NS.Antôn TIẾN LINH nhận hoa
Trong những năm gần đây, phương tiện thông tin liên lạc đã trở nên nhanh chóng vì sự phát triển của internet. Những kiến thức về đủ mọi lĩnh vực cũng dễ dàng được tìm thấy… Trước kia, việc các thanh niên, thiếu nữ gia nhập ca đoàn xứ đạo có thể vì những lý do đơn giản như là vào ca đoàn để tìm kiếm bạn đời cho mình, hay vào ca đoàn để có chỗ ngồi mỗi khi có lễ trọng, hoặc vào ca đoàn để mỗi dịp hè được Cha sở cho đi nghỉ mát… Nhưng giờ đây, ít nhiều cũng nhờ những phương tiện truyền thông, xem ra họ đã hiểu biết nhiều hơn. Việc gia nhập ca đoàn bây giờ, các thanh niên, thiếu nữ đã có một ý thức cao hơn và đúng đắn hơn. Và phần lớn các ca đoàn xứ đạo hiện nay dường như đã hiểu được rằng: tham gia ca đoàn phụng vụ là một việc làm tông đồ, việc Nhà Chúa. Việc này chỉ đơn giản là việc hát và đàn để phục vụ Thánh lễ, và nói cho đúng, mục đích là để “Tôn vinh Thiên Chúa và thánh hóa các tín hữu” (Huấn thị về Âm nhạc trong phụng vụ 1967, số 4).
Bản thân tôi cũng nhờ mạng lưới internet mà tình cờ đọc được đây đó những bản nội quy dành cho ca đoàn, cả trong và ngoài nước. Tôi đã sưu tầm và đọc được bảy bản nội quy ca đoàn. Theo tôi, thì đa số bản nội quy đều tốt cả, không có vấn đề gì phải bàn đến. Nhưng trong số đó, có hai bản nội quy đưa ra cơ cấu rất chặt chẽ để tổ chức một ca đoàn. Cơ cấu ấy có điểm chung về phẩm trật quyền hành từ trên xuống dưới, gồm có đoàn trưởng, một hoặc hai đoàn phó (một lo đối nội và một lo đối ngoại), một ủy viên phụng vụ, ca trưởng, ca phó, quản lý, thủ quỹ, các trưởng bè và phó bè (gồm Soprano, Alto, Tenore, Basso). Một trong hai bản có nhắc đến Cha linh hướng, nhưng không nằm trong cơ cấu tổ chức điều hành. Vậy đoàn trưởng là người có quyền tối cao trong ca đoàn! Ca trưởng là một thành viên được điều phối phân công!? Thoạt nhìn, chúng ta thấy cơ cấu rất lý tưởng, nhưng đối với tôi đây là điều “tưởng là có lý”.
Như đã nói ở trên, nhiệm vụ chính của ca đoàn là lo việc đàn hát sao cho đúng cho hay, để có thể xứng đáng mà “Tôn vinh Thiên Chúa và thánh hóa các tín hữu”. Ngoài việc này ra, không có gì khác quan trọng hơn. Ý tôi muốn nói đến những việc linh tinh khác: như thăm bệnh nhân, viếng, đọc kinh cho người quá cố, đi công tác từ thiện… Vậy có thể nói, người chịu trách nhiệm chính cho công việc quan trọng này là ca trưởng. Nói cách khác, tất cả mọi thành phần trong ca đoàn, mọi hình thức cơ cấu tổ chức được làm ra cũng chỉ để hỗ trợ, vun đắp, giúp đỡ cho ca trưởng nhằm mục đích chăm sóc ca đoàn, để hoàn thành trách nhiệm đàn hát này. Còn nếu như việc đàn hát không phải là chính yếu, thì lúc bấy giờ, ta nên kiếm cái tên gọi khác để thay cho chữ ca đoàn.
Vậy ca trưởng phải như thế nào? Thật vậy, để đúng vai trò người ca trưởng, thì có rất nhiều đòi hỏi… Theo ý tôi, để được mọi thành phần trong ca đoàn nhịp nhàng sát cánh, không nhiều thì ít, trước hết, ca trưởng phải có năng khiếu âm nhạc; kế đến, phải được học hành chuyên môn một cách tử tế, phải có lòng đạo đức, phải tha thiết với công việc phục vụ; và cuối cùng, là phải hết lòng yêu mến, tin tưởng và tôn trọng ca viên của mình. Tôi chợt nghĩ, có lẽ vì một số các ca trưởng không đủ kiến thức, hoặc không có các yếu tố như tôi vừa nói, hoặc hát ca đoàn lâu năm rồi mọi người bảo lên đánh nhịp, và cũng có thể vì hoàn cảnh bó buộc phải làm ca trưởng nên mới sinh ra chuyện nội quy “lý tưởng” này…, mà từ đó, đoàn trưởng hoặc ban điều hành có thể mời ca trưởng nào khác về giúp, để luân phiên hoặc thay thế đánh nhịp! Theo như tôi hiểu, những ca trưởng này hình như chỉ là những người thợ đánh nhịp hoặc giữ nhịp cho ca đoàn hát khỏi phải lộn xộn. Có thể nói, đây là những anh chị mà “không mợ chợ cũng đông”. Nhưng ca trưởng thực thụ thì phải là người nắm giữ linh hồn của ca đoàn, mà qua đó thể hiện được linh hồn của tác phẩm mà ca đoàn muốn trình bày. Vì vậy, thông thường ca đoàn chỉ có một ca trưởng là như thế. Theo như tôi biết, hầu hết các ca đoàn hoặc dàn nhạc danh tiếng trên thế giới cũng như thế. Ca trưởng phải quí trọng thời gian của mọi người đã hy sinh đến học hát, cần phải coi buổi học hát là một bữa tiệc âm thanh mà mình có bổn phận phải làm cho phong phú, phải làm cho nó mới mẻ mỗi ngày, để mỗi lần đi học hát là mỗi lần các ca viên có thể học thêm được một cái gì đó, không riêng phương diện chuyên môn mà cả những mối tương quan thông thường nữa. Vì thế, nếu muốn ca đoàn phát triển cách bền vững thì các ca trưởng thực thụ phải hy sinh nhiều, phải cố gắng không ngừng về mọi mặt, để làm sao cho các ca viên yêu thích việc đi học hát.
Theo một số thông tin ghi nhận bấy lâu nay, phần nhiều các ca đoàn khi bắt đầu thành lập, thì người tuyên bố thành lập thường sẽ là ca trưởng; bởi vì họ chắc chắn phải là người có khả năng ít nhiều trong việc dạy hát… Tuy là cũng có những trường hợp do ai đó thành lập xong, rồi mời ca trưởng nào đó về huấn luyện. Nhưng có thể nói là đa số các ca trưởng hiện nay trong các ca đoàn lớn nhỏ ở xứ đạo đều là người thành lập ca đoàn và họ tự chăm sóc. Thông thường, những ca trưởng này sẽ rất yêu quý ca viên của họ và làm việc một cách tận tình, như vậy mới có thể tốt đẹp được. Khi đó, ca trưởng hiểu hết các ca viên của mình, biết khả năng hoặc giới hạn của mỗi ca viên và ngay cả những tâm tính của họ nữa. Từ đó, ca trưởng dễ có cái nhìn tổng quan và dễ dàng có những giải pháp này khác để phát triển ca đoàn.
Nhân đây, xin kể hai câu chuyện nhỏ có thật: một là, tôi có người bạn cũng là nhạc sỹ. Anh cũng thành lập một ca đoàn đến nay đã hơn mười năm. Cũng như tôi, anh đã hết lòng yêu quí từng ca viên trong ca đoàn, tha thiết vun đắp mỗi tuần; nào là dạy nhạc cho ca viên; sáng tác bài hát cho hợp phụng vụ; làm sách hát… Ca đoàn ngày càng phát triển nhân sự, hát ngày càng tốt hơn. Vì nghĩ rằng muốn cho công việc trôi chảy hơn và có người chia sẻ, nên anh thành lập ban điều hành. Ban điều hành có đoàn trưởng và hai đoàn phó, một lo nội vụ một lo ngoại vụ, thủ quỹ, mà chưa có các trưởng bè. Thời gian đầu, những người này rất nhiệt tình, năng nổ. Việc gì anh ca trưởng đề ra, họ cũng sẵn lòng làm, không nề hà chi. Chẳng qua, anh đoàn trưởng cũng chẳng biết tí gì về âm nhạc. Trước đây, anh được ca trưởng kêu gọi vô hát trong ca đoàn là phúc lắm rồi. Giờ đây, anh được cắt cử lên chức đoàn trưởng!... Nhưng không lâu sau, một buổi tối, đang khi anh ca trưởng dạy hát cho ca đoàn, anh đoàn trưởng đề nghị tạm nghỉ giữa chừng. Ca trưởng hỏi lý do, anh trả lời rằng: để ca đoàn đi viếng đọc kinh cho người quá cố trong xứ đạo! Sau chốc lát ngập ngừng vì sợ ca viên bị hoang mang, anh ca trưởng cũng thuận theo, nhưng trong lòng bao nhiêu bối rối băn khoăn… Tuần lễ sau, chính anh đoàn trưởng đưa cho anh ca trưởng hai bản nội quy sưu tầm trên mạng, và còn nói thêm rằng: Cha sở đã duyệt và lệnh cho các ca đoàn trong xứ đạo tuân theo kể từ hôm nay. Thế là quyền tuyệt đối của vị đoàn trưởng được Cha sở chuẩn nhận. Vài ngày sau đó, anh đã nghe các ca viên xầm xì rằng: đoàn trưởng đang mời ông này, ông kia về dạy nhạc và đánh nhịp cho ca đoàn hát, nếu anh ca trưởng không chịu tùng phục quyền đoàn trưởng của anh ta! Thật nghiệt ngã! Tôi được nghe anh ca trưởng tâm sự. Anh cho rằng nếu mình ra đi lúc này, thì có thể nhiều người sẽ nghĩ mình coi trọng cái “quyền” bấy lâu nay; mà ra đi thì đau đớn lắm! Điều đó, như cắt đi khúc ruột của mình vậy, vì anh xem ca đoàn cũng như con của mình với biết bao tình yêu dành cho nó… Còn nếu ở lại, thì đúng là không thể làm việc được. Anh sợ rằng, Cha sở thấy lộn xộn mà giải tán ca đoàn. Đó là điều mà anh không muốn nhìn thấy. Tôi đã khuyên anh cứ kiên trì thêm xem. Bình thường thì các Cha sở thương ca đoàn lắm, không mấy ai nỡ giải tán ca đoàn đâu. Có thể, Ngài sẽ có một giải pháp nào đó tốt đẹp hơn mình nghĩ…
Ban Hợp xướng Pio X
Chuyện thứ hai là trường hợp của chị ca trưởng nọ, cũng là môn sinh của tôi. Chị làm ca trưởng một ca đoàn cũng trên dưới mười năm. Chị không phải là người sáng lập ca đoàn, nhưng là người kế nhiệm. Chị không biết quyền của đoàn trưởng là thế nào với một ca đoàn chỉ được trên mười người… cho đến một buổi dạy hát gần đây, đang khi dạy hát thì có một anh ca viên tự nhiên đứng lên ra về, mà không nói cho chị biết gì cả. Rồi tuần kế tiếp cũng xảy ra chuyện tương tự như vậy, nhưng là một ca viên khác ra về. Chị thấy như thế là không ổn. Dẫu sao thì trong một lớp học, nếu học viên có điều chi cần kíp, thì theo phép lịch sự tối thiểu cũng phải xin phép giáo viên đứng lớp trước khi ra ngoài vào giữa giờ. Đàng này thì không, nên chị đành phải nói đôi lời về việc này. Đang khi nói, thì anh đoàn trưởng đã ngắt lời rằng chị là ca trưởng thì chị chỉ có việc dạy hát thôi! Còn những chuyện khác để đoàn trưởng lo! Anh lấy lý do rằng: các ca viên ra về là đều đã xin phép anh rồi, và khi anh đã cho phép thì cứ việc ra về, không cần phải nói cho ai nữa kể cả ca trưởng trong lúc đang dạy hát… Đây không phải là vấn đề của quyền hành, nhưng điều này đã làm tổn thương đến uy tín và danh dự của chị. Chị thấy rằng, không thể tiếp tục được nữa và đã xin nghỉ hẳn ca đoàn, vì theo chị, nếu cứ tiếp tục như thế này, chị sẽ không thể kiểm soát được tình trạng của ca viên, hoặc không thể biết được sự hiện diện của họ, để ước lượng thời gian học hát. Như vậy, chỉ có phí sức, mà ca đoàn cũng sẽ không thể phát triển nổi!Đúng thật! Phải là một ca trưởng mới có thể thông cảm thấu đáo cho một ca trưởng. Để có một bài hát đưa ra tập cho ca đoàn, cần biết bao nhiêu thứ để chuẩn bị, biết bao tiêu chuẩn phải cân nhắc. Còn những người khác, nói một cách hàm hồ là chỉ có việc hát hoặc đánh đàn theo như những gì được chỉ dạy của ca trưởng, chẳng cần phải nghĩ ngợi hay lo lắng điều chi. Chuẩn bị bài hát nghĩa là ta phải tìm kiếm, hoặc sáng tác hoặc chọn bài hát có sẵn, sao cho phù hợp với ý ngày lễ, phù hợp hình thể âm nhạc, phù hợp với động tác phụng vụ lúc đó, phù hợp với khả năng của ca viên, phù hợp khả năng người chơi đàn. Nếu bài nhạc khó, phải tính đến thời gian tập luyện là bao nhiêu lâu, liệu rằng tất cả ca viên đều có mặt trong các buổi tập theo thời gian được dự tính không, hay là buổi thì người này xin vắng, buổi thì người kia xin nghỉ… Như vậy, nếu ca trưởng không biết hoặc không quản lý được tình trạng nhân sự, thì sẽ không thể ước tính được thời gian tập luyện phù hợp. Điều thật dễ hiểu! Đối với lương tri của ca trưởng, thông thường, không bao giờ dám mạo hiểm cho ca đoàn mình hát những bài hát hoặc bài đàn mà chưa được tập dượt kỹ… Vì nếu có xảy ra sự cố sai hỏng, thì người bị chê bai trước tiên chính là ca trưởng. Thật xấu hổ lắm thay! Đâu mấy ai nói rằng, lỗi này là tại ca đoàn hay là tại ban điều hành! Nhưng nếu hát tốt, đàn tốt, thì người ta sẽ khen ca đoàn đàn tốt, và hát tốt, chứ đâu có mấy ai nhắc đến những khó nhọc của ca trưởng - người dày công sắp đặt mọi thứ, lo lắng mọi thứ, thời gian tập luyện, nhân sự, ráp nối, dàn dựng, xử lý tác phẩm…! Nhiều việc như vậy, nhưng thật sự không thể chia sẻ công việc đó cho một ai khác. Đó là những việc mắt xích bắt buộc phải làm của người chỉ huy; và chỉ một con người chỉ huy phải làm tất cả những việc đó mới có thể đi đến một kết quả như mong muốn. Nói đến đây, chắc cũng sẽ có người chất vấn rằng: ca trưởng lo nhiều việc như vậy, thì phần nhân sự hãy để cho đoàn trưởng và ban điều hành quản lý cho; nếu thiếu người thì ban điều hành sẽ kêu gọi thêm cho đủ số ca viên… Tôi không nghĩ như vậy là ổn. Chắc chắn các ca trưởng có lương tri cũng giống như tôi ở điểm này rằng, ca trưởng thực thụ không quản lý ca viên bằng những con số, nhưng quản lý và chăm sóc họ bằng cách nhận diện rõ mỗi người là một gương mặt đáng yêu và khả năng cụ thể của từng người là như thế nào, giọng ca của mỗi người cao - thấp - trong - đục ra sao, ca viên nào hơi dài hơi ngắn… Ca trưởng biết rõ ràng từng con người. Nhờ vậy, ca trưởng mới có thể phân bổ, dàn dựng và xử lý cách hát ở các bè sao cho hay, cho đúng. Thật vậy, trong mỗi buổi học hát của ca đoàn, nếu có vắng bất kỳ ca viên nào ca trưởng cũng đều biết cả. Vì mỗi một ca viên là một chất giọng, là một gương mặt, là một khả năng nào đó mà người ca trưởng đã phải hình dung cũng như định đoạt sẵn trong chương trình làm việc của mình.
Cũng có thể sẽ có những ý kiến khác cho rằng, đa số các ca đoàn xứ đạo bây giờ cũng chỉ hát những ca khúc, mà những ca khúc này cộng đoàn già trẻ lớn bé đều quen thuộc cả, lâu lâu mới có một số ít tác phẩm mới, lúc đó mới cần phải tập cho tử tế thôi. Nói như thế, việc dạy hát một ca khúc một bè hoặc hai bè cũng đâu có phải khổ công nhiều. Chỉ có những khi gần đến lễ trọng như Giáng sinh, Phục sinh, thì ca đoàn mới cần tập những bài lớn có nhiều bè. Vậy thì bình thường đi học hát là chỉ để ôn lại những ca khúc, mà nếu có tập luyện để hát mạnh nhẹ, xem ra cũng chẳng cần thiết nữa, bởi vì hầu hết tất cả các bài hát của ca đoàn dùng trong thánh lễ khi hát lên thì cộng đoàn cũng có thể hát theo rồi! Nếu thế, quả thực người ca trưởng và ca đoàn trong hoàn cảnh này chẳng có gì để bàn. Họ cũng không thuộc phạm trù lý tưởng của ca trưởng trong bài viết này.
Hơn nữa, chúng ta cũng có thể nói đến một thái cực khác. Giả như các ca viên và ca trưởng đi hát ca đoàn được trả thù lao xứng đáng với công sức của họ, thì lúc đó mọi thành phần trong ca đoàn sẽ phải có một trách nhiệm nhất định. Ca trưởng phải được học hành chuyên môn để có thể làm đúng phần việc của mình. Ca viên được tuyển chọn phải xướng âm giỏi và phải có giọng ca phù hợp với bè của mình, người chơi đàn cũng vậy... Và như vậy, việc đàn hát của ca đoàn chắc chắn phải là một việc làm nghiêm túc của mọi người trong ca đoàn. Theo ý tôi, lúc đó mọi cơ cấu tổ chức điều hành dù đơn giản hay phức tạp sẽ dễ dàng được chấp nhận. Trường hợp này có lẽ là lý tưởng thật, nhưng chắc phải còn lâu lắm ở các cộng đoàn giáo dân Việt Nam chúng ta mới có thể thực hiện được, kể cả các cộng đoàn Việt Nam tại hải ngoại.
Để kết luận, nếu ca đoàn xứ đạo nào có một cơ cấu giống như hai trong số bảy bản nội quy ca đoàn mà tôi đọc được trên mạng, gồm đoàn trưởng, đoàn phó, ca trưởng, trưởng phó bè… để điều hành. Trong đó, ca trưởng là người chuyên môn, là người có trách nhiệm chính trong vai trò chính của ca đoàn, cũng được chỉ định phân công bởi cơ cấu này. Như vậy, tôi nghĩ nó chỉ phù hợp với nơi nào không có người có khả năng làm ca trưởng thực thụ, phải nhờ đến những anh chị em “lão làng”, hoặc nhờ những người biết một chút nhạc, hoặc phải nhờ những ca trưởng ở địa phương khác đến giúp…, thậm chí có ca đoàn mời cả sinh viên nhạc viện về làm ca trưởng, mặc dù em này không có đạo!... Còn đối với một ca đoàn đã có một ca trưởng được học hành chuyên môn một cách tử tế, đáp ứng được những đòi hỏi của một ca trưởng thực thụ thì không thể áp dụng cơ cấu ấy như đã bàn giải ở trên. Điều này giống như việc đặt lưỡi cầy trước con trâu vậy! Khi nhìn đến cơ cấu của Hội đồng mục vụ giáo xứ của một xứ đạo, chúng ta cũng thử nghĩ xem, để xứ đạo tốt đẹp thì Hội đồng mục vụ giáo xứ phục tùng Cha sở hay ngược lại? Tôi nghĩ, giả như có chuyện chẳng lành, Cha sở phán một lời thì Hội đồng cũng chẳng còn ai. Đó mới là điều bình thường mà không thể có chuyện ngược lại. Chỉ đơn giản rằng, Hội đồng mục vụ giáo xứ được lập ra để phụ giúp Cha sở chăm sóc xứ đạo. Theo tôi, ca trưởng thực thụ của một ca đoàn phụng vụ cũng giống như vậy, hoặc có thể nói ca trưởng là một thừa tác viên được Thiên Chúa mời gọi, phú bẩm năng khiếu và tuyển chọn cách riêng mà không phải ai cũng thay thế được.
Ngày 27.5.2013
An-tôn Tiến Linh
(tài liệu từ NS. AntônTiến Linh)
NS.Antôn Tiến Linh và ban Hợp xướng Pio X. (ảnh: từ Internet) |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét