#Stats1 ul{margin:0;border:0;padding:0;height:32px;background:url(//goo.gl/ZHG881) no-repeat 0 -34px} #Stats1 li{margin:10px 0;border:0;padding:0 0 0 40px;list-style-type:none} #totalComments{height:32px;background:url(//goo.gl/ZHG881) no-repeat} #totalCount{height:32px;background:url(//goo.gl/ZHG881) no-repeat 0 -68px}

Chủ Nhật, 6 tháng 10, 2013

HOÀI NIỆM CHA

Ba tôi thời trẻ (Hà Nội,1951).
Mai là ngày Giỗ Ba.
Mình mất cha lâu rồi nhưng hồi ức về người không bao giờ phai.
Cuộc đời Ba mình đáng lẽ ra vui vẻ,an hòa, sống lâu, tài giỏi , làm được nhiều việc.
Tại kể từ ngày 30 tháng 4 năm 1975, nhà nghèo quá, Ba thèm cơm trắng không có, thiếu thịt, cá, mực tôm...thiếu đủ thứ dinh dưỡng, đâm ho lao, người đã cao lại càng thêm gầy gò lỏng khỏng.
Buồn vì chẳng còn thịt chó. Cây Còn của bà Thục đã đóng cửa.
Răng rụng hết, đi làm về Ba ngồi buồn, nhâm nhi với bơ đậu phộng, cho vào miệng mà nún.
Ba cũng thường nhắm rượu với quả Olive ngâm.
Ba không say sưa bao giờ, cách uống rượu của Ba , nhà gọi là nhắm rượu.
Mợ là người nếm rượu cho Ba. Hễ Mợ bằng lòng thì Ba ...ô kê.
Ba đâu phải là một người đàn ông chỉ có đi làm kiếm tiền về nuôi vợ con.
Hồi đó, mình còn bé, hay xem album gia đình, trong đó có nhiều tấm ảnh chụp Ba mặc đồ vét, đứng diễn thuyết trước một đám đông bạt ngàn, chỉ thấy đầu là đầu. Ba làm việc nơi này nơi kia, tiếp xúc người này người nọ.Vợ con thay đổi chỗ ở  xoành xoạch. Ba đi công tác ở đâu, chính phủ cấp nhà ở đó.
Mợ sinh chị lớn ở Thái Nguyên, anh kế ở Saigon, hai người này cách nhau một năm. Bảy năm sau ở Hà Nội, mợ sinh mình, đi Hải Phòng sinh thằng em, lên Đà Lạt sinh em nữa, xuống Saigon sinh thêm đứa con thứ sáu, trở lên Đơn Dương sinh gái út.Vị chi Cụ có 7 người con, mỗi đứa ra đời ở một nơi cách xa nhau, từ Bắc vô Nam, lên rừng xuống biển, từ quê ra phố, có hết.
Ba viết chữ rất đẹp, ngay ngắn, thẳng thắn, đứng đắn, khuôn khổ, có nét sổ đậm như font commerce.
Mấy đứa con, đứa nào cũng phải tập viết chữ đẹp. Trong nhà mình, không ai viết chữ xấu, nhưng mỗi người có một nét chữ khác nhau, nghĩa là có tập, nhưng không đứa nào bắt chước hay rập khuôn đứa nào.Nói chung, là con Ba phải viết chữ đẹp.
Vậy 75 làm sao khiến Ba mình buồn ? Đó là tại Ba mất việc ở nơi đang ưng ý, thuận lợi và thích hợp đó thôi.
Mọi công chức thời ấy đều như vậy. Ba mình là một secrétaire mẫn cán, lịch thiệp, chẳng làm gì nên tội cả, thế nhưng nỗi buồn thời cuộc đã phá tan tành mọi niềm vui, cho dù là niềm vui giản dị của một thường dân tử tế. Ba nhìn vợ con vất vả kiếm ăn Ba buồn. Chắc nhiều cái buồn khác nữa chớ !
Cố sống với chế độ mới. Ba phải cố sống. Được có 3 năm.
Rồi Ba bệnh, Ba mất. Ba đi vào sáng ngày lễ Đức Mẹ Mân Côi.
A ha, Mẹ Mân Côi bảo con đi về đi, lo cho Ba con. Con ở với Mẹ chả bằng đâu.
Mình rời xa nhà Mẹ Mân Côi về năm trước, năm sau Ba mất.
Có hai cha ( cha Vũ Đình Trác, BT Dòng MC và cha Đinh văn Vãng, phụ tá) tới tận nhà dâng Lễ cho Ba.
Cha con ở bên nhau vỏn vẹn có hơn một năm trời.
Thế bài này mới có đoạn kể  mỗi chiều đi làm về, Ba nhâm nhi buồn với tí bơ đậu phộng, hoặc mấy quả olive ngâm.
Ôi, những năm cuối đời Ba tôi sao buồn thế ! Gia đình tôi bấy giờ sao buồn thế !
Tôi cứ thường phải cố quên đi......nhưng vì nhớ Ba, ngày nào mình cũng đi Lễ cầu cho Ba, cho chị, cho em, cho cháu.......
Mai lại đến ngày Giỗ Ba ...
ht.
7.10.1979: Cha Vãng làm phép xác cho Ba. Hai anh em ốm đói đứng thưa.

Không có nhận xét nào: