toàn, Hùng-Vinh, Bình-Cường, Lệ Tuyền – Uyên thích nghe cha giảng đạo, nhưng không phải về mười Điều Răn mà về những gì xa xa mười Điều Răn, đừng đọc Phúc âm mà hãy nói những gì loanh quanh chân Chúa, cho vui, cho đỡ mệt. Cuộc đời tụi em sầu nhiều rồi, mệt nhiều rồi. Mấy cha giảng Lễ trong nhà thờ nghe buồn ngủ lắm, cứ phải thế này, phải thế kia, hãy thế này, hãy thế nọ. Sao cứ bắt tụi em phải ăn năn sám hối hoài vậy? Mấy cha lo phần mấy cha coi. Cha phó bảo đừng nói bậy, cha sếp nghe được không cho mình ra đây với các bạn. Cả bọn cãi, tụi em không nói bậy, nói thật lòng cha thông cảm, đi Lễ Chúa nhật chỉ muốn ngồi ngoài hay đứng dưới bóng cây sân nhà thờ (vẫn bị các cha gọi là đạo gốc, gốc cây đó). Lệ Tuyền nhún vai nói vừa xem lễ, vừa nghe giảng, vừa ngắm con gái mặc quần áo đẹp thấy thú vị hơn, lại không buồn ngủ. Cặp Hoàng-Lĩnh (thằng Hoàng pêđê con bà phó chủ tịch Phường này đó) nghe vậy cười hi hi ngộ thiệt, bao giờ cho tụi  em đi lễ đạo Gốc với.Vô tư! Đạo của mọi người trên thế gian này, không cấm. Cha phó nghe vui, nghe thích, vậy là cha vẫn cứ trốn sếp Xứ  ra Lung Linh uống cà phê (có chắc dấu được sếp không hè?).
Mấy anh em bạn bè của anh chủ giờ đã trở thành bạn bè anh em của cha phó rồi.  Dĩ nhiên, người bạn có thể bá vai bá cổ cha phó chính là anh chủ chứ không ai khác. Đến chị chủ cũng phải phát ghen. Cái tuyệt vời nhất của âm nhạc là có thể kết hợp và hoà hợp mọi con tim nên một. Không biên giới. Không điều kiện. Không ngăn cách. Không giới tính, không giai cấp gì cả. Một anh là linh mục, một anh là … người phàm, hợp gu nhạc là kết nhau luôn.
Một hôm, cha phó bước vào quán, đi theo ngài là một cô nhỏ, tuổi chừng mười chín, hai mươi. Cô này chưa bao giờ tới Lung Linh nhưng thấy dáng điệu  tự nhiên, không lạ lẫm, e dè. Cô có mái tóc cắt ngắn gọn, khuôn mặt xinh có cái cằm vuông bạnh ra nhưng cũng dễ coi. Cô có làn da trắng trẻo, mịn màng nhưng ánh mắt thẳng thắn và quyết đoán. Cô bước đi mạnh dạn và đàng hoàng, không ẻo lả, đò đưa. Con gái bây giờ hay tạo hình bằng những tính cách của nam nhi như vậy. Cô mặc áo thun, quần jean đơn giản. Cô không trang điểm, không xâm lông mày, chắc là con nhà tử tế, không đua đòi. Hai người ngồi đối diện với nhau, trao đổi như mới quen. Hết một đĩa Tuấn Ngọc, cha trả tiền nước rồi hai người ra về.
Tuần sau, anh chủ lại thấy cha phó dẫn cô hôm nọ vào quán. Lần này, trong ánh sáng huyền mơ của nến và hoa Lung Linh, hai người có những lời trao đổi thì thầm. Lại có vẻ như cha phó đang quơ tay giảng giải cho cô kia (chắc chắn không phải là  giảng Lễ rồi). Cô kia lắng nghe, có khi như tranh luận, có khi như tâm sự với cha. Cô hay lắc đầu. Lắc đầu nguầy nguậy. Nét mặt cô buồn bã, chán chường. Cô không hề hé miệng cười. Những lúc như đang cãi cha phó, cô có vẻ ngang tàng, bộc trực. Lại có lúc thấy cô bồn chồn, lo lắng. Anh chủ dựa người vào quầy thu ngân, liếc thấy cha phó nhìn mình, anh cười với ngài như để động viên, như để thông cảm. Mà cũng không biết động viên cái gì, thông cảm cái gì.Hiện giờ tất cả những nghi vấn còn đang trong tình trạng mù mờ, khó hiểu vì tuần nay, anh  chưa gặp riêng cha để hỏi. Có thể thế này, có thể thế kia, nhưng e rằng nhìn ngoại hình bên ngoài một người, ta dễ dàng xét đoán sai lầm. Chỉ thấy, với con cá này, ông cha gặp khó khăn đây. Linh mục thời nay sống lý tưởng hòa mình vào giới trẻ thấy khó khăn và phức tạp hơn các cha cố ngày xưa truyền đạo đa! Các cha chịu chơi bây giờ còn mở cà phê miễn phí tại nhà xứ luôn đó nha. Vấn đề là ngồi uống cà phê bên cạnh ông cha xứ, tụi nhỏ nói chuyện gì? Có tự nhiên không? có thật bụng không? Nghi quá! Đâu phải ai cũng muốn làm thánh. Đi tu cũng còn tham sân si huống hồ những kẻ phàm trần cát bụi, phải không cha? Cha tin có bà sơ nhí lén choét son phấn, kẻ mắt ướt để trốn mẹ bề trên theo bạn đi chơi xa không? Có đấy! Sạo với cha chết liền.
Hai ngày sau, khi anh chủ đang tự sướng với một tách cà phê đen buổi sáng, thì cha phó quành xe vào quán. Cha sáp vô quầy tìm chào chị chủ rồi trở ra ngồi cạnh anh chủ. Chị chủ  mang ra mời cha một ly cà phê sữa  nóng. Chị quay vào trong nhà, để lại một nụ cười duyên dáng và nhẫn nại khiến cha phó không khỏi xót xa, thương mến  chị, không nói nên lời. Cha thán phục chị. Theo lời chị tâm sự, cha biết chị là bạn thân với anh chủ từ hồi hai người còn là đôi bạn gái học cùng lớp 12. Cha biết chị thương bạn hơn cả bố mẹ anh em nhà chị. Cha còn biết tâm sự của chị bây giờ là thèm khát, là mong mỏi có được một đứa con.Chị còn trẻ mà (nghe đâu  kỳ nọ, anh chủ  tính chuyện tìm con nuôi cho chị chủ có trẻ thơ trong nhà làm niềm vui). Anh chủ mở lời trước:
-  Đêm qua cha ngủ ngon không?
-  Sao?
-  Thấy quầng mắt đen kìa.
- Ngủ không được, ngồi dậy lấy bút chì vẽ mắt chơi.
-  Đi tu mới ra ràng  mà cũng trăn trở ghê ha.
-  Tại mình mê quán của cậu nên mới phải trăn trở đó.
- Ô là là, vậy sao? Hãnh diện cho bần đệ này quá. Từ nay nhờ cha tiếp thị nhé.
- Không nên, không nên. Tiếp thị cho cậu chẳng khác gì rao bán hòm to khuyến mãi cái hòm nhỏ.
- Cha trẻ ơi, cha phải đón nhận những oan trái của cuộc đời là có thật chứ. Cuộc đời không đơn điệu như chiếc giường trong nhà Dòng đâu cha. Lưới trời cũng đâu nằm xó. Chúa quăng trúng đứa nào đứa ấy chịu, phải không nào? Cha đi tu sướng quá làm sao cha hiểu nổi tụi em. Mà sao cha không ngủ được? Khai ra mau.
- Khai chứ. Dấu làm chi cho nhọc lòng.
Anh chủ hà hà, coi như em thắng cha 1-0. Cha kể đi nào. Có gì chia sẻ để bạn bè gánh đỡ cho nhau.
Nói vậy chứ cha phó chưa khai. Cha còn ngồi im lặng suy nghĩ, đắn đo. Cha với tay lấy cái muỗng nhỏ ngoáy nhẹ tách cà phê trước mặt cho sữa tan đều. Màu nâu chát đắng của cà phê và màu  trắng đục nặng nề của sữa đặc quánh, quyện vào nhau theo vòng xoáy của cái thìa, lỏng dần rồi hòa đều  để thành một thứ nước uống nhạt màu ấm áp, xoa dịu lòng người. Nhưng hình như lòng cha phó chưa được nguôi ngoai .Cha cứ thấy buồn bã, thương xót làm sao khi nghĩ tới chuyện cô bé cha mới gặp gỡ tuần trước.
Cha biết anh chủ muốn hỏi về cô bé đó. Cha cũng muốn tâm sự với anh về mối khó khăn cha đang gặp phải, nhưng nghĩ tới cô bé, nghĩ tới anh chủ, muốn  mở miệng ra sao cha thấy lưỡi đắng nghét. Hai tuần nay cha cầu nguyện suốt.
Cha ôn tồn trách móc:
- Đừng cái gì cũng đổ cho Chúa.
- Sao có những kiếp người khốn khổ khốn nạn cả một đời như cha biết đấy? Có phải trời đày không?
- Đó chỉ là cái nhìn thiển cận, cái suy luận  hạn hẹp, kém cỏi và ích kỷ của loài người chúng ta thôi cậu ạ. Chúa thương loài người không hết, lại đày ai bao giờ.
- Thật khó hiểu.
- Như mình học Triết, học Thần trong Dòng bao nhiêu năm, ra đời phục vụ cũng có cả tỉ chuyện không hiểu. Có ai hiểu đúng nghĩa tình yêu không cậu ?Mình nghiệm thấy với tình yêu thì triết học,thần học,ngay cả đạo đức học cũng  chả có nghĩa lý gì hết. Ta có hiểu thấu được Ý Chúa không mà đòi phán đoán Ngài.
Anh chủ cảm thấy nặng nề, nghẹt thở khi nghe nhà tu dùng những từ ngữ nhà dòng cao vời, khó hiểu. Anh quay trở lại chuyện cô bé.Vấn đề đầu tiên anh đang rất tò mò muốn biết là mối quan hệ giữa cô bé ấy và cha phó, bạn anh. Cha giải thích ngay, nó là một sinh viên lên mạng tâm sự. Mình bắt gặp ở nó nỗi lòng của Lệ Tuyền nên xót cho nó đó mà.
Một áng mây xám bay ngang. Khung trời quán nhỏ sớm nay như tối đi, mịt mù hơn, ảm đạm hơn.
Cha phó nói loài người thật đáng thương. Đêm qua mình đã phải nhỏ lệ khi nghĩ về những Lệ Tuyền như thế này. Mình tin cậu cũng thương nó. Những ai có quả tim biết yêu bao la đều thương nó. Phúc cho nó nếu nó biết được dù nó là thế nào, nó vẫn là con Chúa, nó vẫn có thể sống đẹp và Chúa vẫn yêu thương nó. Phải tin Chúa có ý định riêng của Chúa, nhưng chắc chắn, sinh ra ta, Chúa luôn thương yêu ta như thể trên đời này chỉ có ta và Chúa. Chúng mình hạt bụi còn biết xót xa nhau, Đức Chúa Trời lẽ nào không thấu. Có nhớ danh hiệu của Chúa là Tình Yêu không?
Anh chủ lặng thinh. Anh thấy đau cho em gái sinh viên đó như chính anh đang đau. Một đời anh chẳng đau đó sao. Anh hỏi:
- Nó nghe cha không?
- Thì cũng đang phân tích cho nó hiểu vấn đề.
- Chấp nhận thôi chứ hiểu sao nổi.
- Mình muốn đặt vấn đề vào trong niềm Tin. Khó đó bạn ơi. Con bé có cá tính quá, lại cố chấp nữa. Cậu giúp mình chứ?
Anh chủ ưỡn ngực, gật gật thay câu trả lời.
- Nó đang đòi kiếm tiền đi Thái Lan. Mới chỉ là đợt một thôi. Nó còn dọa không muốn sống kiểu này.
Câu này làm anh chủ lắc đầu nguầy nguậy. Anh cứ lắc qua lắc lại hoài, ánh mắt ưu tư, nét mặt nhăn nhó như đang nghiên cứu biện pháp để mau mau giúp đỡ một kẻ hậu sinh thiếu kinh nghiệm khi nhận ra bầu trời giáng xuống mình  bất ngờ như vậy thì phải làm sao. Đừng tuyệt vọng như vậy mà phí cả một đời.
Anh chỉ muốn khuyên nó đừng đi Thái. Dứt khoát đừng đi Thái. Đừng ngu mà đi Thái. Mất tiền vô ích. Ngày đó mọi người khuyên anh đừng giải phẫu, anh đâu có nghe. Đợt một lặn túi ít nhất cũng phải là ba ngàn đô, nhưng không nói chuyện tiền. Cái chính là em chịu đau nổi không? Cắt đau chết cha chết mẹ, đau cắt da, đau đứt ruột, nhức nhối, tím tái, quằn quại, rên xiết, la thét. Em có khóc được mãi không? Em có chịu được mãi không? Em có hết thất vọng không? Em có yên lòng được không? Em có được như ý không? Không đâu em ơi, từ lọt lòng mẹ, em đã như thế này, đâu phải là tội lỗi xấu xa. Em hãy cứ để tự nhiên. Em hãy cứ là em. Em sinh ra là  một con người như thế nào  thì em cứ sống với con người được sinh ra như thế ấy. Không ai trách được em. Em phải được yêu như em là thế. Không có gì cần phải thay đổi cả. Em hãy hạnh phúc với những gì em đang có, em đang là.
Nghĩ mông lung tới đây, anh chủ  hình dung ra cô Bảy công nhân vệ sinh khu phố. Đó là một phụ nữ có sức khỏe của một người đàn ông lực lưỡng, vạm vỡ. Cô đẩy chiếc xe ba bánh chất rác cao quá đầu như không.Vừa đẩy vừa hô lớn:
- Bả béo kéo xe boà đe,
Bả gà đả xe boà đe tớ nề.
(Bảy béo kéo xe bò đen.
Bảy gầy đẩy xe bò đen  tới nè).
Xe cô Bảy đến đâu, nhà nhà lục tục xách bao rác ra cổng. Vừa dọn rác vừa ca hát. Trong xóm ai cũng biết cô. Cô ở một mình, gia nhập đội tình nguyện xanh và giúp đỡ mọi người. Cô đích thị là một phụ nữ độc thân vui tính. Cô cứ vui vẻ sống như thế  hơn  năm mươi năm nay rồi.
Anh chủ lại tủm tỉm nhớ đến trường hợp chị Ngân, nhà cùng quãng đường. Chị Ngân chủ tiệm sửa xe gắn máy, da sạm nắng, tóc cắt đầu đinh, mặc đồ jean bết dầu nhớt, tính tình ào ào, bước đi hùng hục, cuối tuần thường tổ chức dzô dzô với mấy thằng cu thợ học nghề nhà chị. Ô, mà chị vẫn giữ nguyên bộ ngực với hai cái vú to rung rinh, núng na núng nính, bàn tọa chành bành, trông đến hồn nhiên. Mọi người gọi chị là bác Ngân. Hoà đồng, vui vẻ, không phân biệt giới tính.
Dĩ nhiên, ngoại hình cô bé của cha phó không kỳ khôi, lộ liễu như chị Ngân thế đâu. Nó khá xinh đấy chứ, nhưng anh chủ biết có những trường hợp, càng lớn tuổi, những người “Hai phai” càng cằn cỗi, phô cứng đi. Ngẫm kỹ thì cũng có tiếc.
Anh bảo, cha để con bé đó cho em “xử lý”.
Anh chủ động gặp gỡ làm quen. Nó tên Vương Ngọc Thịnh. Cái tên vừa trai vừa gái. Chắc lại tại bố mẹ mày thèm con trai thôi con ạ. Con này hồi bé dám toàn mặc quần đùi, cởi trần tắm mưa, chơi đá cầu đây.
Từ ngày anh chủ bắt tay vào việc … xử lý, Ngọc Thịnh trở thành khách ruột của quán. Anh gom cả bài Triết, Thần gì đó mà sáng hôm nọ cha phó giảng cho anh, cộng với bài giảng anh đã soạn trong đầu anh hôm ấy nhồi vào đầu nó. Anh lôi cuốn và thuyết phục được nó bằng chính kinh nghiệm cuộc đời anh, bằng chính những vết sẹo dao cắt tinh vi bên trong ngực áo anh. Rồi không biết tự bao giờ, nó trở thành người nhà của anh chị chủ quán. Nó vừa đi học, vừa phụ cô chú trông coi quán. Chủ đề hoa và nến trong quán đã có bàn tay nghệ sĩ trẻ  mới lên đảm nhiệm. Con bé dễ thương lạ. Tính tình ngoan ngoãn, hiền lành, học giỏi và khéo léo. Nó đã biết đón nhận cuộc sống. Không buồn, không mặc cảm. Chỉ một điều: Đố có thằng nào, đẹp trai cách mấy, tử tế cách mấy mà làm anh được với nó. Nó coi như pha mấy vụ tặng hoa, tặng quà, săn đón, chiều chuộng. Nó chỉ thích và chơi  thân với con Vân Vân vẫn hay ghé quán.
Thôi kệ nó. Không chết ai. Không biết có chết ai không, nhưng miễn nó không đòi tự tử nữa là được rồi.
Hôm qua, anh chủ báo tin cho cha phó biết, chị chủ nhà anh có bầu. Chị đi  thụ tinh trong ống nghiệm cách đây ba tuần.
Nhân tiện, cha phó cũng “thành khẩn khai báo” (bắt chước kiểu ăn nói của thằng Hoàng) cho anh chị chủ quán cà phê Lung Linh biết, Ngọc Thịnh là cháu gọi ngài là cậu ruột. Ngài cám ơn anh chị  chủ đã “xử lý”  cháu gái ngài cách tốt đẹp.
Ong Elton John có đọc truyện ngắn này chắc cũng bỉu môi: Chuyện thường tình. Có gì phải viết ra!

Không có nhận xét nào: