#Stats1 ul{margin:0;border:0;padding:0;height:32px;background:url(//goo.gl/ZHG881) no-repeat 0 -34px} #Stats1 li{margin:10px 0;border:0;padding:0 0 0 40px;list-style-type:none} #totalComments{height:32px;background:url(//goo.gl/ZHG881) no-repeat} #totalCount{height:32px;background:url(//goo.gl/ZHG881) no-repeat 0 -68px}

Thứ Năm, 17 tháng 10, 2013

TẢN MẠN VỀ VATICANÔ II


TẢN MẠN VỀ VATICANÔ II
 Nhật Ký Truyền Giáo
Lm. Piô Ngô Phúc Hậu

Sài Gòn, ... 1962

Hôm nay Chủng viện Sàigòn đón tiếp Đức cha Trần Văn Thiện mới từ Rôma về và xin ngài kể chuyện Công đồng. Chuyện ngài kể nóng hổi như viên gạch mới ra lò. Nhưng điều mình thích thú lại là chuyện bên lề Công đồng. Chuyện kể như sau :
 “Các nghị phụ thuyết trình bằng tiếng Latinh. Văn chương Latinh của các nghị phụ thì xuýt xoát như nhau. Nhưng giọng Latinh của các ngài thì trời ơi đất hỡi. Nhất là khi các nghị phụ Mỹ thuyết trình, thì chỉ có Chúa nghe thôi. Vả lại mình đã có bản dịch tiếng Pháp cầm trong tay rồi, nên nghe hay không nghe cũng được. Ngồi lâu buồn ngủ, tôi xuống phòng giải khát được thiết lập ngay bên dưới những hàng ghế bậc thang. Không ngờ lại gặp một Đức cha người Pêru cũng vừa "cúp cua" xuống đây.
 Tôi đến nói chuyện với ngài. Ngài nói tiếng Tây Ban Nha, tôi không hiểu. Tôi nói tiếng Pháp, ngài không hiểu. Chúng tôi đành nói chuyện bằng tiếng Latinh, tiếng Latinh ba cọc ba đồng, nhưng cũng hiểu được nhau :
 - Địa phận của Đức cha có bao nhiêu dân ?
 - Một triệu rưỡi.
 - Trong số đó có bao nhiêu giáo dân ?
 - Thì một triệu rưỡi chứ còn gì. 100% mà !
 - Thế địa phận Đức cha có bao nhiêu linh mục ?
 - Mười ba, cộng với tôi là mười bốn.
 - ? !
 Tình hình Công giáo ở Mỹ châu Latinh là như thế đó. Phải có Công đồng để làm lại mọi sự".
 Gần một nửa dân số Công giáo thế giới nằm trong vùng Mỹ châu Latinh. Nhưng đạo ở đó èo uột như thế đấy. Có cần phải trở về quá khứ để duyệt lại phương pháp truyền giáo ở đó không nhỉ ?

****
 Hà Nội,... 1993

Hôm nay mình vô chủng viện Hà Nội. Tình cờ gặp lại cha Chí từ Sàigòn mới ra. Hồi còn học ở trường Hồ Ngọc Cẩn, cha Chí ngồi dưới mình một lớp. Gần bốn chục năm xa cách hôm nay gặp lại nhau, biết để đâu cho hết chuyện tâm sự. Chuyện nọ xọ chuyện kia. Loanh quanh một hồi, rồi đến chuyện Công đồng. Cha Chí kể :
 “Hôm ấy là một ngày mùa đông. Mùa đông bên ấy lạnh lắm, nên cửa kính đóng im ỉm. Đóng cửa kính, thì căn phòng ấm áp, nhưng… hôi lắm. Và hôm ấy Đức Gioan 23 đang tiếp kiến một vị Hồng y. Đức Giáo Hoàng ngỏ ý muốn mở Công đồng, Công đồng Vaticanô II. Đức Hồng y sửng sốt hỏi :
 - Đức Thánh Cha mở Công đồng để làm chi vậy ?
 - Để làm chi hả ? Đây này... (Đức Giáo Hoàng đứng dậy ra mở cửa sổ cho không khí trong sạch tràn vào). Đấy, thấy chưa ? Ngộp quá rồi mà !...”
 Không biết cha Chí kể chuyện thật hay chuyện tiếu lâm, nhưng chắc chắn là Giáo hội phải canh tân và đó là mục tiêu của Vaticanô II. Nhưng Vaticanô II bế mạc 30 năm rồi mà dường như công việc canh tân vẫn chưa đạt tiêu chuẩn. Tại sao ? Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trả lời dứt khoát trong Thông điệp “Sứ vụ Đấng Cứu độ”.
 “Sứ vụ truyền giáo canh tân Giáo hội, tăng cường niềm tin và căn tính người Kitô hữu, đem lại diệu cảm mới và những động lực mới. Niềm tin càng mạnh khi đem chia sẻ" (SVĐCĐ, 2). Từ đó mình xác tín rằng : nếu Giáo hội không đến với muôn dân, thì Giáo hội không thể canh tân được; hoặc mọi công tác canh tân sẽ trở nên vô hiệu. Nếu không đến với muôn dân, Giáo hội sẽ mãi mãi là căn phòng mùa đông, cửa kính đóng im ỉm.

Không có nhận xét nào: