NỤ CƯỜI – NỤ HOA
Lm Piô Ngô Phúc Hậu
Trích BGCN/TGPSG tháng 09/2012
1.Trong căn phòng nhạt nhòa ánh đèn trong đêm, bà cụ già ngồi xếp bằng, thì thầm lần hột. Bỗng có tiếng gõ cửa dồn dập.
- Đứa nào vậy?
- Thưa mẹ, con đây.
- Cái ông này lại phá người ta rồi. Làm linh mục mà vẫn nghịch như giặc… Để cho mẹ đọc kinh.
- Con biết mẹ đang đọc kinh, nhưng con có chuyện khẩn trương, xin mẹ cho con vào.
- Ừ thì vào đi.
Cha Quỳnh đẩy cửa đi vào, ngồi bên mép giường của mẹ. Ông chắp tay xá mẹ một cái.
- Mẹ ơi, con có một chuyện bức xúc quá, không nói ra thì không chịu được. Mẹ đừng giận con, đừng đánh con nha.
- Ai mà dám đánh ông. Đánh ông để mang vạ tuyệt thông hả.
- Mẹ ơi, con là con trai út của mẹ. Con không có em, con thèm muốn chết, mà bố thì chết mất rồi. Vậy con đề nghị mẹ bước thêm bước nữa để con có thằng em trai.
- Thằng quỷ, làm cha rồi mà còn nghịch như quỷ vậy.
Bà cố vơ vội cái quạt giấy đánh liên hồi vào lưng ông con. Vừa đánh vừa cười.
- Mẹ ơi, mẹ tha lỗi cho con nha. Từ lâu con đã hứa với Chúa rằng mỗi ngày con phải làm ít nhất cho một người vui cười một lần. Nếu không thì không được đi ngủ. Hồi nãy khi xét mình con thấy ngày hôm nay con chưa làm cho ai cười. Vì thế con nghỉ đến mẹ. Bây giờ con đã làm cho mẹ cười. Thế là con đã chu toàn bổn phận của con đối với Chúa. Con xin phép mẹ đi ngủ. Chúc mẹ ngủ ngon.
Nói xong cha Quỳnh lủi về phòng riêng, vừa đi vừa cười. Còn bà cụ, mẹ của cha Quỳnh thì tủm tỉm cười mãi cho đến khuya.
Bà cứ nghĩ mãi về đứa con trai út. Khi còn ở trong bụng mẹ, nó là một thai nhi chòi đạp nhiều nhất. Khi ra chào đời, nó là đứa bé khóc dữ nhất. Khi bú mẹ thì nó vừa bú vừa nhún nhảy như muốn đánh đu. Miệng thì mút chụt chụt, còn tay thì vỗ vỗ, đập đập. Khi biết lẫy, biết bò và biết đi chập chững, thì cái miệng lúc nào cũng cười toe toét. Khi vào học ở chủng viện thì chuyên môn chọc cười thiên hạ. Khi đi cải tạo thì chung vui cho anh em đồng cảnh. Bây giờ vì thời thế phải tạm thời về bên cạnh mẹ già thì cũng chăng biết buồn là gì… Đây là đứa con mà bà có nhiều kỉ niệm nhất, được bà thương nhất. Bà thầm gọi nó là một thiên thần tung hoa. Cánh hoa rơi lả tả trên đầu, trên vai của mọi người. Cánh hoa rơi đầy trên cả lối đi khúc khuỷu của cuộc đời.
***
2. Tại một vùng nông thôn hẻo lánh, vừa rất sâu, vừa rất xa, lại mọc lên một dãy nhà lá mà người ta cứ gọi là trạm xá. Nó tọa lạc ngay trong khuôn viên của nhà thờ. Cha sở không có bằng tiến sĩ về y khoa, nhưng người ta cứ gọi là ông bác sĩ giám đốc. Dường như ông không theo học tại một trường y khoa nào. Dường như ông chỉ học mót, học lóm với mấy người thầy thuốc có tài. Mót mãi mót mãi ông có được một ôm kiến thức về y khoa. Y khoa bên Đông, y khoa bên Tây. Rồi bỗng dưng ông có bằng “lương y”. Ông mặc áo blouse trắng, ngồi coi mạch, chẩn bệnh, kê toa và phát thuốc nhân đạo.
Bệnh nhân nghèo tìm lại được sức khỏe mà không tốn tiền. Uy tín của ông bay lên như diều. Diều cao, có gió kêu vi vu. Thế là cái trạm xá bé tí bỗng phải cơi nới. Một trăm, hai trăm, ba trăm bệnh nhân từ khắp nơi dồn về. Trạm xá phải miễn cưỡng trở thành bệnh xá. Y sĩ, y tá, y công gia tăng trở thành đội ngũ nườm nượp đi ra đi vào, đi tới đi lui. Ban hậu cần phải hì hục nấu cơm cho năm trăm phần ăn, cho mỗi bữa, cho mỗi ngày. Ân nhân từ trong ra tới ngoài nước đều vui vẻ mở hầu bao và mở từ tâm….
Bỗng có một biến cố xảy ra.
Tít bên sông, ngay trước cổng nhà thờ, hai anh y tá khiêng một bệnh nhân cần cấp cứu đi vào bệnh xá. Cái cáng khiêng bệnh nhân được đặt nằm giữa phòng. Hằng mấy chục bệnh nhân đang nằm viện vội vàng ngồi dậy, chạy ngay đến chỗ đặt cái cáng để xem. Bệnh nhân cấp cứu nằm im re, chăn phủ kín từ đầu đến chân. Mọi người xì xào hỏi hai y tá:
- Ai đấy?
- Bệnh gì vậy?
- Đàn ông hay đàn bà?
- Mời cha sở xuống ngay ngồi tòa và xức dầu cho người ta kẻo không kịp.
Hai anh y tá lầm lầm lì lì không thèm trả lời. Bầu khí căng thẳng quá chừng!
Bỗng bệnh nhân cấp cứu tung chăn, đứng phắt dậy, giang tay, cười hề hề. Đó là cha sở, giám đốc bệnh xá. Cả nhà cười ầm lên, cười đến bể bụng luôn.
Chẳng biết trên hành tinh này đã có ông giám đóc bệnh viện nào đùa nghịch như thế không? Tưởng là chuyện tiếu lâm. Thế mà lại là chuyện thật. Người tò mò đến tận nơi để chất vấn cha sở:
- Tại sao cha là linh mục, là giám đốc bệnh xá mà lại đùa giỡn một cách quá đáng như vậy?
- Một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ.
Ông giám đốc bệnh xá chỉ trả lời gọn lỏn có bấy nhiêu.
Mà đúng thế thật. Cười là hạnh phúc. Hạnh phúc cho ta sức khỏe. Một nụ cười chẳng tốn xu nào. Mười thang thuốc trị giá một túi tiền. Kiếm tiền đâu có dễ. Cười và làm cho người ta cười là con đường ngắn nhất để đưa ta tới sức khỏe và hạnh phúc. Nụ cười là nụ hoa.
***
3/
“Ra đường thì gặp công nông
Về nhà gặp vợ, vợ không nói gì”
Đó là câu ca dao phổ biến tại miền Bắc vào thời đang bước vào “đổi mới”. Xe công nông là xe cải tiến và tự chế, không có trong danh sách của cảnh sát giao thông. Đi nghênh ngang và chở đồ cũng nghênh ngang làm khổ người đi đường. Gặp nó thì bực bội, nhưng chẳng làm được gì nó. Khổ thì cắn răng mà chịu. Cãi và đánh nhau với nó, thì từ bị thương đến bị thương. Không chết, nhưng chết dở. Đó là cái khổ của đàn ông khi ra sống giữa trường đời.
Cái khổ giữa đời là thế. Còn một cái khổ nữa hiện hữu và trường tồn ngay trong gia đình. Đó là bà vợ “không nói gì”. Người đàn ông đầu tắt mặt tối trên cánh đồng, trong nhà máy… để kiếm tiền nuôi vợ con. Mỗi lần về nhà mà thấy vợ tíu tít, toe toét, thì mồ hôi thôi chảy, cực nhọc tan biến. Nhưng nếu chẳng may về nhà thấy vợ lầm lầm lì lì, chẳng nói, chẳng rằng… thì khổ ơi là khổ.
Một cụ già trải qua năm mươi năm sống đời vợ chồng đã tâm sự với bạn bè một cách tếu táo thế này:
- Khi nào vợ tớ mà lầm lì không nói, thì tớ phải làm cho bà cười hi hi tớ mới thôi.
- Cậu làm cách nào để cho vợ cười?
- Tớ cứ cù vào nách. Nếu không chịu cười thì tớ cứ cù mãi cho tới khi bà phải đầu hàng thì tớ mới thôi. Chồng cười, vợ cười, con cái cười. Thế là bao nhiêu buồn phiền đều tan đi như mây khói.
Ông già ấy bây giờ không còn nữa, nhưng cái trò cù nách vợ để kiếm nụ cười thì vẫn còn được áp dụng lai rai trong xóm làng. Đau khổ vẫn hiện hữu nhưng không chiếm hữu. Hạnh phúc vẫn bị đe dọa, nhưng không bao giờ đầu hàng. Chỉ vì nụ cười vẫn nở như nụ hoa.
***
4/ Một linh mục đi tù. Hỏi tại sao, ông chỉ cười trừ. Ông ngồi ăn cơm với bảy đồng cảnh. Tám người ngồi xếp bằng trên sạp, tạo thành một vòng tròn đẹp. Giữa vòng tròn là một thau cơm và một hũ muối. Cơm gạo lứt có mầu tím sám. Muối hột không trắng không đen. Ông bới một chén cơm vơi vơi. Ông chậm rãi và một miếng nho nhỏ. Ông nhai, nhai mãi. Nhai để tập thể dục cho hai hàm răng đang thiếu canxi. Nhai để cảm thấy vị ngọt đang rỉ ra và thấm xuống họng. Ông gắp một hột muối bỏ vào miệng. Ông cảm thấy vị mặn thấm vào chân răng. Ông thầm nghĩ: phải có mặn mới có mặn mà; muối mặn làm cho đời thêm mặn mà. Hoan hô muối! Tiếng muối vỡ vụn nghe rạo rạo. tạo nên một thứ âm thanh đơn điệu nhưng rất vui. Vui giữa bầu khí buồn man mác.
Ông vừa nhai hết chén cơm vơi vơi thì các đồng cảnh đã buông đũa. Mỗi người đều ngốn hết từ ba đến bốn chén. Thấy đồng cảnh ăn nhanh và nhiều như thế, ông linh mục cười thầm trong bụng. Cứ cười thầm thôi cũng đủ biến ngục tù thành vườn hoa. Nụ cười là nụ hoa.