Chủ Nhật, 4 tháng 8, 2013
CHIẾC ÁO DÒNG
Bất cứ một tu sĩ nào, dù nam hay nữ, khi khoác lên người chiếc áo dòng, trông vẫn ....đẹp hơn là khi mặc y phục thường. Áo dòng có nhiều màu : đen, trắng, xám, xanh, nâu, thậm chí đỏ chói, tu sĩ mặc y phục dòng nhìn luôn tốt lành, thánh thiện.
Ngày nay, người đi tu không chỉ sống trong nội vi tu viện. Việc chăm chú chắp tay cầu nguyện suốt ngày, hết buổi kinh này đến buổi kinh kia trong nhà thờ không nói lên được tất cả tinh thần truyền giáo của Chúa.Phải ra đi, sống giữa lòng đời, lao động, dạy dỗ và dẫn đường cho đàn chiên.
Cho nên các cha, các thầy, các xơ chỉ mặc áo dòng trong lễ chung hay trong các dịp hội họp cần phân biệt dòng hay cần đại diện cho dòng. Ngay trong các giờ kinh phụng vụ trưa, chiều, tối, tu sĩ cũng có thể được phép mặc áo ngắn, tùy luật nhà dòng. Vì lý do hoạt động tông đồ cần nhanh nhẹn, gọn gàng, tu sĩ càng không bị gò bó trong những chiếc áo thụng thùng thình.
Dù mặc áo dòng hay không mặc áo dòng , tu sĩ vẫn là tu sĩ, người yêu của Chúa Giêsu, người tình nguyện khấn hứa với Chúa và với Bề trên ba lời Khấn lý tưởng mà người đời không buộc giữ. Cho nên mới gọi đời tu là lý tưởng cao vời. Con đường tu trì là con đường không mấy ai muốn đi.
Chiếc áo dòng, theo ý nghĩa đó, là biểu chứng, là sự nhắc nhở người đi tu luôn nhớ mình phải sống vâng lời Bề trên, sống trong sạch và sống khó nghèo.
Một nữ tu đã viết bài " Tôi và chiếc áo dòng" (tại đây) trình bày những bất đồng và những đồng ý với câu nói "Chiếc áo dòng không làm nên thầy tu": "Tôi không hoàn toàn đồng ý và cũng không hoàn toàn phản bác câu nói này". Câu nói quá quen thuộc, có lẽ ai cũng hiểu, ai cũng có thể nói lên 3 điều đồng ý và 3 điều phản đối như xơ phân tích vấn đề trong bài viết, xin tóm tắt ý xơ như sau :
Câu nói có lý :
1. Bản chất tu sĩ vẫn trong sạch, vâng lời, khó nghèo, dù không khoác áo dòng.
2. Tu luật không bắt tu sĩ mặc áo dòng.
3. Có dòng không có tu phục.
Câu nói không đúng :
1. Tu phục là dấu chỉ sự thánh hiến và nhân chứng của sự nghèo khó.
2. Giúp cho người khác biết mình là tu sĩ.
3. Tỏ cho mọi người biết mình thuộc về Thiên Chúa.
Tôi tán thành câu xơ phát biểu :
"Tu phục không chỉ là dấu chỉ tôn vinh Thiên Chúa mà thôi, nó còn nói lên sự từ bỏ và lối sống nghèo khó của người bước theo Đức Kitô trên hành trình dâng hiến",
nhưng có một vấn đề, không biết phải đặt vào đâu khi bàn về câu nói quá quen thuộc này, trong bài của xơ, tôi không tìm thấy, nhưng hình như nó có liên quan tới hai số 1 ở trên thì phải. Xin thử đưa ra, mong được sự hướng dẫn, giải thích của quý tu sĩ là những người con Chúa yêu dấu cách riêng, một đời khoác chiếc áo dòng cao quý và như vậy, chắc chắn phải chịu trách nhiệm về tư cách đạo đức của mình với danh nghĩa là linh mục, tu sĩ của Chúa..
Xin thưa :
- Bản chất tu sĩ trước hết là bản chất con người. Con người tự bản chất không giữ 3 lời khấn của tu sĩ .
- Tu phục là dấu chỉ sự thánh hiến và nhân chứng của sự nghèo khó, nhưng tu sĩ không luôn sống thánh thiện và có những tu sĩ mà sự giàu có thì không chịu thua ai.
- Tu sĩ giả ( mặc áo dòng ngày đêm) thì không thuộc về Thiên Chúa.
Như vậy, chắc chắn chiếc áo dòng không phải là điều kiện bắt buộc phải có.
Thế còn TINH THẦN TU ?
Cụ thể là người tu sĩ mặc áo dòng mà trong lòng bức bối với Bề trên vì phải vâng lời, thì chiếc áo dòng có ý nghĩa gì ? Mặc áo dòng mà tình cảm nặng tính thế tục thì chiếc áo dòng có ý nghĩa gì ? Và sau cùng, gây ra nhiều gương ...tối giữa đời , là mặc áo dòng mà thích sống vương giả, giàu có, thích ăn ở sang trọng, xài đồ tiện nghi, tân thời, thì chiếc áo dòng có ý nghĩa gì ?
Theo tôi, TINH THẦN TU cao cả và cần thiết hơn hết.
TINH THẦN TU biểu lộ rõ ràng qua đời sống hằng ngày của một tu sĩ, chiếc áo dòng không là cái gì cả.
Câu ngạn ngữ nổi tiếng này có ý đó.
Phần tôi, vẫn yêu chiếc áo dòng của Tu sĩ mà không cần bàn luận.
ht.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét