Hiển thị các bài đăng có nhãn Sưu tầm. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Sưu tầm. Hiển thị tất cả bài đăng
Thứ Ba, 9 tháng 8, 2022
Thứ Ba, 14 tháng 6, 2022
LỜI NGUYỆN CỦA LÃO JIM
LỜI NGUYỆN của LÃO JIM
Vị mục sư trong một hôm ngẫu hứng
Ghé Giáo đường vào lúc đã giữa ngày
Ông định sẽ thử vào coi cho biết
Xem có ai tới cầu nguyện giờ này ! ...
Cửa vừa mở , ông giật mình nhìn thấy
Người đàn ông vừa ra khỏi ghế ngồi
Vị mục sư thóang chau mày khó chịu
Vì lão kia ... râu tóc quá lôi thôi
Quần áo lão , thật cũ mèm cũ rích
Áo khóac ngòai ... chắc lượm ...của chó tha !
Còn thấy lão cúi gập đầu , quỳ gối
Xong đứng lên , rồi vội vã bước ra
... Mấy ngày sau , mục sư thường để ý
Cứ giờ trưa , thấy lão tới Nguyện đường
Lần nào vào cũng chỉ quỳ một lát
Túi đồ ăn đeo lủng lẳng bên lưng !
Ông mục sư lòng nghi ngờ quá đỗi
Sợ lão ta ... muốn trộm cắp chi đây ?!
Không chịu nổi , ông đến bên hỏi lão :
_ Ông làm gì ...mà cứ đến nơi này ?
Lão già nói ... lão phải luôn vội vã
Xưởng lão làm , tít ở cuối con đường
Lấy giờ ăn để vào đây cầu nguyện
Xin Chúa ban cho mạnh vững kiên cường !
_ Ông thấy đó ! Tôi chỉ vào một lát
Vì xưởng tôi , từ đó cũng xa đây
Tôi chỉ quỳ và chuyện trò cùng Chúa
Lời cầu xin ... chỉ đơn giản thế này :
_ Con chào Chúa , hôm nay con lại tới
Lòng hân hoan , ôi hạnh phúc thật là !
Được tâm sự , được giãi bày cùng Chúa
Và tội con , xin Chúa hãy thứ tha !
Con vụng dại , không biết sao cầu nguyện
Nhưng con luôn nghĩ tới Chúa hằng ngày
Ôi GIÊSU , bạn của lòng con hỡi
Hãy nhìn xem : JIM đang ở nơi đây !
... Vị mục sư bỗng thấy mình ... " cả đẩn " !
Nói với JIM : _ Thôi chuyện chẳng có gì
Và không sao , cứ tới đây cầu nguyện
Cửa Thánh đường luôn chào đón mỗi khi !
Hết giờ rồi , JIM đứng lên vội vã
Miệng lão cười và nói tiếng cám ơn
Còn mục sư ... bỗng lần đầu ... quỳ gối
Mắt ngước nhìn lên tượng Chúa van lơn
Trái tim lạnh bỗng trở nên bừng ấm
Gặp GIÊSU , Tình yêu Chúa đắm chìm !
Dòng lệ rơi và trái tim thổn thức
Ông học theo lời nguyện của lão JIM :
_ Con chào Chúa , hôm nay con lại tới
Lòng hân hoan , ôi hạnh phúc thật là !
Được tâm sự , được giãi bày cùng Chúa
Và tội con , xin Chúa hãy thứ tha !
Con vụng dại , không biết sao cầu nguyện
Nhưng con luôn nghĩ tới Chúa hằng ngày
Ôi GIÊSU , bạn của lòng con hỡi
Hãy nhìn xem : con đang ở nơi đây !
..........
Rồi một ngày ... tới xế chiều , nắng yếu
Ông mục sư chẳng thấy bóng JIM đâu
Rồi mấy ngày ... lão vẫn còn biệt tích
Ông bắt đầu cảm nhận nỗi lo âu !
Tới xưởng máy , ông hỏi thăm về lão
Mới biết rằng JIM đã bệnh thật rồi !
... Ở nhà thương , nhân viên đều lo lắng
Còn lão JIM cứ làm họ ... phải cười !
Lão vào đây đã mang nhiều thay đổi
Làm mọi người đều lây nhiễm ... niềm vui
Họ chẳng hiểu tại sao JIM hạnh phúc
Khi không hoa , không ai tới thăm nuôi ?!
Vị mục sư nói cùng người y tá :
_ Lão còn ai thân thích ở đây đâu
Tôi thấy là lão vẫn luôn cô độc
Bạn bè nào còn có để mà cầu !
Thật không ngờ , lão JIM cười ha hả ...
_ Ông nói sai , cô y tá cũng sai !
Có điều này , tôi chưa cho ai biết
NGƯỜI ở đây , NGƯỜI luôn ở nơi đây !
Mỗi buổi trưa , NGƯỜI vẫn luôn ghé đến
Là bạn tôi , là bạn rất thân quen
Nắm tay tôi , bên giường NGƯỜI ngồi xuống
Và tôi nghe ... một giọng nói êm đềm :
_ Bạn JIM hỡi , hôm nay tôi lại đến
Lòng hân hoan , ôi hạnh phúc thật là !
Kể từ khi ta kết tình bằng hữu
Tội của anh , tôi cũng đã thứ tha
Tôi lắng nghe mỗi lần anh cầu nguyện
Và tôi luôn ... nghĩ tới bạn hằng ngày !
Này anh JIM , bạn của lòng tôi hỡi
Hãy nhìn xem : GIÊSU ở nơi đây !
DH chuyển dịch
Thứ Sáu, 6 tháng 3, 2020
SAO KHÔNG NGOẢNH ĐẦU...
Chúa chẳng bao giờ muốn chúng ta phải chịu những bi kịch và thảm họa đang xảy ra trong nhân loại.
Chính chúng ta đã dùng cái quyền tự do Chúa ban để lộng hành và hỗn láo từ chối tình yêu thương của Người.
Chúa chỉ biết đau buồn nhìn chúng ta như người Cha nhân hậu trong Tin Mừng Luca, lặng lẽ nhớ mong đứa con hoang đàng trở về. Chúa chẳng làm gì được đâu, bởi vì Người đã....lỡ ban nên phải tôn trọng tự do của chúng ta . Tự do là một ân huệ lớn lao cho người nào hướng về Thiên Chúa, chọn Thiên Chúa, nhưng đồng thời nó là một thử thách đáng gờm cho những ai chống đối Thiên Nhan .
Và sẽ cứ như thế, trừ khi chúng ta quay đầu trở về nhà.
Nào, tôi hãy sử dụng quyền tự do ấy cho xứng đáng Ơn Chúa ban đi !
ht.
Thứ Bảy, 14 tháng 9, 2019
Thứ Tư, 10 tháng 4, 2019
NHỮNG CÂU TRẢ LỜI THỰC TIỄN VỀ BẢN QUYỀN ...
ht. Xin giới thiệu với Quý Anh Chị yêu mến Thánh Ca một bài viết, mới được các chuyên gia của OCP dịch sang tiếng Việt . Vì blog không nhận PDF nên ht. buộc phải đăng dưới dạng Ảnh, Quý Anh Chị có thể đọc bản chính to và rõ hơn ở đường dẫn sau đây (có bản tiếng Anh nữa) :
https://ocpvn.org/nhung-cau-hoi-thuc-tien-ve-ban-quyen/Thứ Năm, 27 tháng 12, 2018
NHÂN MÙA GIÁNG SINH
NHÂN MÙA GIÁNG SINH,
ĐI TÌM Ý NGHĨA TÍCH CỰC
CỦA CHỮ “HÒA ” 和
TRONG TÔN GIÁO.
NGUỒN : Việt Báo
NGUYỄN ĐỨC CUNG
Trong sinh hoạt tư tưởng, người Ki-Tô giáo thường hay nhắc tới câu nói sau đây của một ngôn sứ trong Cựu Ước có lẽ là câu nói được truyền tụng nhất và ý nghĩa tích cực của hòa bình, một câu mà Liên Hiệp Quốc đã từng chọn làm câu châm ngôn trong năm hòa bình của thế giới cách đây mấy thập kỷ : “Người ta sẽ đúc gươm đao thành cuốc thành cày, rèn dáo mác nên liềm nên hái…”. Ý nghĩa câu nói thật là tích cực, tuy vậy thời gian qua chiến tranh từ đó đến nay vẫn cứ triền miên không dứt khi thì chỗ này, nay lại chỗ khác. Khi nói đến chữ “hòa” thì liên tưởng trước hết có lẽ phải nhắc lại hai chữ hòa bình nhất là chữ hòa như trong Khổng giáo có lời dạy ở sách Trung Dung về đạo tu, tề, trị, bình” tức tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ.
I.- CHỮ “HÒA” 和 QUA LĂNG KÍNH CỦA TRIẾT LÝ ĐÔNG PHƯƠNG.
Xuất phát từ chữ hòa mà có hòa bình, rồi hòa giải, hòa hợp nhưng trước hết phải nói rằng tinh thần hòa giải, hòa hợp hoặc yêu chuộng hòa bình là một đức tính thường có của người dân Việt Nam và của cả nhân loại. Vị ngôn sứ của Cựu Ước có câu nói bất hủ ở trên đã trở thành phương châm xử thế của nhân loại thì những câu vắn tắt như: “Dĩ hòa vi quý”, “Quân tử hòa nhi bất đồng, tiểu nhân đồng nhi bất hòa” tuy xuất phát từ tư tưởng Khổng Mạnh nhưng lâu dần biến thành máu thịt người VN ta.
Nói về hòa giải và hòa hợp trong phạm vi tâm linh, tôn giáo, các tôn giáo như Phật giáo, Công giáo và các triết thuyết Á Đông cũng đã có đề cập tới không nhiều thì ít.
Hòa giải là giải quyết một việc gì theo phương cách hòa bình, hiểu một cách nôm na là như vậy. Nhưng chữ “Hòa” trong phạm trù triết lý Đông phương mang một ý nghĩa cao sâu hơn.
Trong Luận Ngữ, Khổng Tử có viết: “Bá-di, Thúc-tề bất niệm cựu ác, oán thị dụng hy.”子 曰 : 伯 夷 , 叔 齊 , 不 念 舊 悪 , 怨 是 用 希 . Cụ Phan Bội Châu trong cuốn Khổng Học Đăng đã giải thích câu này như sau: “ Ông Bá-Di, ông Thúc-Tề vẫn là bậc người rất thanh cao, mà lại đối đãi với người có một cách rất khoan thứ; hễ người ta ai có điều xấu cũ, nhưng khi đã qua rồi, hoặc người ta đã thay đổi được rồi thời mình cũng chỉ xem người ấy là người tốt mà không nghĩ đến điều xấu cũ của người ta nữa (bất niệm cựu ác). Vì vậy mà ít ai oán giận đến mình (oán thị dụng hy). (Luận Ngữ, Thiên V, Công Dã Tràng, câu 22; Phan Bội Châu, Khổng Học Đăng, Nhà xb. Khai Trí, Sài Gòn, 1973, trang 114)
Về chuyện Bá Di và Thúc Tề, học giả Nguyễn Hiến Lê trong cuốn sách nghiên cứu và dịch Luận Ngữ ghi lại : “ Tử viết: “Bá Di, Thúc tề bất niệm cựu ác, oán thị dụng hi.” Dịch: “Khổng tử nói: “Bá Di và Thúc Tề không nhớ điều xấu cũ của người, nên ít oán ai.” “Bá Di và Thúc Tề đều là con vua Cô Trúc, không chịu nhận ngôi vua, bỏ đi ở ẩn; sau giúp vua Văn vương là người có đức. Nhưng khi Võ vương (con Văn vương) đem quân đánh Trụ nhà Thương, hai ông can không được, vào ẩn trong núi Thú dương, chịu chết đói. Coi truyện trong bộ Sử kí của Tư Mã Thiên.“Oán thị dụng hi” có người hiểu là: ít người oán hai ông ấy. Nhưng bài VII.14 Khổng tử có nói: “… … cầu nhân đắc nhân, hựu hà oán?” (hai ông ấy) cầu nhân thì được nhân, còn oán cái gì?” Vì vậy mà chúng tôi dịch là “nên ít oán ai”, chứ không dịch là ít bị người ta oán. (Nguyễn Hiến Lê, Luận Ngữ, Nhà xb. Văn Học, 1995, trang 98).
Lối dịch của Nguyễn Hiến Lê đánh động vào tâm thức tích cực của con người, chủ động cái tình cảm của mình nên có lẽ đúng hơn lối dịch thiên về phần tiêu cực của cụ Phan Bội Châu. Nhưng dù lối dịch nào chăng nữa thì câu văn của Luận Ngữ cũng hàm ý xây dựng tinh thần yêu thương, ý thức hòa giải trong con người nói riêng và trong xã hội nói chung. Việt Nam sau cuộc chiến 1954-1975 đến nay đã hơn 40 năm nhưng còn lại biết bao đau thương, biết bao “cựu ác”, bao hận thù vẫn còn chia rẽ lòng người, cần phải gạt qua một bên, nhưng gạt bằng cách nào?
Xét về chữ Hòa trong hòa giải hay hòa hợp thì thấy có ba lối viết. Có chữ Hòa 禾 có nghĩa là lúa chưa cắt rơm rạ đi; 和 hòa, cùng ăn nhịp với nhau và 龢 hòa : điều hòa, hợp cùng nghĩa với chữ 和 . Tìm hiểu về ngữ nguyên (etymology), chữ Hòa 和 gồm một bên chữ Hòa là lúa và một bên chữ Khẩu là cái miệng. Thóc lúa dùng để nuôi cái miệng thì tấm thân sẽ nhàn tản, cuộc sống hòa bình (chữ dùng hội ý). Còn chữ hòa 龢 một bên chữ Dược 龠 là một thứ như cái sáo có ba lỗ, cũng đọc là Thược là đồ để đong, đựng được 1200 hạt thóc. Theo Linh mục Tiến sĩ Léon Wieger, (S.J.) trong cuốn Chinese Characters, hai chữ Hòa 和 và 龢 cùng có một nghĩa là điều hòa (Harmony, Union) (bản in lần thứ hai, theo bản tiếng Pháp, Dover Publications, Inc., New York, không đề năm in, trang 283). Chữ Dược 龠 là ống sáo tượng trưng cho âm nhạc hay âm thanh nằm bên chữ Hòa 禾 là lúa trên một cánh đồng xanh vàng óng ả, cũng là chữ hội ý.
Trong tác phẩm Đại cương Triết học sử Trung quốc, Tiến Sĩ Phùng Hữu-Lan (Fung Yu-Lan), Giáo sư Đại học Thanh-Hoa ở Bắc Kinh, một triết gia lừng danh trong những thập niên 40 của thế kỷ XX, có nêu sách Trung dung khi sách này viết rằng: “Mừng, giận, buồn, vui chưa bộc lộ ra, gọi là trung. Bộc lộ ra mà trúng tiết, gọi là hòa. Trung là gốc lớn của thiên hạ. Hòa là đường chính của thiên hạ. Trung hòa rất mực thì Trời Đất được yên, muôn vật được nuôi.”(Ch. 1.) Tiến sĩ Phùng Hữu Lan viết tiếp : “Khi tình cảm được bộc lộ ra, mà đều trúng tiết, cũng gọi là trung, vì “hòa”là do trung, và “trung” dùng để hòa những cái khác có thể không hòa. Những điều đã được nói về tình cảm, thì cũng có thể áp dụng đối với những ước muốn. Trong cách cư xử cá nhân cũng như trong giao tiếp xã hội, có những điểm đánh dấu mức đúng cho sự thỏa lòng ước muốn và sự bộc lộ tình cảm. Một người, nếu mọi ước muốn được thỏa và mọi tình cảm được bộc lộ, mà ở vào mực trung, thì người ấy đạt tới cái hòa bên trong nó làm cho tinh thần mạnh khỏe. Cũng vậy, khi các ước muốn và tình cảm của mọi hạng người trong xã hội đều được thỏa, và được bộc lộ ra, ở vào mực trung, thì xã hội cũng đạt tới cái hòa bên trong nó dẫn đến thái bình trật tự. (Phùng Hữu Lan, Đại cương Triết học sử Trung quốc, TS Nguyễn Văn Dương dịch, Nhà xb. Thanh Niên, Sài Gòn 1998, trang 180.). Ở một đoạn dưới, Tiến Sĩ Phùng Hữu Lan viết tiếp: “Hòa thì bao hàm dị: hợp mọi cái dị để thành hòa… Đồng nghĩa là đồng nhất, đối lập với dị. “Hòa” nghĩa là: điều hòa, bao hàm dị, hợp mọi cái dị để thành hòa. Tuy nhiên, để thành hòa, thì mọi cái dị phải có phân lượng nhất định, ấy là “trung”. Vậy tác dụng của trung là để thành hòa. Một xã hội khéo tổ chức là một cái “hòa” trong đó những người tài giỏi và làm nhiều nghề khác nhau có một địa vị thích hợp, giữ những chức vụ xứng đáng, ai cũng được thỏa mãn như nhau, không có xung đột gì. Một thế giới lý tưởng cũng là một cái “hòa”. Sách Trung dung nói: “Muôn vật sống với nhau mà không cùng hại. Mọi đạo lưu hành với nhau mà không cùng trái… Ấy là điềm làm cho Trời Đất lớn vậy.”(Ch. 30) Một cái hòa như vậy, không chỉ bao hàm xã hội con người, nên còn là Thái hòa. Trong lời thoán quẻ càn, ta thấy chép: “Lớn thay cái đức đầu của càn…Giữ hợp được Thái hòa. Mới hay tốt và chính bền.” (Phùng Hữu Lan, Sách đã dẫn, trang 181).
2.- TINH THẦN TÔN GIÁO VÀ Ý THỨC HOÀ GIẢI.
Trong một xã hội mà tinh thần Tam giáo Nho, Phật, Lão thường hay đan xen vào nhau như ở Việt Nam, người ta thấy nhiều câu nói phản ánh tinh thần tha thứ, thương yêu thí dụ “Oán thù nên cởi, không nên buộc” hay “Lấy oán báo oán, oán oán chập chùng; lấy ân báo oán, oán oán tiêu tan”.
Sách Nho có câu: “Thiên thời bất như địa lợi, địa lợi bất như nhân hòa” tức thời thế thuận không bằng địa thế lợi; địa thế lợi không bằng nhân tâm hòa. Xem thế thì đủ biết: yếu tố hòa là quan trọng hơn hết trong mọi việc, mọi tổ chức. Gia đình hòa thì gia đình có hạnh phúc; nước nhà hòa thì nước nhà được thạnh trị; nhơn loại hòa thì thế giới an lạc (Hoà Thượng Thích Thiện Hoa, Phật Học Phổ Thông, Quyển Nhứt, Thành Hội Phật Giáo TP. Hồ Chí Minh ấn hành, 1992, trang 346.)
Giáo lý Lục-hòa 六 和 của nhà Phật còn gọi là Lục Úy Lao Pháp 六 慰 勞 法 Lục Khả Hỷ Pháp 六 可 喜 法, Lục Hòa Kính 六 和 敬 (Thích Nguyên Tâm, Từ Điển Phật Học Tinh Tuyển, Nhà xuất bản Phương Đông, TPHCM, 2013, trang 767) vốn là sáu phương pháp cư xử với nhau trong phạm vi một cộng đồng dân tộc để làm sao cho có sự hòa hợp từ vật chất đến tinh thần. Sáu phương pháp đó thứ nhất là “Thân hòa đồng trú” (nếu là đồng bào cùng chung sống trong một quốc gia xã hội, thì phải lấy sự đoàn kết làm đầu, không được gây cảnh nồi da xáo thịt, chia năm xẻ bảy, làm thành giặc chòm, giặc xóm; sát phạt nhau, chém giết nhau. Thứ hai là Khẩu hòa vô tránh(miệng hòa hợp không tranh cãi nhau) tức trong xã hội, cũng vì một lời nói không hòa mà nhiều khi quốc gia phải lâm nạn chiến tranh, nhân loại bị đẩy vào lò sát sinh thảm khốc. Thứ ba là Ý hòa đồng duyệt tức Ý hòa cùng vui tức là nếu ý tưởng hiền hòa, vui vẻ thì thân và lời nói dễ giữ được hòa khí. Trái lại nếu ý tứ bất hòa, thường trái ngược nhau, ganh ghét nhau, thì thân và khẩu khó mà giữ được cho hoàn hảo. Thứ bốn là Giới hòa đồng tu nghĩa là giới hòa cùng tu, điều này không chỉ ứng dụng trong giới tu hành Phật giáo nhưng cho bất cứ một đoàn thể, hiệp hội, tổ chức nào vì đã cùng đứng trong một tập thể thì phải giữ kỷ luật chung, điều lệ chung, ngay cả chính trong một đất nước thì kỷ luật chung đó là tinh thần yêu nước, quyền lợi và luật pháp của đất nước; giới đây là đồng bào, công dân một quốc gia. Thứ năm là Kiến hòa đồng giải tức là thấy biết giải bày cho nhau hiểu; điều này muốn nói trong sự sống chung, mỗi người hiểu biết được điều gì, khám phá được điểm gì, phải giải bày, chỉ bảo cho người khác hiểu để khai thông sự thông cảm với tha nhân, tránh lòng ích kỷ cá nhân. Thứ sáu là Lợi hòa đồng quân tức lợi hòa cùng chia cân nhau, điều này muốn nói rằng trong xã hội sở dĩ có sự xung đột dữ dội, phân chia giai cấp cũng do vì thiếu sự “Lợi hòa đồng quân” cả. Người giàu thì giàu quá, kẻ nghèo thì nghèo xơ, kẻ dinh thự nguy nga ruộng đất cò bay thẳng cánh, có kẻ không có một chòi tranh vách đất. Do đó không thể có hòa bình được: người vô sản xung đột với kẻ hữu sản, nước nghèo đói sanh sự với nước phú cường. (HT Thích Thiện Hoa, sách đã dẫn, trang 347-353).
Trong cuốn Đạo Bụt nguyên chất, Thiền sư Thích Nhất Hạnh có nêu câu kệ “Diệt nhuế hỏa hoại tán tham 滅 枘 火 壞 散 貪 và giải thích: “Phải biết dập tắt ngọn lửa của sự giận hờn, phải biết cách làm tan vỡ khối tham vọng trong lòng mình. Diệt nhuế hỏa là làm hư đi, làm tan nát đi, dập tắt ngọn lửa hận thù. Đó là một hiệu lệnh.” (Nhà xb. Phương Đông, 2011, trang 362).
Nói về vấn đề hòa giải giữa con người với nhau thì trong Cựu Ước, trong Do Thái giáo và nhất là trong Tân Ước đã có rất nhiều đoạn Thánh Kinh đề cập việc tha thứ, tha nợ, giải quyết những lấn cấn, vướng mắc thuộc nhiều lãnh vực giữa cá nhân với cá nhân, giữa tập thể với tập thể.
Trong sách Đệ Nhị Luật, Chương 15, câu 1-3 có viết: “Bảy năm một lần, anh (em) hãy tha nợ. Đây là cách thức tha nợ: mỗi chủ nợ sẽ tha món nợ đã cho người đồng loại vay mượn, không thúc người đồng loại và người anh em trả nợ, vì người ta đã công bố việc tha nợ để kính ĐỨC CHÚA. Người nước ngoài, anh (em) có thể thúc nợ; nhưng cái gì của anh (em) mà ở trong nhà người anh em của anh (em) thì phải tha không đòi.” (Kinh Thánh trọn bộ Cựu Ước và Tân Ước, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ, Nhà xb. TPHCM, 1999, trang 221).
Trong cuốn sách Kinh Lạy Cha, các tác giả Nguyễn Đăng Trúc và Lê Phú Hải đã giải thích đoạn văn sách Đệ Nhị Luật trên như sau: “Theo trường hợp này tha nợ mang nghĩa chối từ dùng khả năng áp bức hay lấy luật đè lên kẻ mang nợ. Tha nợ tức là tha thứ, giải thoát kẻ có nợ khỏi áp bức và tha hết món nợ hay những đòi buộc đối với mình.” (Nguyễn Đăng Trúc, Lê Phú Hải, Định Hướng Tùng Thư, Trung Tâm Nguyễn Trường Tộ xb. 1997, trang 222).
Trong sách Huấn ca, Chương 28, câu 1-4 có viết : “Kẻ báo thù sẽ chuốc lấy báo thù của Đức Chúa, tội lỗi của nó, Người xem xét từng ly. Hãy bỏ qua điều sai trái cho kẻ khác, thì khi bạn cầu khẩn, tội lỗi bạn sẽ được tha. Người với người cứ nuôi lòng hờn giận, thế mà lại xin Đức Chúa chữa lành! Nó chẳng biết thương người đồng loại, mà lại dám xin tha tội cho mình.” (Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ, sách đã dẫn, trang 916).
Trong Do Thái Giáo, ý nghĩa tha thứ tức khái niệm hòa giải trong chính trị cũng được các vị Rabbi giải thích, thí dụ Rabbi Eléazar ben Azaria giải nghĩa sách Lê-vi 16, 30: “… đối với những lỗi lầm giữa loài người với nhau, ngày lễ ‘thục tội’ (Kippurim) không thể đền tội được nếu như ta không làm hòa với người khác” (Jean Bonsirven, Textes Rabbiniques, Dẫn lại theo Nguyễn Đăng Trúc và Lê Phú Hải, Sđd, trang 223).
Rabbi Yosê cũng có nói: “Nếu người không khoan dung đến người anh em, Thiên Chúa cũng không nhân từ với người”(Pesiqta, Rabbati 38, 164b.)
Rabbi Râbâ còn nhấn mạnh: “Với những ai bỏ qua những điều lỗi lầm của người khác làm cho họ, Thiên Chúa sẽ bỏ qua mọi xúc phạm đến Người vì Người nói: Người tha thứ tội phạm và bỏ qua sự xúc phạm. Người tha thứ tội phạm cho ai? Cho những ai biết bỏ qua điều xúc phạm đến mình.” (Nguyễn Đăng Trúc, Lê Phú Haỉ, Sđd, trang 224).
Nói đến vấn đề hòa giải, đối với người Công Giáo có lẽ Kinh Lạy Cha (Pater noster, Le “Notre Père”) vốn là kinh do Đức Kitô dạy các Tông Đồ, đã để lại nhiều dấu ấn nhất đối với việc xin tha thứ và thứ tha. Có hai bản văn về Kinh Lạy Cha, một của Thánh sử Luca và một của Thánh sử Mát-thêu. Bản của Luca có 5 lời câu xin, và bản của Mát-thêu có 7 lời cầu xin, giọng văn của Mát-thêu trung thực hơn vì có vẻ Do Thái hơn (Tiến-Sĩ Trần Thái Đỉnh, Những lời giảng dạy của Chúa Giêsu, Cơ sở Văn hóa hy vọng, tái bản lần thứ nhất, 2001, trang 175).
Trong bản của Mát-thêu có câu :“… Xin tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con…” Tiến sĩ Trần Thái Đỉnh viết: “Nơi lời cầu xin này, chúng ta đặt cho mình một điều kiện: Chúng ta xin Chúa tha nợ cho chúng ta như chúng ta cũng tha kẻ có nợ chúng ta. Đây là trường hợp duy nhất trong bảy lời cầu xin có điều kiện. Mà Chúa Giêsu đã đặt điều kiện này vào lời xin tha thứ, vì Ngài biết tha thứ là một việc đôi khi không dễ dàng chút nào. Chúng ta còn nhớ lời Ngài dạy: nếu đứng trước bàn thờ để dâng lễ vật mà ta sực nhớ có chuyện bất bình với anh em, thì phải để của lễ ở đó trước bàn thờ, đi làm hòa với nhau đã, rồi sẽ trở lại dâng lễ vật cho Chúa. Còn ở đây, sau khi đã đặt điều kiện như thế trong lời cầu nguyện, Chúa lại còn trở lại một lần nữa, liền sau kinh Lạy Cha, để nói thêm cho ta biết Thiên Chúa tuyệt đối buộc ta phải tha thứ cho nhau, thì mới đáng Ngài tha thứ cho ta. Ngài nói: “Đúng thế, nếu anh em tha thứ những lỗi phạm cho người ta, thì Cha anh em ở trên trời cũng sẽ tha thứ cho anh em; nhưng nếu anh em không tha cho người ta, thì Cha anh em cũng sẽ không tha cho anh em các lỗi phạm của anh em” (Mt 6, 14-14).
Trong đoạn dưới, Tiến Sĩ Trần Thái Đỉnh viết tiếp: “Theo bản Mát-thêu mà chúng ta sử dụng đây, Chúa dùng từ “tha nợ”, để xin Chúa tha thứ cho chúng ta. Theo các học giả, từ “nợ” trong Luật Do-Thái có nghĩa chặt chẽ và pháp lý: con nợ có thể bị tù tội nếu không trả được nợ, như ta thấy nơi Mt 18, 23-25.”(Trần Thái Đỉnh, Sđd, trang 184).
Trong Tân Ước, “Bài giảng trên núi – Các phúc thật” hay là “Tám Phúc” mà người ta còn gọi là “Hiến Chương Nước Trời”có Điều thứ bảy “Hạnh phúc thay những ai xây dựng hòa bình vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa” xét ra rất quan trọng đối với những ai có những nỗ lực vận động hòa bình, thứ hòa bình đích thực và những con người đích thực có thiện chí muốn hòa bình chứ không phải thứ người muốn mượn tiếng hòa bình như Lê Đức Thọ để cướp nước, như Kissinger của Hoa Kỳ thời Nixon một thời mặt trơ trán bóng, mượn tiếng hòa bình để tự khoe, tự phụ về tài năng ngoại giao của y (đi đêm, nhượng bộ cách nhục nhã không chút liêm sỉ) để quẳng Miền Nam cho bọn chó sói Bắc Việt. Dĩ nhiên tha thứ là một việc mà quên là một việc khác!
Trong cuốn sách đã dẫn, Tiến Sĩ Trần Thái Đỉnh viết: “Phải có mưa thuận gió hòa, cây cối mới lớn lên và sinh nhiều hoa trái. Phải an cư thì mới lạc nghiệp, và con người mới có thể phát triển đầy đủ và cảm thấy hạnh phúc. Vì thế, hòa bình là điều kiện số một của cuộc sống hạnh phúc: hòa bình với Thiên Chúa, không mắc lỗi với Ngài và được Ngài yêu thương; hòa bình với bản thân, không bị lương tâm cắn rứt; hòa bình với mọi người, sống hòa thuận và an vui với nhau.
Chúa Giêsu được Thánh Phaolô ca tụng là “Đức Chúa của hòa bình” (2Tx 3, 16), vì Chúa luôn chúc và ban hòa bình cho nhân loại. Vừa sinh ra còn nằm trong máng cỏ, Ngài đã sai các thiên thần chúc bình an cho chúng ta: “Sáng danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho những người Chúa thương.” (Lc 2, 14). Trong suốt cuộc đời, sự hiện diện của Ngài luôn tỏ ra sự bình an và lòng thương xót. Rồi trong giờ phút thầy trò sắp chia tay, các môn đệ âu lo và sợ hãi trước cái chết vô cùng đau đớn của Ngài, Chúa Giêsu đã nói với các ông lời an ủi của con Thiên Chúa…
Bây giờ nhìn vào phúc thật này, xin hỏi ai là người được Chúa công bố là hạnh phúc? Bản Latinh “Phổ thông”(Vulgata) dịch là “pacifici”, nghĩa là những người hiền hòa (các bản Lebreton và Prat vẫn dịch là “pacifiques”. Nhưng các nhà chuyên môn cho rằng dịch như thế không đúng. Cho nên Prat đã đề nghị dịch là “pacificatores” nghĩa là người “làm nên hòa bình”. Nhưng dịch như vậy là quá đáng, vì từ này chỉ áp dụng cho các nhà”bình trị thiên hạ” như các hoàng đế La Mã đã làm nên Pax Romana (Hòa bình La Mã), và như Chúa Giêsu đã làm nên Pax Christi (Hòa bình Chúa Kitô, hòa bình giữa Thiên Chúa và loài người).
Nay các nhà chú giải và các bản dịch Thánh kinh đều ghi là “Hạnh phúc thay những ai xây dựng hòa bình”. Như vậy cha ông chúng ta (giáo dân Việt Nam) đã dịch rất đúng: “Ai làm cho người hòa thuận ấy là phúc thật.” “Xây dựng hòa bình là một công việc rất quan trọng của lòng thương xót: đó là giúp mang lại hòa thuận cho những cặp vợ chồng bất hòa với nhau, cho những người bạn thân đang giận nhau… Giao hòa những người đang bất hòa, giúp các cặp vợ chồng và các bạn hữu sống hòa thuận với nhau là một công việc rất tế nhị, nhưng cũng rất đáng Chúa thưởng công.” (Trần Thái Đỉnh, Sđd, trang 59-60).
Jules Lebreton thuộc Dòng Tên, tác giả cuốn sách La vie et l’enseignement de Jésus Christ, Notre Seigneur, do Beauchesne Paris xb. 1931 và Ferdinand Prat cũng thuộc Dòng Tên tác giả cuốn Jésus Christ, sa vie, sa doctrine, son oeuvre, cũng do Beachesne Paris xb. 1933 vốn là hai tác giả được TS Trần Thái Đỉnh tham khảo nhiều để viết cuốn sách của ông.
Có lẽ mang tâm thức của một nhà trí thức Công Giáo chuyên ngành giáo dục, nghiên cứu triết học cho nên Tiến Sĩ Trần Thái Đỉnh đã không nhắc đến nhiệm vụ hòa giải, xây dựng hòa hợp dân tộc, một quan điểm rất thời thượng của bất cứ một quốc gia nào sau chiến tranh. Dĩ nhiên đây cũng là một vấn đề phức tạp phải được biện giải trong nhiều khía cạnh.
Trong đạo Công Giáo, Bí tích Giải tội (Confession) cũng gọi là Bí tích Hòa Giải vốn là một trong bảy phép bí tích cần thiết mà người Công Giáo phải tuân giữ.
Trong các cuộc biểu tình tuần hành của Giáo dân Tổng Giáo Phận Hà Nội tám năm trước đây để đòi lại đất Tòa Khâm Sứ tại Hà Nội, Kinh Hòa bình của Thánh Phanxicô được giáo dân hát trong khi cầu nguyện trước và trong khuôn viên vùng đất thánh thiêng này:
Lạy Chúa xin làm con thành khí cụ bình an của Chúa,
nơi oán thù con gieo yêu thương,
nơi xúc phạm con gieo tha thứ,
nơi tranh chấp con gieo an hòa,
nơi nghi ngờ con gieo niềm tin,
nơi sai lầm con gieo sự thật,
nơi thất vọng con gieo hy vọng,
nơi buồn sầu con gieo niềm vui,
nơi tối tăm con gieo ánh sáng.
Ôi Thầy Thần Linh, xin dạy con
tìm an ủi người hơn được người ủi an
tìm hiểu biết người hơn được người hiểu biết,
tìm yêu mến người hơn được người mến yêu,
tìm chính khi hiến dâng là khi được nhận lãnh,
chính khi thứ tha là khi được tha thứ,
và chính khi chết đi là khi sống muôn đời.
(Leonardo Boff, Kinh cầu của Thánh Phanxicô, sứ điệp hòa bình cho thế giới ngày nay, Nguyễn Dy Loan chuyển ngữ, Định Hướng Tùng Thư xb. 2014).
Nhớ lại câu chuyện mười năm về trước, trên đường đi về tòa án Hà Đông để tham dự buổi chính quyền Cộng Sản xử tám người giáo dân trong vụ Giáo xứ Thái-Hà (2009), có đến trên hai mươi nghìn giáo dân xuống đường tay cầm nhành thiên tuế (biểu tượng chiến thắng và tử đạo) hiên ngang trẩy đi như trẩy hội kéo về bao quanh tòa án. Tôi cho đó là một trong những cuộc diễn tập dân chủ hoành tráng của nhân dân khiến cho nhà cầm quyển CS cũng phải điên đầu và suy nghĩ. Bài ca trên đây đã được nhạc sĩ Kim Long phổ nhạc, rất được lưu truyền trong người Công Giáo Việt Nam ở trong nước cũng như hải ngoại. Cũng nhớ lại rất nhiều kỷ niệm khi chúng tôi, những chiến hữu quốc gia vướng trong vòng lao lý của chế độ CS, trong trại tù Nam Hà (1976-1988), tỉnh Hà Nam Ninh, trại Hà Tây v.v… chúng tôi đã hát bài này trong các giờ nguyện kinh của anh em Công Giáo chung với nhau, bài hát mang tinh thần hòa giải và yêu thương. Nelson Mandela, Cựu Tổng Thống của Nam Phi đã nói một câu để đời: “Khi tôi bước chân ra khỏi nhà tù mà vẫn còn oán hận những kẻ đã giam giữ tôi thì lúc đó tôi vẫn chưa ra khỏi nhà tù.” Thâm thúy thay câu nói của một người đã từng ở 37 năm trong nhà tù của người Anh tại Nam Phi dưới chế độ phân biệt chủng tộc!
Tự trong thâm tâm, chúng ta cho rằng phải có niềm tin để tin vào tiền đồ của đất nước, bởi vì nếu thế nước ở vào vận cùng thì theo Dịch lý “cùng tắc biến, biến tắc thông, thông tắc cửu”, và phải có niềm hãnh diện vì “ai làm cho người hòa thuận sẽ được gọi là con Thiên Chúa”. Nguyễn Đức Cung
Phildelphia, PA ngày 24-12-2018
Phildelphia, PA ngày 24-12-2018
Thứ Tư, 26 tháng 12, 2018
HANG ĐÁ NĂM NAY !
Thứ Năm, 18 tháng 1, 2018
NHỮNG CÂU THÀNH NGỮ THÔNG DỤNG
CÁC CÂU THÀNH NGỮ VÀ TỤC NGỮ THÔNG DỤNG
– Kỳ 1 ( trích Ephata 779)
1. Ông chẳng bà chuộc:
Sự
tích xưa, có người đánh rơi viên ngọc, vợ chồng Chẫu Chàng bắt được. Người ấy
xin chuộc lại. Vợ đồng ý “chuộc thì chuộc”, chồng thì dứt khoát “chẳng chuộc”.
Sự bất hòa của vợ chồng Chẫu Chàng, do nhân dân tưởng tưởng ra, đã tạo nên
thành ngữ này để diễn đạt ý không thống nhất, không ăn khớp giữa người này với
người khác. Nhiều thành ngữ như “Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”, “Ông nói gà
bà nói vịt” cũng diễn đạt ý này.
2. Quan xa nha gần:
Quan
thì xa, bản nha thì gần. Nha là phòng giấy của các quan. Nha môn là cửa quan.
Nha lại là những người làm việc ở phòng giấy các quan. Ngày trước, khi người
dân có việc kêu kiện, bọn nha lại thường làm khó dễ để vòi tiền. Vì vậy mới có
câu thành ngữ này.
3. Ra môn ra khoai:
Thành
ngữ này có nghĩa là rành mạch, rõ ràng. Sở dĩ có thành ngữ này là vì cây khoai
môn và cây khoai sọ rất dễ bị nhầm lẫn. Khoai môn là khoai có thân và lá dùng
làm thức ăn cho lợn, củ ăn bị ngứa lưỡi, thân hình rất giống khoai sọ. Thành
ngữ này thường bị nói lầm “ra ngô ra khoai”. Cây ngô và cây khoai không thể lầm
được.
4. Rách như tổ đỉa:
Có người tưởng tổ đỉa là tổ con đỉa. Cũng chưa ai biết
con đỉa có tổ hay không. Tổ đỉa ở thành ngữ này là cây tổ đỉa thường mọc ở ven
bờ ao. Cây tổ đỉa có lá như lá cây đinh lăng, trông lởm chởm và rách như xé ra
từng mảnh nhỏ. Vì vậy, ai mặc rách rưới quá, người ta thường nói “rách như tổ
đỉa.”
5. Rối như bòng bong:
Nếu
quan sát một người ngồi vót nan để đan rổ rá, ta thấy những xơ tre nứa mỏng
cuộn xoắn vào nhau thành một mớ, khó gỡ ra được. Đó là mớ bong bong. Thành ngữ
ta còn có câu: rối như tơ vò, rối như canh hẹ, rối như gà mắc tóc, rối tinh rối
mù. Thành ngữ “rối như bong bong” dùng để chỉ tâm trạng hoặc sự việc khó gỡ ra
được vì không tìm thấy đầu mối.
6.
Sáng tai họ, điếc tai cày:
Ý nói lười biếng, không chăm chỉ làm việc. Khi cày ruộng, người đi cày
hô “họ” thì trâu đứng lại ngay, vì nó được nghỉ. Nếu hô “vắt” thì phải kéo cày.
Nguyễn Khuyến, trong bài “Anh giả điếc” có câu:
Trong thiên hạ có anh giả điếc
Khéo ngơ ngơ, ngác ngác, ngỡ là ngây
Chẳng ai ngờ: sáng tai họ điếc tai cày
Lối điếc ấy sau này em muốn học.
Khéo ngơ ngơ, ngác ngác, ngỡ là ngây
Chẳng ai ngờ: sáng tai họ điếc tai cày
Lối điếc ấy sau này em muốn học.
7.
Sẩy đàn tai nghé:
Thành ngữ này dùng để chỉ sự chia lìa, tan nát của một
gia đình hoặc một tập thể nào đó khi mất người đứng đầu.Thành ngữ này bắt nguồn
từ đời sống của bầy trâu rừng. Bầy trâu bao giờ cũng có những con trâu đực đầu
đàn để chống chọi với thú dữ, bảo vệ cả đàn (thường có trâu cái và bầy nghé
con). Nếu mất trâu đầu đàn thì cả đàn sẽ tan tác vì bị thú dữ ăn thịt dần. Sẩy
là từ cổ, có nghĩa là mất, chết. Tục ngữ có câu: “Sẩy cha còn chú, sẩy mẹ bú
dì”.
8.
Sơn cùng thủy tận:
Đây
là thành ngữ gốc Hán (cùng là cuối, tận là hết), nơi cuối dãy núi, hết nguồn
nước, dùng để chỉ những nơi hẻo lánh, hoang vu. Một thành ngữ khác thâm sơn
cùng cốc cũng để diễn đạt ý này. (Thâm sơn là núi sâu, cùng cốc là cuối hang
núi).
9.
Sơn hào hải vị:
Sơn
hào là món ăn quý lấy từ động vật rừng như bàn chân gấu, lộc nhung. Hải vị là
món ăn quý lấy từ biển như bào ngư, hải sâm… Thành ngữ này dùng để chỉ các món
ăn sang trọng. Câu này gần nghĩa với câu “Cao lương mĩ vị” (cao là thịt béo,
lương là gạo trắng, mĩ vị là ngon miệng).
10.
Sư tử Hà Đông – Giấm chua lửa nồng:
Các
thành ngữ này đều dùng để chỉ những
người phụ nữ hay ghen. Hà Đông là một địa danh Trung Quốc, tục truyền có nhiều
sư tử và sư tử cái thường bắt nạt sư tử đực. Ông Trần Quý Thường, bạn thân của
Tô Đông Pha, có bà vợ hay ghen. Tô Đông Pha liền làm bài thơ đùa bạn, trong đó
có câu:
Hốt kiến Hà Đông sư tử hống
Trụ trượng lạc phủ tâm mang nhiên.
(Chợt nghe tiếng sư tử Hà Đông rống lên.
Đang chống gậy lòng hoảng hốt đánh rơi cả gậy).
Trụ trượng lạc phủ tâm mang nhiên.
(Chợt nghe tiếng sư tử Hà Đông rống lên.
Đang chống gậy lòng hoảng hốt đánh rơi cả gậy).
Vua nước Kim rất yêu hai cung nữ. Trước khi mất, vua dặn
phải chôn theo hai cung nữ đó. Hoàng hậu rất ghen, nên trước khi chôn hai cung
nữ, đã đổ giấm vào quan tài để xác và xương mau tan, không thể hầu hạ đức vua
được. Lửa nồng dịch từ Hỏa cang (nóng như hang đốt lửa) cũng để chỉ tính ghen.
Từ điển Truyện Kiều của Đào Duy Anh giải thích lửa nồng là chốn lầu xanh (sống
ở nơi ngột ngạt). Truyện Kiều có câu: Giấm
chua lại tội bằng ba lửa nồng.
11.
Sửa mũ vườn đào, sửa dép vườn dưa:
Khi
đi qua vườn đào, dù mũ đội đầu có bị lệch cũng không nên giơ tay lên sửa mũ, sẽ
bị ghi là hái chộm đào. Khi đi qua ruộng dưa, dù dép có bị đứt quai cũng đừng
cúi xuống sửa, sẽ bị ghi là hái trộm dưa. Câu này ý nói tình ngay lý gian,
khuyên ta nên đề phòng để tránh bị ngờ oan: Qua: Dưa, trái dưa, như dưa hấu,
dưa leo. Điền: ruộng. Lý: cây lý, cây mận. Hạ: dưới. Qua điền: ruộng dưa. Lý
hạ: dưới cây lý. Thành ngữ trên nói đầy đủ là: Qua điền bất nạp lý, lý hạ bất
chỉnh quan. Nghĩa là: Nơi ruộng dưa thì không nên xỏ giày, dưới cây lý thì
không nên sửa nón.
12.
Nằm gai nếm mật:
Câu
này nói lên sự chịu đựng vất vả gian khổ để mưu việc lớn. Thời Xuân Thu ở Trung
Quốc, Câu Tiễn là vua nước Việt bị Phù Sai là vua nước Ngô bắt làm tù binh,
phải chịu mọi điều khổ nhục. Khi được thả về, Câu Tiễn thường nằm trên đệm gai,
không ăn cao lương mỹ vị mà thường lấy tăm nhúng vào mật đắng để luôn nhắc nhở
mình không quên mối thù xưa. Sau hai mươi năm chuẩn bị lực lượng, Câu Tiễn đã
phục thù, đánh bại được Ngô Phù Sai.
13.
Năm thì mười họa:
Trong
tiếng Việt, thì còn đọc là thời (có nghĩa là lúc, thủa). Ví dụ: thời son trẻ,
đương thì con gái, tứ thời, thời gian, thời tiết. Còn họa là từ thuần Việt có
nghĩa là ít có, có chăng. Ví dụ:
Sắc đành đòi một, tài đành
họa hai
(Truyện Kiều)
Vào sinh ra tử
họa là thấy nhau (Truyện Kiều).
Đừng
lầm với họa từ Hán. Họa là vẽ (họa sĩ), họa là đáp lại (họa vần thơ), họa là
tai vạ rủi ro (họa vô đơn chí). Thành ngữ năm thì mười họa có nghĩa là thỉnh
thoảng, họa hoằn mới có:
Năm thì mười họa hay chăng chớ
Một tháng đôi lần có cũng không (Hồ Xuân Hương).
Một tháng đôi lần có cũng không (Hồ Xuân Hương).
14.
Ngựa quen đường cũ:
Thành
ngữ này vốn gốc ở thành ngữ Hán “Lõa mã thức đồ”. Do đâu có thành ngữ này ?
Chuyện Xưa kể rằng: Tề Hoàn Công đi đánh nước Cô Trúc. Lúc cất quân đi là mùa
Xuân, lúc trở về đã là mùa đông, băng tuyết phủ đầy nên lạc đường. Quản trọng
bèn tâu: "Thưa bệ hạ, trí nhớ của ngựa già rất tốt. Xin để con ngựa già đi
trước dẫn đường." Quả nhiên, ngựa đã tìm được đường về. Trước kia, thành
ngữ này được hiểu theo nghĩa: người có kinh nghiệm thường rất thành thuộc sự
việc. Ngày nay, thành ngữ này mang nghĩa xấu dùng để chỉ những người không chịu
rời bỏ thói hư tật xấu.
15. Nguồn đục thì dòng không
trong, gốc cong thì cây không thẳng:
Câu này vừa mang nghĩa đen, vừa mang nghĩa bóng. Nghĩa
đen ai cũng hiểu: nguồn có trong thì dòng mới trong, gốc có thẳng thì cây mới
vươn thẳng lên được. Nhưng nghĩa bóng mới là nghĩa có tác dụng giáo dục mọi
người. Trong một gia đình, bố mẹ phải làm gương tốt cho con cái. Nếu bố mẹ làm
điều bậy (nguồn đục, gốc cong) thì con sẽ bị nhiễm thói xấu. Có một câu ca dao
đầy chất châm biếm:
Con ơi nghe lấy lời cha
Một đêm ăn trộm bằng ba năm làm.
Một đêm ăn trộm bằng ba năm làm.
Bố
xấu như vậy thì con cũng sẽ thành trộm cắp. Trong gia đình, bố mẹ cần sống tốt
để làm gương cho con cái.
16.
Nhất xương, nhì da, thứ ba dạc lò:
Đây
là thành ngữ chỉ nghề làm gốm sứ. Muốn có sản phẩm tốt phải chú ý ba yếu tố:
xương, da, dạc lò. Xương là chất đất để nặn ra sản phẩm, da là chất men dùng
tráng mặt ngoài của sản phẩm (có vài chục chất men để tạo màu sắc khác nhau),
dạc lò là độ nóng của lửa nung. Cũng có người giải thích dạc lò là hình dáng lò
nung. Lò nung phải xây đúng cách để khi nung, độ nóng tỏa đều khắp thì sản phẩm
mới đẹp.
17.
Nhũn như chi chi:
Thành
ngữ này thường được dùng để chỉ thái độ nhún nhường sợ sệt hoặc bị lép vế trước
kẻ khác. Chi chi là một loài cá nhỏ, thân rất mềm. Con chi chi bị vớt lên khỏi
mặt nước thì chỉ một giờ sau đã nhũn, thân bị bấy ra. Chi chi dùng làm mắm rất
tốt vì mau ngấu. Nhũn từ nghĩa đen (nát bấy ra) đã được dùng với nghĩa nhũn
nhặn để chỉ thái độ con người.
18.
Nổi cơn tam bành:
Nghĩa
của thành ngữ này là nổi giận lên mà làm điều ác:
Mụ nghe nàng mới hay tình
Bây giờ mới nổi tam bành mụ lên.
(Truyện Kiều)
Bây giờ mới nổi tam bành mụ lên.
(Truyện Kiều)
Theo thuyết của Đạo gia,
trong con người có ba vị ác thần là Bành Kiều, Bành Cứ, Bành Chất. Ba vị này
thường xui ta làm điều ác.
19.
Nghèo rớt mùng tơi:
Khi
ta nấu canh mùng tơi, trong lá mùng tơi có nhiều rớt (nhớt) nên khi múc canh
vào bát, môi canh bị trơn tuột, không dính tí gì. Nghèo rớt mùng tơi là nghèo
xơ nghèo xác không có chút của cải gì. Thành ngữ này cũng còn một cách giải
thích khác. Mùng tơi là phần trên của chiếc áo tơi (phần dày nhất và khâu kỹ
nhất). Áo tơi thường làm bằng lá cọ hoặc lá đót. Khi áo tơi rách thì mùng tơi vẫn
còn, dùng cho đến khi rớt (rơi) hết mùng tơi vẫn không có tiền mua áo khác,
chứng tỏ nghèo lắm.
20.
Nói nhăng nói cuội:
Nói
nhăng nói cuội là nói vu vơ, hão huyền cũng như thành ngữ nói hươu nói vượn.
Nhăng là từ cổ có nghĩa là băng nhăng qua quýt… Cuội là một nhân vật trong
truyện kể dân gian, nổi tiếng nói dối (nói dối như cuội). Cũng có người cho
rằng thành ngữ này là “nói giăng nói cuội” (Giăng là mặt trăng, chỉ ý xa vời,
không thực tế). Dù hiểu cách nào thì nghĩa cũng giống nhau.
21.
Nồi da nấu thịt:
Những
người đi săn thú muốn làm thịt ăn ngay ở giữa rừng nhưng không có nồi. Họ
thường lột da con thú căng ra làm nồi để nấu thịt con thú ấy. Câu này nói ý
cùng ruột rà máu mủ mà làm hại lẫn nhau, giống câu vỏ đậu nấu đậu.
22.
Nợ như Chúa Chổm:
Chúa
Chổm chính tên là Lê Ninh. Thời nhà Mạc cướp ngôi nhà Lê, là hoàng tử nhưng ông
rất khéo. Tuy vậy, các quán ăn ở kinh đô, nếu được ông mở hàng thì rất đắt
khách. Vì vậy, nhiều quán mời ông ăn chịu và ghi nợ. Khi được lên làm vua, (tức
vua Lê Trang Tông) các chủ quán đến đòi nợ. Vua ra lệnh mở kho để trả nợ nhưng
trả nhiều lần chưa hết vì có kẻ đòi nợ khống. (Theo truyền thuyết, khi vua đi
dạo, hễ đi vào phố Cấm Chỉ thì không ai được theo đòi nợ nữa) (phố Cấm Chỉ ở
đầu phố Hàng Bông, gần Cửa Nam ngày nay).
23.
Nuôi ong tay áo:
Trong
thực tế, không ai nuôi ong ở tay áo cả vì ong dễ đốt vào người. ong ở đấy
được dùng để chỉ kẻ xấu. Câu này mang ý nghĩa: nuôi dưỡng giúp đỡ kẻ xấu thì kẻ
xấu có khi lại phản bội lại mình, làm hại mình. Tuy vậy cũng không nên hiểu một
chiều. Thực tế, kẻ xấu cũng cần sự giúp đỡ, giáo dục để trở thành người tốt. Xã
hội ta đã cải tạo được nhiều người xấu trở thành người hữu ích. Câu này chỉ
dùng khi người nuôi dưỡng, giúp đỡ đã bị phản bội.
24.
Nước đục bụi trong:
Thành
ngữ này nói lên cảnh trái ngược, những việc làm bất đắc dĩ, trái với ý muốn:
nước trong ma lại đục, bụi đục mà lại trong. Ví dụ:
Lỡ làng nước đục bụi trong
Trăm năm để một tấm lòng từ đây.
(Truyện Kiều)
Trăm năm để một tấm lòng từ đây.
(Truyện Kiều)
Tục
ngữ ta có câu: “Chết trong còn hơn sống đục” để khuyên ta sống trong sạch, thà
chết còn hơn làm điều phi nghĩa, bất lương.
25. Lá lành đùm lá rách:
Câu
tục ngữ có hai vế đối lập lá lành, lá rách. Lá lành hàm chỉ người có đời sống
khá, sung túc. Lá rách hàm chỉ người nghèo khổ. Từ lá và đùm cũng gợi ý về vật
chất vì trong đời sống hàng ngày người ta đùm cơm, đùm bánh, đùm xôi thường
dùng lá. Từ đùm cũng gợi ý đùm bọc, che chở, giúp đỡ. Câu thành ngữ này khuyên
ta phải cưu mang, giúp đỡ lẫn nhau trong đời sống hàng ngày cũng như lúc hoạn
nạn. Câu này cũng nói lên đạo lý tốt đẹp của ông cha ta.
26.
Lật đật như sa vật ống vải:
Câu
này thường bị nói sai “lật đật như ma vật ông vải”. Nghĩa câu này hàm ý chê
trách việc vội vàng, hấp tấp. Khi kéo sợi vải, ta dùng cái sa để quay, con cúi
sa bằng bông sẽ dùng mũi quay để kéo thành sợi. Ở mũi quay có ống vải để cuốn
sợi. Mũi quay thường làm cho ống vải rung lật đật.
27.
Lệnh ông không bằng cồng bà:
Lệnh
và cồng là hai dụng cụ bằng đồng dùng để báo hiệu. Có người nói câu này xuất
hiện từ thời Bà Triệu khởi nghĩa. Ông Triệu Quốc Đạt là anh nhưng không được
mọi người tin yêu bằng bà Triệu Thị Trinh. Mỗi khi nghe tiếng cồng của Bà Triệu
thì binh sĩ ở mọi nơi đều tập hợp ở dưới cờ. Ngày nay, câu này được dùng với ý:
vợ có quyền to hơn chồng trong một gia đình nào đó.
28. May xống phải phòng khi
cả dạ:
Câu
này khuyên ta phải nhìn xa trông rộng, tính trước mọi việc. Xống là váy. Người
phụ nữ khi may váy phải tính toán để khi có thai, bụng to (cả dạ) vẫn mặc được.
29.
Mỏng mày hay hạt:
Thành
ngữ này thường dùng để chỉ người phụ nữ có khuôn mặt nhẹ nhõm xinh xắn, dáng
người thon thả thắt đáy lưng ong. Mày và hạt xuất phát từ việc chọn giống của
nhà nông. Mày là cái vảy dính ở gốc hạt lúa, hạt ngô. Hễ mỏng mày là hạt chắc,
nếu dùng làm hạt giống rất tốt. Từ đó người phụ nữ mỏng mày hay hạt cũng hứa
hẹn tương lai sẽ phát triển nòi giống tốt, ngoài các đức tính khác như đảm
đang, tháo vát. Tục ngữ còn có câu:
Khô chân gân mặt đắt mấy
cũng mua
Phành phạch quạt mo cho không ai lấy,
Phành phạch quạt mo cho không ai lấy,
hoặc
câu: Mặt nạc, đóm dày, mo nang trôi sấp chó cụt đuôi. (Mặt nạc là mặt lắm thịt,
chứng tỏ người không khôn ngoan), và câu lục bát này:
Những
người béo trục béo tròn,
Ăn vụng như chớp, đánh con cả ngày.
(Béo trục béo tròn đối lập với thắt đáy lưng ong).
Ăn vụng như chớp, đánh con cả ngày.
(Béo trục béo tròn đối lập với thắt đáy lưng ong).
30.
Một đồng một cốt:
Để hành nghề mê tín dị đoan, các ông đồng bà cốt thường
gọi hồn, bắt ma, làm lễ giải hạn để kiếm tiền thiên hạ. Họ dùng nhiều mưu mẹo
để lừa dối. Thành ngữ này để chỉ bọn người chuyên dối trá lừa đảo:
Đà đao lặp sẵn chước dùng
Lạ gì một cốt một đồng xưa nay.
(Truyện Kiều).
Lạ gì một cốt một đồng xưa nay.
(Truyện Kiều).
31.
Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ:
Câu
này nói lên mối tương quan giữa cá
thể và cộng đồng. Để khuyên bảo về đạo lí, ông cha ta thường mượn vật để nói
người như: “Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau”. “Một con ngựa đau” nói lên một cá
thể bị hoạn nạn. Cả tàu bỏ cỏ nói lên sự thông cảm chia sẻ của đồng loại, tât
cả các con ngựa trong chuồng đều không ăn cỏ vì thương cảm. Ở đây không nói lên
sự giúp đỡ mà nói về tình cảm. Hiểu rộng ra, cả tàu còn nói cả làng, cả nước phải
thương yêu đùm bọc lấy nhau; cùng đồng cam cộng khổ, chia ngọt xẻ bùi.
CÁC CÂU THÀNH NGỮ VÀ TỤC NGỮ THÔNG DỤNG
– Kỳ 2 ( Trích Ephata 780)
31. Muôn chung nghìn tứ:
Chung là cái hộc, đơn vị dùng để đong thóc ngày xưa. Tứ là cỗ xe
có bốn ngựa kéo. Câu này chỉ bậc vương hầu khanh tướng, ăn lộc đến nghìn chung
thóc, trong nhà có hàng nghìn cỗ xe ngựa.
Một lời đã biết đến ta
Muôn chung nghìn tứ cũng là có nhau (Truyện Kiều)
Muôn chung nghìn tứ cũng là có nhau (Truyện Kiều)
32. Học ăn, học nói, học gói, học mở:
Đây là câu thành ngữ khuyên mọi người phải học cách đối xử ở đời
để trở nên người có văn hóa.
Ăn cũng phải học ăn như “Ăn trông nồi ngồi trông hướng”. Đối với trẻ, khi ăn không nên khua bát khua đũa. Nhiều trẻ khi nhai cứ nhồm nhoàm hoặc tạo ra tiếng chồm chộp vì nhai hai hàm một lúc, hàm trên bập xuống hàm dưới tạo thành tiếng kêu. Cần tập cho trẻ chỉ dùng một hàm khi nhai.
Ăn cũng phải học ăn như “Ăn trông nồi ngồi trông hướng”. Đối với trẻ, khi ăn không nên khua bát khua đũa. Nhiều trẻ khi nhai cứ nhồm nhoàm hoặc tạo ra tiếng chồm chộp vì nhai hai hàm một lúc, hàm trên bập xuống hàm dưới tạo thành tiếng kêu. Cần tập cho trẻ chỉ dùng một hàm khi nhai.
Nói cũng phải học để biết cách xưng hô nói năng lễ phép, lịch sự.
“Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Ngày nay, ta
thường gặp nhiều cô cậu ăn mặc diện nhưng nói rất tục. Chỉ nghe qua lời nói ta
đã biết là loại vô văn hóa. Học gói học mở theo phép lịch sự ở đất kinh kỳ cũng
rất khó. Ở đất Hà Nội xưa, một số gia đình giàu sang thường gói nước chấm vào
lá chuối xanh đặt vào cái chén xinh bày lên mâm cỗ. Người gói phải khéo tay mới
gói được và người ngồi, ăn cũng phải biết cách mở để khỏi bật tung nước chấm ra
mâm…
Ngày nay, gói bánh chưng đã mấy người biết gói cho đẹp để bánh cao
thành sắc cạnh và mở bánh (bóc bánh) chưng cũng phải học mới khéo được.
Có người còn hiểu rộng câu trên, cho rằng mở và gói khó nhất là
khi làm văn:
Văn hay chẳng lọ là dài
Mới đọc mở bài đã biết văn hay.
Mới đọc mở bài đã biết văn hay.
Còn gói bài văn (kêt luận) thế nào để người
đọc còn thấy dư âm và gây ấn tượng sâu không phải dễ.
33. Kẻ ăn rươi, người chịu bão:
Hằng năm, cứ khoảng thánh chin âm lịch, các ruộng nước chua mặn ở
miền biển có giống rươi nổi lên. Người ta hớt rươi về làm thức ăn (chả rươi,
mắm rươi). Nhưng mùa này cũng hay có bão làm thiệt hại, (cũng có người giải
thích, mùa này trở trời nên dễ đau lưng đau bão). Câu này nói lên sự không công
bằng: kẻ được ăn, người chịu vạ lây.
34. Kẻ tám lạng, người nửa cân:
Cân và lạng ở đây là loại cân cũ của ta. Một cân có 16 lạng (tương
đương 605 gam) và một lạng bằng một phần mười sấu cân tương đương với 37,8 gam.
Vì vậy nếu cân bằng cân ta thì nửa cân là tám lạng, tám lạng là nửa cân.
Thành ngữ này trong tiếng Việt thường chỉ sự so sánh tương đương
lực lượng giữa hai phe, hai đấu thủ trong cuộc đọ sức thì bằng nhau, không ai
kém ai.
35. Kết cỏ ngậm vành:
Thành ngữ này chỉ sự báo đền công ơn:
Dám nhờ cốt nhục tử sinh
Còn nhiều kết cỏ ngậm vành về sau (Truyện Kiều)
Còn nhiều kết cỏ ngậm vành về sau (Truyện Kiều)
Sau đây là hai điển tích xưa của Trung Quốc:
Ông Ngụy thù đời Tần có nhiều vợ lẽ đẹp. Theo phong tục nước Tần,
hễ chồng chết thì vợ lẽ phải chôn theo chồng. Nhưng Ngụy Khảo, con trai của
Ngụy Thù có lòng nhân đạo nên không theo tục lệ đó. Sau Ngụy Khảo nên làm tướng
nước Tần, đánh nhau với nước Tấn. Bên Tấn có tướng Đỗ Hồi rất giỏi. Hôm đó,
đang đánh nhau thì ngựa của Đỗ Hồi bị vướng cỏ, Đõ Hồi ngã ngựa và bị Ngụy Khảo
giết. Đêm hôm ấy, Ngụy Khảo nằm mơ thấy bố người vợ lẽ đến tạ ơn và nói: “Tôi
cám ơn ông không chôn sống con tôi, nên tôi đã kết cỏ làm cho Đỗ Hồi ngã ngựa”.
Dương Bá đời Hán, lúc 9 tuổi bắt được con chim sẻ bị thương. Bá
chăm sóc chim cho khỏe rồi thả ra. Sau chim đó ngậm bốn vành ngọc trắng đem đến
tạ ơn.
36. Gái thương chồng đương đông buổi chợ – Trai thương vợ nắng
quái chiều hôm:
Câu tục ngữ này có rất nhiều cách giải thích.
Sở dĩ có nhiều cách hiểu vì cụm từ “đương đông buổi chợ” và “nắng quái chiều
hôm” được hiểu với nghĩa khác nhau. Dưới đây xin nêu một vài cách hiểu đó:
1. Hiểu đây là lời khuyên,
không phê phán ai cả “Đương đông buổi chợ” được hiểu là thời son trẻ duyên dáng
của người phụ nữ, có nhiều chàng trai để ý đến. Tình thương chồng được thể hiện
rõ khi cô ta còn nhan sắc, nhiều người để ý nhưng vẫn một mực chung thủy với
chồng. “Nắng quái chiều hôm” được hiểu là thời người con gái đã xế chiều, nhan
sắc tàn phai và khuyên chồng nên chung thủy cả khi vợ đã luống tuổi.
2. Hiểu câu này chỉ mức độ tình yêu giữa nam và nữ một cách khách
quan, không phê phán ai cả. Hiểu tình yêu của người phụ nữ đầy đặn, mặn mà như
buổi chợ đương đông còn tình yêu của nam giới thì bồng bột, rực rỡ nhưng mau
tàn như nắng quái chiều hôm.
3. Hiểu câu này theo cách phê phán. Tình yêu của người phụ nữ đậm
đà bền chặt như buổi sáng lúc đương đông buổi chợ. Tình yêu của nam giới chỉ
thoáng qua, mau tắt ngấm như buổi chiều, lúc nắng quái chiều hôm.
Cho đến nay nhứng cách hiểu khác nhau vẫn tồn tại và chắc còn
nhiều cách hiểu khác. Chúng ta chưa có cơ sở để lựa chọn và khẳng định.
37. Gần nhà giàu đau răng ăn cốm – Gần kẻ trộm ốm lưng chịu đòn:
Nhân dân ta rất coi trọng láng giếng: “Bán
anh em xa mua láng giềng gần”. Nhưng hai loại láng giềng “nhà giàu” và “kẻ
trộm” thì lại khổ cho láng giềng. Câu này được hiểu là “Gần nhà giàu khổ như
đau răng lại nhai cốm, gần kẻ trộm khổ như đang ốm lại phải đánh đòn”. Vì sao
vậy ? Láng giềng giàu thường ít thích giao tiếp với hàng xóm nghèo nên khi tối
lửa tắt đèn ít nhờ vả được nhau. Gần kẻ trộm thì dễ mất trộm hoặc có khi bị đòn
oan. Câu này khuyên ta nên chọn láng giềng mà ở. (Cũng có người giải thích là
gần nhà giàu thì được ăn nhiều đến mức đau cả răng. Giải thích cách này không
hợp lô gích).
38. Già kén kẹn hom:
Trong các sách thành ngữ đều giải thích: Tình duyên lỡ làng vì quá
kén chọn. Trong cuốn tục ngữ lược giải của Lê Văn Hòe giải thích như sau:
Già kén là kén kỹ quá, kén nhiều quá. Kẹn hom là giơ xương ra, ý
nói già yếu gầy guộc, giơ xương. Câu này ý nói: kén chọn kỹ quá thì người già
mất.
Giải nghĩa như trên không có gì sai. Nhưng
câu này gốc là “Già kén kẹn hom” và chỉ thấy trong từ điển của Gensibrel (1893)
ghi là chẹn và dịch tiếng Pháp là serrer (tức xương hom bị chẹn lại). Câu này
có nghĩa là già kén (kén chồng) thì lấy chồng muộn (vãn hôn) và dễ mắc bệnh
chẹn hom. Một số thầy thuốc có nói bệnh chẹn hom là bệnh khi sinh nở lần đầu,
xương hom – không giãn nở to, khó sinh và dễ chết cả mẹ lẫn con. Vì vậy, ngày
trước có bài thuốc chữa bệnh chẹn hom để làm cho dây chằng dễ giãn khi đẻ. Nếu
hiểu như vậy thì câu thành ngữ này khuyên phụ nữ đừng kén chọn quá dễ nguy hiểm
đến tính mệnh.
Câu thành ngữ này cũng còn có cách giải thích khách như: Kén là
kén tằm (danh từ) nếu để kén đã bị bướm cắn thủng (già kén) thì khó kéo tơ.
Cách giải thích này rất xa với nghĩa ta thường hiểu.
39. Giấy rách phải giữ lấy lề:
Sách chữ Nho ngày trước thường phải đóng lề ở gáy để kết chặt các
tờ thành quyển. Khi viết, ở phần lề được để trắng, rông độ 3cm theo chiều dọc.
Trong quyển sách, lề là phần gốc, nếu lề bị hỏng thì toàn quyển sách sẽ bung ra
hết. Dù giấy có rách, phần gốc vẫn cần bảo tồn. Câu thành ngữ này khuyên ta nên
giữ vững truyền thống, nề nếp của gia đình. Lề từ nghĩa đen đã được mở rộng để
chỉ những phong tục tốt đẹp trong câu “Đất có lề, quê có thói”.
40. Gió táp mưa sa:
Thành ngữ này có 2 nghĩa: nghĩa hẹp chỉ sự vất vả ở đời. Nhưng
trong văn học, gió táp mưa sa lại dùng để chỉ người có tài làm câu thơ, tứ thơ
đều nhanh như gió mưa do câu Phong vũ thôi thi tứ (tứ thơ đẩy đến ào ạt như gió
mưa).
Tay tiên gió táp mưa sa
Khoảng trên dừng bút thảo và bốn câu. (Truyện Kiều)
Khoảng trên dừng bút thảo và bốn câu. (Truyện Kiều)
41. Gương vỡ lại lành:
Thành ngữ này nói ý hàn gắn, đoàn tụ, sự thay
đổi từ xấu thành tốt trong đời sống. Điển tích xưa chép câu chuyện như sau: Từ
Đức Ngôn yêu công chúa Nhạc Xương nhưng vì loạn lạc, hai người phải xa nhau. Họ
bẻ đôi chiếc gương, mỗi người giữ một nửa. Về sau, Đức Ngôn lên kinh đô, thấy
có người bán mảnh gương vỡ. Nhờ manh mối đó, Đức ngôn đã tìm được người yêu,
hai mảnh chắp lại thành gương cũ.
Bây giờ gương vỡ lại lành
Khôn thiêng lừa lọc đã đành có nơi. (Truyện Kiều)
Khôn thiêng lừa lọc đã đành có nơi. (Truyện Kiều)
42. Da mồi tóc bạc:
Thành ngữ này dùng để miêu tả những người cao tuổi. tóc bạc là tóc
trăng như bạc. Da mồi là da bị vết lốm đốm, thường có màu nâu như mai con đồi
mồi. Đồi mồi thuộc họ rùa sống ở ven biển, mai có hoa rất đẹp, dùng làm lược
hoặc kẹp tóc.
Tóc quăn chải lược đồi mồi
Chải đứng chải ngồi quăn vẫn hoàn quăn. (Ca dao)
Chải đứng chải ngồi quăn vẫn hoàn quăn. (Ca dao)
43. Dốc bồ thương kẻ ăn đong:
Nông dân thường đựng thóc vào bồ. Dốc bồ là nhà hết thóc. Khi đó
mới thương những người đi đong gạo ăn hằng ngày. Câu này ý nói có cùng cảnh ngộ
thì mới thương nhau, dễ thông cảm với nhau.
44. Dốt đặc cán mai – Dốt có chuôi:
Mai là dụng cụ dùng để đào đất. Cán mai
thường làm bằng táu, một thứ gỗ rất cứng để khi bẩy đất không bị gãy cán. Dốt
đặc cán mai ý nói đầu óc bị đặc như cán mai, không có chỗ để nhét chữ vào được.
Dốt có chuôi (dốt co đuôi) là do điển tích xưa. Một thầy đồ được mời đến cúng
cho gia chủ tên là Tròn. Thầy không biết viết chữ Tròn nên khoanh một vòng. Có
kẻ tinh nghịch sổ thêm một nét thành cái gáo. Gáo dừa thường có chuôi (cán)
dùng để cầm. Khi cúng, thầy đọc tên là gáo làm cho gia chủ bực mình.
45. Đanh đá cá cày:
Câu thành ngữ này có nghĩa là ương ngạnh, cứng cỏi, không chịu
thua kém ai. Cá cày là cái cá (làm bằng tre hoặc gỗ, to bằng cái cán dao, hình
như con cá) dùng để nâng bắp cày lên xuống khi muốn cày nông hoặc sâu. Cá cày
tuy nhỏ nhưng điều khiển được cả lưỡi cày.
46. Đánh giáp lá cà:
Câu này ai cũng hiểu là đánh nhau mặt đối mặt, hai bên giáp sát
vào nhau. Từ điển Việt Nam của hội Khai Trí Tiến Đức giải nghĩa giáp lá cà:
“Nơi quân hai bên xông vào đâm chém nhau”. Từ giáp này hiện nay vẫn dùng: Hai
nhà ở giáp nhau. Hai người giáp mặt nhau.
Nhưng
lá cà là gì? Có người giải thích: Ngày xưa, trong chiếc áo của ta có dùng nhiều
từ lá. Lá sen là bộ phận đệm phía trong vai áo để mặc được bền. Miếng vải này
hình giống lá sen. Lá xoài là một miếng vải đệm bông, lòng vào cổ và tỏa ra hai
vai. Phu khiêng kiệu, khiêng cáng thường phải có lá xoài để đỡ đau vai và đỡ
rách áo. Lá cà là một bộ phận trong áo võ quan. Loại này có hồng tâm bằng đồng
để che ngực và một mảnh lá cà để che bụng và hạ bộ. Mảnh này giống hình chiếc
lá cà. Trong quần áo hát hội, các nghệ nhân gọi nó là lá cà. Đánh giáp lá cà là
mặt đối mặt, các lá cà của hai tướng sát vào nhau.
47. Đánh trống lảng:
Trong lễ tế thần, khi tiến rượu, các tế viên (ông mạnh, ông bồi)
phải đi khoan thai, từng bước một, theo điệu nhạc và nhịp trống từ ngoài sân
vào trong cung. Khi ở trong cung trở ra, các tế viên phải bước rất nhanh theo
nhịp trống dồn nhập gọi là trống lảng (tiếng giục để lảng ra cho nhanh). Sau
này, thành ngữ đánh trống lảng được dùng với nghĩa: một người nào đó đang nghe
chuyện này thì nói lảng ra chuyện khác, hoặc lảng ra chỗ khác để tránh điều bất
lợi cho mình.
48. Đánh trống lấp:
Trong lễ tế thần, khi đọc văn tế, vì kiêng tên húy của thần nên
người đọc văn chỉ đọc lẩm nhẩm trong miệng. Tuy vậy, vẫn sợ người ngoài biết
tên húy nên khi đọc đến tên và chức tước của thần, người đánh trống còn điểm
mấy tiếng trống để làm lấp tiếng người đọc. Đánh trống lúc đó gọi là trống lấp.
Ngày nay, thành ngữ này thường dùng để chỉ việc kể lể lôi thôi nhằm lấp liếm
câu chuyện chính hoặc che đậy lỗi lầm của mình.
49. Đánh trống qua cửa nhà sấm:
Đây là một thành ngữ bắt nguồn từ điển tích Trung Quốc với nghĩa
là: người kém tài chớ qua cửa người giỏi, gần giống thành ngữ “Đừng thi bơi với
giải’ (giải là một loài bò sát lớn thường sống ở đầm nước, bơi rất nhanh). Theo
điển tích xưa, Ngô Phù Sai đóng đô ở Cô Tô, xây thành có đặt tên cửa là Xà môn
(cửa Rắn) để trấn áp nước Việt. Người Việt làm cửa Lôi môn (cửa Sấm) để chống
lại. Hễ đánh trống lớn ở cửa Lôi môn thì cửa Xà môn lập tức mở ra để dò xem
động tĩnh.
50. Đèo heo hút gió:
Thành ngữ này dùng để chỉ nơi hoang vắng (đi
vào nơi đèo heo hút gió). Sinh thời, nhà văn Nguyễn Công Hoan đã giải thích cho
tôi như sau: Chính là “đèo Neo hút gió” bị nói chệch đi. Ngày trước, đường quốc
lộ đi từ Thăng Long lên ải Nam quan phải đi qua đèo Neo (một cái đèo ở gần thị
xã Bắc Giang bây giờ). Tiễn những người đi sứ sang Trung Quốc, bạn bè dù thân
thiết cũng chỉ đi tiễn đến đèo Neo, đặt rượu tiễn hành rồi quay về. Người đi sứ
phải đi vào đoạn đường rừng hoang vắng để lên cửa ải.
Cũng nhân từ đèo Neo (một danh từ riêng) nhà văn Nguyễn Công Hoan
còn nói: Lưu Đồn trong bài ca dao: “Ba năm trấn thủ Lưu Đồn” cũng là một danh
từ riêng. Thời Trịnh – Nguyễn phân tranh, chúa Trịnh cho đóng một đồn binh lớn
ở phía bắc sông Gianh để canh phòng. Lưu Đồn là một địa danh nay thuộc tỉnh
Quảng Bình.
51. Đi một ngày đàng, học một sàng khôn:
Câu tục ngữ này khuyên ta nên tìm học trong thực tế cuộc sống. Lời
khuyên này rất quý và sâu sắc. Ngày là nói về thời gian, đàng (đường) là nói về
không gian. Ngày đàng kết hợp tạo nên một nghĩa bao quát là đi vào cuộc sống để
học hỏi những tri thức của cuộc sống để nâng cao, mở rộng tầm nhìn, tầm hiểu
biết của bản thân mình. Tại sao lại nói một sàng khôn, mà không nói một thúng
khôn, một bị khôn? Nếu suy nghĩ đơn giản thì sàng vần với đàng. Nhưng phải hiểu
sàng là gì? Sàng là một dụng cụ đan bằng tre, hình tròn như cái mâm, nông và
thưa. Ở nông thôn, nhà nào cũng có sàng để khi xay thóc xong, dùng sàng để làm
sạch trấu và cám, chỉ giữ lại gạo. Vì vậy, đi trong cuộc sống, không phải thấy
điều gì cũng học vì có điều hay điều dở. Chúng ta phải sàng lọc, chỉ học điều
hay, điều khôn mà thôi.
52. Đổi thay nhạn yến:
Thành ngữ này để chỉ thời gian một năm. Về mùa đông, chim nhạn
(tức hồng nhạn) thường di cư về phía Nam để tránh rét (hồng nhạn còn gọi là
chim sếu). Về mùa xuân, chim yến (én) bay về. Thành ngữ này giống thành ngữ
đông qua xuân tới. "Đổi thay nhạn yến đã hòng đầy niên." (Truyện
Kiều).
53. Đồng không mông quạnh:
Thành ngữ này được dùng để chỉ một nơi trống trải, vắng lặng gây
cho ta cảm giác cô đơn (không là trống trải, quạnh là vắng vẻ). Trong thành ngữ
trên, đồng là danh từ (cánh đồng) thì mông cũng là danh từ mới đối xứng theo
cách kết cấu phổ biến của thành ngữ. Tiếng Việt cổ, mông là một bãi trống. (ở
vùng nghệ tĩnh còn giữ từ này trong phương ngữ).
54. Đố ai gánh đá vá trời, đan gàu tát biển, ghẹo người cung
trăng:
Câu này có 3 thành ngữ: gánh
đá vá trời, đan gàu tát biển, ghẹo người cung trăng. 3 thành ngữ này đều nói
những điều không thể làm được. Không ai gánh đá vá trời được như nhân vật Nữ Oa
trong thần thoại Trung Quốc. (Thuở sơ khai), bầu trời còn thủng lỗ chỗ, bà Nữ
Oa đã luyện đá ngũ sắc vá lại bầu trời. (Trích theo sách của Hoài Nam Tử).
Nhiều như nước biển mà dùng gàu để tát thì tát sao cạn. Người cung Trăng chỉ
Hằng Nga thì sao mà ghẹo được. Các thành ngữ này khuyên ta đừng có làm điều
viển vông, không tưởng. Muốn thành công ở đời cần có óc thực tế.
55. Đơn thương độc mã:
Thương là ngọn giáo, mã là ngựa. Thành ngữ này nghĩa gốc là một
giáo một ngựa dùng để chỉ sự đơn độc, lẻ loi trong khi chiến đấu với khó khăn
nguy hiểm, không có sự hỗ trợ của người khác.
56. Đơm đó ngọn tre:
Đó là đồ dùng đánh cá hình thon dài, miệng có hom, cá chui vào
nhưng không chui ra được. Đơm đó phải đơm chỗ có nước chảy. Đơm đó ở ngọn tre
thì làm gì có cá. Câu này chế giễu người nào mong đợi những điều viển vông.
57. Đứng mũi chịu sào:
Khi con thuyền vượt qua ghềnh thác, người đứng ở mũi thuyền, cầm
sào chèo chống có vai trò quan trọng và phải chịu gian khổ nguy hiểm. Từ nghĩa
này, thành ngữ đứng mũi chịu sào chỉ công việc quan trọng, gánh vác nhiệm vụ
nặng nề, đương đầu với gian khổ vì lợi ích chung. Ca dao có câu:
Đôi ta lên thác xuống ghềnh
Em ra đứng mũi cho anh chịu sào.
Em ra đứng mũi cho anh chịu sào.
Phải hiểu là vợ và chồng cùng đứng mũi chịu sào, cùng chung gian
khổ, cùng đồng tâm hiệp lực để vượt khó khăn, không nên hiểu là chồng trút khó
khăn cho vợ.
58. Đường vòng hay tối, nói dối hay cùng:
Đi đường vòng thì xa có khi trời tối mà chưa đến nơi. Nói dối
thường gặp chỗ cùng, bế tắc không dối ai được nữa. Câu này khuyên ta nên đi
đường thẳng, không đi ngang về tắt ý khuyên làm những việc quang minh và nói
lời ngay thật.
59. Cạn tàu ráo máng:
Máng là dụng cụ đựng thức ăn cho lợn và gia súc (máng phải kín
xung quanh để đổ thức ăn loãng không chảy ra ngoài). Tàu cũng là dụng cụ dùng
đựng cỏ cho ngựa, voi (về sau tàu được mở rộng nghĩa, chỉ chuồng nhốt voi,
ngựa).
Thành ngữ này lúc đầu chỉ sự chăm sóc thiếu chu đáo đối với vật
nuôi vì tàu và máng không có thức ăn. Về sau, thành ngữ này chỉ sự đối sử tàn
nhẫn, thiếu tình nghĩa giữa người với người (ăn ở với nhau cạn tàu ráo máng).
60. Cầu toàn trách bị:
Thành ngữ này có nghĩa mong muốn được hoàn toàn, được đầy đủ,
không còn thiếu thứ gì. Điều mong muốn này rất khó đạt được trong thực tế. Vì
vậy, mọi người thường nói “đừng nên cầu toàn trách bị nữa”. Cầu: mong, muốn;
trách: đòi hỏi; toàn, bị: vẹn toàn, trọn vẹn (Ví dụ: Ông ấy làm việc gì cũng
cầu toàn trách bị).
Không rõ tác giả sưu tập
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)