#Stats1 ul{margin:0;border:0;padding:0;height:32px;background:url(//goo.gl/ZHG881) no-repeat 0 -34px} #Stats1 li{margin:10px 0;border:0;padding:0 0 0 40px;list-style-type:none} #totalComments{height:32px;background:url(//goo.gl/ZHG881) no-repeat} #totalCount{height:32px;background:url(//goo.gl/ZHG881) no-repeat 0 -68px}

Thứ Tư, 21 tháng 11, 2012

NHÂN THÁNG CÁC LINH HỒN



          NHÂN THÁNG CÁC LINH HỒN
                           Bài : L.m. An-rê ĐỖ XUÂN QUẾ o.p.
Hằng năm có tháng Mười Một để cầu cho các linh hồn. Truyền thống lâu đời của người công giáo Việt Nam vẫn dành cho tháng này một sự trân trọng đặc biệt.
Trước ngày lễ Các Linh Hồn thì ra quét dọn, sửa sang phần mộ ; chính ngày lễ thì ra nghĩa trang cử hành thánh lễ, cầu nguyện và thăm viếng mộ phần. Đức hiếu thảo bẩm sinh của người Vệt Nam cộng thêm với Điều Răn Thứ Bốn : Thảo kính cha mẹ, trong đạo, lại càng làm cho những cử chỉ hiếu nghĩa của người công giáo đối với ông bà tổ tiên thêm đậm đà thắm thiết. Như vậy những người bên ngoài không nên nghĩ rằng đi đạo là bất hiếu, từ bỏ ông bà tổ tiên. 
Cũng nhân Tháng Các Linh Hồn, tôi xin được đề cập tới một vấn đề có liên hệ. Đó là tâm tình, ý nghĩ của chúng ta, mỗi khi tham dự lễ an táng của ngưới thân trong gia đình hay họ hàng bạn hữu.
Chúng ta dự các lễ an táng này, thì ngoài tình gia đình ra, còn là mầu nhiệm các thánh cùng thông công, theo lời dạy của thánh Phao-lô Tông đồ : vui với người vui, khóc với người khóc (Rm 12,15). Chúng ta là các thánh, như thánh Phao-lô quen gọi, khi gửi thư cho các giáo đoàn, nghĩa là những người được hiến thánh ngày chịu phép Rửa tội, những người được kêu gọi nên thánh, chứ không phải các thánh đã được tôn phong trên bàn thờ. 
Vì mầu nhiệm này, chúng ta chia sớt nỗi đau buồn với tang quyến, đồng thời chung lời cầu nguyện cho người quá cố mau được về hưởng nhan thánh Chúa.
Phụng vụ tang lễ có nhiều bài sách thánh thích hợp. Một trong những bài đó là  Tin Mừng theo thánh Gio-an 11.17-27. Bài này có thể giúp chúng ta suy nghĩ về trường hợp anh La-gia-rô, em của hai cô Mát-ta và Ma-ri-a, những người  được Đức Giê-su yêu quí đặc biệt. Em của các cô mới chết được bốn ngày và đã được chôn trong mồ. Trước sự đau buốn và thương tiếc của hai người chị, Đức Giê-su bảo họ rằng anh La-gia-rô sẽ sống lại. Các cô tưởng rằng Người nói đến sự sống lại trong ngày sau hết, mà không nghĩ là sống lại ngay từ bây giờ. Khi cho anh La-gia-rô sống lại, Đức Giê-su muốn làm chứng rằng lời Người nói là thật, đồng thời bảo đảm cho lời phán quyết : “Ai tin vào Thầy thì dù đã chết, cũng sẽ được sống. Ai sống và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết.” (Ga 11,26)
Người thân mà chúng ta đi dự tang lễ đã chết. Nhưng vì khi còn sống, người ấy đã tin vào Chúa thì nay dù đã chết, chính người ấy cũng sẽ được sống trong một đời sống khác và không bao giờ phải chết. Sự sống ở trần gian đã chấm dứt đối với người thận của chúng ta, nhưng sự sống thần linh trong Nước Thiên Chúa chỉ mới khai mở và sẽ tiếp diễn không cùng. Có thể đối với người thân này và nhiều người khác đã ra đi, sự sống ấy chưa hoàn toàn viên mãn, vì còn phải qua một thời gian thanh luyện để nên thành toàn. Chính vì giai đoạn chưa thành toàn này mà chúng ta tiếp tục cầu nguyện cho người thân của chúng ta đã qua đời. Và đây chình là niềm hy vọng lớn lao cho người tín hữu : chết là cửa ngõ đưa vào sự sống muôn đời để được hưởng niềm hoan lạc không cùng trong Nước Thiên Chúa, với điều kiện là tin và sống như lời Người dạy.
Hiểu như thế thì chết là con đường tất yếu của mọi người. Ai cũng được chờ đợi ở điểm hẹn này. Có điều phúc hay họa là do lòng tin và cách ăn nết ở của mỗi người khi còn sống ở đời này mà thôi. Vì vậy, hãy sống thế nào để không phải lo sợ khi giờ hẹn đến. Mọi tín hữu sống ở trần gian này như đang trải qua một cuộc hành trình trong thân phận lữ khách. Đường đi chưa đến, còn gặp nhiều gian truân. Nhưng nếu cứ kiên trì thì rồi cũng tới đích. Đích đó là cái chết được hiểu như con đường đưa tới sự sống. Sự sống ở đây là sự sống đời đời. Phải chết đi rồi mới được sống. Xem ra đây như là một nghịch lý của Tin Mừng :chết đưa tới sống, mất làm cho được, cho đi sẽ được nhận lại. Lời kinh hoà bình của thánh Phan-xi-cô Át-xi-di thấm đượm những ý tưởng này : “Vì chính khi chết đi là khi vui sống muôn đời, chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân.”
Mỗi lần dự tang lễ là một dịp tốt để nhắc cho ai nấy rằng nay là người mai là tôi, tôi sẽ phải qua cây cầu đó. Khi qua, tôi có gì để mang theo hay có thể mang theo được những gì. Tiền bạc, danh vọng, địa vị không theo tôi mà chỉ có đức tin và những việc làm biểu lộ đức tin của tôi. Tôi có là gì đi nữa thì khi buông hai tay nằm xuống, tôi chỉ còn biết nhờ ở tình thương tha thứ của Chúa. Có lẽ vì vậy mà phụng vụ lễ nghi an táng khuyên không nên nói đến công lao đức độ của người quá cố mà chỉ nên nài nẵng tình thương của Chúa cho người đã ra đi.
Hôm nay người thân của chúng ta đã ra đi. Chúng ta nhớ đến người ấy. một người anh em của chúng ta trong đức tin, môt người đã tin Chúa bằng cả cuộc đời của mình, một cuộc đời toả sáng niềm tin, một tấm lòng trông cậy vào Chúa.
Xin Chúa đón người thân của chúng ta vào trong vương quốc của Người và cho  người ấy nghe lời đầy an ủi : “Hỡi tôi trung tài giỏi, hãy vào mà chung hưởng phúc lạc với chủ ngươi.” (x Mt 25,23)

L.m. An-rê Đỗ xuân Quế o.p.
. Bài gửi đăng NHT'blog

Không có nhận xét nào: