#Stats1 ul{margin:0;border:0;padding:0;height:32px;background:url(//goo.gl/ZHG881) no-repeat 0 -34px} #Stats1 li{margin:10px 0;border:0;padding:0 0 0 40px;list-style-type:none} #totalComments{height:32px;background:url(//goo.gl/ZHG881) no-repeat} #totalCount{height:32px;background:url(//goo.gl/ZHG881) no-repeat 0 -68px}

Thứ Hai, 25 tháng 7, 2011

Quyền huynh thế phụ

QUYỀN HUYNH THẾ PHỤ


ANNA
   Cùng ngồi trên chuyến xe đêm năm mươi chỗ ngồi do giáo xứ bạn tổ chức đi viếng Đức Mẹ Tà-Pao hôm ấy, sau khi đọc chung chục kinh thứ Nhất mùa Mừng dâng vận tốc chiếc xe cùng là dâng tinh thần, dâng cặp
mắt của bác tài vào tay Mẹ Maria xong, thì vì trời vừa mới chập tối, chưa ai buồn ngủ, nên chúng tôi bắt đầu quay qua chuyện trò, hỏi thăm người ngồi bên cạnh. Cùng băng ghế với tôi là một bác trai thuộc giáo xứ Đức Mẹ Vô Nhiễm. Chúng tôi dễ dàng làm quen nhau bởi lúc ấy ngồi trên xe không có việc gì cho cái miệng mình làm việc (tỉ dụ một điếu ba số 5 chẳng hạn), với lại nhìn lên phía trên lưng dựa hai ghế trước là hai cái đầu phụ nữ được choàng kín bởi hai chiếc áo gió, đang lắc lư theo nhịp giằn của chiếc xe, quay lại đằng sau thấy hai cô gái bắt đầu mặt xanh nanh vàng đang chuẩn bị mấy cái túi ni-lông cầm sẵn trong tay và liếc chúng tôi bằng những ánh mắt lờ đờ, miệng không buồn mở. Ông bạn đồng hành với tôi là người vui vẻ, cởi mở, tuổi khoảng trên dưới bảy mươi chút đỉnh, trông người khỏe mạnh và có kiểu cách của một tín đồ ngoan đạo, biết tôi thời trai trẻ là dân ca đoàn, đồng thời lại còn là một họa sĩ Công Giáo tỉnh lẻ, được mở trúng đài, bác ấy thao thao kể chuyện như một cách giới thiệu tính cách năng động của bản thân người kể chuyện cũng như về cái giáo xứ thân yêu, đặc biệt là về ngài cha xứ có một không hai của bác. Giọng điệu kể chuyện, những cảm xúc xen lẫn những nhận định cá nhân đầy chủ quan của bác làm tôi liên tưởng tới nhân vật Phê-li-xi-tê, một tấm lòng chất phác trong truyện ngắn của Guýt-ta-vơ Phờ-lô-be (Gustave Flaubert 1821-1880), tuy bác trai này có vẻ hiểu biết hơn chị Phê-li-xi-tê, bởi theo lời bác giới thiệu, thời kỳ đó, bác là một thành viên trong ban Hành giáo, một ông Biện. Tôi có phát biểu nhẹ nhàng rằng:
- Bác ạ, em thấy trên đời này làm gì có người hoàn hảo.
Người bạn đồng hành của tôi tuy không phản đối ý kiến ấy nhưng ông tỏ ra kiên định với những gì ông đã từng chứng kiến, từng sống, và từng suy nghĩ  về những sự việc đã xảy ra trong cuộc đời làm một con chiên con hiền lành trong giáo xứ, khi ngước mắt nhìn lên vị mục tử tài ba thân thương của mình. Bác ấy kể cách nhiệt tình rằng:
- Lạy Chúa, cha xứ mà tôi sắp kể với chú đây mới thật tuyệt vời. Ngài có đầy đủ những tố chất của một tác phẩm kỳ công do bàn tay oai phong và hoàn hảo của Thượng Đế tạo nên vào  một ngày thứ Bảy  rất đẹp trời.
Ngày 8 tháng 12 năm 2003, toàn thể giáo dân giáo xứ Đức Mẹ Vô Nhiễm chúng tôi y phục chỉnh tề, long trọng và hân hoan xếp hàng đón ngài về ngai mới, nơi mà từ hơn  hai mươi năm về trước, đoàn chiên tội nghiệp của Chúa chưa hề được sống với một chủ chăn khoẻ mạnh, trẻ trung bao giờ. Từ thuở dựng xứ cho đến giờ, các đời cha xứ cũ của chúng tôi, cha nào lúc về đây cũng đã tròm trèm bẩy, tám chục, chống gậy đi không vững. Các ngài truyền cho giáo dân những bài giảng thực hành niềm tin cậy mến và phụng thờ Chúa cho xứng đáng, tình yêu Đức Mẹ Maria và siêng năng lần chuỗi, hãy yêu thương nhau, hãy nên thánh, hãy nghĩ đến đời sau .v.v, nhưng ngoài ra thì nhất nhất, các ngài phải cần đến những thanh niên trai tráng trong xứ giúp đỡ nhiều sinh hoạt mà một ông già không kham nổi. Chú em biết đấy, sinh hoạt nào thì cũng phải có một cái đầu, mà cái đầu trên hết nếu không còn sức trẻ trung hăm hở tìm ra sáng kiến cải tổ này nọ thì mọi sự bên dưới chẳng khác chi những toa tàu xộc xệch, rệu rạo, chạy xình xịch theo cái đầu tầu cũ kỹ mà thôi.
Trước đó ít tuần, vào một ngày đầu tháng Các Đẳng năm ấy, Đức Tân Hồng Y tuyên đọc công khai trong nhà thờ một thông báo  hết sức quan trọng . Đó là ngài sẽ ban cho giáo xứ chúng tôi một linh mục trẻ, mới chịu chức về cai quản mọi thứ. Mong rằng ngài sẽ giúp cho đời sống tinh thần đạo đức của giáo xứ sớm phù hợp với sự phát triển của thành phố hay rộng hơn nữa là với trào lưu tiến bộ của toàn thể nhân loại.
Thế cho nên, ngày Lễ Bổn Mạng giáo xứ chúng tôi năm ấy là một ngày đại lễ, cờ xí rợp trời đón cha mới, ba mươi bảy tuổi, nằm trong  lớp các thầy số 6 Tôn Đức Thắng vừa được thụ phong sốt sột cách đây mới hai năm, còn trẻ măng.
Cha mới mặc phẩm phục vàng chói, không phải màu vàng thường mà là màu của vàng óng vàng ánh, màu quý hơn bạc hơn tiền. Cha mới, được rước long trọng từ ngoài sân, cuối nhà thờ bởi một đoàn mười hai  chú bé giúp lễ đồng phục áo choàng đỏ mới cáu chỉ. Ngài chắp tay, khoan thai, ngẩng cao đầu, từ từ tiến vào thánh đường giữa lúc dàn đồng ca trên gác đàn cất tiếng hát bài ca Nhập lễ có ý nghĩa hô hào :”Nào chúng ta cùng tiến vào cung thánh với lời tung hô Thiên Chúa, Đấng duy nhất đáng được chúc tụng ngợi ca…”, còn giáo dân thì đã hiện diện chật cứng  cánh hữu, cánh tả bên trong nhà thờ để đón rước vị mục tử mới, Chúa ban cho cộng đoàn. Không kể đàn bà, con nít, phía đàn ông đã chiếm hết nửa nhà thờ, khiến cho những ai có lòng đi sớm, chen vào đoàn rước cha từ đầu đành ngơ ngác lùi trở ra ngoài sân nghển cổ vào dự lễ.
Trong thánh lễ nhận nơi này làm quê hương, cha xứ mới hứa sẽ đem hết sức mình coi sóc đàn chiên con chiên mẹ mà Chúa giao phó cho ngài, để mọi con đều được an vui sống đời thờ phượng Chúa cho xứng đáng. Trong suốt quá trình lắng nghe bài giảng đầu tiên của cha xứ mới, nhiều lần cả nhà thờ vang dội tiếng vỗ tay rào rào mỗi khi khẩu khí người của Chúa vang lên một giọng điệu hùng hồn hoặc một ý tưởng cao siêu nào đó. Nói chung, buổi lễ đón cha xứ mới thành công hoàn toàn với trọn vẹn tấm tình tín nhiệm và cậy nhờ của toàn thể giáo dân trong xứ dành cho ngài, bởi ngài là hiện thân của Thánh Phêrô, ngài thay mặt Chúa coi sóc phần xác phần hồn mọi tín hữu có tên trong từng cuốn Sổ gia đình Công Giáo của giáo xứ này. Con số chính xác tính từ sổ Rửa tội khoảng bốn ngàn lẻ, đó là không kể tới những tâm hồn có cảm tình với Đạo, cách riêng với vị chủ chăn đáng kính, đáng mến không ít. Phần không kể  mới chính là vấn đề thành công hay thất bại của công cuộc truyền giáo, nơi mỗi địa phương cũng như trên toàn thế giới, phải không chú? (Đó, chị Phê-li-xi-tê của Guýt-ta-vơ Phờ-lô-be làm sao sâu sắc  được như thế).
Tôi gật đầu hưởng ứng:
- Dạ vâng, bác nói rất đúng. Nay sĩ số giao xứ Đức Mẹ Vô Nhiễm lên được bao nhiêu rồi bác nhỉ?
- Bốn ngàn rưỡi rồi đấy.
Tôi nhướng mắt ô một tiếng với vẻ hài lòng và thán phục:
- Nhân tiện xin bác kể cho em nghe một điểm đặc biệt nhất trong bài giảng nhậm chức năm đó của cha xứ được không ạ?
- Thì như mình đã kể  với chú lúc nãy đó, ngài hứa. Lời hứa rất tốt đẹp chú ạ. Mình còn nhớ ý tưởng này trong bài giảng của ngài hôm ấy: Linh mục thánh thiện thì giáo dân đạo đức – Linh mục đạo đức thì giáo dân bình thường – Linh mục bình thường thì giáo dân tầm thường – Linh mục tầm thường thì giáo dân sa đọa. Chú thấy có chí lý không?
- Dạ, rất chí lý và thấm thía bác ạ. Câu này em cũng đã nghe nhiều cha giảng rồi, nhưng để sống thánh thiện thì khó cho các ngài lắm bác ơi.
- Phải phải, nhưng là giáo dân, ta cứ nghe và suy chứ không nên đòi hỏi. Nếu chúng ta cứ so kè, xét nét thì các linh mục sống sao nổi, phải không?
- Dạ vâng, nhưng vì em cứ nghĩ rằng đối tượng của thiên chức linh mục cũng là Chúa Giêsu, là sự nên thánh như hết thảy mọi tín hữu, cho nên em đòi hỏi.
- Giáo dân chúng ta nên có thái độ rộng lượng hơn, bởi vì các cha cũng có cả phần hồn phần xác, cũng mệt mỏi, cũng buồn chán, cũng đau ốm v.v.
- Vâng, em hiểu ý bác. Vậy cha xứ cũ đi đâu hở bác?
- Cha cũ về hưu. Bây giờ thì có lẽ ngài đang ở trên thiên đàng rồi, hì .. hì…. Cha Đằng, chú biết cha già Đằng chứ?
- Dạ thưa ngài này nổi tiếng thánh thiện lắm.
- Đúng, đúng. Cha già Đằng rất tốt lành. Chỉ tội ngài  hát ngang không chịu được, toàn nhờ ca đoàn hỗ trợ, với lại về sau ngài bị thấp khớp nặng quá, không đứng đến hết lễ được.
- Vâng, tội nghiệp, rồi thì ai cũng đến lúc phải để cho người ta dẫn mình đến nơi mình không muốn đến. Bác ơi, sắp đến ngã ba Dầu Giây rồi này.
Nãy giờ chiếc xe lao đi êm ái trong bóng đêm tối mù, gió thành phố nóng hừng hực vẫn còn phả quanh đây. Những hàng cây cao, những cửa tiệm, những ngôi nhà cao tầng mới xây dựng, nhà máy, nghĩa trang các liệt sĩ, các bồn hoa ven đường, cứ lần lượt vụt về phía sau, hành khách trên xe có nhiều người chợp mắt ngủ được một hồi lâu, đến khúc này hai bên đường chớp chớp ánh đèn xanh đỏ sáng lên từ những cửa hàng buôn bán đồ ăn thức uống về đêm, mọi người bừng tỉnh dậy, những cặp mắt ngái ngủ lơ đãng  nhìn qua các cánh cửa kính xe ngắm người bộ hành và xe cộ qua lại, thấy cũng đông đúc và tấp nập như một khu chợ nhỏ nào đó trong thành phố, nhưng ở đây có nhiều xe đò, xe du lịch hơn. Sài gòn đang trải rộng. Cuộc sống dân cư ngoại thành sáng sủa và vui tươi dần ra. Thế giới được nâng cao, người đi tu buộc phải có nhiều khả năng hơn lớp cũ. Tôi nghĩ, thời này, ví dụ người ta đua nhau làm ca sĩ Sao Hôm Sao Mai, mấy anh trẻ đi tu mà không được ông Trời ban cho có tí ti giọng hát, khả dĩ có thể cất đúng được mấy câu Xướng trong Thánh lễ, e mang nhiều tự ti mặc cảm, nhất là mấy vị có máu thích có “phan”, thích được nổi tiếng, ắt sẽ phải gồng mình che dấu cái mà mình cho rằng đáng xấu hổ ấy đi bằng cách lấy cái mã bên ngoài, cái mồm cái miệng bù đắp lại thôi, nhưng chẳng thà thế, tôi ghét cái kiểu đem cái mác “linh mục” ra lòe thiên hạ. Mấy cha bảo những suy nghĩ của tôi như thế là theo thói đời, quen suy luận trần tục thô thiển và không có Ơn Chúa. OK, nhưng nói thật, hiểu được lý do của những cử chỉ điệu đàng, bóng bảy, se sua, đua đòi của một linh mục khi đứng giữa một đám  đông nghệ sĩ Công Giáo ngoài đời, tôi chết liền!
Xe cua qua ngã ba sầm uất, quẹo trái. Ai nấy an tâm vì đã qua một đoạn đường, lại tiếp tục nhắm mắt. Có tiếng đọc kinh, lần chuỗi. Bác trai ngồi cạnh hạ giọng  nói chuyện tiếp:
- Đón cha xứ trẻ về, chúng tôi lo chỉnh trang nhà xứ và nhất là phòng cha, phải là một căn phòng đẹp nhất. Quỹ sắm thêm cho phòng ngài một ti-vi Eo-Di màn hình phẳng, cách đây sáu năm là xịn quá chứ chú, một bộ nệm Kim Đan, đồng thời cho thay toàn bộ màn cửa mới sao cho màu màn thích hợp với màu tường, màu cửa và các nội thất khác. Hoa văn phải hiện đại và tươi sáng. Một kiến trúc sư quen biết đã góp ý tưởng rằng việc thiết kế đồ đạc trong căn phòng sẽ giúp cho chủ nhân căn phòng đó làm việc có hiệu quả hơn nhiều. Chú em là họa sĩ, thấy có đúng không?
- Dạ, đúng ạ. Miễn là tài chính ta dư dật.
- Ừ, việc phải làm thì chi không tiếc chú à. Ấy thế rồi ở với cha xứ mới một thời gian, mình mới thấy những gì anh em trong ban hành giáo làm cho ngài không thấm vào đâu, không ra làm sao với những ý tưởng mỹ thuật độc đáo khi ngài phát biểu. Cha xứ quả là một nghệ sĩ. Cha có con  mắt nghệ thuật rất khá, cha đề nghị thay đổi một số những chi tiết mà anh chàng kiến trúc sư mới sắp đặt trong phòng ngài trước đây ba tuần. Ngài cũng biết hát và thích hát, tuy có vài cậu ca đoàn bảo cha hát nghe hơi điệu, hơi sến, nhưng không sao, đó là một cách nhận xét. Thỉnh thoảng, trong những buổi sáng Chúa Nhật, người dự lễ đông như kiến từ trong nhà thờ ra đến ngoài sân, cha xứ đứng giữa cung thánh, tay cầm mi-crô săng-phin dẫn giảng bài Phúc âm hôm ấy cho giáo dân dễ hiểu và dễ thuộc, rồi ngài cất tiếng hát một bài hát thích hợp với chủ đề đang nói tới.
- Hát chay ạ?
- Hát chay, bởi vì nghệ sĩ thường làm việc ngẫu hứng, không cần đàn.
- Thí dụ bài gì ạ?
- À, bài ”Hạt bụi nào”…
- Vâng, Cát bụi của Trịnh Công Sơn. Câu hát ấy được nhiều cha lấy làm minh họa cho chủ đề mùa Chay và lễ cầu hồn.
- Đúng, đúng. Chú em đạo đức gớm nhỉ. Đi lễ nhiều thế cơ à?
- Không ạ. Em chỉ đi lễ Chúa nhật, nhưng hay đi lang thang nhiều nhà thờ ấy mà.
- Thế có bao giờ chú nghe cha xứ anh (thân mật rồi đấy) hát bàiMo-ni,Mo-ni, Mo-ni chưa? Bài tiếng Anh đấy, hay tuyệt.
- Dạ chưa, nhưng em biết bài này của nhóm Ap-ba ạ.
- Đúng rồi. Ngài còn thuộc nhiều bài hát ngoài đời lắm. Chú thấy không, truyền giáo bây giờ  khác ngày xưa. Ngày xưa giáo lý là Hỏi-Thưa, theo Chúa là chắp tay lỗ mũi, đi tu là trồng chuối ngược, là đầu gối có củ. Còn bây giờ truyền đạo phải cài mi-cờ-rô bé tí tì ti gài vào ve áo này, ti-vi phải được khênh vào tận cung thánh này, linh mục phải biết hát này (đấy, thấy chưa !), hay nhất là thu âm được giọng hát của mình vào băng đĩa để tiếp thị rộng rãi và thực tế này. Ngon nữa là làm Đi-vi-đi hình ảnh minh họa cho bài hát, nhưng cái vụ đó tốn kém lắm. Bạc tỉ chứ không ít.
- Dạ, em thấy có cha đã làm theo cách đó.
- Khéo vận động.
- In poster màu quảng cáo nữa.
- Muốn nổi tiếng mau chóng phải làm thế. Phải theo kịp đà tiến triển của nhân loại chứ chú. Để kể tiếp chú nghe. Anh nhớ, mùa Nô-en năm 2005, trong xứ Đức Mẹ Vô Nhiễm anh tổ chức một chương trình Thánh Ca vọng Giáng Sinh. Đó là vào  tối ngày 23 tháng 12, sân khấu dã chiến được dựng ngay tại cuối nhà thờ. Một hoạt cảnh Vọng Chúa ra đời, đóng góp của các sơ, rồi sau đó là các bài thánh ca mừng Chúa Hài Đồng, xen lẫn vài bài hát nước ngoài mừng Giáng Sinh vui vẻ do các em trong ba ca đoàn của xứ đảm nhiệm tuần tự lên ca diễn. Đêm Giáng Sinh năm ấy, lần đầu tiên, người cả xứ, từ cụ già đến trẻ con, thanh niên, thiếu nữ, hết thảy được một chầu văn nghệ no nê ngay tại sân nhà, không phải đi đâu xa xôi. Đó là sáng kiến của cha xứ.
Năm sau, chuẩn bị vào mùa Chay, cha bắt ca trưởng các ca đoàn họp lại, chọn người hát Bài Thương Khó và bài Exsultet cho cha. Thế là suốt một mùa xé áo xé lòng năm ấy, cha làm cho các cô các cậu ca viên tất bật xé cả thời giờ đi dạo chơi với nhau để tập hát ná thở.
- Em nhớ hồi xưa em còn ở ca đoàn, mùa Vọng, mùa Chay, ca trưởng bắt tập hát nhiều lắm. Tuần hai buổi, sau lễ Chúa Nhật còn phải ở lại tập hát nữa.
- Đấy, mệt thế đấy, nhưng vui có phải không? Cái ngày thứ Sáu Tuần Thánh mà chỉ có ba người đứng trên cung thánh nhìm chăm chăm vào giấy mà đọc bài Thương Khó thì giáo dân ở dưới nản lắm. Trời nóng tháng Tư, cánh phụ nữ ở dưới họ quạt phành phạch ấy, chả để ý nghe đâu. Phải hát cơ. Và cha xứ anh đã làm được. Năm ấy cha đóng vai Chúa Giêsu. Hai cậu ca trưởng kia đóng Thế nhân và Người Kể. Tuy là lần đầu có nhiều chỗ hát lộp chộp, ngượng nghịu, ngang ngang sao ấy, khiến cho nhiều người cứ phải thót tim chờ xem Chúa Giêsu có hát sai nốt, sót lời thêm nữa không, cậu bên trái có nhìn kịp lời hát không, hay cuối câu này cái cậu bên phải có ngang như cua giống câu trước không, nhưng nói chung, bộ ba hát Thương Khó năm ấy, lần đầu tiên đã làm được một việc mà đời các cha xứ trước chưa hề  làm. Đấy, cũng là ý tưởng của cha xứ mới đấy.
- Thế còn vai quần chúng hát tốt chứ ạ?
- Phải nói ! Gớm, đúng là quân dữ. Cả nhà thờ, hàng ngàn người, họ đồng thanh gào lên như hóa rồ :”Đem đi, đem đi, đóng đinh nó vào thập giá”. Kinh khủng cứ như thật ấy! (người kể chuyện ngưng nói, chùn vai, lắc đầu, rồi lại gục gặc ra vẻ hài lòng):
- Chú em có công nhận cha xứ phải tài lắm mới tổ chức và đạo diễn được như thế chứ? Một vở kịch nghệ thuật đấy chứ chẳng bỡn đâu.
Tôi mỉm cười khích lệ cảm xúc chân thành của bác, trong lòng vương vấn những kỷ niệm trai trẻ ngày xưa, thời mình còn đi hát ca đoàn. Ngày ấy tôi cũng đã từng được ca trưởng chuyên chọn đóng vai Chúa Giêsu trong đêm thứ Sáu Tuần Thánh, nhờ bởi tôi sở hữu một chất giọng trầm ấm của một tay bè Bạt:
-“Các ngươi tì.. hi.. him ai? ”
- ”Chính là Ta (ha) đây”.
Tôi nhớ mấy nốt khó hát nhất ở chỗ Chúa Giêsu lên giọng hỏi:
-“…sao lại đánh Tôi?”
Còn Quân đóng vai Người Kể thì tỏ ra thú vị nhất mấy chữ cuối kết thúc:
- « …họ an táng Chúa Giêsu ở đó.. hó.. ho.. hò.”, bởi vì anh ta tập lên mấy nốt  ấy có đến … một tỉ lần mới được.
Bên ngoài khung cửa sổ nhỏ của chiếc xe đò, hai bên đường là rừng cao su Đồng Nai xanh thẫm, hòa vào đêm đen là bóng những thân cây được trồng theo hàng thẳng tắp cứ vun vút lướt ngược chiều với hướng xe lao. Tôi quay qua hỏi người bạn đồng hành dễ mến:
- Bác có  muốn ngủ không?
- Ồ không, thức để tỉnh thức.
- Như vậy thức không hẳn có nghĩa là tỉnh thức?
- Ừ, ngủ vật vờ chán lắm.
- Vậy bác nói chuyện cha xứ tiếp đi.
- A, thế là từ đó trở đi, chuyện văn nghệ văn gừng trong nhà xứ mỗi dịp Lễ lớn đã trở thành thông lệ rồi đấy, bởi vì cha xứ yêu văn nghệ lắm. Nào mừng Bổn mạng cha xứ này, dâng hoa, giã hoa tháng Năm này, lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Bổn mạng giáo xứ này, những ngày ấy cứ  là tưng bừng hoa lá nhá, rồi tiệc mặn, tiệc ngọt sau đó cho vui … Chuyện tiếp đón quan khách đã thành quen thuộc đối với tụi này. Ban Hành giáo mình cũng mệt vì phải điều hành đủ các thứ hội đoàn … Chú sinh hoạt ca đoàn rồi, chú biết đấy. Thật là một cộng đoàn linh hoạt và tiến bộ.
- Bác ạ, em thấy xứ nào chẳng thế, đâu chỉ xứ bác mới có văn nghệ, tiệc tùng. (Tôi gài để bác tức mà nói thêm). Quả nhiên, ông bạn già trợn mắt vênh váo bổ cho tôi một quả:
- Này, văn nghệ xứ mình không thường đâu. Luôn luôn có ca sĩ nổi tiếng ngoài đời góp mặt chứ không phải cái kiểu cứ “cây nhà lá vườn, vớ va vớ vẩn” suốt đi như các xứ khác đâu nhá. Cha xứ đi đến đâu cũng tìm mời cho được các Sao  của thành phố về hát cho con chiên mình nghe. Cha quen nhiều lắm. Chú bảo, thời đại văn minh, linh mục phải giao thiệp rộng rãi, phải thâm nhập vào mọi lĩnh vực trong xã hội để tìm cơ hội truyền giáo, đem Chúa đến mọi nơi chứ.
- Sao cha vừa làm mục vụ lại vừa đi đây đi đó để quen biết các  nghệ sĩ được nhỉ?
- Không phải như thế, theo như anh để ý thì cha rất lưu tâm đến những chương trình ca nhạc trên ti-vi. Ngài điểm mặt những sao mà ngài yêu thích. Rồi từ đó, mỗi khi đi họp hay đi dự tiệc trên Trung tâm, có mời ca sĩ góp vui, cha đợi họ hát xong, xuống  cái là ngài tiến tới nói mấy câu xã giao, khen ngợi, hẹn hò .v.v
- Sao cơ? Hẹn hò sớm thế?
- Là cha đặt hàng họ đến hát cho xứ nhà dịp này dịp kia sắp tổ chức ấy mà.
- A vâng. Thế là quen ngay thôi. Thật sự, các ca sĩ, nghệ sĩ thì cũng chỉ là một người bình thường như mọi người. Gặp gỡ, làm quen đâu có khó khăn gì, nhất là các cô, ai chẳng thích được bắt tay các linh mục.
- Hừm, sắp sửa nghĩ bậy nào.
- Thế có cô ca sĩ nào từ chối lời “hẹn hò”của cha xứ mình không bác?
- Nào dám. Chú phải biết thế này, đối với ca sĩ, nhận một lời mời là nhận một hợp đồng, là chuẩn bị nhận một cát-sê. Không ai dại gì từ chối một lời mời. Cũng không ai lại đi mời chay, mời buông, mời tay vo cả.
Nghe đến đây tôi gật gù. Trong khi cái đầu tôi gật gù bên ngoài thì bên trong nó bắt đầu tính nhẩm: Mời một ca sĩ  Công Giáo chuyên hát trong phòng thu có thể chỉ cần một lời cám ơn của cha xứ  là em ấy vui rồi. Dân ca đoàn tụi tôi có thiếu gì em hát hay, hay hơn nhiều ca sĩ “sao lớn sao nhỏ” ngoài đời, cách hát lại tâm tình, chân phương, đạo hạnh, thích hợp với nhạc thánh, tính tình rất khiêm tốn, dễ thương, bảo hát là hát, chả đòi hỏi gì cả, miễn là để phục vụ Thánh nhạc thánh ca, nhưng nếu mời một ca sĩ nổi tiếng ngoài đời như Xuân Hạ, Thu Đông hay Thương Trường, Miên Trường, Chiến Trường hay gì Trường nào đó chẳng hạn, một đêm của họ ở Đồng Dao, ở Văn Nghệ là mấy chục triệu à nha! Nghe choáng! Tôi suýt buột miệng hỏi một câu có vẻ cay cú về vấn đề mới đây vợ tôi và mấy bà bạn hay dèm pha các linh mục chuyên môn chơi với người giàu để có tài trợ chi tiêu xả láng, song sợ chạm tự ái con chiên của ông cha xứ chịu chơi ấy (với lại đừng nên nghe chuyện mấy bà tám), nên cắn lưỡi nín thinh, kính lão đắc thọ, nghe ông Biện già khoe tiếp:
- Mấy bà hội Con Đức Mẹ khen nức nở: cha xứ mình cũng là một người nổi tiếng. Chú em sẽ phải lác mắt nếu được chứng kiến những dịp ngài gặp gỡ các diễn viên, ca sĩ, nhạc sĩ lớn trong thành phố. Một linh mục trẻ trung, nhiệt tình, nghệ sĩ tính, hòa đồng và giao thiệp rộng rãi. Giữa trời đầy sao, ngài cũng chớp chớp chờm chợp đâu kém ai.
Tôi hơi khó chịu vì cho rằng những cái đó không  cần thiết đối với ơn gọi đi tu của bất cứ một tu sĩ nào, nhất là đối với một linh mục thì chuyện bon chen, se sua giữa những phù hoa giả tạo lại càng không phải là điều đáng khen gì, cho nên không kềm lòng được, tôi ấm ức phát biểu:
- Bác cứ làm như các cha chịu chức xong là phải lao mình vào những chốn phồn hoa đô hội như vậy mới là mục tử nhân lành không bằng. Em thấy chẳng hay ho gì!
- Ô hay, nhưng ông cha này của mình là một nghệ sĩ cơ mà. Người ta vẫn xưng tụng Thiên Chúa là một Nghệ sĩ đó thôi. Chúa là Nghệ sĩ tuyệt vời, vậy có gì đáng trách khi chúng ta yêu nghệ sĩ, muốn làm nghệ sĩ nào?
- Em… em… không biết. (Tôi gãi đầu sồn sột liên tục như muốn văng ra cả mảng tóc vì không dám cãi). Em chỉ muốn… Em không chịu …
Ông Biện lườm một phát cháy cả da  tay tôi, nhưng sẵn sàng tha thứ ngay cho kẻ hậu sinh khả ố, ông kể tiếp như vừa nhớ ra, phải nói ngay kẻo quên:
- Năm ngoái mời Thương Trường chuyên môn vừa hát vừa nhảy trên ti-vi, hát “Bài thánh ca đó còn nhớ không em“ đấy. Bài ấy không mùa Nô-en nào thiếu được. Ông cha đêm ấy biểu diễn bài Noen về có vũ công minh họa, cũng đạt. Chú em thấy không, một linh mục trẻ, nghệ sĩ tính, năng động và tích cực mà có được đất dụng võ như vậy là thành công rồi.
Anh hoạ sĩ tỉnh lẻ tôi bụng bảo dạ khóa miệng cho yên. Mặc dầu vậy, trong lòng cứ tức anh ách ba cái chữ “đất dụng võ” ông thánh ấy vừa dùng.
Xe đi qua vùng Dốc Mơ, Gia-Kiệm.Trăng nhú. Thấp thoáng bóng những Thánh giá, gác chuông, nhà thờ suốt dọc đường …. thấy thân thương làm sao … Người bạn già tốt lành của tôi đang khép hờ mắt, miệng lẩm nhẩm Thánh Ma. Tôi đâm ra bối rối nghĩ ngợi, hình như nãy giờ mình toàn phản biện với những ý tưởng bênh vực cha xứ mà bác ấy nói ra, không biết bác ấy có nhận ra không. Tệ với người lớn tuổi, mai mốt chết sớm là cái chắc. Sao hôm nay tôi tham sân si, phàm phu tục tử quá. Sao hôm nay cái “ngã” của tôi nó to quá. Tại sao lại đi tranh cãi với một người có tấm lòng yêu thương chân chất như vậy. Rồi tôi ân hận vì thấy mình xấu xa. Xấu xa, bởi vì tôi không mến cha xứ của bác, hay bởi tôi ghen với tình cảm nồng hậu của bác dành cho chủ chăn nhà bác? Cả hai. Thật xấu hổ.
Được một lúc lâu, cũng đến năm chục kinh, bác ngừng đọc, làm dấu Đơn, đưa chuỗi hột lên, nâng thánh giá hôn đánh chụt một cái rồi  cẩn thận gom tràng chuỗi vào lòng bàn tay, đút nhẹ vào túi áo sơ mi, rồi quay qua tôi  rủ rê:
- Hôm nào anh em ta đi lên đây chơi, thăm các xứ vùng này, tha hồ cụng ly. Ở Gia Yên có nhà vợ chồng ca sĩ gì ấy dễ thương lắm, cha xứ anh đã giới thiệu rồi, lại quên.
- Dạ.
- Lên đây các cha biết chú là họa sĩ lại nhờ vẽ đấy.
- Dạ, lại ít là một, hai cuộc hẹn hò với cha, bác nhỉ.
- Thế vẽ tranh Đạo có cát-sê không? Đột nhiên bác hỏi qua chuyện tiền bạc.
Tôi dạ rồi nín bặt, không biết trả lời thế nào cho bác ấy đừng hiểu ra ý nghĩ của tôi lúc mà tôi định buông một lời cay cú ban nãy. Cũng không còn ương ngạnh để  bảo các cha thiếu gì tiền, bác lo hão. Uốn lưỡi mới có bốn lần, nhưng sợ bác ấy suy đoán này nọ, sợ bị lườm, tôi phải mở miệng cách khôn ngoan:
- Dạ… bác nghĩ hộ em xem.
Lần đầu tiên trong đời tôi cảm thấy mình khôn ngoan quá sức tưởng tượng khi thốt ra được câu trả lời “mập mờ chờ lâu mới hiểu” như trên.
Phải khéo, bởi vì sợ bác ấy hiểu ngay lành, cho rằng tôi thuộc hạng vác tù và hàng Tổng thì sao! Vẽ chùa ai nuôi vợ con tôi?
Bác suy nghĩ rồi chắc như đinh đóng cột, bác bảo:
- Vẽ và tạc tượng thì nhà thờ nào cũng cần. Để anh giới thiệu chú với cha xứ anh trước. Có lẽ cha sẽ cần chú vẽ một bức Lòng Thương Xót Chúa để trong nhà thờ. Phải có bồi dưỡng chứ. Yên tâm, yên tâm, Anh là Biện Cả. Cũng có tiếng nói. Hà hà! Về Sài gòn ghé nhà anh chơi nhá. Nhà chỉ có hai vợ chồng già. Ba đứa con  du học ở nước ngoài hết.
- Dạ vâng. Bác cho em xin địa chỉ.
- Rất dễ tìm. Đường Lạc Long Quân, đằng sau chợ Tân Bình. Nhà anh trong hẻm đối diện nhà thờ giáo xứ Đức Mẹ Vô Nhiễm. Anh tên Hộ. Cứ vào thẳng nhà xứ bảo chỉ cho tôi nhà ông Biện Hộ. Còn không thì hỏi nhà ông Hộ, bác ruột  của cha xứ đâu, người ta chỉ cho, ai cũng biết đấy.
Tự nhiên tôi co rúm người, tay chân quấn quýt cả vào nhau, mặt tái đi như miếng thịt trâu đầy gân xanh, mồm miệng ngọng líu ngọng lo:
- Hợ, hợ… Bác! Chết thôi, vậy mà nãy giờ bác không cho em, ..á, cho cháu biết, bác là anh ruột của ông Cố. Cháu à, .. con xin lỗi.
Cụ Biện mỉm cười nhân ái:
- Có gì đâu! Chẳng qua là quyền huynh thế phụ thôi mà! Xin lỗi chú em, nãy giờ nhiều lúc anh cũng nói theo tình cảm riêng tư lắm đấy. Cháu mình mà lị.
Mắt tôi lạc đi, cứ ngượng nghịu, bâng quơ nhìn về cửa kính phía trước. Liếc sang bên trái, trên cao, ánh trăng khuya sáng dần, dọi cho lữ hành nhìn thấy được, xa xa, xuất hiện hai phiến đá to bằng cái nhà. Đến Định Quán rồi. Thôi đi, dẹp mọi hỉ nộ ái ố, chuẩn bị tâm hồn lên viếng Mẹ nào. Bên cạnh tôi, ”biểu tượng Tình cha” đang rút chiếc áo gió trong túi đeo ra, rũ rũ rồi đặt ngay ngắn trên đùi. Ông chuẩn bị hành lý gọn nhẹ, giữ sự thinh lặng, sẵn sàng chờ đợi giây phút xe dừng bánh để bước xuống đất Mẹ Tà Pao thiêng thánh.
ANNA

Không có nhận xét nào: