#Stats1 ul{margin:0;border:0;padding:0;height:32px;background:url(//goo.gl/ZHG881) no-repeat 0 -34px} #Stats1 li{margin:10px 0;border:0;padding:0 0 0 40px;list-style-type:none} #totalComments{height:32px;background:url(//goo.gl/ZHG881) no-repeat} #totalCount{height:32px;background:url(//goo.gl/ZHG881) no-repeat 0 -68px}

Thứ Năm, 15 tháng 3, 2012

NGÀY XUÂN NÓI CHUYỆN THƠ



Blogger HT. : Tôi có nói, gặp Haiku một lần rồi bén duyên, thấy mến, thử viết lên đôi dòng tỏ bày tâm tư, nhưng rốt cuộc vẫn chỉ là ngẫu hứng ngô nghê, chưa hiểu biết gì, giống như ngó muốn yêu là vội sà đến nắm lấy bàn tay e ấp, kín đáo, nhẹ nhàng của người ta ấy mà...tỏ lòng yêu thôi. Một Bạn Thơ thân quen, Nhà Thơ
Lê Thế Cường, đã  gửi cho bài viết sau đây để giúp tôi nhìn ra vấn đề, đồng thời nói hộ tôi những điều kẻ hèn mọn, dốt nát, sỗ sàng tôi đây không biết trình bày ra sao trước Khách làng Thơ tài hoa lịch lãm, khi bỗng dưng ngớ cả người lúc nom thấy dung nhan mình mộ mến, Haiku đấy, xuất hiện trên thi đàn với  xiêm y  là lạ, cũn cỡn, đến  phải hơi cau mày .. .
Xin cảm ơn Nhà Thơ Lê Thế Cường. 
Giờ thì thỏa lòng.....

                                       
          MÙA XUÂN NÓI CHUYỆN THƠ
          

  Nhân dịp thi thơ Haiku lại đúng độ Xuân về, người iêu thích thơ ca lại thêm phần hứng thú khi thưởng thức những bài thơ mà báo chí thành phố vừa đăng tải. Những bài thơ đã qua chọn lọc dù có giải hoặc không. Tác giả dù lạ dù quen, cũng làm không khí Mùa Xuân thêm xôn xao,thi vị.
             Những ai iêu thơ cũng đều phải ghé mắt đọc những bài thơ trong những ấn phẩm Xuân. Bên làn hương nhẹ nhàng của chén trà hoặc nồng nàn chung rượu đầu năm mới, bên những nhánh Mai, cành Đào, những cánh hoa nhẹ rơi bên thềm Xuân. Trong khung cảnh hữu tình ấy, chúng ta trò chuyện văn chương chữ nghĩa bên những bạn bè thân quen. Hỏi còn thú chơi tao nhã nào hơn.
             Haiku là một thể thơ mang đậm tính cách nghệ thuật, tính chất văn hóa, và tâm hồn của dân tộc Nhật Bản. Mấy năm gần đây, giới iêu thơ, iêu văn chương của thành phố đã biết đến một cách rộng rãi hơn, và cũng rõ ràng hơn về cội nguồn của thể thơ Haiku này nhờ những cuộc thi thơ do Lãnh sự quán Nhật tổ chức. 
             Ai trong chúng ta khi lần đầu tiếp xúc với những bài  thơ Haiku đều có chung cảm xúc. Một cảm xúc lạ lùng, khó diễn tả, như khi chúng ta đứng trước vẻ đẹp của Thiên Nhiên. Tuy quen thuộc nhưng chừng như đây là lần đầu ta chợt nhận ra, chợt bắt gặp. Điều đó làm  ta cảm thấy ngỡ ngàng, ngơ ngẩn với Thiên Nhiên quanh ta. Rồi có những bài thơ làm tâm tư chúng ta xao động, chợt nhìn sâu vào tâm hồn của chính mình, chợt nhận ra điều bình thường quen thuộc đã cất giữ đã lâu trong những miền kí ức, trong tâm thức lắng trầm, bỗng chợt dâng trào, bỗng chợt lay động, Được đánh thức dậy, những xúc cảm lạ thường bất chợt xuất hiện từ sự cô đọng, súc tích, chỉ của ba dòng thơ với mười bảy âm tiết. Đó chính là cấu trúc đặc biệt, đặc trưng của thể thơ Haiku, để trở thành đặc tính nghệ thuật của thể thơ Nhật Bản này. [Dù là đọc từ nguyên tác Tiếng Nhật ,nếu các bạn giỏi Nhật Ngữ, hoặc từ các bản dịch, hoặc được sáng tác bằng Việt Ngữ. Chắc rằng chúng ta cũng cảm thấy như thế].
              Do đó, với một hình thức tuy giản dị nhưng để đạt được độ thẩm mĩ cao, người làm thơ Haiku phải hết sức tinh tế chọn lựa ngữ nghĩa cho í thơ, đồng thời phải chọn được những âm tiết sao cho có thể gợi trong tâm thức người đọc ngập tràn cảm xúc. 
              Dường như nghệ thuật thơ Haiku là nghệ thuật của sự giản đơn, tiết chế trong từng âm, từng ngữ nghĩa. Tuy nhiên, để đạt được đến sự dung dị như vậy người làm thơ Haiku phải đắm chìm tâm hồn mình vào thiên nhiên rộng lớn, phải sống như một kẻ lữ hành trong cuộc đời, nhìn ngắm và chiêm nghiệm.
              Dường như nghệ thuật thơ Haiku lấy hình ảnh nhỏ bé để gợi điều lớn lao, lấy gần gũi để nhắn vào xa xăm, lấy thinh lặng để cất chứa vũ trụ, lấy mênh mông để đắm chìm vào tâm sâu...        
              Thơ Haiku nói theo ngôn ngữ triết học thì... nó rất là thâm trầm, ẩn mật, nó mở ra, khép vào một cõi...u tàng. Nó mở ra "khoảng trống" lại đóng vào "khoảng không". Nó lặng im mà vang tiếng lá rụng mùa Thu... Cành gãy mùa Đông... lửa reo tí tách trong lò sưởi. Gió lật mái rơm rạ mùa Xuân... gió va vào đầu hồi đánh thức lũ chim...Nó thinh lặng mà "nghe" tiếng ve mùa Hè, "nghe" giọt mưa trên lá chuối sau vườn... mà ta vẫn thấy đất trời như lặng im... chưa nói.

              Nhân đây xin ghi lại bài thơ Haiku viết về hoa Asagao, một loại hoa như hoa Bìm Bìm, của nữ sĩ Chiyo, một nhà thơ nữ Nhật Bản, theo hai [2] bản dịch khác nhau mà chúng ta có thể tìm gặp trên mạng. 
 Asagao ya !
Tsurube torarete
Morai mizu
A ! Hoa bìm bìm
Chiếc gầu vương hoa bên giếng
Đành xin nước nhà bên
* * *
Asagao ya!                            Hoa triêu nhan ơi
Tsurube torarete                   Gàu kia ai buộc cạnh
Morai mizu                            Đành xin nước nhà người
                                                                                     (Lê thị Thanh Tâm) 

    Nữ sĩ Chiyo vốn là một ni sư. Một buổi sớm mai bà nhẹ nhàng ra sân giếng sau chùa lấy nước pha trà, tiết trời mát mẻ, không khí thanh tao trong sân rộng. Hốt nhiên, nữ sĩ chợt nhận ra "dây gầu vương nhánh hoa Asagao bên thành giếng". Có lẽ, ngọn gió nhẹ đêm qua đã làm lả ngọn dây hoa. Trong một satna [khoảnh khắc] nữ sĩ đã sửng sốt trước vẻ đẹp một "tác phẩm" của tự nhiên. Và,... chúng ta có dịp được thưởng thức tài thơ điêu luyện của Chiyo khi đưa hình ảnh đơn sơ kia vào bài thơ Haiku. Đọc bài thơ Haiku về hoa Asagao chúng ta trực nhận được vẻ đẹp của thiên nhiên, tâm hồn nhẹ nhàng của nữ sĩ. Chúng ta ngỡ ngàng như bỗng chợt nhìn vào một tác phẩm nhiếp ảnh, như thể chúng ta cũng, trong một satna [khoảnh khắc], được chìm đắm vào không gian thanh khiết kia. Để rồi trong cõi thâm trầm chúng ta nhận ra vẻ đẹp lớn lao của vũ trụ, được gửi vào điều dung dị.
  Bài thơ Haiku hay giúp ta "bừng nở" cùng với vẻ đẹp của thiên nhiên. Tâm hồn rộng mở, khoáng đạt với cuộc đời. 
  Qua bài thơ được giới thiệu trên, chúng ta cũng nhận ra rằng, trước tiên Haiku là một bài thơ, cội nguồn của Haiku là tâm hồn con người rung động trước vẻ đẹp của thiên nhiên. Nhịp điệu, ngữ nghĩa và cú pháp của thơ Haiku chính là cầu nối các rung cảm của con người. Do đó, các nhà dịch giả cũng cần phải hết sức tinh tế trong việc lựa chọn từ ngữ và nhịp điệu trong Việt ngữ, và rất cần giữ lại được cấu trúc truyền thống của Haiku. Vì dịch thơ cũng chính là "sáng tác" một lần nữa trên cùng một í thơ với một ngôn ngữ khác. Chúng ta hãy thưởng thức 2 bản dịch trên và sẽ có nhận xét khác nhau, cảm giác khác nhau về nhịp điệu, cũng như âm tiết của 2 bài. Một bài gần với cấu trúc Haiku, còn bài kia gần với một khổ thơ Ngũ Ngôn hơn. Chúng ta cảm ơn các dịch giả có bản dịch giữ lại vẻ đẹp của cấu trúc Haiku. Điều đó sẽ nói lên được sự làm việc và sáng tạo cẩn thận với lòng đam mê, iêu thích thể thơ Haiku của các dịch giả.

    Bài thơ về hoa Asagao thật nhẹ nhàng và thanh khiết như tâm hồn ni sư Chiyo. Thơ Haiku cho chúng ta cảm giác gần gũi với Thiền cũng là điều tự nhiên vì Phật Giáo ảnh hưởng nhiều trong nền văn hóa Nhật. Tuy nhiên, chúng ta cũng biết, thơ Haiku chỉ chịu ảnh hưởng chứ không bắt nguồn từ Thiền học. Do đó, thật ngộ nhận khi chúng ta nghĩ những bài thơ Haiku giống như những công án của Thiền. Điều đó làm cho các người làm thơ Haiku và các dịch giả của Việt Nam luôn "cố gắng", "nỗ lực" làm ngắn đi bài thơ Haiku. Khi các tác giả cố gắng cô đọng hơn nữa các í tưởng, các hình ảnh nhằm tạo cho tác phẩm của mình "gần giống" với những công án Thiền, vô hình trung, đã phá vỡ cấu trúc truyền thống của thể thơ Haiku này. Có nên chăng khi chúng ta cố gắng "cách tân" một thể thơ truyển thống của một dân tộc khác. Chúng ta đã chẳng tạo nên được một "tân hình thức" mà chỉ vô tình tạo nên một sự "khập khiễng" trong giao tiếp văn hóa, Không phải thể thơ Haiku không có những biến thể khi sáng tác, như thêm hoặc bớt đi một vài âm tiết, như chúng ta đã biết. Nhưng nếu đa phần các bài thơ Haiku được "làm ngắn" thì lại là một hiện tượng cần lưu í. Hiện tượng này dễ trở thành trào lưu. [ Như chúng ta thấy trong các cuộc thi vừa qua và trong các bản dịch ]Vả lại, Việt Ngữ so với bao ngôn ngữ khác, cụ thể là Nhật Ngữ, cũng chẳng phải là một ngôn ngữ "ưu thế" trong việc chuyển tải hoặc sáng tác thi ca.
     "Mò mẫm đi tìm Chân Lí", chúng ta thử lọ mọ đếm các âm trong bài thơ Haiku Nhật Bản, viết theo mẫu tự La Tinh [Romaji], chúng ta sẽ thấy không một bài thơ nào không tuân theo cấu trúc truyền thống, rất ít các bài có biến thể, nếu có chỉ thêm bớt một âm.    
      Chúng ta cũng từng biết qua nhiều nghệ thuật truyền thống đã trở thành biểu tượng trong nền văn hóa Nhật như : Cách cắm hoa Ikebana, còn được phong tặng là Hoa Đạo, rồi nghệ thuật gấp giấy Origami lừng danh, rồi sự tinh tế trong Trà Đạo. Điều này cho thấy chúng ta cần tôn trọng các nền tảng, căn bản đã trở thành giá trị văn hóa, đã trở thành truyền thống, trong khi tiếp nhận văn hóa nước ngoài. Hãy tưởng tượng chúng ta giới thiệu thơ Lục Bát cho người nước ngoài, vấn đề sẽ trở nên rõ ràng, Mong rằng chúng ta, những người iêu thơ, cũng sẽ iêu thích thể thơ Haiku độc đáo của nước Nhật, như chúng ta đã từng iêu mến những dòng thơ Lục Bát Việt Nam
    Trong lịch sử phát triển thi ca, các nhà thơ Nhật đã định hình cấu trúc thể thơ Haiku như chúng ta biết ngày nay. Chỉ với 17 âm tiết được chia làm 3 dòng, dòng 5 âm, dòng 7 âm và dòng cuối lại 5 âm, và, không sử dụng luật gieo vần như các thể thơ khác, thơ Haiku đã đạt đến vẻ thẩm mĩ riêng của mình. Kể từ thời hoàng kim, các nhà thơ Haiku như M.Basho, rồi Y.Buson, rồi Issa... v.v  cho đền nay,  Haiku đã luôn tạo cảm xúc dâng trào nơi người đọc. Chúng ta hi vọng các nhà thơ Việt Nam iêu thích thể thơ Haiku này sẽ có những bài thơ hay được dịch và giới thiệu ngay tại đất nước của thể thơ này.  
    Rồi đây, các nhà làm công tác truyền bá văn hóa của Nhật Bản, sẽ phải viết bao nhiêu bài báo, bao nhiêu chuyên luận, để gắng gỗ giải thích, để tháo gỡ những ngộ nhận, gìn giữ vẻ đẹp của cấu trúc Haiku mà đã được các thiên tài thi ca Nhật phát triển và định hình qua bao thế hệ,  nhằm tạo ra những dịp thi thơ mạng đậm phong cách Haiku Nhật Bản, nhằm gửi gấm tâm hồn và vẻ đẹp Nhật qua các nghệ thuật đặc trưng văn hóa Nhật Bản như Ikebana, Origami, Trà Đạo, kịch Nô, v..v.. thì bài viết này chỉ có giá trị như một phiếm đàm nhằm góp nhặt mua vui mùa Xuân. 
                                                                                         Lê Thế Cường 

Không có nhận xét nào: