#Stats1 ul{margin:0;border:0;padding:0;height:32px;background:url(//goo.gl/ZHG881) no-repeat 0 -34px} #Stats1 li{margin:10px 0;border:0;padding:0 0 0 40px;list-style-type:none} #totalComments{height:32px;background:url(//goo.gl/ZHG881) no-repeat} #totalCount{height:32px;background:url(//goo.gl/ZHG881) no-repeat 0 -68px}

Thứ Hai, 25 tháng 7, 2011

Thánh Phê-rô đi nghỉ phép

 THÁNH PHÊ RÔ ĐI NGHỈ PHÉP


 ANNA
 Ai cũng biết hằng năm cứ đến Tuần Thánh, bắt đầu từ Lễ Lá cho tới hết ngày Chúa Nhật Phục Sinh, thánh Phêrô lại được nghỉ phép một tuần, trọn vẹn một tuần. Như vậy, theo thông lệ, năm nay, ngay từ tối thứ Bảy sau Chúa nhật thứ Năm Mùa Chay, ngài bắt đầu cất chìa khoá Thiên Đàng
vào cái bao da cá mập cổ lỗ, kỷ niệm từ thời ngài còn trai trẻ
quăng lưới nơi biển hồ Ga-li-lê. Quanh năm suốt tháng, cả đêm lẫn ngày, cầm mãi chiếc chìa khóa vàng nặng trịch cũng chán, sáng Chúa nhật Lễ Lá, thánh nhân thức dậy với hai bàn tay không, nhẹ nhàng và trống trơn, ngài cảm thấy thảnh thơi, an nhàn quá. Người đời cứ bảo “Nhàn cư vi bất thiện”, nhưng thánh là thánh, mà đã là thánh thì không làm điều chi bất thiện cả, thánh Phêrô của chúng ta miên man nghĩ tới điều thiện. Ngài sẽ làm những điều thiện trong tuần nghỉ phép này để Chúa Giêsu vui hơn. Ngài yêu Chúa lắm. Ngài mau mắn tung chăn trỗi dậy, đánh răng, súc miệng, rửa mặt. Xong, ngài lật tung ngần ấy tầng mây để tìm cho được một bộ y phục gọn gàng cho việc đi đây đi đó. Có ai  thấu hiểu cho nỗi khổ của một lão ngư ông già cả lụ khụ, râu tóc bạc phơ, suốt một năm trời, ba trăm gần sáu mươi lăm ngày đêm, lúc nào cũng phải đứng pẹc-ma-năng (tiếng Tây trong trường hợp này có nghĩa là đứng y hệt như bức tượng dính chặt vào cái bệ mà những người thợ đúc tượng hay đặt cho các thánh Nam hoặc các thánh Nữ đứng trên các bàn thờ phụ trong nhà thờ Đức Bà ấy) ngay ngưỡng của Thiên Đàng. Đứng không nhúc nhích, bất kể nắng mưa, giông gió. Thì cứ cho là mình đồng da sắt đi, nhưng cũng buồn, cũng chán chứ. Simon Phêrô, tôi tớ và Tông Đồ của Chúa Giêsu đây đích thực là một người có tâm hồn vô cùng nhạy cảm đấy nhá. Cứ thử giao cho một kẻ trần gian nào làm cái công việc khô cứng này của thánh nhân xem, có đứa nào dám! Tội nghiệp! Thế nhưng may quá, thời gian qua mau, lại một tuần Phép đã về. Ta sẽ đi rong duổi tám hướng, bốn phương, ngao du thiên hạ, tham quan cho thỏa lòng bằng hết những kỳ công Thượng Đế đã làm cho con người thưởng thức, để thay đổi không khí và nhân tiện, để tìm hiểu xem (ngài thở dài suy tư trầm mặc), tại sao dạo mới đây, người ta cứ đổ xô lên gặp ngài vậy? Toàn người Việt Nam.Toàn người dễ thương. Toàn người tự nhiên lăn đùng ra rất nhanh chóng. Toàn người có địa chỉ giống nhau ở một chữ: Tân Bình. Hiện tượng. Đúng là một hiện tượng lạ. Phải nghiên cứu, điều tra cho ra ngọn nguồn, hầu tìm phương cứu vãn, chứ nếu không, sau tuần Phép, mình sẽ ngộp thở vì cả núi hồ sơ đang chờ trước mặt. Thánh nhân nghĩ vui thế. Với lại, để người tử tế chết sớm phí đi. Những muối, những men, những đèn, những gương cả. Lại là người ViệtNam. Ôi người ViệtNam, người nào thấy cũng nhỏ bé, dễ mến. Cái hòm nào cũng trung trung, vừa phải, không to lắm như của người Âu Mỹ, cũng không đến nỗi phải bó chiếu như bọn người khốn khổ Somali. Tình cảm thánh nhân cũng đã từng gắn bó với những con người bước vào Đời sau với những thân áo dài truyền thống ViệtNam, nom rất đặc biệt và thời trang. Nghĩ thế rồi thánh nhân quyết định trước tiên, ngài sẽ xuống thăm mảnh đất uốn cong theo ven bờ trái biển Thái Bình Dương thuộc châu Á này. Nó nằm nhỏ bé bên dưới một cái nước to như miệng cá mập lúc nào cũng như sắp nuốt lấy nó vào bụng. Nó nhỏ bé nhưng nghe Mẹ thánh Tê-rê-sa Can-quýt-ta nói ở đó vẫn còn nhiều Dòng tu đang hoạt động lắm, số Nữ tu các thiên thần đếm không xuể (bởi vậy hồi đó Mẹ Têrêsa đã bước lên mây rồi đó chứ, nhưng thánh Phêrô khẳng định là lần đó, Mẹ Têrêsa  chỉ lên để nhận công văn Nước Trời mời ngài trở lại trần gian giúp đỡ các Dòng thêm một thời gian nữa, trong đó có rất nhiều Nữ tu Việt Nam mê tinh thần của ngài lắm). Địa hình chung như thế cũng dễ nhắm hướng, nhưng khi bước xuống dưới tầng mây cuối cùng, còn đang thong dong trên bầu không trung còn tinh sương trong sạch của giờ thứ ba, (may mắn là có ơn Chúa Thánh Thần luôn dẫn dắt, ngài đã đang ở trên không phận nước Việt Nam), thì thánh Phêrô mới chưng hửng không biết mình nên “đáp” xuống đâu. ViệtNam rộng quá, dài quá, lại còn có Bắc,Trung,Nam. Bấy giờ, thánh nhân được đầy Chúa Thánh Thần, liền nhớ ra trong cuộc nói chuyện làm quen với một trong các linh hồn ngài mới gặp đây thì Tân Bình ở đấy, ở đấy … là nơi vừa có nhiều  xứ Đạo vừa có nhiều cửa hàng bán thịt chó nhất thế giới. Nhưng bây giờ, người cũng vắng, Cầy tơ cũng chưa ra lò, biết hỏi ai! Cứ đi thêm xem nào. Thánh Cả hạ bước xuống một con đường dài vắng vẻ không một bóng người.Hai bên đường nhà nhà còn đóng kín cửa,nhưng có vẻ đây là nơi thị tứ vì lắm cửa hàng, ban ngày chắc là đông đúc lắm đây. Ngài ngước mắt nhìn lên các bảng hiệu san sát nhau: Bún chả Ngọc Hà. Cầy tơ Huệ Lan. Con Cầy Thanh Tú. Bánh mì Anh Hồng. Cây Còn … Liên tục một dãy cửa hàng bán thịt chó. A ha, nhìn kìa, ta đã phát hiện ra đây là Tân Bình rồi. Chợt từ xa, có tiếng rú của động cơ, thánh quay lại, chờ đợi và mở mắt to nhìn kỹ xem là ai. Ai mà lái xe vội vàng giữa sáng sớm tinh sương thế này.
- Đi đâu sớm thế cụ ơi. Chiếc xe sà sát người thánh.Taycầm lái rà rà bên thánh, cất tiếng hỏi.
- Chào anh. Anh có quen tôi à? Thánh ngạc nhiên.
- Dạ không, nhưng vâng (cái anh này vớ vẩn). Là con hỏi cụ ôm không? (ơ cái anh này bậy bạ).
Tưởng ông lão nghễnh ngãng, anh tài nói to:
- Cụ đi đâu con đưa cụ đi.
Thánh Phêrô không hiểu sao người trần gian lại đồng nghĩa hai động từ “đi” và “ôm” như vậy. Hay vừa đi vừa ôm?
- Anh không phải hét to. Tôi không điếc, cũng không ôm. Tôi muốn hỏi anh,  đây là Tân Bình phải không?
- Thưa vâng, chính thế ạ.
- Anh có biết ở đây có nhà dòng nào không?
- Thưa cụ, khu vực này cứ ba hộ chiên thì có một nhà trẻ nuôi chiên chọn lọc ạ.
- Ý anh là… là nhiều …
- Ha ha. Dạ thưa đúng, cụ thông minh quá ạ.
Thánh nhân của chúng ta không  biết mình có thông minh hay không, nhưng trong vấn đề đang đề cập tới, ngài biết ngài muốn gì.
Hê hê hê, coi như đã đến nơi rồi.
Trời còn tranh tối tranh sáng.
- Anh chỉ cho tôi đường đi đến nhà dòng Chúa Kitô Vua.
- Cụ lên xe con chở cụ đi. Anh tài xế xe ôm dừng hẳn xe cho ông cụ lên, vì anh biết địa chỉ này không xa. Sáng sớm không nên để ông lão lom khom một mình  đi tìm địa chỉ người thân thế này.
- Cụ tìm ai trong Dòng ạ? Vừa cho cụ lên xe, anh vừa hỏi thăm cho có chuyện.
- Tôi tìm cha nuôi của người chết.
- Ô hô! Anh tài ớ mặt ra.
- À , tôi tìm thầy Quản lý của nhà Dòng .
- Thế à! (anh tự nhiên trở lại và khoe), thưa cụ, chính con đây là người vẫn chở thức ăn vào nhà Dòng cho thầy Quản lý đấy. Và … người chết đó là thằng ….
- Anh biết đấy, vừa qua là đám tang Sa-vi-ô.
Lác đác vài chiếc xe gắn máy chở hàng ra chợ sớm. Thánh Phêrô vuốt râu hít lấy hít để không khí trong lành ngắn ngủi của một buổi mai trong thành phố. Chậm chút nữa ngài sẽ phải hứng lấy vô vàn, vô số những tệ nạn trên đường giao thông mà chỉ có du khách nào đã từng đến ViệtNammới hiểu nổi. Đến người Việt còn sốc với những tệ nạn đó huống chi ngài.
Chiếc xe ôm cà tàng dừng lại trước cổng tu viện. Anh tài viện lẽ quen biết thầy Quản lý nên không lấy tiền ông cụ. Anh nghe ông cụ nói lời cám ơn anh và qua chòm râu rậm bạc trắng như cước đang rung rinh, anh còn nghe cụ lẩm bẩm: Vàng bạc thì tôi không có để trả công anh, nhưng cái tôi có, tôi cho anh đây. Ngài đưa tay chúc phúc lành ngày mới cho anh ấy. Anh tài làm dấu đơn, dấu kép, trong lòng rộn ràng sung sướng, anh rồ ga  đi thẳng.
Thánh Phêrô bước đến định bấm chuông gọi cổng, nhưng nghe thấy bên trong tu viện có tiếng hát Phụng vụ Giờ Kinh Sáng, ngài rút tay lại. Cứ đứng chờ trước cổng nhà dòng, nơi bức tường ngăn cách nhà Đức Chúa Trời với thế gian phàm tục bằng toàn những cửa hàng ăn với những tấm bảng quảng cáo vô cùng hấp dẫn và bắt mùi như: Cháo dinh dưỡng tinh khiết Bé Thơ, Bún thịt Nướng Ba Rô, Miến gà ta vàng chắc, Bánh mì thịt hết xảy, Bún bò giò heo Huế xưa, lại còn có cả Sữa Hông-đa Thay Bố Thắng Sạc Bình nữa (cái tên sữa này dài và lạ quá ta) …. Nhưng tường nhà Dòng phải là tường nhà Dòng. Cửa hàng là cửa hàng. Sao lại ghép hai thứ ấy làm một được nhỉ! Thôi kệ, chắc nhà Dòng có ý giúp đỡ những người nghèo cái cần câu.
Vị thánh của chúng ta bắt đầu suy niệm và hồi tưởng. Ngài nhớ lại nhiều câu chuyện mới xảy ra bên ngoài cổng Thiên Đàng trong khoảng một tháng trở lại đây thôi. Cũng là nhân đôi ba phút vắng vẻ hoặc khi thánh nhân tra chìa khoá vào mà gặp trục trặc chút xíu giữa lỗ khóa và chiếc chìa của ngài thì vừa xoay xoay chìa khóa, ngài vừa tranh thủ trò chuyện qua lại làm quen với những con chiên mới bước chân vào ngưỡng cửa Trời. Dĩ nhiên bên trong Thiên Đàng thì vui vẻ, hạnh phúc khỏi bàn. Du ngoạn đâu,lòng trí thánh nhân vẫn nhớ nhung Thiên Đàng vĩnh cửu. Chính vì thế mà ngài rất thương loài người. Nói gì mặc lòng, ngài chỉ mong đừng bao giờ phải thất nghiệp, phải về hưu. Bận mấy thì bận, Simon Phêrô, tôi tớ và Tông Đồ của Chúa Giêsu rất mong được vui vẻ, ân cần đón tiếp mọi người bất kể già trẻ lớn bé, nam phụ lão ấu tìm đến gặp ngài, ngày như đêm, dù Xuân, Hạ, Thu hay Đông, dù mưa hay nắng.
Dòng hồi tưởng của thánh Phêrô bắt đầu:
Câu chuyện thứ nhất ngài nhớ được là chuyện của Phan-xi-cô:
Ông Phan-xi-cô Lê văn Điểu khi còn ở thế gian là một người giàu có cả về nhân đức  lẫn tiền của.
Ông bà Lê văn Điểu có ba người con, tất cả đều định cư bên Mỹ và đã hoàn tất hồ sơ bảo lãnh cho ông bà qua với họ. Mươi năm nay, tiền bạc con cái gửi về nuôi ông bà rất đều đặn. Nhà cao cửa rộng, áo mặc dư thừa, của ăn không hết, ông Lê văn Điểu đã nhiều lần cúng dường, tài trợ nhà thờ những số tiền lớn. Nhờ đó, các cha có thể sửa chữa nhà thờ, xây dựng nhà xứ, trang trí gác chuông, mua tượng, sắm đèn v.v… Ngày Lễ, Mùa Mừng, bông cảnh được chưng thả dàn thoải mái trên cung thánh không tiếc tiền …. Các thứ toà: Toà Chúa Thương Xót, toà Đức Mẹ, toà Thánh Mác-tin, toà Thánh Giuse, toà Thánh Đa-minh luôn ràn rụa hoa và nến. Vào các ngày vọng lễ Trọng, người phụ trách các toà ấy nhận tiền từ quỹ do ông Điểu dâng để  mua sắm đồ trang trí sao cho các tòa phải rực rỡ và tươi sáng y như cảnh vật ở khu vui chơi Suối Tiên vậy. Số tiền chi tiêu cho việc trang trí như thế này cũng như mọi khoản tiền chi tiêu khác trong nhà thờ tuy được phân phối và cung cấp theo nhu cầu đòi hỏi của người có trách nhiệm nhưng phải có sự giám sát của  trưởng, phó ban Giám sát công trình, ban Phụng Vụ và Linh mục Quản nhiệm. Hễ quỹ sắp cạn thì ban phải xin họp trình cha, cha sẽ cho người viếng thăm gia đình ông Điểu, nhân tiện trình bày hoàn cảnh khó khăn giáo xứ đang lâm phải.
Bất cứ dịp khó khăn nào của nhà thờ, ông Điểu cũng tận tình giúp đỡ, tài trợ không ít thì nhiều tuỳ số tiền con cái ông gửi về. Ông thường yêu cầu nhà thờ cho ông đóng góp ẩn danh. Ngày xưa, thời các Tông đồ, các tín hữu còn đem bán đất đai của cải, lấy tiền chia cho mỗi người tuỳ theo nhu cầu. Họ hợp nhất với nhau và để mọi sự làm của chung thì sao, ông vẫn bảo thế.
Cuối năm ngoái, ông bà Điểu biết giấy tờ xuất cảnh của mình đã hoàn tất, chỉ cần mua vé máy bay là đi thôi, cho nên ông bà đã dâng cúng nhà thờ một số tiền rất lớn, giá trị  bằng hơn nửa ngôi nhà ông bà đang ở để xây dựng lại gian cung thánh cho hoàn hảo hơn.
Mới đây, các con ông bà về đón ông bà đi xuất cảnh, đã được chứng kiến vẻ đẹp tuyệt mỹ của gian cung thánh mới hoàn thành này.
Còn non nửa số tiền bán nhà, ông bà và con cái để dành cho hội người nghèo.
Bỗng dưng, ngày 28 tháng 01 vừa qua, Chúa gọi ông về nhà Chúa. Bảng Tang gia cấp báo ghi:
Ông Phan-xi-cô Lê văn Điểu hưởng  thọ 89 tuổi.
Các con ông về chịu tang ông đông đủ.
Hội kèn tấu bài Khi Chúa Thương Gọi Tôi Về của Kim Long. Hiện giờ, hồn ông đang hân hoan, miệng ông đang nức vui tiếng cười và lưỡi ông luôn vang lời ca hát .
Ông Phan-xi-cô Điểu khi sống trên trần gian thật là một người nhân đức và rộng rãi ban phát. Ông xứng đáng được vào Nước Trời.
Tiếc một điều là cha xứ cho phép in và phát tờ rơi xin quyên góp xây dựng nhà thờ đợt 2 trễ quá, chứ không thì quý ông bà trong ban Phụng vụ nhà thờ lại có dịp đến tận nhà thăm ông  Phan-xi-cô thêm lần nữa.
Thánh Phêrô nhớ lại, lúc mở cửa đón linh hồn Phan-xi-cô vào Thiên Đàng, ngài đã thì thầm vào tai linh hồn ấy như thế này:
- Giá ở vào thời ta thì vui phải biết. Con sẽ ngồi bẻ bánh cùng với ta và sẽ được xem ta nhân danh Chúa chữa lành cho anh què như thế nào. Nhỉ!
Chuyện thứ hai là chuyện của Maria.
Bà Maria Nguyễn thị Họa không qua nổi trong tai nạn thảm khốc vừa qua. Thằng nhỏ đua xe tối đó đã không nhìn thấy đôi gánh ve chai và thân hình bé nhỏ gầy gò của bà liêu xiêu bước chậm bên lề đường. Nó lao xe tới trước mà không hề biết cái vật nó vừa quăng xe đụng phải là một sinh linh nghèo khổ đáng thương biết bao.
Maria lò dò leo lên mới tới tầng tám thì đã kêu ầm cả lên:
- Thánh Phêrô ơi, mau đón con vào.
Thánh Cả nhìn xuống dưới mây trời. Ngài thấy một phụ nữ nhỏ con, mặc chiếc áo dài Việt Nam kín đáo nhưng cũ kỹ lỗi thời, đầu trọc lóc không một sợi tóc, cánh tay trái được bó băng chéo lên vai phải, đang ngửa mặt gọi tên ngài. Rồi, đai vì giao thông rồi, ngài nghĩ thế, đoạn ngài mau mắn giơ tay ra kéo chị phụ nữ ấy lên.
- Ta đây. Yên tâm, con đã tới cổng thiên đàng.
Hãy mau kể cho ta nghe sơ qua chuyện của con để ta cảm thông, chia sẻ.
Linh hồn phụ nữ chết thương tâm ấy toét miệng cười, vui vẻ thưa:
- Dạ vâng, con cũng chỉ mong chờ giây phút này. Con đang cúi lượm cái lon côca-côla trong bao rác nhà người ta thì nghe bịch một cái. Toàn thân con rơi xuống đất đấy, rồi con không biết gì nữa cả. Lúc sau con tỉnh lại thì đã thấy mình nằm trong bệnh viện. Cấp cứu thời nay nhanh thế đấy thưa ngài. Con nghe hai bác sĩ gần đấy xì xào về tai nạn của con như thế,  như thế … Rồi họ bảo  y tá cạo hết tóc của con để chụp xi-ti, nhưng họ chưa kịp xem kết quả xét nghiệm thì con đã leo lên đến tầng sáu rồi. Hì, hì. Thưa thánh Cả, chìa khóa đâu, mở cửa rỗi. Lần trước con đã lỡ hẹn với ngài, lần này hãy mau lên.
Thánh Phêrô ngạc nhiên:
- Thế cơ đấy! Lần trước ra sao hở con?
- Lần trước ấy à. Nặng mà hoá nhẹ. Quan trọng mà lại bình an vô sự. Thương tâm quá cơ, nhưng con đâu có chết.
- Sao con nói nhiều thế mà ta vẫn chưa hiểu. Vắn gọn thôi.
Maria phì cười:
- Thánh thật nóng tính, sốt ruột sớm thế, thảo nào con nghe  đồn năm xưa chính ngài là người đã chém đứt tai phải thằng Man-khô.
- Thôi thôi, không nhắc chuyện quá khứ. Kể chuyện của con đi.
- Dạ vâng, thì ngài cũng biết là đường xá ở thành Hồ, Việt Nam con bây giờ nó bát nháo lắm. Hôm ấy con đang đi sát vào lề đường (thưa thánh, làm gì có đường dành cho người đi bộ), bỗng có chiếc xe buýt từ sau bấm còi inh ỏi, con biết sát vào đâu nữa (vỉa hè đáng lẽ theo luật giao thông phải để dành riêng cho con, thế mà người ta xếp như nêm toàn xe gắn máy), vậy là xe buýt nó trờ tới, nó cuốn cái bao ve chai của con đi, con cố níu lại (con có quyền bảo vệ tài sản của con chứ phải không thánh), vậy là con quái vật to đùng bằng sắt ấy nó cuốn luôn con đi. Con rơi tọt vào gầm xe. Con cứ nằm ở giữa, ngay dưới cái bụng con quái vật đó, hai bên con, mỗi bên hai cặp bánh xe nó cứ lăn lăn phát khiếp, bụi bay mịt mù. Con nhắm tịt mắt lại, không dám nhìn. Con nghe người đi đường kêu thét kinh lắm. Một lúc sau, mở mắt ra, con thấy mình nằm ngay giữa đường phố giao thông đông đúc, chung quanh con bao nhiêu cặp mắt trợn tròn trợn ngược nhìn vào con. Có tiếng ai xì xào: Phép lạ! Con lổm ngổm bò dậy, bụng cười thầm: Chẳng qua là sống chết trong tay Chúa thôi các ông bà ơi, tôi có muốn chết cũng chả được, phải không thánh? Chậc, lần này thì … vèo một cái …
Thánh Phêrô nghiêng mục kỉnh nhìn bà này:
- Ừ hừ. Cứ vâng theo ý Chúa chứ đừng theo ý mình con ạ. Thảo nào, có lần ta thấy một đám đông các thiên thần đang bay bay ca ngợi Chúa, bỗng họ ôm mặt, nhắm mắt rú lên hãi hùng mất đến mấy phút, rồi lại không thấy họ sợ hãi nữa. Thì ra lúc đó họ chứng kiến tai nạn xe buýt chạy trên con đấy. Thôi, khai lý lịch đi cho ta ghi vào sổ.
- Dạ, con: Maria Nguyễn thị Họa
ở trọ 48 năm trần gian phù vân hư ảo.
Chồng: 01 . Con: 00
Nghề nghiệp: Mua bán ve chai.
Tài sản quý: cái cân.
Nhà ở Tha La xóm Đạo (thấy thánh nhân ngẩng đầu nhìn nghiêm nghị, Maria không dám đùa), thưa khu vực Bình Hưng Hoà đấy ạ.
- Số …
- Dạ thưa thánh, số gì ạ?
- Số nhà .
- Dạ, nhà con không số.
- Sao lại không có số nhà?
- Dạ, công an khu vực không cấp ạ.
- Vậy có sổ chứ? Sổ hồng, sổ đỏ ấy?
- Ô, sổ là của quý, làm sao con có được. Thưa ngài, chúng con dựng bìa các-tông và ni-lông lên làm nhà cạnh mồ cạnh mả người ta để ở thì làm gì có sổ, có số cơ .
Thánh Phêrô dừng bút, ngước nhìn Maria: Một chị cân ve chai. Một linh hồn đại diện trung thực cho giai cấp nghèo khổ, bần cùng. Maria có lẽ không uốn tóc (vì đầu nhân vật hiện láng o, nhưng có tóc cũng chẳng có tiền uốn tóc),  không đeo vòng vàng hay ăn mặc xa hoa. Maria không nhà không cửa. Đến cái số cũng không có. À, mà hôm nay coi như chị ấy có số mà … hết số luôn rồi. Ngài bảo:
- Lý lịch con ngắn quá.
Maria cười rất tươi :
- Thêm nhá. Con xin thêm chuyện này: Có một lần, nhà thờ  ăn mừng tổng kết công trình sửa chữa. Chồng con làm thợ hồ trong công trình ấy cũng được một bữa no nê, lại còn nhắn con vào lượm biết bao nhiêu lon Tai-gơ (nghe dzô quá trời mà!). Bữa đó, ở vựa về, con đem phong bì đóng góp quỹ xây dựng nhà thờ nhưng người của ban phụng vụ ngồi cuối nhà thờ không mở sổ, nói con, thôi chị bỏ giỏ Chúa nhật đi. Giỏ thì giỏ, con sao cũng được, miễn trong lòng thấy vui.
- Chuyện này không ghi vào lý lịch được, nhưng ta ghi trong lòng ta.
Thánh Phêrô vừa cúi xuống ghi mấy dòng phút, giờ, ngày, tháng, năm Maria lên Thiên Đàng vừa bảo: Thôi con vào đi (thánh Phêrô chợt thấy từ xa có bóng dáng ai đó đang ngơ ngác tìm đường). Ngài mở cửa Nước Trời cho Maria vào và chuẩn bị đón người mới.
Chuyện thứ ba là chuyện của Xê-xi-li-a.
Xê-ci-li-a chính là linh hồn đang đi lướt thướt ngoài kia, một linh hồn thanh mảnh, trắng trẻo và xanh mướt, nhưng khoác trên người một bộ quân phục màu cứt ngựa cứng cát, lịch sự và nghiêm chỉnh.
Thánh Phêrô nhớ lại chuyện của linh hồn này như sau:
Cô công an khu vực Phạm thị Thu Tước, hai mươi tám tuổi, vốn đã là một chiến sĩ săn bắt cướp từ hai năm nay. Cô rất tận tình với vấn đề an ninh khu vực. Tỉnh đã có bằng khen để khích lệ cô cố gắng phấn đấu lên  cao và cô đang cố gắng phấn đấu. Với lý tưởng Đảng, cô có nhiều hướng phấn đấu, không chỉ là chuyện quyết liệt khai tử băng cướp lộng hành tại khu vực cô chính quyền địa phương đã tuyên dương công trạng và trao bằng khen mà còn khối chuyện khác phải cố gắng đạt chỉ tiêu trong năm nay.
Việc đầu tiên, từ hồi mới về đây, Cô Tước đã vào nhà  dân, làm việc với nhiều hộ để lấy ý kiến về vấn đề tiếng chuông nhà thờ. Cô thấy việc người Công Giáo cần nghe tiếng chuông đánh thức buổi sáng để dậy đi lễ là chuyện hết sức riêng tư, vậy không nên làm mất giấc ngủ của những hộ dân không theo Đạo bằng cách các nhà thờ cứ cho đánh chuông lớn vang khắp cả phường như trước nay vẫn làm. Tuy có ý kiến dân phân tích này nọ nhưng cô Tước tự lên kế hoạch lập phương án là sẽ vận động bà con sử dụng đồng hồ báo thức tại gia để biết giờ dậy đi lễ. Cô hài lòng với phương án gọn nhẹ, giúp ích cho dân như thế này, đặc biệt là những người theo đạo Phật tại khu vực đông người Công Giáo như khu vực của cô đang công tác.
Ở phường đội, cô Tước cũng từng góp ý với cái loa khủng khiếp của ban phụ trách chương trình phát thanh mục Đọc Báo Cho Dân Tôi Nghe vào lúc 5 giờ sáng mỗi ngày. Người dân ai chẳng mua các thứ nhật báo, tuần báo, sao ta phải hét vào tai họ những điều vô bổ ấy. Mất lòng dân! Mấy người trằn trọc hay thức đêm kiếm tiền nuôi con nhỏ biết được ý kiến này của cô Tước hẳn sẽ vỗ tay rầm rầm hoan nghênh cô công an có ý thức về sức khỏe của đồng bào.
Cô Tước cũng đã đề nghị Trên cho cô sâu sát hơn với các nhà Mở trong phường, để giúp đỡ các chủ nhiệm thực hiện tốt các chỉ tiêu nhà nước ra về lãnh vực này, như những vấn đề vệ sinh, thực phẩm, mặt bằng, nơi sinh hoạt của các cháu …. Cô thấy có nơi, chủ nhiệm tham công tiếc việc quá. Họ nuôi mấy chục cháu lớn nhỏ trong một môi trường thiếu thốn giáo viên nghiêm trọng.Các cháu được đưa từ những vùng ven không có phương tiện giáo dục hoặc cha mẹ của chúng quá nghèo, nhưng tại nhà Mở này cũng không lo đầy đủ cho các cháu được, nhất là các bữa cơm còn thiếu chất bổ dưỡng.Yêu cầu của cô Tước là các thầy cô trong nhà Mở phải lo cho các cháu được ăn no, mặc ấm, được học hành và được học hành cả về Đoàn, Đội nữa.
Cô Tước góp ý hội kèn Đa-Minh-Uyển đã “chơi” ồn ào quá, lại chọn bài lệch lạc hết ý nghĩa. Sao tiễn một bà cụ lại thổi bài “Chinh nhân ơi xin anh trở về, người yêu ra mừng đón, người yêu anh bé bỏng sẽ thương anh trọn đời”? Sao khóc một phái nam lại trổi kèn đồng rầm rộ bài “Những đồi hoa sim”?  ”Để không chết người trai khói lửa mà chết người em gái hậu phương tuổi xuân thì” cơ mà! Cô không hiểu tại sao có nhiều cách tưởng nhớ người thân đã qua đời nhưng sao mấy chú mấy anh Công Giáo lại có thể họp nhau nhậu nhẹt,ca hát thâu đêm suốt sáng mấy ngày liền bên cạnh quan tài người thân mình như vậy? Cách này hành hạ hàng xóm láng giềng quá, nhất là ở khu vực chúng ta, một phường xã đang xây dựng tiến bộ từng ngày, một khu phố đông dân lao động, nhà kề nhà, tường chung vách sát.
Cô Tước không ngại mất lòng. Cô góp ý tất tần tật mọi thứ. Cô nói không phải vì con phấn đấu lên cấp, nhưng tính con thấy khó chịu thì nói. Mấy ông bà cô bác thông cảm.
Mấy chú xe ôm quen biết, kháo nhau về cô Tước công an khu vực như sau:
- Một chiến sĩ “Đừng đốt, đã có lửa”.
Từ giữa năm ngoái cho tới giờ, cô Tước có thêm một cộng sự viên đắc lực, giúp cô rất nhiều việc: từ việc lên danh sách các anh thanh niên hay quậy phá rồi làm quen để khuyên bảo họ, đi thăm hỏi các bà già neo đơn trong phường, đi quyên tiền mua sách vở bút mực cho các cháu nghèo v.v..
Đó chính là anh Sơn, dân ca đoàn. Hằng tuần, anh Sơn dành ngày Chúa Nhật cho việc tập hát, còn ngày thứ Bảy, anh làm các việc trên phụ giúp cô Tước. (Sau một thời gian làm chung công tác, Cô Tước có nhận xét với Trên là anh Sơn là một giáo dân tốt Đạo đẹp đời. Có lòng thương người nghèo vô vị lợi và rất yêu trẻ em).
Đột nhiên, 11 giờ đêm ngày thứ ba, 23 tháng ba vừa qua, anh Sơn nhận được một cú điện thoại cấp cứu hết sức đau lòng từ bà mẹ của bạn gái anh. Giọng bà ấy rên lên tha thiết:
- Bác xin con vào bệnh viện cho nó gặp con ngay lập tức. Hu.. hu.. hu….
Bà mẹ già khóc nức nở trong máy nói.
4 giờ sáng hôm sau, thứ Tư, ngày 24 thì cô Tước lên tới tầng chín, khuôn mặt trắng trẻo, xanh xao, mềm mại nhưng khoác trên mình bộ y phục công an cứng cát, lịch sự và nghiêm chỉnh. Thánh Phêrô đón nhận cô bằng một cái ôm hôn thắm thiết sau khi đã được nghe cô kê khai lý lịch và kể chuyện đời.
Trong trường hợp đặc biệt này, ngài nghĩ không cần giấy chứng nhận Rửa Tội của cô vì theo cô kể, trong cơn đau đớn kiệt sức vì vết dao đâm làm mất hết máu trong người, cô cố gắng thều thào bày tỏ ước muốn, anh Sơn đã  lấy nước suối La-Vi trên bàn bệnh viện mà rửa  tội cho cô. Bây giờ chúng ta gọi cô là Xê-xi-li-a. Tên này anh Sơn đặt cho bạn gái, chứ Xê-xi-li-a đâu có biết Xê-xi-li-a nghĩa là cái gì. Thánh lễ An táng cho Xê-xi-li-a có ca đoàn hát rất sốt sắng.
Mấy hôm sau, ngay giữa chợ, có mấy chị trong hội Các bà mẹ Công Giáo, hiện đang rủ nhau theo học khóa Kinh Thánh 100 tuần do Đức cha Khảm dạy trên Trung tâm Mục vụ cứ nhỏ to tranh luận với nhau về đám tang của cô công an khu vực mình, có chị nhớ mà trích đọc lên mấy dòng diễn từ của ông Phêrô trong sách Công vụ Tông đồ như sau:
”Thiên Chúa là Đấng thấu suốt mọi tâm can đã chứng tỏ Người chấp nhận họ, khi ban Thánh Thần cho họ cũng như đã ban cho chúng ta. Người không phân biệt chút nào giữa chúng ta với họ, vì đã dùng đức tin để thanh tẩy lòng họ”.
Bấy giờ các chị khác mới im lặng.
Thế rồi, bây giờ là chuyện cuối cùng đây. Mới tuần trước đây, vào đúng ngày Chúa Nhật thứ Năm mùa Chay, một linh hồn nữa lại lên đến tận cổng gặp thánh Phêrô. Thằng nhỏ đen như khẩu súng lục. Nó nói một chuỗi tiếng nước gì mà thánh Phêrô chỉ nghe loáng thoáng Việt Nam, Quản lý dòng Chúa Kitô Vua, Tân Bình … chứ không hiểu nghĩa toàn bộ câu chuyện nó nói. Chỉ ngắm vẻ đẹp thánh thiện như thiên thần trên khuôn mặt thiếu niên rạng ngời của nó, thánh Phêrô biết rằng mình đã gặp một Sa-vi-ô khác, Sa-vi-ô đen. Ngài trìu mến nâng chiếc chìa khóa vàng, nhẹ nhàng mở cửa Thiên Đàng cho linh hồn bé nhỏ này vào. Cậu nhỏ vui tươi nhảy nhót rồi chạy biến vào Nước Trời, cậu để lại sau lưng tiếng hát ngợi ca trong trẻo tinh khiết vang vang khắp chín tầng mây.
Đó, chính vì yêu nét thánh thiện của linh hồn đen bé nhỏ này mà thánh Phêrô quyết đi tìm đến thăm nơi cậu đã từng sống trên thế gian, dẫu nơi đó có là Phi Châu, Ấn Độ, Niu-Oóc hay Sô-ma-li cũng đi. Không ngờ, cậu bé lại là người Việt Nam. Lại cũng Tân Bình như đã ghi trên bảng Cáo Phó của mấy người kia. Cám ơn Chúa của con, Ngài nâng đỡ con mọi nơi mọi lúc, không để chân này quá mỏi mà vấp phải đá.Vừa lúc thánh Phêrô cảm thấy muốn ngồi xổm xuống nghỉ ngơi thì cổng tu viện mở cửa và một thầy dòng  trẻ thò đầu ra. Nhác trông thấy thánh Phêrô đứng ngay đó, thầy hỏi:
- Cụ ông chờ mua cháo dinh dưỡng phải không ạ?
Thánh Phêrô lắc đầu không trả lời.
- Hay cụ ông muốn vào mua dầu dừa?
Thánh cũng không nói gì khiến thầy ấy lấy làm lạ lắm, với lại thầy ấy chưa từng thấy ông lão nào có bộ râu dài, rậm và đẹp đến như thế. Thầy cứ ngắm vẻ đẹp lão thánh thiện ấy mà mê mẩn  cả tâm thần, đến nỗi thầy không nghe thánh Phêrô bấy giờ mới  đủng đỉnh nói:
- Sao lại nhìn tôi chằm chằm, như thể thầy tưởng tôi là  ông thánh Phêrô đó sao?
Cho tới  khi thầy ấy sực tỉnh người thì thánh mới yêu cầu:
- Thầy cho tôi gặp thầy Quản lý.
- Dạ, dạ, kính mời cụ ông vào. Thầy dòng ấy vội vàng mở rộng cổng –Trông cụ ông cứ như ông thánh ấy. Thật tình, con thấy cụ ông đẹp đẽ hơn tượng ông thánh Phêrô đặt trong nhà thờ cả … tỉ lần.
Thế đấy! Bao giờ Xuân Quan đúc tượng lên, ta sẽ góp ý.
Như vậy, thánh Phêrô (với danh nghĩa là ông Cố của thằng bé)  đang đến tận nơi, gặp tận người để hỏi chuyện và ngài đã không uổng công.
Thầy Quản lý kể với  cụ khách đáng kính của chúng ta như sau:
- Thưa  cụ cố, con nhận nuôi thằng bé người Khơ-me này từ năm năm nay mà không thấy nó nhắc tới một người thân nào, kể cả ông bà, cha mẹ nó. Kể cả cụ cố, cụ tổ nó. Thưa cụ cố, nó chỉ nằm xuống, nhắm mắt lại, là về chầu Chúa thôi. Nhà Dòng chúng con lo liệu cho cháu đầy đủ tất cả như lo cho một thầy trong dòng khi qua đời. Cụ cố cứ yên tâm. Thằng bé đã sống như một thiên thần. Nó ăn như một con cọp, làm việc như một tiều phu, trung thành như một con chó và đơn sơ, thật thà như một con chim bồ câu. Nó vui tươi như con cá heo. Da nó đen nhưng tâm hồn nó trắng ạ.
Thánh Phêrô ngắt lời thầy Quản lý:
- Tôi biết rõ, Thiên Chúa không thiên vị người nào. Nhưng hễ ai kính sợ Thiên Chúa và ăn ở ngay lành, thì dù thuộc bất cứ dân tộc nào, cũng đều được Người tiếp nhận.
- Thưa cụ cố, chính thế. Thằng bé đã biết đọc, biết viết tiếng Kinh và đó là niềm đam mê, niềm vui  của nó. Trước hôm nó bỏ chúng con mà đi, lần đầu tiên kể từ khi con nuôi nó, con thấy mặt mày nó ủ rũ, buồn bã quá sức lắm. Con hỏi thì nó tâm sự như thế này:
- Bõ ơi, cháu buồn đến chết đi được. Bõ vẫn cho cháu đi lễ nhà thờ Thánh Mẫu mà cháu không có tiền, có bạc để dâng cho nhà thờ, như vậy cuộc đời cháu sẽ không xứng đáng được Chúa ban cho một ơn ích, một quyền lợi thiêng liêng gì hết. Đây (nó rút trong túi ra một tờ giấy đưa cho con), bõ xem.
Đó là Thư ngỏ của nhà thờ phát ối. Tuần nào chả phát. Gặp ai cũng phát. Con đã đọc. Tội nghiệp thằng bé con nuôi. Con phải nhắc, Chúa là Đấng từ bi nhân hậu, mãi, nó mới vui tươi trở lại, rồi đêm ấy nó đi luôn đấy ạ.
Thánh Phêrô nghe đến đây thì tỏ ý cũng muốn đọc nội dung lá thư ngỏ nọ. Thầy Quản lý mau mắn chạy vào nhà trong tìm đưa ra. Thánh Cả đeo kính vào rồi đọc ngấu nghiến một hơi lá thư gửi đại trà ấy không sót một chữ, không sai một từ, chữ thường cũng như chữ đậm, viết tắt cũng như con số, kể cả những chữ sai dấu chính tả (hỏi, ngã, gõ sai, gõ thiếu), ngài cũng đọc y như người ta đã cho in.Từ trên xuống, thư gõ vi tính rõ ràng như sau, nhưng với phông chữ to hơn dưới đây một độ:

 TỔNG GIÁO PHẬN TPHCM  – NHÀ THỜ THÁNH MẪU TỬ.
      
THƯ NGỎ (LẦN 2)
Kính gửi
- Các ban chấp hành, các xứ đoàn bác ái – gia đình TMT và giới trẻ TMT
- Các quý ân nhân cùng toàn thể cộng đoàn Dân Chúa thường xuyên dự lễ tại nhà thờ Thánh Mẫu Tử.
Sau gần 4 tháng thi công sữa chữa, nhà thờ Thánh Mẫu Tử đã được hoàn thành như mong muốn của Cộng Đoàn. Tạ ơn Chúa, cám ơn sụ giúp đỡ của các quý ân nhân cùng toàn thể cộng đoàn Dân Chúa thường xuyên dự lễ tại nhà thờ Thánh Mẫu Tử đã dâng lời cầu nguyện cũng như đã giúp đỡ kinh phí để chúng tôi hoàn thành việc tu sửa ngôi thánh đường này. Trong suốt quá trình cải tạo, sữa chữa chúng tôi đã thiết kế và tận dụng tối đa diện tích khuôn viên hiện có của nhà thờ, nhằm tạo điều kiện thoải mái, ấm cúng cho quý cộng đoàn, nhưng vẫn giữ được sự tôn nghiêm của Thánh Đường.
Kính thưa quý cộng đoàn, vì việc sữa chữa không phải muốn làm lúc nào cũng được. Mặt khác sẽ làm ảnh hưởng đến sự sốt sắng, trang nghiêm trong các giờ cầu nguyện và thánh lễ hằng ngày của cộng đoàn trong khi sữa chữa. Sau khi đã thống nhất cùng với ban phụng vụ nhà thờ, chúng tôi đã quyết định vay mượn thêm kinh phí để tiếp tục xây dựng sữa chữa. Do vậy đến nay sau khi nghiệm thu và quyết toán theo công việc thực tế. Công trình cải tạo và tu sửa nhà thờ Thánh Mẫu Tử còn thiếu gần 200.000.000 (hai trăm triệu đồng) nữa theo bản báo cáo quyết toán kèm theo (trang sau).
Hôm nay ngày 30/01/2010 Chúng tôi viết thư ngỏ (lần 2) gửi tới các ban chấp hành các xứ đoàn, các quý ân nhân cùng toàn thể cộng đoàn Dân Chúa thường xuyên dự lễ tại nhà thờ Thánh Mẫu Tử , để kêu gọi chung tay đóng góp thêm kinh phí, giúp chúng tôi thanh toán các khoản nợ còn thiếu cho công trình này. Chúng tôi sẽ để “Thùng Đóng Góp Xây Dựng Lần 2” tại cuối nhà thờ và mở sổ ân nhân nhà thờ để ban phụng vụ ghi danh sách các ân nhân với quyền lợi thiêng liêng xứng hợp ngay ngày hôm nay 30,01/2010 cho đến chủ nhật Lễ Phục Sinh 04/04/2010 tại văn phòng ban phụng vụ Nhà Thờ.
Xin Thiên Chúa qua lời bầu cử của mẹ MARIA ban muôn hồng ân cho quý ân nhân và cộng đoàn. Cách riêng cho những ai nhiệt tâm đóng góp công sức,tiền của cho công việc xây dựng sữa chữa ngôi thánh đường này. Xin trân trọng cám ơn.
Nhà Thờ Thánh Mẫu Tử 30/01/2010
Linh Mục Tổng Quản  ký tên
(bên trái)
                                        Trưởng Ban Phụng Vụ
                                           ký tên
                                                                      (bên phải)
Chỉ còn hai chữ ký, hai cái tên in đậm và một con dấu đè lên chữ ký bên trái (và còn trang sau nữa) là hết thư, nhưng cụ cố của Sa-vi-ô dường như không thèm để mắt nhìn xuống cuối thư. Nghĩ sao, ông cụ lật đật đứng dậy kiếu từ thầy Quản lý nhà Dòng Chúa Kitô Vua ra về ngay lập tức. Cụ trả lại thầy tờ thư nọ và nói:
- Phải về thôi. Tình hình thế này thì năm nay ta không thể yên tâm mà tiếp tục đi nghỉ phép nhà Trời được nữa đâu.

ANNA

Không có nhận xét nào: