Khoảng giữa thế kỷ 19, Thánh Gioan Bosco bắt đầu hoạt động phục vụ những người trẻ nghèo nàn ở thành phố Turinô nước Ý. Họ đã sớm nhận ra ngài thực sự là một người bạn của họ. Họ yêu quý ngài đến nỗi khi ngài lâm trọng bệnh thì họ tha thiết cầu nguyện tưởng như muốn xé rách bầu trời, có người còn xin Chúa cho mình chết thay ngài. Nhờ những lời cầu nguyện ấy, Thánh Gioan Boscô đã khoẻ lại. Tình cảm trìu mến ấy không thể có được nếu Gioan Bosco và đám trẻ ấy đã không gần gũi nhau, biết nhau và yêu thương nhau.
Trong bài Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu nói "Ta biết chiên của Ta". Ngài biết chiên Ngài bởi vì Ngài là mục tử tốt lành. Có nhiều mức độ biết: có khi chỉ là biết mặt, biết tên; có khi biết như một người quen; có khi biết như một người bạn thân thiết.
Không biết người ta là một điều rất buồn thảm. Nhà văn Do Thái Elia Wiesel rất thương cha mình, nhưng người cha ấy đã chết trong trại tù Auschwitz năm 1944. Trong quyển tự thuật, nhà văn ấy tâm sự: "Tôi chưa bao giờ thực sự biết cha tôi. Thực đau lòng mà phải thú nhận như vậy. Tôi đã biết quá ít về người mà tôi yêu quý nhất đời ấy, người mà chỉ cần nhìn tôi một cái cũng đủ làm cho lòng tôi xao xuyến. Không hiểu những người con khác có gặp phải vấn đề như tôi không. Họ có biết cha họ không phải chỉ là một con người có nét mặt uy quyền, buổi sáng đi làm và buổi chiều trở về mang bánh đặt lên bàn ăn không?"
E rằng những lời buồn thảm trên đây cũng là tiếng than của rất nhiều đứa con khác. Ngày nay con cái không biết cha mẹ và cha mẹ không biết con cái. Muốn biết thì phải mất nhiều thời giờ và nhiều cố gắng, nhưng nó sẽ mang lại nhiều hoa trái. Còn nếu không biết thì sẽ phải gánh chịu nhiều mất mát. Đời sống trôi qua rất nhanh khiến chúng ta ít biết nhau. Mà không biết nhau thì không thể yêu thương nhau được.
"Biết" là điều rất quan trọng đối với những người-chăm-sóc (carers). Những người-chăm-sóc cần biết kẻ mà mình chăm sóc. Bước đầu là biết tên. Nhưng muốn biết thật thì phải biết cả lịch sử cuộc đời họ. Nếu không biết họ đến với ta từ một thế giới như thế nào và sẽ trở về một thế giới như thế nào thì ta chỉ coi họ như một chiếc bóng mà thôi.
Nhưng cái "biết" phải có hai chiều. Chúa Giêsu biết chiên của Ngài và chiên của Ngài cũng biết Ngài. Chúa Giêsu không sợ để cho người ta biết mình. Còn chúng ta đôi khi lại sợ. Chúng ta không muốn người khác đi vào cuộc sống chúng ta, biết chúng ta nghĩ gì, cần gì, đang lo buồn về chuyện gì và đang hy vọng những gì. Có lẽ vì chúng ta sợ người ta biết mình rõ quá rồi sẽ từ chối mình. Từ đó chúng ta chỉ muốn người ta biết chúng ta qua cái vẻ bề ngoài mà chúng ta cố tỏ ra. Thế nhưng làm sao chúng ta có thể tạo được một tình cảm trìu mến với người khác nếu chúng ta cứ giữ một khoảng cách với họ và không cho họ biết rõ chúng ta?
Đối với Chúa cũng vậy. Ngài là mục tử tốt lành. Ngài muốn ban cho chúng ta sự sống đời này và cả đời sau nữa. Nhưng phải có tương quan hai chiều. Chúng ta phải đáp lại tình thương của Ngài bằng cách lắng nghe tiếng Ngài và đi theo Ngài. (FM)
Chuyện minh họa :
Trong một cuộc họp, có hai người được mời đọc Thánh Vịnh 22 "Chúa là mục tử của tôi". Người thứ nhất là một diễn viên nhà nghề nhưng không có đức tin. Anh phát âm rất chuẩn, giọng rõ ràng, ngắt câu hợp ý. Nghe anh đọc xong ai cũng vỗ tay.Người thứ hai là một tín hữu xác tín về đức tin. Anh phát âm không chuẩn lắm, anh còn đọc hơi nhanh nữa. Nhưng giọng anh rất tình cảm. Ai nghe anh đọc cũng đều xúc động.Khi hai người đọc xong, người diễn viên đến bắt tay người tín hữu và khen: "Xin chúc mừng. Anh đã đọc rất hay". Người tín hữu đáp: "Không, anh mới là người đọc hay, còn tôi thì tệ quá."Người diễn viên phân tích: "Chắc chắn là anh đọc hay hơn tôi mà. Một điều rất hiển nhiên là: Tôi thì biết Thánh Vịnh 22, còn anh thì biết Người Mục Tử."Chúng ta hãy để ý: Tác giả Thánh vịnh 22 không nói "Chúa là một mục tử", cũng không nói "Chúa là vị Mục tử", nhưng nói "Chúa là Mục Tử của tôi". Người tín hữu kia đã đọc Thánh vịnh 22 bằng cảm nghiệm sống của mình, cho nên anh đã làm cho người khác xúc động.
(trích bài giảng lm. Carôlô Hồ Bặc Xái)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét