#Stats1 ul{margin:0;border:0;padding:0;height:32px;background:url(//goo.gl/ZHG881) no-repeat 0 -34px} #Stats1 li{margin:10px 0;border:0;padding:0 0 0 40px;list-style-type:none} #totalComments{height:32px;background:url(//goo.gl/ZHG881) no-repeat} #totalCount{height:32px;background:url(//goo.gl/ZHG881) no-repeat 0 -68px}

Thứ Hai, 25 tháng 7, 2011

CẢI SỐ

CẢI SỐ                                                   ANNA

 Đôi khi ngắm cảnh bâng quơ rồi dừng mắt nơi những ngôi nhà cao tầng lịch sự, sang trọng hay tò mò nhìn vào những vườn nhà giàu có, tiện nghi, tôi hay tự hỏi, ở trong một nơi đáng mơ ước như thế,
người ta có hạnh phúc không nhỉ! Và nếu như không có hạnh phúc thì những tòa nhà đắt tiền đó có đáng giá hơn những túp lều nghèo nàn đơn sơ không? Người ta sẽ chọn ở nhà lầu đẹp đẽ mà chấp nhận không có hạnh phúc hay chọn nhà lá mái tranh miễn được hạnh phúc bình an? Cuộc đời đã cho tôi nghiệm được câu trả lời và tôi đã dư  hiểu biết để  lựa chọn đàng nào.
Thế cho nên, ai tưởng tôi sống trong ngôi nhà ba tầng lầu này là một đời sung sướng, yên hàn thì người đó lầm to. Không hề. Có cha, có mẹ, nhưng hồi tôi còn bé, cha tôi không hơn không kém một tiếng gọi, thốt lên trong lòng tôi mỗi khi tôi gặp điều buồn khổ. Có mẹ, nhưng không có còn hơn, vì khái niệm mẹ đối với tôi thật kinh hoàng khủng khiếp. Có lúc, tôi ước ao mình là một đứa trẻ mồ côi nghèo đói, xin ăn dọc đường. Không cha không mẹ còn đánh động được lòng thương của người khác, chứ ở trong cái nhà này, tôi chỉ mong được cái vảy tình thương của mẹ mà cũng chẳng hòng. Mười hai tuổi đầu, gần hết bằng ấy năm trời, tôi sống trong sự hành hạ ghét bỏ của mẹ ruột tôi. Tôi chẳng hiểu sao cuộc đời lại đặt tôi vào một hoàn cảnh nghiệt ngã như vậy. Đôi khi tôi nghe trong máy hát những lời ngợi ca tình mẹ như: Lòng mẹ bao la, tình mẹ dạt dào .. Rồi nào là: Mẹ là dòng suối ngọt ngào, mẹ là nải chuối, buồng cau chín vàng thơm lừng, con ra vườn bẻ ăn không chán, nào Mẹ yêu con, mẹ thương con, mẹ thao thức cho con yên giấc nồng … tôi thấy lòng tôi dửng dưng như không, trái tim lạnh lẽo của tôi vẫn thản nhiên đập nhịp bình thường, chẳng hề có một mảy may xúc động, cảm kích. Tôi sợ mẹ. Tôi khiếp mẹ. Tôi coi mẹ như một bà thần ác, chỉ khi nào không có mẹ trước mặt, tôi mới thấy được an toàn.
Ở trường học, tôi cứ cảm thấy ngỡ ngàng, lạ lùng sao một đứa trẻ con như bạn bè tôi kia lại có thể vui vẻ, âu yếm mẹ nó như vậy, và sao một bà mẹ như mấy phụ nữ đưa con đi học kia, đón con về lại có thể lo lắng, chăm sóc từng li từng tí cho đứa con của họ như vậy!
Điều đó không thể có và không bao giờ có trong mối tương quan giữa mẹ tôi và tôi.
Mẹ tôi sinh ra tôi trong một đêm buồn. Bác tôi rủa rằng: Mẹ mày chuyển dạ trong nhà thương mà còn nuôi mối giận hờn, ghen bóng ghen gió luôn miệng mạt sát, chửi bới bố mày thì bảo sao mặt mũi mày lúc nào cũng như cái miếng bánh ướt ôi thiu nhăn nhúm. Khi vui, bác bảo, phải cải số đi con ạ. Tôi không biết nghe lời bác thì phải làm sao, nhưng trong thâm tâm, tôi rất muốn cải số. Có lẽ cải số, mặt tôi sẽ hết nhăn nhúm, mặt tôi sẽ hết ướt ôi. Có lần tôi đã ăn miếng bánh ướt ôi thiu  rồi, chua lòe, không ngon tí nào, nhưng đói phải ăn. Mẹđi vắng, không nhớ lo cơm cho tôi. Lục lọi trong chạn chỉ có đĩa bánh ướt từ mấy ngày trước còn thừa, tôi đành phải chiều cái dạ dày mình thôi, không thì nó réo chịu không nổi.
Ba mẹ tôi sinh được hai người con. Đó là kê khai vắn tắt thông thường.Với tôi, tôi muốn nói khác, như thế này: Ba mẹ tôi sinh ra hai đứa con gái, bị một đứa lớn ác ôn nợ đời. Đứa ác ôn nợ đời đó chính là tôi. Ngay từ khi còn bé tí xíu, nhớ từ những ngày mới biết đi, biết nói, tôi đã thấy được thái độ, tình cảm của mẹ đối với tôi khác hẳn mẹ đối với đứa em  tôi sau này.
Mẹ ghét tôi lắm. Với em, mẹ chăm bẵm từng ly sữa, từng miếng bánh.Với tôi, không có gì cả, hay chỉ là uống thừa, ăn thừa của em. Mẹ đi chợ về, chị em tôi cùng  chạy ra mừng đón quà, nhưng mẹ chỉ nguýt tôi một cái rồi đưa quà cho em Mynh. Tôi lủi thủi quay vào, đi chầm chậm đàng sau em, hy vọng bé Mynh nhận ra chị nó chưa được quà mà véo cho tí bánh, tí xôi. Mẹ cho em Mynh  nằm chung với mẹ. Còn tôi, hình như chưa bao giờ tôi được nằm cạnh mẹ, được rúc vào lòng mẹ, được ngửi hơi ấm của mẹ. Tôi phải trải chiếu nằm riêng. Khi em Mynh cất tiếng gọi, mẹ ơi một tiếng ngọt ngào. Còn tôi, mở miệng gọi mẹ sao cứ nghẹn ngào khô khốc vì hiếm có khi nào  mẹ nhìn tôi hoặc lắng nghe tôi nói điều gì. Mẹ cười với em Mynh. Mẹ chả bao giờ cười với tôi. Mẹ đối với tôi chỉ là lườm, là nguýt, là quát mắng, là nguyền rủa. Tôi là một đứa con gái vô phúc. Bác tôi bảo thế, bởi vì một đứa bé như tôi không biết phạm thứ tội lỗi nào nặng nề đến nỗi phải bị mẹ nó đối xử với nó dã man như mẹ đã đối xử với tôi như vậy. Bác bảo, đẻ tôi ra, vừa trông thấy mặt tôi  là mẹ đã ghét rồi.
Hồi tôi còn nhỏ, mỗi chiều, khi ba tôi đi làm về, chỉ cần bắt gặp ánh mắt tôi vui mừng được trông thấy ba là mẹ tôi đã chì chiết tôi rằng phải rồi, ở nhà có người hành hạ mày cho nên bây giờ mày trông thấy thằng bố mày về, mày mừng quá đấy mà. (Sao em Mynh lon ton ra mừng  bố, mẹ không nói  như thế?)
Một chiều kia, nghe tiếng xe ba về đến cổng, bắt chước em, tôi chạy ùa ra sân, hớn hở reo lên: A ba về. Ba tiếng ấy, ngày nào tôi cũng chỉ biết gọi thầm trong lòng tôi thôi. Ba dắt xe vào nhà, ba của tôi cười với tôi. Rồi ba dựng xe, cúi xuống nhấc bổng tôi lên. Tôi sung sướng quá. Nhưng niềm hạnh phúc ấy không tròn vẹn, vì ngay lập tức tôi nghe một tiếng thét khủng khiếp như sấm nổ của mẹ tôi từ bếp vọng lên: – Bỏ nó xuống.
Cha con tôi cùng xụi mặt buồn xo. Ba nhẹ nhàng thả tôi xuống đất, con chơi nhá, rồi ba tránh mặt mẹ, đi thẳng vào nhà trong. Tôi còn muốn nhõng nhẽo ba nhưng không thể được nữa rồi, tiếng chân mẹ huỳnh huỵch đã tiến lên gần tới chỗ tôi đang đứng. Tôi cúi gằm đầu biến mất, trong lòng đau đớn tủi thân tủi phận vô cùng, chỉ chực trào nước mắt. Nhưng không khóc, quyết không khóc, lúc này mà khóc thì chết đòn.
Có một lần kia, tôi bị đòn nặng. Không biết trên đời này, có đứa trẻ con nào bị mẹ phạt đòn như tôi hôm ấy không, nhưng tôi đã bị. Tôi cũng không biết tội  lỗi của tôi hôm ấy to lớn đến độ nào mà tôi lại bị trừng trị nặng nề như thế. Năm ấy, bác tôi nhớ tôi lên sáu hay lên bảy thì phải. Hôm ấy có bác sang chơi. Bác ngồi dưới bếp, chỗ bàn ăn có ánh sáng và gió mát phả từ giếng trời xuống. Nghe  bác và mẹ nói chuyện gì vui vẻ, tôi hứng chí, thấy trên bàn ăn sau bữa trưa còn rơi rớt lại miếng giò bé bé  tôi liền lấy miếng giò đút vào miệng Bốp-bi là bạn cực thân của tôi trong căn nhà lạnh lẽo này, nó đang vẫy đuôi đòi ăn. Vừa nhìn thấy tôi làm như vậy, mẹ trợn mắt, hùng hổ sấn tới, siết lấy hai bàn tay đang run rẩy của tôi. Mẹ quật tôi xuống đất, nghiến răng nghiến lợi trói chân tay tôi lại bằng sợi dây dù  mềm nhưng chắc lắm. Tôi tím tái cả mặt mũi vì sợ, nhưng vẫn không dám khóc. Bác tôi vội quát lên:
- Dì làm cái gì vậy? Có bỏ ngay con bé ra không?
- Chị để yên em dạy nó.
Mẹ tôi quát lại bác tôi, vừa quát tháo, chửi rủa vừa lộn ngược đầu tôi xuống. Mẹ tôi móc vòng dây, treo tôi lên xà gỗ gác lửng, mẹ tụt quần tôi ra và vớ lấy cái thước gỗ hay cái thanh củi cứng mà quất vào hai mông trần trụi, mỏng manh và mềm nhũn của tôi rồi cứ thế mà mẹ gào lên và quất nhưng bác tôi đã kịp ôm chặt lấy tôi. Bác hứng phải ngọn roi đau của mẹ nên cáu tiết, bác giơ chân đá mẹ. Bác đá liên hồi cho tới khi mẹ đau, phải thả cây  gỗ ra. Bác  nâng cao người tôi lên cho lỏng mối thắt sợi dây dù để đỡ tôi xuống. Bác vừa mặc lại quần áo cho tôi, vừa chùi mặt mũi cho tôi, vừa lớn tiếng mắng mẹ tôi hết lời. Mẹ cãi giả. Hai người cãi qua cãi lại. Tôi rón rén trốn lên nhà trên, chui vào góc giường, ngồi bó gối, co ro. Mấy chỗ bị mẹ quất cây củi vào bây giờ mới thấy đau nhưng tôi vẫn không khóc nổi, chân tay cứ lạnh toát và run lẩy bẩy vì sợ hãi. Tôi nghe bác tôi nói:
- Trẻ con nó có tội tình gì thì cũng chỉ dùng lời mà dạy dỗ, huống  hồ nó là con mình đẻ ra. Sao dì  ác thế? Sao dì lại ghét bỏ nó như thế? Tôi thấy nó đâu có tội tình gì mà dì cứ  phải hằn học, xỉa xói nó suốt ngày vậy. Dì coi chừng đấy, ác giả ác báo. Ác quá Trời phạt cho mà xem.
Mẹ tôi thở hồng hộc, toát hết mồ hôi vì mệt sau trận đánh đòn tôi. Mẹ gào lên nào là  không hiểu tại sao cứ trông thấy cái mặt hãm tài của nó là em không chịu nổi, nào là sao  em ghét nó thế không biết. Chị không ở tâm trạng em, chị không hiểu. Bác tôi ngạc nhiên, ơ có gì mà không hiểu. Dì làm như nó là con nuôi, con ghẻ dì chắc. Tôi chưa từng thấy có người mẹ nào, con mình đứt ruột đẻ ra rồi ghét bỏ, hành hạ nó như thế. Dì có thói con yêu con ghét. Tôi hỏi, dì có bao giờ đánh con Mynh như dì đánh con Lynh hôm nay không? Dì không muốn nuôi nó thì để tôi nuôi. Tôi mang nó về nhà tôi.
Mẹ tôi chả tiếc. Còn mừng.
Vậy chứ phải đến mấy năm sau, bác tôi còn phải chứng kiến nhiều cái tát ác liệt khác mẹ dành cho tôi (đó là không kể những lúc không có bác sang chơi, hoặc sau lưng ba), bác làm dữ lắm, mẹ tôi mới để cho tôi mang quần áo đến ở nhà bác.
Bác tôi muốn bù đắp cho tôi.
Ở nhà bác, tôi không bao giờ bị đòn, không bao giờ bị mắng. Bác thương yêu, chăm sóc tôi còn hơn bác thương yêu, chăm sóc các anh chị tôi. Bác còn dặn các anh chị tôi phải ưu tiên mọi thứ cho tôi. Các anh chị nói,vậy nếu bấy nhiêu đứa cùng đau bụng một lúc thì tụi con phải nhường toa-lét cho em sao? Phải tú xì chứ mẹ không được thiên vị Lynh nhá. Đùa thế thôi chứ tôi biết các anh chị cũng thương tôi lắm.Ở nhà bác, đi học về, suốt ngày các anh chị cho tôi tham gia chung mọi sinh hoạt, mọi cuộc vui trong gia đình. Chúng tôi nô đùa, nghịch ngợm, phá phách, trêu ghẹo nhau, vật nhau trên giường nệm rồi rủ nhau ra sân trèo lên những chảng ba của cây ổi già, thi nhau tè xuống đất. Trong nhà, ngoài sân luôn có tiếng cười của trẻ nhỏ. Buổi tối, chúng tôi có một tiếng học bài và trả bài. Từ ngày sang ở với gia đình bác, tôi được uống sữa, ăn sáng no trước khi đi học, muốn ăn gì thì chị Lan sẽ mua cho, mỗi ngày mỗi thay đổi, chứ không phải ăn mãi một món bánh mì khô chán ngắt em tôi bỏ thừa. Lại được các anh chị đưa đón chứ không phải đi bộ một mình đến trường. Tôi học giỏi, được cô giáo khen. Tôi tươi tỉnh và lên ký. Tôi cao như thổi. Bác tôi phải sắm quần áo mới cho tôi. Mặt tôi không còn ướt ôi. Ban đêm tôi ngủ yên, đã không còn tật giật mình, nức nở trong những giấc mớ như hồi còn ở nhà.
Ba thường đến thăm tôi vào những lúc công ty ba ít việc. Dạo này, ba lại hay cho em Mynh  đi  theo. Ba nói chuyện với hai bác, còn hai chị em tôi chơi với nhau cả buổi, không gì vui bằng, không gì thích bằng.
Tôi sang ở nhà bác tôi yên ổn được một thời gian dài, không biết là bao lâu, chỉ nhớ là dài lắm, dài đủ để một đứa bé gái đa sầu đa cảm, thiếu thốn tình thương như tôi bắt đầu cảm thấy nhớ nhà da diết. Trông thấy ba đến thăm mà vẫn cứ nhớ nhớ thương thương những gì khác. Làm sao tôi có thể quên được ngôi nhà tôi đã được sinh ra, lớn lên trong suốt tuổi thơ tôi, dẫu là những tháng năm buồn rầu, ảm  đạm. Ở đây, dẫu sung sướng vẫn chẳng phải nhà mình.
Bác tôi không bắt tôi làm những việc nặng trong nhà vì tôi còn bé, lại đã có các anh chị tôi lớn rồi phải tập làm việc cho quen, nhưng tôi vẫn sà vào làm những việc ngày xưa ở nhà mẹ bắt tôi làm. Tôi vẫn nhớ việc của tôi là nhặt rau, băm hành tỏi (vì mẹ rất ghét làm việc này), quét nhà, rửa bát chó ăn, lau bàn lau tủ và giặt tã em (vì mẹ ghê cứt em Mynh ị ra). Tôi vẫn nhớ ngày xưa tôi lau bàn, lau tủ còn kỹ hơn anh họ tôi bây giờ.
Bác tôi yêu tôi lắm. Nhiều lần, bác ôm tôi trong lòng, chải đầu, tết tóc cho tôi. Vừa vuốt ve hai má tôi, bác vừa khen nước da tôi trắng trẻo, mịn màng, khiến chị họ tôi giả vờ ghen tị, chọc ghẹo tôi: – Mẹ ơi, mặt em Lynh nhẵn như đít ếch ấy mẹ nhỉ. Thế là chị em tôi lại được dịp chạy khắp nhà đuổi đánh nhau vui vẻ. Vậy mà một lúc sau, tôi lại suy nghĩ vẩn vơ, giá mẹ ôm tôi, mẹ chải tóc, mẹ cột tóc và vuốt ve tôi thì … êm ái, ngọt ngào biết bao. Tôi nghe tiếng lòng mình thổn thức hồi lâu … chẳng ai biết.
Các anh chị tôi cũng chiều chuộng tôi hết mực.
Có gì ngon cũng để phần Lynh. Có gì hay cũng cho Lynh xem. Có gì vui cũng kêu Lynh góp mặt. Các anh chị không để tôi ngồi buồn. Vậy mà sao tôi cứ thấy thiếu thốn cái gì ấy trong tâm tư, thì ra tôi nhớ em Mynh tôi. Đứa em đang sống sung sướng, đầy đủ  trong tình yêu thương của mẹ. Mynh bé bỏng,dễ thương. Chắc nó cũng thèm có các anh chị như tôi đang có đây. Tôi cảm thấy dạt dào niềm thương nhớ và mong được ôm lấy  em gái tôi vào lòng, được sờ nhè nhẹ vào làn da mịn màng ở cánh tay em, được thấy em cười tươi, em thỏ thẻ với tôi. Nhớ bữa mẹ bận, không về làm cơm, hai chị em tôi tự pha mì ăn chung một tô, mì lòng thòng từ đôi đũa của tôi kéo sang đôi đũa của Mynh, có vậy mà vui, hai chúng tôi cười nắc nẻ, tự nhiên nước mắt tôi cứ trào ra ròng ròng, không ngăn nổi. Tôi nhớ em tôi.
Nhưng rồi quanh quẩn cũng lại  nhớ tới những cái tát đau điếng người của mẹ. Mẹ bợp cho một cái thì ù hết cả tai, choáng váng hết cả mặt mày, tại vì tay của mẹ to và cứng lắm. Sao mẹ hay đánh con vậy? Sao mẹ ghét con vậy? Tôi thường tự đặt những câu hỏi như thế  ở trong đầu rồi ngơ ngơ ngác ngác như con ra dại ,chẳng thể tìm ra câu trả lời, bởi vì mẹ chính là mẹ ruột của tôi, tôi là khúc ruột của mẹ cơ mà. Có người mẹ nào nỡ lòng dứt bỏ đứa con mình mang nặng đẻ đau bao giờ.
Tôi thường hay mơ mẹ tôi âu yếm khẽ nâng bàn tay tôi lên, nhẹ nhàng đặt vào lòng bàn  tay tôi một bông hoa hồng nhỏ. Hương hoa hồng thơm ngát tỏa lan. Tôi mơ mẹ tôi dắt tôi đi học. Tôi mơ mẹ tôi trộn dấu chảo cho tôi một bát cơm có mấy miếng sườn ram vàng ươm màu cánh gián, nước sườn ram sanh sánh, mút miếng sườn, nhằn cái xương ở giữa, vừa  mằn mặn vừa ngòn ngọt, mùi  thơm phưng phức tỏa ra ngay khi mình đưa răng cắn.Mẹ bảo Lynh ăn đi con. Rồi mẹ nhìn tôi ăn cơm, mẹ cười. Tôi thấy mẹ tôi đẹp lắm khi mẹ cười. Tôi lại còn mơ mẹ tôi nhẹ nhàng, dịu dàng mi lên má tôi hai cái, êm làm sao, thơm làm sao! Một giấc mơ thiên đàng.
Bây giờ tôi lớn rồi, mẹ không đánh tôi nữa đâu. Chắc hồi nhỏ tôi cũng hư lắm, quậy lắm nên mới hay phải đòn. Tôi suy luận rằng con cái phải có lỗi cha mẹ mới trừng phạt, chứ có ai tự dưng nọc con ra đánh bao giờ. Tôi muốn về và chuộc lại lỗi lầm xưa. Tôi sẽ ngoan ngoãn hơn, sẽ chiều chuộng mẹ, sẽ chấp nhận tất cả. Dù mẹ có đánh tôi, tôi cũng không giận mẹ, không oán mẹ. Bây giờ tôi đã cao hơn, khỏe hơn, mẹ có đánh tôi sẽ né, không để bị đau. Bây giờ, tai tôi đã cứng, má tôi đã dày, chắc mẹ có tát cũng không rát lắm. Miễn sao lại như ngày xưa, tôi được ở trong nhà tôi, tôi được ở chung nhà với ba tôi, để ba tôi không phải đi thăm tôi. Tôi  được ở  với người mẹ đẻ ra tôi. Tôi sẽ phụ mẹ  quét nhà, lau bàn, lau tủ, nhặt rau, bóc hành bóc tỏi và chăm sóc em tôi. Tôi sẽ đút cơm cho em tôi ăn, bế em đi chơi và tha hồ mi lên má nó cả chục cái. Tôi sẽ gọi Bốp-bi bạn thân của tôi tới, nó vẫy đuôi mừng rỡ và cười với tôi, rồi tôi được ôm nó, tôi vuốt ve người nó. Chắc chắn nó không quên tôi .… Tôi sẽ là một cô bé hoàn toàn hạnh phúc. Người ta sẽ trầm trồ ô con bé này cải số rồi.
Tôi quên hết mọi trận đòn rướm máu, quên hết những cái tát nảy lửa của mẹ, quên hết những nghiệt ngã mẹ dành cho tôi.
Tôi nghe trong tim tôi trào dâng niềm yêu thương vô bờ bến cứ dạt dào tuôn chảy không ngừng.
Tôi muốn về thăm mẹ,thăm nhà.
Khi nói ra với bác nỗi nhớ nhà của mình, tôi thấy bác tôi lặng thinh suy nghĩ hồi lâu. Bác lặng thinh hồi lâu rồi bác nắm chặt hai tay tôi, bác sụt sịt mũi, bác khóc. Bác bảo bác thương lắm, bác biết tôi nhớ nhà nhưng lúc này tôi chưa về được bởi vì ngay cả em Mynh  chắc cũng sẽ phải sang ở nhà bác như tôi. Bác bảo mẹ tôi đang ốm, không chăm em được. Bao giờ mẹ khỏi bác sẽ đưa tôi về thăm nhà.
Tuần sau, quả thật, ba gửi em Mynh sang ở với tôi. Suốt năm trời ấy, hai chị em tôi được bác nuôi dưỡng. Con đường từ nhà bác về nhà tôi không xa lắm nhưng hoá xa hơn mà tôi lại chưa đủ lớn để nhận định được hướng đi để có thể tự mình về nhà, vả lại, tôi cũng chỉ biết ngoan ngoãn vâng lời bác. Ba vẫn ghé thăm chị em tôi. Càng lúc, tôi càng thấy ba tôi gầy gò muộn phiền hơn trước. Tôi thương ba quá và thương sang cả mẹ. Tôi hỏi thăm mẹ khỏi ốm chưa, sao mẹ ốm lâu vậy. Ba nói bệnh mẹ là bệnh hay lây, bác sĩ bảo phải cách ly các con. Thế là lực bất tòng tâm, tôi đành để lòng ôm mối thương nhớ mẹ chứ không dám tìm cách về nhà.
Bỗng một buổi trưa, anh Hàn, anh lớn nhất trong nhà bác tôi báo tin:
- Chú bảo anh chở Lynh về nhà Lynh, một tí thôi.
- Eo ôi, thích quá, cho em về thăm mẹ em thật đấy chứ.
-Ừ, để em đỡ nhớ nhà.
Anh tôi ấn vào đầu tôi một chiếc mũ vải rồi lặng lẽ chở tôi đi. Trời hôm nay vàng nắng, gió hiu hiu, dìu dịu, hai bên đường hai hàng cây xanh xao xác lá ngơ ngác lạ lùng.
Dừng xe trước nhà tôi, anh tôi kín đáo nhìn qua những lỗ gạch tường rào như kẻ trộm thám thính tình hình trước khi đột nhập một ngôi nhà lạ. Trong nhà im phăng phắc, không một tiếng người. Có tiếng Bốp-bi sủa. Anh Hàn bấm nhẹ chuông. Chỉ một tiếng chuông reo, đã thấy ba tôi từ trong đi ra. Bốp-bi chạy trước, ngoáy tít cái đuôi mừng tôi. Ôi, đã bảo nó nhớ tôi mà. Ba mở cổng, giọng ba rất nhỏ:
- Cứ trời mát và yên tĩnh thì ổn các con ạ.
Ba nhẹ nhàng dặn dò riêng tôi:
- Con đừng nói gì, để xem mẹ thế nào, mới tính được.
Tôi cũng nghĩ, đi thăm mẹ, mình sẽ im lặng. Nếu mẹ vẫn còn ghét bỏ mình, mẹ không chấp nhận cuộc thăm viếng này thì mình sẽ đi về ngay. Mình không ghét mẹ, không sợ mẹ nữa nên mẹ đuổi thì chiều mẹ thôi. Dù mẹ có ghét mình mấy nữa mình cũng chẳng ghét mẹ, vì mẹ là mẹ mình cơ mà.
Tôi ôm chặt Bốp-bi vào lòng, dụi mũi tôi vào mũi nó ươn ướt. Nó ngoáy đuôi, mừng cuống, rít lên những âm thanh trìu mến chỉ tôi và nó hiểu. Biểu lộ tình yêu ấy thật không ra làm sao cả, nhưng đối với hai kẻ trong cuộc này thì hạnh phúc biết bao!
Thế rồi, ba, anh Hàn và tôi cùng bước vào sân nhà.
Nhà vẫn đẹp nhưng vắng vẻ, đìu hiu quá.
Cây cảnh khô héo nhiều. Chiếc ghế đá kê nơi hàng hiên bám đầy bụi vì chẳng ai ghé ngồi.
Trong nhà, có một thứ mùi hôi hôi, mông mốc, là lạ, khó chịu cái mũi, trước đây tôi không thấy có ở nhà mình. Tôi theo ba vào phòng trong, nơi đó, trong ánh sáng êm dịu của ngọn đèn vàng, tôi thấy, trên chiếc ghế bành, mẹ tôi đang ngồi ngả người, xõa tóc ra, cặp mắt  lim dim, hai bàn tay đặt trên hai tay vịn, hai chân đung đưa nhè nhẹ trên mặt đất. Một tư thế thoải mái, bình an, thản nhiên, vô tư và vô cảm.
Nét mặt mẹ gầy sạm, khô héo và nhăn nhúm hơn trước, nhưng không có nét giận dữ hay hằn học như ngày xưa mỗi lần mẹ nhìn tôi.
Tôi nhận ra ở phòng mẹ, cái chất hôi hôi ban nãy nặng mùi hơn. Phải rồi, mẹ bệnh nên không dọn dẹp được, hôi là phải. Tôi muốn hỏi thăm bệnh tình của mẹ. Mẹ ốm ra sao? Mẹ thấy trong người thế nào? Sao mẹ không đi nhà thương? Còn đang suy tư tìm hiểu, bỗng tôi thấy mẹ mở mắt ra. Mẹ nhìn những con người đang xuất hiện trước mặt mẹ với ánh mắt dò hỏi, ngu ngơ, ngây dại. Ba cảnh giác nhìn mẹ và nắm chặt tay tôi, chực chuẩn bị kéo tôi ra ngoài. Không. Mẹ không làm gì tôi cả. Mẹ  chỉ không nhận ra tôi. Mẹ chỉ quên tôi thôi, nhưng như thế là mẹ mất trí rồi. Mẹ đâu còn biết giận dữ tôi, đâu còn biết ghét bỏ tôi. Này mẹ đánh con đi, mẹ tát con đi. Mẹ chửi con đi. Tôi gào lên trong trí. Mẹ tôi bị bệnh thần kinh. Ai ơi, cứu lấy mẹ tôi, thương lấy mẹ tôi. Như vậy đâu phải trước giờ mẹ ghét bỏ tôi. Có mẹ nào không thương con mình, nhưng tại vì trong người mẹ có máu điên. Ai chấp người điên. Hai con mắt tôi cay sè, những giọt nước thương cảm cứ thế tuôn ra ròng ròng, nóng hổi và ràn rụa hai gò má tôi. Tôi chạy lại ôm chầm lấy mẹ. Thân thể tiều tuỵ của mẹ nằm trọn trong vòng tay tôi. Áo mẹ rộng rinh, mùi mẹ hôi rình, nhưng tôi thương quá, tôi xót quá. Bàn tay mẹ cáu bẩn run run đưa lên mái tóc tôi nhưng tôi sẵn sàng chờ đợi mẹ vuốt tóc tôi như trong mơ.Mặt mẹ dúm dó lại. Miệng mẹ lẩm bẩm câu gì ngọng nghịu và khó hiểu.Chắc mẹ muốn nói con đừng buồn mẹ, Lynh nhá, mẹ xin lỗi đã hành hạ con … Tôi mỉm cười trấn an vỗ về mẹ. Bất thình lình, mẹ giáng mạnh vào đầu tôi một cái rồi nhoài người ra, mẹ giựt áo, xô tôi té nhào xuống nền nhà. Mắt mẹ long lên xòng xọc, nhìn thẳng vào mặt tôi. Mẹ trợn trừng quát lớn:
- Biến. Biến ra khỏi nhà tao, con Mynh kia. Vì mày mà con Lynh, con gái tao đó, nó phải đi ở nhà chị ấy. Tao thương, tao nhớ nó. Tại mày Mynh ơi. Tại mày mà em mày khổ. Tao đánh mày.
Cứ thế, mẹ nhẩy xổ ra khỏi ghế, rượt đuổi tôi. Ba và anh Hàn ôm chặt mẹ lại, hối: Lynh đi ra ngoài mau. Tôi lồm cồm bò dậy, chạy vội ra sân.
Ở góc sân, tôi quỵ xuống, ôm mặt, nức nở. Nức nở mãi, đến số phận nào cũng phải xót xa theo ….
ANNA

Không có nhận xét nào: