#Stats1 ul{margin:0;border:0;padding:0;height:32px;background:url(//goo.gl/ZHG881) no-repeat 0 -34px} #Stats1 li{margin:10px 0;border:0;padding:0 0 0 40px;list-style-type:none} #totalComments{height:32px;background:url(//goo.gl/ZHG881) no-repeat} #totalCount{height:32px;background:url(//goo.gl/ZHG881) no-repeat 0 -68px}

Thứ Năm, 18 tháng 10, 2012

BUỒN CƯỜI, CƯỜI BUỒN


Lễ sáng nay, sau Phúc âm thánh Luca “ Lúa chín đầy đồng”, nghe  cha giảng thánh Luca nằm trong số 72 môn đệ của Chúa Giêsu, mình buồn... cười khi nghĩ đến vế sau “ mà thiếu thợ gặt” của câu này. Thấy Chúa chí lý , chí lý !

Nhưng khi viết Phúc âm, tới đoạn này, thế nào thánh Luca cũng… tủi thân. Phần vì xung quanh còn nhiều dân ngoại chưa biết Chúa, phần vì những 72 mà Chúa còn kêu ít. Cứ hai người một, vị chi 36 thành. Không biết ngày xưa các “Cụ’ đi “gặt lúa” bằng cách nào, chứ Chúa đâu có cho đeo ba lô, túi Việt kiều, giày Adidas, kính mát, đô la ….
Phần Luca, hậu sinh, được ơn làm môn đệ đi theo Chúa lúc ấy quả thật là Phúc Lớn, nhưng làm y sĩ thì đi đâu cũng phải lỉnh kỉnh thuốc men. Không mang bao bị, biết làm sao di chuyển kim, bông, an-côn, ống chích, đồ đo tim, đo huyết áp, v..v..Để ở nhà mốc meo ra à ?
Hay thôi, ta an ủi, khuyên nhủ, kể chuyện Tin Mừng Chúa Phục Sinh cho họ nghe cũng được. Tủi thân cái nữa là Chúa chỉ cho nói ít. “ Bình an cho nhà này!” , thế thôi.
Lại cũng chẳng thấy nói  Y sĩ Luca  có...phòng mạch ở đâu !
Có lẽ vì vậy mà thánh nhân chuyển sang viết văn, nghề tay trái (hay tay phải không biết)  và rồi Tin Mừng Đức Giêsu Kitô theo thánh Luca ra đời. Thì ra ơn gọi của Luca là ở đây, và ở đây, ông đã truyền giáo cách phong phú ( ba “ông” kia không …”lại”) – Ngôn ngữ Luca phong phú nhất trong tất cả các sách Tân Ước – ( dẫn nhập Luca, Tân Ước trang 206)- :
Ông thầy thuốc giàu lòng từ tâm “lương y như từ mẫu” đã hoàn thành một tác phẩm Thánh chứa đựng những câu chuyện chan chứa tình thương nhân hậu, thương xót vô biên của Chúa Giêsu . Với giọng văn tế nhị, tình cảm, linh động như tranh hoạt hình, Phúc âm của ông đã truyền lại cho muôn đời một chân dung Đức Kitô Giêsu hoàn hảo khi tỏ lòng thương yêu con cái nhân loại .
Môn đệ Luca đã vẽ Chân Dung Chúa Giêsu nhân hiền bằng Đức Tin.
Cũng thế, nếu muốn truyền giáo, chúng ta không nên tủi thân vì không được Chúa gọi vào hàng linh mục tu sĩ, nhưng tự đứng lên tìm cách khác. Có nhiều cách nói về Chúa. Mỗi người có một cách riêng.
Chưa chắc Luca đeo túi thuốc rảo khắp làng mà kết quả bằng Luca  ngồi viết lách.
Chưa chắc toa thuốc huyết áp của Cụ hay bằng chuyện ”Người con hoang đàng” khiến người tội lỗi ăn năn trở về .
Chưa chắc anh đi tu mà lời cầu nguyện tha thiết đủ.
Chưa chắc anh đi tu mà cứu được nhiều linh hồn.
Giống như đứa con hiếu đễ, lớn lên, anh làm sao cho Chúa được… nhờ, ấy là vấn đề. Anh làm sao sáng lên Danh Toàn Năng, sáng lên Lòng Thương Xót  giữa nhân gian, ấy là anh chí hiếu.
Điều cốt lõi là anh hãy trưởng thành. Trưởng thành trong Đức Tin . Như thánh sử Luca.
Bao lâu còn lải nhải, lê lết đọc kinh hết tượng nọ đến đền kia, bao lâu còn bày ra cờ quạt, chiêng trống kiệu rước, bao lâu còn lo quyên tiền xây nhà thờ, bao lâu còn nhắm quen người giàu có, bao lâu còn áo xống xênh xang, ký hợp đồng mở hoa viên đãi tiệc, ăn chơi xa hoa, phung phí gọi là “mừng Lễ” nọ kia, vân vân rất nhiều vân vân…bấy lâu anh còn ấu trĩ lắm.
Bấy lâu mình chưa tin anh làm cho Chúa.
 Xin lỗi. Anh chưa hề nhìn thấy Chúa. Xin lỗi, anh chưa tỏ lộ đức Tin nơi tu cách của anh.
Tất cả những sự phù phiếm đó không hề nói lên tinh thần truyền giáo.
Anh đi giữa cánh đồng thiếu thợ gặt,  hay các anh -“ một đám thợ gặt được chọn”- đang ngủ kềnh trên thảm lúa vàng?
Hay anh đã rơi thảm não xuống mặt đất như con diều đứt dây "lý tưởng "?.

Mình đang liên tưởng tới hai hình ảnh trái ngược nhau :
một ông cha trung niên đương sức ( hay cố còn sức !), đang xoãi chân, ngửa mặt, ba hoa sừng sộ , liên tục cụng ly côm cốp giữa bàn tiệc đông đảo, sau lễ Đồng tế khánh thành nhà thờ nọ…., và một  dì phước gầy, đang lom khom hầu lũ trẻ bại liệt ở Hoàng Mai…..
Không phải là buồn cười nữa mà là : Cười ....buồn !

Không có nhận xét nào: