#Stats1 ul{margin:0;border:0;padding:0;height:32px;background:url(//goo.gl/ZHG881) no-repeat 0 -34px} #Stats1 li{margin:10px 0;border:0;padding:0 0 0 40px;list-style-type:none} #totalComments{height:32px;background:url(//goo.gl/ZHG881) no-repeat} #totalCount{height:32px;background:url(//goo.gl/ZHG881) no-repeat 0 -68px}

Thứ Ba, 13 tháng 11, 2012

ÔNG CHA CHÂN TU: MỘT ĐỨA TRẺ


Cách đây vài ngày, trong một tiệc cưới tại Saigon, tôi có dịp được làm quen với linh mục trẻ Nguyễn Quốc Hưng, là họ hàng của cô dâu. Theo lời giới thiệu của anh bạn học cũ, hôm ấy là bố chú rể, thì cha Hưng là một trong ba cha đã từng xuất hiện trên sân khấu biểu diễn ca nhạc tại California, trong một chương trình có mục đích cổ võ Ơn Gọi Linh Mục.

 Thoạt nghe giới thiệu vậy, tôi nhớ lại cách đây mấy năm có người bạn gửi tặng tôi một đĩa DVD. Bạn nói rằng đây là tiếng hát của một nhóm các linh mục. Dạo ấy, tôi có mở xem, thấy cũng vui vui, biết được rằng thời nay, để truyền giáo, các tu sĩ phải xông xáo khắp nơi, qua cả lãnh vực ca nhạc, như linh mục Nguyễn Sang cũng vậy.
Khi vào tiệc, ngồi cùng bàn với cha Hưng, tôi có hỏi thăm các hoạt động của nhóm. Tiệc cưới ồn ào, náo nhiệt, nói chuyện, trao đổi qua lại với thực khách bên cạnh, tiếng được tiếng mất, khó nghe trọn vẹn, xong tôi cũng nhớ được một số những lời chia sẻ của vị linh mục trẻ này. Nhớ để về nhà  suy tư.
Theo lời cha Hưng trình bày, tôi biết được tinh thần của các cha khi các vị thành lập nhóm ca hát chung như vậy là có mục đích cho giới trẻ ngày nay không còn phải sợ sệt khi ngắm nhìn những bộ tu phục đen kìn kịt, kín bít cần cổ, những bộ mặt nghiêm nghị, đạo đức, đứng đắn quá mức cần có. Các vị muốn làm thế nào để những thanh niên tuổi xuân phơi phới  thích lại gần họ là những bậc tu hành đạo hạnh, hiền lành, dễ mến. Khi các em đã chịu nhích lại, chúng sẽ muốn nhích lại gần hơn, rồi tìm hiểu thêm về lý tưởng….Sân khấu là một cánh đồng gieo giống với hình thức mới mẻ mà thế kỷ trước, ở Việt Nam, không thấy có và hiện nay cũng còn là sự hiếm hoi. Ca hát, nhảy múa, biểu diễn sẽ là một phương tiện đem Chúa đến tha nhân với cách diễn tả vượt ra ngoài lễ giáo Dòng tu, khi mà hát xướng  đã không còn bị các bậc phụ huynh gọi là “vô loài” nữa.
Ngồi nghe một vị linh mục trẻ, lại là Tu sĩ thuộc một Dòng Tu áo nâu sồng có truyền thống nhiệm nhặt, kín đáo, khó khăn và khiêm nhường, đang nhiệt tình, vui vẻ trình bày cho tôi nghe  những trải nghiệm, những cố gắng cũng như những quan điểm về Ơn gọi Linh Mục của các ngài, lại sẵn sàng trả lời tất cả những thắc mắc, phân tích những ưu tư tôi chia sẻ, quả là thú vị, gần gũi, vì không cảm thấy có  rào cản nào về tuổi tác, về địa vị, về ơn gọi.
Tôi hồi tưởng lần xem  DVD mấy cha ca hát mà ngày xưa bạn cho tôi.
Tuy không nhớ mặt từng cha, nhưng tôi nhớ nhận xét của tôi lúc bấy giờ khi thưởng thức đĩa  hát này đại loại như sau :
1. Trang phục khá đẹp nhưng biểu diễn còn ngượng nghịu, lúng túng.
2. Chất giọng chân phương, nhưng có nhiều chỗ hát bè phô.
3. Tác phẩm trình bày khá thích hợp, tuy nhạc và lời còn  ngô nghê.
(Tôi tin cho tới hôm nay, tài nghệ của các cha chắn chắn nhuần nhuyễn hơn nhiều nhờ kinh nghiệm lên xuống sân khấu).
Đối với người tu sĩ, khấn nguyền trọn đời yêu Chúa, thì những lời khen chê như trên chỉ như một bản tổng kết công tác. Chuyện nhỏ, không nên lấy làm quan trọng.
Điều tôi muốn  nói ở đây là cái VẺ, nói văn hoa là THẦN THÁI của những nghệ sĩ trong nhóm cha Hưng.
Các cha lên sâu khấu lộ rõ vẻ “không chuyên nghiệp”, có lúc ngượng ngập, bối rối, e thẹn, có cảnh diễn ngô nghê, thật thà. Giọng hát không điệu đàng, không uốn éo, không điêu luyện như ca sĩ. Tôi cho đó là những điểm son giá trị. Những hình thức tạm gọi là còn yếu kém về nghệ thuật biểu diễn như vậy nói lên tinh thần chân tu cao đẹp của các vị. Bởi các vị đã không nhằm sự hấp dẫn là thưởng thức âm nhạc, hoặc theo thói thường là nhờ âm nhạc để nổi tiếng, nhưng là dùng âm nhạc như một phương tiện để đi đến một mục đích khác mà thôi.
Các vị chăm chú vào điều cốt lõi : Cổ võ cho Ơn Gọi Tu Dòng.
Điều này cũng được thể hiện rõ ràng qua những phần dẫn ý xen kẽ có nội dung đạo đức, giới thiệu lý tưởng đời tu, qua phần lời của các tác phẩm tự sáng tác cho chủ đề Ơn gọi làm Linh mục. Tôi thích vẻ ngây ngô của phần lời trong những sáng tác của nhóm.
Cũng giống như thế, cách thức biểu diễn của các cha ngây thơ, vụng dại làm sao! Hệt như những đứa trẻ con đứng trên sân khấu. Và tôi nảy ra một ý tưởng : Một ông Cha chân tu - Một em bé. Đứa trẻ thơ trong mắt Chúa, múa may, làm điệu, nhún nhảy vô tư cho cha mẹ nó vui.Thấy cha mẹ cười là nó thích. Chỉ thế thôi. Lại nhớ thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu hồi trong Dòng Kín có tấm ảnh chụp dịp người đóng kịch. Người mặc cái váy rộng xòe luộm thuộm, tóc xõa dài không kiểu cọ, mặt mộc trông rất đơn sơ. Khác hẳn những khuôn mặt đầy son phấn của một nghệ sĩ ngoài đời. Và tôi yêu vẻ khờ dại ấy, tôi yêu thần thái chân tu ấy.
Ước gì các cha luôn một niềm nuôi dưỡng lý tưởng chân tu trong lòng khi lên sân khấu hát ca, nhún nhảy. Đời tu không phải cứ là luôn đĩnh đạc trong chiếc áo Dòng, hai ngón tay xỏ lỗ mũi, ngất ngư cầu nguyện không còn nghĩ đến ai. Vâng, tu ngày nay không còn là Lên Núi, mà là Xuống Núi. Chúc các cha cứ nhún nhảy tưng bừng những lời ngợi ca Danh Chúa.
Chúc các "cháu" hay ăn chóng lớn trên Đàng Nhân Đức.

Không có nhận xét nào: