Có những giấc mộng, ta không thể nào quên. Sẽ nhớ mãi, nhớ từng chi tiết nhỏ bé nhất, như sự thật hiển hiện rõ ràng ...Đây là một trong những giấc mơ như thế.
Trong giấc ngủ gần sáng, tôi mơ thấy nhạc sĩ Hải Linh, thầy giáo dạy tôi môn đánh nhịp.
Người đã qua đời năm 1988 tại Hoa Kỳ.
Thầy Hải Linh ở sau một bureau, đối diện với tôi. Trên mặt bàn, góc bên phải thầy Hải Linh, có một chồng sách chừng mươi cuốn, loại sách nhạc khổ lớn.
Thầy cười tươi với tôi.
Từ đầu tới cuối, thầy luôn cười tươi, da dẻ trắng trẻo hơn xưa, khuôn mặt đầy đặn hơn xưa, hai má không hóp như xưa. Rõ ràng và như có ánh đèn sáng chiếu vào thân người ông. Trong mơ tôi chỉ thấy mặt, một cánh tay trái và thân người của nhạc sĩ, vì ông ngồi sau cái bàn làm việc ấy. Đàng sau ông không có gì ! Trên bàn, sát chỗ tôi đứng (tôi đứng đằng trước cái bureau, sát mép bàn,rất mờ nhạt, hòa trộn vào bóng tối nhưng có cử động và nhìn trực diện nhân vật chính), có mấy tấm ảnh khổ to, khoảng gấp đôi 9 X 12, tất cả chập vào nhau, được dựng đứng, quay lưng lại tôi. Đằng lưng những tấm ảnh ấy cho thấy chúng đã cũ và được trưng một cách giản dị, đơn sơ, không đế (không biết làm sao chúng đứng thẳng được). Trong ....tôi, tôi nghĩ rằng đây có lẽ là ảnh Dung, Đức và bà Hải Linh.
Chỉ cần nhoài người về phía trước và nhìn ngược lại là tôi có thể nhìn thấy ảnh ai, ai là người mà thầy Hải Linh chưng ảnh để nhìn khi làm việc, nhưng tôi không làm thế.
Khi thấy tôi có ý muốn nhìn xem mặt chính của mấy tấm ảnh, thầy thoáng buồn chút xíu, rồi lại cười tươi, đẩy nhẹ về phía trước một túi giấy bìa khác, cùng loại bìa màu xanh ố cũ, nhưng nhỏ, hình chữ nhật, trong có đựng sẵn vài tấm ảnh, đúng là loại túi đựng ảnh 4 x 6 mà chúng ta thường kèm theo hồ sơ cá nhân hay đơn từ ..., nhưng túi này lớn hơn 4 x 6 một độ, đang ở dưới bàn tay trái của thầy. Chỉ là nhá tới thôi chứ không nhấc lên khỏi mặt bàn.
Cùng với động tác đẩy nhẹ túi ảnh nhỏ ấy, thầy Hải Linh nói với tôi, nguyên văn như thế này :
-" Đây mới là những ảnh vui . Ảnh của Cô, Anh để trong này".
Tôi hết sức ngỡ ngàng, ngạc nhiên, tại sao thầy tôi lại có lối xưng hô với tôi lạ lùng như vậy. Khi sống, thầy Hải Linh xưng là Hải Linh hoặc thầy, về sau, khi bố tôi mất rồi thì có khi thầy còn xưng ba với tôi nữa. Thầy gọi tên tôi. Không bao giờ gọi tôi là cô.Coi tôi như con, như Dung Tran, con gái thầy. Tôi cũng lấy làm lạ tại sao trong giấc mơ, chữ Anh và chữ Cô lại viết Hoa ? Khi thầy Hải Linh nói câu này thì tôi thấy câu nói ấy hiển hiện bằng ...văn bản ở ...trong tôi. Trong tôi nghĩa là ...trong tôi, không diễn tả được.
Ai đã từng nằm mơ đều biết, trong mơ, nhiều chi tiết rất kỳ lạ , không thể có trong thực tế.
" Anh - cô " chính là lối xưng hô của anh Hiên ( nhà văn Vũ Sinh Hiên) vẫn dành cho tôi. Tôi bỗng nghĩ quẩn, hay anh Hiên sắp chết rồi chị Hà ơi. Cả em nữa !
Ô không, chỉ là mơ qua. Nhẹ qua !
Giấc mơ về sáng này gieo cho tôi một niềm vui nhẹ nhàng, dường như là sự bình an thiêng liêng thế nào ấy, khi tôi nhớ lại dung mạo vui vẻ, sáng trắng của nhạc sĩ Hải Linh trong mơ.
Nguyện ước thầy đã lên cùng Chúa.
Nhớ thầy, người thầy quá cố hiền lành, nghèo khó ( nghèo quá sức là nghèo) , đơn sơ và thân thiết, gần gũi với tôi trong những năm tháng cùng quẫn, u buồn , thất vọng ...sau 75'....
Nhớ những tấm ảnh thầy ghi tặng đằng sau với chữ ký Hải Linh có chìa khóa Sol : Tặng ranh ca ...Giờ "ranh ca" không nhớ để đâu những ảnh thầy cho, vương mất hết .....
Nhớ chục cam thầy mang đến tận nhà, trong ngày bố Hải Triều mất.
Nhớ chung rượu thuốc quý hóa mỗi lần đến học được thầy rót cho vài giọt kẻo hết của thầy. Kể từ khi bạn cùng giờ học là Lại Thế Hưng vượt biển, còn lại mỗi mình bạn HT này thì thầy không dạy gì thêm, trò cũng không phải trả bài. Học ranh gì mà lớp có mỗi hai mống. Đến nhà cô Chín chỉ là nghe thầy nói chuyện nhà thầy và chuyện ông Li-ông-cua nào ấy ở bên Pháp mà thầy hay khen. Nghe, thỉnh thoảng dạ vâng, chả biết ông ấy là ai. Lâu lâu làm được động tác hoa mỹ nào đúng nhịp, thầy hài lòng, bảo : Tốt, tốt lắm.
Về sau, thầy hay cho nghe thầy chơi dòng Intro và phần đệm đàn bài Bến Thiên Đàng. Đoạn chạy những Liên Ba móc kép thầy đánh say sưa, hào hứng, người ngả đầu nghiêng, hài lòng với sự kết hợp này.
Bài Yêu con đời đời cũng được thầy nhún nhảy mỗi khi nhận được thư vui , ảnh mới từ Dung, Đức.
Thầy cũng hay chơi bài Thơ Thơ, tha thiết và tâm tình : "Ba yêu con Thơ Thơ..."
Ngoài ra, những giây phút còn lại trong đời thầy là buồn và ....buồn.
Nhớ năm 85 hay 86 thì phải, thầy đãi trò, kêu nhà hàng dọn đĩa thịt bò tươi sống cao sang, một lạng ba người ăn.
Nhớ những buổi hai thầy trò đi chợ, lần nào cũng chỉ mua đúng một lạng thịt nạc, 2 quả cà chua, vài ngàn bạc bún , cây rau xà lách, vài cọng rau thơm, hành ngò về nấu nồi bún riêu...to, đủ để thầy nhường trò, trò nhường thầy. Thế là xong bữa trưa gọn nhẹ, nóng hổi vào những Chúa Nhật , sau buổi làm việc về nhạc Hải Linh ở nhà thờ Thánh Giuse, Chợ Lớn.
Nhớ hai má hóp và cái miệng móm vì mất răng của thầy.
Nhớ manh vải trắng thầy từ Mỹ gửi về làm quà cho con, sau đó ít lâu, học trò ở VN. nghe tin thầy qua đời.
Nghĩ hay !
Chưa bao giờ tôi nói về nhạc sĩ Hải Linh nhỉ.
Mỗi lần môn sinh, thân hữu tổ chức lễ Giỗ, tưởng niệm nhạc sư Hải Linh, quý ban tổ chức thường đề nghị anh chị em viết bài về Thầy nhé. Mình tịt. Thân quá, nói gì cũng thấy thừa. May đời có lần viết về thầy, nhờ chút mơ hoa !
Thầy. Nếu lần sau con mơ thấy thầy, thầy cũng tươi cười với con như vầy, con sẽ viết tiếp về thầy.
"Thoáng mỏng" thôi.
HT
Thân hữu viếng mộ nhạc sĩ Hải Linh (1920-1988) - Ảnh mạng- |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét