#Stats1 ul{margin:0;border:0;padding:0;height:32px;background:url(//goo.gl/ZHG881) no-repeat 0 -34px} #Stats1 li{margin:10px 0;border:0;padding:0 0 0 40px;list-style-type:none} #totalComments{height:32px;background:url(//goo.gl/ZHG881) no-repeat} #totalCount{height:32px;background:url(//goo.gl/ZHG881) no-repeat 0 -68px}
Hiển thị các bài đăng có nhãn Tạp bút. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Tạp bút. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Năm, 10 tháng 10, 2013

ƠI CÁC CÔ CÁC CHÚ


 Đôi khi ra đường, nhìn thấy các cô các chú công an áo xanh, áo vàng, lạnh lùng, nghiêm nghị, khó khăn, xa cách, tôi thường cầu nguyện.
Tôi cầu nguyện cho các cô các chú có cơ hội nhận ra đâu là cùng đích cuộc đời chứ không chỉ qua kiếp sống này rồi thôi. Ta đàn áp, chèn ép, ức hiếp, giả dối, gây hấn nhau có ích gì ? Dùi cui, súng đạn, hơi cay là sức mạnh của ta đó sao ? Nhìn máu những người cùng tuổi ông bà, cha mẹ cô bác anh chị em, con cháu ta chảy ra , ruột ta không đau sao ? Ta là người với nhau cả mà !
Tôi cầu nguyện cho các cô các chú sáng suốt, sống yêu thương bênh vực người nghèo, người cô thân cô thế.
Tôi cầu nguyện cho các cô các chú hiểu rằng nhân cách con người ở đức độ, ở lòng biết ơn, ở đôi mắt hướng thượng, biết trên đầu mình còn có Ông Trời.
Tôi còn cầu xin cho các ông làm lớn nữa. Tôi rất mong các ông có những giây phút hồi tâm suy nghĩ về trách nhiệm của các ông đối với vận nước, mệnh nhà.
Rồi tôi ăn năn vì chính tôi chưa làm được gì cho các cô các chú các ông, ngoại trừ mỗi ngày đọc 10 kinh Kính Mừng cầu chung chung cho những ai chưa biết Chúa thôi.
Vậy nay tôi hết lòng cầu xin cho các ông cán bộ,  các chú các cô công an, gia đình, cha mẹ vợ chồng con cái các ông các cô các chú được bình an, hằng ngày dùng đủ, không mang công mắc nợ ai, cư xử lương thiện , được nhân dân, bà con trong phường thương mến, ra đường tai qua nạn khỏi.
Người Công Giáo chúng tôi rất yêu quý các cô các chú công an hiền hòa, vui vẻ, lo cho bà con lối xóm bằng tình liên đới đồng bào, con dân một nước.
Rất mong các cô các chú có dịp biết tới kinh Lạy Cha . Kinh đó hay lắm, bao gồm hết mọi ý nguyện xin tôi kể trên, các cô các chú đọc kinh đó thấy lòng bình an thơ thới liền.
Trước đây, khi còn theo Phật giáo, tôi thường đọc kinh Bát Nhã nhưng không hiểu tiếng Phạn để thực hành.
Nay tôi có kinh Lạy Cha Chúa dạy thật rõ ràng thực tế, mời các cô các chú công an tìm hiểu kinh này.
Ước mong có một ngày, chúng ta cùng xiết chặt tay nhau đọc vang lời cầu "Lạy Cha chúng con ở trên trời..."bấy giờ tôi chẳng còn gì vui sướng hơn.
Nhưng trước hết là tôi cầu xin Chúa cho tôi có Tinh Thần Hòa Bình của Chúa, có lòng Từ Bi của Phật.
Xin cho tôi biết nở nụ cười với các cô các chú, biết nói hay, lời biết ơn các cô các chú, biết nhìn các cô các chú bằng ánh mắt hiền từ, nhân ái, biết săn sóc đến những nhu cầu bình thường lương thiện của các cô các chú, và biết bao dung với các cô các chú, bởi vì Phật đã dạy  như thế.
Tuy nhiên, tôi không thích chữ "thí". Tôi thích chữ "cho đi". Chúng ta là anh chị em với nhau cả mà.
Kinh Hòa Bình mà các cô các chú thường nghe những người biểu tình hát đó cũng ca ngợi hết mọi yêu thương trên vào một câu trong kinh này, xin các ông các cô các chú lắng nghe :
"Vì chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh".
Ai hiến mạng vì dân sẽ được nhận lãnh từ dân.
Xin các ông lớn, các cô các chú nghĩ tới giờ chết của mình, nhân dân ghi công hay kết án, tiếc thương hay nguyền rủa ?

ht.


Một người nghèo hỏi Đức Phật : “Tại sao con nghèo như thế?”
Phật nói : “Vì con chưa học được cách bố thí cho người khác.”
Người ấy nói : “Con không có thứ gì cả, thì lấy gì con bố thí.”
Đức Phật dạy : “Cho dù con hoàn toàn không có cái gì, con vẫn có thể thực hiện bố thí 7 điều này :
1. Nhan thí - Bố thí nụ cười,
2. Ngôn thí - Bố thí ái ngữ, nói lời hay.
3. Tâm thí - Bố thí tâm hòa ái, lòng biết ơn.
4. Nhãn thí - Bố thí ánh mắt nhìn thẳng hiền từ.
5. Thân thí - Bố thí hành động nhân ái.
6. Tọa thí - Bố thí nhường chỗ cho người cần.
7. Phòng thí - Bố thí lòng bao dung.

Thứ Hai, 7 tháng 10, 2013

CON CẦU XIN CHO HỌ


Thiên Chúa kết sự vô cảm thành tội.
Loài người vì đối với nhau vô cảm cũng gây ra bao tai ương tội lỗi.
Lạy Chúa,
con vô cảm thì lòng con dần chai đá, lương tâm con rụng dần hết răng, không còn cắn rứt.
Nghĩ đến thế đâm sợ hãi.
Lạy Chúa, con nghĩ đến những người anh em con đang  theo lệnh cấp trên mà  hung hãn, hà hiếp, hành hạ, bóc lột, trấn áp, gian ngoa, dối trá, tàn bạo với đồng bào.Những vô cảm khổng lồ, khủng khiếp đang diễn ra. Tội ác đang lộng hành. Bởi vô cảm. Xin Chúa xót thương tỏ mình ra cho họ, từ trên xuống dưới hoặc từ dưới lên trên, miễn sao có sự xuất hiện của Chúa. Chúa giàu lòng xót thương.
Xin Chúa xót thương những ai quá khiếp đảm,  sợ bóng tối bủa vây, sợ điêu toa trừ khử nên phải vô cảm. Xin ban sự dũng cảm cho họ để họ biết nhận ra lẽ phải mà bênh vực bà con.
Chúng con khát khao được  tự do sống đạo và hằng cầu mong cho mọi người cũng được  diễm phúc tin theo Đức Kitô “Là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống” (Ga 14,6).
Sống đạo và truyền đạo là quyền chứ không phải ân huệ xin-cho. Vì thế chúng con chấp nhận mất hết, mất cả mạng sống, để  được hưởng cái quyền cao quý này !
Sự thật cho chúng con thanh thỏa, gần nhau và hiểu nhau! ( x. Ga 8,32).
Gặp nhau và đối thoại bình đẳng có thể giải quyết mọi khó khăn !
Nguyện xin Chúa phù hộ cho tất cả những người chưa tin Chúa.
Lời con cầu,
Lạy Chúa,
vì hạnh phúc của người dân, vì tương lai Đất Nước.
ht.
(dựa theo ý tưởng trong một Lá Thư)

Thứ Sáu, 4 tháng 10, 2013

BẠN GIÀ


Chiều nay mình có dịp họp nhóm.
Đã lâu bạn bè không có cơ hội gặp gỡ, chia sẻ, hỏi thăm nhau, chắc sẽ tíu tít, lăng xăng, tranh giành tám chuyện lắm đây.
Các trẻ bây giờ hình như có khác những ông bác bà cô thế hệ trước. Tuổi teen bây giờ có quan niệm khác xưa. Các cháu ngày nay hiện đại, trong người lúc nào cũng năm, sáu vật dụng điện tử, gặp bạn, vừa nói chuyện vừa bấm bấm, không bạn nào nhìn bạn nào, bạn nào cũng nhìn vào cái điện thoại đời mới, cái gì có số 5 đó...., a Ai-phôn 5, nghe nói nó làm được mọi sự trên thế gian này. Ngày xưa chúng tôi khác. Có Ai phôn , ai phiếc đâu mà đòi giống !
Tuổi nhi đồng, tôi lấy vải cuộn lại thành em bé, cũng đong đưa ầu ơ như ai. Có lần đan áo xong, mẹ lấy len thừa tết cho con búp bê bằng len..cực lạ, ôm đồ chơi ấy hãnh diện bằng mười con nhà giàu xách tai con nhắm mắt mở mắt.
Cũng vậy, tuổi già gặp bạn có khác.
Chúng tôi cần những giây phút bên nhau, rủ rỉ rù rì, thầm thì sụt sịt , khúc khích móm sều.
Câu đầu tiên, câu giữa và câu cuối cùng cam đoan các bà luôn nói về đề tài "sức khỏe".
Mới vừa trông thấy nhau là phải hỏi : Khỏe không ?
Đương nhiên người kia, kèm theo cái lắc đầu bỉu môi xót thương thân mình mà rằng em trông chị thế này bệnh chứ làm sao khỏe được.
Vào chuyện là mách thuốc, đừng uống thuốc Tây, cứ lá mà uống. Đây em bảo, á là cả họ nhà em uống khỏi hết. Rồi thì cô cứ nghe tôi, ba ngày không còn dấu vết. Đã bảo đừng theo toa bác sĩ gì sất, nóng lắm, chị không nghe em, tốn tiền mà còn thêm mụn nhọt lở loét cho mà xem. Mợ kia có bệnh cứ ngồi im thin thít, nghe  ba bà bạn mách toa xong, nhớ mấy cữ thuốc mấy trăm ngàn bạc, con nó đưa đi bệnh viện vừa mua cho, lập tức bị thêm rối loạn tiền đình, nằm cũng chóng mặt, nhìn cái trần nhà nó quay tít mù là tít mù khen ai.
 Thuốc thì con nó dặn má đi ăn tiệc với các cô rồi về uống cũng được, khỏi bỏ túi mang đi sắp sửa lại để rơi, cái kính đeo trên mắt rồi mà cứ quýnh quáng chúng mày tìm kính cho má mau lên xe tới.
Không hiểu sao cái chủ đề sức khỏe, bệnh tật, lú lẫn  này  hấp dẫn thế .Nói mãi không hết, nhà bếp mời vào ăn cơm cũng phải dăm lần bảy lượt.
Bạn có tin không, cho ngồi với nhau suốt ngày suốt đêm các bà bạn già cũng vẫn đủ chuyện phát biểu.
Đôi khi có một vài giọt lệ vương trên hai má hóp, thấy thương.Thương bạn thì ít , tủi mình nhiều hơn.
Tiệc tùng chả ham, răng cỏ trời sinh ba mươi hai giờ còn đúng sáu cái, tuyền răng giả, không thì móm trệu móm trạo, nhai thì văng đông vãi tây, người ta dzô thì mình nâng lon Xá Xị, ối giời ơi, quê xệ. Tôi bảo già rồi cứ bún cắt ngắn, chan nước lèo  mà húp cho xong.
À, các loại tuổi già lại còn hay làm thơ, thường là Lục Bát nửa mùa. Mình chả làm, mấy lại sợ nặn ra mấy câu, em xin hầu các chị thưởng thức. Đọc lên chị em nghe, chị em che miệng chúm chím, mong cho bài thơ sớm kết thúc.
Thôi chả phơi thêm  nữa. Kể ra những lẩm cẩm này con cháu chúng cười rũ.
Thế chiều nay gặp nhau phải làm sao ?
Mình á hả ? Mình sẽ lặng lẽ nhìn kỹ vào mặt từng bạn già, ngắm từng lọn tóc, từng nếp nhăn, từng ánh nhìn mệt mỏi, từng đôi tay nhăn nheo, dúm dó, từng dáng đi nhọc nhằn, chậm chạp...Chụp lấy, như nhấn phím Prt.Sc.SysRq, vào PS. không chỉnh sửa.
Mình sẽ copy and past tất cả vào memory, save as  "CHÚNG MÌNH".jpg.
Để thương để nhớ.
Ngày này, sang năm, biết có còn đủ mặt không ?
ht.

HẠT CẢI CỦA CON ĐÂU ?


Người ta, yêu nhưng chưa chắc đã tin. Yêu nhau nhưng không hoàn toàn tin tưởng ở nhau. Hai người bạn thân thiết nhưng vẫn có nhiều điều riêng tư không thể chia sẻ vì sợ bạn không giữ kín cho mình. Hai vợ chồng không tránh khỏi những lúc nghi ngờ lòng chung thủy của nhau. Đứa con có khi rơi vào hoàn cảnh ngờ vực người nuôi nó, biết có phải đó là cha mẹ ruột sinh ra mình không.
Chỉ có Thiên Chúa là duy nhất và sáng ngời bản chất Tình Yêu mới làm cho con người tin tưởng trọn vẹn, tuyệt đối.
Chẳng có gì nơi Thiên Chúa là mờ ám, sai lầm bởi vì bản chất Người cũng  là Ánh Sáng, là Chân Lý.
Chúa đáng tin.
Từ niềm tin tuyệt đối này, loài người phó thác, tận hiến không đắn đo.
Chúa đáng cậy.
Yêu mến Thiên Chúa là điều đáng ước ao cho những ai muốn được Thiên đàng ngay ở đời này.
Hãy nếm thử Thiên Chúa mà xem. Chúa tốt lành và ngọt ngào biết bao.
Ai Tin, Cậy, Mến thì được sống, và sống muôn đời.
Con đường đi tới Thiên Chúa đơn giản, thẳng tắp, không quanh co như thế.
Vậy tất cả những ý niệm đó chưa đủ cho con  quyết tâm theo đuổi, vun vén, cầu xin cho có được một Hạt Cải viết Hoa  sao ? Hình ảnh " hạt cải" nói lên tính chất rất nhỏ bé, là Chúa muốn khích lệ con cố gắng lên đó.
Khi ngắm thiên nhiên đẹp tươi, kỳ vĩ, con thấy Chúa.
Mỗi sớm mai, trong bình minh chói ánh mặt trời và sau ráng chiều, màn đêm ẩn hiện ánh trăng tuyệt diệu với ngàn sao lấp lánh, con thấy Chúa .
Ngay cả những trưa hè nóng bức, con cũng có thể theo chân thánh Phanxicô thành Assisi đi dạo và ca hát với thiên nhiên và thấy Chúa.
Con cũng đã thấm nhuần chân lý mọi sự là phù hoa, biết rành chỉ một Chúa vĩnh cửu trường tồn.
Con vẫn khoe con được hiện hữu trên đời này, được làm con Chúa, thật là một hồng ân tuyệt vời lớn lao.
Con ở trong hàng ngũ những người tin đấy cơ.
Vậy, Hạt Cải của con đâu ? To ngần nào ? Nảy mầm đến đâu rồi?
Có, con có một hạt cải nhỏ.
Vậy bỏ ra cho mọi người xung quanh xem !
Đã gieo vào đất chưa hay còn để khô queo trong túi nhỉ ?
Lạy Chúa, con sợ nó.... còn đây :

ht.

Thứ Hai, 2 tháng 9, 2013

TRÚNG LÔ AN ỦI

Hôm nay thật là một ngày đáng chán, soi gương chắc mặt mình giống như mặt con vật xấu xí này. Loài cá blobfish có khuôn mặt rầu rĩ đáng thương và đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng. Blobfish sống dưới độ sâu 800 m ở khu vực vùng biển phía đông nam Australia. Cơ thể của blobfish lúc nào cũng phồng rộp lên. Nó có một cái đầu và một cái mũi rất to, cái miệng trĩu nặng xuống, chính vì vậy mà nhiều người đã gọi cá blobfish bằng một cái tên khác là “cá buồn rầu”.
Blobfish buồn vì loài nó sắp bị tuyệt chủng.
Còn mình chán vì sao ?
Biết lý do mà không nói.
Nói mà làm gì khi ai cũng biết.
Ai cũng biết cả thì nói cho ai nghe.
Ai cũng nghe hết rồi  thì nói làm gì.
Nói làm gì vì có nói mấy cũng không đủ.
Nói không đủ thì không nói, nhất định không nói.
Nhưng chán mà không nói thì ai biết mình chán.
Không cần  ai biết bởi vì ai cũng chán.
Đời còn biết bao người vừa chán, vừa buồn, vừa khổ, vừa đau.
Cái chán của mình có là cái gì mà than.
Nào phải Quảng Ninh, tất cả các quê, quê nào cũng đang than, đáng than.
Than nhiều quá, thương quá.
Thôi đừng than nữa, chán thì chịu lấy, buồn chịu lấy.
Mình còn sướng hơn tỉ người.
Ờ mà sao hôm nay nghĩ chán thật, chả muốn làm cái gì.
Bao nhiêu bài hát đang cần kiểm, chỉnh, chụp, đăng, không vào việc, cứ loanh quanh.
Lễ lạc gì !Không thấy một mảy may nào gọi là "mừng" cả.
Sáng nay đi chợ về, đang đi ngang qua chú kia, chú kia gặp người quen là một chú công an nọ.
Chú kia reo a, hôm nay lễ, bận đồ.
Chú nọ mặt vô cảm, ý cũng chả vui gì với bộ đồng phục màu cứt ngựa mới toanh ta loanh.
Mình bật cười hấc hấc.
Thôi, cũng có cái để gọi là không mừng thì cũng dzui dzui.Coi như trúng lô an ủi.
(Bài mang tính cách cá nhân đó nha mấy chú em. 72 đâu có cấm cười !)

Dzui dzui!

Chủ Nhật, 18 tháng 8, 2013

LÀM QUEN ANH GIAI


A lô . Chào nhạc sẫy,
nhạc sẫy có biết em là ai không ?
(-Không.)
Không à, thế nhạc sẫy có biết tại sao em lại có số điện thoại của nhạc sẫy không ?
(-Không.)
e he he he,
em xin thưa với nhạc sẫy ngay từ đầu là em rất mến mộ nhạc của nhạc sẫy. Ước mong có ngày diện đối diện với nhạc sẫy để em có thể mi nhạc sẫy một cái tỏ lòng hiếu ...khách. Nhạc sẫy có biết không, em quen rất nhiều các nhạc sẫy  khác, nhưng em chỉ để ý đến mỗi nhạc sẫy thôi. Hôm Lễ giỗ linh mục nhạc sư Tiến Dũng em đã mong  nhạc sẫy đến dự, nhưng hôm ấy người sao mà đông quá, em làm sao biết mặt nhạc sẫy, em bảo thôi để chờ tí hỏi thăm Minh Tâm. Vừa quay qua quay lại không thấy bóng dáng người đâu nữa. Kỳ ghê nha, em chạy ra hỏi anh Ca Trưởng kia xem có nhìn thấy nhạc sẫy đâu không chỉ cho em, anh í bảo cũng vừa thấy đây, thôi gọi điện thoại đi, rồi anh í cho em số của nhạc sẫy. Đấy, em có số của nhạc sẫy là thế đấy, nhưng mà giận lắm thì thôi, tại sao nhạc sẫy lại tắt máy ? Nhạc sẫy phải mở điện thoại để đón nhận chân tình của các fan hâm mộ chứ.
Nhạc sẫy,
Em nói nghe, em rất đàng hoàng, từ trước giờ em không có làm quen với nhạc sẫy nào đâu nghe, kể cả các cha luôn. Xuân Thảo không, Kim Long không, Mi Trầm không, Nguyễn Duy càng không, nhạc ông ấy không hát được. Vũ Đình Ân em biết, hói hói chứ gì, chỉ huy trưởng đấy, có lần biểu diễn đánh Kiều nổi tiếng luôn ấy phải không ? Thế Thông thì em quen quá, vợ là Khương Huệ chứ gì, đánh nhịp chứ gì. Trước nhà em ở cùng xóm đấy, bây giờ em chuyển vào Saigon rồi, muốn nổi tiếng phải vào thành phố, nhạc sẫy nhể.  Nhạc Phanxicô thì em hay hát đấy nhưng người anh í trông ...củ mỉ cù mì quá, khó làm quen, hoạt bát lên cho đời nó yêu, em có nhận xét thế, nhạc sẫy đừng nói lại kẻo anh Phanxicô anh í buồn.  Em thì nghe bạn em nó bảo nhạc sẫy mới là người dễ chịu, dễ mến, em e he he , em muốn bắn một phát...., e he he.
(- Tôi đang bận. Xin lỗi, lúc khác nhé.)
Thế ạ, bận ạ. Dạ, em nói tí này. Nhạc của nhạc sẫy nói ngay là em cũng chỉ hát được mỗi bài, bài gì về Mẹ ấy nhỉ, bài linh mục Tiếng hát cho người nghèo hát í mà, à Khúc hát dâng hoa. Gớm cha Nguyễn Sang hát ướt nhỉ, về sau Mai Thiên Vân thu lại bên Thúy Nga Ba -di-bai-nai đấy,ngọt, hay vô cùng tận , nhạc sẫy đã nhận được tiền bản quyền sáng tác chưa ?
(- Thôi nhé.)
Hãy khoan, nghe em nói tí đã, hôm nào....
 (Cúp máy).
Hình như nghe tên, ém tưởng mình là .....anh giai.
Đừng nói nữa em ơi, xin đừng nói nữa mà làm gì !...

Thứ Bảy, 17 tháng 8, 2013

MUÔN TÂU BỆ HẠ -5-

BỆ HẠ THAM SÂN SI
Đã hơn hai tuần nay không vào chầu, xa cách, thần nhớ Bệ hạ wá. Bệ hạ hiểu cho tình cảm con người ta, không nói ra không phải là không nhớ. Thần tuy không xoen xoét cái miệng Ai -lơp- iu, Ai-mít-iu như nhiều người, nhưng cái bụng thì liu kĩu nhiều chuyện về Bệ hạ, Bệ hạ có biết tại sao không ? Chả phải tại nhớ nhung vương vấn gì đâu, mà là vì Bệ hạ hư lắm, Bệ hạ chơi xấu, Bệ hạ quá quắt. Những cái thần phiền muộn Bệ hạ cũng là những cái Bệ hạ làm cho dân tình ai oán, nhưng có ai dám nhận xét, gửi còm-men ? Chỉ có thần mới liều mạng vì những kẻ trên răng dưới í như thần thì biết sợ là gì ! Kể từ khi thấy được nhân đức của Đức Thánh Cha Phanxicô nổi bật ở sự khó nghèo thì thần lại càng bạo dạn, hùng dũng, mạnh mẽ trên bình thường để hăng tiết vịt mà nhận xét về Bệ hạ, vốn là ngôi sao chói lòa trong mắt dân ngu cu đen, nhưng nói thật chả là cái đinh trong mắt thần. Thần không là thần, thần không hơn ai, thần cũng chỉ là một trong muôn muôn thiên hạ hèn kém, nhưng ! Cuộc đời  gay cấn ở chữ "nhưng" đó Bệ hạ. Nhưng vì thần là cái đứa nỏ mồm, không chịu nổi những tai ngược, những tham sân si trong tăng giới nên đụng chuyện là thần nói toạc móng heo ra hết, chả sợ gì.
Bệ hạ ơi,
cuộc trần ai như gió thoảng như mây bay như bóng câu qua cửa sổ, tout est vanité, Bệ hạ có nhớ không, sao còn ham hố bạc vàng châu báu ?
Ai bảo Bệ hạ cuỗm mấy ngàn đô của người bệnh HIV, để cho người đời họ chửi cho !
Ai bảo Bệ hạ giao kết với người giàu có, coi thường, mắng mỏ kẻ nghèo, để cho thiên hạ khinh chê !
Ai bảo Bệ hạ tổ chức Happy Birthday cho Hoàng Thái Hậu linh đình bảy ngày tám đêm sênh phách, trống chiêng ầm ĩ, bốn cửa thành dân tình mất ngủ rên kêu, trẻ con bỏ bú mẹ nhễu nhão Vọng cổ Teen, để cho phụ  huynh chúng la toáng lên kia !
Ai bảo chủ trương nghèo khó nuôi dân mà Bệ hạ sắm tặng Mẫu Hậu cái nhẫn kim cương 6.000 đô la Mỹ, để cho mấy bà bán trang sức ngoài chợ họ nhổ toẹt nước bọt vào chuyện Bệ hạ !
Được rồi, đã vậy Bệ hạ giương hai con mắt lên mà ngó nhá, xem cuộc đời 60 năm còn bao.
Chết rồi có mang theo kim cương xuống mồ không hở Bệ hạ ?
Chết rồi trang điểm với ai ?
Chết rồi đô la gối đầu a ?
Bệ hạ hãy lên mạng, gõ tìm của cải, lâu đài của Nguyễn Tấn Dũng, rồi gẫm xem, sau khi ông ta chết những vật chất ấy thuộc về ai ?
Bệ hạ cũng thế thôi.
Mong Bệ hạ suy cho chín, kẻo đêm nay đang ngủ, trúng gió cái đùng lăn ra cái oạch, miệng lưỡi cứng ngắc, ú ớ " Vàng ta dấu ở...mông, cất đi cho ta", chẳng có quân nào nó tuân lịnh đâu. Nó để cho Bệ hạ đi luôn. Thần cũng không thương nổi Bệ hạ, bao lâu Bệ hạ còn đầy tham sân si như thế.
Thần chỉ biết ghé tai Bệ hạ thì thầm : Còn một giây thì hãy ăn năn.
Chúa nhân từ thương xót nếu Bệ hạ biết cho đi từ sớm. Này kìa, quanh Bệ hạ, các cửa thành đang mở toang, Bệ hạ nhìn đi : Sinh, lão, bệnh, tử  đáng thương không ?
Cho người nghèo hết đi, rồi thần xin tặng Bệ hạ câu chúc :
Chúc Bệ hạ băng hà bình an vui vẻ. Khuyến mãi tấm ảnh sau đây :



Thứ Sáu, 16 tháng 8, 2013

"HAI PHƯƠNG TRỜI CÁCH BIỆT"


Theo tay rê chuột, những chú Hề lần lượt xuất hiện để làm vui cho tôi là chủ nhân của các chú. Hai màn biểu diễn đã thất bại, vì tôi không thể nở nụ cười lấy một lần, hình như có lúc còn mếu máo muốn khóc, và các chú buồn bã khóc theo. Những chiếc môi dày trét vôi trắng dã, viền son đỏ chót đang vểnh hai mép, chợt cụp xuống.
Có những lúc lòng sầu vô hạn, đó là lúc này.
Trong khi mắt tôi dán chặt vào câu chuyện đang gieo lo lắng, bồn chồn cho bao nhiêu người dầm mưa dang nắng để thắc thỏm đợi chờ một phán quyết vô lương, cho một người mẹ, cho hai  thanh niên mới chập chững bước vào đời, tất cả đang phải đối diện với những thế lực ma mãnh gian tà, ác độc ngu xuẩn và hèn hạ,...
 thì ở nhà hàng xóm, người ta, có người vẫn đang nhởn nhơ gõ trống, bung đàn hát ca.
Vô tư ! Ai chết mặc bay!
Những tiếng trống thùng thùng liên hồi nhịp vui làm quặn lòng tôi.
Những tiếng hát tung tăng theo điệu nhảy múa rập ràng xoáy vào tim tôi.
Những bài ca tấu hài xúc phạm tôi.
Vô tư ! Những con người vô tư ấy thật sung sướng.
Họ chẳng có gì phải lo. Họ trẻ trung, an vị, hồn nhiên vui sống, tự hào là những tâm hồn hạnh phúc.
Sáng nay họ lễ lạc.
Trưa nay họ tiệc tùng.
Bên ngoài biệt thự xảy ra những gì họ không cần biết. Có lẽ họ biết nhưng đó không phải việc họ.
Những lúc thế này tôi tự hỏi người ta định nghĩa và thực hành đời sống nội tâm hướng nội và sự xăng xái tham gia các hoạt động hướng ngoại như thế nào mà hầu như những người hiểu biết luôn tỏ ra kính nể người âm thầm xa lánh thế gian ? Những lúc thế này các bậc tu hành trong các chùa chiền, thánh thất yên vị được kể cũng hay, cũng tài. Huống chi còn kịch cọp linh tinh.
Tôi thì không thể.
11 giờ không nghĩ đến bát cơm trưa.
12 giờ không yên giấc ngủ.
3 giờ vội vã ngóng tìm nghe tin mới.
Đồng bào tôi ở chốn quan trường vẫn đang chống trả, chiến đấu.
Tôi đau cùng, lo cùng, khóc cùng...
Hai đứa cháu cương nghị mạnh mẽ đến bao giờ ? Chúng như hai chú chiên non lạc loài trong hang sói.
Ruột tôi thắt lại đợi chờ.....

Thứ Ba, 13 tháng 8, 2013

NGHĨ BUỒN BUỒN...

Bàn thờ do vợ con Việt lập.
NHT.: Ba ngày chuẩn bị mừng Lễ Đức Mẹ Lên Trời, người có Đạo quen gọi là Làm Tuần. Mình cũng làm Tuần. Hôm nay là Ngày thứ Nhất, đi Lễ tiếp tục cầu nguyện cách riêng cho Linh Hồn PHÊRÔ em trai duy nhất, kế mình, mất năm 1996. Hằng ngày, mình cố gắng thức dậy sớm đi Lễ sáng với 2 Ý : 
1. Cầu cho mọi người trong gia đình biết Chúa, biết Ơn Chúa.
2. Cầu cho các Linh Hồn : Ba : GIUSE ; chị Dung: MARIA; Việt : PHÊRÔ và DIANE là cháu Diane, vì không biết tên Thánh của cháu, cháu bị mất tích năm 12 tuổi, tại WA,Hoa Kỳ.
Lễ nào cũng cầu, lại nhớ đính kèm : Thân quyến, Ân nhân, Thân Hữu, Bệnh nhân, Tội nhân và những người chưa biết Chúa cùng là các đẳng Linh Hồn.( cha Hậu thấy con còn thiếu ai nữa hôn ?).
Ngày mai , 14.8, Giỗ lần thứ 17 của Việt, vậy cũng là làm Tuần trước ngày Giỗ em trai :

PHÊRÔ Nguyễn Quốc Việt (1954-1996)
Chúng con cậy vì Danh Chúa nhân từ
 cho Linh Hồn PHÊRÔ được lên chốn Nghỉ Ngơi 
hằng xem thấy Mặt Đức Chúa Trời  sáng láng vui vẻ vô cùng.
Amen.
Những khi nghĩ về sự Qua Đời của những người thân, mình thường buồn buồn.
Chị Dung chết bên Mỹ vì bệnh Homesick mãn tính.
Cháu Diane mất tích cùng một bạn gái, bao nhiêu năm police Mỹ chẳng điều tra ra, chỉ tìm được xác con bé bạn của Diane. Không tìm thấy Diane, đành cho là chết.
Ba và Việt chết ở VN. Ba chết vì thiếu thuốc và thèm cơm gạo trắng( 1978).
Việt chết vì hóa chất sơn guốc và vẽ quảng cáo (1996).
Đám tang Ba không được cha xứ cho đưa quan tài vào nhà thờ để làm Lễ An Táng.
Lý do của cha: "Tôi không thấy giáo hữu này đi Lễ ".
Đám tang Việt : Chuyển sang xứ Đạo bên.....
Nghĩ buồn buồn.....
Lần Hạt với Đức Mẹ thôi, Đức Mẹ ơi, :
Năm sự Mừng, 
thứ Bốn thì ngắm Đức Chúa Trời cho Đức Bà lên Trời, 
ta hãy xin cho được Ơn Chết Lành trong tay Đức Mẹ.



Thứ Bảy, 10 tháng 8, 2013

BÀ CÔ GIẬN DỖI

(Mến tặng các chị CMC)
Hỡi các chị CMC yêu vấu,
em gửi những nhời này đến các chị trong núc tâm trạng em đã bình tĩnh một tí dồi, chứ mà  lẫy, em rất giận, rất buồn, rất phiền nòng khi mở meo ra, chả có một cái thư lào từ các chị. 
Em hỏi các chị chứ, có ai trong chúng mình nà không biết chữ ? Ấy thế mà có ai thèm gửi i meo cho em lấy nửa chữ. Người ta thì "Bà già đã tám mươi tư, ngồi trong cửa sổ gửi thư cho chồng", em thì trinh trong, giàu tình cảm, ngày qua tháng lọ, em ngồi cửa sổ em mong thư các chị. Em mong nghe chuyện các con chị học hành đỗ đạt ra sao, đã có đứa nào sổ lồng cho chị nhờ chưa, còn quả bom nổ chậm nào trong nhà nữa. Em mong các chị khoe các cháu nội, ngoại các  chị biết làm những gì rồi, đi học lớp mấy rồi hay vẫn nhà trẻ, mẫu giáo, các chị có phải trông chúng không, rồi anh xã nhà các chị có khỏe không, còn hút thuốc lá trong phòng  không , còn nhậu không, còn văng tục không, còn lười rửa bát không. Nói chung là em rất mong tin tức từ các chị. Ốm thì cũng phải cho em biết. Bệnh gì, đi khám bác sĩ chưa , đường tiểu, đường bài tiết, tim đồ,ngực đồ, mũi dãi xét nghiệm hết chưa, bệnh viện nó bẩu làm sao, thì phải khai ra, chị em thương nhau, có gì giúp đỡ nhau .
Trong cái tuổi gần đất xa giời như chúng mình thế lày, các chị không niên kết với em bằng e mail, em không biết đâu mà nần. Điện thoại con nó cho xài thì phải biết tiết kiệm cho nó tí, chứ em chỉ a-nô 1 tiếng thôi thì ôi giời ôi, các chị tám mất mẹ nó cái thẻ nghe trăm ngàn của em. 
Em ...tiếc tiền, em không gọi nữa.
I-meo có tốn đồng nào đâu, tại sao không gõ cho em mấy chữ ?
Các chị lạ chưa, già dồi, về hiu thì chỉ quanh quẩn việc nhà, bận cái gì mà bận, con cái thây kệ cha chúng nó. Con ai người ấy nuôi, cháu các chị vứt về nhà cho bố mẹ nó nuôi, các chị không phải nuôi. 
Em giận nhất mấy con bà cô không chồng. Rảnh không hà, sao không đi học vi tính ?  Không chồng như em, các chị xem, còn biết gõ bờ lóc nữa đây lày. Ấy là em hạng bét đấy, ngu lắm, tối dạ lắm mà còn học sử dụng mạng được, không lẽ em quát các chị thế lày thế lọ a ? Các chị dốt thì cũng có các con các cháu các chị cơ mà, trẻ bây giờ đứa lào cũng biết vi tính hết. Các chị để ý xem, các chúng ngồi vào bàn là mình nghe tặc tặc tặc  tặc tặc tặc liên hồi,  mười ngón tay chúng múa, ối giời ôi sao mà thấy mê nuôn. Ấy, con cháu mình, các chị vưỡn a nô kể em nghe là a, cái Mí Mì Mi Mí Mì nhà mình nó đậu hai đại học một lúc, a, thằng cu Ré nhà tớ bây giờ thỉnh giảng trường bên Úc, a, a, a,....  thế sao không bẩu chúng chỉ cho cách giả nhời thư người ta gửi cho mình, hay cùng lắm là bẩu quan gõ cho mẹ cái meo, quan gửi cho mẹ cái ảnh, mẹ đọc quan giả nhời thư lày cho mẹ. 
Gớm, hôm nao, CMC Thúy Nga "đột xuất" gửi cho em mấy bức meo, bức lào bức ấy chan chứa niềm yêu thương, em vừa đọc vừa nước mắt nước mũi chảy ra lòng thòng, chùi hết nguyên cuộn giấy đi vệ  sinh, tay ôm ngực nghẹn ngào, nòng cảm động quá sức . 
Gửi meo thì có gì là khó đâu, chỉ lười. Em lói thật, em chúa ghét cái thói lười của các chị.Ghét lắm.
Em giận lắm. Em muốn dỗi hờn đây. 
Các chị mà lười gõ meo, em cũng chả thèm gửi nữa đâu, gửi có ai thèm hồi âm cho mình mà gửi!
Em im nặng, em nàm thinh cho mà xem. Tục gọi nà "Cơn bà lên" đấy.
Nhá, kể từ lay nhá, chị lào gửi thư cho em, em mí giả nhời, phải gửi riêng cho em cơ, em mới chịu.
Phải bắt đầu thế lày : Hải Triều yêu vấu,.
 Thế, em mới không dỗi .
Đây, em bắt đầu dỗi đây.
Trước khi dỗi, em gửi các chị xem mấy tấm ảnh sau đây làm gương. Các chị chịu khó bắt chước các bác gái lày, em  trông em thèm nắm cơ, em đang cố gắng trở nên tân tiến giống các bác í , lúc ấy em thưa các chị, mình có quyền vênh váo với hàng con cháu, chúng mày xem bà giỏi chưa. Hahahaha!

Làm điếu thuốc lào nâng cao sức khỏe
Bà Ngoại đua xe
Trông người ta tình chưa !
Bà Nội và xe tay ga
Trả lời thư fan hâm mộ
A-nô, thôi nhá, các cháu mình nó sắp về gồi.
Kha kha kha, bà ở bên thắng cuộc nhá.
À , không đùa đâu, em bắt đầu dỗi đây.
HT.

Thứ Ba, 6 tháng 8, 2013

GIẦY KHÔNG LẤM BỤI

Mỗi lần nghe bạn bè  nói vui  rằng các cha đọc lời khấn khó nghèo, còn giáo dân thực hành lời khấn ấy, tôi mỉm cười nhủ thầm thật đấy không đùa đâu.
Không đùa đâu, nghĩa là tôi cũng đồng ý chút chút, nhưng trong thực tế tôi biết có những nhà tu sống khó nghèo thực sự. Tôi rất mến những linh mục, tu sĩ sống đời sống đạm bạc đơn sơ giản dị trong cách ăn mặc, trong ứng xử, trong lựa chọn và nhất là trong sự bỏ mình.
Khó nghèo là một nhân đức, hay nói nhẹ nhàng là một đức tính từ bỏ dễ mến, đáng phục. Không chỉ có ở các bậc tu trì mà còn có thể nhìn thấy ở mọi người. Tiếp xúc với người đối diện, thoạt tiên ta chưa thể nhận ra đức tính này ở họ, nhưng nếu gần gũi, sống chung, chắc chắn ta sẽ thấy người khó nghèo lộ ra nhiều điểm mà tôi gọi là hữu xạ. Hữu xạ tự nhiên hương. Đóa hoa tỏa hương không phải vì ta xức dầu thơm cho nó. Người có đời sống khó nghèo dễ nhận ra. Tôi sẽ chỉ cho bạn bí quyết tìm ra đức tính khó nghèo nơi người đối diện.
Nhưng trước hết, xin nói trước là bài viết này chỉ hạn chế trong giới hạn ngắm nhìn nhân đức khó nghèo nơi các tu sĩ thôi. Tại sao ? Tại vì người nghèo trong đất nước Việt Nam quá đông, đông gấp nghìn lần quân Nguyên, cả tỉ trường hợp nghèo khó, làm sao tôi có thể nói tóm được.
Vậy chỉ có thể xúi bạn dòm vào một đơn vị nhỏ là bậc khấn dòng, tức đội quân truyền giáo ưu tú của Giáo hội.
Đừng sốt ruột, cách của tôi rất thực tế :
1. Đứng trước một tu sĩ,  nhìn vào "người", trước tiên bạn có thói quen nhìn vào chỗ nào, cái gì trên con người của "người" ? Xin trả lời ngay : ĐÔI DÉP.
Ô, tôi khá bình dân đấy nhỉ, thời nay các cha, các xơ ai mà đi dép. Vâng, thì giày hoặc xăng - đan vậy, bạn hãy liếc mắt vào đôi chân của "người", thấy ngay giàu - nghèo ở đôi giày, đôi xăng-đan đó.
Là tôi không kể đến sự điệu đàng, tính làm dáng, thói phô trương, đua đòi, chơi trội là những thói đời , không  thể có ở tu sĩ , không thể lôi cuốn người đời đi theo, nếu người đó mong tìm thấy Thiên Chúa .
Một lần, tôi bắt gặp đôi chân của một linh mục coi xứ trên cao nguyên, về thành phố họp và tôi kết luận, đây chính là đôi chân người truyền giáo : Đôi dép nhựa nhuộm màu đất đỏ, hai gót bị vạt mòn, một bên quai được cột thêm dây cột đồ cho chắc hoặc là nối đoạn quai đã bị đứt.
Người truyền giáo phải sống nghèo khó như thế đó bạn ơi. Dĩ nhiên tôi biết, nếu tôi để dép đứt quai là gây chậm trễ, phiền hà cho người anh em đồng hành với tôi, anh chị em ấy sẽ phải dừng bước, tìm cách giúp đỡ tôi sửa lại quai dép, nhìn tôi đi thử vài bước, xem vá víu như thế đã ổn chưa, có đau chân không v.v....nhưng tôi tin Chúa không tính chiều dài hay thời gian đoạn đường chúng tôi đi giảng đạo.Chúa tính tình yêu. Chúa nhìn vào sự chúng tôi lo lắng cho nhau. Nếu quai giày của tôi bền chắc, làm sao tôi thấy được  sự săn sóc của người bạn đi cùng ?
Từ hôm nay, đi đến đâu, nếu có gặp các cha hay các xơ, chúng mình cúi xuống nhìn kỹ xem các ngài đi dép (à không, ai lại sỉ nhục tu sĩ thế,đi giày cơ, đi xăng đan cơ) loại nào nhé. Có lấm bụi đường không nhé.Có mòn vẹt gót không nhé.
Đức Khó Nghèo nằm ở những hạt bụi đường đó bạn.
Nhân đức tu sĩ nằm ở đôi gót giày đó bạn.
Không đúng a ? Thế sao các cha vẫn giảng giáo dân ơi,hãy nhớ ngươi là bụi tro, một mai ngươi sẽ trở về bụi tro ? Toàn thân là một cục đất to mấy chục kí lô thì xấu hổ gì khi đôi giày dính bụi ? Đức Thánh Cha khuyên hãy ra đi, nhưng  xin thông cảm cho con, giày mới mua, đi thấy tiếc.
Dạ thưa, ngại ngùng tiếc xót thật, nhưng chính đôi giày luôn mới toanh, hàng hiệu đắt tiền láng coóng, a la mốt, mới làm cho người tu sĩ mang chúng phải lấy làm hổ thẹn.
ht.

Chủ Nhật, 4 tháng 8, 2013

CHIẾC ÁO DÒNG


Bất cứ một tu sĩ nào, dù nam hay nữ,  khi khoác lên người chiếc áo dòng, trông vẫn ....đẹp hơn là khi mặc y phục thường. Áo dòng có nhiều màu : đen, trắng, xám, xanh, nâu, thậm chí đỏ chói, tu sĩ mặc y phục dòng nhìn luôn tốt lành, thánh thiện.
Ngày nay, người đi tu không chỉ sống trong nội vi tu viện. Việc chăm chú chắp tay cầu nguyện suốt ngày, hết buổi kinh này đến buổi kinh kia trong nhà thờ không nói lên được tất cả tinh thần truyền giáo của Chúa.Phải ra đi, sống giữa lòng đời, lao động, dạy dỗ và dẫn đường cho đàn chiên.
Cho nên các cha, các thầy, các xơ chỉ mặc áo dòng trong lễ chung hay trong các dịp hội họp cần phân biệt dòng hay cần đại diện cho dòng. Ngay  trong các giờ kinh phụng vụ trưa, chiều, tối, tu sĩ cũng có thể được phép mặc áo ngắn, tùy luật nhà dòng. Vì lý do hoạt động tông đồ cần nhanh nhẹn, gọn gàng, tu sĩ càng không bị gò bó trong những chiếc áo thụng thùng thình.
Dù mặc áo dòng hay không mặc áo dòng , tu sĩ vẫn là tu sĩ, người yêu của Chúa Giêsu, người tình nguyện khấn hứa với Chúa và với Bề trên ba lời Khấn lý tưởng mà người đời không buộc giữ. Cho nên mới gọi đời tu là lý tưởng cao vời. Con đường tu trì là con đường không mấy ai muốn đi.
Chiếc áo dòng, theo ý nghĩa đó, là biểu chứng, là sự nhắc nhở người đi tu luôn nhớ mình phải sống vâng lời Bề trên, sống trong sạch và sống khó nghèo.
Một nữ tu đã viết bài " Tôi và chiếc áo dòng" (tại đây) trình bày những bất đồng và những đồng ý với câu nói  "Chiếc áo dòng không làm nên thầy tu": "Tôi không hoàn toàn đồng ý và cũng không hoàn toàn phản bác câu nói này". Câu nói quá quen thuộc, có lẽ ai cũng hiểu, ai cũng có thể nói lên 3 điều đồng ý và 3 điều phản đối  như xơ phân tích vấn đề trong bài viết, xin tóm tắt ý xơ như sau :
Câu nói có lý :
1. Bản chất tu sĩ vẫn trong sạch, vâng lời, khó nghèo, dù không khoác áo dòng.
2. Tu luật không bắt tu sĩ mặc áo dòng.
3. Có dòng không có tu phục.
Câu nói không đúng :
1. Tu phục là dấu chỉ sự thánh hiến và nhân chứng của sự nghèo khó.
2. Giúp cho người khác biết mình là tu sĩ.
3. Tỏ cho mọi người biết mình thuộc về Thiên Chúa.
Tôi tán thành câu xơ phát biểu :
"Tu phục không chỉ là dấu chỉ tôn vinh Thiên Chúa mà thôi, nó còn nói lên sự từ bỏ và lối sống nghèo khó của người bước theo Đức Kitô trên hành trình dâng hiến",
 nhưng có một vấn đề, không biết phải đặt vào đâu khi bàn về câu nói quá quen thuộc này, trong bài của xơ, tôi không tìm thấy, nhưng hình như nó có liên quan tới hai số 1 ở trên thì phải. Xin thử đưa ra, mong được sự hướng dẫn, giải thích của quý tu sĩ là những người con Chúa yêu dấu cách riêng, một đời khoác chiếc áo dòng cao quý và như vậy, chắc chắn phải chịu trách nhiệm về tư cách đạo đức của mình với danh nghĩa là  linh mục, tu sĩ của Chúa..
Xin thưa :
- Bản chất tu sĩ trước hết là bản chất con người. Con người tự bản chất không giữ 3 lời khấn của tu sĩ .
- Tu phục là dấu chỉ sự thánh hiến và nhân chứng của sự nghèo khó, nhưng tu sĩ không luôn sống thánh thiện và có những tu sĩ mà sự giàu có thì không chịu thua ai.
- Tu sĩ giả ( mặc áo dòng ngày đêm)  thì không thuộc về Thiên Chúa.
 Như vậy, chắc chắn chiếc áo dòng không phải là điều kiện bắt buộc phải có.
 Thế còn TINH THẦN TU ?
Cụ thể là người tu sĩ mặc áo dòng mà trong lòng bức bối với Bề trên vì phải vâng lời, thì chiếc áo dòng có ý nghĩa gì ? Mặc áo dòng mà tình cảm nặng tính thế tục thì chiếc áo dòng có ý nghĩa gì ? Và sau cùng, gây ra nhiều gương ...tối giữa đời , là mặc áo dòng mà thích sống vương giả, giàu có, thích ăn ở sang trọng, xài đồ tiện nghi, tân thời, thì chiếc áo dòng có ý nghĩa gì ?
Theo tôi, TINH THẦN TU cao cả và cần thiết hơn hết.
TINH THẦN TU biểu lộ rõ ràng qua đời sống hằng ngày của một tu sĩ,  chiếc áo dòng không là cái gì cả.
Câu ngạn ngữ nổi tiếng này có ý đó.
Phần tôi, vẫn yêu chiếc áo dòng của Tu sĩ mà không cần bàn luận.
ht.

Thứ Sáu, 2 tháng 8, 2013

MẶT NẠ TỪ BI


Tôi muốn người hãy tháo ngay chiếc mặt nạ xấu xí đáng xấu hổ ấy ra.
Khuôn mặt người trái soan, nước da người trắng, sống mũi người cao, đôi mắt người tròn to, đen nhánh, đôi môi người chỉ thốt lời thơ êm, người như thánh đẹp trong mắt mọi người.
 Tại sao người đeo mặt nạ ?
Có phải bây giờ thấy bạn bè nổi trội, hãnh tiến, người cũng đua đòi ?
Có phải bây giờ cần nhiều chi phí cho cuộc sống riêng nên người tìm cách kiếm chác ?
Có phải người mồ côi vất vả ?
Không, chẳng tại cái gì. Tôi nghi người bởi lòng tham mà ra.
Người bảo người từ bi từ thiện, người cứu giúp cô nhi quả phụ, vậy chứ ai cần ?
Người có một muốn hai, có hai muốn mười, bao giờ cho đủ ?
Người than van năn nỉ, người bòn mót, tích góp, rồi ngồi ngắm của.
Trước đó, người đeo mặt nạ vào.
Như thể nghệ sĩ chuẩn bị lên sâu khấu phải tô vẽ phấn son cho ra vẻ, nhân vật của người đóng vai nghèo khổ, bệnh tật, đói khát. Nếu không được xót thương, người sẽ gục chết.
Khán giả là đồng loại, ai nấy xót xa, một tấm lòng dủ thương chia người tấm áo.
Ngây thơ, quảng đại, họ đem cho người nào thuốc nào băng, nào bánh nào sữa.
Tất cả những gì gọi là chia sẻ chân thành ấy được người đáp lại bằng sự giả dối không ngờ, người che khuất mặt thật bằng tấm bìa vẽ miệng cười buồn bã, hai mắt cụp xuống tang thương. Người than còn thiếu, người quen của người còn thiếu, người cần giúp đỡ, ai có thương cứu giúp người cùng, giúp đâu cũng là giúp, xin giúp người.
Thực ra người đã có cơ ngơi to lớn, người đã có người hầu cơm bưng nước rót, người là con nhà giàu cơ mà.
Nhưng người tham đó thôi. Người muốn làm trượng phu cứu nhân độ thế, người muốn làm vị ban phát hào phóng lừng danh khiến mọi người kính nể cúi chào .
Phải, cái danh nó cám dỗ người rồi, cái tờ giấy xanh nó làm cho người đứng ngồi không yên, người phải tính toán, người phải ra đi kiếm tìm.
Người ơi, ai khiến người  ngược xuôi vất vả ?
Hãy nhìn lại và sống thật đi thôi, khoác áo từ bi mà lòng tham vô đáy hèn lắm ạ , người đời khinh cho.
Đừng đeo mặt nạ nữa, cái mặt nạ là một thứ cải trang dành cho nghệ sĩ trên sân khấu thôi, khi rời vai kịch, nghệ sĩ ấy sẽ sống thật chứ đâu có mãi là vua hay lính ? Thưa người, phải chăng người là kịch sĩ ? Không có đâu ! Kịch sĩ mà đóng dở thế a ? Nếu trung thực, người hãy để mặt mộc, mặt thật có mốc cũng chẳng bị ai cười, sống với mặt nạ nhếch nhác xanh đỏ nhìn tởm lợm lắm. Huống chi người, một thôn nữ thánh thiện đơn sơ, vì tham bòn mót, đeo chi cái mặt nạ giả bần cùng đi ăn xin ? Hoài lắm người. Ngừng thôi người, hỡi nhà từ thiện đáng thương !
HT



Thứ Tư, 31 tháng 7, 2013

CPCĐ 18 :MUÔN TÂU BỆ HẠ -4-


BỆ HẠ NGHĨ SAO ?
Khi bàn về vấn đề Nhạc-Lễ là lúc thần giận Bệ hạ lắm thì thôi. Giận nhất luôn.
Làm sao á ta, cứ như Bệ hạ là gỗ, là đá không bằng, Bệ hạ không có tâm hồn nghệ sĩ gì hết trơn. Mà nào thần có nói gì đến những loại nhạc cao siêu, hàn lâm, gây khó cho Bệ hạ đâu. Thần cũng không đòi Bệ hạ phải giỏi nhạc lý, giỏi xướng thanh, biết đánh nhịp hoa mỹ như các vị  học trò nhạc sư Hải Linh. Còn Nhạc-Lễ là đương nhiên Bệ hạ phải rành. Bệ hạ không rành Nhạc-Lễ , Bệ hạ làm vua làm chi, không lẽ làm vua chỉ để ngồi trên ngai vàng quát tháo và sai quân thiết tiệc ăn nhậu thôi sao ? Riêng về Nhạc thì từ nhỏ, Bệ hạ cũng phải được giáo quan dạy cho ít là bảy nốt rồi chứ, lại hằng ngày Bệ hạ là vua mà không tế đàn tạ ơn Đức  Chúa Thượng Thiên tối cao, thử hỏi chúng thần ai được phép làm việc này ? Đó, Bệ hạ thấy thần phân tích vấn đề minh bạch không? Bệ hạ đừng có cãi, thần nói thật, thần thấy Bệ hạ lười biếng việc triều đình lắm, nói vậy hơi quá, chứ mà người toàn đổ công đổ bạc lo chuyện gì, xây thành xây lũy cho cao làm chi, có đâu trộm đạo giặc thù viếng lắm mà sợ, hay chỉ để lưu danh cho đời ? Ôi, phù hoa, thảy đều phù hoa, Bệ hạ chưa chết có khi tường thành này đã được trao vào tay vị vương khác, biết bao gương tày liếp mà sao Bệ hạ hám danh làm gì, .
 Trong khi đó, ban Nhạc Lễ trong triều quá ư thiếu thốn, khát khao học hỏi, tìm hiểu về ngành chuyên môn, mà không có nhạc sư hướng dẫn.
 Bệ hạ không yêu âm nhạc thì để thần dân yêu.
Bệ hạ không ca hát thì để chúng thần ca hát.
Chúng thần thèm ca hát, nhảy múa lắm.
Đứng trong trời đất, chúng thần sẽ ca hát say sưa những lời thánh thiện tốt đẹp nhất trần gian, sao cho lương dân cảm nhận ơn Đức Chúa Thượng Thiên thương mọi người trần thế, cho mây bay gió thổi, cho mưa sa nắng gắt, cho  mặt trời sáng soi, cho trăng thanh vằng vặc, cho suối nước trong veo, cho tất cả vũ trụ càn khôn, cho cả sự chết đến đem họ về trời.
Như thế Ca Hát trong triều quả là một sứ mạng cao cả lắm thay, phải không Bệ hạ?
Vậy xin hỏi nè : Sao hồi nào tới giờ, Bệ hạ không khuyến khích , không nâng đỡ, không thăm nom, hỏi han dàn Nhạc Lễ một lần cho các vị ấy đỡ tủi ?
Sao vậy ? Đừng để dân tình truyền khẩu "Bệ hạ hãm tài" nha !
Nói chi vòng vo vô ích, Bệ hạ khô khốc sao hiểu, vậy phải nói thẳng ra thôi. Hôm nay thần xin dâng một đề nghị : Bệ hạ làm ơn ra chiếu chỉ rước nhạc sư về triều dạy cho dàn Nhạc Lễ về môn Phụng Ca.
Được không Bệ hạ ? Không được à ?  Không dài lâu thì một khóa thôi.
Được không Bệ hạ ? Không được à ? Không một khóa thì một buổi thôi.
Được không Bệ hạ ?
 Bệ hạ nhìn xem, quanh đây chí ít cũng có một, hai tiểu quốc, tuy quốc vương ở đó không hẳn là xuất thân từ viện hàn lâm, bác học gì nhưng ông có tâm hồn mến yêu Nhạc Lễ, nên đã từng thỉnh mời các bậc tài ba về triều đình giảng huấn về Phụng ca, rất ích lợi và lý thú, khiến cho dàn Nhạc Lễ của họ khởi sắc nhanh chóng. Một lần, rồi lại mời lần nữa, lần nữa, ca công nghe nhiều, thấm đẫm tình yêu nghệ thuật Thánh, thể hiện nghệ thuật ấy qua đời sống thực tế, con dân đất nước mà Bệ hạ đang trị vì đây được lên tinh thần, cuộc đời  hướng thiện, tốt lành, đất nước mình đẹp đẽ biết bao. Bệ hạ thực hiện điều này, thần cam đoan các tiểu quốc láng giềng sẽ noi gương Bệ hạ hết thảy.
Vậy Bệ hạ nghĩ sao ?
Trong khi chờ đợi quyết định của Bệ hạ, thần xin cúi đầu đa tạ Bệ hạ đã lắng nghe thần tâu chuyện. Nhân đây, thần xin gửi tới Bệ hạ một audio ngắn 5 phút , thu được từ buổi nói chuyện về Phụng ca của quan Tiến Lộc dành cho các ca công trong triều đình, với chủ đề Ngôn sứ hát ca. Quan đây nổi tiếng tính tình vui vẻ, chịu đi, chịu nói, Bệ hạ cứ rước về triều giảng dạy, của Trời ban sao ta  không hưởng !
Bệ hạ nghĩ sao ?
HT
Bài liên quan : (tại đây)


MUÔN TÂU BỆ HẠ -3-

tranh minh họa

BỆ HẠ QUÁ QUẮT
Tại sao Bệ hạ ép tài xế uống rượu ?
Tại sao Bệ hạ đánh vào đầu khách đến nhà ?
Tại sao Bệ hạ không hỏi han cho biết vì sao người đó không uống ?
Tại sao Bệ hạ mày tao chi tớ với khách lạ: Mày phải uống với tao ?
Tại sao Bệ hạ vô văn hóa như thế ?
Tại sao Bệ hạ lè nhè ?
Tại sao Bệ hạ không nhận ra sai lầm ?
Tại sao Bệ hạ không biết gì ngoài nhậu ?
Tại sao Bệ hạ quá quắt vậy ?
Bệ hạ có biết rằng hôm ấy bác tài đã nhận định thế nào về Bệ hạ không ?
- Bác ấy lẩm bẩm bên tai thần rằng : Đây không phải là chính nhân quân tử. Vua dỏm !
Bệ hạ có biết sau đó bác tài xử sự thế nào không ?
- Mới ngồi vào tiệc, vừa gắp ăn được 1 miếng chả, bị Bệ hạ cú đầu, đòi cụng ly, bác ấy đã đứng lên bỏ ra ngoài.
Bệ hạ có biết sau đó ra sao không ?
- Sau đó thần phải lẽo đẽo theo ra xin lỗi bác tài. Thần nói xin thông cảm, thế gian có người này người kia.
Bệ hạ có biết bác tài trả lời sao không ?
- Bác ấy im lặng, nét mặt đầy muộn phiền.
Bệ hạ có hiểu không ?
- Im lặng này là sự khinh bỉ đấy.
Bệ hạ nhìn quanh đi, bao nhiêu tiểu quốc, nếu vua nào cũng xấu tính như Bệ hạ thử hỏi thiên địa sẽ ra sao ?
- Ông Trời chịu không thấu  đâu. Đất cũng nổi tam bành cho coi.
Thế Bệ hạ có biết cái người mà Bệ hạ đánh lên đầu đòi nhậu  đó là ai không ?
- Người ta là con Phật đó.
Than ôi, thần xấu hổ vì Bệ hạ vô cùng. Bao lâu Bệ hạ còn nhậu nhẹt bí tỉ, thiên hạ còn phải đan rổ che mặt đó Bệ hạ ơi. Dân tình trong Tiều quốc của Bệ hạ thật đáng thương! Sao họ hiền lành đến thế, đúng là dân quê xóm Đạo ?
HT

BUỒN QUÁ CHÚA ƠI !

Đứa bé thẫn thờ nhìn theo hai vợ chồng trẻ, người chồng ôm đứa con nhỏ được bọc khăn kín mít, người vợ bận cáo áo kiểu màu vàng, tay níu áo chồng, tay run rẩy vuốt đầu đứa con, nước mắt tuôn tràn, có lúc chị khóc lặng không ra tiếng. Chị thương đứa con nhỏ vừa chào đời đã lặng lẽ lìa đời sau một mũi tiêm của bệnh viện. Anh chị lủi thủi ôm xác con về, chẳng biết kêu cứu ai. Mọi người xót thương nhưng bất lực. Kia, cùng lúc có hai gia đình nhỏ nọ cũng đang khóc con. Bà con phẫn nộ la hét. Bệnh viện lặng im, sếp lặng im, lặng im hết. Đứa bé cũng lặng im, vì nó chẳng làm được gì hơn ngoài sự im lặng, nhưng nó thấy hết.
Nó thấy rõ nỗi khốn cùng của kiếp người không được cất tiếng nói. Con chết mà không biết kêu tới ai, không ai chịu trách nhiệm, họ trốn hết rồi.
Nó đang suy nghĩ miên man, không biết ngày mai còn thêm bao nhiêu em bé sơ sinh chết oan như thế này nữa ? Nó cảm thấy ngộp thở khi rời hành lang bệnh viện. Nó sẽ thà chết vì bệnh, không cho bác sĩ chích, chích là chết chắc.
Hôm qua nó đã phải bịn rịn nhớ nhung khi víu chiếc nón lá trên đầu bước ra khỏi sân trường, lớp học thân thương, nơi đó nó biết nó có chuyên cần chăm chỉ, lắng nghe thầy cô, thi không gian lận, cũng sẽ chẳng được gì vì điểm không dành cho nó. Điểm tùy vào bộ giáo dục. Nó đành xa bạn xa trường, sẽ không đi học nữa, học làm gì ?
Nó nhìn sang bên kia đường. Bên ấy có một nhóm người tụ tập, hô hào, nghe nói là biểu tình. Biểu tình để làm gì ? Biểu tình được cái gì ? Ông Bảy xe ôm thấy nó cứ đứng trơ một mình, giữa đường phố đông ken, nó lạc loài bất động, liền cất tiếng kêu lại, sao, mày muốn biểu tình không, được tiền đó con.
Nó thảng thốt nghe chữ tiền lạnh và bẩn. Không thèm.
Sao bây giờ người lớn cái gì cũng nói tiền, tiền. Nước mình, dân nghèo chết mẹ cho nên bây giờ ai cũng hám tiền.Vậy chứ bên Mỹ cũng có biểu tình đó, người mình bên Mỹ giàu, mắc mớ gì họ phải đi biểu tình ! Ông Bảy giỡn sao á chớ ! Xấp nhật trình trong tay đăng toàn tin phát ớn, phát ói, nó không muốn tìm hiểu thêm vấn đề. Nó thích nghe lỏm chuyện mấy chú xe ôm hơn. Mấy chú nghèo mà sao giỏi quá, gì cũng biết, phân tích sự việc nghe có lý có tình, mấy chú đâu có ngu như mấy người làm bộ này bộ nọ phát biểu mắc cười quá, nhất là vụ đỉnh cao trí tuệ, vú lép không được lái xe, nghe luật nhà nước ban ra, chú cháu cười ngất. Phải chi nó có tiền, sắm áo vét cho mấy chú mặc lịch sự, đặt lên làm Bộ Trưởng hết. Mấy chú nói không ham đâu mày, chỉ thèm độc lập tự do hạnh phúc. Nói vậy nó thấy được, tội hết sức. Dân bây giờ vừa nghèo vừa mắc nợ nhà nước, nghe nói mỗi đầu người nợ bao nhiêu triệu đó, trả bao nhiêu thì vô túi mấy ông lớn hết. Thôi kệ, đợi coi khi chết mấy ổng còn xài tiền được nữa không, í được chứ, tiền âm phủ, đô la Mỹ rải đầy đường đó, xài đi.
Hễ mỏi chân, dừng bước ngồi bên lề đường, nghe mấy chú tám , mắc cười hơn mắc tè. Cười xong chú cháu thấm lòng, buồn tái tê, nhục mất mặt luôn. Ông Bảy nói đó, mày biết buồn, biết nhục là mày có lòng yêu nước đó con. Hay ha ! Thiệt tình không biết trên thế giới có cái nước nào như nước mình không ta ! Xe ôm thì trí tuệ, bộ trưởng thì hễ cứ mở miệng là bị chửi là ngu hay dốt.
Bây giờ nè, trời mưa, buồn quá ! Chúa ơi, mưa thôi, đừng bão nghe !
Nó bọc kỹ xấp báo mới vô bao ni-lông, tay ôm chặt trước ngực, sợ ướt không ai thèm đọc, ủa mà sao người ta mua báo đọc rồi cứ hậm hực chửi thề cái gì ta ?
Nó rón rén bước vô cổng nhà thờ.
Cha xứ làm lễ xong là sai ông Từ đóng cửa, dĩ nhiên sợ trộm là đúng. Nó không vào được.
Nhưng nó biết, nó tin Chúa có ở bên trong.
Nó đứng ngoài, kêu Giêsu ơi, có con đây. Vậy thôi, Chúa biết hết mọi sự thế gian, nói nhiều làm chi.
Nhưng cho con than một câu thôi Chúa, Việt Nam buồn quá Chúa ơi.
Rồi nó cúi đầu quay trở ra đường, đi thẳng, sợ buồn quá hóa rồ.
HT

Thứ Bảy, 27 tháng 7, 2013

MUÔN TÂU BỆ HẠ -2-

(ảnh:webtretho)
BỆ HẠ CHƠI XẤU
Muôn tâu Bệ hạ,

thần mới nghe tin long thể Bệ hạ bất an phải nằm viện, vội viết tiếp, viết thêm, thổ lộ cho hết  nỗi lòng kẻo lỡ Ai tín từ triều đình loan đi, dân đen không thể nói gì ngoài những lời tung hô vạn tuế theo văn hóa tang chế,sáo mòn khuôn thước và có thể là giả dối, là thói thần rất ghét. Dù sao, ước gì trời đất gọi thần ra đi sớm hơn, để thần có dịp ăn năn sám hối. Thần thật đáng trách, tội lỗi xấu xa.Thần tội lỗi xấu xa nhưng cam đoan thần rất thật thà, trung tín.
Đành phải chịu vậy, vì để trong lòng không được, thần không phải thánh, huống hồ các bậc Trưởng lão còn khuyên có gì uất ức thì kiếm chỗ xả nó ra, đừng giữ trong lòng càng thêm khó dạy. Thần không biết nếu giữ trong lòng thì thần là cái đứa khó dạy hay cái nết xấu ấy nó khó dạy, chắc là cả hai, nếu vậy thì thật  khốn đốn, cho nên Bệ hạ cứ để cho thần giãi bày, cam đoan thần không nói sai một lời. Hồi ấy ai cũng biết chuyện Bệ hạ chơi xấu, thần nhớ như in, nhớ chứ không oán, chỉ buồn tí thôi. Đời, c'est la vie, tình, c'est lamour, thế thôi.
Còn phần Bệ hạ thì đâu có nhớ gì !
Đúng rồi, nhớ thì đã xin lỗi, đâu thấy gì đâu. Vua mà, vua có bao giờ làm điều không phải. Thế cho nên thần mới phải nói ra, nhắc lại. Bệ hạ vẫn không thèm nhớ thì thôi kệ Bệ hạ, nhưng xin cho thần có chỗ xả. Hôm nay xả bằng hết .
Hôm ấy, chiếc xa mã đưa nguyên Bộ Nhạc Lễ đi tận Mỹ...(*) chúc mừng Bệ hạ lên ngôi,cũng là để Bộ ra mắt Bệ hạ. Chính trong yến tiệc hôm ấy Bệ hạ đã ban chiếu chỉ sai Bộ Nhạc Lễ sáng tác cho Bệ hạ một bài hát, lấy tâm tình của chính Bệ hạ làm nội dung tác phẩm. Nội dung ấy là tâm sự của vua khi biết mình sẽ lên ngôi trị vì thiên hạ là như thế nào thế nào, ai có hứng thì viết nhạc...dùm. Chiếu nội dung tâm sự ấy được photocopy ,phát cho mỗi quan một bản mang về nghiền ngẫm để sáng tác.
Thần nhớ hôm ấy, vì là buổi ra mắt, ngu thần cũng hân hạnh được quan Bộ trưởng giới thiệu tên thần cho Bệ hạ biết, đây là nhạc sĩ Hải Triều,và từng vị trong Bộ : đây là nhạc sĩ Tiến Linh, đây là nhạc sĩ ....., đây là linh mục nhạc sĩ Nguyễn...., lúc ấy thần thấy Bệ hạ đâu thèm nhìn mặt thần, cũng không thèm nhìn mặt ai, Bệ hạ như chiếc tủ lạnh, lạnh băng....Hình như hôm ấy điều quan trọng duy nhất đối với Bệ hạ là làm sao ra được cái chiếu sáng tác đến đúng địa chỉ Bệ hạ cần đưa, thế là xong, các ngươi là zé-rô tất cả. Ôi, yến tiệc bày ra, ai ăn ngon chứ thần ăn đâu thấy ngon. Lòng buồn từ đấy.
Tuy vậy, có ai ngờ, kẻ có lòng buồn này đã viết được bài hát theo như chiếu vua ban, (chứ có ai thèm viết đâu!). Rồi tập cho dàn triều ca, hát, diễn, thu, biết bao nhiêu công phu của mấy chục ca công cần mẫn và nhiệt tình, suốt cả tháng trời ròng rã. Ngày ấy còn là thu dạng cát-sét, Bệ hạ nhớ không ?
Quan Bộ trưởng thấy thương,lại hãnh diện có đàn em vâng phục, khuyên thần đem cuộn băng làm quà dâng Bệ hạ.
Thần vào triều, bấm chuông xin yết kiến Bệ hạ.
Có quan tể tướng ra hỏi : Tên gì?  muốn chi ?
Thần khai đúng tên mà Bệ hạ đã nghe quan Bộ Nhạc Lễ giới thiệu ở ...Mỹ (*).
Thần cũng khai đúng việc thần đã thi hành theo chiếu vua ban tại Mỹ...(
*) , tức là sáng tác xong bản nhạc phổ tâm sự của nhà vua. Đây là thành quả. Xin yết kiến long nhan để dâng tặng thiên tử.
Quan tể tướng nghe rồi đi vô trong.
Quan đi vô rồi quan đi ra. Quan bảo :
- Hoàng thượng nói không biết Hải Triều là ai .
Lúc ấy thần tái mặt, hai chân lảo đảo,đứng không vững.
Mẹ ơi, sao Bệ hạ chưa già mà đã lú ? Mới hôm nào đây !!!!
Tuy thế, con người thần tuy ngu nhưng lành.
Thần lấy lại bình tĩnh mà thưa cùng quan tể tướng rằng nếu Bệ hạ nỡ lòng quên thần đây thì cũng nô-xì-ta-gue ("không - sao - đâu"), ngài làm ơn chuyển dâng món quà này lên vua là được rồi. Có chữ có tên người tặng, vua khỏi cần gặp, mất công vua.Thần cáo lui.
Quan tể tướng cầm cuộn băng cát -sét đi vô.
Không chờ quan đi ra hay không, thần thẫn thờ quay bước, lòng đau hơn hoạn.
Từ ấy trong thần, Bệ hạ coi như .....

Về nhà, thần với tay ném bài hát ấy vào bếp củi nấu cám heo, ngay lập tức, con heo nái trong chuồng kêu "được,được".
Bệ hạ ơi,

Bệ hạ lãnh đạm lạnh lùng vô cảm như một cái tủ lạnh.
Ai thương nổi Bệ hạ thì thương, thần rất nể phục những người tốt lành ấy,  chứ thần đây không thể, tuy ngu tuy nhỏ nhưng lòng tự trọng lớn lắm. Bệ hạ chơi xấu nặng với thần một lần như vậy là.... dứt. Oa xịt Bệ hạ. Nói hết, chết khỏi nói.

HT.
----------------------------------------------------------------------------
(*)  Mỹ Tho

Thứ Sáu, 26 tháng 7, 2013

MUÔN TÂU BỆ HẠ -1-


BỆ HẠ HƯ QUÁ
thú thật ngu thần vốn không thích cái tính lạnh lùng,lãnh đạm, vô cảm của Bệ hạ, nên đã oa xịt, nghỉ chơi Bệ hạ từ lâu rồi. Nay biết thêm chuyện Bệ hạ đã từng báo cáo láo, thần buồn phiền quá sức lẽ mình, muốn sốc, xin phép Bệ hạ thần trút ra đây kẻo lòng thần đã ngu còn thúi thì không ai ngửi được.
Tối hôm qua, thần nghe lao xao các quan nói về Bệ hạ. Họ cười Bệ hạ không biết Si -đa là cái gì. Bệ hạ không biết Hội chứng Aids là cái gì.  Bệ hạ chỉ biết tiêu chảy là tiêu chảy, nghĩa là đi ngoài ra nước chứ không phải đi ra nước ngoài. Thần trộm nghĩ, nếu quả thật Bệ hạ không biết căn bệnh thế kỷ mà một đứa bé cũng phải được dạy cho biết. Bệ hạ không biết cái lưỡi hái kinh hoàng đang bủa xuống bao nhiêu con người khốn khổ trên thế giới và ở ngay trong quê hương của Bệ hạ, trước mắt Bệ hạ, , thì làm sao Bệ hạ có lòng thương những con người bị mắc thứ bệnh nguy hiểm chết người này ! Làm sao Bệ hạ biết xót xa cho số phận của họ, của gia đình, con cái họ ! Và một khi Bệ hạ dốt nát như vậy thì lũ dân đen làm sao trông mong gì được nơi Bệ hạ là chìa khóa mở kho tình thương chia sẻ cho chúng !
Quan Bộ Bảo vệ sự sống (mình gọi tắt là BVSS đi nhá), kể rằng có lần quan í được vời vào cung, có nghĩa là vào triều yết đức vua thì tràn trề hy vọng nha, thứ nhất được ngắm long nhan quý hiếm, thứ hai được nghe long ngôn nhân hậu, thứ ba được lãnh tí long quà mang về cho các cháu bầu bì cùng là mua thêm thuốc men cho anh em Si - đa chống chọi những cơn mệt mỏi, đau đớn.
Dĩ nhiên hôm ấy, quan được ngồi trên sofa , sát kề long sàng, nghe Bệ hạ hỏi thăm, khen lao này nọ, sướng rên, mắt nhắm tít hưởng niềm vinh dự được đức vua ủi an. Làm cái công tác bảo vệ sự sống này nó khổ lắm, chả ai thèm để ý đến công lao vất vả của Bộ mình  đâu, thế mà hôm nay  lại được đức vua chiếu cố hỏi thăm, chả sung sướng a ! Ai hân hạnh bằng a!
Ngồi đi, ngồi đi, Bệ hạ ân cần mời ngồi, sofa êm ru, lòng thơ thới lạ.
Bệ hạ nói ít hiểu nhiều, nói nhiều hiểu ít, bỗng nhiên người đi thẳng vào vấn đề  :
- Nè, guang làm cái diệc này, vậy guang có thể trả lời ta  một câu không ?
Quan Bộ BVSS xun xoăn, dạ, Bệ hạ cứ hỏi, hạ thần xin thưa.
Bệ hạ vào đề luôn :
- Vậy chứ guang có thể cho ta cái con số những người Công Giáo mắc bệnh Si - đa không ?
Câu hỏi khiến quan Bộ BCSS suýt bổ ngửa :
- Dạ , muôn tâu Bệ hạ, không cho được.
- Tại sao  không, đây là trách nhiệm của guang, bổn phận của guang mà.
Quan Bộ BVSS khúm núm dấu vẻ “ngạc nhiên chưa!”, thưa rằng :
- Muôn tâu Bệ hạ, cái Si- đa này không ai thống kê được đâu ạ ?
- Sao dz…ậy ?
- Muôn tâu Bệ hạ, vì người mắc bệnh này đâu có khai ra, có khi chính con bệnh cũng chỉ nghĩ mình bị tiêu chảy thôi, làm sao hạ thần biết được bao nhiêu người bị bệnh .
- Dzậy sao ? Vậy chứ Si đa là cái gì mà ta không biết ?
     Quan Bộ BVSS quay ngang, lịch sự nâng tay áo rộng che mặt  giả vờ muốn hắt xì , thực ra là để cười hích hích mấy cái, rằng “ai cũng hiểu chỉ một người không hiểu, nên có một gã khờ ngọng nghịu cứ làm vua”. Cười xong, quan khép môi, hạ tay áo xuống,  nhân nhượng, quảng đại , nhẫn nại giảng giải cho nhà vua một bài học sơ cấp và cấp tốc về AIDS, về Hội chứng HIV. Vua hỏi quan :
- Vậy là ông không thống kê được cho ta  phải không ?
- Dạ không. Chỉ có Thánh mới biết được con số này thôi ạ.
  Vua nghe, mặt đực ra. Quan BVSS liếc thấy long nhan thẫn thờ như ngắm lá mùa thu, nghĩ bụng đây là lúc tình yêu nhân loại đang  thăng hoa nơi con tim hờ hững, cánh cửa tủ lạnh đã mở tung cho hơi nóng Hạ Saigon ùa vào, quan liền trịnh trọng ngồi thẳng lưng,bụng thót ngực nâng, đoạn quai chiếc miệng rộng, diễn tả cực kỳ đau đớn thiết tha kèm theo đôi mắt chứa chan tình cảm, ứa lệ mà rằng :
- Bẩm Bệ hạ, không như Bộ Hình, Bộ Lại, Bộ Thư, các anh  em  tình nguyện viên  trong Bộ Bảo Vệ Sự Sống chúng thần đi rất nhiều, làm rất nhiều, yêu rất nhiều vì nhân loại đang cần cấp cứu rất nhiều. Tóm lại,  chúng thần có rất nhiều chuyện….hay. Cho nên chúng thần ước mong có một ngày nào đó được Bệ hạ đoái hoài đến mà hỏi thăm sao, các khanh Fiat hãy kể cho trẫm nghe về các bệnh nhân đi nào, sao, các khanh có thiếu thốn gì trong công tác giúp đỡ anh chị em xa quê, các chị em lầm lỡ.... Bệ hạ, cứ truyền, chúng thần, chỉ cần mỗi làng cử 2 người thôi, sẽ đến đây kể chuyện, tâm sự cho Bệ hạ nghe hết những nỗi khổ của các bệnh nhân Si -đa, của các thân phận nghèo khổ, Bệ hạ nghe Bệ hạ không thương thì thôi. Năn nỉ Bệ hạ luôn á.

Nói xong, quan Bộ BVSS lắng đọng tâm tư, tin tưởng, yên lặng chờ nghe nhà vua cho cái hẹn. Thật không ngờ nghen, nhà vua vung tay phát biểu tức khắc :
- Thôi! Ta hổng cần, ta hổng cần nghe chuyện mấy người.
- Chứ Bệ hạ muốn gì , nói nghe ?
- Ta chỉ cần biết con số để ta báo cáo thôi.
Quan Bộ BVSS há hốc mồm kinh ngạc với mấy con chữ vua nói mà nghe tưởng như từ mồm cán bộ nhà nước phát ra : "ta cần con số để báo cáo". Trong khi đó, nhà vua buồn bực vì kết quả không như ý, phất mạnh long bào, đứng lên , đi ra hành lang. Chợt từ xa đi tới, xúng xính trong cánh màu đen là quan Bộ Giáo. Vua như  đuối sông vớ được thanh củi , bèn vẫy gọi :
- Bớ guang Bộ Giáo, mao lợi đây cho ta hỏi.
- Muôn tâu Bệ hạ, Bệ hạ cần chi ?
- Vậy chứ guang có thể cho ta cái con số những người Công Giáo mắc bệnh Si -đa không ? Ta hỏi guang  Bảo vệ sự sống mà ổng không biết.
- Bẩm Bệ hạ, quan Bộ í đã nói đúng, chỉ có Thánh mới biết được con số này.
- Ủa, kỳ ta, sao hai ông nói  giống nhau dzậy cà ?
Ít ngày sau, tại một buổi  ngự triều, nhà vua tuyên bố :
- Về cái vụ Si- đa, ta đã tự thống kê rồi. Chờ mấy người  tới bao giờ !
    Muôn tâu Bệ hạ,
   Thần nghe kể, khi nghe Bệ hạ phán câu đó, toàn thể các quan trong triều á khẩu hết vì phục Bệ hạ quá. Bệ hạ lấy đâu ra con số mà báo cáo nhanh vậy, tài vậy ? Thần đây thấy hãi hùng quá sức! Đất nước này đã nhiều báo cáo láo rồi, Bệ hạ báo cáo láo đua theo chúng làm gì, Bệ hạ hư quá, Bệ hạ ơi!
HT.

Thứ Hai, 22 tháng 7, 2013

NGHỊ HÁCH ĐẠO

Quan đi tuần.Tranh dân gian VN.
Cậu bạn mình kể chuyện một lần gặp phải nghị Hách .
Hôm ấy là đám tang của ông Trùm A, thân sinh ra Ca Trưởng B. bạn của bạn mình.
Cả hai bố con ông Trùm đều là những "hạt nhân tích cực" đem hết khả năng, sức khỏe và công lao ra phục vụ Giáo xứ. Nay, bố mất, B. nhờ bạn mình đến phụ giúp cho chương trình Thánh Lễ An Táng được xuôi xắn tốt đẹp, cụ thể là cậu bạn mình đến lo mảng hướng dẫn anh chụp hình, quay phim.
Cậu bạn mình đến.
Vừa bước chân vào nhà thờ, đang dáo dác tìm vị trí tốt cho cánh nhiếp ảnh thao tác tốt, không được leo lên gian cung thánh bao giờ , chợt nghe  ai quát :
Anh kia, anh là ai ?
- Dạ, thưa cha, con là bạn của ca trưởng B con ông Trùm A.
Tiếng quát hạ giọng rồi lại vang dội như tiếng sấm :
- Anh vào đây làm gì ? Ai cho anh vào đây?
- Dạ thưa cha, B. có nhờ con đến để thay B. hướng dẫn anh em chụp hình quay phim trong Lễ Tang cụ A.
Tiếng sấm đuối sức song lại gầm lên dữ dội :
- Các anh chụp hình quay phim là chuyên môn gây lộn xộn, náo loạn hết cả nhà thờ.
- Dạ thưa cha, chính vì vậy con mới có mặt ở đây để  dặn dò, lưu ý anh em trật tự.
Nghị muốn quát nhưng thua lý, nghĩ sao lại rống lên :
- Các anh làm nghề quay phim chụp ảnh là kinh doanh. Vậy các anh phải đóng tiền điện lễ này.
- Dạ thưa cha, ô kê cha, theo lẽ công bằng thôi. Hết tất cả bao nhiêu, cha cho con biết. Con xin gửi tiền cha. Hết bao nhiêu ?
Đối phương chơi trò bỏ than trên đầu Nghị rồi. Nhưng nghị là nghị Hách, có chịu thua ai bao giờ. Nghị khoát tay :
- Xuống đóng cho ban Hành Giáo.
Xuống thì xuống. Cậu bạn mình thuật lại lời cha xứ với 2 bác đang trực văn phòng ban Hành Giáo, rồi đưa tay ra sau mông rút ví , xin được hân hạnh đóng tiền điện Lễ này.
Hai bác trố mắt như đang nhìn thằng dở hơi. Phải hỏi cha xem sao ?
Ai lại bắt nhà héo đóng tiền điện bật trong lễ An Táng cho một ông cụ Trùm cả đời phục vụ giáo xứ, từ đời  nọ đến đời kia, là những người biết kính sợ Chúa.
Đố biết, nghị Hách có thu khoản  điện phí này không ? Thu thì cậu bạn mình cũng ô kê cha, nhưng với  nghị   bõ bèn gì, cầm mấy đồng bạc lẻ này mất giá nghị đi, phong bì xin Lễ  mà mong mỏng, đưa còn bị nghị  mắng cho nữa là...
Nghị thế mới hách !

Thứ Ba, 16 tháng 7, 2013

BLOG MÌNH LÊN HAI


Ngày mai, 17.7 là Sinh Nhật 2 tuổi của  HaiTrieu 'blog mình đấy.
Chúc mừng Sinh Nhật bé Blog nhé.
Lại nhớ ơn Họa sĩ Hùng Lân đã khai sinh blog cho mình.
Bài đầu tiên đăng trên blog này  vào ngày 17.7.2011 là bài  Tạp bút : MÓN QUÀ (tại đây). Với lời cám ơn chân tình gửi tới cậu em nghệ sĩ  Hùng Lân đã tặng cho chị già này món quà rất à la mode, sau 2 năm, mình lại muốn làm cái gì đó để cám ơn Hùng Lân một lần nữa, vì món quà Lân cho mình rất... thít. Tay Hùng Lân này rất tài, vẽ đẹp, soạn nhạc, viết văn hay, làm thơ như đẻ trứng, thêm nhiều cái khác nữa chỉ từ mươi hoa tay ra cả vạn trò.
Lại thêm cái đáng khen nữa là hay nói về vợ. Ít có anh nào trên thế gian này kể lể về vợ giữa công chúng, cứ làm như vợ là của riêng, quý lắm nên em phải cất ở nhà các bác ạ.
Tuần trước, gặp Lân, ngồi cạnh Lân trong một bàn tiệc. Lân cười rất tươi, mắt nhắm tít lại, khoe :
- Vợ em lại đi rồi.
Đi đây là đi sang Mỹ với con cháu một số đã  ở bên ấy. Chuyện là cả gia đình Hùng Lân có số định cư tại Mỹ. Bao năm chờ đợi mới được cái "ví - da". Năm ngoái, sau khi nhà Lân đi Mỹ độ 3 tháng thì phải, Lân nhỉ, mình gửi meo hỏi thăm Hùng Lân ơi, thời tiết bên Mỹ đang thế nào ? Cậu ấy đáp ngay :
- Chị ơi, em về rồi, đang ở Việt Nam. Nhớ quá.
Lân về, nhưng vợ Lân phải ở lại với các con, thành ra gia đình chia hai, người bên này lại tiếp tục cuộc sống quen thuộc, người bên kia muốn về cũng phải lâu lâu mới đủ tiền về.
Có lần nọ gặp thì người chồng nói vợ em sắp về thăm nhà.
Lần khác lại khoe vợ em về rồi.Về 3 tháng.
Đến lần này, hắn cười rất tươi, mắt nhắm tít lại, khoe như trên.
Mình rất thích những ai có tính thật thà như vậy.
Ít có anh nào trên thế gian này vợ rời xa mà lại khoe vui như thế, cứ phải nào là vợ em vừa đẹp vừa khéo lắm chị ơi, nào là vắng vợ em một ngày là nhà cửa bấy như tương chị ơi, nào là vợ em mà xa nhà một ngày là em héo hon buồn chết  đi được ấy chị ơi, nào là vợ em thế nọ thế kia, toàn bốc lên tận mây.Thế vợ mới yêu.
Hay cũng có thể là vợ đi rồi Hùng Lân mới vui như thế chăng ? Nói bé thôi, cô ấy nghe được lại quành về thì sao nhỉ, có gì đâu mà nghi với ngờ, chỉ tổ tốn công, tốn tiền vé máy bay thôi. Có đâu !
 Hùng Lân nghệ sĩ cậu bạn tớ đây, già rồi mà rất chính chuyên nhá ! (chứ hễ cứ già là đổ đốn à ? Nói chuyện hay nhỉ !).
Đấy, mình tặng Hùng Lân hai chữ chính chuyên đẹp như mơ đấy.
Đẹp trai thế, liệu mà giữ mình.
Ai muốn làm quen cứ lên phây búc : "Người tù khổ sai", hắn có đấy, pẹc ma năng, (vì vợ vắng nhà, rảnh quá mà. He he he ).
HT
Ai đây, mặt quen quá ta ?