#Stats1 ul{margin:0;border:0;padding:0;height:32px;background:url(//goo.gl/ZHG881) no-repeat 0 -34px} #Stats1 li{margin:10px 0;border:0;padding:0 0 0 40px;list-style-type:none} #totalComments{height:32px;background:url(//goo.gl/ZHG881) no-repeat} #totalCount{height:32px;background:url(//goo.gl/ZHG881) no-repeat 0 -68px}

Chủ Nhật, 28 tháng 7, 2013

ÔI GIÁO DỤC !


Những ý tưởng lạ lùng 
Cuối tuần, có 2 thông tin liên quan đến giáo dục khiến nhiều người cười nhưng lòng thật đau. Cười vì không thể hình dung được tại sao có những ý tưởng lạ lùng như thế. Đau vì những chuyện như thế này sao cứ xảy ra hoài ở môi trường được xem là tập trung những người làm thầy thiên hạ?
Nếu lấy mốc từ năm 2007, một năm sau khi toàn ngành giáo dục thực hiện cuộc vận động “Hai không” (nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục), tỷ lệ tốt nghiệp THPT tăng lên liên tục. Theo số liệu thống kê, tỷ lệ tốt nghiệp THPT năm 2007 (lần 1) chỉ đạt 66,7%, và tăng đều đến năm 2012, hầu hết các địa phương đều có tỷ lệ tốt nghiệp trên 90%, thậm chí nhiều nơi đạt 100%. Lúc này dư luận đặt ra câu hỏi có cần phải tổ chức một kỳ thi tốt nghiệp quy mô toàn quốc mà tỷ lệ đỗ gần 100%? Vậy là, tại Hội nghị tổng kết năm học 2012 - 2013 diễn ra cuối tuần qua ở TP.Đà Lạt, trước bức xúc của lãnh đạo một Sở GD-ĐT vì Sở này bị cắt thi đua do để tỷ lệ tốt nghiệp năm 2012 cao hơn năm trước, mới vỡ ra rằng đã có một “thỏa thuận tối mật” giữa lãnh đạo Bộ GD-ĐT và các sở địa phương. Đó là quyết tâm để tỷ lệ tốt nghiệp không được vượt quá năm trước. Lý lẽ của Bộ là khi chấm phúc tra 17.000 bài thi của 16 tỉnh thành trong kỳ thi tốt nghiệp năm trước, phát hiện sai phạm rất lớn ở những tỉnh có tỷ lệ tốt nghiệp tăng.
Đành rằng phải có biện pháp để hạn chế tiêu cực, đưa con số tốt nghiệp THPT về đúng giá trị thực của nó nhưng không thể bằng một biện pháp hết sức khiên cưỡng, máy móc và quan liêu đến vậy!
Biện pháp này hoàn toàn không khoa học vì trình độ học sinh từng năm không như nhau; điều kiện giảng dạy, học tập có những lúc thay đổi; lực lượng, trình độ giáo viên không phải là bất biến; đề thi mỗi năm mỗi khác; thêm những điều kiện khách quan xảy ra lúc này lúc khác… Cũng cần nhắc lại, tốt nghiệp bậc trung học là mức độ “phổ thông” chứ không phải “tuyển”, không thể có yêu cầu cứng nhắc là tỷ lệ năm này phải không cao hơn năm trước. Đó là chưa kể, nếu áp dụng quá máy móc, để đạt thành tích, biết đâu có địa phương phải “hy sinh” cho rớt một số học sinh đủ chuẩn đậu để đạt “định mức”!  
Biện pháp này cũng không hợp lý vì đâu phải cứ chỗ nào tỷ lệ tốt nghiệp tăng là bắt buộc phải có tiêu cực. Khi thanh tra, nếu phát hiện địa phương nào sai thì phạt địa phương đó, sao lại có thể đánh đồng khái niệm như vậy?
Chuyện thứ hai diễn ra ở TP.Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu). Nhằm hạn chế tình trạng chạy trường, lãnh đạo Phòng Giáo dục thành phố này đã có sáng kiến học sinh vào lớp 1 các trường như Quang Trung, Trưng Vương phải có giấy tờ chủ quyền nhà của cha mẹ. Không biết còn nơi nào có một yêu cầu quá khắc nghiệt và thô bạo đến vậy, không cho một đứa trẻ chập chững vào lớp học đầu tiên trong đời, thực hiện cái quyền mà mọi trẻ em trên thế giới đều được hưởng: quyền đến trường?
Biết rằng ngành giáo dục rất đau đầu với nhiều vấn nạn, chẳng hạn bệnh thành tích, chạy trường… nhưng đưa ra những biện pháp quá thô bạo đến vậy liệu có hợp lý?
Thùy Ngân
NGUỒN : Thanhnienonline (tại đây)
Những ý tưởng ‘thật như đùa’ của ngành giáo dục

Công khai bằng văn bản có, ngầm thỏa thuận có, một số quy định của ngành giáo dục thời gian gần đây khá lạ lùng.

“Lọc” học sinh lớp 1 bằng sổ đỏ
Đây là cách làm của 2 trường tiểu học thuộc phường 9, TP Vũng Tàu. Ngoài những giấy tờ bắt buộc phải có như giấy khai sinh, sổ hộ khẩu, các giấy tờ ưu tiên…, 2 Trường Tiểu học Trưng Vương và Quang Trung còn yêu cầu “bản photo Sở hữu nhà ở của bố mẹ” để các em được nhập học.

Niềm vui được vào lớp 1 của trẻ em một số nơi không phải đơn giản mà có (Ảnh minh họa)
Được biết, năm học 2013-2014, theo chỉ tiêu, trường Trưng Vương được nhận 50 em và trường Quang Trung được nhận 150 em, trong khi phường 9 có 343 em xin vào học lớp 1.
Hiện tại, có 294/343 học sinh đã nộp được sổ đỏ và đủ điều kiện nhập học đợt 1. Còn 47 em không có sổ đỏ hoặc mới về cư trú tại phường thuộc diện “dôi dư” dự kiến sẽ được chuyển về trường Thắng Nhì thuộc phường Thắng Nhì (TP Vũng Tàu) xa khoảng 2-3km để học.
Có trường hợp gia đình học sinh đã sinh sống lâu năm ở phường 9 nhưng ở nhờ  nhà anh trai, không có sổ đỏ nên vẫn không đủ điều kiện nhập học. Một trường hợp khác sổ đỏ đang nằm trong ngân hàng không lấy ra được, nhưng nhờ kiên quyết “đấu tranh” nên được linh động cho nhập học.
Chia sẻ với báo Tiền Phong, cô Nguyễn Thị Thu Thủy – Hiệu trưởng trường Trưng Vương cho biết nhà trường thực hiện chủ trương tuyển sinh của Ban Tuyển sinh (Phòng Giáo dục và UBND TP Vũng Tàu). UBND TP Vũng Tàu cũng đã có một văn bản (do Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Bạch Ngân ký) quy định gia đình những học sinh ở phường 9 phải có hộ khẩu thường trú và sở hữu nhà ở tại nơi cư trú mới được phép nhập học.
Trưởng Phòng Giáo dục TP Vũng Tàu, ông Võ  Văn Lương cho rằng lợi dụng tính “mở” của Luật Cư trú, nhiều phụ huynh có sổ hộ khẩu KT3 khá dễ dàng, cộng với việc chính quyền phường quản lý lỏng lẻo khiến số học sinh dự tuyển vào lớp 1 ở phường 9 quá lớn, đẩy khó khăn cho ngành giáo dục. Trong khi đó, nhiều trường khác dư chỉ tiêu, nên phải có biện pháp “lọc” để lấy các em thực sự là cư dân của phường 9.

Cắt thi đua nếu để tăng tỷ lệ tốt nghiệp
Cuối tuần qua, tại Hội nghị tổng kết năm học 2012-2013 diễn ra ở TP. Đà Lạt, một lãnh đạo Sở GD-ĐT đã “lỡ miệng”  nói ra bức xúc khi Sở này bị cắt thi đua do để tỷ lệ tốt nghiệp năm 2012 cao hơn năm trước. Từ đó, dư luận mới vỡ lẽ ra rằng đã có một “quy định ngầm” giữa Bộ GD&ĐT và các Sở địa phương là không được để tỷ lệ tốt nghiệp năm sau vượt quá năm trước.
Có lẽ quy định quá lạ  lùng này xuất phát từ việc tỷ lệ tốt nghiệp THPT của các địa phương liên tục tăng, nhiều nơi  đạt gần 100%, trong khi đó Bộ lại phát hiện ra nhiều sai phạm lớn ở những tỉnh có tỷ lệ tốt nghiệp tăng khi chấm phúc tra 17.000 bài thi của 16 tỉnh thành.
Tuy vậy, đây vẫn bị cho là cách làm ngược đời và máy móc của các lãnh đạo ngành giáo dục.

Lớp VIP trường công
Dự thảo của Bộ GD&ĐT cho phép thu thêm các khoản đối với mô hình dịch vụ giáo dục chất lượng cao – hay còn được gọi với cái tên “lớp VIP trường công” từng gây xôn xao dư luận vì sự phân biệt giàu nghèo giữa các học sinh ngay trong chính trường công.
Một số trường thực hiện thí điểm mô hình này đã cho thấy những bất cập và lo ngại từ phía các bậc phụ huynh và dư luận. Lo ngại đầu tiên là vấn đề chi phí cho lớp “VIP” (viết tắt của cụm từ “very important person” – người rất quan trọng). Với mức chi phí từ 200-300 triệu đồng cho mỗi lớp VIP, chia ra đầu người, mỗi học sinh khoảng vài triệu chi phí ban đầu, chưa kể các chi phí khác để duy trì lớp học trong 5 năm học tập, chắc chắn không phải phụ huynh nào cũng có khả năng chi trả.
Vì thế, để được ngồi trong lớp học này, các em hầu hết phải là con nhà khá giả, điều kiện kinh tế tốt. Cũng có trường hợp mặc dù phụ huynh có thu nhập trung bình nhưng không lỡ chuyển lớp cho con vì nhiều lo ngại như sợ cô dạy không nhiệt tình bằng, sợ con phải thay đổi môi trường… nên vẫn phải cố để cho con theo học.
Tuy nhiên, bất cập lớn nhất của lớp VIP trường công vẫn là sự khác biệt về cơ sở vật chất trong cùng một ngôi trường gây ảnh hưởng đến tâm lý của các em. Thậm chí, trong buổi chào cờ toàn trường ngoài trời, chiếc ghế ngồi của các em lớp VIP cũng khác so với các lớp học bình thường. Nhiều phụ huynh đã bày tỏ lo ngại khi phải trả lời những thắc mắc rất ngây thơ của con về sự khác biệt này.
Mặc dù mô hình lớp học chất lượng cao nhận được ủng hộ và thiện cảm của các bậc phụ huynh và học sinh tham gia, song một số chuyên gia giáo dục cho rằng không nên tạo khoảng cách giàu nghèo trong môi trường học tập.

Cộng điểm cho Bà mẹ Việt Nam anh hùng thi đại học
Ngay sau khi Thông tư số 24/2013/TT-BGDĐT ngày 4/7/2013 quy định cộng 2 điểm ưu tiên cho đối tượng Bà mẹ Việt Nam anh hùng nếu thi đại học được công bố, dư luận đã lên tiếng phản đối gay gắt quy định “trên trời” này của Bộ GD&ĐT.
Hầu hết ý kiến đều cho rằng quy định cộng điểm cho Bà mẹ Việt Nam anh hùng là quá thiếu thực tế, thậm chí là gây tổn thương cho các bà, các mẹ đã phải chịu đựng quá nhiều những mất mát, hi sinh.
Tuy nhiên, sau khi nhận được những chỉ trích nặng nề từ phía dư luận, Bộ GD&ĐT đã nhanh chóng sửa sai bằng việc ra Thông tư bãi bỏ quy định này vào ngày 16/7 – 12 ngày sau khi Thông tư ban đầu được phát ra.
Hành động sửa sai của Bộ được một bộ phận dư luận đánh giá cao, tuy nhiên phần đông vẫn cho rằng những sai sót nghiêm trọng như thế này trong quá trình soạn thảo quy định, thông tư cần phải được quy trách nhiệm và có những biện pháp kỷ luật cụ thể.

Nguồn VNN

Không có nhận xét nào: