#Stats1 ul{margin:0;border:0;padding:0;height:32px;background:url(//goo.gl/ZHG881) no-repeat 0 -34px} #Stats1 li{margin:10px 0;border:0;padding:0 0 0 40px;list-style-type:none} #totalComments{height:32px;background:url(//goo.gl/ZHG881) no-repeat} #totalCount{height:32px;background:url(//goo.gl/ZHG881) no-repeat 0 -68px}

Thứ Ba, 29 tháng 10, 2013

TÔI THƯỜNG RA VÔ KHÁM CHÍ HÒA

Đi theo đường hầm này để đến bực thang vòng vo dẫn lên lầu.
Lớp dạy chữ cho thiếu nhi phạm pháp nằm ở tầng  Hai.

Tôi đã thường ra vô khám Chí Hòa.
Đó là thời gian từ cuối năm 1974 sang đầu năm 1975, tôi nhận bài sai sếp Nhất cử vào Chí Hòa dạy học cho trẻ con trong khám. Đó là  một lớp gồm các Thiếu Nhi Phạm Pháp, chính xác hơn là mỗi tuần hai buổi đều đặn tôi vào dạy chữ cho một đám con nít chuyên ăn cắp, ăn trộm, ăn cướp. Vì hằng ngày chúng bận làm các việc đó nên không có thời giờ đi đến trường lớp với các bạn cùng tuổi. Sau một thời gian hành nghề thì chúng gặp hạn, gặp xui, gặp cảnh sát, bị bắt bỏ vào đây. Trong nhà tù có khoảng 50 trẻ như thế, tôi vào để cầm tay từng cháu dạy tô, đồ, viết , dạy cho các cháu đọc chữ Quốc ngữ, học làm toán Cộng Trừ. Đứa lớn nhất chỉ 12, bé nhất có cu cậu lên 9.
Vài buổi đầu vào lớp, khi các thiếu nhi phạm pháp đang cắm cúi xuống trang vở để tập viết hoặc làm toán, tôi thường kín đáo ngắm từng đứa, có ý tò mò xem đầu chúng có giống đầu trâu và mặt chúng có giống mặt ngựa không.
Nhiều lần như thế là tôi đã nhận diện được từng khuôn mặt học trò của tôi và thuộc tên từng đứa.
Thậm chí tôi còn có thể nhớ bàn tay một vài bé có ghẻ ở  ngón nào.
Hầu như tất cả chúng nó đều ghẻ, ghẻ kinh ! Mùi ghẻ toát ra từ cơ thể lũ trẻ bao gồm các thứ hoi hoi, tanh tanh, lờ lợ, giống như mùi mủ và máu ở những bệnh nhân phong, nhưng cô quánh hơn, nồng hơn, vì chỗ ở tù túng hơn. Buổi đầu vào lớp tôi muốn ọe. Buổi tiếp theo nhờ nhìn vào những đôi mắt thơ ngây , tôi quên được mùi nhà tù. Đến buổi thứ ba thì cô trò bắt đầu trò chuyện. Tôi vẫn luôn là một cô giáo trẻ ngây thơ ở tuổi đôi mươi lần đầu tiếp xúc với những khốn cùng của xã hội. Mặc dù rất muốn tìm hiểu tất cả cuộc đời các cháu để tìm cách giúp các cháu sống tốt hơn chứ không hẳn là dạy chữ, sợ ban giám đốc khiển trách, tôi chỉ dám len lén hỏi thăm riêng từng trường hợp phạm pháp, mỗi khi cúi xuống trang vở trắng, giả vờ chỉ dạy cháu.
Khi nhìn vào mắt chúng, tôi biết chúng luôn trả lời những câu tôi hỏi một cách rất thật thà.Vả lại, có vẻ chúng cũng mến tôi vì nơi tôi có sự  trắc ẩn, gần gũi chúng.
Chúng không ngờ được là trong lòng, tôi coi chúng như cháu, như em tôi vậy, làm sao tôi có thể xa lánh chúng được. Thực sự là chúng đáng được yêu thương hơn trẻ con ngoài xã hội, những trẻ đang được cha mẹ bao bọc đầm ấm. Tôi yêu chúng.
Tôi đã có một bảng thống kê như sau :
Bé nam nhiều hơn bé nữ.
Thông thường tội chúng là giựt đồ ngoài bến xe, chợ búa, cửa hàng đông người qua lại.
Đa số là con nhà nghèo hoặc mồ côi.
Hầu hết là ...khôi ngô, xinh xắn và ...bẩn thỉu.
100% là có đôi mắt đẹp, đôi mắt của thiên thần.Những thiên thần có ghẻ.
Bạn sẽ thắc mắc rằng sao bảo yêu chúng mà không làm gì cho chúng ?
Bạn ơi, mỗi lần vào lớp là tôi có dịp tỏ lòng yêu thương các cháu qua việc dạy các cháu học đó chứ. Tôi còn dự tính nhiều điều có ích cho chúng nữa , nhưng một ngày kia, ...
Một ngày đáng nhớ, tôi phải xa tất cả các chúng trong khoảnh khắc.Đó là vào một ngày cuối tháng Tư, tôi ở nhà, nghe radio đọc tin quân quản chế độ mới tiếp thu khám Chí Hòa.
Khi ấy, tôi chắp tay cầu cho các cháu của tôi an toàn, bình an và gặp may mắn trên đường đời.
Điều nguyện xin lúc này là cho các trò bé nhỏ của tôi  gặp được người thân và ...hết ghẻ.
Dĩ nhiên, vẫn phải nghèo như cô.
Ai biết được ! Có thể là bây giờ, đâu đó nơi ngoại quốc, những khuôn mặt trẻ thơ bé bỏng tôi gặp và yêu trong khám Chí Hòa năm xưa, nay đã có những em đang trở thành những người Việt Nam tha hương với tài năng, đức độ rạng danh giống nòi...Mong thay !

Không có nhận xét nào: