#Stats1 ul{margin:0;border:0;padding:0;height:32px;background:url(//goo.gl/ZHG881) no-repeat 0 -34px} #Stats1 li{margin:10px 0;border:0;padding:0 0 0 40px;list-style-type:none} #totalComments{height:32px;background:url(//goo.gl/ZHG881) no-repeat} #totalCount{height:32px;background:url(//goo.gl/ZHG881) no-repeat 0 -68px}

Thứ Sáu, 9 tháng 8, 2013

GIÁ MÀ


GIÁ MÀ
 Lm. PIÔ NGÔ PHÚC HẬU
BGCN/TGPSG 8/2013

Mình trở lại thăm Giáo xứ Yên Tập để ôn lại những kỷ niệm của đầu thập niên 50, thế kỷ XX. Mình đi tìm cây gáo ở đầu dốc nhà xứ: không còn một dấu vết. Mình chạy xuống vườn để tìm những cây bưởi và những cây sấu: chỉ còn lác đác vài cây. Nhà xứ thì thay đổi toàn diện. Óc tưởng tượng của mình bị lạc hướng… Buồn tình, mình chạy ra nhà thờ. Đứng ở cuối nhà thờ, nhìn con dốc đang lao xuống theo triền đồi, rồi mất hút sau các bụi rậm. Chẳng biết con dốc đi về đâu, mình phóng tầm nhìn về cánh đồng trải rộng giữa hai giáo xứ: Yên Tập và Tạ Xá. Nối kết hai giáo xứ là một con đường. Nhìn thấy con đường, mình sực nhớ lại chuyện xưa. Chuyện cảm động vô cùng khiến mình đứng ngẩn ngơ, quên cả không gian và thời gian.

****
            Sáng hôm ấy, sau khi cởi vội vàng bộ áo lễ. Cha cố Thịnh ra đứng trước cửa nhà mặc áo. Hai tay khoanh thật chặt, vai so, cổ rụt, run run. Cơn sốt chưa dứt. Cha cố đang phân vân không biết có nên về nhà xứ ngay để đọc kinh cám ơn sau lễ, thì… một người đàn ông vội vàng đi tới, ông khoanh tay, cúi đầu thân thưa:
-         Con xin mời cha đi kẻ liệt ạ.
-         Kẻ liệt ở Gò Lau hả?
-         Thưa cha không. Kẻ liệt ở Đồng Cạn.
-         Giêsu Maria, lạy Chúa tôi. Xa thế! Tôi đang bị sốt rét. Nhưng mà phải đi. Không đi thì có tội. Về nhà xứ chờ tôi…
 Ăn vội vàng bữa sáng xong, mình sách túi kẻ liệt lẽo đẽo đi theo Cha Cố. Cha Cố khoanh tay đi trước, còn mình và người đón kẻ liệt thì im lặng đi theo sau. Ba cha con cuốc bộ hơn hai tiếng đồng hồ thì tới Ro Lục. Cha Cố vào nhà thờ lấy Mình Thánh rồi đi Đồng Cạn. Mới đi được tám cây số mà hai chân mình đã nhão ra rồi. Bây giờ còn phải lội bộ chín cây số nữa. Eo ơi! May quá. Cha Cố xoa đầu mình bảo: “Mày không phải đi. Cho mày vào nhà xứ chờ.” Sung sướng quá chừng! Nhưng bỗng thấy tủi tủi vì Cha Cố vẫn cứ khoanh tay mà đi.
 Không phải đi Đồng Cạn, tức là không phải lội bộ đi và lội bộ về, vị chi là 18 cây số. Sướng thì có sướng, nhưng buồn thì nhiều hơn sướng. Cứ đi ra đi vào ngong ngóng chờ, chả biết làm gì. Thời giờ chờ dài như vô tận.
 Một giờ trưa Cha Cố mới về tới. Bà bếp bưng vội lên một bát cháo hành để Cha Cố giải cảm. Vừa thổi phù phù, vừa húp sụp sụp, Cha Cố cảm thấy thoải mái. Mồ hôi vã ra. Thế là yên tâm rồi. Đang sung sướng vì thấy cơn sốt đã rút lui, thì… lại có một người đàn ông lom khom cúi đầu.
 -         Mời cha đi kẻ liệt ạ.
-         Kẻ liệt ở Suối hả?
-         Vâng ạ.
-         Đi ngay bây giờ. Đi ba cây số, về ba cây số, kịp ăn cơm bốn giờ chiều.
 Cha Cố ra nhà thờ lấy Mình Thánh, rồi vội vã ra đi. Đi không khoanh tay như ban sáng. Mà rảo bước thật nhanh. Hai cánh tay vung vẩy, ra vẻ ta đây. Mình vội vã đuổi theo. Cha Cố quay lại bảo: “Mày ở nhà”. Buồn và tủi. Lủi thủi quay về. Chỉ biết chờ và chờ.
 Đúng bốn giờ chiều thì Cha Cố về tới nhà. Chưa kịp rửa mặt thì bà bếp đã bưng mâm cơm lên. Cơm sốt canh nóng. Chưa ăn nước dãi đã tứa ra. Cha Cố ngồi nhóp nhép một mình, thưởng thức một bữa cơm ngon. Ngon vì quá đói, ngon vì cơn sốt đã bỏ chạy, ngon vì sức khỏe đã tạm phục hồi.
 Mâm cơm vừa bưng xuống, đĩa chuối tráng miệng vừa bưng lên, thì… một người đàn ông lại khúm núm đi vào.
 -         Con lạy cha, xin mời cha đi kẻ liệt ạ.
-         Kẻ liệt Gò Dài phải không?
-         Vâng ạ.
-         Lại phải về Yên Tập rồi mới đi Gò Dài. Mười cây số. Phải đi ngay kẻo tối.
Ông trùm, bà quản, bà bếp nhao nhao lên:
-         Cha đừng về Yên Tập bây giờ. Cha vẫn còn bệnh. Mai hẵng về.
-         Ừ… “nhân can như thần gián”. Mai về sớm cũng còn kịp. Chúa chẳng bắt tội mình đâu.
 Sáng sớm hôm sau, cha con ăn vội nắm xôi, rồi lên đường, vừa đi vừa xỉa răng. Cha thì sải bước. Con thì chạy lúp xúp. Toát mồ hôi. Rát bàn chân.
 Vừa tới cổng nhà bệnh nhân thì… ba, bốn người đàn bà xồn xồn lao ra, ngã lăn đùng dưới chân Cha Cố, người sau đè lên người trước. Người nào cũng gào lên: “Mẹ con chết rồi, cha ơi là cha ơi”.
Cha Cố đứng lặng người, lấy tay đấm ngực…
 Bà cụ già giữ đạo suốt đời mà khi chết không được “ăn mày” các phép. Một nỗi đau xót bao trùm toàn bộ đại gia tộc. Con cháu cứ lăn ra mà khóc, cứ ngã chồng đống lên nhau mà gào lên: “Cha ơi là cha ơi! Mẹ chúng con, bà chúng con chết mà không được chịu phép xức dầu, không được rước của ăn đàng. Ới cha ơi là cha ơi!”.
 Cha Cố Thịnh đứng lặng như một pho tượng, hai mắt nhắm nghiền, để nghe tiếng lương tâm đang gào thét, đang cắn xé và đang cào nát linh hồn. Cha Cố thầm xin Chúa cho núi đồi đè xuống trên mình, để đền tội, tội lợi dụng câu ngạn ngữ: “nhân can như thần gián” để lách luật, để trốn bổn phận, khiến một bà cụ già phải chết như người ngoại. Để đền cái tội to đùng này, Cha Cố quyết định phá luật : Dâng một Thánh lễ tại gia cho bà cụ, mà không hề xin phép bề trên.
 Sau cái Thánh lễ phá luật để đền tội này, lương tâm mục tử vẫn không buông tha Cha Cố Thịnh. Nó cứ gào thét, nó cứ cắn xé triền miên từ năm này qua năm khác. Lâu lâu Cha Cố lại đay nghiến câu ngạn ngữ: “nhân can như thần gián” và nguyền rủa nó như một thằng quỷ cám dỗ.
 Hình ảnh Cha Cố Thịnh ăn năn sám hối khắc sâu vào trong tâm khảm của mình, khiến mình cảm phục Cha Cố quá sức. Mình không ngần ngại so sánh ngài với Cha Thánh Gioan Maria Vianney. Mình thề với lương tâm là sau này khi làm linh mục, mình cũng sẽ chăm sóc giáo dân y như thế.
 Bây giờ mình đã là linh mục, còn Cha Cố thì đã về bên kia thế giới. Mình lãnh chức linh mục đã được 49 năm. Còn Cha Cố thì đã lãnh phần thưởng Nước Trời được 37 năm. Cả hai thời gian đều quá dài. Nhưng hình ảnh một linh mục ăn năn sám hối vẫn hiện ra trên màn ảnh ký ức của mình: rõ mồn một, từng nét và từng nét.
 ·                Một linh mục đang lên cơn sốt mà can đảm vừa khoanh tay vừa đi bộ 33 cây số để xức dầu và trao Mình Thánh Chúa cho hai kẻ liệt sống trong vùng núi đồi heo hút của miền cực bắc của tỉnh Phú Thọ.
·                Ngày hôm trước đã đi bộ 33 cây số, đôi chân chưa hết mỏi thì sáng hôm sau lại lội bộ thêm 10 cây số nữa. Cũng chỉ vì lại có thêm một kẻ liệt.
·                Một linh mục đang mặc cảm tội lỗi triền miên, vì đã không đi kẻ liệt ngay khi được mời, để rồi kẻ liệt phải chịu chết mà không được ăn mày các Bí tích cuối cùng. Công luận không phiền trách. Ai cũng cho rắng sự chậm trễ ấy của linh mục là rất hợp tình và rất hợp lý. Ai cũng an ủi, ai cũng bênh vực. Kệ. Linh mục cứ nhắm mắt để thấy lương tâm dầy vò và cắn xé linh hồn mình. Đau khổ một mình. Không muốn được chia sẻ. Không muốn được tha thứ…
 Hồi ức về Cha Cố Thịnh khiến mình cảm động đến rơi lệ. Thương mến vô vàn! Xót xa ngàn trùng! Nhưng sau những phút thương xót, mình lại bắt đầu thắc mắc. Thắc mắc đủ thứ rồi bắt đầu thốt lên: “Giá mà Cha Cố cũng yêu thương lương dân như thế!”.
 + Thời ấy là thời tiền Vaticanô II, trong nhà thờ ngày nào cũng đọc kinh cầu nguyện với Thánh Phanxicô Xaviê, trong kinh có một câu cực sốc: “Người ngoại sa xuống đầy rẫy Hỏa Ngục thì ô danh Chúa tôi là dường nào…”. Nếu tin người ngoại phải sa Hỏa Ngục nhiều như thế, thì tại sao không nôn nóng cứu vớt, không bức xúc loan báo Tin Mừng? Tại sao? Tại sao?
 Giá mà Cha Cố Thịnh hằng ngày băn khoăn, hằng ngày cắn rứt lương tâm, vì người ngoại chưa được biết Chúa, thì tuyệt vời biết bao nhiêu. Yêu thương giáo dân đến thế mà lơ là với lương dân đến thế. Tại sao? Tại sao?
 + Mình hồi tưởng về thời thơ ấu. Trước khi vào chủng viện, mình đã trả bài hết bốn phần của cuốn sách bổn. Đặc biệt là phần thứ bốn: Phần thứ bốn dạy về những việc bổn đạo phải làm hằng ngày. Dạy rất chi li, dạy rất kỹ lưỡng, từ việc thức dậy tức thì phải làm thế nào, cho tới việc khuyên mẹ mới đẻ đừng để bé nằm với mình… Thế nhưng, tuyệt nhiên không có một câu nào dạy về việc loan báo Tin Mừng.
 + Bây giờ mình nhớ lại bản báo cáo thiêng liêng của các cha ngày xưa. Báo cáo số người bỏ Phục Sinh, số người rước lễ, số lần đi kẻ liệt, số trẻ em được rửa tội… Không thấy mục báo cáo về số lương dân trong vùng. Sau Vaticanô II, Giáo Hội Ấn Độ hạ quyết tâm dành 50% linh mục cho giáo dân và 50% linh mục cho lương dân. Ở Việt nam thì chưa thấy.
 + Mình đi dự lễ nhậm chức quản xứ của một số anh em linh mục. Mình thấy có nhiều nghi thức cảm động gây ấn tượng: nào là mở đóng cửa nhà tạm, bước lên tòa giảng, ngồi vào tòa xá giải, xuống cuối nhà thờ giật chuông, đóng-mở cửa chính của nhà thờ. Đó là xứ vụ của cha xứ: cử hành bí tích, dạy dỗ tín đồ… Nhưng không hề có nghi thức nào nhắc nhở cha xứ phải loan báo Tin Mừng cho lương dân. Đức Gioan Phaolô II coi sứ vụ loan báo Tin Mừng cho lương dân là sứ vụ hàng đầu của linh mục. Thế mà sứ vụ ấy lại không được nói đến trong nghi thức nhậm chức của cha quản xứ. Đáng tiếc lắm thay!
 Ôi! giá mà Cha Cố thịnh của tôi để cho lương tâm cắn xé linh hồn mình vì mình đã để cho biết bao người lương dân nhắm mắt lìa đời, mà vẫn chưa biết Chúa là Cha.
 Ôi! giá mà cuốn sách bổn thời ấy dạy giáo dân rằng: “truyền giáo là bản chất của Giáo Hội”.
 Ôi! Giá mà hôm nay trong nghi thức nhậm chức của cha quản xứ có một cử chỉ nhắc nhở đặc biệt về sứ mạng loan báo Tin Mừng cho lương dân.
 Ôi! Giá mà… giá mà!

Không có nhận xét nào: