#Stats1 ul{margin:0;border:0;padding:0;height:32px;background:url(//goo.gl/ZHG881) no-repeat 0 -34px} #Stats1 li{margin:10px 0;border:0;padding:0 0 0 40px;list-style-type:none} #totalComments{height:32px;background:url(//goo.gl/ZHG881) no-repeat} #totalCount{height:32px;background:url(//goo.gl/ZHG881) no-repeat 0 -68px}

Thứ Hai, 19 tháng 11, 2012

CHỨC NĂNG CỦA THÁNH NHẠC


Bài : L.M. An-rê ĐỖ XUÂN QUẾ o.p.


    Mấy năm gần đây, thánh nhạc hay được bàn tới trong các cuộc họp định kỳ của UBTNTQ.
Thánh nhạc được bàn tới, nhưng xem ra sự hiểu biết về bộ môn này  chưa được đồng đều và thuần nhất từ trên xuống dưới. Có những người hiểu thánh nhạc chỉ như là những bài hát về Chúa, Đức Mẹ và các thánh để hát trong nhà thờ. Hát thế nào cũng được, miễn là có ca đoàn và đàn trống cho tưng bừng là đủ.
Từ sự hiểu biết như thế, thật không lạ gì trong nhiều nhà thờ ở Việt Nam cũng như ở nước ngoài có người Việt Nam, phần đông người ta ưa thích loại nhạc  này. Nhiều linh mục quản xứ nghĩ rằng thời buổi nào kỷ cương nấy. Thời bây giờ trẻ trung mới mẻ, nhạc như vậy mới hấp dẫn và lôi cuốn người trẻ đến nhà thờ. Có thể là như thế. Nhưng họ đến nhà thờ để nghe đàn hát cho vui thôi, chứ chưa chắc vì lòng tin hay mộ mến đạo, trong khi nhà thờ là nơi giáo dục đức tin, người ta đến để tôn vinh thờ phượng Chúa và thánh hóa tâm hồn mình. Đó chính là chức năng của thánh nhạc. Mà vì không hiểu như thế nên mới xẩy ra nhiều ngộ nhận.
1.Tôn vinh ca tụng
Mục đích chính của thánh nhạc là tôn vinh, ca tụng Chúa bằng lời ca tiếng hát và âm thanh nhạc cụ. Chúa là đối tượng chính. Loài người không thể dùng lời lẽ nào hay hơn, ý nghĩa hơn là lời mạc khải, tức lời Kinh thánh, mà tiêu biểu là thánh vịnh và phụng vụ để làm công việc này. Những lời đó kết hợp với âm nhạc là hình thức thông dụng, từ bao đời nay Hội thánh vẫn dùng để ca ngợi tôn vinh Chúa. Mà vì Chúa là Đấng tuyệt vời cao cả, xứng muôn lời ca tụng nên lời ca và âm nhạc cũng phải cố hết sức để đạt tới một trình độ cao đẹp và xứng đáng chừng nào có thể. Chính vì vậy mà âm nhạc phải hay, phải đẹp và thánh thiện, lại phổ quát, khiến ở đây hay nơi nào khác, bao giờ cũng vẫn thấy hay. Do đó, người ta không thể theo cảm tính thích hay không thích vì những lý do cá nhân mà phê bình hay thẩm định thánh nhạc được. Thánh nhạc là loại âm nhạc riêng dựa trên những nguyên tắc và luật lệ rõ ràng theo chức năng đã được Hội thánh xác định qua các giáo huấn như :
* Lời ca phải phù họp với giáo lý công giáo, nhất là lấy ra từ Kinh thánh và các nguồn phụng vụ (HCPV số 21)
* Bài hát càng gắn liền với với cử hành phụng vụ bao nhiêu càng thánh thiện bấy nhiêu (HCPV số 112c)
* Thánh nhạc là loại âm nhạc được sáng tác để thờ phượng Thiên Chúa nên phải biểu lộ sự thánh thiện và diễn tả được hình thức nghệ thuật cao (HTTN 4a).
* Thánh nhạc khác với nhạc đời ở chỗ khi hát lên lời ca phải được nghe và hiểu rõ ràng, chứ không bị dòng nhạc át đi (x HTTN 5b ; 26; 51; 64)
* Bài hát bằng tiếng nước nào phải phù hợp với tâm tình và ngôn ngữ của dân nước ấy (HCPV 119; 129)
Riêng về điểm cuối cùng này, Hội thánh đã có huấn thị số 4 khuyến khích việc hội nhập văn hóa. Hiện nay có nỗ lưc và khuynh hướng đưa nhạc dân tộc và những làn điệu dân ca vào trong thánh nhạc. Chúng ta đã có những cung kinh, cung ngắm. cung sách. Những thứ này một thời thịnh hành nhưng sau bị quên lãng và xếp vào loại ‘các món đồ cổ’. Vậy nay là lúc phải phục hồi và sử dụng lại những cung điệu đó với tất cả tâm tình và kiểu cách thích hợp, vì là gia sản của cha ông để lại, thay vì đưa những điệu cò lả, quan họ Bắc Ninh. Lý con sáo, ngựa ô v.v… vào, vì những thứ này không phải là nhạc để dùng trong nhà thờ. Có chăng là nghiên cứu, tìm hiểu, chắt lọc lấy phần tinh hoa của những thứ đó cho nhuần nhuyễn, rồi mới đem vào các hình thể thánh nhạc hay ca khúc.
* Thánh nhạc cấm không được đặt lời đạo vào các bài hát đời để hát trong nhà thờ hay đem vào các bài như Wedding, One day, Love history, Ơn nghĩa sinh thành của Dương Thiệu Tước, Lòng mẹ của Y Vân v.v… trong các lễ cưới hay lễ cầu hồn. Cùng lắm là hát ở nhà trước bàn thờ tổ tiên. Lý do là vì những bài hát đó không được sáng tác để hát trong nhà thờ và cũng không thuộc loại thánh nhạc.
Như trên đã nói, để tôn vinh Thiên Chúa, loài người không có lời lẽ hay cách nào cân xứng, vì Chúa muôn trùng cao cả và trổi vượt hơn mọi thọ tạo. Bởi vậy chỉ có cách là đem cả tấm lòng thành khẩn ra mà cử hành. 
“Nên nhớ rằng tính long trọng đích thật của một buổi lễ cử hành phụng vụ không tùy thuộc ở hình thức ca hát cầu kỳ hay phô diễn các lễ nghi cho bằng dựa vào phong cách cử hành cách xứng đáng, trang nghiêm và đạo đức.’ (ANTPV số 9; 11)
2. Thánh hóa các tín hữu
Chức năng thứ hai của thánh nhạc là thánh hóa các tín hữu, nghĩa là dùng lời ca tiếng hát đưa tâm hồn họ lên cùng Chúa, làm cho họ cảm nghiệm được rằng Thiên Chúa là Đấng tốt lành, đầy yêu thương và thành tín. Qua ý nghĩa của lời ca và nét đẹp của âm nhạc, họ như được cuốn hút bởi một động lực siêu nhiên làm cho họ say sưa phấn khởi muốn kết hợp cùng Chúa. Mục đích và nhiệm vụ của thánh nhạc là như thế. Vì vậy, mối bận tâm lớn của thánh nhạc là khi ca hát phải có cái gì khơi dậy lòng tin cho người nghe, để người ta tin vào và yêu mến Chúa nhiều hơn. Vì thế, loại âm nhạc kém nghệ thuạt, không có nội dung và không hội đủ những điều kiện của thánh nhạc thì không được dùng trong việc thờ phượng. Nói như thế thì xem ra có vẻ quá đòi hỏi. Mà đòi hỏi thật, tuy Hội thánh nhìn nhận mọi loại nhạc, miễn là nhạc đó hợp với phụng vụ và mỗi phần đoạn trong thánh lễ, lại không ngăn trở việc cầu nguyện, tôn vinh Chúa.
Nếu hiểu đúng như thế thì tự nhiên ai cũng sẽ rất cẩn thận khi ca hát và sẽ ca hát như thánh Âu-tinh dạy, để thánh hóa tâm hồn mình và tâm hồn người khác “Hãy hát ra tiếng, hãy hát từ cõi lòng, hãy hát bằng miệng, hãy hát bằng tất cả cuộc sống. Hát lên một bài ca mới, ngợi khen Người trong cộng đoàn những kẻ hiếu trung. Lời ngợi khen Đấng phải được hát mừng, chính là con người ca hát. Hãy sống như điều bạn hát. Bạn sẽ là lời ngợi khen Thiên Chúa, nếu bạn sống tốt lành.” (Sách Bài dọc Kinh sách Mùa Phục sinh, Tuần III, ngày thứ ba trang 155). Một câu nói của thánh nhân cũng hay được trưng dẫn là “Qui bene cantat, bis orat” Ai hát tốt là cầu nguyện hai lần. Nhưng thế nào là hát tốt. Hát tốt là hát hay, hát đúng. Hai điều này đòi phải có nghệ thuật và tâm hồn khi hát. Nghệ thuật là hát đúng với tiếng hát được thanh luyện và tâm hồn là hát với tất cả ý thức và lòng chân thành. Có như vậy mới gọi là hát tốt và hát như thế mới là cầu nguyện hai lần.
Kết luận
Trên đây là mấy lời nhắc lại vắn tắt về chức năng của thánh nhạc. Sở dĩ phải nhắc lại, vì nhiều người hình như chỉ để ý đến những gì khác mà ít để ý đến điều quan trọng này, bởi nếu không đặt trọng tâm vào đó, người ta sẽ hiểu biết, cảm nhận và phê bình thánh nhạc ở mặt ngoài thôi, chứ không tại phần căn bản. Thánh nhạc liên quan đến việc thờ phượng và là thành phần hoàn chỉnh của việc thờ phượng. Vì thế, cần phải hiểu cho đúng mới thờ phượng tốt được.
L.m. An-rê Đỗ xuân Quế o.p. 
. Bài gửi đăng NHT'blog


Không có nhận xét nào: