#Stats1 ul{margin:0;border:0;padding:0;height:32px;background:url(//goo.gl/ZHG881) no-repeat 0 -34px} #Stats1 li{margin:10px 0;border:0;padding:0 0 0 40px;list-style-type:none} #totalComments{height:32px;background:url(//goo.gl/ZHG881) no-repeat} #totalCount{height:32px;background:url(//goo.gl/ZHG881) no-repeat 0 -68px}

Thứ Năm, 17 tháng 10, 2013

MỘT HỌC TRÒ CÓ NHIỀU THẦY CÔ -2-



MỘT HỌC TRÒ CÓ NHIỀU THẦY CÔ -2-
 Lm. Piô Ngô Phúc Hậu
Trích BGCN/TGPSG 7/2012

1/ Thầy Philipphê
Được Thầy tuyển chọn, Philipphê mừng quá vội chạy đi khoe với Nathanael: “Đấng mà Môi-sê và các ngôn sứ nói, tớ vừa mới gặp. Đó là Đức Giê-su, con ông Giuse, người làng Nagiarét”. Nghe nói đến Nagiarét, Nathanael cười muốn bể bụng: “Nagiarét có gì hay đâu?”. Quả vậy, mọi ngôn sứ, mọi nhân tài đều xuất thân từ Samari và Giuđê. Galilê quê một cục. Nagiarét quê hai-ba cục. Lịch sử minh chứng điều đó. Nagiarét quê mùa tới mức độ người Ai Cập cũng biết và có một câu ngạn ngữ nói về cái quê mùa ấy của Nagiarét: “Thằng đàn ông nào mà ông Trời ghét nhất thì được ông ấy cho một người vợ Nagiarét”, Nghĩa là đời nó tàn.
 Nathanael nói đúng quá, Philipphê đành ngậm tăm. Nhưng may quá, anh ta lại nảy ra một sáng kiến: “thì cậu cứ đến mà xem”. Philipphê dẫn Nathanael đến gặp Đức Giêsu… Thế là xong. Nathanael cúi đầu trước Đức Giê-su Nagiarét: Quả thật, Thầy là Con Chiên Thiên Chúa hằng sống”. Philipphê lật thế cờ từ thua đậm thành thắng lớn.
 Thấy Philipphê hí hửng sung sướng, mình nghĩ ngay đến chiến thuật bất ngờ của ông ta: “Cái gì mình thấy bí thì trao cho Đức Giê-su. Hễ gặp khó khăn vượt tầm tay thì nhờ Đức Giê-su giải quyết. Tâm hồn nào cứng cỏi mình không chinh phục được, thì cứ gửi gắm cho Đức Giê-su. Thế là xong”.
 Trên đường truyền giáo, mình bắt chước Philipphê và thấy kết quả đến ngay trước mắt. Tự nhiên mình cảm thấy Philipphê như một người đàn anh giàu kinh nghiệm. Bất giác mình gọi ông là “thầy giáo của mình”.

2/ Cô giáo Pearl Buck
Pearl Buck là con của một cặp vợ chồng người Mỹ sang truyền giáo ở Trung Quốc. Sống ở đấy và lớn lên ở đấy. Bà am tường văn hóa Trung Hoa như người Tàu và hơn người Tàu. Bà là nhà văn được giải Nobel.
 Mình biết bà từ khi đọc cuốn La Mère (Người mẹ) rồi cuốn Good Earth (Đất lành). Nhờ bà mình có thêm mớ kiến thức về văn hóa Đông Tây. Nhờ bà mình có được nhiều chuyện dí dỏm để trình bày Tin Mừng.
 Khi đọc cuốn Những người đàn bà vĩ đại của dòng họ Kennedy, mình khám phá ra một chân trời mới: một phương pháp truyền giáo khá mới lạ.
 Bà Pearl Buck là bạn thân của mẹ Tổng Thống Kennedy. Bà Pearl Buck là tín đồ Tin Lành nên mặc nhiên là chống Thánh lễ Misa và chức linh mục: coi chức linh mục là phạm thánh. Bà mẹ Tổng Thống Kennedy là một tín đồ Công giáo: Rất nhiệt thành, rất ham đi dâng lễ.
 Một lần kia bà mẹ Tổng Thống Kennedy mời bà Pearl Buck đi dự lễ. Đó là điều tối kỵ đối với tín đồ Tin Lành. Bà Pearl Buck nể bạn mà đi. Nhưng trong thâm tâm thì cứ thấy lợn cợn.
 Sau lần dâng lễ ấy, bà Pearl Buck thú nhận: :Thánh lễ Misa của đạo Công giáo Rôma ru tâm hồn con người vào thế giới thần linh thật”.
 Thay vì chống đối và kết án, bà Pearl Buck lại khen ngợi và tôn vinh, tại sao lại có một hiệu quả ngược chiều như thế? Mình ngẫm nghĩ và thấy rằng chính Đức Giê-su trong Bí tích Thánh Thể đã chinh phục bà Pearl Buck. Từ sự kiện ấy, mình quyết tâm mời người lương đi dự lễ, lễ cưới, lễ truyền giáo, lễ bổn mạng họ đạo…  mình động viên giáo dân mời tối đa bạn lương dân đến tham dự.
 Mình nhận định như sau:
·        Ai ghét đạo mà đi lễ thì thôi ghét.
·        Ai vô tâm vô tình với đạo mà đi lễ, thì có thiện cảm với đạo
·        Ai có thiện cảm với đạo mà đi lễ, thì sẽ xin theo đạo.
Kết quả đó là do chính Đức Giê-su Thánh Thể thực hiện.
 Một lần kia mình tổ chức lễ 20/11, mình gọi là ngày nhớ ơn thầy. Ai trong họ đạo từ nhỏ tới lớn đã từng học với thầy cô nào, thì mời đến nhà thờ dự lễ để cha sở có điều kiện cám ơn chung một lần. Sau thánh lễ các cô phát biểu: “Cha ơi, chings con khóc hết, chịu không nổi. Cả nhà thờ chùng đứng, cùng ngồi, cùng hát, cùng im lặng. Nhât là khi các em cùng cầu nguyện xin Chúa chúc lành cho thầy cô chúng con”. Các thầy thì không khóc, nhưng thành thật công nhận: “Ấn tượng quá linh mục ơi!”.
Bà Pearl Buck ơi, nhờ bà mà tôi mới nghĩ ra cách truyền giáo này. Cám ơn bà! Xin bà cho tôi gọi bà là cô giáo của tôi.

3/ Thày “Cằm đàn ông”
Tòa Giám mục Hưng Hóa nhận được tin vui nửa vời từ nhà thờ Sapa: Nhà nước đã chấp thuận cho giải tỏa kh dân cư tọa lạc trên đất của nhà thờ. Nhưng với điều kiện là phải bồi thường cho dân đang tọa lạc trên đất giải tỏa. Số tiền bồi hoàn cho dân là 12 tỉ. Nếu nhà thờ không có khả năng bồi hoàn, thì nhà nước xử dụng mảnh đất này vào mục đích khác.
Nghe tin, ai nấy đều mừng nhưng vẫn ngơ ngác. Mười hai tỉ - Nợ sẽ ngập đầu. Lo được không? Không lo được thì mất trắng. Công cốc. Có một người hỏi ướm thử Đức cha Gioan:
-         Quỹ giáo phận còn tiền không?
-         Quỹ giáo phận Hưng Hóa giống như cái cằm đàn ông. Râu vừa lún phún thò ra thì đã phải cạo. Cạo trơn tru rồi, râu lại mọc ra nữa. Giáo phận có đồng nào thì xào đồng nấy. Chẳng lúc nào có tiền. Nhưng nếu cần tiền thì lại có.        
Mình chả có ý kiến gì, chỉ tủm tỉm cười.
Lấy cái cằm đàn ông để ví von về quỹ giáo phận thì hay quá, đúng quá. Mình đã lăn lộn với công tác truyền giáo chẵn bốn mươi năm tại miền cuối Việt. Mình đã thấy rõ như ban ngày là chẳng bao giờ có tiền, nhưng chẳng bao giờ thiếu tiền. Nếu cần, thì Chúa cho. Cho theo kiểu của Ngài.
1* Cho đúng lúc, hoặc cho trước, hoặc cho sau một chút.
2* Cho vừa đủ, hoặc thiếu một tí, chứ không bao giờ cho dư.
Từ hôm nay, mình nhận định: quỹ truyền giáo của mình giồng như cái cằm của đàn ông. Đúng quá! Cám ơn “cái cằm đàn ông”. Từ nay ta gọi mi là thầy giáo của ta.
Hiện nay giáo phận Hưng Hóa đang loay hoay với vụ nhà thờ Sapa. Biện pháp đầu tiên là đi vay. Vay các cha xứ, vay giáo dân. Vay người giầu, vay cả người nghèo. Kết quả ra sao? Mình chả biết. Nhưng có một người biết rất rõ. Đó là cái cằm đàn ông.

Không có nhận xét nào: