#Stats1 ul{margin:0;border:0;padding:0;height:32px;background:url(//goo.gl/ZHG881) no-repeat 0 -34px} #Stats1 li{margin:10px 0;border:0;padding:0 0 0 40px;list-style-type:none} #totalComments{height:32px;background:url(//goo.gl/ZHG881) no-repeat} #totalCount{height:32px;background:url(//goo.gl/ZHG881) no-repeat 0 -68px}

Thứ Hai, 25 tháng 7, 2011

Bên kia đường

 BÊN KIA ĐƯỜNG

ANNA

Cách đây sáu năm, ma-đam đã cho thuê miếng đất của mình dưới Tân Kỳ, Tân Quý. Hồi đó, suy nghĩ, đắn đo mãi mới quyết định không bán vì bọn cò đất ăn chặn mình quá, không chịu được. Chúng ngồi
mát ăn bát vàng. Tấc đất bây giờ hơn tấc vàng, bởi nghe đâu nhà nước sắp giải tỏa nghĩa trang Bình Hưng Hoà để xây nhà thương hay dựng công viên gì đó nhưng chắc chắn sẽ giải tỏa vì đã có công văn. Khi ấy, ai có đất quanh khu này là ngon rồi. Lúc đó bán mới lời khẩm. Miếng đất ma-đam mua bấy giờ rất rẻ, kể cả thuế má vị chi 12 cây vàng, mà vàng lúc đó 5 triệu,3. Đùng một cái, vàng lên tận mây, rồi cứ lên, cứ lên, bây giờ là gần  ba chục triệu, ma-đam lời to, nhưng để mãi cũng chỉ ăn theo thời giá đến thế là cùng. Cho thuê mặt bằng hoặc bán lấy tiền bỏ ngân hàng, mỗi tháng có lời, ngoài chợ người ta bàn như vậy, nhưng ma-đam không tin ngân hàng. Cái năm thằng cha nhà băng Thanh Hương vào tù cũng là lúc ma-đam trắng tay. Cặm cụi vất vả dạy học, nhịn ăn nhịn mặc, hơn hai chục năm sau ma-đam mới gom góp mua được miếng đất này. Mất nữa coi như qua bên kia ở. Bên kia đường, đối diện với miếng đất của ma-đam là Bình Hưng Hòa. Đất nghĩa địa có giá hời, người ta mua vì rẻ chứ không ai lại dở hơi đi tính toán rằng khi chết đem chôn cho gần, ngay bên kia đường ấy mà. Bây giờ ma-đam đang cho một chị ở vậy làm việc từ thiện thuê, một mặt góp phần giúp đỡ trẻ mồ côi làm phúc, một phần có tiền ăn mỗi tháng. Đã lâu ma-đam không có học trò nữa vì sức khỏe xuống nhanh như chiếc xe cổ tuột dốc, với lại căn nhà dột nát ma-đam đang ở như cái vựa chứa ve chai, không ai dám mang con đến gửi học.
Ma-đam sinh năm 1925, tên trong khai sinh là Hồ Ngọc Diệp. Năm hai nhăm tuổi, cô Ngọc Diệp có chồng là lính Tây. Lính Tây về nước nhưng vì không có một sự ràng buộc nào, nên cô Ngọc Diệp ở lại ViệtNam, làm nghề dạy tiếng Pháp tại gia. Từ đấy người ta gọi cô là ma-đam Ngọc Diệp và cô thích được gọi như thế.
Từ hồi còn trẻ, cô Ngọc Diệp vẫn luôn luôn phi-dê, mặc đầm. Đầm của cô thường là đầm xòe, bằng voan hồng, xanh hay trắng, có dây băng ngang lưng, vòng ra sau và được thắt  lại thành một chiếc nơ lớn ở đằng sau lưng áo, y như loại áo cưới của bọn trẻ bây giờ khi chụp hình với tân lang để làm kỷ niệm. Cô đi giày nhung đen có gắn cườm hoặc giày vải thêu có nơ hoặc giày bốt cổ cao có buộc dây lịch sự như giày của các  thiếu nữ con nhà quý tộc trong truyện cổ Pháp. Cô thường cài trên đầu một bông hoa giả cỡ to, làm bằng voan mỏng hoặc ni-lông, loại người ta hay gài trên xe hoa và cô thường chăm đi nhà thờ. Ở nhà thờ, cô quỳ nơi cô muốn. Có khi cô quỳ bên nam, nơi luôn luôn còn chỗ trống cho dù bài giảng lễ  của chủ tế hôm ấy rất súc tích. Có khi cô quỳ bên nữ và dù bên nào thì cũng phải là hàng ghế đầu và là chỗ ngoài rìa, bên trong, sát ngay đường dẫn kiệu lên cung thánh trong lòng gian chính nhà thờ, nơi váy áo của cô dễ dàng nhận được những giọt nước thánh quý giá từ cái ngù của  vị linh mục rảy toé ra ban phúc cho các tín hữu mộ đạo. Vì sự hiện diện của cô đặc biệt như thế, nên y phục đi dự lễ đối với cô phải luôn chỉnh tề, lịch sự và xứng đáng.
Cô không thích ai chọc ghẹo cô, vì thế cô hay mắng đám trẻ theo đuôi cô là lũ mất dạy. Chúng học theo ai mà gọi cô là mari – sến – phốc, là tốc – kê? Chỉ có người lớn gà, chúng nó mới biết được những cái từ vô học, tầm thường đó. Cô không phải hạng người dở hơi, vớ vẩn, không thật tính người. Cô sống  đàng hoàng, đứng đắn, lương thiện như thế này mà có người dám bảo cô là man-man. Dần dần, cô tránh mặt cả những  người lớn. Cô chả thèm chơi với ai cả. Cô sống một mình, ăn một mình, ngủ một mình trong căn nhà cấp bốn nhỏ bé, xiêu vẹo của cô. Cô không đụng đến lông chân  ai cả, đừng ai chạm đến danh dự của cô, danh dự của một nhà giáo, cho dù là một nhà giáo đã về hưu và danh dự của một tín hữu thờ phượng Chúa.
Năm năm mươi tuổi, ma-đam không dạy học nữa, hằng ngày ma-đam sống bằng tiền cho thuê mặt tiền trước nhà: một cái hè vừa đủ chỗ dựng chiếc xe gắn máy. Nhà ngay ngã tư, gần chợ, gần trường, gần chùa, gần nhà thờ. Nơi thị tứ thế là tốt lắm rồi. Một xe bán bánh mì thịt đã thuê cái hè ấy. Mỗi ngày họ trả cho ma-đam một món tiền bằng năm phần trăm số lợi tức của họ hôm ấy. Chỉ vỏn vẹn có vài trăm bạc cho cuộc sống của ma-đam Ngọc Diệp trong vòng một tháng, đó là vào những năm 1975 cho tới 2004. Mỗi sáng, người ta thấy ma-đam phải lang thang hết phố này sang phố khác, vai đeo một túi vải, tay xách một bị nhựa, đi đến đâu thấy có lon bia, vỏ chai nước mắm cùng là các thứ rác rưởi có thể cân ký vương vãi trên đường thì nhặt hết bỏ vào đấy hoặc thứ gì lòng thòng thì đeo hẳn vào vai. Chiều về, trên mình người phụ nữ cô độc ấy leng keng  đầy  những thứ hàng hóa lỉnh kỉnh, để rồi bước vào nhà là bà hạ chúng xuống, chất  hết vào một góc tường. Rồi khi đã kiếm chút gì lót lòng cho đỡ mệt, bà ngồi xuống, lựa ra từng thứ, từng loại một: nhựa riêng, ve chai riêng, bìa cứng và giấy báo riêng, dây điện và kim loại riêng. Chúng là những người bạn đêm khuya của bà. Đến sáng hôm sau, lễ về, ma-đam có một cuộc ngã giá với người buôn ve chai. Mỗi ngày cứ chịu khó vất vả như thế, hôm sau thu được mấy đồng bạc bỏ ví đầm, có hôm được đến cả chục. Ma-đam Ngọc Diệp mang tiếng sống cuộc đời lập dị như vậy suốt hai mươi chín năm trời nay. Ngần ấy năm, ma-đam không sắm thêm một chiếc đầm nào, nhưng mấy năm trở lại đây, từ khi có món tiền cho thuê đất thì  tối tối, ma-đam lại  có thể thủng thỉnh dạo bước qua những lề đường chật chội và náo nhiệt của đất Sè-goòng để lục lọi, tìm kiếm cho mình một chiếc đầm kiểu hay một mẫu giày mới nơi những bạt hàng xe-cân-hen người ta bày ra la liệt hai bên hè phố. Ma-đam chưng diện những thứ ấy trên người để vào nhà thờ hoặc đi công viên. Dĩ nhiên, ra công viên hay đi dự lễ Misa, lúc nào trên tay trái của ma-đam Ngọc Diệp cũng đều lủng lẳng một chiếc ví đầm bằng nhung màu hồng có gắn một cành hoa Ly Ly màu cháo lòng thân thương. Tuy chiếc ví đầm ấy  đã sờn cũ lắm rồi nhưng chủ nhân của nó chẳng hề rời nó nửa bước, dù rằng bên trong ấy chắc chẳng có gì quý giá ngoài ít giấy tờ, sổ khám bệnh và số tiền tiêu pha còn lại cho đến tháng tới. Ma-đam không sắm thêm bóp đầm nào khác, cũng không đi nhặt ve chai, đồng nát nữa. Cuộc sống cứ thế dần trôi. Tóc ma-đam bây giờ bạc trắng như cước, dài quá vai và mỏng xơ mỏng xác nhưng vẫn còn nếp uốn cũ và đương nhiên là còn cả bông hoa giả cài lên mỗi sớm mai cho đến chiều tà, làm như đối với người phụ nữ này, không thể có một cách làm duyên nào khác khá hơn. Thân hình gầy gò ốm yếu của ma-đam trông như một bóng ma lặng lờ trong đêm. Có những đứa bé trong xóm được cha mẹ chúng đem hình tượng ma-đam ra để hù dọa khi chúng lười đi nhà trẻ hay không chịu ăn món xúp rau nhạt nhẽo chán phèo.
Bỗng một hôm, mấy người đàn bà ở gần chợ trông thấy trong nhà ma-đam có thêm người. Đó là một cô gái nhỏ chưa tới hai mươi, người gầy và xanh mướt như một cọng giá héo. Ngày qua ngày, cô gái bệnh hoạn ấy cứ nằm trên chiếc ghế xếp vải sọc ố đen, cáu ghét của ma-đam, nhìn ra ngoài, xem người ta  đến mua bánh mì trước cửa nhà, nét mặt thẫn thờ, yếu ớt. Có bà cụ Điền, chỗ quen biết trong nhà xứ, ghé vào hỏi thăm, ma-đam trả lời:
- Con nuôi tôi đấy. Nó ốm.
Ma-đam cho cô gái ấy  đi bác sĩ, rồi ăn, uống, tẩm bổ suốt bao nhiêu lâu, hết veo cả số tiền mấy tháng trời cho thuê đất mà nó không hồi nổi. Rồi nó chết tại nhà ma-đam. Ma-đam thương khóc nó. Kẻ xấu miệng lại dèm pha đó chính là con ruột của ma-đam với ông Tây, ma-đam mới tìm lại  được. Chứ làm gì mà phải thương vay khóc mướn  đến thế. Không phải. Sự thật là ma-đam đi nhặt nó ở ngoài công viên mang về, sau khi vừa nghe bài giảng ở nhà thờ, lời Chúa Giêsu phán: ”Ta đau yếu, các ngươi săn sóc” đấy. Rồi ma-đam đi ngửa tay xin tiền mọi nhà để mua cho nó một cái hòm. Không thể đủ, ma-đam lượm lặt hết những chai lọ đẹp trong nhà, giữ mãi không muốn bán, bây giờ phải đặt hết lên cái cân của chị ve chai để kiếm tiền lo cho nó lần cuối cùng. Đã nuôi, nuôi cho trót, người mẹ khốn khổ với trái tim ẩn chứa nguyên vẹn tình mẫu tử ấy đi một quãng đường, đến nói với người thuê đất rằng:
- “Chị thanh toán trước cho tôi một năm.”
Vậy, để cho biết, trên đời này, làm từ thiện cũng có nhiều hạng người. Chị nuôi trẻ thấy ma-đam Ngọc Diệp cần tiền thì làm khó. Chị bàn viết lại hợp đồng. Hợp đồng bây giờ sẽ là ba năm. Bên B thanh toán tiền thuê đất trước. Trong thời gian hợp đồng còn hiệu lực, nếu bên B qua đời hoặc không sử dụng đất theo mục đích đã quy ước, bên A sẽ thừa hưởng tất cả những gì xây dựng trên mặt bằng cho thuê đó, hiện giờ là một căn nhà gồm hai lầu, một trệt, trị giá một tỉ đồng, dùng để nhận nuôi trẻ mồ côi vô thừa nhận. Bên A sẽ nhận tiền trước, nhưng trong thời gian hợp đồng còn hiệu lực, nếu bên A qua đời không có người thừa hành việc ký kết thì bên B sẽ làm chủ miếng đất đó.Tiền thuê mỗi tháng từ nay tăng gấp đôi. Năm nay ma-đam tám mươi lăm tuổi rồi, nó trù thân già này chắc. Trong lòng ma-đam buồn bã cám cảnh thay nhân tình thế thái, lòng dạ tham lam của con người. Nhưng nghĩ, nếu bây giờ cầm trước, mình sẽ có một món tiền khổng lồ, lo cho con bé rồi xây lại cơ ngơi luôn thể. Khu thị tứ này đang mở mang, lục lộ mới nâng đường, còn vài căn nhà được xây dựng từ ba mươi, bốn mươi  năm trước bây giờ như chôn sống nửa thân nhà xuống đất. Cửa sổ nằm sát mặt đường, nhìn không giống ai. Nhà của ma-đam Ngọc Diệp y như vậy. Ma-đam kỳ kèo:
- “Tôi chết chị lo cho tôi mồ yên mả đẹp chứ?”
- “Con hứa với ma-đam như vậy”.
- “Tôi chết chị phải xin cho tôi 10 lễ chứ?”
- “Con hứa, nhưng mong ma-đam sống mãi trăm tuổi“.
- “Chị cho tôi biết, chị sẽ nuôi trẻ mồ côi và yêu thương chúng mãi chứ?”
- “Vâng thưa ma-đam.”
Người phụ nữ đó tỏ ra có thiện chí chấp nhận tất cả các yêu sách của ma-đam. Ma-đam cầm mấy chục triệu bạc, yên tâm ra về. Đi giữa đường, ma-đam lẩm bẩm một mình:
- “Chắc mình cũng chỉ sống được dăm, sáu năm nữa là cùng. Thôi để của nhờ chị ta làm từ thiện thế cũng tốt.”
Ngày hôm sau, cô con nuôi vắn số của ma-đam có được một chiếc hòm vừa phải, hoa đèn nến thích hợp với cô và một thánh lễ An táng trong nhà thờ hẳn hoi. Theo thông lệ của thành phố, người ta mang chôn cô tại nghĩa địa Bình Hưng Hòa, bên kia đường, đối diện với miếng đất của ma-đam.
Những linh hồn cô độc không người hương hỏa  được nằm chung với đất  chứ không hỏa táng.
Đúng một tháng sau, khi chuyện người chết lẫn chuyện người sống đã yên ổn, ma-đam Ngọc Diệp đang ngồi gác chéo chân ở quán Hạnh, vừa ăn bún bò vừa bàn bạc chuyện sửa nhà với một thầu xây dựng, có người tìm gặp bà cho bằng được, kéo bà ra ngoài báo tin đột ngột: Chị thuê đất nhà ma-đam bị điện từ máy rút tiền ATM giật, ngã vật xuống đất, chết rồi.
Ma-đam bủn rủn cả người, không nuốt được mấy sợi bún to còn nghẹn ở cổ. Bà cố gượng vịn lấy tay ghế để khỏi ngã. Một đám tang hiện ra trước mắt bà: Chị thuê đất nằm trong quan tài. Chiếc hòm cứ dập dình, dập dình như đang bơi trên mặt biển. Mấy đứa trẻ mồ côi xúm quanh, nghịch ngợm nhặt hoa ném lên trên thân thể bất động của chị ấy. Chúng nó không khóc như ma-đam khóc con nuôi. Rồi người ta di quan chị ta sang bên kia đường và lập cho chị một ngôi mộ trong nghĩa trang của thành phố hiện chưa giải tỏa.
Ma-đam ôm mặt, hình dung ra một sự thật hiển nhiên: Cứ theo hợp đồng với chị bị điện giật, miếng đất của bà vẫn còn y nguyên đó, tự dưng bà lại còn được sở hữu thêm một ngôi nhà hai lầu, một trệt mới toanh trị giá cả tỉ bạc nữa.
Vậy việc đầu tiên phải làm bây giờ là cắt ngay dự án sửa chữa căn nhà nhỏ. Bà sẽ bán nó đi để về sống tại ngôi nhà mai kia sẽ có công viên hoặc bệnh viện gì đó ở đằng trước thì thuận tiện biết mấy.
Từ cửa sổ ngôi nhà ấy, nhìn sang bên kia đường, ma-đam sẽ nhớ cầu nguyện thường xuyên và tha thiết cho linh hồn con gái nuôi của ma-đam và linh hồn chị thuê đất.
Thế xong rồi thì là……





Không có nhận xét nào: