#Stats1 ul{margin:0;border:0;padding:0;height:32px;background:url(//goo.gl/ZHG881) no-repeat 0 -34px} #Stats1 li{margin:10px 0;border:0;padding:0 0 0 40px;list-style-type:none} #totalComments{height:32px;background:url(//goo.gl/ZHG881) no-repeat} #totalCount{height:32px;background:url(//goo.gl/ZHG881) no-repeat 0 -68px}

Thứ Tư, 27 tháng 7, 2011

Lồng chim phủ vải

ANNA



 Như một vài đứa trẻ đặc biệt khác, ngay từ nhỏ, Mộ Bắc đã biểu lộ năng khiếu về âm nhạc, khiến cha mẹ  em phải vội sắp xếp thời gian cho em học đàn cùng lúc với việc cai sữa mẹ.
Bốn tuổi, bé Bắc đã có thể chơi tròn vài tiểu phẩm của Bach, ví dụ bài mà bé quen gọi là bài “Rế sòn la si đô rế“ cung Sol Trưởng, sau khi đã
được nghe bản ấy qua đĩa nhạc cha bé mở đều đặn mỗi ngày bên giường, đúng hơn là bên nôi bé từ lúc bé còn trong bụng mẹ.
Như tiên báo một thiên tài.
Năm Bắc lên năm, lần đầu tiên cha Bắc đưa con trai đi đàn giúp vui một đám cưới, như để cho bé làm quen với  ánh đèn sân khấu. Lần đầu tiên ấy, em đàn bài Rế sòn la si đô rế. Dĩ nhiên trong khung cảnh ồn ào, náo nhiệt của một bữa tiệc lớn, tiếng đàn  ngây thơ của thằng nhỏ không hề được ai chú ý lắng nghe nhưng như thế là lòng người cha nó đã rất mãn nguyện rồi và dĩ nhiên sau bài đàn, người lớn cũng vỗ tay rào rào vì là hết một màn trình diễn, làm cho mẹ Bắc có mặt buổi hôm ấy phải vênh lên. Cô thấy tất cả mọi  con mắt ngưỡng mộ đều đổ dồn vào cô, một người mẹ tuyệt vời, biết sanh ra và nuôi dạy con cái đúng cách. Trong suốt buổi tiệc, đôi môi mọng son đỏ của thân mẫu nghệ sĩ luôn nở nụ cười hãnh diện.
Ông bố, sau khi yên tâm rằng người chỉnh máy và người chuẩn bị đàn cho bài biểu diễn của con trai đã làm theo ý mình rồi thì ngồi xuống ghế tiệc thở dốc vì mệt. Lưng áo vét dày thế mà đẫm mồ hôi vì chú ấy phải chạy qua chạy lại trên sân khấu của nhà hàng, vướng vít nhiều đạo cụ linh tinh dành cho cô dâu chú rể thao tác mấy vụ trao nhẫn, uống rượu vang…
Hẳn là ngày vui hôm ấy, hạnh phúc nhất phải là bố mẹ cậu Bắc chứ không phải cô dâu chú rể.
Trên đường về nhà, bố Bắc hỏi con trai:
- Ổn chứ?
- Ổn về gì cơ bố?
- Về tay. Con chơi nhuyễn chứ?
- Thế bố không nghe con đàn à?
Ông bố trẻ gãi đầu:
- Thiên hạ ồn quá con ơi.Với lại lúc ấy bố lo cái loa.
Bắc nhẫn nhục chịu đựng. Đến bố còn không nghe thì  còn ai nghe. Bắc quay qua mẹ:
- Mẹ nghe rõ tiếng đàn không?
Bà mẹ trẻ khẳng định:
- Sao lại không hở con, nhưng hình như bố mở vô-luym lớn quá nghe chát. Dù sao con chơi rất tốt.
- Không, con đàn sai mấy chỗ. Đứa bé thú nhận.
Bố bé an ủi ngay:
- Đừng, đừng. Con đừng lo. Không ai để ý cả đâu.
Mẹ bé lắc đầu:
- Không sao, không sao. Con mẹ giỏi lắm. Con nghe mọi người vỗ tay quá trời không?
- Con chỉ thấy ồn ào.Con đàn sai vì đông người quá.
- Ừ, ồn ào quá, đông người quá. Tiệc cưới mà con. Khổ! Hư tai con tôi mất thôi. Cặp vợ chồng trẻ đồng thanh rên lên.
- Để bố kiếm cho con một bộ bông rịt tai. Nào, hôm nay phải thưởng cho nghệ sĩ một chầu phở chứ!
Bao giờ chầu phở cũng là một Coda hoàn hảo, giúp cả nhà quên được hết mọi trục trặc, lắng lo cho cậu con trai những giờ phút trước đó.
Bố Bắc gom hết các kinh nghiệm lần đầu này để làm hành trang cho lần sau. Coi như đầu xuôi     đuôi lọt.
Cứ thế, mỗi lần nhận được thiệp cưới bất kỳ ai gửi cho, bố mẹ Bắc đều thông báo trước:
- Con trai tôi sẽ góp vui hai họ một bài đàn.
Từ ấy, Bắc sống đời chạy sô. Đi học chữ về là lăn xả vào cây đàn organ phím nhỏ.
Cho tới năm lên mười, em đã lận lưng được khoảng hai chục bài đàn biểu diễn. Chiếc đàn được đổi đời. Bố làm ông bầu kiêm tài xế. Mẹ là chuyên viên  chọn y phục kiêm chị nuôi.
Mỗi khi có sô, cả nhà tất bật. Bà nội tuy ngồi nhà nhưng làm chiếc đồng hồ “không pin biết gõ” nhắc nhở rất chính xác, dựa theo thông báo của bầu. Cứ mỗi nửa tiếng, nghệ sĩ Ooc-cầm Mộ Bắc phải nhận từ tay chị nuôi chu đáo một hộp sữa Cô gái ViệtNam, hút cho hết không được bỏ thừa. Còn ngoài ra thì không được bỏ phí thì giờ, phải ôn lại những đoạn đàn khó. Thường thì ngay tại tổ ấm gia đình, Mộ Bắc cũng phải rịt hai tai bằng dụng cụ cách âm bởi vì cha mẹ cậu cứ bàn bạc nhiều về những chuyến lưu diễn, về tiền cát sê khiến cậu không thể toàn tâm vào bài đàn được.
May sao, tình trạng tất bật vì nghệ thuật ấy kéo dài không lâu. Bắc thi đậu vào nhạc viện, thế là em không phải nhọc nhằn đi biểu diễn nữa. Chương trình học ở nhạc viện cướp hết mọi thời gian vui chơi của một em bé, bù lại, Bắc được bố mẹ sắm cho một cây piano Roland, kê ngay phòng khách, chơi sướng tay.
Từ khi Bắc đi học ở nhạc viện, bố em vẫn không ngơi vất vả. Một xe ôm mẫn cán, đúng giờ kiêm một giám thị trọng trách nhiệm về kỷ luật và học tập. Mẹ em có nhiều kinh nghiệm hơn về vấn đề dinh dưỡng cho trẻ vị thành niên, đặc biệt cho mầm non nhân tài.
Quả thật, Bắc cảm thấy có nhiều khi bố mẹ em ham danh, chuộng tiếng quá, nhưng em không thể không sung sướng, hạnh phúc khi nhận ra tình thương bố mẹ dành cho mình bao la biết bao. Các ngài đã vì tương lai của em mà vất vả biết chừng nào. Em lại vùi đầu vào việc học. Họ đàn, học chữ.
Thời gian này, trừ bổn phận học hành ra, Bắc không được đụng tay vào bất cứ một việc gì trong nhà, nhất là những việc hơi nặng. Ăn cơm xong để chén đũa đó. Để bảo quản đôi tay.
Bắc có cả thảy tám đôi găng tay dùng để thay đổi khi làm những việc sau đây cho khỏi xây xát hoặc va chạm làm tổn thương nhẹ da tay, móng tay, khớp tay, vân tay, chỉ tay, cổ tay:
1. Đánh răng, rửa mặt, vệ sinh cá nhân.
2. Kéo dây kéo quần.
3. Ăn cua, ăn ghẹ, ăn tôm, ăn cá nướng.
4. Đi ra khỏi nhà.
Bố mẹ em đồng ý với nhau rằng đôi tai và đôi tay của một nghệ sĩ chơi đàn xứng đáng được bảo vệ hơn hết mọi thứ. Và Bắc nhận thấy bố mẹ em thật chu đáo, hiểu biết.
Suốt quá trình học đàn, Bắc không có thì giờ chơi. Em không có bạn. Nói đúng ra là có bạn nhưng không rảnh để nói chuyện với bạn. Em cũng ít nhớ mặt bạn và hay lẫn bạn này với bạn kia. Thường thường, những cuộc điện thoại của Bắc khá nhẹ nhàng, nhanh chóng. Mẹ cậu vừa kịp nghe được hai ba câu qua lại thì đã xong. Cúp máy. Bắc  lại ngồi vào đàn. Một  đứa con trai tuyệt vời. Chỉ tội dạo này lưng Bắc hơi còng, cặp mắt cứ hấp him. Thì ra mắt kém. Thảo nào các bạn bảo Bắc hay nhìn lầm mặt người, coi chừng lớn lên ra đời bị lừa.
Bố cậu phải bỏ một buổi đưa cậu đi khám mắt với kết quả biên nhận thị lực của cậu là cận 4 độ, loạn 3 độ. Thế mới biết đôi mắt quan trọng không kém đôi tai và đôi tay nhé. Cậu Bắc từ nay phải đeo cặp mắt kính dày cồm cộp. Bố cậu cứ ngắm đôi mắt một mí ngày một lồi ra của con trai mà xót xa nhưng Bắc thì không sao. Đã dễ nhìn đường và không phải khòm lưng mò mẫm những dòng nhạc đầy rẫy hợp âm nhiều bè.
Bắc chơi nhạc cổ điển rất hay, nhất là những tác phẩm của J.S.Bach, cậu có cảm tình với vị nhạc sĩ này có lẽ bởi ông có lòng mộ đạo. Bắc cũng mộ đạo.
Ở nhạc viện, thầy cô sắp xếp để cậu luôn có tên trong những buổi biểu diễn cuối khóa. Cho đến năm cuối thì sinh viên Mộ Bắc đã trở thành một  pianist tài năng có tiếng rồi. Dù vậy, bản tính cậu Bắc thích một đời sống âm thầm. Cậu hoàn toàn hài lòng với cuộc sống hiện tại, không hề muốn bon chen, đua đòi. Bắc yêu gia đình. Mái ấm gia đình đối với Bắc như một cái lồng chim an toàn và yên ấm, trong đó có chim bố, chim mẹ ngày ngày rỉa lông cho chim con, tập và nghe nó líu lo ca hót.
Một hôm, sau ngày Bắc tốt nghiệp nhạc viện ra trường, đang ngồi ăn sáng, bỗng bố cậu nảy ra một ý tưởng độc đáo. Ông bàn với vợ:
- Anh nghĩ chúng ta phải tạo điều kiện cho ông chủ nhỏ của chúng ta có sâu khấu chơi đàn.
- Hay! Em đồng ý. Anh tính tiếp đi.
- Ta sẽ mở phòng trà.
Vợ ông thắc mắc:
- Vậy là kinh doanh? Anh nên nhớ là chúng ta chưa hề biết kinh doanh.
- Kinh doanh để kiếm sống, nhưng cũng là để thỏa mãn ước mơ.
- Em biết anh thích âm nhạc, nhất là nghe con đàn.
- Thật trên đời chỉ có em hiểu anh.
Mẹ Bắc sung sướng được nghe chồng thốt ra câu đó. Bà hỏi kỹ hơn. Bố Bắc bắt đầu dàn kế hoạch lập phòng trà ra cho vợ nghe:
- Em thấy đi ra đường bây giờ rất dễ gặp tai nạn giao thông chứ?
Mẹ Bắc gật đầu.
- Để bảo vệ đôi chân cho con được an toàn lại không phải mất thì giờ di chuyển nhiều trong cái thành phố kẹt xe này, chúng ta sẽ mở phòng trà ngay tại nhà. Con chúng ta cứ việc ở nhà. Chúng ta sẽ thuê tiếp tân, sẽ mời ca sĩ, mời nhạc công đến chơi nhạc sống. Có độc tấu piano, một hình thức  biểu diễn cao cấp.
- Anh quen biết nhiều chứ?
- Vài. Em quên rằng ta còn một vốn quý nữa chưa tiết lộ trước công chúng.
- ?
- Em không nghĩ ra thằng cháu mình là pianist hải ngoại Vũ đăng Miên, con anh Hai đó sao? Kêu nó về.
- Giống như mấy nghệ sĩ hồi hương?
- Anh nghĩ là như thế.
- Nó ở bên ấy làm gì? Không nghe tiếng tăm.
- Bởi!  Ở bên ấy không có đất. Về ViệtNamchơi cho  phòng trà của anh nổi liền.
Bà vợ đấm yêu chồng một cái vì tội chưa đỗ ông Nghè đã đe hàng Tổng. Bà thách đố:
- Anh làm sao cho nó chịu bỏ Mỹ về mới hay.
- Cứ trả cát sê cao là nó về thôi mà. Coi như mình cần cái mác nghệ sĩ hải ngoại của thằng Miên nhưng đứng đầu và là nghệ sĩ chính của dàn nhạc phải là pianist Mộ Bắc, con trai chúng ta à nha. Đùa tí thôi. Đây, phòng khách này và hai phòng trống bên trong quá rộng đối với gia đình ta, em nghĩ sao?
Dĩ nhiên, mẹ Bắc thích thú, sướng rên. Bà tưởng tượng ra nhà bà sẽ luôn có những buổi đàn ca rộn ràng. Thánh thót, líu lo trầm bổng tiếng hát của họa mi, kim tước, phong điểu, thanh cô vây quanh. Tưng bừng và vui vẻ. Bà thích cuộc sống văn nghệ như thế, nhưng nhất là bà muốn mọi người chiêm ngưỡng tài nghệ chơi đàn của con bà sau bao năm trời trau dồi cực khổ phải có ngày được công chúng thưởng thức, đón nhận, khen lao chứ. Chồng bà tán thành triệt để ý tưởng ấy.
Và thế là mọi sự được thực hiện như đã tính toán.
Phòng trà ra đời nổi tiếng ngay vì chủ nhân mời được cả một tay nghệ sĩ từ nửa vòng trái đất về đàn.
Các ca sĩ sao bé, sao to nườm nượp tìm đến ghi tên xin hát.
Phòng trà hoạt động được đúng một tháng, kết quả doanh thu khả quan, chương trình biểu diễn trôi chảy. Chỉ một vấn đề chủ nhân phòng trà không ngờ, đó là người ta thích tiếng đàn của Mộ Bắc hơn tiếng đàn của nhà nghệ sĩ được rước từ hải ngoại về. Mỗi đêm, khi Mộ Bắc tiến ra cạnh chiếc dương cầm cúi đầu chào khán giả thì tiếng vỗ tay vang dậy khắp khán phòng. Không gian tĩnh lặng như tờ, mọi đôi tai  lắng yên, lặng nghe từng giai điệu quyến rũ, đón lấy từng tiếng đàn thánh thót, tâm tình rời khỏi ngón tay chàng nghệ sĩ tài hoa Mộ Bắc.
Mộ Bắc đệm cho các ca sĩ hát những bản nhạc tiền chiến hiện đang hút hồn các thanh niên thiếu nữ tuy trẻ tuổi nhưng đời sống tình cảm sâu sắc, khả năng cảm thụ âm nhạc tốt và đôi tai được giáo dục, đã chán ngấy mấy thứ gọi là âm nhạc mới, sáng tác mới, ở cái thời buổi người viết nhạc cũng ăn xổi ở thì, quá nghèo nàn về ca từ, cứng cỏi, giật cục về giai điệu hoặc quanh quẩn chỉ biết lải nhải những câu nói bày tỏ thứ tình yêu điện tử hiện đại chóng vánh, tạp nham, chát chiếc, tin tiếc thời nay, ai cũng có thể làm  nhạc sĩ được, người có đôi tai tử tế gọi tất cả những loại âm thanh đó là những dụng cụ tra tấn vô cùng dã man. Cha đẻ của chúng nhan nhản xã hội, phởn phơ với danh hiệu nhạc sĩ trẻ, giàu có và biết ăn chơi, bởi sáng tác nhạc bây giờ đồng nghĩa với buôn bán, tiền trao cháo múc mất rồi.
Khốn nạn ở cái là bây giờ, cái gu thưởng thức nhạc của rất nhiều thầy tu đang thâu nạp và ấp ủ những loại nhạc đó vào một cách hãnh diện và thú vị. Không hiểu các tường rào tu viện kín đáo đến độ nào, các bề trên nghiêm túc ra sao mà có cả một thế hệ các ma xơ chỉ thích những bài thánh ca có nhịp điệu viết cho toàn liên ba, trải dấu, xập xình, vui vẻ. ”Chúa chết trên thập hình vì con“ cũng vui vẻ, ”Mẹ đứng dưới chân Thánh giá, ngước nhìn Con yêu dấu” cũng vui vẻ, ”Thân con là thân cát bụi, tội lỗi lắm Chúa ơi” làm sao vui vẻ được, cũng cứ vui vẻ đi. Hát Bình ca buồn muốn chết. Đàn organ vừa được nhấn nút trổi điệu điện tử lên là cả tu viện muốn ôm nhau ngoáy mông, nhún nhảy. Trong các buổi văn nghệ mừng lễ Trọng, Ngày Vui của nhà dòng, họ phải ăn mày một số giai điệu tầm thường dễ hát của những bài hát đời, có khi là nhạc thiếu nhi, rồi tự sửa lời đi cho đạo đức vào, tốt lành vào, tử tế vào mà hát, đừng để mẹ bề trên biết!
Cho nên không thể trách được, có linh mục nhạc sĩ sáng tác Thánh ca luôn phải cho vào bài hát của  mình những từ rõ kêu, rõ thảm, rõ tình, rõ lụy như: đắm đuối, yêu đương, mê say, say đắm, nhỏ máu, gạt lệ, tình điên, tình hờ, tình phụ, tình câm, dối lòng, phụ bạc, yêu điên cuồng, yêu mất trí, yêu hờ hững… Phải viết thế để đoàn chiên biết tình cảm của cha dành cho Chúa .. ướt nhường nào.
Than ôi, đôi khi kẻ phàm trần cát bụi nghe thánh ca mà không thể thấy được vẻ đẹp của lời thề hứa trong sạch đâu cả. Vào nhà thờ nghe hát lễ mà lòng cứ ngổn ngang, hụt hẫng làm sao! Thôi, thà đi phòng trà nghe nhạc đời còn hơn.
Đây, với cách đệm đàn thiết tha, lôi cuốn của Mộ Bắc, người ta thấy và cảm được vẻ đẹp vừa bình dị vừa cao sang, vừa trong sáng vừa quyến rũ của nền tân nhạc ViệtNamtừ thời thanh xuân của ông bà họ từ đầu thế kỷ trước, gần một thế kỷ nay. Họ mơ lại những ngày xưa của ông bà, bố mẹ họ thanh bình, êm ấm với những tình  cảm trai gái nhẹ nhàng, êm dịu, thơ ngây, những nỗi buồn bâng khuâng kín đáo, những niềm vui lành mạnh, sảng khoái qua Buồn tàn thu, Tà áo xanh, Cô láng giềng, Cô lái đò, Cô hàng cà phê, Gửi gió cho mây ngàn bay, Đêm đông, Em tôi, Chiều, Trương Chi, Hoài cảm, Tôi đi giữa hoàng hôn, Nhạt nắng, Bức họa đồng quê, Ô mê ly, Bánh xe lãng tử, Ngàn thu áo tím v.v. , hay những lời thơ quyện nhạc lãng mạn thiết tha khác của Phạm Đình Chương, Từ Công Phụng, Ngô Thụy Miên, Phạm Mạnh Cương, Cung Tiến, Hoàng Trọng, Văn Phụng, Hoàng Nguyên, vân vân và vân vân….
Mộ Bắc lại thường độc tấu những bản thời danh ai cũng yêu nghe như  Largo của G.F.Handel; Ave Maria và Serenade của Fr.Schubert; La paloma của S.Yradier; Fur Elise, Adagio Moonlight Sonata của L.Von Beethoven rồi Con Anima, Risoluto của J.Bucciliani cùng những tác phẩm choral đạo hạnh của J.S.Bach. Quái chưa!
Choral của Bach mấy trăm bài. Mạnh mẽ, nhịp nhàng như trong Thiên Chúa vẫn sống (Gott lebet noch) nhịp ba; xác tín, hùng hồn như trong Giêsu sức mạnh và sự sống của ta (Jesus nuser Trost und Leben) với bè trầm chạy tay liền độ nghe như thác chảy suối reo niềm vui tin tưởng; như Hỡi linh hồn tôi , sao mi lại xao xuyến? (Was bist du doch, o  Seele?) , cung thứ mà chắc chắn, kiên định;  Ta hãy đi với Giêsu (Lasset uns mit Jesus zichen) bè trầm như một dòng chảy không ngừng với bè trên hùng dũng hăng hái đi từng bước một. Những bản đàn khác mang vẻ đẹp buồn, chậm, êm, du dương tha thiết, có khi đau đớn, u sầu nhưng luôn đạo hạnh, kính mến như Hỡi cái chết êm ái, hãy đến (Komm,susser Tod), Làm Kitô hữu phải hy sinh nhiều (Es kostet viel, ein Christ zu sein), Hỡi đêm mờ ảo, khi nào ngươi.. (O finstre Nacht, wenn wirst du…), Giêsu, tâm hồn con thao thức biết bao (Mein Jesus! was fur Seelenwch) tâm tình và nghệ thuật trong từng nốt nhạc; kể cả những tiểu phẩm rất dễ thương của ông như Pocalla cung sol Trưởng, Musette, Pocalla cung Sol thứ…. v.v.
Mộ Bắc đàn nhạc thánh, nhạc ngợi khen Thượng Đế trong phòng trà, thậm chí vào một tối buồn tháng ba nọ, để hợp ý với các ca đoàn trong nhà thờ, phòng trà anh còn chơi cả bài Mùa Thương Khó bắt đầu (Die bittre Leidenszeit) của Bach, điều ấy làm nên một không khí thiêng liêng kỳ diệu ngay tại một không gian tưởng chỉ có những thú vui chơi của giới thượng lưu lắm của lắm tiền, nhàn nhã rỗi hơi. Đấy chính lại là sức lôi cuốn, hấp dẫn lạ lùng và người ta say mê tiếng đàn cùng phong cách huyền tiên của chàng nghệ sĩ mộ đạo dễ mến này.
Khán giả yêu Mộ Bắc về tài năng, yêu  cả tính tình hiền lành, thâm trầm và khiêm tốn của anh mỗi khi anh xuất hiện cách thân tình trước khán thính giả. Lạ lùng ở cái là khách phòng trà lại yêu anh nghệ sĩ bởi lòng mộ đạo của anh, còn hơn cái tài chơi đàn anh thường biểu diễn. Nhà thờ nơi anh vẫn chăm  đến tham dự thánh lễ, một ngày kia bỗng lôi cuốn được thêm nhiều con chiên Chúa trở lại. Họ muốn chia sẻ, hiệp thông lời kinh cầu nguyện với tâm hồn anh, bởi qua nghệ thuật, anh đã sẻ chia tiếng lòng anh với họ. Thời bây giờ hiếm có nghệ sĩ, ca sĩ nào giữ được lòng đạo bởi thú ăn chơi, danh vọng, tiền bạc, xe hơi đắt tiền, nhà Phú Mỹ Hưng luôn ám ảnh họ. Mộ Bắc gạt phăng mọi thứ ấy ra khỏi cuộc đời không thương tiếc. Anh là một nghệ sĩ lơ mơ trong một nhà tu chân chính. Thiên hạ đâm ra mê. Lạ đời!
Trong khi đó, không hiểu sao khách mộ điệu lại thờ ơ, lãnh đạm với pianist hải ngoại Vũ đăng Miên. Anh chàng này cũng có nhiều ngón nghề rất tài tình, khéo léo pha những trò phá cách hiện đại, mạnh mẽ và lạ kỳ, chứa đầy rẫy những sáng kiến mới làm phong phú nền âm nhạc đa âm cổ điển đã được trọng đãi từ nhiều thế kỷ nay, không những thế, có vẻ như anh còn là một nhạc sĩ biết sáng tác ra những lối trình bày âm nhạc mới mẻ, cách tân như có lần đang chơi một đoạn trong Hồ thiên nga của Tchaikốpski, bỗng dưng anh bỏ đàn đứng lên solo một đoạn trống. Hay có lần  trước khi ngồi vào chiếc dương cầm, chàng nghệ sĩ hải ngoại này biểu diễn vài ba điệu múa cổ truyền của người Mông Cổ với những âm thanh kêu ùng ục trong cổ họng như tiếng rống của chú bò trên một đấu trường tại Tây ban Nha khi nó thoạt thấy tấm vải đỏ vờn trước mắt, rồi liền đó anh ngồi xuống đàn với giai điệu êm đềm của bài Ru con. Hay anh xử dụng những phím đàn piano bằng cùi chỏ để vừa tạo ra những âm thanh bình bịch như võ sĩ đấm vào bịch cát đồng thời lại bắt chước được tiếng kèn vuvuzela của Worldcup 2010 vo vo như tiếng ruồi nhặng, tạo cho người nghe những cơn điên có hiệu quả kinh khủng. Sau đó anh chơi lại Berceuse êm đềm. Với kiến thức về âm nhạc có hạn, với những đôi tai bình thường, đa số khách thưởng lãm không thể hiểu được những ý  tưởng cao siêu của một nghệ sĩ piano đã biểu diễn kinh qua rất nhiều quốc gia, vùng đất trên thế giới như Miên. Thật là ấn tượng và tân tiến quá, chưa có nghệ sĩ nào có cách trình bày âm nhạc như Vũ Đăng Miên. Anh được mệnh danh là “Phù thủy piano đương đại”. Nhưng, hình như, phải, có lẽ là hình như cách chơi đàn của Đăng Miên không có hồn, cũng có thể anh ngồi vào đàn với  thái độ khinh mạn và ngông nghênh bởi vì anh muốn cho mọi người biết, về vai vế, anh là anh họ của Mộ Bắc, về tuổi đời anh cũng lớn hơn, làm sao Mộ Bắc có thể vượt qua anh về tuổi nghề, về kinh nghiệm biểu diễn? Khi anh bắt đầu xuất hiện trước công chúng thì Mộ Bắc mới chập chững vào nhạc viện cơ mà. Vậy mà thính giả họ không biết, họ cứ chỉ nghe bằng tai. Những đôi tai già nua, cổ lỗ chỉ quen quanh quẩn với Boléro, Rumba, Slowrock, Tango….
Đăng Miên đệm  đàn rất khỏe, như một lực sĩ biết chơi đàn. Anh thường phăng những lúc giai điệu có vẻ tẻ nhạt, đều đều, như để thử tài các ca sĩ khiến họ phát hoảng, cứ cuống cuồng cả lên.
Các ca sĩ lần lượt xin đổi người đệm đàn. Cả nam lẫn nữ, ca sĩ nào cũng thầm thì tâm sự với chủ phòng trà:
- Chú xếp anh Bắc đệm cho cháu bài này  cháu hát mới có hứng.
- Anh ơi, giọng em hợp với cách đệm của Mộ Bắc.
- Chú ơi, đổi bài này cho anh Bắc song tấu với cháu chứ cháu không biết chơi theo tay anh Miên.
Khách thì hô hoán gọi:
- Mộ Bắc , Mộ Bắc. Pianist Mộ Bắc. Chúng tôi muốn Mộ Bắc.
Cứ như biểu tình bãi công.
Có nghĩa là chúng tôi không muốn Vũ đăng Miên? Không ai nói thế nhưng rõ ràng những lời yêu cầu trên làm phiền lòng Vũ đăng Miên không ít. Chàng nghệ sĩ trẻ từ nơi xa xôi trở về quê hương, tưởng với chút tiếng tăm ở xứ người mang về, anh có thể dành được trọn cảm tình của người yêu âm nhạc như khối các ca nhạc sĩ đã từng khoe là đuợc công chúng yêu nhạc đón nhận nhiệt tình khi trở về như thế, nhưng ở trường hợp anh không vậy. Anh gặp xui rồi. Mộ Bắc có lợi thế là con trai chủ phòng trà, lại là người của thành phố này từ thuở nhỏ. Hắn ta còn nhiều cái hên khác mà anh không lường được khi trở về chơi chung với hắn. Anh cảm thấy buồn phiền tới độ muốn nói cho chú anh biết, chắc chú anh đã biết nhưng vì mến tài anh nên chú vẫn mời anh cộng tác. Anh cảm thấy tức giận vì bằng cấp của anh là từ một ngôi trường nghệ thuật lớn ở Mỹ cấp, thời gian đeo đuổi ngành piano của anh đi trước và kéo dài hơn thằng em họ, nhưng như đã nói, thiên hạ cứ nghe bằng tai. Mà lạ, nó nhỏ tuổi hơn anh, làm sao nó giỏi bằng anh được. Tiếng đàn của Mộ Bắc tuy đầy, tuy ấm nhưng thật thà chân phương quá mà sao người ta thích vậy? Lỗ tai nghe nhạc của  thiên hạ hỏng hết rồi. Anh không thể chơi kiểu rập khuôn và tuân hành đúng luật cái môn học hoà âm tây phương cứng ngắc và nhàm chán, cổ hủ như nó, cái thằng ông cụ non.
Vũ đăng Miên tiếc cát sê đặc biệt chú anh dành cho anh, tiếc cái hợp đồng đều đặn và dài lâu, chứ không anh đã bay thẳng. Bay thẳng về Mỹ thì cứ việc nằm chèo queo cả tháng may ra mới có được một sô đám cưới, nhưng người ta đâu lấy nhau luôn thế. Chẳng lẽ ta phải cầu cho thiên hạ ly dị suốt đi sao?
Mà tại sao lại phải chịu thua thằng Bắc nhỉ! Anh muốn rằng không có Mộ Bắc, như thế anh mới làm việc được. Nhưng đó là một ý tưởng điên rồ, hoang tưởng. Đăng Miên bỏ ra một tuần lễ để nghiền ngẫm sự đời. Cuối cùng, anh tìm ra được một giải pháp.
Sau một mùa khô sầm uất, lúc này có những chiều mây xám giăng ngang thành phố, báo hiệu cơn mưa đầu mùa đang đến. Mùa mưa, mùa của nệm chăn, giường chiếu và của những giấc ngủ vùi. Ai còn muốn ra ngoài trong những buổi chiều mưa? Nghệ sĩ, ca sĩ bắt đầu lo âu vì phòng trà đến mùa vắng vẻ.
Mộ Bắc thơ thẩn với những chồi lan ngoài sân. Trên chiếc lồng treo cao, con chim sơn ca mẹ anh nuôi trông thấy người ríu rít đòi ăn. Sáng nào ngủ dậy, Bắc cũng ra vườn thi hát với nó. Anh cần nghe tiếng hót hồn nhiên trong trẻo của sơn ca vì cảm thấy mệt mỏi sau những đêm nhạc nặng nề với những âm thanh khếch đại của đủ các thứ nhạc cụ xoáy vào tai cho đến tận khuya, dù là có vui vì được san sẻ niềm đam mê với người hâm mộ. Ánh đèn sân khấu không phải sự ham muốn của anh, đôi khi anh cảm thấy âm nhạc làm anh bị bội thực. Bắc đi tìm người anh họ tâm sự, chắc chắn anh ấy cũng khá vất vả sau những đêm phục vụ khách nghe nhạc.
Hai chàng nghệ sĩ ngồi bên ly cà phê nóng. Nghe Mộ Bắc than thấm mệt, Đăng Miên bàn:
- Mùa mưa anh em mình đi du lịch nhé.
Đã lâu không đi xa, Mộ Bắc nhận ra đây là một ý tưởng hay. Anh đồng ý ngay với Đăng Miên, để rồi hai anh em sắp xếp lịch đi chơi cuối hè.
Họ rủ được cả bố mẹ Mộ Bắc đi cùng. Phòng trà ra thông báo tạm nghỉ cho đến hết tháng Tám Ta.
Cả bốn người ấy , hai già, hai trẻ vui vẻ và thoải mái đi du lịch nhiều nơi. Họ đã trải qua những ngày nghỉ ở Vũng Tàu, Mũi Né, Nha Trang, Đà Lạt, Hà Nội, Sầm Sơn, vịnh Hạ Long, đền Trấn Quốc, nhà thờ đá Phát Diệm rồi còn bay ngược trở về miền sông Hậu, vút xuống Năm Căn cuối trời.
Đăng Miên liên hệ được với các trường nghệ thuật, nhạc viện khắp nơi và với danh tiếng Nghệ sĩ dương cầm hiện đại Vũ đăng Miên lần đầu tiên từ hải ngoại về nước, tiếng nói của anh có hấp lực mạnh mẽ. Anh đã giới thiệu Mộ Bắc cho nhiều địa chỉ cần giảng viên khoa piano, xứng hợp với tài năng của em anh. Cậu ấy sẽ tha hồ lựa chọn.
Mộ Bắc thì thích đi viếng các nhà thờ, các dòng tu, các tòa Giám mục địa phương, bởi anh thuộc nòi mộ đạo. Một cuộc du ngoạn thú vị và bổ ích. Bố mẹ Mộ Bắc khỏe hơn. Mộ Bắc về nhà béo ra trông thấy vì không bị thiếu ngủ.
Về nhà. Về nhà lại nhớ không khí phòng trà thân thương. Bố mẹ Mộ Bắc hối thúc con trai và cháu biên soạn chương trình mở cửa lại.
Không chậm trễ, Đăng Miên  bèn bàn chuyện với chú thím.
Không biết Đăng Miên phân tích thế nào mà hai ông bà già OK ngay với kế hoạch của thằng cháu khôn ngoan, giỏi giắng, giao thiệp rộng rãi và tài năng. Chỉ chắc chắn một điều là ngay từ khi Bắc mới chập chững bước vào khoa piano nhạc viện với những bài tập sơ cấp như mọi con cái nhà người khác thì hai đấng sinh thành nhà này  đã nuôi mộng làm sao cho con trai mình phải trở thành một nghệ sĩ nổi tiếng, người hâm mộ khắp nơi biết đến hay một giảng viên trong nhạc viện, làm thầy dạy, đào tạo ra cả trăm lứa mầm non nhạc sĩ cho đời biết danh, chứ không muốn cho cuộc đời nó ru rú trong phạm vi một phòng trà gia đình nhỏ bé. Cũng phải cho bố mẹ già nở mày nở mặt, hãnh diện hưởng thụ những hào quang vinh dự xứng đáng công lao bao năm trời vất vả khó nhọc mới gầy dựng nên một nghệ sĩ dương cầm Mộ Bắc tài năng như ngày nay chứ. Với sức người có hạn, lại đã vơi bớt nhiệt tình xông xáo, ông bố Mộ Bắc giao toàn quyền cho thằng cháu nghệ sĩ để nó chọn nơi chốn cho con trai ông đổi đời. Hai anh em, hai người đàn ông đã lớn, lo cho nhau được rồi.
Đêm hôm ấy.
Mười giờ đêm hôm ấy, Mộ Bắc ra sân bay.
Từ đấy, phòng trà gia đình hay đúng hơn là cả thành phố mất đi tiếng đàn Mộ Bắc du dương thiêng thánh. Hụt hẫng lạ lùng.
Con chim trên lồng cao buồn suốt mấy ngày vì không thấy Mộ Bắc ghé chơi. Một sáng, bà mẹ chàng nghệ sĩ mang đĩa hạt ra vườn cho nó ăn thấy nó nằm chết rũ. Bà chôn xác nó rồi tìm một miếng vải trắng cũ phủ lên cái lồng chim, bọc kín lại, đề phòng dịch cúm gia cầm.
Vậy đi, chứ thằng cháu Miên nó dị ứng với lông vũ.
ANNA

Không có nhận xét nào: