ANNA
Lão Đằng từ tít trong bụi Tiểu Hồng hiên trái nhà xứ nhìn ra cổng cũng nhận ra có cha khách đang tiến vào sân nhà thờ. Cái cổ côn trắng đã giới thiệu đầy đủ về lý lịch con người
nào có can đảm gài nó vào cổ áo, dĩ nhiên là áo xi- vin chứ còn cha mà mặc áo dòng đen thì không có gì phải nghi ngờ, cứ nhìn là vội vàng cúi đầu con chào cha ngay đi thôi. Giáo dân Việt Nam có một văn hóa nhà Đạo rất dễ thương, đó là tấm lòng tin tưởng phó thác hoàn toàn tuyệt đối vào … ông cha ( đáng lẽ ra không được như vậy).
nào có can đảm gài nó vào cổ áo, dĩ nhiên là áo xi- vin chứ còn cha mà mặc áo dòng đen thì không có gì phải nghi ngờ, cứ nhìn là vội vàng cúi đầu con chào cha ngay đi thôi. Giáo dân Việt Nam có một văn hóa nhà Đạo rất dễ thương, đó là tấm lòng tin tưởng phó thác hoàn toàn tuyệt đối vào … ông cha ( đáng lẽ ra không được như vậy).
Lão le te chạy ngay ra, hai vai lao đao theo nhịp chân vất vả, nét mặt vui vẻ nhưng không kém nghiêm trang. Khách là các đấng mà lị.
- Chào cha ạ.
Cha khách e dè:
- Thưa …. ông là …
- Con coi vườn nhà xứ. Cha có việc chi ạ?
- A, ông quản gia đây phải không?
- Không, con coi vườn nhà xứ.
- À há .. ông coi vườn. Tưới cảnh, chăm hoa phải không?
- Vâng đúng rồi, thưa cha. Thế cha muốn gặp ai?
Cha khách vẫn chỉ chú ý tới lão Đằng. Cha tỏ ý muốn biết tên cái, tên gọi của lão. Điều này từ trước tới nay chả có ai lấy làm quan trọng. Lão vui vẻ xưng tên luôn.
- Cha cứ gọi con là lão Đằng.
- Ô! Chào ông Đằng. Ông cứ bí mật quý danh mãi làm tôi không biết phải gọi ông là thế nào.
Quý danh ư? Trọng kính thế ư? Không, lão chả có gì đáng được kính trọng đến nỗi có quý danh như các cha cả. Lão chỉ biết tưới cây, tưới cảnh đúng như cha khách đã biết thế thôi, mà tưới cây tưới cảnh thì ai chẳng làm được, miễn là có sức khỏe, có lòng yêu mến vườn tược, hoa cỏ và nhất là phải ở trong nhà xứ hằng ngày, hằng đêm. Không được vắng nhà dù chỉ một ngày. Một đêm thì được (thân già bảy mươi nhăm này còn việc gì mà phải ô-vờ-nai nữa?), nhưng tinh sương mỗi ngày đã phải thức giấc để lục tục thùng, ống, xô, chổi… đặt đầy đủ lên xe cút kít kéo đi. Kéo đi ra góc vườn. Để đó. Để sẵn đồ nghề đó chứ chưa làm. Sáng sớm thì chỉ có mỗi việc tưới vài chậu cảnh nhỏ, bê vào cung thánh cho lễ Nhất thôi. Chỉ ba phút là xong, nhưng không ai được làm cái việc ngắn gọn, dễ dàng ấy ngoại trừ lão Đằng, bởi vì việc trông coi cây cảnh là việc của lão thì quyền lợi được bê cảnh lên nơi trang nghiêm nhất, cao trọng nhất trong nhà thờ cũng phải ưu tiên giao cho lão.
Quanh năm, suốt tháng, lão Đằng không đi đâu xa. Cha xứ nuôi lão suốt đời và lão là một con chiên sống chết với nhà xứ.
Lão Đằng chợt bứt ra khỏi chuỗi suy nghĩ sau khi nghe hai từ “quý danh” cha khách đặt cho mình. Một ông già nhà quê chân tay cục mịch suốt ngày với cây với cảnh thì cao trọng gì mà cha phải văn hoa chữ nghĩa thế.Rối rắm! Lão hỏi lại lần nữa:
- Cha tìm ai hay có việc gì không ạ?
- Ờ vâng, phiền ông Đằng cho tôi hỏi cha Xứ có nhà không ạ?
- Cha gặp cha Sở héng. Mời cha vào phòng khách.
Lão đánh nhanh đánh gọn câu chuyện vì đang tưới dở cụm Tiểu Hồng.Lão cũng không quen tiếp chuyện với các đấng các bậc sang cả. Khoan đã, phải dẫn cha khách vào phòng khách rồi kêu thằng Muông vì tiếp khách là việc của Muông.
Lão nói mời cha ngồi và chỉ vào một cái ghế trong phòng, rồi biến mất ngay.
Cha khách bước vào căn phòng trơ trọi một bộ bàn ghế gỗ theo kiểu sa-lông đơn giản và gọn gàng với hai cái ghế rời và một cái ghế dài như bất cứ một bộ sa-lông bình thường nào ở mọi gia đình. Trên tường, chính diện có Thánh giá gỗ loại be bé, treo tít trên tận sát trần nhà. Tường hai bên trái, phải có treo vài tấm hình. Bên trái có hình Đức Mẹ Tà Pao. Bên phải có hình mấy Đức cha, phải đọc những hàng chữ ghi chú ở dưới chứ cha khách không nhìn rõ mặt Đức Cha nào.
Góc phòng có thêm một cái bàn nhỏ để ấm tích và khay ly tách trắng tinh, sạch sẽ. Chỉ có thế. Chẳng có gì đáng để ý tới. Xứ này đâu đến nỗi nghèo mà phòng khách đơn sơ quá nhỉ! Cha khách đành ngồi ngó mông lung ra sân, chờ đợi. Lâu lâu cha lại vặn vặn, nới nới cái cổ côn bằng nhựa đang ép quanh cổ cha cho nó rộng ra một chút. Sự chờ đợi làm cho con người ta hay sốt ruột. Mà cái cơn sốt ruột nó lại làm cho các tuyến mồ hôi trong cơ thể con người ta hoạt động hăng hơn, khiến cho cái cần cổ cha nó cứ ươn ướt, nhớp nháp, căng cứng, khó chịu. Cũng may, sáng nay mà thực hiện phương án áo chùng đen đến đây thì còn khổ hơn. TrongNamtháng này nóng quá.
Cha phải nhấp nhổm, bồn chồn một lúc lâu mới có một thanh niên đi tới, thẳng bước vào phòng khách như đã biết việc:
- Dạ thưa, cha muốn gặp cha Sở con phải không ạ?
- Vâng, ngài có nhà không anh?
- Cha Sở con có việc cần phải đi ngay bây giờ.
Xin cha cho một cái hẹn qua điện thoại.
Cha khách thấy tình hình có vẻ bất tiện vì cha Sở lớn tuổi và là bậc đáng kính mà mình nằng nặc đòi gặp thì không nên.Việc lớn có tầm quan trọng của việc lớn, phải lấy chữ Nhẫn ra làm việc. Cha đành chấp nhận lỡ dịp này, nhưng để tranh thủ công lao đã đến tận nơi mà không được việc gì cả, cha gà chuyện anh thanh niên:
-Anh có biết cha Sở đi bao giờ về không?
-Dạ không.
-Chiều có lễ không?
-Dạ có.
-Vậy tức là ngài sẽ về trước giờ lễ chiều chứ?
-Dạ vâng.
Anh người nhà xứ này kiệm lời quá, nhưng khách vẫn cố vớt vát:
-Xin hỏi thêm một câu.
-Cha cứ hỏi.
-Chắc anh đây là cận vệ của cha Sở?
-Dạ không. Con chỉ tiếp khách. Nhưng cha cần điều gì liên hệ với cha Sở con, con có thể cung cấp thông tin.
Cha! Muông nghe người ta đặt cho mình cái chức “cận vệ” oai quá cũng sướng, nên làm ra vẻ ta đây biết mọi sự.
Khách mừng húm:
-Vậy sao! Tôi cũng có biết ngài rồi, nhưng nói thật với anh, anh … gì nhỉ?
Muông xưng tên:
-Muông, muông cầm muông thú.
-Nói thật với Muông (gọi trống đi, cho thân mật hơn), tính tình ngài thì mình chưa rõ, chỉ nghe đồn ngài rất nhân đức và rộng rãi, phải không chú cận vệ?
- Chính xác! Cả tỉ người nghèo đến đây ngài có gì cũng giúp đỡ hết mình.
- Thế! Tôi thấy xứ ta vào các lễ Chúa nhật hay có các cha ở vùng sâu vùng xa đến quyên tiền. Ấy là cha mình cho phép đấy chứ Muông? Các xứ khác đâu có chuyện này.
-Vâng, nhưng cha con chỉ cho phép quyên thôi (Muông phân tích vấn đề) chứ còn được nhiều ít lại là nhờ tấm lòng giáo dân đi lễ. Cha thấy con nói có đúng không?
-Đúng, đúng. Cha khách đồng ý – Các cha xứ sống sót chủ yếu nhờ vào tấm lòng giáo dân anh ạ .
Nói rồi mới cảm thấy mình lố bịch hết sức, cha khách ngượng quá, im, không dám nói gì thêm. Cả hai đều cảm thấy mình lắm chuyện. Đàn ông mà lắm chuyện thì chỉ tạm tha thứ được khi đã say khướt lướt, lè nhà lè nhè vui vẻ quá độ nơi bàn nhậu, còn ở đây, ngay giữa sân nhà thờ, đích thị là một linh mục đeo cổ côn trắng, có giáo phận, có các Đức cha nuôi nấng dạy dỗ hẳn hoi mà lại phát biểu một câu như vậy nghe sao được. Bậy bạ hết sức! Còn ông tướng nhà trời Muông nữa, cận vệ mà đi tám à! Bước chân đi cấm kỳ trở lại. Không uốn lưỡi bảy lần thì mang họa vào thân, hối không kịp. Đã bảo cái gì từ ngoài vào thì không dơ, chỉ cái gì từ trong mà ra thì mới dơ, hiểu chửa! Linh mục hay người phàm cũng vậy tuốt, đừng bạ đâu phát biểu đấy. Hai kẻ sĩ … diện hão vừa chợt nhận ra thân phận cát bụi của mình, cả hai bèn cùng một lúc buông hai câu nói kết thúc cuộc gặp gỡ vô duyên này như đôi song ca không ăn ý:
-Thôi con đi.
-Vậy cha về.
Cha khách nghĩ, buổi hôm nay chỉ vậy thôi, không nên tìm hiểu nhiều. Đại khái là mới có chưa đến nửa tiếng đồng hồ nơi đất lạ quê người mà mình đã quen được hai người quan trọng trong một xứ Đạo là lão Đằng nhân viên cây xanh và chú Muông Trưởng ban Tiếp Tân, như vậy là đã vượt chỉ tiêu cách tốt đẹp rồi.
Sáng hôm sau, đang lê cuộn ống dẫn nước thì lão Đằng nhìn thấy rõ ràng thằng Muông ngồi sau xe gắn máy của một người đàn ông, cái xe wave cũ màu đỏ, quen quen. Xe vụt qua sân rồi biến ra ngoài cổng nhà thờ. Hai người này đi đâu không biết. Cả tiếng sau, Muông mới rảo bộ về. Lão Đằng hô lớn vì hai người ở cách xa nhau một khoảng sân rộng:
-Ê, đi đâu sớm vậy mày?
Muông cũng hú lên:
- Cha khách hồi hôm mời con đi uống cà phê.
- Ui cha, ngon dữ.
Muông cười hé hé.
Cũng không có gì đáng nói. Cha khách chỉ mời cà phê, nhân tiện hỏi thăm Muông mấy điều hôm qua cha quên.
Hôm ấy, chính xác là thứ Ba, mười hai, tháng ba. Cha khách trở lại. Đích thân Muông dẫn ngài vào gặp cha Sở. Khi trong phòng đã có tiếng dép của cha Sở đang bước ra thì Muông thưa từ ngoài vào: Thưa cha con đi. Cha khách chủ động làm việc. Từ đây, không cần có Muông nữa.
-Con chào cha Sở ạ.
-Chào cha. Mời cha vô.
Sau vài phút sơ giao, tự giới thiệu, nêu lý do vì sao con đến gặp cha Sở, cha khách ngồi yên trên ghế, tâm trạng y hệt một bị cáo đang chờ nghe quyết định của toà.
Cha Sở điềm tĩnh , chậm rãi nói từng tiếng:
- Vấn đề này ở đây chúng con đã được Tòa Tổng chọn lựa và giao phó cho tự tổ chức. Chúng con cũng đã luôn sẵn sàng thực hiện để nâng đỡ các cha gặp khó khăn rồi, không có gì phiền phức đâu, cha đừng ái ngại. Có điều là …
Cha khách tỏ ra là người sáng dạ, hiểu ý cha Sở khi thấy ngài ngần ngại. Cha vội vàng đứng bật dậy, mở cặp táp mang theo, rút ra một văn bản, thưa ngay:
-Dạ thưa cha Sở, con xin trình cha Sở Giấy giới thiệu của Đức Cha Antôn đây ạ.
Vừa nói ngài vừa kính cẩn dâng cho cha sở một tờ giấy A4 gấp đôi nhỏ bé trịnh trọng với cả hai bàn tay của ngài. Cha Sở nhận lấy và đọc từng dòng:
Kính gửi cha Sở Giáo xứ Đức Bà Hay Xót Thương.
Xin giới thiệu với cha đây là
Linh mục Phanxicô Nguyễn Đức Quýnh
Thuộc nhà thờ Thánh Giuse Khiết Tịnh, Kim Sơn.
Nhà thờ này hiện mới chỉ là một cái chòi lá ven sông. Giáo dân ở quanh đây nghèo nàn và thất học nhiều. Cha Quýnh mới về nhận nhiệm sở, còn nhiều khó khăn và thiếu thốn. Xin cha giúp đỡ.
Ký tên và đóng dấu
Kim Sơn, ngày… tháng… năm….
Antôn Nguyễn Nguyễn
Giám mục giáo phận.
Cha Sở ngậm ngùi suýt rớt nước mắt ở phần Đức cha Antôn mô tả nhà thờ của linh mục Quýnh, nhưng cha cầm lòng được. Ngài đã từng được nghe nói về những Họ lẻ nơi đèo heo hút gió như thế này, đúng là rất nghèo nàn, thiếu thốn. Ngài nâng gọng kính xem lại một lần nữa lá thư giới thiệu có chữ ký tay và con dấu tròn đỏ của toà Giám mục địa phận Ninh Bình, rồi ân cần nói với cha Quýnh:
-Cha à. Cha nào tới đây xin để giỏ cũng phải có thư giới thiệu để làm tin thôi. Hồi nãy con nói “Có điều là ….”, hổng phải là con không tin cha. Con muốn nói là hiện nay có nhiều nơi tới đây xin đặt giỏ quá, con không biết phải xếp cho cha vô Chúa nhật nào. Cha vô bao lâu, thưa cha?
- Dạ thưa, cũng xin tuỳ ơn cha cho sớm thì con về sớm ạ.
- Tội quá. Ở tận ngoải mà vô đây cầu viện. Thiệt là khốn khó. Thôi, cha để con tính coi. Chúa nhật này là cho nhà thờ cha Tuyển rồi, Chúa nhật sau là cha Thành … Coi bộ cha còn phải chờ lâu đó nghen.
Cha Quýnh rất bồn chồn, tha thiết:
- Dạ xin cha…
Cha Sở cân nhắc, tính toán một hồi lâu:
- Thôi con sẽ ưu tiên cho cha để cha về Bắc sớm. Chúa Nhật này cho cha đó.
Cha khách run lên vì sung sướng:
- Ôi con cám ơn Chúa, cám ơn cha Sở.
- Ủa mà cha có người đi theo cầm giỏ không? Mấy người?
Vị linh mục vùng sâu xụi mặt :
- Thưa cha, tiền tàu tốn kém quá, con có một vài ông bà giáo dân đáng tín nhiệm, nhưng không có tiền mua vé tàu cho họ đi cùng để giúp con. Con đi chuyến này là một thân một mình lo cho giáo xứ thôi cha ạ.
- Tội chưa! Cha Sở nhà thờ Đức Bà Hay Xót Thương chép miệng nhìn cha Quýnh cảm kích. Ngài ngỏ ý muốn nhờ mấy xơ dạy giáo lý tại đây đứng cầm giỏ cho cha Quýnh, thường là khoảng chục giỏ đứng rải rác trong khắp khuôn viên nhà thờ để không sót một giáo dân nào từ trong nhà thờ bước ra. Cha Quýnh thưa chục thì nhiều quá, con chỉ xin hai và chính con nữa là ba. Ba giỏ.
- Ba giỏ thôi sao? Rồi mình đứng đâu cho người ta thấy mà người ta bỏ tiền? Cha từ hơn ngàn cây số đường vô đây… Không giúp cho cha xây được bốn bức tường nhà thờ thiệt con cũng áy náy.
Cha Quýnh cảm động trước tấm lòng nhân hậu của cha Sở quá. Ngài đúng là Linh mục quản nhiệm nhà thờ có Bổn Mạng là Đức Mẹ Hay Xót Thương, nhưng cha có việc của cha, ngài không biết. Vả lại, nguyên việc được phép cha Sở tới đây xin quyên góp đã là một hồng ân quá lớn lao rồi, cha không dám đòi hỏi gì hơn nữa.
- Thôi thế tuỳ cha. Chúa Nhật này là của cha.
- Dạ. Một lần nữa con xin đội ơn cha Sở. Kính cha con về.
Cha Quýnh trở ra sân tìm Muông. Sau đó hai người đi gặp lão Đằng ở góc nhà Sinh Hoạt, nơi có gác mọi đồ nghề chăm sóc cây cảnh trên chái nhà. Lão ăn và ngủ ở dưới. Cha Quýnh khéo léo nhờ vả. Phần hai người tốt bụng, không nỡ từ chối. Ai lại từ chối cha cụ bao giờ. Như thế là cha Quýnh đã tìm được hai người cầm giỏ cho cha vào Lễ sáng Chúa Nhật này rồi: Lão Đằng và Muông. Ngặt cái là cả hai không chịu mặc đồ giống nhau kiểu như những người từ các nơi khác về cầm giỏ xin tiền mỗi ngày Chúa Nhật thì đều mặc đồng phục. Họ nói kỳ, đâu phải là giáo dân của cha Quýnh, thiên hạ hiểu lầm đâm phiền. Cha Quýnh chịu thua, cuối cùng chốt lại là hôm ấy, cả ba người cầm giỏ sẽ đứng ngay cửa chính cuối nhà thờ. Một địa điểm cho gọn, dễ quản lý.Y phục có gì mặc nấy, không quan trọng.
Chẳng mấy chốc, ngày Chúa Nhật trọng đại của cha Quýnh đã đến. Cha có mặt trong lễ sáng 7 giờ. Trước khi cộng đoàn được nhận phép lành kết lễ, cha Chủ tế dành cho cha khách vài phút nói ngắn gọn trên tòa giảng. Cha Quýnh bước lên bục tòa giảng, mời cộng đoàn ngồi. Rồi cha bắt đầu xưng danh tánh, tên nhà thờ cùng là các sự khốn khó nơi khỉ ho cò gáy mà cha đang phải gánh vác .Đại ý: Ngay như con đây cũng chỉ có một cái giường ọp ẹp, mưa dột gió lay, vừa để làm việc, vừa để ngủ. Ăn uống chả ra làm sao, ai cho gì ăn nấy, gặp chăng hay chớ, đêm ngủ chẳng yên. Nay được biết cộng đoàn giáo xứ Đức Mẹ Hay Xót Thương có lòng hảo tâm rộng rãi, cho nên con tìm đến và hôm nay được phép cha Sở, con tha thiết xin ông bà, anh chị em giúp đỡ mỗi người ít viên gạch để về xây cho bà con một ngôi nhà thờ nhỏ bé, hòng mong người ta có nơi thờ phượng Chúa cho tử tế, ít ra cũng che được mưa nắng thì mới mong truyền đạt giáo lý của Chúa đến mọi người. Xin cám ơn ông bà, anh chị em.
Đa số các bà các cô đều cảm động rưng rưng. Chỉ có những kẻ mặt dày mày dạn, tim chai dạ đá thì mới dửng dưng trước bài Vãn của cha Quýnh.
Sau đó, tan lễ, đích thân cha mau chóng bước ra, đứng xuống dưới cuối nhà thờ.Taycha cầm một cái giỏ xin tiền có bọc vải sa-tanh xanh màu áo Đức Mẹ. Phía trên người ta may vải chun cái miệng giỏ cho nhỏ lại vừa nắm tay em bé, như thế để tránh chuyện có những bà moi tiền chẵn trong túi ra rồi thò vào giỏ để tự thối lại tiền cho mình. Bên trái cha Quýnh là lão Đằng, bên phải cha là chú Muông, tay mỗi người đều cầm một cái giỏ y như cái giỏ cha Quýnh đang cầm. Cả ba người đứng sát vào nhau, tay đưa giỏ ra. Ai bỏ tiền vào thì cha và hai con chiên ngoan ấy cúi đầu cám ơn. Có mấy bà, mấy cô, trước khi bỏ tiền vào giỏ còn kín đáo ngắm ông cha xin tiền xây nhà thờ xem có khắc khổ không, có nghèo thật không, có gầy gò, ốm yếu, thiếu thốn, cam go thật không và nhất là có vẻ thật thà, chân tu không, mới cho. Sao họ biết được bên trong con người ta nhỉ! Đúng là phụ nữ. Cảm tính thôi! Nhiều người ra về, đi ngang lão Đằng và chú Muông, nhìn hai khuôn mặt quen thuộc, một già, một trẻ nhuộm màu vất vả nhọc nhằn vì công việc nhà Chúa, không nỡ bỏ đi qua mà không dúi vào trong giỏ ít là một tờ nho nhỏ. Có người đã đi qua, nghĩ thế nào lại tra tay vào túi rồi quay trở lại. Thế mà lão Đằng và chú Muông chẳng hề biết mình đang được các fan hâm mộ đến như vậy. Giúp cha khách tí ấy mà, công xá gì. Xong lại trở về công tác hằng ngày của mình thôi chứ có mất mát gì. Tội nghiệp ông cha này đơn thân độc mã giữa chợ đời.
Chỉ trong thời gian ngắn, độ chừng mươi phút thôi đã vơi hẳn lượng người từ trong nhà thờ đi ra. Người ta về gần hết rồi. Cha Quýnh liếc nhìn vào trong, nhà thờ đã vắng vẻ, cha liền dang hai tay ôm gọn lấy cả ba cái giỏ nằng nặng tiền. Để lão Đằng và chú Muông đứng tay vo, cha bảo:
- Cám ơn bác Đằng và anh Muông. Đợi tôi vào cảm ơn cha Sở rồi ta đi uống nước, ăn sáng nhá.
Hai con chiên bất đắc dĩ cùng nói thôi cha, để khi khác. Bây giờ chúng con phải đi làm việc nhà xứ rồi.
Sao cha đã nghèo mà còn hoa hoè hoa sói làm gì. Lão Đằng lẩm bẩm.
Họ chia tay nhau.
Ít lâu sau, ở Ninh Bình, Đức Cha Antôn Nguyễn Nguyễn nhận được giấy của công an Phường báo cho ngài biết bọn làm giấy tờ giả ở huyện vừa mới bị thộp cổ. Khám xét nơi ở của bọn chúng, họ thấy có chữ ký và con dấu của ngài.
ANNA
ANNA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét