#Stats1 ul{margin:0;border:0;padding:0;height:32px;background:url(//goo.gl/ZHG881) no-repeat 0 -34px} #Stats1 li{margin:10px 0;border:0;padding:0 0 0 40px;list-style-type:none} #totalComments{height:32px;background:url(//goo.gl/ZHG881) no-repeat} #totalCount{height:32px;background:url(//goo.gl/ZHG881) no-repeat 0 -68px}

Thứ Ba, 16 tháng 10, 2012

XẢ



Năm ngoái vào thăm chị bạn quen biết là ni cô Khả Tín Châu trong chùa Thường Chiếu, nghe Cô nói về Xả.
Cô đã bỏ và từ từ bỏ dần, từ những vật chất cho đến những luyến thương, những kỷ niệm, những lưu ảnh, bỏ dần, Cô gọi là Xả. 

Thoạt đầu nghe Cô thuyết về chữ này, ngắm Thất gọn gàng xinh xắn nhưng đầy đủ tiện nghi của Cô, mình còn nghi ngại, xong ngay sau đó, suy sâu hơn, mình nghiệm ra rằng, chính trong nếp sống vật chất ổn định đó, nếu người tu không dính bén, ấy mới là chân tu. Và mình mong cho Ni Cô Khả Tín Châu là một vị Chân Tu.
 Mừng cho Cô nếu quả thật, Cô mà càng xả thì Cô càng nhẹ. Ai cũng vậy, mình cũng vậy, càng xả thì càng nhẹ nhõm, bởi cho tới lúc xuôi tay nằm xuống có mang theo được gì đâu.
Sự mà bên Phật người ta gọi là Xả, thì đạo Công giáo gọi là từ bỏ. Chính khi từ bỏ, là lúc giáo hữu được tự do. Giống như tình trạng cởi xích, mở xiềng. Bài đọc I trong Thánh lễ hôm nay mở đầu bằng câu : “.. chính để chúng ta được tự do mà Đức Ki-tô đã giải thoát chúng ta”( Gl.5,1) . Chúa giải thoát chúng ta khỏi mọi tật xấu, mọi tội lỗi, để chúng ta được trong sạch, vô tội, nhẹ nhàng bay cao. Ai càng xả nhiều, người ấy càng thảnh thơi, ấy là tự do. Tự do của người công chính, tự do làm người công chính.

Tôi hiểu, thực tế, để từ bỏ của cải  vật chất như đồ dùng, quần áo, trang sức, cho đến nhà cửa, đất đai ruộng vườn, vàng bạc, hay tình cảm như mất người thân đi chăng nữa, có thể  cũng là khả thi. Khả thi bởi có khi mình không giữ nổi chúng, hoặc mình mơ bỏ thì …lại được cái khác ngon hơn…
Thế nhưng, điều tưởng nhỏ, dễ bỏ, chưa chắc con người thi  hành nổi nếu không có tinh thần xả . Đó là xả chính cái Tôi với tất cả những tật xấu bên trong. Đạo Phật dùng chữ Xả Kỷ. Giáo hữu Công giáo có lời cầu xin chính đáng nhất là xin Ơn Xả Kỷ : 
     “ xin Chúa giải thoát chúng con”,
     …khỏi mọi sự dữ,
       khỏi vòng tội lỗi …”
                                              (kinh cầu các Thánh)
Vấn đề rõ rệt hơn khi Phụng vụ nối qua bài Phúc Âm thánh Luca, đoạn 11, câu 37-41. Người Pha-ri-siêu giả hình, rửa tay sạch sẽ, trịnh trọng ngồi vào bàn, bát đũa cũng sạch sẽ, tươm tất, mọi người trông vào nể vì, kính trọng, nhưng Chúa thì ne-vờ. Chúa mắng thẳng vào mặt họ là đồ ngu. Bởi vì Chúa biết họ ra vẻ ta đây. Chúa biết tỏng trong lòng họ bẩn thỉu chứ sạch sẽ gì. 
Những người biệt phái, pharisêu có thói giả hình, giả vờ trang trọng, đạo đức, giả vờ tốt lành, lịch sự, giả vờ sạch sẽ, giả vờ đâu ra đấy cho người chung quanh nhìn vào mà khen lao…Họ đã không biết rằng tất cả những cái đó là gông cùm, là song sắt nhà tù giam họ như giam tội nhân, buộc trói nô lệ. 
Họ tệ hơn anh trai trẻ hôm qua không theo Chúa được vì có nhiều của cải. Anh ta đáng thương ở chỗ bỏ đi mà còn biết “sa sầm nét mặt, buồn rầu“.
 Nay, phần tôi, chỉ ước sao có chút  liêm sỉ, biết sa sầm nét mặt, buồn sầu vì chưa từ bỏ được thói xấu này, tội lỗi kia. Rồi cố gắng, cố gắng tháo gỡ chúng ra khỏi thân mình, thế là thiện chí. Thế là biết Xả. Hãy nhớ rằng của nả kiểu này có đem bố thí cũng bị người khác mắng cho, huống hồ là bán. Bán như hôm qua ai mua ? Có ai mua tính xấu đâu ! 
Cái ách nô lệ còn kềm hãm tôi đến bao giờ, ăn thua thiện tâm xét mình và ăn thua nhận thức con người thật của mình. 
 Xin Chúa cứu thoát con,
khỏi mọi sự dữ,
khỏi vòng tội lỗi,
khỏi phải chết khốn nạn đời đời...




Không có nhận xét nào: