#Stats1 ul{margin:0;border:0;padding:0;height:32px;background:url(//goo.gl/ZHG881) no-repeat 0 -34px} #Stats1 li{margin:10px 0;border:0;padding:0 0 0 40px;list-style-type:none} #totalComments{height:32px;background:url(//goo.gl/ZHG881) no-repeat} #totalCount{height:32px;background:url(//goo.gl/ZHG881) no-repeat 0 -68px}

Thứ Hai, 25 tháng 7, 2011

Lán Thường Xuân truyện

LÁN THƯỜNG XUÂN Truyện

ANNA
  Chuyện kể rằng: Đời nhà Nguyễn, nước Nam có tướng Trần Đền Lân, đạo gốc, được ông bà, cha mẹ dạy giáo lý cho biết Thiên Chúa là Đấng dựng nên trời đất cùng muôn loài muôn
vật. Lân mình đồng da sắt, rời gia đình, đem hết sức trai trẻ phục vụ triều đình, làm nên một số sự nghiệp, mới ba mươi lăm tuổi đã được vua phong cho chức Lai Mộc, đem hai ngàn quân đóng đô đất Thanh Thế, nay là huyện Thủ Đức, đốn gỗ từ các rừng chở về cung thành để dựng lầu phương Đông nơi vua họp các chư hầu.
Bấy giờ, dân tình trong nước yêu chuộng Phật giáo. Rất đông người theo đạo này, riêng vua Nguyễn vẫn một lòng thờ Chúa. Thấy tướng Lân có cùng tín ngưỡng với mình, vua  yêu và tín nhiệm giao quân.
Trần Đền Lân thuở nhỏ rất nghịch ngợm, thường hay trèo lên chảng ba những cây ổi, cây bưởi mà đái xuống vườn khiến cỏ cây quanh gốc những loại cây ăn trái đó không sống nổi, kiến cũng sợ mà dế lại càng không dám đào lỗ. Thằng nhỏ ngồi trên thấy lũ côn trùng bỏ chạy thì khoái chí càng phá phách thêm. Lớn lên xung lính, Lân hung hăng, hiếu chiến, khi xông vào chiến trường không sợ địch, không sợ gì cõi tử, vì thế trong khi bao nhiêu chiến hữu bên cạnh gục ngã, Lân vẫn đứng vững như bàn thạch, được tiếng ngon lành. Năm lên chín, Lân leo cây ổi bị  trượt  giò, té từ trên cành cao té xuống, gãy hết nguyên hàng răng cửa bên trên, phải đeo răng giả, thời bấy giờ là một trong những thứ công nghệ mới, khá văn minh, đặc biệt cải tạo từ răng, xương, ngà các loài gặm nhấm, ăn thịt như chuột đồng, cá voi, cá mập, cọp, voi, hổ, báo, diều hâu v.v. chỉ các quan có công mới được vua ban cho xử dụng vì trong kho của triều đình, thứ nguyên liệu này quý hiếm gần như vàng. Dù sao, viên quan ngự y già cũng là người có hàm răng giả đẹp nhất, vừa nhất. Hàm quan Lai Mộc của chúng ta được chế tạo từ răng khỉ, so le lại chệch choạc. Từ đấy, cứ nói vài câu thì Lân phải  sít răng một cái để giữ cho răng giả khớp với hàm, khỏi rớt ra ngoài. Tuy  hát ngang, nhưng bù lại, Lân được trời cho có giọng nói chắc nịch, hô một tiếng hai ngàn quân cúi rạp. Hô tiếng thứ hai, ngần ấy lính nằm sấp, mặt dí xuống đất, chờ nghe lệnh, không tên nào dám ngó lên. Có lần, giữa lúc kiểm quân, Lân buồn đái, bèn cầm loa hô lớn tiếng, sít răng một cái, hô thêm một tiếng, sít răng lại một cái nữa, ngó thấy phía trước mình một lũ ngu đần đang tối mặt gục đầu sát đất, Lân liền vạch quần ra đái ngay tại chỗ. Binh lính chỉ ngửi mùi khai xú chứ không hay biết có tai ương gì vừa xảy ra. Dần dần, binh hiền lính nhát tạo cho Lân tính khí ngang tàng, kiêu ngạo, không coi ai ra gì. Đất Thanh Thế nhỏ bé, không dung nổi người ham mộng lớn, Trần Đền Lân tìm cách mở rộng quyền lực. Xuất thân từ con nhà nông nghèo nàn, quen sống với cảnh thôn quê, nên Lân yêu thích và gần gũi với cây cối một cách đặc biệt. Lân xin vua cho chọn Chinh Hồi làm đất dụng võ vì  vùng này đất tốt, dân cư hiền lành, chân  chất, ngoan đạo. Tại Chinh Hồi, tướng Lân thống lĩnh rừng già phía Tây, bảo vệ và khuếch trương lãnh địa này, đặt tên mới cho nó là Lán Thường Xuân, ý chỉ ai vào trong lán rừng này sẽ luôn luôn gặp được mùa Xuân của cuộc đời. Hai ngàn quân vua ban, mỗi tên tìm cho Lân một loại cây trồng, vị chi là hai ngàn cây. Mỗi trai làng đến tuổi vào sổ đăng lính cũng phải nộp một cây xanh đã đâm chồi, có loại gì nộp loại đó. Lân cho đem trồng các giống cây linh tinh ấy vào đất rừng của mình. Chỉ trải qua có bốn mùa Xuân Hạ Thu Đông, sang tới mùa Xuân thứ hai thì rừng là rừng già : Đa, đề, sâm, nấm, tre, măng có sẵn, nay lại thêm những loại cây ăn trái như vú sữa, đu đủ, chuối, măng cụt, mãng cầu, quýt, bưởi, xoài, cam v.v.. mùa nào trái nấy… quân lính ăn thay cơm cũng không hết. Đất tốt, cây lành, đến ngay cả hành, nghệ, gừng, tỏi, dấp cá, ngò gai, tía tô, kinh giới, rau răm, rau húng; lại ngải cứu, A-ti-sô, nha-đam cùng biết bao nhiêu loại cây, lá, hoa, củ khác theo dân gian dùng làm thuốc chữa các bệnh nan y như Ngô thù du, Bách hoa xà thiệt thảo, Bán chi liên, Câu kỳ tử, Bồ công anh cũng mọc đầy.
Chẳng bao lâu, vùng Chinh Hồi trở thành  một cứ địa hiểm trở, một mảnh đất bất khả xâm phạm, ngay đến cả vua Nguyễn cũng không biết đâu mà  lần đến.
Trần Đền Lân một mặt lo đốc thúc các kiểm lâm nộp gỗ cho kịp thời hạn chuyển về triều đình, một mặt say sưa tạo dựng cho riêng mình một “cơ đồ xanh” chưa ai có.
Tướng Lân thấy đất mình trùng trùng điệp điệp cây cối, một khu rừng xanh mướt, phì nhiêu, chim muông kéo về làm tổ, ríu rít hót ca bốn mùa thì thích lắm và muốn khai khẩn thêm một số những ruộng dân sống chung quanh. Ruộng lúa những năm gần đây khô cạn, mất mùa, nông dân bỏ làng lên thành phố tìm việc làm trong các nhà máy, làm cửu vạn hoặc buôn bán kiếm sống qua ngày. Đàn ông đi biển, thanh niên đăng lính. Chẳng ai muốn trồng trọt bất cứ thứ cây nào, bởi không có người trông coi, vun tưới. Nắng hạn không cho một cây nha đam nào sống nổi. Làng mạc chỉ còn bóng dáng người già, đàn bà và trẻ con. Loài Hương nhu, Bồ kết vốn là hương thảo liệu phụ nữ năng xử dụng cũng phải khô héo dần mà chết. Tướng Lân muốn chiêu dụ những nhà vườn nghèo khổ, quê mùa, kém học và dễ nghe, nhưng vì khuyết điểm hay sít răng, phải nhờ đến phó tướng Trịnh Chí. Trịnh Chí được lệnh Trần Đền Lân bèn đi mà nói với từng hộ dân rằng:
- “Nay khắp cả thế gian đang ngập trong biển lửa vì  nạn cháy rừng. Cháy rừng vì khí hậu thay đổi, nắng nhiều mưa ít. Nắng nhiều mưa ít vì người ta chặt phá cây rừng, đốn gỗ lậu đem bán lấy tiền. Hạn hán khắp nơi, người các nước trông mong có được một mảng rừng xanh như Lán Thường Xuân Chinh Hồi đây mà không đâu có được. Vậy ai là người yêu thiên nhiên, muốn sống khỏe mạnh với thiên nhiên thì đến nộp đất cho tướng Trần Đền Lân, tướng quân sẽ  ban cho lá rừng, thậm chí cả củ, cả hoa về chữa bệnh”.
Theo gia truyền, người dân quê khi đau ốm chỉ biết đi vào rừng hái lá, đào củ về làm thuốc chữa bệnh bằng cách vò cho mềm hay nấu lên lấy nước uống, cho nên khi nghe lệnh như vậy thì sẵn lòng nộp đất. Ngay như tướng hiền Trịnh Chí có lòng yêu dân cũng thấy luật này ban ra là thích đáng vì nó nằm trong chương trình bảo vệ rừng lại hữu ích cho người  nghèo mắc bệnh.
Luật rằng: Hễ người dân nào đau ốm, bất cứ bệnh gì, chữa nhiều nơi không khỏi, uống nhiều thuốc không bớt, dù thầy lang đã chê hay không biết cách chữa trị, thì mang tới dâng cho tướng quân một thẻo đất trong vườn nhà mình. Tướng quân sẽ cho phép người ấy được đi vào rừng tìm cây lá mang về chữa trị tuỳ theo bệnh. Lại còn đặt tay chúc lành trên bệnh nhân đó.
Tuy không định khung số đất phải nộp, nhưng tướng Lân biết bệnh nhân vốn dĩ là những nông dân thật thà chất phác, quanh năm cày sâu cuốc bẫm, không bao giờ tính toán so đo, khi bệnh tật càng dễ quảng đại, chỉ mong có được thang thuốc uống cho khỏi, vậy cứ để họ tự nguyện.
Từ đấy, các bác sĩ, thầy lang bị thất nghiệp nhiều.
Có người bị bệnh nhức đầu kinh niên, dâng hai thẻo đất bằng bàn tay để được phép vào rừng tìm 9 lá Thầu Dầu tía về hong than lửa úp lên đầu.
Có người bị sâu quảng ăn chân, phải nộp một thẻo, tìm lá Muồng về chữa trị.
Có người đàn ông ra đồng bị trúng phong méo miệng, bà vợ phải hốt một thẻo đất dâng lên tướng Lân để vào rừng hái ít lá mít về bôi vôi đắp vào lòng bàn tay chồng cho miệng ông ấy ngay lại. Đến cây mít trong làng cũng hiếm hoi.
Lại có cặp vợ chồng kia, phải đứa con trai ham mê cờ bạc, ăn chơi lêu lổng không chịu học hành, cũng vác một gánh đất dâng nạp xin tướng quân cứu giúp, làm sao cho nó ngoan ngoãn trở lại. Có người, trước ngày lều chõng lên kinh cũng dâng đất xin ơn thi đậu. Ô hay! Người ta đã ra lầm lạc, u mê, xem tướng quân như ông thần, ông thánh vạn năng mất rồi.
Mỗi người mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh, lại có những đại điền chủ sống lưu lạc phương xa, nghe đồn, tưởng tướng Trần Đền Lân có tài chữa bách bệnh, từ xa thư cho con cháu ở quê dâng hẳn ba trăm mẫu đất lên tướng quân mà xin cho được khỏi những thứ bệnh nan y. Có khi nhờ niềm tin, người mang bệnh ấy lại được khỏi cách lạ lùng. Danh tiếng tướng Lân vang dội từ Bắc chí Nam, lại còn đồn ra các nước lân bang, người ta từ khắp nơi ùn ùn đổ về Chinh Hồi, mang theo biết bao nhiêu đất dâng nạp để được vào thăm viếng Lán Thường Xuân. Đa số là những bệnh nhân, gồm đủ mọi giới nam phụ lão ấu, không nặng như ung thư, to tim, hoa liễu, tiểu đường, xơ gan, thận hỏng thì cũng nhẹ như ghẻ lở, hắc lào, bụng sình, tai thối…. . Dĩ nhiên, cuộc sống trần gian từ sinh đến lão, có ai từ nhỏ đến già không mắc phải bệnh gì đâu! Rồi lại còn những thứ bệnh trầm kha liên quan đến thần kinh, não bộ, khiến cho con người ta ngày đêm ưu tư sầu não, có người đau khổ, quẫn trí, chỉ muốn dứt bỏ cuộc sống này, bỗng như giữa biển gặp thuyền nan, cố bám víu lấy Lán Thường Xuân với niềm tin tuyệt đối. Đất sẽ trở thành vô nghĩa khi người ta mắc bệnh. Có đất để làm gì khi ta không còn sức khỏe cày bừa, gặt hái? Vậy biện pháp hay nhất là dâng đất cho tướng Lân, để trước khi chết vì căn bệnh đớn đau, ta cũng được dạo chơi trong khu rừng lý tưởng xanh tươi êm mát ấy ít là một lần. Con số bệnh nhân tìm đến rừng Lán Thường Xuân ở Chinh Hồi để dâng đất tìm thuốc hoặc để thư giãn thanh thản nhiều vô kể, tính đến nay, mỗi tuần cả vạn người. Không kể ơn gặp được lá thuốc chữa bệnh, mọi người tìm đến Lán Thường Xuân còn được nghe tướng quân dặn dò, khuyên nhủ, đặt tay chúc phúc dường như đấng xót thương nhân loại đang hiện thân cứu thế.
Lại nói về việc nộp đất. Ai nấy cho việc nộp đất là chính đáng, bởi tướng quân cần có đất để trồng trọt và cung cấp cây lá cho dân gian. Người đang bệnh dâng đất đã đành, người khỏi bệnh cũng dâng đất để tạ ơn. Vô khối địa chủ rộng rãi hay muốn mua phúc cho con cháu, đem dâng cả vườn nhà. Đất đắp bồi vào bờ cõi của tướng Trần Đền Lân cơ man nào kể. Từ xa nghe đồn, rồi khi cho người đi dọ thám, nhìn thấy mảng đất bồi ấy màu mỡ và phì nhiêu, các chư hầu thèm muốn lắm nhưng chẳng làm gì được vì lòng người đã ra mê muội, tâm lý (nhất là tâm lý phụ nữ, mấy bà trung niên mắc nhiều thứ bệnh trời ơi) thấy một kể thành mười, lại muốn tỏ ra cho người khác thấy những điều mình biết là những điều phi thường, thậm chí còn là phép lạ.
Lân ăn nói bình dân, gần gũi với đại đa số  dân quê ít học. Đàn bà, con gái cứ theo cảm tính mà tin sát sạt vào Trần Đền Lân, nhắm mắt nhắm mũi mà tin, đến nỗi mọi chủ trương, yêu cầu của Trần tướng quân ban ra, thảy thảy các bà làm theo. Đất nhà tự nguyện dâng nộp làm quà. Chồng, cha, con cái có nhắc nhở, các bà nín thinh nhịn nhục, mồm lẩm nhẩm, lạy Chúa, xin tha cho chúng vì chúng lầm lạc, không biết. Lân còn tự xưng là Tướng sĩ lãng tử, mê hoặc binh lính và cận dân bằng những trò văn nghệ thơ ca, khiến những tâm hồn lãng mạn nghệ sĩ tính, khi cô đơn tìm đến Lân như tìm được tri âm tri kỷ kiểu Bá Nha, Tử Kỳ. Lân kết bè kết bạn không khó gì.
Duy có một số thường dân ý thức trưởng thành, tìm đến Lán Thường Xuân để xác định với chính bản thân họ rằng Đấng Tạo Hóa mới đáng được ca ngợi, mến yêu, thờ phượng và họ chỉ tin vào Ngài. Họ không phải hạng người hóa rồ đi tin vào cá nhân Trần Đền Lân, bởi vì ông ta chỉ là một phàm nhân như mọi người. Lại, tinh ý ra, người ta sẽ thấy phàm nhân này luôn khéo léo tìm cách núp bóng Chúa, núp bóng sự khiêm tốn, đạo hạnh để nói về mình, nâng mình lên cao, trải tiếng tăm đi khắp nơi. Trịnh Chí sống bên, biết rõ tính cách con người này nhưng chưa có dịp góp ý.
Vua Nguyễn còn phải bó tay huống hồ …
Sau hơn một năm cai quản vùng Chinh Hồi, tướng Trần Đền Lân mở mang bờ cõi rộng ra gấp năm. Các vùng lân cận đã dâng gần hết đất cho tướng Lân, có huyện kết thân với Lân để hòng sống sót. Có huyện lại toan chống vì cho rằng Lân làm như thế là nuôi thói mê tín dị đoan của dân. Lân không sợ. Lân vừa có nhiều tay chân bảo vệ, vừa khéo khuyến dụ lòng người nên anh em binh lính chăm chỉ phục vụ, thường ăn củ chuối trộn cơm mà  chẳng hề kêu ca, oán thán.
Đối ngoại, Lân đón nhận những con bệnh, cho họ vào rừng để họ có cơ hội tìm lá thuốc. Đương nhiên, thủ tục cho mọi trường hợp qua cửa vào Lán vẫn luôn là Đất. Không có đất không được. Mà ai lại chẳng có đất, ít là để đứng được bằng hai chân! Điều kiện này đâu có khó khăn gì. Nếu không khá hơn, lại cho họ vào lần nữa, lần nữa. Cây thuốc trong Lán hiện nay hằng hà sa số, cần gì cũng có. Như vậy, khi những con bệnh này gặp được lá thuốc thích hợp, nhiều khi chỉ là vô tình mà được khỏi bệnh hay thuyên giảm thì luôn mang ơn Lân.
Ai khỏi bệnh, bất cứ vì lý do gì, Lân cho thợ vẽ lại chân dung, đem dán mọi nẻo đường, cho người ta ngắm mà tạ ơn Chúa vì chính Chúa là Đấng chữa lành, chứ không phải Lân. Nhưng mắt trần, ai nấy đều chỉ thấy Lân chứ đâu nhìn thấy Đức Chúa Trời!
Lân còn có lòng với người nghèo. Nhà ai có tang, Lân ban đất cho chôn cất người thân tử tế. Địa giới của Lân còn  mênh mông quá!
Lân luôn tuyên xưng lòng trung thành với Đức Chúa Trời và vua Nguyễn. Chính lời tuyên xưng đó khiến dân chúng, những kẻ mềm lòng, dễ tin vào con đường của Lân.
Nhờ cây, nhờ đất, nhờ giọng điệu đức độ, chủ tướng Lán Thường Xuân đã tạo được tiếng tăm vang dội bốn bể. Trước mắt thế gian, Trần Đền Lân là một vị tướng tài ba, giàu lòng nhân ái. Còn danh tiếng nào tốt đẹp hơn! Xem ra Lân đã đạt được giấc mơ danh vọng, các quan ít ai bì.
Lân cứ thế mà lặng thinh thưởng thức no nê niềm tự mãn.
Tựu trung, chiến lược khôn ngoan nào cũng có hai mặt. Mặt ngoài thành, ta cho dựng cờ, khua chiêng múa trống, quân đi rộn ràng, rổn rảng gươm đao; địch ngó thấy khiếp sợ, phục sát đất mà lạy. Bên trong, ta kéo rèm nằm ngủ, ai biết đấy vào đâu!
Một đêm nọ, tướng Trần Đền Lân ngả mình đánh giấc được chừng tới canh hai, thì ông ta trông thấy sờ sờ trước mắt, ngay tại Lán Thường Xuân, hàng ngàn hàng vạn loài cây cối  bỗng dưng tự nhổ rễ lên mà bước đi. Chúng lần lượt rời khỏi rừng, theo nhau ra đi về một hướng vô định. Tướng Lân tỉnh dậy, toát hết mồ hôi trán, mồ hôi mông, coi đây là điềm gở. Sáng hôm sau, vội cho gọi Trịnh Chí tới, kể  lại giấc mơ kỳ lạ ấy và hỏi xem nó có ý nghĩa gì. Trịnh Chí có lòng đạo, lại thông minh, bèn bịa ra một bài học dựa trên giấc mơ của chủ tướng mình, mong dằn bớt sự tự kiêu tự mãn của Trần Đền Lân đang thời danh vọng ông ta  dâng cao. Ông nói:
- “Thưa tướng quân, cây cối bỏ tướng quân mà đi vì chúng nhớ về cội nguồn của chúng”.
- “Như vậy là chúng đi đâu? ”
- “Dạ thưa, hạ thần không biết, chỉ biết chúng sẽ rời xa tướng quân mà ra đi không bao giờ trở lại”.
- “Vì sao? ”
- “Tướng quân đã suy nghĩ vì sao chưa? ”
- “Ta không thấy có lỗi với cây cối, sao chúng bỏ ta? ”
- “Không phải vì tướng quân có lỗi đâu”.
- “Vậy vì sao, ông nói mau”.
Trịnh Chí thưa:
- “Vì chúng thương tướng quân đó”.
- “Thương ta ư? Thật là vô lý và mâu thuẫn. Ông hãy giải thích thêm.”
- “Xin hỏi, cây đi thì đất thế nào? ”
Trần Đền Lân ngẫm nghĩ rồi trả lời:
- “Đất  thành đồi trọc chứ sao bây giờ“.
- “Chí lý. Tướng quân suy thật chí lý.”
- “Vậy chúng ta sẽ sống với một cái đồi trọc sao?“
- “Thưa, không phải là chúng ta.”
Trần Đền Lân trợn mắt:
- “Ông nói vậy là có ý gì ?  Ông bỏ ta chăng?”
Trịnh Chí cúi đầu, khẽ thưa:
- Mong tướng quân đừng hiểu lầm ý tôi. Chúng ta đã thề tứ hải giai huynh đệ, sống chết có nhau. Chỉ xin tướng quân hãy dụng địa khai tâm, chứ xin đừng vì cái danh, cái lợi mà vun quén, không hợp ý Chúa.”
Lân nổi tự ái:
- “Ta, cũng như ông, cũng như mọi người: vất vả đổ mồ hôi, dầm mưa dãi nắng vì cái Lán này. Há chẳng phải để giúp người ta tìm đến Chinh Hồi chữa bệnh sao? Há đất ta nhận đây của riêng ta chăng? Theo ông thì ta đã làm những gì gọi là vị danh, vị  lợi? ”
- “Thưa, tôi chỉ muốn nhắc nhở tướng quân. Đợi tới lúc danh lợi như kẻ địch bao vây, trói chặt lấy tướng quân rồi mới nói thì tôi không phải là tôi trung của ngài nữa rồi. Cây cối trong giấc mơ muốn nói điều ấy. Mong tướng quân suy nghĩ.”
Tướng Lân day mặt vô tường nói:
- “Ta đã suy nhiều, ông không phải dạy bảo”.
Trịnh Chí nghe vậy cáo lui.
Trần tướng quân ở lại, trong lòng chưa yên với giấc mơ và nhất là với câu nói khó hiểu của Trịnh Chí ban nãy. Vì sao cây cối thương công ta vun xới, trồng trọt lại bỏ ta mà đi? Một điều hết sức vô lý và mâu thuẫn, ta không chịu nổi. Trịnh huynh có chọc tức ta hay không mà giải mộng ra như thế?  Xưa nay ông ấy rất tận tuỵ chân thành cơ mà. Vậy đến nước này ta biết hỏi ai? Nghĩ rồi, Lân bật ra tiếng kêu hực hực bực tức lắm khiến mấy cái răng khỉ xộc xệch, phải sít hàm một cái:
- “Hỡi các loài cây, giả như chỉ còn cái đồi trọc thì ta sống như thế nào? Ai sẽ tìm gặp ta? Ai sẽ biết tới danh ta?Ai sẽ cầu cứu ta? Ai sẽ nộp đất cho ta?  Các ngươi bỏ đi là các ngươi thương ta đó ư? Trời ơi, xin hãy bật tung những tảng đất ra khỏi lòng trí ta mau, cho ta hiểu được đôi điều. Sao đầu óc ta nặng nề quá thế này! ”
Từ hôm ấy, người ta thấy tướng quân đất Chinh Hồi, chủ nhân rừng Lán Thường Xuân luôn suy tư vật vã, buồn bã lo âu. Còn đâu nụ cười đắc thắng? Còn đâu ánh mắt tự tin? Còn đâu bàn tay chúc  phúc? Còn đâu bước chân mạnh mẽ đạp trên những đám lá rừng? Tướng quân  lăn đùng ra ốm, rồi đâm ra liệt giường, không dậy nổi. Chả nhẽ một vị tướng xưng hùng xưng bá bao năm nay  bỗng vì một giấc mơ bâng quơ vớ vẩn như vậy mà mất hết nhuệ khí, sinh lực hay  sao?
Biết chủ tướng mình bị tâm bệnh, Trịnh Chí vào thăm. Chợt ông hốt hoảng la lên mà rằng:
- “Diện mạo tướng quân đầy âm khí“.
Trần Đền Lân buồn sầu than vãn:
- “Thân với ta có Trịnh Chí. Làm cho ta nên ảo não như thế này cũng là Trịnh Chí thôi.”
Chí bật cười, nhưng trong lòng lo lắng lắm, ngồi xuống bên giường bệnh, nhẹ nhàng ủi an,      khuyên nhủ:
- “Tướng quân ráng dưỡng bệnh ít ngày. Nếu không thuyên giảm, tôi cho quân lính chặt hết lá cây trong rừng nấu nước tướng quân uống ắt khỏi ngay.”
Lân nói:
- “Ta không uống thuốc lá.”
- “Không tin ư? “
- “Không tin.”
- “Không tin sao cho dân dùng? ”
- “Dân dùng vì dân tin ta đó chứ.”
- “Ngài có tạo ra được cây cỏ đâu mà tin ngài? ”
- “Ở  đất này ta là chủ nhân.”
Trịnh Chí bất mãn:
- “Trời không muốn, ông chẳng có gì ngoài nắm tro tàn.”
- “Nhưng ta biết cách xử dụng thiên nhiên”.
- “ Vậy danh ngài lớn hay quà tặng thiên nhiên lớn?”
- “Danh ta lớn chứ.” Vừa nói xong, Lân ục ục thổ ra một cục huyết đỏ.
Trịnh Chí xin hỏi lại. Lân lừ mắt:
- “Ông cứ hỏi.”
- “Danh ai lớn? “
- “Danh ta lớn.” Lập lại ba chữ ấy dứt tiếng, Lân gục mặt thổ huyết lần nữa ra hai cục máu đỏ bầm.
Trịnh Chí muốn hỏi nữa nhưng sợ lần này sẽ nhìn thấy ba cục máu, vừa đỏ vừa bầm. Gớm ghiếc, ông sai tỳ nữ làm vệ sinh, khử trùng bằng hương Cúc hoa và cam thảo sạch sẽ, xong, ngồi xuống cầm tay bạn khích lệ:
- “Đất ta bao la, tướng quân đừng thác sớm, không  ai cai quản.”
Trần tướng quân lúc này ôm ngực, thiểu não mà rằng:
- “Than ôi, ông Chí ôi, ôm đất mà làm gì? Ta bây giờ chỉ còn đợi đất ôm ta mà thôi.”
Rồi bỗng người bệnh tỉnh tao lạ thường, mắt loé sáng, răng sít lại, nhìn thẳng vào mặt phó tướng Trịnh Chí mà nói rành rọt như sau:
- “Bạn hiền ơi, bây giờ, xin ông hãy lặp lại câu hỏi ban nãy, để cho ta được trả lời lần sau cùng.”
Trịnh Chí nghe vậy biến sắc, run rẩy vâng lời hỏi nhỏ:
- “Danh ai lớn, thưa tướng quân? ”
Trần Đền Lân mỉm cười, lấy hết sức tàn tung hô:
- “Danh Chúa lớn”.
Nói đoạn trút hơi thở cuối trong tay người bạn chí tình.
Trịnh Chí gạt nước mắt thốt lên ba tiếng:
- “Phải thế  thôi.”
ANNA

Không có nhận xét nào: