#Stats1 ul{margin:0;border:0;padding:0;height:32px;background:url(//goo.gl/ZHG881) no-repeat 0 -34px} #Stats1 li{margin:10px 0;border:0;padding:0 0 0 40px;list-style-type:none} #totalComments{height:32px;background:url(//goo.gl/ZHG881) no-repeat} #totalCount{height:32px;background:url(//goo.gl/ZHG881) no-repeat 0 -68px}

Chủ Nhật, 18 tháng 11, 2012

ÔNG NGUYỄN THÁI MINH

Cố Lm.Ns Nguyễn văn Vinh
NHT. Trong bài GIẢI TỎA MỘT NGỘ NHẬN của Lm. Anrê Đỗ Xuân Quế đăng trên trang web Nữ Vương Công Lý có một chi tiết cần phải xác minh vì nó khác với nội dung bài này khi được đăng ở nơi khác.
Đó là tên của người viết bài ca ngợi tác phẩm Mở Đường Phúc Thật, tác giả Cố linh mục nhạc sĩ Gioan Lasan Nguyễn văn Vinh, ban Hợp xướng Pio X trình bày tại tu viện Mai Khôi.
Cha Quế đã giải thích, đồng thời ngài sẵn lòng gửi kèm cho cả file của ông Nguyễn Thái Minh ( chứ không phải ông Hoàng Minh Thái như bài đăng trên NVCL. Càng không phải là thầy Thái Đa Minh) trong e-mail như sau :

Hai Trieu than men,
Gui Hai Trieu bai nay de doc va cho nguoi khac cung doc cam nghi cua mot nguoi hieu biet va co kha nang thuong thuc nhac.
Than men : Do Xuan Que
Vậy xin chia sẻ cùng độc giả. Như cha dặn.
Cũng là để xác định tên vị thính giả đã ngất ngây lưng trời trong đêm Mở Đường Phúc Thật ấy.
------------------------------------------------------

Bài : NGUYỄN THÁI MINH
ĐÊM CỦA 
BẢN GIAO HƯỞNG 
THÁNH CA VIỆT NAM

Tối thứ sáu, 7/1/2011, đêm mong đợi của tôi đã đến. Mọi công việc tôi đã thu xếp xong. Giờ là thời gian tôi giành cho riêng mình: đến nơi tôi mong và chờ đợi thưởng thức một bản giao hưởng, bản “Mở đường phúc thật” do Ban hợp xướng Pio X trình diễn.
Khán phòng chính vẫn là không gian quen thuộc của nhà thờ Mai Khôi. Khung cửa bông bằng sắt với hoa văn tròn mà đẹp. Ánh đèn trắng vương qua khung cửa bông hành lang nhẹ nhàng như mời gọi tôi: hãy chọn một chổ và chuẫn bị thưởng thức.Tôi tranh thủ thời gian để ăn nhẹ một tí, mua một bản in trường ca “Mở đường phúc thật” (cùng CD) để chuẩn bị cho phần thưởng thức đêm nay.
Số người đến dự đã bắt đầu nhiều hơn. Thấy tôi cầm bản in trong tay, vị khách ngồi hàng trên cũng nhanh chóng đi mua như tôi để có dịp thưởng thức cho trọn vẹn. Bản trường ca này nổi tiếng đã lâu, nhưng muốn nghe thì có lẽ hôm nay mới được dịp (vì không phải mình cứ trả tiền thì sẽ có sẵn cho mà nghe), nên cái háo hức chờ đợi được nghe - mà nghe live  -  mới thú vị biết bao. Tôi đã đọc trước bản dẫn giải của cha Quế trước khi xem diễn đêm nay. Tôi luôn biết các bản hợp xướng của Tây phương thì nghe rất sang trọng, hoành tráng lắm. Nhưng nhạc sĩ Việt viết thế nào, có ra nét một bản hợp xướng không thì tôi đành phải chờ xem thôi, thêm nữa phần lời lại là thơ lục bát chứ. Thật là khó để hình dung bản hợp xướng có còn nét sang trọng nữa không, hay chỉ cũng là tà, eo éo theo kiểu dân gian? Thôi, mọi thứ phải cần chờ đợi, chờ âm nhạc trổi lên, ta mới biết nó ra sao!
Hai bản “Chúa giáng sinh vì ta” và “Gloria” lần lượt đi qua, giờ là thời khắc mong đợi.

Đoạn intro bắt đầu như một người đang bước đi, nhẹ nhàng nhưng rất chắc chắn, đầy cẩn trọng. Tiếng nhạc diễn tả như việc làm có chú đích. Mà không có chủ đích sao được? Người đó là Thiên Chúa, người có ý định rõ ràng trong việc tạo dựng: núi đồi ở đâu, biển cả ở đâu, mặt đất ở đâu, sông ngòi ở đâu. Đầy quyền năng mà cũng thật đẹp đẽ. Mọi thứ tạo thành đều lung linh, nên thơ.
“Hoá công ngắm cảnh bình minh. Sao bơi cá lặn tạo sinh thập toàn”.
Đẹp. Thật đẹp. Nét nhạc mềm, đầy yêu thương. “Địa cầu xuất hiện tướng anh, muôn dân lãnh đạo thân hành mưu sinh”.
Lời ca dẫn chuyển từ từ: “Này cây Cao minh, này Ác Lành nguồn đây - Ác Lành nguồn đây”. Ý nhạc nhấn mạnh liên hồi, nghe như thể để cảnh báo rằng: đừng đụng vào, nguồn đau khổ đấy! Ôi! Con người nào có biết chi, ham mê để biết, còn gì ơn thiêng.
“Nhằm xa ngàn dặm, rũi may ngàn trùng” Lời ca lột rõ độ tiếc nuối, cái phải chấp nhận mà không còn lựa chọn nào khác, cái tương lai cho mình không còn biết sẽ là chi nữa. Rồi cái vô định, vô phương hướng xuất hiện. Cái hãi hùng xuất hiện. Nét nhạc cứ dồn dần, dồn dần như đến mức vô phương, chẳng còn biết làm sao.  Rồi thì chỉ biết dựa vào mình mà thôi.
“Vào rừng vừa phá… vừa xông, vừa phá vừa xông, vừa phá vừa xông”.
Nét nhạc lặp lại như diễn tả một thời gian dài là như vậy: chỉ còn tin mình, dựa vào mình mà thôi. Rồi cái gì đến sẽ phải đến. Cái ngạo mạn nãy sinh. “Hiên ngang vỗ bụng: rốn giời là đây”. Này cho đồ ngạo mạn. “Ầm vang một tiếng rừng lay khốn, loài ngạo mạn say sưa bãi bừa”.” Rồi thì một hột cơm……. cũng chẳng còn…”
Từ tạo dựng đến nạn hồng thủy chỉ có chút đó thôi cũng đủ để hình dung mọi thứ.
Chương 2 nối tiếp với chương 1 bằng một khúc ngâm. Mọi thứ như thinh lặng lại, lắng trầm xuống, duy chỉ có khúc ngâm nổi lên mà thôi. Trong cái im lặng đó, khúc ngâm như ai oán,  chậm chạp, làm ta nghe nặng cả lòng.
“Truy hoan vũ trụ quay cuồng
Điệu nhạc dục sắc, tay buông tiếng thần.”
Từ sau khi nhân loại được hồi sinh sau Đại hồng thủy, nhân loại dường như quên hết những gì đã từng xảy ra, vẫn tiếp tục cái sa ngã do “nếm quả hãi hùng”. Khúc nhạc vẫn dập dìu, đều đặn (của điệu nhạc 6/8) như thể nối tiếp sự quay cuồng của nhân loại trong sự truy hoan, nhưng khác với khúc ngâm – sự truy hoan có phần lắng, buồn – sự truy hoan lúc này lại có phần vui. Sao lại thế? Có lẽ tác giả đã cố ý sắp đặt để diễn tả rằng: Nhân loại đã không còn nhận ra sự sai trái trong truy hoan của mình nữa. Mọi thứ không còn gì là nghiêm trọng nữa rồi. Tất cả đều bình thường như nhau cả thôi, đều rất thường tình. Đó là: con người thì phải hỉ - nộ - ái -  ố. Sống là phải yêu, mà dầu chết cũng phải yêu. Cái tư duy “yêu cuồng” ấy làm cho con người ta bị lệ thuộc vào, bị xích lấy mà không thể nào thoát ra được. Khúc nhạc cứ kéo dài, kéo dài mãi.
“Nhục dục là xích – Ái thần là gông – Này là đường chết”.
Vâng, biết thế, nhưng con người không thể làm gì khác được. Nhạc trôi chậm dần, chậm dần và kết thúc bằng một tiếng vỗ tay. Tiếng vỗ tay như thể báo hiệu: ta – con người – phải làm khác thôi. Trời cũng chẳng giúp cho ta được. Đời ta là của ta. Ta phải làm chủ nó. Bởi thế nên có lời ca rằng:
“ Thế gian: kiến nhỏ mà to
Vào vòng danh vọng mà so với Trời”
Dòng nhạc chậm lại, cung nhạc chuyển đi (DM sang Bm) như báo hiệu rằng: cuộc đời ta phải thay đổi, ta phải làm khác, phải thể hiện chính bản thân ta.
“Làm người cho đáng tầm người
Đội trời đạp đất, nhất Trời – nhì Ta”.
A, thế nhân ơi, ngươi đã ngạo mạn quá rồi, mặt đất này giờ chỉ có ngươi là nhất thôi. Từ ngày “ăn quả hãi hùng”, cái mê danh vọng ấy càng kéo ngươi sâu, sâu mãi.
Từ giữa chương 2, dòng nhạc đang bay, dập dìu thì lối hát nói bỗng xuất hiện. Thật lạ. Tiếng nói cũng rất nhịp nhàng, không ào ào, mà cứ đan xem với nhạc, rất hay mà cũng rất nên thơ. Có khi lời nói như trỗi hẳn lên nổi bật trên nền nhạc, như muốn nhấn mạnh cái chấp nhận của con người: dòng đời rồi cũng thế thôi, không thể nào khác được. Phải yêu và phải chết. Càng về cuối chương, lời nói càng lộ rõ cái tham vọng “so vời Trời” của con người. Nghe thật khác lạ, mà cũng thật kỳ thú giữa một dòng nhạc cứ uốn lượn mà lời nói cứ ngang ngang. Người nghe như bị cuốn hút vào sự lạ lẫm của nét nhạc lẫn cái u mê của con người. Đây chính là nét độc đáo hiếm thấy ở chương 2, cũng như toàn bài hợp xướng.

Ai cứu thoát ta ra khỏi tình trạng này?
“… Đường lạc thú đưa đến chỗ tan rã tâm hồn,
Đường danh vọng là một ảo mộng, không có ngày mai.”
Ôi, lời xướng làm người nghe càng thấu cái đam mê, cái tưởng là hạnh phúc kia lại là cái làm cho con người thất vọng nhất. Câu ngâm càng tô đậm thêm sự bi đát đó.
“Chúa ôi!
Trần gian bác ái nhạt phai
Đất tàn hương mất, đâu nguồn (đâu nguồn) tái sinh?”
Chương 3 nối tiếp chương 2 bằng một lời xướng và một câu ngâm như vậy: chậm, buồn, não nùng và đầy vô vọng.
Kìa, Đấng tạo thiên lập địa, Đấng tạo sử xanh đã đến rồi. Ngài đã thấy và biết tất cả rồi. Ngài phải cứu dân Ngài thôi.
Đối lập với sự đơn điệu của tâm trạng, của tình trạng con người, Đấng phải đến xuât hiện trong nét nhạc mạnh mẽ, đầy uy nguy.
“A… Đấng tạo sử xanh… quyền phép uy linh…”
Dòng ca như diễn tả sự ngạc nhiên của dân chúng khi Người xuất hiện, cũng như đặt dấu chấm hỏi khi nghe giới thiệu Người cũng chịu đau khổ
(bè soprano), nhưng lại reo mừng khi biết Người: từ bi vô độ.
Nhạc hòa diễn tả sự khoan thai, chậm rãi của Người khi đi lên núi và ngắm muôn dân. Nét nhạc trang trọng, uy nghi thể hiện mong muốn giới thiệu cho dân chúng biết rằng: đây là hạnh phúc của các con. Cuộc sống của các con đã được thay đổi, không còn phải chết trong hư vô nữa nhưng mà sống vĩnh hằng trong hạnh phúc thật sự. Này là đường sống. Này là đường hy vọng.
Và đây là 8 mối phúc thật.

Cả 3 chương còn lại là sự diễn tả cách điệu của 8 mối phúc bằng thơ. Cái độc đáo ở đây là mỗi câu thơ lại được diễn tả bằng các cung nhạc khác nhau, có lẽ tác giả muốn giúp người nghe nhận rõ từng ý nhạc riêng. Chính lối hòa âm đa dạng làm cho bản thơ chuyển biến vô cùng, làm người nghe đến hết câu này lại mong chờ câu khác xem nó ra sao. Cứ thế, tác giả khéo léo dẫn dắt mọi người đi từ ý này qua ý khác, tứ mối phúc này đếm nối phúc kia mà không làm cho người nghe phải ngán ngẫm.
Có câu lời thơ lặp lại thì dòng nhạc chuyển cung đi làm người nghe như bị hút vào chính sự thay đổi đó rồi dẫn người nghe vào mối phúc (mối phúc 1).
“Sẽ con nhặt thóc quét đồng
Lòng an dạ thỏa cảnh bồng làm vua.
Phúc thay kẻ khó lòng châu,
Nước Trời làm Chúa, mua đâu rẽ tiền”

Có câu lời ca dẫn mồi, rồi rãi ra các bè làm cuốn hút, nối tiếp câu nhạc thành lớp, thành tầng. Khi người nghe bị mê hoặc rồi thì mới chỉ rõ mối phúc. Lúc này mối phúc thật sự rót vào tai.
“Phúc thay những kẻ từ dung
Địa cầu nắm vững tâm trung cùng đời”

Có câu dẫn mồi đơn lẻ chỉ có một bè, rồi bỗng ngưng để gian tấu làm người nghe thấp thỏm chờ. Khi sự chờ đợi đã tăng, các bè bỗng đồng loạt hòa vào, mà chỉ acapella thôi, không còn nhạc cụ đệm trang trí nữa, người nghe như bị bất ngờ, đành im lặng để nghe dẫn vào mối phúc thôi. Thật là muôn màu muôn vẽ.
Đang nghe câu nhạc chậm vừa, bổng điệu nhạc thay đổi, rạo rực, nồng nhiệt như cuốn người nghe chạy theo vậy (mối phúc 4- chương 5). Lối hòa âm hoa mỹ xuất hiện, thêu dệt nên sự đẹp đẽ của cách sống bậc chính nhân quân tử. Khi sự thu hút đã đầy, mối phúc mới được ca lên.
Lại có câu dẫn không kéo liên tục, mà cứ cố ý ngắt quãng. Cứ như lập lờ, lập lờ thử mồi. Khi người nghe đã cuốn theo, ý chính lại tuôn ra.
“Tình cừu, oán hận, hiềm gây
Bao nhiêu… mãnh thú… giương vây… gầm gừ”

Mối phúc sáu lại được hai bè nam thi nhau dẫn dắt, làm tai người nghe thay đổi muôn phần. Hết phần bè trầm thì dòng ca lặp lại ý nhạc bằng hai bè nữ. Tai nghe như hút vào mối phúc một cách tự nhiên (mà không cần phải tập trung nữa để cố nghe nữa).
“Phúc người tinh khiết chính trung,
Tôn nhan Thiên Chúa sáng trong lòng mình”

Rồi thì nét nhạc lại chuyển điệu (¾). Dòng ca nhịp nhàng, nhịp nhàng. Sự êm ái, thanh bình lẫn cao sang xuất hiện.
“Chim câu cánh trắng rợp trời, rợp trời”
Người nghe như được tung tăng, được thấy quanh mình là niềm hân hoan, vui sướng. Sự lặp lại cả ý nhạc như ru người nghe vào thế giới đẹp đẽ, như toàn là chim câu quanh mình thì âm nhạc bỗng chậm lại (rall), mối phúc lại rót ngọt… vào tai người nghe.
“Phúc người xây dựng bình an
Làm con Thiên Chúa – cao sang dường nào”
Ôi, hòa âm thật tuyệt, nghe không hề thấy mỏi mệt và nặng nề, mọi thứ cứ thay thế nhau, người nghe như thấy tai mình có tầng có lớp vậy.
Mối phúc cuối cùng được diễn tả trong sự bình lặng (trái với suy nghĩ của tôi, vì lẽ ra khúc này phải kịch tính). Lối hát solo của alto, rồi duo của 2 giọng nữ nhẹ nhàng nhưng cũng đủ đẩy lên cao, giới thiệu khẳng khái rằng:
“Thế gian còn giống anh hào,
Trời long đất lỡ, tay nèo tay vin”
Vẫn còn một dòng giống đầy thông minh, kiên cường. Thế gian có ra sao thì mình vẫn cố lèo lái, không bao giờ từ bỏ hay chạy trốn.
“Tim ai? Tôi nước đức tin”
Một sự khẳng định không còn gì tuyệt vời hơn! Tim bạn ra sao? Tim tôi là thế đó: chỉ dành cho Đức Chúa của tôi thôi. Dòng nhạc trầm, chắc chắn như thể khẳng định: Nước Trời của giống anh hùng.
Tôi đã nghe tới nghe lui không biết bao nhiêu lần bản hợp xướng này từ sau đêm công diễn đêm 7/1/2011. Thú thật, tôi đã không tưởng tượng ra bản hợp xướng có lời thơ lục bát lại nghe cao sang và đầy màu sắc đến vậy. Cái nét nhạc dân gian (nghe cứ eo éo, luyến láy theo lối ngũ cung) của những bản hợp xướng, mà phối theo thơ lục bát, đã đi ra khỏi đầu tôi từ lúc nào không biết. Thế mới thấy cái hay, cái cao sang của ngôn ngữ Việt Nam vẫn có đầy trong một bản giao hưởng, mà chỉ có những người đủ tài mới có thể mang đến cho người nghe những âm thanh tuyệt mỹ như vậy.

Mừng cho âm nhạc, và thánh nhạc Việt Nam có một bản hợp xướng hay và đẹp. Mừng cho những ai muốn thưởng thức hợp xướng Việt Nam lại có thêm những bài hay để nghe. Tôi mong được thưởng thức lại một lần nữa đêm công diễn của Ban hợp xướng Pio X, (vì đã tập luyện vất vã thì không thể chỉ diễn có một lần rồi thôi) trong sự chuẩn bị đầy đủ hơn, để mọi người được biết đến một tác phẩm hợp xướng Việt hay và đầy cao sang.


Tháng 1.2011
Nguyễn Thái Minh 

* (Ảnh trong bài : Google)

Không có nhận xét nào: