Mình thì có tính kỳ là không muốn phải kiềng mặt ra trước đám đông, nhất là tại bàn tiệc, nói chung bất kỳ ở đâu, hạnh phúc nhất là đừng được ai nhắc đến, để và, để húp xùm xụp cho tự nhiên, để ăn nhiều chả phải ý tứ, rồi đến và đi thoải mái bình an.
Sáng nay đi tiễn chú Oanh hàng xóm đến nơi an nghỉ sau cùng về, mình được mời dự bữa cơm với gia đình nhà hiếu. Bàn có cha em, họ bên vợ chú Oanh, có mấy đại diện tang quyến, lại có cả mấy Sơ thân quen từ lâu. Chị em vừa ăn cơm vừa nói chuyện vui vẻ, không ngoại trừ màn giới thiệu nhau với cha, rồi hỏi thăm cha từ non cao về, lạ lẫm. Dĩ nhiên, không thể ngăn chặn nổi, như mọi người trong bàn, tên mình cũng được nêu, (là HT. đấy, nhưng ngại viết rõ ra, tắt thế cho đỡ ngượng). Đấy, điều này mình vẫn thường coi là bất đắc dĩ, nhưng phải chấp nhận vì giao tế thôi. Ai chả thế, nhỉ.
Vào tiệc một lúc, bác trai ngồi bên mình, (nghe giới thiệu là anh ruột chú Oanh) lên tiếng gạ chuyện :
- Nghe tên HT. thấy quen.
Mình ừ, muốn cho qua. Bác kia thấy đối phương chịu chia sẻ, bèn đặt một câu hỏi khá sắc bén, đi thẳng vào trọng tâm vấn đề thắc mắc, tuy giọng có ngần ngà ngần ngừ một lúc, không chắc lắm :
- Hình như là nhạc sĩ HT ấy nhỉ ? Có phải không?
Mình cả vú lấp miệng em :
- Không biết, nhưng nghe cũng quen quen. HT.-Hải Linh đấy. Thấy có người bảo là cha hay thầy gì đó.
- Tôi có nghe mà! Có nhiều bài của HT. Nghe thì nghĩ là linh mục.
- Tôi thì không, nhưng bác thấy đấy, nãy giờ các Sơ cứ gọi tôi là HT. Phụ nữ ai mà tên vậy! Đùa trêu nhau thế thôi.
- Vâng. Sáng tác Thánh ca thấy chỉ có phái nam.
- Dạ, tôi cũng nghĩ thế.
Hi hi, bác kia hồ nghi, nhìn thẳng mặt mình hỏi lần nữa cho chắc ăn:
- Thế không phải à ?
Mình dứt khoát đưa đầu đũa, gắp thẳng vào đĩa gỏi ngó sen, quả quyết, yếu ớt :
- Khô….ô…ông.
Bác kia nghe vậy ừ nhỏ một tiếng, mặt ngẩn tò te, trông như mặt đứa trẻ con ngây thơ vừa phát hiện ra một chân lý quá dễ hiểu mà sao vượt tầm trí nó. Đoạn bác lặng thinh suy tư lung lắm, rồi tợp một ngụm bia nhỏ, bác lại im lặng suy nghĩ…..
Trong khi ấy, mình chuẩn bị ứng phó tiếp.Trường hợp bị thắc mắc thêm thì sẽ tìm cách chối bay chối biến như thế nào.
May phúc, bác í quay qua cha.
Khổ, cha lại cứ thản nhiên, rằng HT nhá tôi sẽ mời HT lên Tân Rai , rằng HT nhá, tôi sẽ nhờ HT tập hát.
(Dạ thưa cha, xin chớ nói nhiều. Con có phải ca sĩ đâu mà cha nhờ tập hát. Cha đừng làm cớ cho “con chiên bên cạnh cha” kia nó nghi ngờ con chứ !)
Rõ thật bác này không biết mình là "cô láng giềng ơi". Mình thì nhà ở khu này hơn ba chục năm nay mà có thấy mặt ông này bao giờ.
Dân Saigon vậy đấy, nhà cùng một xóm, đi chung một hẻm, ra vô cũng chỉ quanh đúng một cái chợ, một cái quán cà phê có cây bàng đầu ngõ, vậy mà không hề biết nhau. Mãi đến khi một nhà nào đó có tang, người này mới có thể có dịp nhận ra xã hội còn có sự góp mặt của người í, người nọ.
Nghĩ hơi buồn (không cười). Không cười nhưng thấy vui. Vui nhân danh sự phồn vinh trù phú về nhân số trong một xứ Đạo, đông đến nỗi khó quen biết nhau. Chỉ cần Chúa biết, vì giống như một đàn chiên núng nính như nhau, dù con này có lẫn với con kia, nhưng nhìn cảnh chúng ồ ạt, chen chúc đi theo nhau, lòng chủ chiên sẽ vui lắm chứ.
Lúc đứng lên đi về mình né tiệt, cấm có dám chào cái bác trai kia, chỉ sợ bác í nghĩ lại, buột miệng vâng tạm biệt nhạc sĩ. Ơn Chúa, mình đã rơi vào diện an toàn.
“Tích truyện” sáng nay nghĩ cũng vui ! Vui vì địch không nhận ra ta mà ta thì trốn được địch. Ha ha ha!
Tuỳ theo tính cách cá nhân, trong hoàn cảnh này, có người sẽ nắm lấy cơ hội để được đám đông biết đến, trái lại, mình thì không.
Rời khỏi bàn tiệc lúc ấy, lòng mình mừng như thoát nạn.
Bởi mình ý thức được rằng, giữa đám đông, cái "tôi" nhỏ bé như thế nào!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét