#Stats1 ul{margin:0;border:0;padding:0;height:32px;background:url(//goo.gl/ZHG881) no-repeat 0 -34px} #Stats1 li{margin:10px 0;border:0;padding:0 0 0 40px;list-style-type:none} #totalComments{height:32px;background:url(//goo.gl/ZHG881) no-repeat} #totalCount{height:32px;background:url(//goo.gl/ZHG881) no-repeat 0 -68px}

Thứ Hai, 25 tháng 7, 2011

Một ý tưởng dở hơi


  MỘT Ý TƯỞNG DỞ HƠI
                                                                                                                   ANNA
 Tôi bê tô chuối xanh nấu ốc và đĩa bún sang biếu ông bà. Thấy bà ngồi buồn một mình, tôi chạnh lòng hỏi thăm. Bà
nói bà bực ông lẩn thẩn, dở hơi lắm rồi, hôm qua không bảo bà, tự nhiên đi gọi vợ Oai vá xe vào, đưa tiền nhờ nó tìm mua cho mấy miếng trầu, một gói thuốc lào mấy lại một chai keo xịt tóc nữa.Tôi nghe, ngạc nhiên hỏi:
-Ô, chú cháu làm gì với ba thứ ấy ạ? Có trộn chung vào không mà cô bảo lẩn thẩn ạ?
- Trộn chung có mà tôi đổ ngửa  ra à chị.
Tôi hích hích cười:
- Không, cháu chỉ đùa.
Bà bảo ông nhớ thuốc lào, lại lần mò dở cái điếu ra châm nước.
- Thế còn trầu ạ?
- Chả biết ông ấy làm gì.Từ xưa đến giờ tôi có thấy ông nhà tôi ăn giầu bao giờ đâu. Còn keo xịt tóc thì chắc để xịt tóc thôi, nhưng mà … Bà chép miệng, chán, chả muốn nói, ngưng tí lại phân trần tiếp:
- Xưa ông ấy vẫn thích mùi nước hoa Rê-vờ-đo, tiếng Tây nó có nghĩa là Giấc Mơ Vàng mà tôi hay dùng. Bây giờ làm gì có cái hãng đấy, lọ ấy là từ đời me tôi để lại. Hết cái lọ Rê-vờ-đo ấy rồi tôi cũng chẳng thích nước hoa bây giờ, tôi không xài nữa thì ông ấy  mua vớ mua vẩn cái khỉ gì cũng xịt chị ạ, miễn là thơm thơm. Gớm, già rồi mà điệu làm cái gì, thơm làm cái gì cơ chứ.
Ông lững thững đi từ nhà trong ra. Nghe bà phê bình như thế, ông lả giả phân bua:
- Cái tóc tôi dạo này nó cứ dựng đứng xác xơ,  có mấy sợi dài dài trước trán cứ bay vướng vào mắt cho nên tôi mới phải làm vậy chứ ai mà muốn điệu bao giờ. Quay sang tôi, ông chào:
- Chị Tiền sang chơi. Chị mang sang cho gì thế? Dạ, hôm nay cháu nấu chuối ốc, cháu mang sang biếu cô chú dùng thử ạ. Cô đã nấu cơm chưa  ạ?
-Đã chị ạ – ông trả lời thay bà-Nhà tôi đặt nồi cơm từ sáng cơ. Ăn cơm với món chuối ốc này cũng ngon chị Tiền nhỉ. Bây giờ già rồi, răng lợi yếu cứ  chan tí canh húp sụp cái là dễ ăn.
Bà nhìn tô canh vàng ánh khen:
- Ối giời ơi, trông màu mỡ khéo quá, thơm quá, lại còn có bún nữa này. Cái món này ăn với bún hợp hơn.
Vậy là ông sẽ ăn cơm, bà ăn bún.
Ông bà lại khác nhau rồi.
Ông bà lấy nhau hơn hai mươi năm nay, khi ấy bà đã ba mươi tám. Ông hơn bà tới mười lăm tuổi. Ông đẹp, to cao như Tây, còn bà vừa đen vừa bé, trông hơi chênh. Tôi mới về làm láng giềng ông bà được hai năm nay, nghe nói ngày xưa ông bà yêu nhau lắm. Ông yêu bà nhiều thì đúng hơn. Mỗi khi bà Giáo Thi, chị của bà đến chơi, bà lại gọi tôi sang góp chuyện cho vui vì ông bà không có con cái, sớm tối có gì là cứ ới con bé hàng xóm dễ thương, được việc này thôi. Ông bà chẳng dấu tôi điều gì. Cứ bực ông là bà lại tâm sự với tôi. Tâm sự cả những chuyện đời xửa đời xưa, từ hồi hai ông bà mới quen nhau, rồi yêu nhau, rồi lấy nhau thế nào. Ngày xưa ấy, hồi còn con gái, nhà bố mẹ bà ở phố Lò Đúc. Bà có nghề đan len, học từ mẹ bà. Con gái Hà Nội đan len thì cứ ngồi ở nhà suốt ngày, không phải bước chân ra đường một bước nào, nắng không đến đầu, mưa không đến chân. Cứ đan hết cái áo này lại đến cái áo khác. Có người ở cửa hàng đến nhận áo rồi thanh toán tiền công ngay tại nhà. Bà còn biết đan khăn quàng, đan mũ, đan bít –tất. Ai đặt hàng gì bà cũng nhận. Trong ca-ta-lô có kiểu gì, bà nhìn vào là đan được hết. Giờ, rảnh rỗi, bà vẫn đan áo, đan vớ cho con cháu đấy. Tôi đã từng được nhìn tận mắt, sờ tận tay những chiếc áo len kiểu vặn thừng hai bên ngực áo do chính tay bà đan, đẹp lắm. Chúng như một kỳ công đối với tôi, cho dù tôi cũng là một phụ nữ khéo tay đấy chứ. Bấy giờ cũng vì bà cứ ngồi trong nhà đan len suốt ngày nên chẳng có ông nào dòm ngó. Chẳng ai biết bên trong cửa sổ nhà ấy có một cô con gái ngoan rất khéo tay, hay lam hay làm, chẳng hề ăn chơi đua đòi chúng bạn. Bà như hình ảnh người em sầu mộng trong câu hát phổ thơ của ai tôi quên mất, có phải thế này không:
Em là gái trong song cửa
Anh là mây bốn phương trời
Anh theo cánh gió chơi vơi
Em vẫn nằm trong nhung lụa ...
Cho đến một ngày mẹ bà nhìn vào lịch treo tường mới thảng thốt: ơ! con gái  mình đã lỡ thì quá lứa từ bao giờ thế này. Thế là cụ vội vàng gõ cửa nhà bè bạn để nhờ người mai mối cho con gái cụ một tấm chồng. Con cụ khéo thế đâu thể rét –tê cẩm xà được. Rồi thì ông xuất hiện. Chả hiểu làm sao ông đẹp giai như thế mà chịu lấy bà, nước da bánh mật, mũi tẹt dí dị, mắt trái lại có tí ve. Mà lạ, sao cứ cái mũi hơi thấp một tí là nhìn tổng thể khuôn mặt người ta mất điểm kiều diễm hẳn đi thôi. Ai bảo cái răng cái tóc là quan trọng chứ tôi thấy cái mũi mới quyết định vẻ đẹp trên dung nhan một cô gái. Bà xấu thật. Âu cũng là cái duyên cái số, bà bảo thế nhưng bà cũng hãnh diện lắm. Bà khoe:
- Ngày ấy cả ngõ chỉ có tôi là đan nhanh lại đẹp nhất thôi chị Tiền ạ. Mấy cô khác vẫn cứ phải sang học tôi chỉ cho đấy, chứ mũi dãi (bà dùng chữ ấy để “hài hóa” cái mũi của bà) mình thế này đàn ông ai thèm lấy.
Có lẽ không chỉ vì mến bà ở cái nết đan áo đẹp mà ông chọn bà, tôi nghĩ thế và nói lên  nhận xét của mình, mang hơi hướm nâng đỡ, ủi an bà:
- Cháu thấy cô chẳng có gì phải mặc cảm. Nét đẹp trời cho mỗi người mỗi khác cô ạ. Cô đẹp ở cái tài, cái nết , cái duyên. Mấy cô khác thua đứt cô về những khoản ấy rồi phải không cô.
Bà nhìn tôi cười tươi ứ ừ một tiếng. Tôi chộp ngay lấy khoảnh khắc đáng giá ấy như một nhiếp ảnh gia tài ba thực thụ nói với người mẫu:
-Nhìn cô cười rất đẹp.
Bà ngượng chín, quay nhìn ông đánh trống lảng:
- Thế ông mua giầu ăn à?
- Không, tôi mua giầu ăn.(Dạo này ông hơi lãng tai).
- Là tôi hỏi ông mua giầu để ăn phải không?Bà hơi cao giọng hỏi chậm lại.
- Ừ, ừ, nhai giầu. Cái vôi trong miếng giầu người ta bảo rất tốt đấy mình ạ. Tốt cho răng, cho xương, lại sát trùng miệng lưỡi.
- Thời bây giờ ai lại giổ toèn toẹt ra. Mà ông ăn ông giổ vào đâu  cơ chứ?
- Tôi nuốt. Nuốt hết cả mới tốt. Mình cũng ăn đi. Nhai giầu chắc răng. Để tôi nhờ nó mua thêm.
Bà lắc đầu thưỡi môi không chịu. Ăn giầu mà nuốt nước, say chết. Say không biết giời đất đâu. Say lăn quay ra giường khiếp lắm. Say còn hơn say xe, say tàu. Bà bảo có lần bà đã nhai thử một miếng giầu têm cánh phượng hôm đi hội. Nghe hát rồi được liền chị nọ mời giầu. Ôi giời, say bồng say bềnh, say mê say man. Không nôn được mới mệt. Nằm mãi mới hồi lại được. Thế là mất hẳn một buổi nghe Quan Họ. Hãi đến già. Bà không biết ông đã nhai miếng giầu nào chưa nhưng thôi, cứ để ông nhai thử ông khắc biết.
Ông không rượu chè, cờ bạc, thôi cứ để chiều ông tí vậy, chứ bà cũng bực lắm, nhất là cái chuyện hút thuốc lào lại. Bà bảo ho thế mà hút thì tiền bác sĩ chết giở. Mấy lại hôi lắm. Rồi khạc, rồi nhổ. Vậy mà ông còn về hùa với ông Tú Mỡ rằng:
Nghiện thuốc lào là cái nghiện thanh tao
Không hại của tiền không hao sĩ diện.
Chỉ tại cái bát điếu. Nguồn cơn khiến bà cằn nhằn ông là cái bát nước điếu. Ông không cho bà thay nước, để ông làm. Ông bảo bà không biết, nước trong bát càng cũ hút càng ngon, càng sánh rít càng say, nhưng mùi nó càng lâu càng nặng, bà ghê lắm, chả đụng vào. Tôi thấy ông thường im lặng, không mấy khi cải chính hay phản đối lời bà. Bà nói cũng có phần đúng, nhưng ông cũng dễ chịu ở chỗ không giận, không cãi.Về sau, tôi nghi rằng tai ông kém, ông không nghe rõ nên không biết để nghĩ ngợi, giận hờn về những lời phê bình cáu kỉnh của bà. Thôi thế cũng hay. Hai người đều dễ mến. Tôi thích sang chơi nhà ông bà. Phần để nghe chuyện ngày xưa, phần để học hỏi ở ông bà những lề thói tốt đẹp của người Hà thành mà vì mồ côi mẹ sớm, tôi không được ai dạy cho biết. Đôi khi, từ nhà ông bà về, tôi lại thủ được một bài học đối xử với chồng tôi cho đẹp hơn, cũng có khi cho tệ hơn để dạy chồng. Cứ xem ông nhường bà, bà nhịn ông mà bắt chước. Chồng tôi cũng không có nhiều tật xấu lắm, chỉ hay bù khú với bạn bè, nhiều khi quên cả giờ về. Tôi đợi cơm thì cũng phải biết rằng cái sự đợi cơm của tôi là một nhân đức nhẫn nhục lắm chứ. Ấy thế mà chồng tôi chẳng để ý, chẳng nhớ đến gì cả. Bạn bè là trên hết. Sao mà lắm bạn thế không biết. Còn ông là cả một gương mẫu nhịn nhục yêu thương vợ hết mình. Bà Giáo Thi kể cho tôi nghe rằng, có lần em gái bà tự nhiên giở chứng theo người ta  đi buôn len lậu ở biên giới Tàu. Lần ấy cả bọn bấy nhiêu cô bị mất sạch cả vốn lẫn lãi, lại còn bị phạt tiền bao nhiêu không nhớ nhưng em rể bà đã phải hy sinh bán cả một tủ sách để có tiền nộp phạt cho vợ, nếu không là tù đấy. Thế mà tôi chưa bao giờ nghe ông kể lại hoặc kêu ca, than thở về chuyện ông mất tủ sách (một tủ sách đối với người mê sách là một gia tài rất lớn). Đúng là một hy sinh cao cả.
Có lẽ bà chịu ơn ông về lần đó mà mỗi khi có điều muốn trách móc than phiền ông, bà cũng đã bớt lời, chứ không thì dai lắm. Tôi nghĩ, nhưng chưa bao giờ dám nói ra điều này, giá như bà biết được bà xấu như thế mà được ông thương thì hạnh phúc quá rồi chứ chả nên lầu bầu ông làm gì.
Khổ cái là đến tuổi già người ta hay đoái tật.
Ông dạo này cũng vớ vẩn lắm. Hôm nọ suýt nữa thì nhà mất của. Một gã thanh niên nọ thắng xe cái kít trước cửa, gọi bác ơi. Bấy giờ bà vừa xách làn đi chợ được một chốc. Nó trông thấy ông ra thì  xoen xoét bảo:
- Bác gái mua cháo lòng nhà con. Bác bảo mua nhiều cho nhà hôm nay có khách. Bác lấy cho con cái nồi áp suất to to để ở dưới bếp để con mang ra cho vợ con nó múc cháo mới đủ.
Tôi ở bên nhà, nghe miệng thằng cha này nói khả nghi liền chạy sang xem. Chưa kịp hỏi quán cháo nhà nó ở đâu thì đã nghe ông  vừa lật đật đi  trở vào,vừa bảo nó:
- Anh chờ tôi tìm, cái nồi gì nhỉ?
Lại còn gọi là cái nồi huyết áp cơ.
Dĩ nhiên tôi đâu có chịu. Phải hỏi cho ra lẽ mới giao của nhà mình cho cái đứa tầm vơ nào chứ! Tôi nhảy sang làm người nhà ông bà vặn vẹo nó, thế là nó biến. Ông hoàn hồn bảo may có chị Tiền không thì mất cái nồi mấy trăm ngàn. Chú mà bị lừa như thế này thì cô cằn nhằn suốt ngày cho mà xem. Một lúc sau, bà đi chợ về, hỏi ra, có mua cháo lòng bao giờ, có mời khách nào đâu. Hai chú cháu dấu tiệt chuyện ban nãy ở nhà. Ông thoát nạn, mừng quá.
Bà cứ chê ông gì cũng ừ, chẳng có lập trường. Tôi nghĩ không phải thế. Ông hiền và ông có quan niệm sống hẳn hoi. Có lần buồn chuyện chồng đi nhậu về khuya, tôi sang tâm sự với ông bà. Ông bảo tôi ngồi, rồi hứng khởi thế nào, hôm ấy ông nói rất dài, như những người già thường hay trở về quá khứ:
- Cứ phải nghĩ đến cái tính cởi mở hào hiệp với bạn bè của anh ấy mà thông cảm và để đỡ buồn chị Tiền ạ. Để chú mách cho Tiền một cách làm vơi buồn nhá. Theo chú thì trong mọi sự, ta cứ tập hài lòng là vui thôi. Ngày còn đi dạy, chú đã học được một bài học về cuộc sống rất đơn sơ từ ông  bạn đồng nghiệp của chú. Rất đơn sơ mà chú cứ nhớ mãi. Ông bạn ấy nói trong đời ta hãy luôn luôn cám ơn Trời về mọi sự ta đã được nhận lãnh và khi có lòng tri ân như thế, con người ta sẽ thấy hài lòng với cuộc sống. Từ đó, chú tập hài lòng bằng lời cầu nguyện như thế này:
Cám ơn Chúa,
 con không cao quá cũng không lùn quá.
Cám ơn Chúa,
con không nghèo quá cũng không giàu quá
con không khỏe quá cũng không yếu quá
con không kém quá cũng không giỏi quá.
Cám ơn Chúa,
con là người nước Việt Nam, một nước không lớn quá cũng không bé quá
da vàng chứ không đen quá, trắng quá
con là con cháu dòng họ không nổi nang quá nhưng cũng không kém giá quá
cái nhà của con không to quá cũng không bé quá …
Tôi ngắt lời ông, chen vào:
- Gia đình con không đông quá cũng không cô quạnh quá,
con cái con không đẹp quá cũng không xấu quá,
vợ chồng con không nhàn hạ quá cũng không lam lũ quá.
Ông thú vị gật gù ngẫm nghĩ tiếp:
- Không đầy đủ quá cũng không thiếu thốn quá.
Không ăn chơi quá cũng không buồn  tẻ quá.
Tôi  cố chêm thêm:
- Chồng con có tật ham vui với bạn nhưng không đến nỗi biền biệt  quá.
Thấy hai chú cháu tôi tâm đầu ý hợp phát biểu rào rào, bà cũng vui lây. Bà góp lời:
-Cám ơn Chúa,
 chồng con không khéo quá cũng không vụng quá,
 không chăm quá cũng không lười quá,
 không dữ quá cũng không hiền quá.
Tôi bênh ông, phản đối:
- Ơ không. Cháu thấy câu này không đúng. Chú hiền lắm mà.
Cả nhà đồng ý, nhưng ý tưởng dữ – hiền này của bà được chấp nhận bởi vì đúng thật là ông không phải tướng cướp cũng chẳng phải ông Bụt.
Hai cụ già của tôi dễ thương như thế đó.
Hôm nay thấy ông muốn ăn cơm, bà lại đòi ăn bún, tôi nhớ lại bài học của ông lần đó mà cười thầm nghĩ bụng: Cám ơn Chúa, chuối nấu ốc của con không ngon quá cũng không tệ quá, bún con mang sang đây không thiếu quá cũng không bị thừa quá.
Thật lòng, tôi chỉ muốn hai ông bà láng giềng của tôi luôn được bình an vui vẻ với nhau để tôi được vui lây. Ước gì bà đừng càu nhàu ông. Ước gì ông đừng lẩn thẩn. Ước gì ông đừng ăn giầu. Ước gì ông đừng hút thuốc lào lại nữa (tội nghiệp, hút thuốc lào đâu có phải là một cái tội xấu xa gì, ước là để chiều ý bà cho vui nhà vui cửa đấy thôi. Đã chôn điếu xuống lại đào điếu lên bà không chịu được).
Ước gì ông bà đừng khác tính nhau. Ước gì chiều nào người ta cũng thấy ông bà vẫn âu yếm  nắm tay nhau dạo bước đến nhà thờ …
Và thật sâu thẳm trong  lòng, tôi ước ao bà nhận ra tình yêu của ông rất vĩ đại đối với bà. Để bà đón nhận ông với tất cả những gì là của ông, dẫu bây giờ chỉ là răng long tóc bạc da mồi, dẫu bây giờ chỉ là lẩm cẩm, nghễnh ngãng, hay quên. Dẫu bây giờ chỉ khét lẹt mùi thuốc lào thuốc lá, mồm lại đỏ hoẻn miếng trầu không.
Buổi chiều, sau giấc trưa, tôi sang lấy cái tô với cái đĩa kẻo bà lại phải mang trả. Tôi tìm ít bìa cứng cắt từng sợi dài đem sang cho ông làm đóm. Ngày xưa tôi thấy ông nội tôi lấy cật tre làm đóm cơ, nhưng bây giờ kiếm đâu ra tre, vả lại cái thú thanh cao tao nhã mà bài Điếu đức tụng của ngài Tú Mỡ ca ngợi ấy bây giờ người thành phố bỏ nhiều rồi. Đời nào lũ con cháu thời nay lại cho phép các cụ ngồi co gối trên sa-lông mà rít trong phòng khách máy lạnh hiện đại thơm phức nước hoa nhà chúng. Ngay như bà đây cũng đâu muốn ngửi thấy mùi thuốc lào trong nhà, cho nên tôi e rằng bó đóm tôi mang sang chắc cũng chỉ để tỏ tấm lòng làm quà cho ông vui thôi chứ đừng nên cho bà nhìn thấy, kẻo bà bảo tôi đồng lõa (của đáng tội, tôi cũng có đồng lõa thật). Tiếc là ông không ở quê tôi. Ông mà làm hàng xóm láng giềng với bố tôi thì vui quá, cứ như rồng gặp mây, cá gặp nước. Mời hai cụ trải chiếu ngoài hè mà vừa hút vừa đàm đạo chuyện thế thái nhân tình, ba sinh một luống.
Trông thấy tôi cầm đóm sang, ông hiểu mình đã có đồng minh. Ông thầm thì:
- Bà ấy bảo: Thôi kệ, ông muốn làm gì thì làm.
- Như thế là cô bằng lòng cho chú hút thuốc lào lại phải không ạ?
- Ấy ! Là cái kiểu bằng mặt chứ đâu bằng lòng.
- Hay ta cứ lờ tít đi ạ? Tôi làm quân sư quạt mo cho ông.
- Như thế vợ chồng không vui đâu chị Tiền. Chị vào trong nhà.
Ông có lý. Vợ chồng già, ăn ở với nhau đến tuổi này mà còn kèn cựa, ngang tàng thật không phải, huống hồ là người tử tế như ông bà, nhưng tôi biết ông đang thèm thuốc lắm. Đúng là:
“Cũng có lúc muốn dứt tình khắng khít
Vùi điếu đi cho hết đa mang
Nhưng nỗi nhớ nhung bứt rứt gan vàng
Chút nghĩa cũ lại đa mang tận  tụy.
                                                           (Tú Mỡ)
Ở quanh đây chẳng có cụ nào có điếu để sang hút nhờ. Tôi đoán ông đang vận dụng óc khôn ngoan để thắng được bà mà hòa thuận, vui vẻ cả làng đây.
Khi bà mang rổ len ra sa-lông ngồi đan, ông không khoe món quà bé nhỏ tôi mang sang, nhưng khéo để nhẹ nó xuống góc bàn kính, coi như không. Ông thản nhiên bảo bà:
- Mình ạ. Cái bát điếu mấy năm nay vẫn còn mùi.
Bà ừ hữ. Ông lại nói tiếp:
- Cái xe điếu tôi đã rửa lại sạch sẽ.
Bà nhướng mắt nhưng tay vẫn đan liến thoắng, không hưởng ứng tí gì. Ông dụ  khị:
- Mình chiều tôi nhé. Mình này, cái chị Tiền chị ấy bảo ông nội chị ấy thọ chín mươi sáu tuổi đấy. Chả bệnh hoạn gì, cụ nằm rồi đi thôi. Con cháu chôn điếu của cụ theo luôn. Không tin mình hỏi chị ấy mà xem.
Bà hắng giọng hai cái, thong thả nói:
- Thì tôi đã bảo mình muốn làm gì thì làm mà lại.
Eo ơi, vẫn không hiểu được  ý bà. Ông lại phải đánh ván bài tâm lý chiến với bà:
- Tôi vẫn yêu cái mùi nước hoa Rê-vờ-đo của mình, yêu mãi. Đến tận bây giờ, lúc nào tôi cũng cảm thấy hương thơm ấy thoang thoảng quanh đây. Mình cũng thế, từ bao năm nay mình vẫn thay nước bát điếu cho tôi, mình vẫn từng ngồi cạnh tôi, đưa đóm cho tôi, rót sẵn cho tôi cốc nước chè tươi. Tôi chỉ mới bỏ thuốc cái dạo ho quá vừa rồi thôi, sao mình nỡ lòng đoạn tuyệt với cái mùi Ba Số Tám quen thuộc thân yêu này. Thế là không công bằng đâu nhá.
Đến đây thì ông đã khéo gợi lấy cảm tình để làm cho bà bật cười, nhưng vẫn cứ một câu rất bâng quơ lửng lơ con cá vàng, không quyết: mình muốn làm gì thì làm.
Ông kín đáo nháy mắt với tôi một cái rất khó hiểu. Tôi không dám xía miệng vào sợ hư bột hư đường.
- Thế bây giờ tôi bàn với mình, ta bày một hội nghị bàn tròn. Đây ta có  ba người, tôi, mình với chị Tiền, đủ điều kiện để lấy phiếu bầu. Bây giờ có hai mùi: mùi nước hoa và mùi thuốc lào. Mùi nào được hai phiếu xem như mùi ấy thắng. Nếu có hai phiếu cho Vừa-đi-vừa-đo thời Pháp thuộc, tôi sẽ phải đập vỡ bát điếu. Còn nếu Ba Số Tám An Nam ta được hai phiếu thuận thì … khà khà khà ……Ý kiến này của tôi tuy lẩn thẩn thế nhưng xem ra không đến nỗi khó chiều, phải không mình?  Bây giờ ba ta bỏ phiếu nhé.
Bà nghiêng người, khẽ lẩm bẩm vừa đủ cho mình tôi nghe, như chủ sòng bài cờ bạc bịp nháy nhó với cửa cò mồi: – Cám ơn Chúa, nhà con ông ấy không ra dại quá, cũng không lỏi tì quá. Cái Tiền nó là đàn bà con gái mà chịu bỏ phiếu cho thuốc lào à? Thôi, ai lại đi chấp cái người dở hơi, Tiền nhỉ! Bỏ thì bỏ!
Thôi chết tôi rồi!
ANNA

Không có nhận xét nào: