#Stats1 ul{margin:0;border:0;padding:0;height:32px;background:url(//goo.gl/ZHG881) no-repeat 0 -34px} #Stats1 li{margin:10px 0;border:0;padding:0 0 0 40px;list-style-type:none} #totalComments{height:32px;background:url(//goo.gl/ZHG881) no-repeat} #totalCount{height:32px;background:url(//goo.gl/ZHG881) no-repeat 0 -68px}
Hiển thị các bài đăng có nhãn Cà phê Ca đoàn. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Cà phê Ca đoàn. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Sáu, 16 tháng 10, 2020

THÁNG CẦU HỒN THĂM NGƯỜI CÒN SỐNG

Trước Nhà Chờ PS, sau khi đọc kinh và hát trước Di Cốt Cố LM.NS.VINH HẠNH.












Để nhớ các Em và cám ơn tấm chân tình của các Em. ( Nov.2019) 
ht.

Thứ Hai, 18 tháng 11, 2019

CHIỀU THĂM VIẾNG


Linh Mục Nhạc Sỹ VINH HẠNH


Thứ Bảy, ngày 16 tháng 11 năm 2019
Tại khuôn viên và Nhà Chờ Phục Sinh nhà thờ Chí Hòa  :
Ca đoàn Chúa Ba Ngôi -Phú Nhuận.
Những hình ảnh Thăm Viếng 
Cố Linh Mục Nhạc Sỹ VINH HẠNH 
ht.















Thứ Tư, 10 tháng 4, 2019

NHỮNG CÂU TRẢ LỜI THỰC TIỄN VỀ BẢN QUYỀN ...



 ht. Xin giới thiệu với Quý Anh Chị yêu mến Thánh Ca một bài viết, mới được các chuyên gia của OCP dịch sang tiếng Việt . Vì blog không nhận PDF nên ht. buộc phải đăng dưới dạng Ảnh, Quý Anh Chị có thể đọc bản chính to và rõ hơn ở đường dẫn sau đây (có bản tiếng Anh nữa) :
https://ocpvn.org/nhung-cau-hoi-thuc-tien-ve-ban-quyen/





Thứ Hai, 27 tháng 10, 2014

CA ĐOÀN GRÊGORIÔ


Thánh Giáo Hòang, Tiến Sĩ h.th. GRÊGÔRIÔ CẢ
Chúng tôi được nhận Thánh GRÊGÔRIÔ CẢ làm tên Ca Đoàn (CĐ) mới được thành lập, đồng thời cũng là nhận ngài làm Bổn Mạng. Một cái Tên khá ấn tượng đối với dân ca đoàn!
Dưới sự chủ tọa, hướng dẫn và tham gia sinh họat của Cha Anrê Đỗ Xuân Quế, OP., Linh Mục Linh Hướng, cũng là Vị sáng Lập Ca đòan, chúng tôi đã có một buổi họp bầu Ban Điều Hành cho ca đòan.
Thành viên tham gia ngay từ buổi đầu tiên thành lập ca đòan là hơn 25 anh chị em ca viên từ các nơi tụ về.
Trong số này phải kể đến 9 anh chị em trong Dàn Nhạc (DN). Đây là một Dàn nhạc có nhiều bộ mặt rất quen thuộc đối với công chúng nhà Đạo, trên những bục bệ , gian thánh, sàn biểu diễn trong nhiều năm qua. 
Thành phần hát  4 bè chỉ khỏang 30, một con số khiêm tốn. Tôi hy vọng dần dà sẽ có thêm các anh chị em tài năng và nhiệt thành cộng tác với chúng tôi trong việc phụng thờ ca ngợi Chúa bằng lời ca tiếng hát.
Giới thiệu như vậy, xem ra ca đòan mới có tên Grêgôriô của chúng tôi không khác gì các ca đoàn khác. Có thể nói chúng tôi còn là một ca đoàn nhỏ bé, chắc chắn chưa ai biết tới vì mới được thành lập. Song, mới và nhỏ chỉ là hai yếu tố bình thường. Tôi trộm nghĩ, điều đáng vui mừng, đó là ngay từ buổi đầu anh chị em trong ca đoàn mới gặp nhau đã có chung lý tưởng, chung ý hướng. Đó là chúng tôi bảo nhau, hát ca đoàn để phụng ca Thiên Chúa, phục vụ giáo hội, thương mến nhau, không màng danh vọng, bon chen, nổi tiếng.
Có lẽ chúng tôi sẽ sinh họat Thánh Ca với những Ca Mục đơn sơ, đặc biệt là sẽ hát lại những bản Thánh Ca được các nhạc sĩ sáng tác từ năm 1975 trở về trước, hòai cổ như : Con tới nguồn vui của Thiên Chung, Ca Nhập lễ của Nguyễn Duy Vi, Dâng hồn xác của Hùng Lân, Lễ vật tòan thiêu của Gioan Minh, Tiến Dũng , Giêsu, Hương Thơm của Vinh Hạnh, Lời Mẹ nhắn nhủ của Huyền Linh , Dâng Mẹ của Hoài Đức, Ave Maria Khuyết danh.....những bài cộng đòan thích như Phó thác của Kiều Linh, Giờ đây phó thác của Minh Đạo, Tin Cậy Mến (choral)....và Hiệp Lễ tháng 11 là Tiếng nhạc oai hùng của Hải Linh... 
 Chỉ phụ trách hát một lễ trong tháng thôi, thì với tài hèn sức mọn, hy vọng Grêgorio chúng tôi có đủ thời giờ tập luyện đàng hòang. 
Xin mời đến tham dự Thánh Lễ  do Grêgôriô hát :
Nhà nguyện Mai Khôi, Tú Xương. 5 giờ rưỡi chiều CN. thứ 3 trong tháng.
CĐ.và DN. GRÊGORIÔ

Thứ Bảy, 25 tháng 10, 2014

CHUẨN BỊ MỘT BUỔI DIỄN NGUYỆN

Giờ tập hát
 Nhân các ca đòan đang rục rịch tập hát Diễn nguyện Giáng Sinh sắp tới, mình có xin Cha Linh Hướng Ca đòan mình hướng dẫn cho việc chuẩn bị một buổi biểu diễn Thánh Ca như thế nào . Sau đây là câu trả lời của ngài, rất vui được chia sẻ với các Bạn Ca Trưởng. Con xin cám ơn cha. 

Đây là những điều phải nghĩ tới và chuẩn bị trước khi tổ chức một buổi trình diễn thánh ca :
1. Xác định lý do chính đáng
2. Tìm một ngườii ăn nói giỏi trước công chúng mà bây giờ người ta gọi la MC
3. Tìm một người điều khiển hát vững nhịp
4. Soạn một ca mục có những bài hay được người ta ưa thích
5. Liệu cho nơi trình diễn có đủ ánh sáng và hệ thống âm thanh tốt
6. Chuẩn bị tập hát kỹ cho các ca viên
7. Diễn tập nháp trước khi trình diễn
8. Chuẩn bị tâm lý cho các ca viên bằng một bài nói về buổi diễn : động viên tinh thần, khuyến khích chịu khó
9. Ăn mặc trang nhã xứng hợp
10. Phân công rõ ràng các nhiệm vụ.

Riêng mình, mình muốn có thêm 1 mục nữa là : 
Chuẩn bị cho phần sọan và phát biểu  Lời Cám Ơn cuối chương trình nữa. 
Các Bạn Ca Trưởng có đồng ý không ?
ht.

Thứ Năm, 1 tháng 5, 2014

BÀI THÁNH CA PHỤNG VỤ

Ban Hợp Xướng PIO X
ht. Khi ngồi Cafe Ca Đòan, nhiều lần mình nghe các bạn đặt ra những câu hỏi như : Những yếu tố nào  phân biệt một bài hát Đạo với một bài hát đời ? Hoặc, làm thế nào để nhận ra một bài Thánh ca khác với một bản tình ca ?Hoặc, than ôi, sao nghe bài này giống nhạc đời vậy, đây là Thánh ca đó sao ?
Xin mời các bạn tham khảo bài viết sau đây để thấy rằng rất dễ dàng để nhận ra đâu là một bài hát được nhạc sĩ sáng tác để Ca Tụng Thiên Chúa và các bậc Thánh nhân Công Giáo mà chúng ta vẫn gọi là  THÁNH CA  PHỤNG VỤ đấy. 
Chân thành cám ơn Nhạc Sĩ Antôn TIẾN LINH đã dành nhiều thời gian quý báu để viết cho mảnh vườn nhỏ ht. tác phẩm nghiên cứu về Thánh Ca Phụng vụ đáng trân trọng này. Trong thời buổi dường như Thánh Ca đang bị lạm phát, đến nỗi người ta có thể nói đùa rằng ra đường gặp nhạc sĩ Công giáo, thiết nghĩ, bài viết mang tính chuẩn mực nghiêm chỉnh sau đây của Nhạc Sĩ Antôn Tiến Linh cần thiết lắm thay ! :
BÀI THÁNH CA PHỤNG VỤ

Antôn TIẾN LINH
1. Trước hết, ta phải hiểu rằng Thánh nhạc là thành phần của Phụng vụ và phải theo những quy luật của Phụng vụ. Giữa Thánh nhạc và Phụng vụ có sự liên kết mật thiết không thể tách rời. Có thể nói, Thánh nhạc là hiền thê của Phụng vụ. Quả vậy, ai trong chúng ta cũng đều nhận thấy việc đàn hát trong Phụng vụ Thánh lễ tại các nhà thờ luôn là việc quan trọng và cần thiết. Nói đến đây, chúng ta phải giải nghĩa thế nào là Phụng vụ, thế nào là Thánh nhạc, rồi thêm vài ví dụ dẫn chứng… nó sẽ trở nên dài dòng không cần thiết, nên trong bài viết này, chúng tôi chỉ xin nói đến vài vấn đề của bài thánh ca Phụng vụ mà thôi
2. Khi học về lịch sử Phụng vụ, chúng ta thấy Phụng vụ Rô-ma khởi đi từ Phụng vụ Do thái. Trong bất cứ lễ nghi nào, Phụng vụ Do Thái cũng có phần Phụng vụ Lời Chúa, và cốt yếu ở ba việc:
-Một chức sắc đọc bài Kinh Thánh: Cựu ước, Tân ước, phù hợp với lễ ngày hôm đó, kèm theo lời giải thích khuyên răn của vị chủ tế.
-Cộng đồng tín hữu cùng nhau hát Thánh vịnh thích hợp xen kẽ vào các bài đọc.
-Sau cùng chủ tế thay mặt cộng đồng dâng lên Chúa lời nguyện xin ơn, tạ ơn…
3. Cho tới bây giờ, bất cứ lễ nghi nào của Phụng vụ Rô-ma như lễ truyền chức thánh, lễ an táng, lễ hôn phối… cũng đều có phần Phụng vụ Lời Chúa bao gồm ba yếu tố như vừa nói trên. Xem đó ta có thể nói được rằng, cốt yếu của việc ca hát trong Phụng vụ Rô-ma là hát Thánh vịnh, tiếng La tinh gọi là Psallere, người Pháp gọi là Psalmodier. 
4. Hát Thánh vịnh là đọc những câu Thánh vịnh bằng bằng theo một dấu nhạc nào đó, theo nguyên tắc là mở đầu câu Thánh vịnh thì lên giọng, vươn lên đến dấu nhạc trụ, cuối câu Thánh vịnh thì xuống giọng, nên trong môn học về các hình thể Thánh nhạc mới có câu nói rằng hát Thánh vịnh là hát mà không phải là hát, đọc nhưng không phải là đọc. Vì thế cũng có tác giả cho rằng muốn nói cho đúng nghĩa tiếng Việt thì ta phải gọi là Tụng kinh, vì vấn đề thuộc phạm vi giáo khoa cùng với một số luật trừ nên chúng tôi không thể giải thích hết trong bài viết này.
5. Từ xa xưa, thông thường khi người ta nói đến hát Thánh vịnh thì ai cũng hiểu là hát Thánh vịnh theo Bình ca (Cantus planus), mà hát Thánh vịnh theo Bình ca thì có rất nhiều cung điệu, chúng tôi không thể nêu ra hết các cung điệu ấy trong bài viết này mà có thể tạm nói rằng, các cung điệu ấy căn bản được dựa trên bốn Modus của Bình ca là Modus Protus, Modus Deuterus, Modus Tritus và Modus Tetrardus. Có những cung đơn giản và những cung hoa mỹ, có những cung thường và những cung trọng thể, nhưng tất cả phải dựa vào một kiểu cách như đã nói ở số 4. Sau đây là ví dụ 8 cung thường của Bình ca dùng để hát Thánh vịnh:


 6. Sau này trong nghi lễ có thêm phần Phụng vụ thánh thể, nên việc ca hát có thêm phần đa dạng và phong phú hơn, nghi thức cử hành thêm phần long trọng, sinh động và trang nghiêm…
Thế nào là bài thánh ca Phụng vụ?
7. Khi ta nói bài thánh ca Phụng vụ thì phải hiểu là bài thánh ca đó được phép sử dụng trong Phụng vụ, hay nói cách khác là các bài hát hoặc bài đàn được dùng trong thánh lễ của Hội thánh Công giáo. Nói rõ ràng hơn, các bài hát bài đàn này phải được sử dụng đúng vị trí của động tác Phụng vụ trong nghi lễ của Hội thánh, ví dụ thông thường bài hát đáp ca thì phải dùng sau bài đọc thứ nhất, bài hát dâng lễ thì phải dùng lúc vị chủ tế dâng bánh rượu… Còn nếu một bài thánh ca mà xét thấy không phù hợp với một vị trí tác động của Phụng vụ thì bài thánh ca ấy không phải là thánh ca Phụng vụ, ví dụ như các bài ca được dệt nhạc trên một số bản kinh được đọc nơi chốn gia đình hoặc dùng để đọc trong các buổi hội họp khác mang tính đạo đức, hay những bài ca được sáng tác với mục đích giáo dục đức tin…
8. Vậy khi ta nói đến bài thánh ca Phụng vụ thì việc trước hết ta phải tìm hiểu xem thánh ca Phụng vụ gồm có những loại bài gì, hoặc là những tác động Phụng vụ trong nghi lễ Công giáo đã được Hội thánh chỉ dạy phải dùng những bài thánh ca gì và thuộc loại nào cho xứng hợp…
9. Từ rất lâu rồi, trong các nghi thức thánh lễ được cử hành tại Giáo đô Rô-ma, người ta chỉ dùng các sách hát như Graduale Romanum, Graduale Simplex, Liber Usualis, và được coi là các sách hát chính thức của Hội thánh Công giáo toàn cầu, từ đó ta thấy Thánh nhạc trong Phụng vụ thì có các bài ca mang:
- Hình thể Cung Đọc (Tonus) được chia thành hai loại: cung sách, dùng để hát những bài Thánh thư, Tin Mừng... kể cả bài Thương khó. Cung nguyện, dùng để hát những lời nguyện trong thánh lễ, hay trong các lễ nghi Phụng vụ khác, kể cả kinh Lạy Cha và kinh Tiền tụng...
- Hình thể Đáp ca (Responsorium) dùng hát đáp ca sau bài đọc 1.
- Hình thể Đối ca (Antiphona) dùng cho nhập lễ, dâng lễ và hiệp lễ.
- Hình thể Vịnh ca (Hymnus) cho các bài ca chúc tụng.
- Hình thể Bộ lễ (Missa) cho các kinh Xin Chúa thương xót, Vinh danh, Tin kính, Thánh! Thánh! Thánh!, Lạy Chiên Thiên Chúa, kể cả bộ lễ cầu cho người quá cố.
- Hình thể Tụng kinh (Psalmodium) dùng cho tất cả các loại trên mà bình ca (cantus planus) là mẫu mực.
10. Ngoài ra còn có các hình thể khác như Alleluiaticus dùng để hát sau bài đọc 2, và Sequentia (thường gọi là Ca tiếp liên) hát nối tiếp với Alleluiaticus. Mỗi hình thể đều có chỗ đứng của nó, đã được Giáo hội nghiên cứu, tiên liệu và chỉ dạy. Các yếu tố để một bài ca mang hình thể âm nhạc này hay hình thể âm nhạc kia thuộc phạm vi giáo khoa nên chúng tôi không trình bày ở đây.
11. Đối với Hội thánh Công giáo tại VN hiện nay, trong các nghi thức thánh lễ có phần đơn giản hơn so với các nghi lễ tại Giáo đô Rô-ma, và phần Phụng vụ Thánh nhạc theo đó cũng có phần uyển chuyển do các văn bản cho phép dùng để thay thế tại các Giáo hội địa phương… Tuy nhiên, những điều được nêu lên ở trên vẫn là chuẩn mực, là đúng đắn, là nghiễm nhiên xứng đáng với vị trí của nó và được thừa nhận trong Hội thánh; còn những gì dùng để tạm thay thế thì ta phải xem xét lại và cân nhắc với một vài chuẩn mực được đặt ra trước khi sử dụng, từ đó sinh ra vấn đề kiểm duyệt.
12. Thiết tưởng cũng cần nhắc lại, mục đích thật của Thánh nhạc là tôn vinh Thiên Chúa và thánh hóa các tín hữu (Hiến chế Phụng vụ, số 112) nên “Huấn thị về âm nhạc trong Phụng vụ” được ban hành ngày 05.3.1967 đã chỉ dạy, khoản 4a: Thánh nhạc là loại âm nhạc được sáng tác để thờ phượng Thiên Chúa nên phải biểu lộ sự thánh thiện (Sanctitas) và diễn tả được hình thức nghệ thuật cao (Bonitas formae).
13. Ta có thể diễn giải rõ ràng hơn như sau, các tác phẩm Thánh nhạc nói chung: 
a; Phải biểu lộ được sự thánh thiện trong lời ca, nghĩa là lời ca phải hợp với giáo lý Công giáo, và tốt hơn là rút ra từ Kinh Thánh và các nguồn Phụng vụ (HCPV, số 121). 
b; Phải biểu lộ được sự thánh thiện trong âm nhạc, thánh thiện do việc sử dụng cung điệu trang nghiêm phù hợp với vẻ tôn nghiêm của nơi thánh, phù hợp với vị trí của Phụng vụ, đặc biệt cung điệu càng giống Bình ca bao nhiêu thì tốt bấy nhiêu, tránh tuyệt đối những cung điệu tuồng kịch nhuốm màu lãng mạn trần tục…(Huấn thị “Để thi hành Hiến chế Phụng vụ” ra ngày 05.11.1970, số 3).
c; Phải biểu lộ được sự thánh thiện đi sát với Phụng vụ, “Thánh nhạc càng liên kết chặt chẽ với động tác Phụng vụ bao nhiêu thì càng thánh bấy nhiêu” (HCPV, số 112). Như vậy phải dành ưu tiên cho những bài hát Thánh vịnh mà Hội thánh đã chỉ định từng phần cho mỗi lễ nghi Phụng vụ được in trong sách Graduale Romanum và Graduale Simplex (Qui chế tổng quát sách lễ Rô-ma, số 22, 26, 36, 56i). Hai cuốn sách hát này đã cung cấp cho ta đầy đủ bản văn Thánh vịnh bằng La ngữ, mỗi bài ca được được viết với một hình thể âm nhạc xứng hợp để hát vào lúc nhập lễ, đáp ca, alleluia, dâng lễ và hiệp lễ cho tất cả các ngày lễ và mùa lễ của năm Phụng vụ Rô-ma.
d; Phải biểu lộ được sự hoàn mỹ trong hình thức nghệ thuật cao (Bonitas formae), nghĩa là bài ca phải có cấu trúc, có trật tự, có hình thể hẳn hoi để đem lại một giá trị nhất định khi sử dụng trong Phụng vụ. Như khi đọc hai cuốn sách hát trên ta thấy những tác động Phụng vụ trong thánh lễ mang tính nghi thức kiệu rước thì dùng những bài hát mang hình thể đối ca, nói cho đủ là đối ca với Thánh vịnh của nó (Antiphona cum psalmo suo), dùng ở ca nhập lễ, ca dâng lễ và ca hiệp lễ. Sau bài đọc thứ nhất thì phải hát Thánh vịnh đáp ca (Psalmo Responsorium) theo đúng bản văn Thánh vịnh của ngày lễ hôm đó, nói một cách đầy đủ theo Việt ngữ là bài hát Thánh vịnh mang hình thể đáp ca (Responsorius) chứ không phải là một bài hát Thánh vịnh (hoặc ý Thánh vịnh) mang hình thể ca khúc (Canticum) mà chúng ta thấy khá phổ biến như hiện nay.
e; Phải biểu lộ được sự hoàn mỹ trong hình thức nghệ thuật cao, cũng có nghĩa là về âm nhạc phải đúng các qui tắc khách quan của kỹ thuật sáng tác, hòa âm, đối âm… chứ không phải do những mực thước hay quan điểm về nghệ thuật của cá nhân mình đề ra mà bỏ qua các qui tắc này.
f; Phải biểu lộ được sự hoàn mỹ trong hình thức nghệ thuật cao, cũng có nghĩa là về lời ca, ưu tiên trước hết phải là lời Thánh vịnh; hay ý tưởng lời ca bắt nguồn từ Thánh Kinh, khi vận dụng làm ca từ cho bài hát phải đúng luật văn phạm và ngôn ngữ. Tuy vậy, phải loại bỏ những lời ca trống rỗng hoặc vô nghĩa, hay những lời ca không thể diễn tả được chân lý trong đạo như Đức Pi-ô XII có viết trong thông điệp Mediator Dei, số 74: “Phải nghiêm chỉnh gọt giũa các tác phẩm nghệ thuật cho xứng với danh hiệu của chúng”
14. Như vậy, ta có thể trả lời câu hỏi thế nào là bài thánh ca Phụng vụ như thế này, trước hết tác giả của bài thánh ca đó phải là một Ki-tô hữu đích thực (Thông điệp “Kỷ luật về Thánh nhạc” số 24 và 25), bài thánh ca đó phải được tác giả có ý sáng tác để dùng trong Phụng vụ (Thông điệp KLTN số 18,19,20,21) và phải được gắn liền với một trong số các hình thể âm nhạc Phụng vụ được đề cập ở trên. Còn về lời ca phải đúng với bản văn của Sách Lễ Rô-ma hoặc các bản văn của các sách hát chính thức của Giáo đô Rô-ma như đã nói trên.
15. Nói đến đây chúng ta sẽ cảm thấy như để có một bài thánh ca Phụng vụ theo đúng nghĩa của nó có vẻ khó khăn và hạn chế với nhiều ràng buộc. Quả thật như vậy, nhưng không hoàn toàn như thế nếu mỗi nhạc sĩ Thánh nhạc được học hành một cách nghiêm túc và có bài bản. Từ sự thông hiểu về giáo lý Công giáo và kiến thức âm nhạc, mỗi nhạc sĩ sẽ khám phá được những điều phù hợp trong sáng tác.
Bài thánh ca loại nào mới phải được kiểm duyệt hoặc không cần phải kiểm duyệt trước khi sử dụng trong Phụng vụ?
16. Ta biết rằng những bài hát mà ta gọi là đối ca nhập lễ và đối ca hiệp lễ (phải được hiểu là đối ca với Thánh vịnh của nó) được ghi trong sách Graduale Romanum hoặc Graduale Simplex luôn là sự chọn lựa trước hết. Theo QCTQ sách lễ Rô-ma, khoản số 26 và 56i thì cho phép “… dùng bản hát nào khác phù hợp với cử hành Phụng vụ, với tính chất của ngày lễ hay mùa Phụng vụ. Bản văn bài hát này phải được Hội đồng Giám mục chuẩn nhận”. Nghĩa là nếu dùng bản văn khác với bản văn được ghi trong 2 cuốn sách trên thì buộc lòng phải được kiểm duyệt trước khi đem ra sử dụng.
17. Đối với Huấn thị về Âm nhạc trong Phụng vụ, xem ra có phần dễ dãi hơn với khoản 32 ghi rằng: “Tại một vài nơi được đặc quyền, người ta thường dùng những bài hát khác thay thế các bài ca nhập lễ, tiến lễ và hiệp lễ trong sách Graduale. Có thể giữ như thế tùy phán quyết của Đấng bản quyền địa phương, miễn là những bài hát đó hợp với các phần trong thánh lễ và ngày lễ, cũng như mùa Phụng vụ. Thẩm quyền địa phương phải phê chuẩn lời ca những bài hát đó”. Đối với Thánh nhạc Việt Nam thì hầu hết các bài ca thay thế đều là những ca khúc.
18. Về ca khúc, trước đây người ta nói một cách đầy đủ là “ca khúc bình dân tôn giáo” bởi chữ Canticum populares religiosi, sau này Hiến chế Phụng vụ chỉ gọi là Cantiunculae populares (số 112). Các bài thánh ca mang hình thể ca khúc cũng được khuyến khích sáng tác, các ca khúc này làm cho đời sống Ki-tô hữu thấm nhuần tinh thần tôn giáo và nâng cao tâm hồn tín hữu, các ca khúc này phải được áp dụng theo những quy luật ở số 13-15 (Thông điệp Kỷ luật về Thánh nhạc). Nó thường chiếm vị trí riêng trong mọi dịp lễ Ki-tô giáo, nơi cộng đoàn hay tại gia đình, trong hay ngoài nhà thờ, và chỉ được sử dụng trong Lễ nghi Phụng vụ một cách đôi khi có thể chứ không phải thường xuyên như nhiều nơi đang làm. (HT. Thánh nhạc và Phụng vụ, chương 3).
Muốn được điều này các ca khúc đó phải :
- Đúng Giáo lý Công giáo
- Dùng ngôn ngữ dễ hiểu, lời lẽ không rườm rà, câu văn không trống rỗng...
- Một loại âm nhạc đơn sơ, dù vắn và dễ, cũng phải có một cái gì trang nghiêm xứng đáng.
- Được các Đấng bản quyền cẩn thận canh chừng và phê chuẩn.
19. Như vậy ta có thể nói, tất cả các bài hát thánh ca mang hình thể ca khúc đều cần phải được kiểm duyệt trước khi sử dụng trong Phụng vụ. Thông thường mỗi Giáo phận, dưới quyền Đức Giám mục sẽ có nhóm phụ trách kiểm duyệt nếu thấy không có gì ngăn trở, một vị Censor Librorum sẽ xác nhận "Nihil obstat" rồi đệ trình lên ĐGM ký phê chuẩn.
20. Những bài hát được viết trong một hình thể âm nhạc khác, ví dụ như bài hát mang hình thể đáp ca được dùng sau bài đọc một, với cung điệu dễ hát và âm nhạc tuân thủ các qui luật khách quan của nghệ thuật, còn lời ca lấy nguyên vẹn từ Thánh vịnh (không phải là ý Thánh vịnh), thì không cần phải kiểm duyệt. Bởi lẽ một tác phẩm Thánh nhạc trong đó có bản văn là Thánh vịnh được sắp đặt trong một hình thể âm nhạc rõ ràng, nghĩa là nó đã có một trật tự trong suy tính, và chắc chắn bản thân nó đã có một giá trị nhất định, chúng ta có thể sử dụng mà không cần phải thông qua Đấng bản quyền địa phương. Ví dụ bài đáp ca với Thánh vịnh 22 sau đây, lời ca được lấy nguyên vẹn từ Thánh vịnh, còn phần âm nhạc thì có cấu trúc tác phẩm đã được sắp đặt theo đúng hình thể đáp ca. Phần xướng các câu Thánh vịnh của một xướng viên được dựa theo cung hát Thánh vịnh đơn giản thứ 6 của Bình ca; vì hát Thánh vịnh theo lối Bình ca thường ngâm nga ở một dấu trụ, nhưng tiếng Việt có 5 dấu và 6 giọng nên chúng tôi phải dùng 3 dấu trụ để mong thể hiện rõ được ngữ nghĩa của ca từ. Về phần hòa âm thì không sai luật, dòng ca giới hạn trong một âm vực tầm tiếng vừa phải, nhịp điệu của câu đáp đơn giản dễ hát cho đại chúng, mọi người đều có thể hát được dễ dàng… Vậy bài Thánh vịnh đáp ca này đã hội đủ các điều kiện cần thiết nên không cần phải kiểm duyệt nữa!



21. Đối với âm nhạc: để hiểu được hình thể âm nhạc các loại buộc lòng chúng ta phải học cho biết các cách thức và lối viết bài đòi hỏi, để làm đúng những qui tắc khách quan về chuyển động móc nối của kỹ thuật hòa âm và đối âm chúng ta cũng phải học hành và thực tập cách kiên trì… chúng ta không nên dùng lý lẽ tác phẩm nghệ thuật thì tự do trong phạm trù này.
22. Đối với lời ca: tốt nhất là dùng Thánh vịnh hoặc lời ca lấy từ Kinh thánh. Không nên dùng những lời ca mang nặng tâm tình cá nhân, hoặc sáo rỗng, trần tục… cũng cần phải học hỏi nghiêm túc về Kinh thánh và Giáo lý Công giáo, kể cả thơ ca, để qua đó chúng ta vận dụng được một bản văn phù hợp với giáo lý đức tin và với hình thể âm nhạc nữa.
23. Ngay tại Vatican, tuy dưới quyền là một Hiệp hội Cecilia gồm rất đông đảo các nhạc sĩ, Ủy ban Thánh nhạc cũng chỉ có ba vị là Chủ tịch, Phó chủ tịch và tổng thư ký, nhưng đâu có bao giờ những vị này phải bận tâm đến công việc phê chuẩn hay kiểm duyệt. Hầu hết các tác phẩm sáng tác đều được Hiệp hội in ấn và sử dụng rộng rãi, bởi lẽ các nhạc sĩ này đều đã được học hành bài bản từ trường lớp hẳn hoi, nên tác phẩm của họ không bao giờ có vấn đề gì rắc rối hoặc sai phạm về âm nhạc mà phải xem xét lại. Còn lời ca thì lấy từ Thánh vịnh và các nguồn Phụng vụ trong Thánh kinh thì đâu còn gì là sai lệch.
24. Hơn nữa, việc phê chuẩn hay kiểm duyệt chính ra cũng chỉ là công việc nhận xét xem tác phẩm đó, nhất là lời ca có gì ngăn trở hoặc sai lạc với Kinh thánh và Giáo lý Công giáo không? Chứ không có chức năng chỉnh sửa tác phẩm như đã nói ở số 19. Còn hình thể âm nhạc hoặc các kỹ thuật âm nhạc thì các nhạc sĩ phải cam đoan là không được phép sai trái rồi, đó là điều mặc nhiên, nếu người nhạc sĩ được học hành tử tế và có lương tri thì đâu có thể đợi người khác vạch các lỗi sai trên tác phẩm của mình được! 

Antôn Tiến Linh 17.2.2014
---------------------------------------------------------------------
Chú thích : Ảnh trong bài trích từ nguồn :  Ban Hợp xướng PIO X.

Thứ Năm, 2 tháng 1, 2014

CPCĐ. số 26 : CÂY ÂM THOA

Khi cần tìm hình ảnh mới thấy cây âm thoa (diapason) ngày nay thật hiếm . Trên Google Image không có . Càng hiếm thấy hơn trong những giờ tập hát của các ca đòan. Hiện nay, gác đàn nào cũng được trang bị tận răng : Piano, Orgue, dàn âm thanh, micro cho 4  bè. Nơi nào nghèo nhất cũng phải có một chiếc đàn orgue thời cũ để ca trưởng lấy nốt tập hát. Cây âm thoa, hoặc cái kèn thổi âm La trở thành cổ lỗ.
Có những ca đòan, anh em đàn không đi tập, vậy giờ tập hát ấy ca trưởng phải tự lấy cung. Nếu không phải kỳ tài, ca trưởng sẽ không thể nào lấy đúng âm  mẫu, La chẳng hạn. Hoặc thoạt đầu có đúng, sau một hồi thế nào cũng xuống. Giọng người thường tùy thuộc vào sức khỏe, thời tiết, không gian. Nếu không có âm mẫu, chúng ta sẽ khó tập hát một cách ổn định. Sẽ có lúc hát cao quá cung chính, các cô rướn cổ lên cách khổ sở, lúc lại hạ thấp quá cung chính, bè Basso  không xuống nổi. Bà con tập hát rất mệt và chênh vênh lắm.
Tác phẩm đã được người viết chọn cung thích hợp, nhạc sĩ hòa âm sao cho các bè chuyển động theo âm vực, bè nào cũng hát vừa giọng . Cho nên, cách tốt nhất là ca trưởng tập cho ca đòan hát đúng cung.
Nếu  hát lên không tới, hoặc xuống è è không rõ lời, thì bất đắc dĩ chúng ta phải hạ hoặc lên cung.
Vấn đề là một khi đã hạ hoặc lên cung nào thì luôn tập với cung mình đã chọn. Không nên hát đại, lúc khỏe hào hứng hát cao, khi mệt, giọng ỉu xìu lại xuống cung ào một phát.
Ca đoàn là một tập thể được luyện tập hằng tuần, chúng ta có điều kiện  hát giọng ổn định, hay nhất là tập với đúng cung của bài hát.
Nói đi cũng phải nói lại, cánh nhạc sĩ Công Giáo có nhiều vị viết cao quá, người Việt Nam hát lên tới Són ngon ngọt là tuyệt vời rồi, bình thường chỉ Rê là vừa,  hễ bài nào có nốt Fá, y như rằng cộng đòan  không thể hát đúng cung. Cho nên, khi đệm đàn cho Cộng đòan hát, chú Huấn nhà thờ Thánh Mẫu thường phải hạ cung.
Ấy là hát chung, không cần tập, chú H. biết cách điều khiển tiếng hát cộng đòan. Mọi người cứ nghe tiếng đàn mà vào. Ngày nào vắng tiếng đàn của Huấn, Thánh Lễ thiếu sự linh động. Âu đấy cũng là một thứ âm thoa dễ chịu.
Còn đối với một ca đòan có giờ tập dượt, sự ổn định về cung bài hát rất cần thiết bởi ca trưởng đã biết rõ nội lực cao thấp của anh chị em ca viên. Ca Trưởng chính là cây âm thoa bằng xương bằng thịt.
Nhưng, chính vì bằng xương bằng thịt mà cây ấy lúc lên lúc xuống. Đừng tin vào cái cây này. Hi hi, vậy xin kết luận là không gì bằng ta nên dùng cây âm thoa thật. Nó bằng thép, sẽ giúp bạn tập hát rất dễ chịu. Thử mà xem !

Đây là cây diapason, kỷ vật của Nhạc sĩ Viết Chung tặng Hải Triều năm 1995.

Thứ Tư, 1 tháng 1, 2014

CPCĐ số 25: XL.


(Không hiểu sao mình gõ bài CPCĐ số 14 : XL. này gõ từ cuối năm ngóai mà chính mình lại quên sót, cho tới hôm nay đã  tới CPCĐ số 24, mới nhìn thấy nó đang nằm im trong Mục Bài Đăng blog, mở đầu vẫn còn cách khai tên NHT.( Bây giờ là ht.) . Thôi thì đổi cho nó thành số 25. Nội dung tuy cũ về thời gian nhưng đọc lại thì thấy vấn đề vẫn có thể như mới. Kính mời ngó qua ).
ht. 
XL. 
NHT. Bỗng dưng một ngày mở thư điện tử ra, mình nhận được nội dung toàn bộ câu chuyện của một nhóm bạn lạ (thư chỉ chuyển tiếp cho vài địa chỉ ), có tên tắt lạ là XL., gửi cho mình là một người hoàn toàn lạ với nhóm, nhưng vấn đề nhóm này bàn tới lại rất quen thuộc, phổ biến, những nhận xét, phát biểu thì tự do, vui vẻ.
Thì ra đây là nhóm của một vài Nhạc sĩ, Ca Trưởng, Người Đệm Đàn.....
Thì ra họ đang làm việc  về Thánh Nhạc Phụng Vụ.
Họ tự nhận họ là một cái xóm lá. 
 NHT' mình tự hào đã có tới Cà Phê Ca Đoàn lần thứ 13 rồi, xem ra vẫn ít chuyện hơn Xóm Lá này.
Lại chưa có vấn đề nào đụng hàng với họ. 
Lại bởi họ đông vui hơn, hai ý kiến vẫn hơn một.
Và vì thấy những thắc mắc, ý kiến của họ rất thực tế,  nên hôm qua, lần đầu tiên, mình  chen vào nói 1 câu.
Ai ngờ họ dại dột, nhận kẻ nỏ mồm này làm anh em luôn.
------------------------------------------------------------------------
- Cho hỏi : XL là gì đó ?
- Là Xóm Lá. Xóm lá là một chỗ để ...tám, nói đủ thứ chuyện trên đời.
- Lạy Chúa, cứ tưởng là Xuân Lộc.
- XL: Xóm Lá, nơi quy tụ mấy người ...XẤU LẮM, lâu lâu ba sạo lung tung, có khi đụng đến cả ...mấy bài thánh nhạc hát trong phụng vụ, do đó sợ không được imprimature cho nên đổi thành XL để dễ bề ....nói chuyện "phụng vụ" đó mà! hihi
- HT ui!  XL có ẩn ý của nhóm "mày râu": xấu tốt, "xơi luôn".Vì nhóm có mợ..... nên ... xinh lắm, nè!Thân chúc bà con XL trong tuần vui vẻ!
- Nhân đây mình xin hỏi các Bạn XL : Làm sao để những nhận xét nghiêm chỉnh (về Thánh Nhạc) của một nhóm nhỏ như XL. được các đấng lắng nghe ? Chúng mình nói với nhau thôi hay  muốn sao mà chỉ qua e-mail của nhau ?
- Hi chị của em,
Câu hỏi chị đặt ra, cá nhân em không bao giờ nghĩ tới cũng như khi tụi em thành XL lúc nào cũng không biết để cùng cụng ly ngày khai sanh ra xóm này . Em hy vọng chị Triều sẽ luôn là một người chị trong XL bé nhỏ này  cùng với anh L., chia sẻ với chúng em và anh cả Th. ( trưởng lão tinh thần từ ngày đầu của XL) .Xin lỗi chắc em đi ra đề rồi, trở lại câu hỏi của chị, trả lời cho cá nhân em, nếu những thắc mắc trong XL của tụi em được tới tai và sự support của ban thánh nhạc VN nói chung thì còn gì bằng vi` qua đó tụi em sẽ được học hỏi , có thêm kiến thức về thánh nhạc để giúp cho cộng đoàn, giáo xứ hay những người bạn của mình hầu phục vụ tốt hơn cho nhà Chúa trong sự khiêm nhường của mỗi người trong XL .
Xin nói thêm, XL tụi em có vấn đề gì cũng đem ra chia sẻ  và đôi lúc cũng găng khi mỗi người một ý, một cái nhìn khác nhau nhưng rồi  chung em vẫn thương yêu, đến voi  nhau vì sự tôn trọng lẫn nhạu  trong cùng một Thầy Chí Thánh đó là Giêsu .
- XL này toàn là Lọ , chỉ có anh cả Th. là không có lọ nào vừa với anh hi..hi..
Em kể sơ cho chị nha! Lọ Nồi, Lọ Niêu, Lọ Nghẹ và em là Lọ lem  ( ai đứng gần em coi chừng dính lọ vì lem đó).
- Cám ơn Lọ Lem  đã giải đáp thắc mắc.
Nếu XL cùng tâm tình như Lọ Lem thì HT sẵn lòng làm ...bia.  XL có những nhận xét đứng đắn và nghiêm túc thì xin cứ phát biểu, HT sẽ trình lên đấng bản quyền cho.Có những lần, mình đã hỏi vài anh em NS, Ca Trưởng  : Mỗi lần họp ban TN  vậy , bạn có giơ tay không ? Không. Tại sao không ? Có phát biểu cũng không kết quả, có khi còn bị la.Vậy cứ nghe thôi ? Dạ. Đứng lên người ta nhìn mình như dị nhân.
Đó, XL thấy  có thương không ?
Nếu mình post những vấn đề cần trao đổi vào mục Café Ca Đoàn của NHT'blog , các Bạn có ý kiến gì không, xin nói .
Mình  luôn yêu mến các NS, CT và Ca Viên của các Bạn,
Mến chúc XL  bình an,
HT
Tái bút :  Call me  "lọ mực".
- Hehe, Weo-com chị HT vào cái XL (Xóm Lọ) này, à, chị HT thích làm Lọ Mực, vậy là phải rồi, khi thì làm mực đen, khi thì mực xanh, rồi mực tím, và thoảng khi thì làm mực đỏ ... thì cũng giống như những bài blog mà chị viết, cũng đủ sắc màu, đủ thể trạng như là màu của Mực, hay quá đi chứ.Vậy thì sẵn Út Lọ đang nấu chè để cúng cơm cho mợ Út Lem ;-), mình nghĩ hay là bác L. cúng cơm luôn cái tên Lọ Bình, và bác Th. làm Lọ Muối, đều có ý nghĩa hết cả. Vậy nghe, Lọ Nghẹ nhớ nấu thêm ra vài chén chè nữa, đãi khách quý, trước lạ sau quen.         
- Mến chào Lọ Nồi, XL. tám đứng đắn về Thánh Nhạc như vậy nên mình ......thít. Chỉ ngạc nhiên sao cả xóm có vài...nhân khẩu vậy ?
- Cám ơn chị Mực đã nhã ý làm bia cho chúng em , chị gầy ốm thì làm bia sao nổi, lỡ bị bắn một cái là "xẩy" thì sao ? :-) . Chọc chị cho vui thôi . Cám ơn chị cùng đồng hành với XL nghèo nàn này (??) .
Trong xóm chỉ có em út  là hay e ngại, sợ phiền lòng.. thôi ( phải không Nghẹ ? ) còn lại là dân thiện xạ hay còn gọi cùi không sợ lở. Vì sự tin tưởng và dễ quên nên trong xóm có chuyện vui,buồn, thét mét ... là cứ chia sẻ . ( Tòan là lọ i-nốc -xi-đáp nên có bị bắn cũng không sao đâu chị) . Mình nâng đỡ, giúp nhau để học hỏi để làm việc nhà Chúa chứ đâu phải vỉ danh mình nên XL không đông người một phần cũng vì vậy . 
Không biết anh cả Th., anh Lọ Nồi, Niêu và em út Nghẹ có đồng ý thì xin giơ hai tay nha!:-)
peace,
Lo Lem
- Chị HT ơi, mọi người đã trả lời dùm em rồi, em chỉ xin nói thêm XL là một nhóm nhỏ các anh chị mà em rất cảm phục và quý mến. 
- Các Bạn thân mến, khi soạn bài cho CĐ, có điều gì trắc trở, trục trặc về Nhạc về Lời, gây khó khăn cho các Bạn, các Bạn nên phát biểu, thắc mắc như thế này, chứ đừng ngậm bồ hòn. Bồ hòn đắng lắm, mà trách nhiệm một Ca Trưởng thì bao la, thấy  thương hết sức. Các Bạn có thể gửi thư hỏi trực tiếp ban TN Saigon ( rồi forward giải đáp cho bà con đọc chung).
- Em cám ơn chị HT nhiều lắm lắm. Từ trước giờ em vẫn có những thắc mắc này nọ khi soạn bài, nhưng thường thì không biết chia sẻ với ai, cho nên lâu lâu em lại ... làm phiền XL cho đỡ buồn .
Vậy là em có thể gởi thư trực tiếp cho BTN SG sao? Mà ... nếu gởi thì có hy vọng được hồi âm không ?...
HT. : Nô biết !

CPCĐ số 24: CU "CHỜ"

Còn dư nguyên một thồi vì quên mời khách tới.
1. Thời gian như vó câu qua cửa sổ, Cu Chờ mới ngày nào còn là học thinh, đoàn thinh Nghĩa Hòa, ngủ dậy trễ, mặc quần thủng đít, mũi giãi lò thò, chạy vội sang trường (may mà nhà Cu đối diện trường, đúng năm bước kịp chào cờ), nay đã làm ca trưởng ca đòan Tê -rê- sa, một bộ phận khá ...toa , khá ...củ , khá cũ, một đại cục đã kinh qua khá nhiều kinh nguyệt, à lộn , khá nhiều kinh nghiệm ca hát, cho nên, ở địa vị ca trưởng, Cu cảm thấy rất hưng phấn cho chức năng rất quan trọng của Cu. Cu làm việc rất tốt, ca đòan lên như diều bay. Cu biết nắm bắt lúc nào cần tiết chế, lúc nào cần cho ra cái tinh túy trong nghề Điều khiển của Cu. Tuy nhiên ở đời nó vầy: bất cứ một quy trình nào cũng có sơ suất, không khâu này thì khâu khác. 
2. Tối hôm qua, Cu Chờ bày tiệc tại nhà anh Cu Ka đãi anh chị em ca viên một bữa, gọi là Tất Niên.
Cu Chờ, Cu Ka gọi điện bảo chị ở đâu chúng em đến đón chị ăn Tất Niên mí chúng em, ngay bi giờ.
Mời sốt sột thế ai kịp chuẩn bị, mình bảo có hẹn với chị Nga rồi, tối nay mừng Bổn Mạng Mẹ Thiên Chúa của chị Nga. Cu Ka xúi dại : Hay chị gọi điện hoãn chị Nga đi. Hõan là thế nào, mừng ai lại để chính ngày, phải Vọng chứ lị, cho nên mình bảo không được, dứt khoát phải để chị đến chị Nga đã . 
Vừa ngồi nhà bác Nga độ mươi phút. Sau thủ tục em trao quà, chị nhận quà xong, bác í  vừa đứng lên mở tủ chè định lấy chai rượu vang ra hai bạn già nhâm nhi, thì Cu Chờ gọi, a lô em đón chị, nhà chị Nga vào sâu hơn Violette ( tên cà phê sân vườn nổi tiếng  hẻm cạnh nhà thờ Chí Hòa) ạ ? Thôi xong, bác Nga thụt tay lại, không lấy Vang ra nữa. Mình đứng lên, chưa kịp "so - di Nga", thì bác í đã ẩy mình ra cửa, thôi ca đòan gọi, đi đi,  vui nhé.
Vừa ngó đầu ra đã thấy Cu Chờ dừng xe  ngay đầu hẻm rồi .
Cu rồ máy chở bà chị, lải nhải xin lỗi, tại  em quên, giờ thấy bày dư nguyên một bàn mới nhớ ra chưa mời chị. Đến nhà tiệc, quả như thế, còn trống nguyên một bàn, nhưng không khí thật vui, ai cũng nói cười . Ô kê, bà con vui, mình  vui, chả nghĩ ngợi gì, thế mới biết Cu Chờ cả nghĩ, có gì mà lỗi nghĩa, dư một bàn thì được ăn thêm. No problem ! Đã bảo đời không thể nào hòan hảo, thế nào cũng có sai sót. Nguyện Mẹ xin yên ủi chúng con luôn luôn.
3. Có vẻ no bụng rồi, các chị em hai bè nữ lúc này ngồi tham gia trò vui. Cu Ka hăng tiết vịt tếu táo, lưng nách đầm đìa mồ hôi, Cu Thái gục gặc gục gặc, cứ dăm phút lại phát biểu một câu muôn năm : "Thôi nào, dzô !". Cả nhà, nhất là các chị cười hô hố ha há, từng tràng, từng chuỗi nghe dòn hơn pháo. Cu Chờ, những giờ tập hát phải nghiêm chỉnh vật lộn với ca mục và ...ca viên, hôm nay nhậu, Cu thả dàn pha trò ca nhái.
Cu kể, có lần Cu bảo em Solist hát câu "Phòng khuya lạnh giá, lạnh giá nhớ nhung...." trong bài Khúc Hát Mùa Xuân của cha Kim Long mà rằng : "Mày phát âm làm sao mà  tao cứ nghe  ra " Phòng khuya lạnh ...duớ.....". Con bé cãi, em hát tiếng Bắc mà ! Anh Chờ nói vậy em không hát nữa. Cứ đến chữ "giá" là nhớ giọng Cu Chờ nhại, nó buồn cười quá, không hát được nữa thật!
  Mọi người còn cười rũ màn kịch tếu gán chị Sờ với em Cu Ka, chính Cu Ka còn thêm mắm muối, trong lúc tập thể Sop và Alto minh họa bằng các loại  bài Hôn Phối cho hai chị em. Chị  Sờ không nhịn được cười. Cười cho đã đời rồi, chị Sờ ra oai, kéo tay Cu Ka  vào bàn chị em cho thêm hậu thuẫn : Mày muốn gì , mày muốn gì ? Cu Thái thấy vậy, cất tiếng hát : " Chúa cho con người bạn đường giống như bụi đời"..., Cu Chờ thiết tha dâng lễ : " Con dâng Chúa đôi chim này"...
 Cu Chờ còn nhớ ra bài "Trong máng cỏ đơn sơ" Cu mới cho ca đòan hát hôm nọ. Cu  tiến lại bàn mình, thong thả từng chữ mà rằng : " Không vàng, không mộc dược, không nhũ ...hoa" . Đến đây thì bà con đều ngã sấp, cười khá khá khá ...cười ầm cả nhà, cười lăn đùng  ra bàn tiệc....Hết biết!
4. Cu Chờ thân mến, "hương" ở đây mà đổi thành "hoa" thì chị chịu thua Cu  rồi.
Quân của Cu và Cu quậy quá sức lẽ mình nhé,  tớ đây chỉ biết trả thù bằng bài gõ này thôi.
ht.

Thứ Bảy, 16 tháng 11, 2013

CPCĐ. số 23 : LỜI MỌN HÈN


ht. : Bạn có nghĩ đây là những lời mọn hèn không ? Mình nghĩ là không, vì để chia sẻ với Cà phê ca đoàn số 21 : "QUẨN QUANH CA KHÚC " mình vừa đăng cách đây ít ngày, mh.(tức Mọn Hèn) chắc chắn đã phục vụ trong  nhà thờ một thời gian không ngắn, kinh nghiệm sinh hoạt ca đoàn không ít, nhưng mh. đã tự nhận là mọn hèn thì biết nói sao ! Mình thích những người mở lòng như mh.. Dĩ nhiên bạn khiêm tốn với nickname đó, là đáng quý, nhưng điều bạn chịu ngỏ lời chia sẻ với anh chị em đồng nghiệp, mình thấy còn quý hơn. Trước khi đăng những câu chia sẻ của mh., blogger ht. đã gửi mail hỏi ý bạn ấy chắc chắn bằng lòng cho mình post lên ht.' thì mình mới dám đăng.Mh. đã bằng lòng. Như vậy làm mình vui, vui vì sự mở lòng của mh. Rất mong có nhiều Bạn vui lòng chia sẻ với mình về Thánh Nhạc-Thánh Ca là vấn đề ht.'blog rất yêu thích.
Xin hỏi, mỗi lần có mặt tại những buổi họp Thánh Nhạc-Thánh Ca, bao la người, bao la ý, bao la cơ hội trình bày quan điểm, quý Bạn có dễ dàng xông xáo, "hồ hởi, phấn khởi "  đóng góp ý kiến với ban Tổ chức không?  Dạ, dường như đa số chúng ta thường "thủ" phải không? "Thủ" là ngồi yên, im lặng lắng nghe vừa được tiếng hiền lành, khiêm nhường, vừa an toàn không bị ai ném đá, mắng mỏ.
Không khí họp thường là rất lành, rất vui, rất ....thánh.
Nhiều Ca Trưởng thủ, các nhạc sĩ thủ, cha thủ, xơ cũng thủ, thủ nhất là các xơ. Các xơ đi họp cứ là im thin thít, phát biểu sợ sai, sợ phản hồi, sợ chủ tọa mắng dốt, thế mà không biết, không biết dựa cột mà nghe, hoặc thế mà đòi tập hát a, thế mà đòi sáng tác a, thế mà đòi học về Phụng Vụ a ! Em hiền như ma xơ, giơ tay sợ mất tiếng tốt. Mình nói thật đừng giận nhé, ngoài đời có xơ đâu có hiền !
Ô sao hôm nay mình nói dai , nói nhảm thế ! Ấy là để đồng cảm với Mọn Hèn. Chấp nhận cởi mở với anh em, bị mắng thì đã, thân phận bọt bèo, có bị dìm sông, ném đá thì cũng có sao ! Tôi là ai mà chỉ muốn được bê lên bệ nhỉ !
Cho nên, thân mến mời Mọn Hèn nâng tách Cà Phê nóng, kèm theo lời kết là xin cám ơn Mọn Hèn đã vui lòng chia sẻ với  ht.'blog những nhận xét về bài tại đây.
LỜI MỌN HÈN 

Chị HT viết:
"Đã từ nhiều năm trước, mình biết phải viết Đáp Ca theo Bản văn, nên tất cả những bài hát phổ nhạc Thánh Vịnh của mình, dù là  đầy đủ cho cả 3 năm ABC, mình đã ghi là THÁNH VỊNH, Cảm hứng Thánh Vịnh..Không phải Đáp Ca. Bạn nên hát trong những dịp khác ngoài Đáp Ca."
Vâng, quả đúng như vậy. Ngoài chị HT ra, em biết chỉ vỏn vẹn có một người khác cũng cùng suy nghĩ này, còn mọi người khác thì hình như không phân biệt giữa Thánh Vịnh với Thánh Vịnh Đáp Ca trong Phụng Vụ. Không biết chị HT nghĩ sao, nếu như các bài TV/Cảm hứng TV mà chị viết, được đăng trên các websites trong mục Đáp Ca? Ngay cả trang catruong.com, (catruong.com là nơi em quý mến và học được rất nhiều từ đó), trong mục Đáp Ca, mặc dù có phần hướng dẫn kỹ càng các bài "Đáp Ca" cho từng mùa, từng năm, từng ngày lễ, nhưng các bài đó theo em thấy thì hầu hết chỉ là phỏng theo Bản văn Thánh Vịnh mà thôi, chứ không phải là nguyên văn Bản văn. Không biết chị HT có nghĩ là một bài Đáp-Ca-dùng-trong-Phụng-Vụ thì có nhất thiết phải theo sát Bản văn hay không.

"Vậy mà cho tới nay , biết bao lần họp, có ban  hát cả bài về Đức Mẹ vào phần Đáp Ca. Hiệp Lễ cũng .."phang" luôn Đức Mẹ. Đâu phải Lễ về Đức Mẹ là chọn bài Đức Mẹ thoải mái đâu bạn !"
Đây đúng là thực tế mà em đã chứng kiến ... Đáp Ca hát một bài phổ thông về Đức Mẹ ... Hiệp Lễ trong tháng 10 thì hát bài Đức Mẹ Mân Côi ... Hiệp Lễ trong lễ cưới thì hát Ave Maria của Schubert, có nơi hát bản tiếng Việt, có nơi hát tiếng Anh ... Trong một lễ Đức Mẹ cách nay không lâu, phần Hiệp Lễ gồm 2 bài: Ave Maria hát tiếng Latin và Cùng Mẹ Ra Khơi tiếng Việt ...

"Trong khi đó, từ Hương Trầm mấy cho tới Hương Trầm mười mấy rồi, gần 20 rồi, số nào cũng ca ngợi Bình Ca ngất trời. Bài nào bài ấy chất chứa đầy kiến thức cao siêu hàn lâm mang từ Rô ma về, biết bao công sức , bao năm tháng ăn học mới thu thập được , chả ai áp dụng. Linh mục nhạc sĩ Ân Đức nhận xét là hát Đối Ca trong Thánh Lễ không thành công vì còn xa lạ với người Việt Nam, buồn, người nghe khó hiểu. Nghe  mà thương!

Nói thật chứ Cụ Chant Gregorian vào năm 2013 này như Thánh để trên tòa thôi, vẫn chưa có Ca Trưởng nào tha thiết rước Cụ về nhà, nói chi ca viên sáng tối túi bụi kế sinh nhai nuôi vợ con, nói chi cha xứ mải tính công thợ xây nhà thờ.
Thời @ , ai ê a ?"
Vâng, thời @, ai ê a. Nhạc bình ca của cha Hoàng Kim em thấy có nơi viết lại thành điệu 2/4 rồi hát với trống, thấy lần đầu thì sốc nhưng lần sau và lần sau nữa thì hết sốc. Đúng ra em biết cũng có ca trưởng tha thiết với bình ca chứ không phải là không ...

"Ngay ở trong một Đan viện, ngày nay các thầy tu còn đề nghị bài này chọn điệu Slow hợp đấy nhỉ nữa là !"
Và cũng có linh mục khi tập hát cho thánh lễ đã cẩn thận dặn dò đoạn này hát Rumba, đoạn sau hát Bolero mới hợp. Có linh mục bảo mở điệu Valse cho ca đoàn hát ...

"Theo mình thì giáo dân Việt Nam ta bây giờ cứ " Hồng ân Chúa như mưa như mưa, rơi xuống đời con miên man miên man.." là  cả và nhà thờ đồng ca rào rào đầy hứng khởi !"
Mà có lẽ giáo dân VN ở S. cũng vậy ...

Em than nhiều rồi nhỉ. Không nghĩ tới thì thôi, chứ nghĩ tới thì có biết bao nhiêu điều muốn nói. Nhưng em biết em không là gì cả nên thường thì chỉ ngậm ngùi làm thinh. 
mh

Thứ Tư, 6 tháng 11, 2013

CPCĐ số 22 : QUẨN QUANH CA KHÚC


Tôi vừa tiếp chuyện qua điện thoại với một bạn là dân ca đoàn.
Bạn chia sẻ nhiều ưu tư tương tự những ưu tư các anh chị khác đã bày tỏ trong buổi tọa đàm vừa rồi tại Trung tâm Mục vụ, nhiều chi tiết hơn và nhiều nỗi niềm riêng tư hơn.
Xem ra vấn đề Ban Hát trong nhà thờ không chỉ đơn giản có người thiện chí gia nhập, có người tập hát,thế là thành đâu.
Hầu như tất cả những vấn đề được Ban Tổ chức Đại Hội bàn tới đều có...vấn đề, từ vai trò Ca đoàn - Ca Trưởng, cha xứ, bản văn, Imprimatur, bài bị cấm hát, v.v. cho tới các cung hát Thánh Vịnh trong nhà tu cũng chưa được tất cả hài lòng, hài lòng tất cả.
Người Sài gòn bảo các tỉnh cần thiết phải về thành phố họp để nhận quyết định cuối cùng của Toàn Quốc.
Người miền xa nói, ngay Saigon cũng ba bè bảy mối, nhiều giáo xứ hát linh tinh, không ai nghe ai.
Quả thật bạn nói có phần đúng.
Mình ở Sài gòn, vào nhà thờ chỉ cầu xin ván Lễ ấy ca đoàn hát tử tế, cám ơn anh chị em ca viên.
Cho tới nay, trải qua biết bao nhiêu cuộc Đại Hội Thánh Nhạc Toàn Quốc, mình vẫn rất lo sợ mỗi khi nghe khởi đầu chuẩn bị Thánh Lễ mà " tùng tà là tùng tùng tùng"....tiếp đó là những điệu nhạc Điện Tử được mở hết công suất, cho vang lên náo động cả khuôn viên nhà thờ ( không gian lúc ấy hệt như mô tả trong bài viết của quý vị  nào đó là nghe loại nhạc này người ta chỉ muốn ôm chầm lấy người bên cạnh mà nhảy cà tưng).
Thường là được phép cha xứ, ban coi máy mở lớn những CD Hoàng Oanh hát Thánh ca, "Năm xưa trên cây sồi" chẳng hạn. Người đi Lễ bảo là Lễ hôm nay hoành tráng, có Đức Cha về làm phép, chủ sự....Mình nói thêm, đâu có Đức Cha ở đấy có lùng tùng xòe.
Lễ hằng tuần thì hãi ở chỗ bài bản vẫn có những phần phăng ra ngoài Phụng Vụ, gọi là bất cần thân thể, nghĩa là Đáp Ca vẫn hát những ca khúc có Tiểu khúc 2,3,4, dựa theo câu 1 mà nhạc sĩ sáng tác viết lời khác bản văn. Theo giải đáp của Quý Ban Tổ chức thì loại bài đó không được.
Đã từ nhiều năm trước, mình biết phải viết Đáp Ca theo Bản văn, nên tất cả những bài hát phổ nhạc Thánh Vịnh của mình, dù là  đầy đủ cho cả 3 năm ABC, mình đã ghi là THÁNH VỊNH, Cảm hứng Thánh Vịnh..Không phải Đáp Ca. Bạn nên hát trong những dịp khác ngoài Đáp Ca.
Vậy mà cho tới nay , biết bao lần họp, có ban  hát cả bài về Đức Mẹ vào phần Đáp Ca. Hiệp Lễ cũng .."phang" luôn Đức Mẹ. Đâu phải Lễ về Đức Mẹ là chọn bài Đức Mẹ thoải mái đâu bạn !
Trong khi đó, từ Hương Trầm mấy cho tới Hương Trầm mười mấy rồi, gần 20 rồi, số nào cũng ca ngợi Bình Ca ngất trời. Bài nào bài ấy chất chứa đầy kiến thức cao siêu hàn lâm mang từ Rô ma về, biết bao công sức , bao năm tháng ăn học mới thu thập được , chả ai áp dụng. Linh mục nhạc sĩ Ân Đức nhận xét là hát Đối Ca trong Thánh Lễ không thành công vì còn xa lạ với người Việt Nam, buồn, người nghe khó hiểu. Nghe  mà thương!
Nói thật chứ Cụ Chant Gregorian vào năm 2013 này như Thánh để trên tòa thôi, vẫn chưa có Ca Trưởng nào tha thiết rước Cụ về nhà, nói chi ca viên sáng tối túi bụi kế sinh nhai nuôi vợ con, nói chi cha xứ mải tính công thợ xây nhà thờ.
Thời @ , ai ê a ?
Ngay ở trong một Đan viện, ngày nay các thầy tu còn đề nghị bài này chọn điệu Slow hợp đấy nhỉ nữa là !
Theo mình thì giáo dân Việt Nam ta bây giờ cứ " Hồng ân Chúa như mưa như mưa, rơi xuống đời con miên man miên man.." là  cả và nhà thờ đồng ca rào rào đầy hứng khởi !
Quanh quẩn với Ca Khúc, cha xứ không nói gì là ô kê con gà đen. Có khi nghe Bình Ca cha còn bảo chúng mày hát nghe chán chết cha chết mẹ !
Cha đi tu cha không biết đâu, chúng con đây này, nghe ca khúc hoài, Hải Triều thì buồn rũ rượi !
Antôn Tiến Linh thì đang....khóc đó ! Pio X làm chứng nhá !
ht.

Thứ Hai, 21 tháng 10, 2013

CPCĐ 21 : ĐÔI ĐIỀU VỀ CA ĐOÀN-CA TRƯỞNG

NS.Antôn TIẾN LINH nhận hoa

ĐÔI ĐIỀU VỀ CA ĐOÀN VÀ CA TRƯỞNG
Trong những năm gần đây, phương tiện thông tin liên lạc đã trở nên nhanh chóng vì sự phát triển của internet.  Những kiến thức về đủ mọi lĩnh vực cũng dễ dàng được tìm thấy…  Trước kia, việc các thanh niên, thiếu nữ gia nhập ca đoàn xứ đạo có thể vì những lý do đơn giản như là vào ca đoàn để tìm kiếm bạn đời cho mình, hay vào ca đoàn để có chỗ ngồi mỗi khi có lễ trọng, hoặc vào ca đoàn để mỗi dịp hè được Cha sở cho đi nghỉ mát…  Nhưng giờ đây, ít nhiều cũng nhờ những phương tiện truyền thông, xem ra họ đã hiểu biết nhiều hơn.  Việc gia nhập ca đoàn bây giờ, các thanh niên, thiếu nữ đã có một ý thức cao hơn và đúng đắn hơn.  Và phần lớn các ca đoàn xứ đạo hiện nay dường như đã hiểu được rằng: tham gia ca đoàn phụng vụ là một việc làm tông đồ, việc Nhà Chúa.  Việc này chỉ đơn giản là việc hát và đàn để phục vụ Thánh lễ, và nói cho đúng, mục đích là để “Tôn vinh Thiên Chúa và thánh hóa các tín hữu” (Huấn thị về Âm nhạc trong phụng vụ 1967, số 4).
Bản thân tôi cũng nhờ mạng lưới internet mà tình cờ đọc được đây đó những bản nội quy dành cho ca đoàn, cả trong và ngoài nước.  Tôi đã sưu tầm và đọc được bảy bản nội quy ca đoàn.  Theo tôi, thì đa số bản nội quy đều tốt cả, không có vấn đề gì phải bàn đến.  Nhưng trong số đó, có hai bản nội quy đưa ra cơ cấu rất chặt chẽ để tổ chức một ca đoàn.  Cơ cấu ấy có điểm chung về phẩm trật quyền hành từ trên xuống dưới, gồm có đoàn trưởng, một hoặc hai đoàn phó (một lo đối nội và một lo đối ngoại), một ủy viên phụng vụ, ca trưởng, ca phó, quản lý, thủ quỹ, các trưởng bè và phó bè (gồm Soprano, Alto, Tenore, Basso).  Một trong hai bản có nhắc đến Cha linh hướng, nhưng không nằm trong cơ cấu tổ chức điều hành.  Vậy đoàn trưởng là người có quyền tối cao trong ca đoàn!   Ca trưởng là một thành viên được điều phối phân công!?  Thoạt nhìn, chúng ta thấy cơ cấu rất lý tưởng, nhưng đối với tôi đây là điều “tưởng là có lý”.

Như đã nói ở trên, nhiệm vụ chính của ca đoàn là lo việc đàn hát sao cho đúng cho hay, để có thể xứng đáng mà “Tôn vinh Thiên Chúa và thánh hóa các tín hữu”.  Ngoài việc này ra, không có gì khác quan trọng hơn.  Ý tôi muốn nói đến những việc linh tinh khác: như thăm bệnh nhân, viếng,  đọc kinh cho người quá cố, đi công tác từ thiện…  Vậy có thể nói, người chịu trách nhiệm chính cho công việc quan trọng này là ca trưởng.  Nói cách khác, tất cả mọi thành phần trong ca đoàn, mọi hình thức cơ cấu tổ chức được làm ra cũng chỉ để hỗ trợ, vun đắp, giúp đỡ cho ca trưởng nhằm mục đích chăm sóc ca đoàn, để hoàn thành trách nhiệm đàn hát này.  Còn nếu như việc đàn hát không phải là chính yếu, thì lúc bấy giờ, ta nên kiếm cái tên gọi khác để thay cho chữ ca đoàn.
Vậy ca trưởng phải như thế nào?  Thật vậy, để đúng vai trò người ca trưởng, thì có rất nhiều đòi hỏi… Theo ý tôi, để được mọi thành phần trong ca đoàn nhịp nhàng sát cánh, không nhiều thì ít, trước hết, ca trưởng phải có năng khiếu âm nhạc; kế đến, phải được học hành chuyên môn một cách tử tế, phải có lòng đạo đức, phải tha thiết với công việc phục vụ; và cuối cùng, là phải hết lòng yêu mến, tin tưởng và tôn trọng ca viên của mình.  Tôi chợt nghĩ, có lẽ vì một số các ca trưởng không đủ kiến thức, hoặc không có các yếu tố như tôi vừa nói, hoặc hát ca đoàn lâu năm rồi mọi người bảo lên đánh nhịp, và cũng có thể vì hoàn cảnh bó buộc phải làm ca trưởng nên mới sinh ra chuyện nội quy “lý tưởng” này…, mà từ đó, đoàn trưởng hoặc ban điều hành có thể mời ca trưởng nào khác về giúp, để luân phiên hoặc thay thế đánh nhịp!  Theo như tôi hiểu, những ca trưởng này hình như chỉ là những người thợ đánh nhịp hoặc giữ nhịp cho ca đoàn hát khỏi phải lộn xộn.  Có thể nói, đây là những anh chị mà “không mợ chợ cũng đông”.  Nhưng ca trưởng thực thụ thì phải là người nắm giữ linh hồn của ca đoàn, mà qua đó thể hiện được linh hồn của tác phẩm mà ca đoàn muốn trình bày.  Vì vậy, thông thường ca đoàn chỉ có một ca trưởng là như thế.  Theo như tôi biết, hầu hết các ca đoàn hoặc dàn nhạc danh tiếng trên thế giới cũng như thế.  Ca trưởng phải quí trọng thời gian của mọi người đã hy sinh đến học hát, cần phải coi buổi học hát là một bữa tiệc âm thanh mà mình có bổn phận phải làm cho phong phú, phải làm cho nó mới mẻ mỗi ngày, để mỗi lần đi học hát là mỗi lần các ca viên có thể học thêm được một cái gì đó, không riêng phương diện chuyên môn mà cả những mối tương quan thông thường nữa.  Vì thế, nếu muốn ca đoàn phát triển cách bền vững thì các ca trưởng thực thụ phải hy sinh nhiều, phải cố gắng không ngừng về mọi mặt, để làm sao cho các ca viên yêu thích việc đi học hát.
Theo một số thông tin ghi nhận bấy lâu nay, phần nhiều các ca đoàn khi bắt đầu thành lập, thì người tuyên bố thành lập thường sẽ là ca trưởng; bởi vì họ chắc chắn phải là người có khả năng ít nhiều trong việc dạy hát…  Tuy là cũng có những trường hợp do ai đó thành lập xong, rồi mời ca trưởng nào đó về huấn luyện.  Nhưng có thể nói là đa số các ca trưởng hiện nay trong các ca đoàn lớn nhỏ ở xứ đạo đều là người thành lập ca đoàn và họ tự chăm sóc.  Thông thường, những ca trưởng này sẽ rất yêu quý ca viên của họ và làm việc một cách tận tình, như vậy mới có thể tốt đẹp được.  Khi đó, ca trưởng hiểu hết các ca viên của mình, biết khả năng hoặc giới hạn của mỗi ca viên và ngay cả những tâm tính của họ nữa.  Từ đó, ca trưởng dễ có cái nhìn tổng quan và dễ dàng có những giải pháp này khác để phát triển ca đoàn.
Nhân đây, xin kể hai câu chuyện nhỏ có thật: một là, tôi có người bạn cũng là nhạc sỹ.  Anh cũng thành lập một ca đoàn đến nay đã hơn mười năm.  Cũng như tôi, anh đã hết lòng yêu quí từng ca viên trong ca đoàn, tha thiết vun đắp mỗi tuần; nào là dạy nhạc cho ca viên; sáng tác bài hát cho hợp phụng vụ; làm sách hát…  Ca đoàn ngày càng phát triển nhân sự, hát ngày càng tốt hơn.  Vì nghĩ rằng muốn cho công việc trôi chảy hơn và có người chia sẻ, nên anh thành lập ban điều hành.  Ban điều hành có đoàn trưởng và hai đoàn phó, một lo nội vụ một lo ngoại vụ, thủ quỹ, mà chưa có các trưởng bè.  Thời gian đầu, những người này rất nhiệt tình, năng nổ.  Việc gì anh ca trưởng đề ra, họ cũng sẵn lòng làm, không nề hà chi.  Chẳng qua, anh đoàn trưởng cũng chẳng biết tí gì về âm nhạc.  Trước đây, anh được ca trưởng kêu gọi vô hát trong ca đoàn là phúc lắm rồi.  Giờ đây, anh được cắt cử lên chức đoàn trưởng!...  Nhưng không lâu sau, một buổi tối, đang khi anh ca trưởng dạy hát cho ca đoàn, anh đoàn trưởng đề nghị tạm nghỉ giữa chừng.  Ca trưởng hỏi lý do, anh trả lời rằng: để ca đoàn đi viếng đọc kinh cho người quá cố trong xứ đạo!   Sau chốc lát ngập ngừng vì sợ ca viên bị hoang mang, anh ca trưởng cũng thuận theo, nhưng trong lòng bao nhiêu bối rối băn khoăn…  Tuần lễ sau, chính anh đoàn trưởng đưa cho anh ca trưởng hai bản nội quy sưu tầm trên mạng, và còn nói thêm rằng: Cha sở đã duyệt và lệnh cho các ca đoàn trong xứ đạo tuân theo kể từ hôm nay.  Thế là quyền tuyệt đối của vị đoàn trưởng được Cha sở chuẩn nhận.  Vài ngày sau đó, anh đã nghe các ca viên xầm xì rằng: đoàn trưởng đang mời ông này, ông kia về dạy nhạc và đánh nhịp cho ca đoàn hát, nếu anh ca trưởng không chịu tùng phục quyền đoàn trưởng của anh ta!  Thật nghiệt ngã!  Tôi được nghe anh ca trưởng tâm sự.  Anh cho rằng nếu mình ra đi lúc này, thì có thể nhiều người sẽ nghĩ mình coi trọng cái “quyền” bấy lâu nay; mà ra đi thì đau đớn lắm!  Điều đó, như cắt đi khúc ruột của mình vậy, vì anh xem ca đoàn cũng như con của mình với biết bao tình yêu dành cho nó… Còn nếu ở lại, thì đúng là không thể làm việc được.  Anh sợ rằng, Cha sở thấy lộn xộn mà giải tán ca đoàn.  Đó là điều mà anh không muốn nhìn thấy.  Tôi đã khuyên anh cứ kiên trì thêm xem.  Bình thường thì các Cha sở thương ca đoàn lắm, không mấy ai nỡ giải tán ca đoàn đâu.  Có thể, Ngài sẽ có một giải pháp nào đó tốt đẹp hơn mình nghĩ…
Ban Hợp xướng Pio X
Chuyện thứ hai là trường hợp của chị ca trưởng nọ, cũng là môn sinh của tôi.  Chị làm ca trưởng một ca đoàn cũng trên dưới mười năm.  Chị không phải là người sáng lập ca đoàn, nhưng là người kế nhiệm.  Chị không biết quyền của đoàn trưởng là thế nào với một ca đoàn chỉ được trên mười người…  cho đến một buổi dạy hát gần đây, đang khi dạy hát thì có một anh ca viên tự nhiên đứng lên ra về, mà không nói cho chị biết gì cả.  Rồi tuần kế tiếp cũng xảy ra chuyện tương tự như vậy, nhưng là một ca viên khác ra về.  Chị thấy như thế là không ổn.  Dẫu sao thì trong một lớp học, nếu học viên có điều chi cần kíp, thì theo phép lịch sự tối thiểu cũng phải xin phép giáo viên đứng lớp trước khi ra ngoài vào giữa giờ.  Đàng này thì không, nên chị đành phải nói đôi lời về việc này.  Đang khi nói, thì anh đoàn trưởng đã ngắt lời rằng chị là ca trưởng thì chị chỉ có việc dạy hát thôi!  Còn những chuyện khác để đoàn trưởng lo!  Anh lấy lý do rằng: các ca viên ra về là đều đã xin phép anh rồi, và khi anh đã cho phép thì cứ việc ra về, không cần phải nói cho ai nữa kể cả ca trưởng trong lúc đang dạy hát…  Đây không phải là vấn đề của quyền hành, nhưng điều này đã làm tổn thương đến uy tín và danh dự của chị.  Chị thấy rằng, không thể tiếp tục được nữa và đã xin nghỉ hẳn ca đoàn, vì theo chị, nếu cứ tiếp tục như thế này, chị sẽ không thể kiểm soát được tình trạng của ca viên, hoặc không thể biết được sự hiện diện của họ, để ước lượng thời gian học hát.  Như vậy, chỉ có phí sức, mà ca đoàn cũng sẽ không thể phát triển nổi!
Đúng thật!  Phải là một ca trưởng mới có thể thông cảm thấu đáo cho một ca trưởng.  Để có một bài hát đưa ra tập cho ca đoàn, cần biết bao nhiêu thứ để chuẩn bị, biết bao tiêu chuẩn phải cân nhắc.  Còn những người khác, nói một cách hàm hồ là chỉ có việc hát hoặc đánh đàn theo như những gì được chỉ dạy của ca trưởng, chẳng cần phải nghĩ ngợi hay lo lắng điều chi.  Chuẩn bị bài hát nghĩa là ta phải tìm kiếm, hoặc sáng tác hoặc chọn bài hát có sẵn, sao cho phù hợp với ý ngày lễ, phù hợp hình thể âm nhạc, phù hợp với động tác phụng vụ lúc đó, phù hợp với khả năng của ca viên, phù hợp khả năng người chơi đàn.  Nếu bài nhạc khó, phải tính đến thời gian tập luyện là bao nhiêu lâu, liệu rằng tất cả ca viên đều có mặt trong các buổi tập theo thời gian được dự tính không, hay là buổi thì người này xin vắng, buổi thì người kia xin nghỉ…  Như vậy, nếu ca trưởng không biết hoặc không quản lý được tình trạng nhân sự, thì sẽ không thể ước tính được thời gian tập luyện phù hợp.  Điều thật dễ hiểu!  Đối với lương tri của ca trưởng, thông thường, không bao giờ dám mạo hiểm cho ca đoàn mình hát những bài hát hoặc bài đàn mà chưa được tập dượt kỹ…  Vì nếu có xảy ra sự cố sai hỏng, thì người bị chê bai trước tiên chính là ca trưởng.  Thật xấu hổ lắm thay!  Đâu mấy ai nói rằng, lỗi này là tại ca đoàn hay là tại ban điều hành!   Nhưng nếu hát tốt, đàn tốt, thì người ta sẽ khen ca đoàn đàn tốt, và hát tốt, chứ đâu có mấy ai nhắc đến những khó nhọc của ca trưởng - người dày công sắp đặt mọi thứ, lo lắng mọi thứ, thời gian tập luyện, nhân sự, ráp nối, dàn dựng, xử lý tác phẩm…!  Nhiều việc như vậy, nhưng thật sự không thể chia sẻ công việc đó cho một ai khác.  Đó là những việc mắt xích bắt buộc phải làm của người chỉ huy; và chỉ một con người chỉ huy phải làm tất cả những việc đó mới có thể đi đến một kết quả như mong muốn.  Nói đến đây, chắc cũng sẽ có người chất vấn rằng: ca trưởng lo nhiều việc như vậy, thì phần nhân sự hãy để cho đoàn trưởng và ban điều hành quản lý cho; nếu thiếu người thì ban điều hành sẽ kêu gọi thêm cho đủ số ca viên…  Tôi không nghĩ như vậy là ổn.  Chắc chắn các ca trưởng có lương tri cũng giống như tôi ở điểm này rằng, ca trưởng thực thụ không quản lý ca viên bằng những con số, nhưng quản lý và chăm sóc họ bằng cách nhận diện rõ mỗi người là một gương mặt đáng yêu và khả năng cụ thể của từng người là như thế nào, giọng ca của mỗi người cao - thấp - trong - đục ra sao, ca viên nào hơi dài hơi ngắn…  Ca trưởng biết rõ ràng từng con người.  Nhờ vậy, ca trưởng mới có thể phân bổ, dàn dựng và xử lý cách hát ở các bè sao cho hay, cho đúng.  Thật vậy, trong mỗi buổi học hát của ca đoàn, nếu có vắng bất kỳ ca viên nào ca trưởng cũng đều biết cả.  Vì mỗi một ca viên là một chất giọng, là một gương mặt, là một khả năng nào đó mà người ca trưởng đã phải hình dung cũng như định đoạt sẵn trong chương trình làm việc của mình.
Cũng có thể sẽ có những ý kiến khác cho rằng, đa số các ca đoàn xứ đạo bây giờ cũng chỉ hát những ca khúc, mà những ca khúc này cộng đoàn già trẻ lớn bé đều quen thuộc cả, lâu lâu mới có một số ít tác phẩm mới, lúc đó mới cần phải tập cho tử tế thôi.  Nói như thế, việc dạy hát một ca khúc một bè hoặc hai bè cũng đâu có phải khổ công nhiều.  Chỉ có những khi gần đến lễ trọng như Giáng sinh, Phục sinh, thì ca đoàn mới cần tập những bài lớn có nhiều bè.  Vậy thì bình thường đi học hát là chỉ để ôn lại những ca khúc, mà nếu có tập luyện để hát mạnh nhẹ, xem ra cũng chẳng cần thiết nữa, bởi vì hầu hết tất cả các bài hát của ca đoàn dùng trong thánh lễ khi hát lên thì cộng đoàn cũng có thể hát theo rồi!   Nếu thế, quả thực người ca trưởng và ca đoàn trong hoàn cảnh này chẳng có gì để bàn.  Họ cũng không thuộc phạm trù lý tưởng của ca trưởng trong bài viết này.
Hơn nữa, chúng ta cũng có thể nói đến một thái cực khác.  Giả như các ca viên và ca trưởng đi hát ca đoàn được trả thù lao xứng đáng với công sức của họ, thì lúc đó mọi thành phần trong ca đoàn sẽ phải có một trách nhiệm nhất định.  Ca trưởng phải được học hành chuyên môn để có thể làm đúng phần việc của mình.  Ca viên được tuyển chọn phải xướng âm giỏi và phải có giọng ca phù hợp với bè của mình, người chơi đàn cũng vậy...  Và như vậy, việc đàn hát của ca đoàn chắc chắn phải là một việc làm nghiêm túc của mọi người trong ca đoàn.  Theo ý tôi, lúc đó mọi cơ cấu tổ chức điều hành dù đơn giản hay phức tạp sẽ dễ dàng được chấp nhận.  Trường hợp này có lẽ là lý tưởng thật, nhưng chắc phải còn lâu lắm ở các cộng đoàn giáo dân Việt Nam chúng ta mới có thể thực hiện được, kể cả các cộng đoàn Việt Nam tại hải ngoại.
Để kết luận, nếu ca đoàn xứ đạo nào có một cơ cấu giống như hai trong số bảy bản nội quy ca đoàn mà tôi đọc được trên mạng, gồm đoàn trưởng, đoàn phó, ca trưởng, trưởng phó bè… để điều hành.  Trong đó, ca trưởng là người chuyên môn, là người có trách nhiệm chính trong vai trò chính của ca đoàn, cũng được chỉ định phân công bởi cơ cấu này.  Như vậy, tôi nghĩ nó chỉ phù hợp với nơi nào không có người có khả năng làm ca trưởng thực thụ, phải nhờ đến những anh chị em “lão làng”, hoặc nhờ những người biết một chút nhạc, hoặc phải nhờ những ca trưởng ở địa phương khác đến giúp…, thậm chí có ca đoàn mời cả sinh viên nhạc viện về làm ca trưởng, mặc dù em này không có đạo!...  Còn đối với một ca đoàn đã có một ca trưởng được học hành chuyên môn một cách tử tế, đáp ứng được những đòi hỏi của một ca trưởng thực thụ thì không thể áp dụng cơ cấu ấy như đã bàn giải ở trên.  Điều này giống như việc đặt lưỡi cầy trước con trâu vậy!   Khi nhìn đến cơ cấu của Hội đồng mục vụ giáo xứ của một xứ đạo, chúng ta cũng thử nghĩ xem, để xứ đạo tốt đẹp thì Hội đồng mục vụ giáo xứ phục tùng Cha sở hay ngược lại?  Tôi nghĩ, giả như có chuyện chẳng lành, Cha sở phán một lời thì Hội đồng cũng chẳng còn ai.  Đó mới là điều bình thường mà không thể có chuyện ngược lại.  Chỉ đơn giản rằng, Hội đồng mục vụ giáo xứ được lập ra để phụ giúp Cha sở chăm sóc xứ đạo.  Theo tôi, ca trưởng thực thụ của một ca đoàn phụng vụ cũng giống như vậy, hoặc có thể nói ca trưởng là một thừa tác viên được Thiên Chúa mời gọi, phú bẩm năng khiếu và tuyển chọn cách riêng mà không phải ai cũng thay thế được.
Ngày 27.5.2013

An-tôn Tiến Linh
(tài liệu từ NS. AntônTiến Linh)
NS.Antôn Tiến Linh và ban Hợp xướng Pio X.
(ảnh: từ Internet)