#Stats1 ul{margin:0;border:0;padding:0;height:32px;background:url(//goo.gl/ZHG881) no-repeat 0 -34px} #Stats1 li{margin:10px 0;border:0;padding:0 0 0 40px;list-style-type:none} #totalComments{height:32px;background:url(//goo.gl/ZHG881) no-repeat} #totalCount{height:32px;background:url(//goo.gl/ZHG881) no-repeat 0 -68px}

Chủ Nhật, 17 tháng 7, 2011

A LÔ, TRẬT TỰ !


  A LÔ, TRẬT TỰ !
Xóm Chai nghèo hôm nay có không khí rộn ràng  như  những ngày vào tháng Tám ta , giáp Trung Thu. Người lớn  lăng xăng, con nít cũng lăng xăng, hỏi ra mới biết có đoàn người phát quà từ thiện sắp ghé thăm tặng quà.


Mấy bé gái mặc đồ bộ, quần hoa áo hoa ngó tới ngó lui chỉnh sửa những chỗ ren áo sờn cũ nhăn nhúm, vuốt đi vuốt lại mấy lọn tóc khô cháy nắng còn rít rịt mồ hôi vì chúng vừa phải  đi học, vừa phải đi bán vé số. Những nhỏ này còn phải trông em hay phụ mẹ buôn bán , có đứa phụ cha sửa xe đạp ngoài xóm nữa. Hôm nay các cô nàng này có vẻ điệu đàng hơn vì các cô cũng vẫn là con nít, vẫn mong có quà, vẫn thích tụ họp vui chơi , vẫn thích đám đông,mà hôm nay cả xóm tụ họp lại,đông vui ồn ào ghê.

Các cậu trai  nhỏ tuổi cũng  tí tởn  ra mặt, chạy loanh quanh, chờ xem có tin tức gì của việc đón đoàn khách là tự động thông báo về xóm ngay. Bé mà thích ra vẻ ta đây người lớn, vậy cũng tốt thôi. Các cậu lớn cấp hai thì phụ với mấy bác, mấy chú lo kê bàn ghế, dọn dẹp phòng ốc, sân sướng.

Nước trà  được giao cho cô Hà “bún mọc”  nấu một nồi to. Ly tách có sẵn trong tủ phòng khách của nhà xứ. Mua đá là công tác của  Hiến, mấy em trai nhỏ phụ đập đá bỏ vào thùng. Như vậy chắc ta cần thêm ít bánh trái đặt trên bàn là buổi tiếp đón khách quý của xóm mình hôm nay xôm tụ rồi. Bỗng dưng từ khi được tin phái đoàn đến thăm, mọi người trong xóm đâm ra thân thiện,vui vẻ, ân cần với nhau đến là hay. Ai cũng sẵn sàng nhận công tác từ cấp trên giao cho, dù cấp trên này chẳng được ai công nhận hay bầu bán gì cả, lại còn tìm dịp để tự nguyện nữa chứ. Như lúc thấy Hà đi bê rổ chè tươi về, cái Ngần xắn ngay cạp quần lên cao, ngồi phệt xuống nhặt chè thôi, được chị Hà khen:  ừ! em giỏi. Hay như thằng cu Đễ , Đế đấy , vì cả  xóm  gọi  nó như thế  cho  dễ, khỏi  phải  ngửa  cổ, uốn lưỡi dấu ngã, lúc nãy vừa thấy đá về là xin anh Hiến cho em bỏ đá vào thùng với . Hôm nay  là ngày vui của xóm, cho nên anh  Hiến  không hề quát  tháo, hùng hổ như mọi ngày, anh chỉ bảo: làm đi. Mấy người cục vậy mà hiền. Hôm nay rõ ra anh Hiến là người hiền lành, ít nói. Làm đi, thế thôi, chứ cứ như  ngày  thường , con nít đứng trước mặt anh , đứa nào chưa kịp mở miệng , còn đang ấp a ấp úng thì anh đã quát: muốn gì, nghe như sấm nổ ngang trời, bố đứa nào còn muốn gì nữa. Thọat đầu, cu Đế cứ chăm chăm dò xét anh Hiến mãi. Khi đã thấy miệng anh ấy nở một nụ cười hiếm lạ, nó đoán hôm nay  trong bụng anh ấy  vui, nên nhắm chừng  một lúc sau nó  mới dám cất tiếng … đối thoại, đó là để xin được phục vụ ban tổ chức đó. Thấy tội hết sức.

Cái xóm nhỏ này nghèo lắm. Người ở đẩu đâu ấy, toàn người nghèo từ các tỉnh về. Vài người làm công nhân, vài người đi  giúp việc nhà, có mấy hộ may gia công, bán hàng rong, nhưng đa số làm nghề lượm ve chai, móc chai, đâm ra xóm có tên là xóm Chai. Cả xóm chắc chỉ có dăm nhà khơ khớ, gốc địa phương từ đời cha ông họ. Hồi xưa, khi vùng này chỉ toàn là ruộng rau muống, đất như bánh. Cha mẹ chia cho con cái mỗi đứa lấy vợ lấy chồng được một miếng ở chúm rụm với nhau, kề bên nhà tổ của cha mẹ. Nhờ mấy hộ khơ khớ đó xây phòng cho bà con thuê, người du cư cũng đỡ lo cái ở. Có cô gì mới về xóm thuê phòng ở chung với mấy bác đi chai, chỉ có tuyền một bộ quần áo mặc ở nhà, cứ đi làm thì cô mặc đồng phục nhà máy, tối về lại thấy cô mặc cái bộ hôm qua. Vậy mà rồi về xóm này, chỉ tuần sau là cô có hai bộ mặc nhà, bộ này hơi rộng, cũng chả sao, của bác Nả cho, đẹp chán. Người trong xóm  thường giúp nhau mấy chuyện nhỏ nhặt nhưng thiết thực  như thế.




Khổ ! Lại kể đến dạng đi chai, thắt ruột, bỏ quê, vào cái thành phố này sinh sống toàn là dân  nghèo mạt vô cùng. Bảy người hùn nhau thuê cái phòng trống bảy trăm ngàn một tháng,  đi suốt ngày, chỉ cần có chỗ  tối về, chị em lau sạch sàn nhà, nằm sát sạt nhau như xếp cá, ngả lưng được vài tiếng đồng hồ rồi sáng sớm lại dắt chiếc xe đạp cọc cạch, gài cái bao bố cũ to tổ bố vào yên sau, thế là đi rong ruổi suốt ngày  ngoài  đường. Thuê nhà để ở mà đâu có được ở nhà!

Trở lại chuyện hôm nay.

Hôm qua, bác Tổ trưởng báo cho bà con công việc chuẩn bị cho ngày mai (tức là hôm nay) đón phái đoàn thăm viếng. Mọi người trong xóm được biết trước là sẽ có quà cho mỗi gia đình, thông báo đến từng hộ làm đêm qua cả xóm mất ngủ. Ai nấy hồi hộp ghê, cứ tưởng tượng nhà mình được cái này, nhà mình được cái kia, thích thật. Thói thường đàn bà thích mặc, trẻ nhỏ ham ăn. Mấy bác gái, mấy cô, mấy dì đang túm tụm trước nhà bác Nả bàn tán này nọ với  nhau thì bỗng nghe có ai đó hô rất to :

-Phái đoàn đến.

Thế là cả xóm ùa vang: đến rồi, đến rồi.

Xe lạ đến thật rồi. Kia, từ xa, một chiếc ô tô bảy chỗ màu huyết dụ đang thong thả  tiến vào con đường chính của xóm nhỏ. Nó đi chậm rãi, vì  từ đợt công ty thoát nước tới đào đường lắp cống tới giờ, không biết mùa mưa này xóm còn ngập không chứ mặt đường thì lởm chởm, lỗ chỗ những gò, những đống, xe qua là bụi mù trời. Chiếc xe khách không đi  nhanh được như cố tình gây thêm nỗi hồi hộp cho  bà con. Rồi xe đi qua cổng nhà thờ, cuối cùng nó dừng lại ngay trước sân nhà xứ . Cha Xứ và ông tổ trưởng đứng ngay đấy , vui vẻ, hân hoan đón khách. Người trong xóm dắt díu nhau, già trẻ lớn bé, kẻ trước người sau, nhanh chóng tụ họp, bao quanh. Một ban trật tự được thành lập ngay tức khắc để ổn định tình hình.

Đông quá. Đông nhưng không chen lấn, vì trong xóm biết nhau cả mà, ai lại chen nhau làm gì. Mấy lại, ông Tổ nhắc khẽ:  Trật tự.

Mọi người mở to mắt để đón xem khách là những ai. Đầu tiên là một ông Tây mũi tẹt: một người đàn ông trạc năm mươi tuổi, da trắng hồng, trông dáng người khỏe mạnh, mặc áo gió màu xám, áo sơ mi bên trong màu trắng, quần tây màu đen, trông có vẻ là người đứng đầu phái đoàn, bước xuống xe bắt tay cha Xứ và ông Tổ trưởng.

Ong khách tươi cười nhìn bao quát tất cả mọi người trong xóm, ôi nụ cười thật dễ mến. Ông đưa cả hai cánh tay  lên, vẫy vẫy trên  không  để chào hết  thảy  mọi người. Miệng ông nói mấy lời đại khái là xin kính chào quý ông bà, anh chị em trong xóm, hôm nay chúng tôi có chút quà mang đến biếu ông bà, anh chị em và các cháu nhỏ. Quý ông bà, anh chị em và các cháu nhỏ chuẩn bị nhận quà đây.

Mọi người nghe không rõ lời ông lắm vì ông đứng hơi xa đám đông, cứ như tiếng cánh vù vù, vo vo  của ong chúa bay lượn trên  đám ong thợ làng nhàng, lúc nhúc, nhưng hỏi ông nói chi thì ai cũng nhớ được mấy câu trên. Dĩ nhiên, cần chi nhớ nhiều, biết rồi, tới là biết rồi. Mọi người xúm quanh chiếc xe và mau chóng nhận ra nó chở đầy hàng, ai  nấy  mát cả ruột, nhìn nhau vui cười hớn hở đợi chờ.

Trong khi ấy, chú tài xế cùng hai  cậu (chắc là người nhà của ông khách) trẻ trung, khỏe mạnh, từ phía sàn sau xe, nhảy xuống, cũng đưa tay vẫy chào mọi người dân trong xóm, rồi nhanh nhẹn phụ giúp nhau làm công tác chuyển hàng quà từ trên xe xuống sân. Đúng là những người làm công tác từ thiện, bác ái, phục vụ hết mình. Vậy mới được. Khi họ chuyển hàng xuống, lập tức anh Hiến và mấy em trai lớn nhận công tác đón hàng. Quà được xếp chồng lên nhau, đặt ngay tại sân nhà thờ, thành một đống to thù lù, cứ từng gói, từng phần riêng biệt. Lúc này, mọi người được yêu cầu xếp  thành hàng  hai. Bà con cứ đứng chung, không phân biệt Chúa – Phật. Nhà thờ  hôm nay đẹp lạ, cứ như chim  sẻ ở đâu cùng lúc gọi nhau bay về tổ.

Lúc này ông Tổ trưởng đã có trong tay mấy tờ giấy, ai cũng đoán là  một bảng danh sách tên người trong xóm. Ông bước ra. Mọi người nín thở… Ông đưa xấp giấy này cho vị khách có khuôn mặt dễ mến. Tôi dám chắc với quý vị, cho dù trên mặt ông khách có đôi mắt hơi xa nhau của người Mông cổ, hay cái đầu mũi quá to hơi kỳ kỳ của diễn viên Gérard  Depardieu, hay cho dù có bất cứ một cái mụn rỗ nào xuất hiện trên mặt ông ta từ năm xưa, khi ông còn là một thằng bé sau cơn bệnh đậu mùa không được bà mẹ chăm sóc đúng cách, thì… tôi đang nói tới đâu ấy nhỉ, à nhớ ra rồi, thì bây giờ xuất hiện ở đây, lúc này đây, trước đám đông như thế này, trông ông rất dễ mến. Vâng, ông chính là người tuyên bố lý do, không nhìn giấy nhé, vì vậy đích thị xấp giấy trên tay ông đấy là tên mọi người . Dĩ nhiên rồi, chương trình lớn mà lị, đầu tiên phải có sếp đứng trên cao đọc cái gì cho nó long trọng chứ (dĩ nhiên, ngắn thôi, dài là dở, hay mấy cũng thành dở).

A, thì ra ông khách  đây là một Việt kiều về thăm quê hương, vì tình yêu Chúa, ông  muốn làm việc từ thiện, giúp đỡ những người đồng hương nghèo. Ôi! thật cảm động, đi nước ngoài giàu có, sung sướng thế mà vẫn nhớ đến người nghèo ở quê nhà. Các cụ già gật gù với nhau ra chiều hài lòng về cách tiêu tiền của ông khách  giàu  có này. Mấy bác trai lắng nghe, ý chừng muốn phát biểu đôi câu thắc mắc, anh em cánh thanh niên cũng nghe ngóng, tìm hiểu . Nghĩ sao mà mấy bộ  ria mép lúc này thấy động đậy um xùm. Vậy chứ, thắc mắc cũng phải lẽ thôi! Anh làm nghề gì bên đó mà  giàu dữ, có tiền làm việc từ thiện là giàu rồi, chứ có chú kia trong xóm  cũng đi nước ngoài, mà là đi hợp tác lao động, đi được hai năm về nước lại sáng sớm ra chợ  phụ vợ bán rau  đó! Mà thôi, tại sao người ta trở nên giàu có, nhiều tiền, mình thắc mắc làm chi. Đó là chuyện riêng của mỗi người mà. Kỳ quá.

Mấy bác gái, mấy cô trong xóm thì cứ phấp pha phấp phổng chờ được quà, y như trẻ con, không cần phát biểu gì lúc này (đã bảo đừng nói dài), chỉ cần mau mau đọc tên cho tôi lên nhận  quà là khoái rồi. Bây giờ mà tụi tôi mở miệng ra phát biểu là mấy ông nói đàn bà lắm lời. Nói thật lòng, mấy bác gái, mấy cô cũng đang tính mở đài bàn tán nhưng chưa kịp phát thanh thì họ đã nghe cậu thanh niên trên xe nói qua chiếc loa gài rịt thắt lưng cậu đi kèm sợi dây điện gắn vô cái máy phát điện mini đặt dưới đất. Cậu nói lớn, âm vực này tôi nghĩ khỏi cần loa, khỏi cần dây, như vậy khỏi máy luôn. Cậu nói :

-Alô, dạ thưa cô bác, xin cô bác trật tự cho. Mọi người ai ở đâu cứ ở đấy, chúng cháu sẽ gọi tên trao quà tận tay cô bác ngay đây thôi ạ. Vậy ai nghe tên mình thì xin cất bước lên đây ạ. Dạ vâng, xin cứ như thế để có trật tự và có trật tự thì công việc chúng ta làm có hiệu quả nhanh chóng và chính xác, không sót tên ai đâu. Phải không ạ. (Ba tiếng cuối câu của cậu này nghe quen hết sức, như trên ti-vi, khúc mấy ca sĩ trẻ giao lưu với khán giả, không biết nói gì thêm, cuối câu cứ phải không ạ, phải không ạ. Hỏi mà đâu có ai trả lời. Người hỏi cũng đâu cần ai trả lời. Hư từ !).

Hay! Không sót tên ai , cho nên phải trật tự. Ai ở đâu ở đấy.

Rồi thì cũng đến giây phút  mọi người mong chờ, đó là giây phút được nghe xướng tên mình “từ trong danh sách”. Tôi phải mô tả như vậy để tránh đi cái cách dùng cụm từ “nghe qua loa”. Nghe qua loa có tính chất châm biếm, không thích hợp với không khí chân thật của buổi trao quà cho xóm Chai nghèo hôm nay. Hôm nay tỏ tường người nghèo có quà, qua loa sao được.

Ông Tổ đọc từng tên, ai nghe tên mình thì đưa tay lên cao cho ban tổ chức thấy,rồi bước lên bậc, nhận quà từ tay ông khách. Thỉnh thoảng cậu cầm loa lại nhắc nhở :

-Alô, trật tự.

Rồi, xin cô, bác vui lòng đi xuống phía dưới theo lối kia.  Cậu trai thứ hai, cầm máy hình chụp quá trời, cậu còn lại cầm máy lớn hơn, vừa đi vừa nhắm máy vô cảnh phát quà, chỗ có ông khách đứng. Quay phim đó. Kệ, chụp cho chụp, quay cho quay, dưới này cứ lần lượt, ai cũng có tên. Quà ngon à nha: mỗi nhà được 20  ký gạo, một thùng mì tôm, 2 ký đường, một chai dầu ăn, mấy xấp vải và một phong bì có tiền. Mời chủ hộ lên nhận, ban tổ chức trao tận tay có sự chứng kiến của nhà từ thiện.

Vui nhất là con nít, ban tổ chức không xét tuổi, cứ coi mặt non trẻ, bé con, nụ cười hồn nhiên, là phát cho một cái bong bóng và một bịch bánh kẹo. Con gái xin bong bóng màu hồng, màu tím. Con trai nằng nặc đòi màu xanh. Hay nhất là các em học sinh được lãnh mỗi em 10 cuốn vở trắng thơm phức và 3 cây bút bi. Các em thích quá, reo hò sung sướng, cuồng chân muốn chạy lung tung.

Cậu cầm loa phải nhắc các em trật tự.  Cứ ngắm quang cảnh người xóm nghèo  thứ tự, lục tục lần lượt đi lên nhận quà thì biết họ vui mừng lắm. Họ vui là phải, vì nghèo quá mà, nhận được phần quà này thì gia đình đỡ khổ biết bao.Con cái hớn hở, cha mẹ  vui mừng.

Những tâm trạng hân hoan này khó có thể cất dấu. Khi những con tim đã vui  thì chúng reo vang ra bên ngoài bằng mọi cách. Người lớn xôn xao, ơi ới gọi nhau, dặn dò người nhà cách sắp xếp, mang vác mấy món gạo mì coi chừng rớt, coi chừng sái tay. Con nít thì thôi, láo nháo lao nhao khỏi nói, tụi nó ồn ào sáu phần, ba má tụi nó la rầy quát tháo ồn ào thêm bốn phần nữa, ấy thế là ngay lúc này, cậu cầm loa nhắc ngay : Alô, trật tự ạ.

Tội nghiệp, có nhà bác Tình mù, gọi tên Trần văn Tình mà chẳng thấy mặt mũi đâu, cũng không nghe thưa thốt, mãi sau, mới thấy bà vợ lò dò dìu  chồng mò mẫm từng bước đi lên. Nhà bác Tình này hôm trước đi bán vé số bị kẻ xấu nó xô ngã lấy  mất xấp vé số.Tiêu cả  vốn lẫn lời, còn bị ngã dúi dụi xuống, mặt vập vào đâu mà  gãy ngay cái răng cửa, lợi sưng như nhét cục thuốc lào trong miệng, môi vều to bằng quả nhót, đau lắm, đau chết đi được. Chân thấy đi khập khà khập khiễng. Bà vợ lãng tai, có nghe gì đâu, may có bác Nả đứng gần lưu tâm đến, giơ tay dùm, hối: Tình đấy, lên đi, hai vợ chồng  mới biết đường mà dìu nhau lên.

Nói cho ngay, ai cũng có nghe Trần văn Tình, nhưng đang trong tình trạng trật tự mà. Ai cũng nghĩ bây giờ chỉ vì lên giúp đỡ một trường hợp, cho dù là ta có lòng giúp đỡ người khuyết tật, già cả, đau yếu, mà ta làm mất trật tự chung thì phiền lòng nhà hảo tâm quá. Ai cũng dợm chân, nghĩ thấy ngại, lại thôi, để người khác. Thấy bộ dạng vất vả của hai vợ chồng đó, thế nào cũng có người giúp đỡ cho mà coi.

Đó, thấy chưa, lên rồi đó.

Ban tổ chức thấy chủ nhân của phần quà Trần văn Tình có người lên nhận rồi, lại tiếp tục gọi tên, cứ liên – tu – li đi như thế trong trật tự để khỏi mất thì giờ.

Thôi, không sao,chậm mà chắc, chắc là bởi cả hai vợ chồng, bốn cái chân cùng lên cơ mà. Cuối cùng rồi gia đình bác Tình cũng nhận được quà do ban tổ chức từ thiện trao tận tay .

Vui quá, mừng quá, cả xóm nghèo hôm nay hân hoan  như  ngày tết vậy. Ông Tổ trưởng xoa tay hài lòng, cám ơn. Cậu kia chụp hình, quay phim. Ông từ thiện cũng xoa tay hài lòng nói dạ không có chi. Lại chụp, lại quay. Mọi người hài lòng.Vỗ tay. Hoan hô. Bác Tình gái  cẩn thận  dìu chồng xuống bậc thềm của nhà xứ, vừa nhấm nhẳng bảo chồng :

- Miệng đau không nói được, có nghe xướng tên thì phải huých tay làm hiệu, nhắc cho tôi lên chứ cứ im đi là ra làm sao .

Rồi với bản tính tỉ mỉ cố hữu của một người phụ nữ biết lo xa, vun quén cho gia đình, bác dặn thêm một câu :

- Lần sau nhớ nhá.

Nói xong, không đợi chồng trả lời, bác cúi xuống, một mình  hì hục khuân hết phần quà từ thiện lên vai, hai tay còn ôm bịch gạo nặng trì, gò lưng quày quả bước. Bác Tình trai vội đưa tay tìm vai vợ, chống gậy khệnh khạng theo sau.
Lúc này người ta đã ngắt điện dây loa alô. Nhà ai nấy về, ồn  ào, huyên náo như giờ lính xả trại.
ANNA

Không có nhận xét nào: