#Stats1 ul{margin:0;border:0;padding:0;height:32px;background:url(//goo.gl/ZHG881) no-repeat 0 -34px} #Stats1 li{margin:10px 0;border:0;padding:0 0 0 40px;list-style-type:none} #totalComments{height:32px;background:url(//goo.gl/ZHG881) no-repeat} #totalCount{height:32px;background:url(//goo.gl/ZHG881) no-repeat 0 -68px}

Thứ Bảy, 22 tháng 6, 2013

NHÀ THƯƠNG


Mỗi lần đi nuôi thân nhân nằm điều trị ở bệnh viện, chắc chắn Bạn đã từng gặp nhiều vấn đề để suy nghĩ.
Mấy ngày nay mình ở trong nhà thương với mẹ, loay hoay với Cụ hết ngày, nhưng cũng đủ có những lúc gom góp ưu tư thành chuyện. Chuyện dở, dở ẹc, chẳng đáng nhớ nhưng nhớ để kể lại, trước tiên là chuyện chút nước sôi. Chỉ cần chút nước sôi pha vào ly sữa cho đủ nóng ấm để người bệnh dễ uống, vậy mà đi từ trong căn-tin ra đến cổng bệnh viện không có. Có mà người ta không bán ...một tí.
Chuyện dở nữa là cái khung quạt máy quay nhưng ba cái cánh gãy một nên hai cái còn lại không quay. Không quay thì không mát. Không mát tức là nóng. Máy lạnh thì hư. Tóm lại là một phòng trung chuyển có bảy giường, hết ba bệnh nhân bỏ ra ngoài hành lang , hai cởi trần, còn hai nằm quạt kêu trời ơi ngộp quá.
Chuyện dở "cá nhân": cha nội cùng phòng phải cấp cứu vì tai biến mạch máu não, nguyên do là tối hôm trước đã bất tỉnh nhân sự, tỉnh dậy còn đi nhậu. Bác sĩ hỏi, giã khai chừng 6 chai hà. Dở ẹc !
Thêm chuyện dở nữa chẳng đáng có, đó là chuyện muôn đời : Nhà vệ sinh. ( Kinh phí nhà nước làm gì mà WC nơi nào cũng hãi hùng ghê !)
Thôi quên đi, qua chuyện hay vậy. Chuyện hay cũng nhiều, nên thấy vui vui  :
Con bé Như Ý bệnh, phải nằm lại, mẹ nó chỉ độ ba mươi là cùng, đi nuôi con bị xe đụng, cả hai mẹ con nằm viện luôn. Thương hết sức, con mẹ cứ nhảy lò cò, co cái chân đau mưng mủ. Cô gái hay thật ! Đúng là tình mẹ. Thương con nên chẳng hề than van cái chân đau đến thế, cứ cười !Lo cho con thôi.
Chuyện hay nữa là các " bác " rất dễ thương, nghĩ tệ là không biết có động lực nào mới xuất hiện thúc đẩy tinh thần mà các bác sĩ chăm sóc bệnh nhân khá chu đáo. Có lần mình thấy cô hộ lý hơi bực mình gắt gỏng, nhưng ngay sau đó cô có lời nói dịu dàng lại ngay.
Thêm chuyện hay nữa là mình thấy các bệnh nhân trong cùng một phòng rất thương nhau. Có dịp biểu lộ tình thương này là họ tỏ ra ngay, qua việc chia sẻ nước nôi, đồ ăn, cho đến đồ dùng, bô chậu v.v., cho đến cả nhường nhau chút ấm áp, chút mát mẻ, hay tự nguyện đi lãnh thuốc dùm, đi mua quà sáng dùm, đi kêu y tá dùm ; đưa nhau đi siêu âm, chụp X-ray, đi xét nghiệm....( trừ xét nghiệm nước tiểu, phân v.v. thì ai nấy tự lo, không ai giúp ai được "khâu" này).
Người Việt Nam mình thật dễ thương. Nghĩ ra được chữ "Nhà thương" mà đặt cho bệnh viện thì thật là hay.
Ở một nơi xô bồ, chung chạ như bệnh viện, người thập phương tứ giới đến, ai nấy nằm dăm ngày rồi đi, vậy mà cũng quyến luyến nhau, xin địa chỉ, điện thoại ...Mong rằng khi gọi lại còn có tiếng A lô, đừng ai trả lời dạ    má con, ba con mất rồi.
Mỗi ngày mới, mặt trời lên rạng rỡ, tôi mong ở nhà thương, các bệnh nhân dìu nhau đi trong nắng vàng tươi vui , đi trong tiếng cười thân thiết, ước mong sao những toa thuốc thần tiên của Yêu Thương xoa dịu, chữa lành tất cả các bệnh tật cho mọi người, những đồng bào nghèo khó của tôi.
Thôi, đi ngủ sớm, mai dậy đi Lễ Nhất Chúa Nhật xong còn trở vào nhà thương với mẹ. Thay ca !
Ối, quên một chuyện, không biết hay hay dở tuyệt, đó là sáng nay y tá truyền nước biển cho mẹ mình, cô í bảo phải 8 tiếng. Đến trưa, con trông mẹ vừa thiếp đi một lúc, mở mắt ra thấy Cụ bứt hết cả dây, cả kim. Chai nước biển tóp teo, lủng lẳng trên móc cao. Nền nhà ướt sũng. Bà bảo cứ phải nằm im khó chịu, đau lưng lắm, bứt ra cho xong.  Hi hi, công nhận mẹ mình quậy thấy thương luôn nghe !
HT

Thứ Ba, 18 tháng 6, 2013

ALLELUIA,ALLELUIA


NHT.:
Xem 22 loại hoa nở xòe vội vã tuyệt đẹp, Bạn có ý nghĩ gì ?
Một kỹ thuật 3, 4, 5, hay A,B,C, HD tinh xảo ? Vâng đúng thế, ngày nay công nghệ thông tin, phần mềm, phần cứng làm được tất cả, từ hoa nở , trái chín cho đến con người ta đi trên nước, bay trên mây, dễ dàng với một cái "kích". Bộ não loài người tuyệt diệu khi thực hiện được những hình ảnh sống động tuyệt đẹp, mà đây là một sáng tạo nghệ thuật đáng chiêm ngắm, một tài năng .
Riêng tôi, mỗi khi ngưỡng mộ một vẻ đẹp trần gian nào, tôi thường suy về nguyên khởi, từ cội nguồn, muốn chiêm ngưỡng từ Alpha :
 Bàn Tay Đấng Hóa Công Toàn Năng,  Sự Sống Thật,   Đấng Sáng Tạo Muôn Loài, con người cùng vạn vật dưới chân chúng, Đấng đã làm cho kẻ chết sống lại và chính Người đã từ cõi chết Phục Sinh vinh quang, vinh hiển muôn đời.
Và tôi muốn hô vang : Alleluia, Alleluia.
Ngợi khen Chúa. Alleluia, Alleluia.

Thứ Hai, 17 tháng 6, 2013

TƯỞNG NHỚ NHÀ VĂN CÔNG GIÁO PHÊRÔ PHẠM ĐÌNH KHIÊM

(Nguồn)


Tưởng nhớ nhà văn Công giáo Phêrô Phạm Đình Khiêm

Bài & Ảnh: Trường Sơn
T2, 17/06/2013 - 13:22
WGPSG -- Vào lúc 10g00 ngày 15/6/2013, Thánh lễ cầu nguyện 100 ngày cho nhà văn, nhà nghiên cứu, dịch giả Phêrô Phạm Đình Khiêm đã được cử hành trang trọng tại nhà nguyện tầng bốn thuộc giáo xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp do Cha Vinh Sơn Phạm Trung Thành - Giám tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế - chủ tế. Đồng tế với ngài có quý cha Dòng Chúa Cứu Thế và Dòng Đồng Công.
Đầu lễ, Cha Vinh Sơn đã nhắc tới ông cố Phêrô như một người con ưu tú của dân tộc Việt Nam, một người tín hữu mến mộ đạo Chúa, một nhà văn hóa Công giáo đã đóng góp cho Giáo hội rất nhiều kiến thức uyên bác về xã hội, thần học… Sự ra đi của ông đã để lại nhiều luyến tiếc, mất mát không chỉ của gia đình mà còn của Giáo hội. Thế nhưng, trong niềm tin Kitô giáo, “Sự sống không mất đi nhưng chỉ đổi thay” đã khiến cái chết của ông cố trở nên dấu chỉ tình yêu của Thiên Chúa.
Trong bài giảng, Cha Giuse Vũ Hoàng Phúc đã kể lại quãng thời gian mà cha và ông cố Phêrô cùng làm việc chung với nhau. Qua những câu chuyện về “Đức Mẹ hoa hồng mầu nhiệm”, cha đã cảm nhận lòng yêu mến Đức Mẹ của ông cố Phêrô và sự đáp trả của Đức Mẹ khi ban những ơn thiêng xuống cho ông cố Phêrô và những người thân của ông.
Sau Thánh lễ, những người thân quen, bạn hữu và gia đình ông cố Phêrô đã cùng nhau ôn lại những kỷ niệm của ông. Đặc biệt, qua cách kể chuyện dí dỏm của con gái ông, mọi người như sống lại hình ảnh một ông cụ già giản dị, thánh thiện, có tấm lòng sùng đạo vô biên. Hơn nữa, ông cố còn là một người chồng, người cha gương mẫu, thương yêu và có trách nhiệm với gia đình. Một tấm gương lao động miệt mài, qua việc dùng ngòi bút để ca ngợi và giữ gìn đạo Chúa.
“Nghĩ mình dụng cụ bất toàn
Phận hèn yếu đuối kiếp tằm nhả tơ”.
(Giấc mơ cuối đời, Dục Đức)
Những tư tưởng, suy nghĩ và phong cách của ông cố chính là mẫu gương cho con cháu và mọi người khi sống và làm việc theo gương Chúa Giêsu nhân từ, như lời ông đã từng hát: “Giêsu, Giêsu, con muốn yêu Ngài tha thiết”.

TƯỞNG NHỚ NHÀ VĂN PHÊRÔ PHẠM ĐÌNH KHIÊM







Sơ lược tiểu sử ông cố Phêrô Phạm Đình Khiêm
Sinh ngày 2/8/1920 tại Ninh Bình (Giáo phận Phát Diệm) trong một gia đình nông dân nghèo. Thời thơ ấu ông đã được giáo dục và hấp thụ nền tảng Đức tin Kitô giáo tại Tiểu Chủng viện Thánh Giuse - Ba Làng (Thanh Hóa). Ông là một người có năng khiếu về viết lách và ham học hỏi. Năm 22 tuổi, ông đã là chủ bút bán nguyệt san Thanh Niên. Sự nghiệp cầm bút của ông đã có những bước đi đầy lòng ham mê với nghệ thuật văn chương và báo chí. Đặc biệt, những tác phẩm có giá trị như: “Hành động xã hội của Giáo hội qua các thời đại và ở Việt Nam”. Năm 1949, tại Sàigòn, ông tiếp tục tham gia vào công việc truyền thông Công giáo, và tác phẩm “Người chứng thứ nhất” chính là “chứng cớ” có giá trị trong việc phong thánh cho Chân phước Anrê Phú Yên vào năm 2000.
Năm 1993, ông đã yết kiến Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, và dâng Ngài cuốn sách “Người chứng thứ nhất” với bản tóm lược bằng tiếng Pháp và thỉnh nguyện về việc tôn phong Chân phước Anrê Phú Yên.
Năm 2000, ông đến Vatican lần thứ hai, và dâng kính Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II cuốn sách “Thánh Giuse trong Dân Chúa” với ý nghĩa tri ân Đức Thánh Cha và hai vị tiền nhiệm đã đặt Thánh Giuse làm đấng bảo trợ cho Giáo hội Việt Nam.
Ông còn là một nhà dịch giả nhiều tác phẩm như: Mẹ tôi, Tình Cha, Thánh Giuse tuyệt diệu, Đức Giêsu quang lâm giữa dòng thời gian theo các văn bản Tân Ước…
Những độc giả yêu mến có thể nhận ra ông qua các bút danh: Kiêm Ngôn, Hưng Bình, Thanh Nghị, Dục Đức, Đức Khiêm.
Ông được Chúa gọi về vào ngày 13/3/2013.
Có thể nói những đóng góp của ông cho Giáo hội Công giáo Việt Nam rất đáng khích lệ. Những gương mẫu sống động cũng như những tác phẩm của ông là tài sản quý giá cho lịch sử và công cuộc phát triển đạo Chúa tại quê hương Việt Nam.
------------------------------------------------------------------------------
Kính mời đọc thêm : 100 NGÀY NHỚ BÁC PHÊRÔ  (TẠI ĐÂY)
------------------------------------------------------------------------------

Chủ Nhật, 16 tháng 6, 2013

....TỰ PHÁT


Lời Cảm Tạ đầu THÁNH LỄ MÃN KHÓA NĂM HỌC GIÁO LÝ 2012-2013 :
Kính thưa quý Đức Cha,
kính thưa quý Cha xứ,
kính thưa quý Sơ,
kính thưa quý Thầy,
kính thưa quý Hội Đồng Mục Vụ,
kính thưa quý Ông Bà Ngoại (?)
kính thưa quý Phụ Huynh,
con xin đại diện cho toàn thể các Em học Giáo Lý niên khóa vừa qua chân thành cám ơn
quý  Đức Cha
 quý .....
(đầy đủ những Vị trên) ..., đã thương đến dự Thánh Lễ Mãn Khóa Giáo Lý của chúng con.
Sự hiện diện của
quý ... (như trên)
là niềm vinh dự vô cùng cho chúng con. Xin
quý ...(như trên) ..cầu nguyện cho chúng con.
Chúng con xin cảm ơn quý .... ( lại đọc đầy đủ y như trên ).
Sau đây, chúng con xin kính mời cha Xứ lên phát biểu.
Lời Cha Xứ :
Hôm nay là thành quả  trách nhiệm của quý Phụ Huynh. Rất quan trọng trong việc đào tạo các em về mặt Giáo Lý. Tôi xin cám ơn quý Ông Bà đã vui lòng cho con em mình tham dự các khóa học vừa qua. Các bài học rất cần thiết cho các em. Thật hết lòng cảm ơn bậc làm cha mẹ biết lo cho con cái về phương diện tìm hiểu Đạo. Trong các khóa học, các em dần dần đã từ chỗ không biết gì đến nay đã biết cầu nguyện tự phát. Điều ấy nói lên rằng các em đã có một mối liên quan mật thiết với Chúa. Tôi xin hết lòng cám ơn quý Thầy, quý Sơ đã dạy dỗ các cháu. Công tác của quý Sơ quý Thầy rất tốt, không biết nói lời gì cám ơn. Tôi xin cám ơn.
Có người quay qua hỏi " Cầu nguyện tự phát là gì ?"
May sao, trong bài giảng của cha Phó trong Thánh Lễ, có ngay một đoạn giải thích rõ ràng.
Thánh Lễ :
Lời Cha Phó giảng :
Các con từ nay cố gắng lên, không những thuộc các bài Giáo Lý, hiểu các lẽ Đạo, mà còn biết cầu nguyện nữa. Các con hãy tập cầu nguyện tự phát, cha ví dụ như sau :
Lạy Chúa, hôm nay con xin dâng cho Chúa niềm vui được gặp lại các bạn cũ của con.
Lạy Chúa, con rất muốn yêu mến Chúa hết lòng hết sức con, nhưng con còn hay giận bạn quá, làm sao bây giờ Chúa ?
Chúa ơi, con đã thuộc bài rồi, nhưng mau quên, xin Chúa thêm trí nhớ cho con.
Chúa ơi, con buồn ngủ quá, xin phép Chúa con ...ngủ một tí.
Đó các con thấy chưa, cầu nguyện tự phát dễ như vậy đó, thay vì viết Nhật Ký, các con có thể viết ra hay thốt ra những lời cầu nguyện tự nhiên như vậy.
Cuối Lễ, mời Cộng Đoàn ở lại cùng tham dự màn múa quen thuộc với chúng con .
Nhạc trổi lên từ máy.
Mọi người cùng vỗ tay, nhún nhảy vui tươi.
Vị chi 2 tiếng rưỡi đồng hồ. Tính từ đầu em Trưởng đứng lên đọc Lời Cám Ơn cho đến lúc mọi người được mời múa.
Tóm lại, đầu là Các loại Cám ơn trang trọng, cuối là bài thánh vũ nhịp nhàng.
Thánh Lễ Misa ở giữa, nhẹ tênh, mong manh tựa sương khói.
Mình tường trình.... tự phát thôi, không ai bảo..
HT

Thứ Sáu, 14 tháng 6, 2013

THẬT NHƯ ĐÙA


NHT. Truyện ngắn "Chuyện Cha GIà Cố Uy " trong blog này là một câu chuyện hư cấu, mang tính viễn tưởng, một truyện ngắn bình thường được đăng cách âm thầm trên một blog nhỏ bé trong thời điểm blog mới được khai trương, cách đây mấy năm, blogger lúc ấy đang tập gõ chữ trên bàn phím. Rồi tất cả chìm vào quên lãng của chính chủ vườn.
 Tuần rồi, chợt nhớ có ai đó báo cha Lê Quang Uy Dòng Chúa Cứu Thế bị bệnh, nhiều bệnh lắm, mình đoán ngài sắp chết rồi, mới nhớ ra khi bịa Chuyện cha già Cố Uy mình chưa có e-mail để gửi nhân vật chính (năm 2040) đọc, với lại cũng vì thời điểm mình viết xong truyện đó, thấy các cha bận rộn nhiều việc, nên cũng e ngại việc giao liu văn nghệ.
Nay biết được cha Uy lâm chung khi còn quá trẻ, nếu  không gửi ngài món quà quê nhỏ bé này sớm, e ngài về cùng Chúa, không lẽ lúc ấy mang đặt cạnh Hũ ? Lại phải để kèm cặp kính làm việc cho ngài đọc.
Ối thảm thương thay cho cha Uy !
Nghĩ vậy nên hôm qua vội gửi ngay link truyện này http://nshaitrieu.blogspot.com/2011/07/chuyen-cha-gia-co-uy.html qua i-meo để chạy đua với lưỡi hái tử thần đang chực bủa xuống trên cha Uy. Và thật may mắn, ngài phản hồi tức khắc. Tội nghiệp, ốm thế chắc phải lần mò mãi mới nhấc được cái thân xác tong teo, gầy gò bệnh tật để bò đến được cái computer và chắc phải thở dốc nhiều mới gõ xong bức thư trả lời cho mình. Xin lỗi cha, thực con không muốn làm cha phải mệt. Xin cha chịu sự khó cho nên. Cũng xin chân thành cám ơn cha về comment rất ấn tượng của cha. Ấn tượng đến nỗi blogger phải chọn làm một Bài Mới, với Nhãn là Truyện ngắn, không lẽ dài dòng Truyện Ngắn Có Thật.
Quý độc giả có toàn quyền điều tra, suy luận.
Đây, bài mới, tác giả : Lê Quang Uy DCCT .

 THẬT NHƯ ĐÙA
(Hồi đáp Chuyện Cha Già Cố Uy)
   (Đề tựa do HT. đặt)

Chị Hải Triều thân mến,
Em mới gọi phone hỏi thăm cha già cố ở Nhà Hưu mấy chi tiết còn hồ nghi trong câu chuyện chị ghi lại: Chú bé năm xưa không phải là Lê Quang Nghiêm đâu, mà tên thật là Lê Quang Uy-Liêm. Uy-Liêm là phiên âm của William, bởi ông nội cháu đã là người mang hai dòng máu nội Việt ngoại Mỹ, hiện nay cháu đang định cư tại California, làm việc tại Đài Little Sàigòn, chung chỗ với anh Bảo Tèo, lấy vợ Việt tên là Hải Âu ( chắc hồi xưa thích đọc tiểu thuyết Hải Âu Phi Xứ của Quỳnh Dao ), đẻ mấy đứa con đặt tên như sau: 
- Đứa đầu là con trai tên Lê Quang Hải Quan ( nhân một lần về thăm quê VN bị chặn xét lâu quá mà mẹ cháu... đẻ rơi cháu bé ). 
- Đứa kế là con trai tên Lê Quang Hải Quân ( hiện đã đi lính US Navy đeo lon thiếu úy rồi ).
- Đứa thứ ba con gái tên Lê Quang Hải Sản ( hiện là đầu bếp nổi tiếng trong êkíp Chan Can Cook ).
- Đứa thứ tư cũng con gái, thật bất ngờ, được đặt tên là Lê Quang Hải Triều, vì mẹ bé là Hải Âu đi hát ca đoàn Nhà Thờ, bè Sprano, một hôm đang mang bầu bé sắp sinh, lại đứng ngay trước mặt ca trưởng hợp xướng là cô Hải Triều, cô ấy quơ tay thế nào rơi cái đũa trúng vào bụng, vỡ nước ối tại chỗ, đưa đến Bệnh Viện Good Samaritan là sinh luôn bé gái, vì thế mà xin cô Hải Triều đặt tên bé là Hải Triều để kỷ niệm.
Còn riêng chuyện cha già "ho một cái mà cứu được một em bé" thì nghe có vẻ tiếu lâm nhưng lại rất chính xác. Cha già bảo với em rằng: cũng từ đó, đi đâu, làm gì cha cũng cố... ho mấy phát, hy vọng biết đâu lại cứu được một em bé nào đấy thì sao !?!
Tội nghiệp cha lắm chị Hải Triều ạ, cha già rồi vẫn cứ cố mà ho để BVSS nên em có hứa xin chị Hải Triều mua ít kẹo thuốc ho hiệu Halls gửi về, em sẽ đi "thăm nuôi" cha già, thế nào cha cũng cho em hưởng xái vì 2 lý do: em trùng tên Lê Quang Uy với cha già, lại cũng tu DCCT với cha già, lại cũng đang tiếp nối việc BVSS của cha già, lại cũng đang cố bắt chước cha già mà cố gắng ho liên tục, họ rải rác, ho kinh niên, hy vọng cũng "ho một phát cứu được một em bé".
Vậy nhé chị Hải Triều. Em cám ơn chị đã ghi lại và kể cho em nghe một chuyện... thật cứ như đùa ! Bình an của Chúa ở cùng chị, để chị cũng được ơn... ho như em !
Kính thư,
Em Lê Quang Uy DCCT

Thứ Năm, 13 tháng 6, 2013

100 NGÀY NHỚ BÁC PHÊRÔ




Chiều mưa, ra cổng mở hộp thư nhận được Thiệp Mời Nhớ 100 ngày Bác Đi Xa. Con bồi hồi lạ. Bác là Học Giả Công Giáo, là nhà Nghiên cứu Công Giáo, là nhà văn, nhà dịch thuật, là người con yêu Mẹ Maria và được Mẹ Maria yêu dấu, là người chồng, người cha thánh thiện, đạo đức, gương mẫu và niềm vui cho mọi người trong gia đình, là Ca Sĩ chuyên trị  bè ngang và là người con rất kính trọng, quý mến.
Vậy là Bác đã về với Chúa được Trăm Ngày rồi.
Mở ảnh Bác ra ngắm.
Con hồi tưởng lại những kỷ niệm, ở đó Bác ưu ái dành cho con những tình cảm bác –cháu thật ấm cúng, chân thành và tôn trọng. Bác đã xem con như một người bạn Nhạc-Thơ, hơn thế, như con cháu trong nhà. Hương kể con nghe toàn Ba thế nọ Ba thế kia. Được coi như người nhà, con cảm động lắm. Cho nên lâu không đến viếng thăm hai Bác, con cứ áy náy luôn í, như là phạm phải một lỗi lầm nào. Mà đúng là lỗi rồi, phải chi khi Bác còn, con cố thu xếp giờ đến hát cho Bác nghe thường xuyên hơn. Sẽ không hát Mẹ ơi  nữa. Và như thế ca sĩ là Bác chứ không phải con. Nhớ lại mỗi lần con đến thăm, Bác bảo con hát Mẹ ơi hàng giờ...Lần nào cũng thế, đột nhiên, sau lần ốm nặng Bác đổi gu, chuyển sang "tông" Vương Diệu, lại mê "Nghìn trùng xa cách"...Hi hi ngộ thiệt.
Giờ đây, ở trên Thiên Đàng, Bác đang làm gì hở Bác ?
Con hỏi thăm thế thôi chứ biết chắc Bác đang hát Thánh Ca rồi. Tung tăng, tung tăng chứ đâu phải nằm liệt một chỗ trong căn phòng nhỏ trên lầu, Bác nhỉ.
Đôi chân Bác đã không còn yếu, đôi tay Bác đã không còn run, tai Bác không còn nghễnh ngãng nặng nữa. Bác không còn phải đi nhà thương nữa. Bác giờ hoàn toàn tự do thanh thản giữa trời hoan ca, muôn đời bên Chúa, Mẹ cùng các Thánh.
Con tin thế có sao đâu, Bác đẹp lòng Chúa Ba Ngôi mà.
Con ước ao sống sao được như Bác, để được về Quê an bình như Bác.
Bác PHÊRÔ ơi, xin cầu nguyện cho con biết sống tử tế, tốt lành. Bác hát cho Đức Mẹ nghe bài Mẹ ơi của con nhé. À, bài Bến Thiên Đàng nữa, cho cả và Thiên quốc nghe.
Bác cầu nguyện cho Bác Gái, cho các anh, chị, em, các cháu trong nhà Bác nhé.
Tất cả mọi người trong gia đình đều trìu mến thân thương nhớ Bác với nhiều kỷ niệm lưu ghi truyền đạt, mọi người thấy lòng bình an, tin tưởng.
Ngày Giỗ Trăm Ngày của Bác con phải trông mẹ con rồi, không đi Lễ được.
Bác nghe con nhắc vậy là nhớ một người Bác vẫn cầu nguyện cho đó, Bác nhớ không Bác ? Bác ơi, nài nỉ với Chúa cho chúng con còn nơi gian nan khổ đau yếu đuối, Bác nhé.
Xin tạm biệt và mong hội ngộ Bác.
HT
Xin xem thêm :
http://nshaitrieu.blogspot.com/2013/03/nho-bac-pham-inh-khiem.html

Thứ Tư, 12 tháng 6, 2013

ẤY ƠI, HÃY BIẾT SỢ


 Mình muốn nói với  Ấy.
Hôm qua một người quen của mình, thầy H. đi giúp bên Campuchia, kể cho mình nghe chuyện thầy đưa đôi vợ chồng vừa được tháo bùa, khỏe rồi, về VN. tạ ơn Đức Mẹ, làm  mình nhớ đến Ấy.
Từ trước đến giờ, riêng mình chẳng ân oán với Ấy, cứ đối đãi đơn sơ, bình thường, vả lại mình không hề biết  Ấy oán mình bao nhiêu năm nay để mà ....oán lại. Đùa đấy, sống trên đời , đã không thương yêu cho đủ thì thôi, nào còn dám nghĩ đến sự thù nghịch. Chúa dạy, phải yêu thương, không được thù oán một ai, Nhưng phần Ấy, Ấy biết, vậy mà Ấy cư xử như không biết. Ấy oán bao người rồi?Ấy hại ba  người rồi, Ấy tính hại thêm người thứ tư nữa là mình đây phải không ? Đừng Ấy ơi, trên đầu chúng ta còn Đấng phán xét Công Minh, Chính Trực.
Cái lý do để Ấy oán mình và kết án cả một tập thể kia thật hết sức vô lý, xấu tính. Mình nói thật, không thì không có lúc nào để nói thật với Ấy là Ấy đáng bị coi thường lắm. Ấy ghen tị với chuyện cách đây mấy chục năm để làm gì cho nặng lòng, mà sự thật lại không như Ấy nghĩ. Ấy cho rằng ngày đó, Ấy tài giỏi, khéo tay, đa tài không thua gì mình, thế mà chỉ có mình được ưu đãi, không ai để ý đến Ấy cả. Lầm rồi, Ấy lầm to rồi. Mở tai mà nghe đây này, hồi bé ấy mình không giỏi, vừa phải thôi, cũng không hề được yêu chiều hơn các bạn. Nếu có được thương riêng, đặc cách thì đáng lẽ bây giờ mình đây phải làm to chứ, đúng không ? Và nếu Ấy có hơn mình cái gì thì tức khắc thầy cô cũng nhận ra để mà đưa Ấy lên, thầy cô đè bẹp, trù dập Ấy để làm gì, không có một lý do nào cả, ngoại trừ chính cá nhân em trò đó tỏ ra chưa xứng đáng được khen thôi. Ấy làm sao chứ, mình xem Ấy như mọi bạn, còn tài năng thì mình nhớ là hồi còn đi học, Ấy không có gì nổi bật cả, mình nói thật mất lòng. Chắc chắn mất lòng Ấy, nhưng vì cho đến giờ Ấy vẫn trách móc thầy cô, nên buộc mình phải nói. Vậy là Ấy ôm mối hờn ghen vô lý vô duyên  trong lòng cả đời, sao dại thế ? Làm chi cho nặng nề như gông như cùm như đá đeo cổ vậy ?
Mình cũng thật ngỡ ngàng khi nghe Ấy tiết lộ người thứ tư mà Ấy muốn trù chính là mình. Chỉ vì lòng ghen tương nhỏ nhen nuôi mãi trong lòng mà Ấy rắp tâm làm cho mình bị bệnh liệt như 3 người mà  Ấy đã thực hiện thành công sao ? Thật đau lòng khi nghe Ấy thản nhiên khoe khoang tài ba của Ấy, đó là cái tài độc ác của mụ phù thủy Ấy ạ. Bạn bè mà đối xử với nhau như vậy à Ấy ? Ấy nhìn xem, bây giờ hoàn cảnh mình đâu có khá hơn Ấy, thiếu điều còn thua kém, Ấy biết rõ vì có một lần, chính Ấy đã chửi xéo mình qua một bạn khác rằng bây giờ Ấy an lòng nghe Chúa gọi về vì Ấy đã để lại cho thế gian một gia tài đồ sộ, đó là 4 đứa con ngoan, tài giỏi, khéo tay  không thua mẹ chúng, chứ không như ai chết đi không để lại cho đời cái gì cả. Khi nói câu này, Ấy liếc xéo mình. Ôi Trời, sao mình thấy tội cho Ấy quá. Ấy cận thị rồi, đi cắt cái kính nhìn cho đỡ hẹp hòi thiển cận.
Mình thì rất an phận Ấy ạ. Chúa đặt cho ơn gọi nào, vui lòng đón nhận, không bao giờ  kêu ca phiền trách.
Mình cũng chẳng  ghen tị với những bạn nay có cơ ngơi khá giả, con cái thành danh, vợ chồng hạnh phúc. Mừng cho các bạn ấy  và thương những bạn còn yếu kém, thiếu thốn...Ấy có như thế không nào ? Mình cũng chẳng thèm ganh tị về đường con cái, cái mà Ấy gọi là gia tài lớn của Ấy.
Thôi, hãy cùng mình sống vô tư, hiền hòa đi Ấy ơi. Đừng bao giờ nghĩ rằng người này không phải với tôi, người kia không tế nhị với tôi. Ấy có cái tính luôn luôn trách cứ, đổ lỗi cho người khác như vậy đó, Ấy đâu có biết ,phải không ? Thì để nhân đây,cho mình nói luôn. Đừng nghĩ là mình ghét Ấy. Không, ngược lại, vì vẫn coi Ấy là bạn nên mình mới nói giọng cứng cỏi đó. Vẫn còn kịp Ấy ạ. Một ngày mát trời nào đó, các bạn gặp lại Ấy trong cách ăn nói dịu dàng, khiêm tốn, biết nhận lỗi, khác hẳn trước, các bạn vui biết bao, mến Ấy biết bao.
Và cuối cùng là một điều rất quan trọng, mình xin Ấy :
Đừng nuôi ác tâm hại ai nữa.Chấm dứt ngay nhé. Có tội đấy. Trò ma quỉ đấy.
Thầy H. giúp xứ Campuchia kể cho mình nghe rằng, hiện nay, ông thầy bùa đã trù ếm cặp vợ chồng kia  đang phải đau đớn lắm, vì cái bùa nó trở ngược lại người làm bùa. Ấy có sợ không ?
Hãy biết sợ Ấy ạ.
Mình tha thiết xin Ấy, hãy sống hiền lành và làm việc thiện.
Hai chúng mình là hai chú chim bồ câu dễ thương nhé.
Những lời đắng đót có chứa vị tình thân, mến gửi Ấy. Hãy an tâm, bạn bè sẽ không ai trách Ấy đâu, mình cũng không trách Ấy, chỉ mong bạn biết rằng mình đây muốn tốt cho bạn thôi.
Xin Chúa chúc lành cho Ấy .
Luôn trân trọng niềm riêng của Ấy.
Chào,
HT.

Thứ Ba, 11 tháng 6, 2013

KHÔNG OÁI OĂM ĐÂU

Giữa yên ổn của sự an toàn nhưng dậm chân tại chỗ, với sự cố gắng chỉnh sửa để khá hơn, tốt hơn, bạn chọn điều nào ?
Sau một chương trình biểu diễn Thánh Ca rầm rộ và hoành tráng, ban tổ chức và các ca công khàn đặc, rã rời, chỉ cần một lời khen ngợi là mệt nhọc tan biến.
Biết vậy, nhưng tốt hơn, về lâu về dài hơn, lời chê vẫn có giá trị hơn là những lời tâng bốc, những bài viết ca tụng lên tận mây.
Huống hồ là những buổi ca hát, khuyết điểm lộ rõ, sao chúng ta không đón nhận ?
Mình nghĩ rằng, cùng là dân ca đoàn, chúng ta đừng khách sáo khen lao đầu môi chót lưỡi. Có sao nói vậy, nhận xét dùm người trong cuộc. Thấy có gì chưa đẹp, không đẹp, nói cho nhau biết. Người có trách nhiệm thì lắng nghe. Sao cứ nói nhiều về đức tính hiếu thiện mà hễ ai chê một cái là nổi sùng ?
Sau mỗi lần tham gia trình diễn Thánh ca, ca đoàn các Bạn có một buổi "đúc rút kinh nghiệm" không ạ ? Mình nghĩ là nên.
Nhiều năm trước, mình cũng đã từng chen chân, chen tay  vào những dịp như thế, và về sau này, khi đã "đi chỗ khác chơi", có ân hận rằng, sao hồi còn sinh hoạt ca đoàn, ta không làm thế ?
Bao giờ ra về cũng là ra về với một bụng đầy tự hào khinh mạn, ôi trời, hôm nay ca đoàn mình hát không chê được. (chán như con gián !)
Dà, đúng vậy, mỗi lần tổ chức đều có những khuyết điểm đáng phải quan tâm, nếu chúng ta không quan tâm, lần sau chúng ta lại như thế, gọi là dậm chân tại chỗ. Mà sự tiến bộ thì không cho phép đứng yên.
Không nói tới sự tự mãn, coi mình là số Một, ở đây mình chỉ muốn ngắn gọn nhưng thực tế, rằng, chúng ta cần lưu ý, đêm hôm ấy, âm thanh, ánh sáng ra sao ? đàn ra sao? tiếng hát ra sao ? Ra vào, y phục, sách hát, từng chi tiết nhỏ, xin hãy lôi ra, anh chị em tự nhận xét phê bình với nhau.
Mình nhớ một chi tiết rất dễ nhận ra là trong các buổi biểu diễn, khán giả chú ý nhiều đến KHUÔN MẶT ca viên. Nếu chúng ta không nhắc nhau tươi lên, nhìn vào Ca Trưởng, thì lần sau , lần sau, và hoài thôi, ca đòan của chúng ta nhìn rất buồn. Ai cũng cúi gằm mặt vào sách hát, hoặc có nhìn lên thì nét mặt không sáng được.
 Gần đây nhất là chương trình mừng 45 năm Thụ Phong của Linh Mục Nhạc Sư Kim Long, được tổ chức tại nhà thờ Mai Khôi và sau đó là chương trình Tưởng Niệm Nhạc Sĩ Hải Linh, được tổ chức tại nhà thờ Xóm Thuốc.
Mình cam đoan, nếu nhìn lại vào video của cả hai Đêm quan trọng, hoành tráng (hi hi , lại nhiễm!)  này, anh chị em mỗi ca đoàn sẽ thấy ít nhất là một điều gì đó để : Ô cái này, ồ cái kia  không vừa ý. Và như thế, chắc chắn lần sau, ca đoàn các bạn sẽ đẹp hơn nhiều, lớn hơn nhiều. Cái đáng nói là ta nhìn vào ta,  rồi sửa chữa cho hoàn thiện hơn, chứ không phải chỉ nhìn vào người .
Vì không có điều kiện tham dự buổi Tưởng Niệm Nhạc Sĩ Hải Linh, nên sau đó mình tìm trên mạng. Hình như mới có 2 bài, cả 2 bài đều khen ngợi đêm ấy tuyệt hảo. Hình ảnh thì tuyệt đẹp. Nhưng mình không tin trên đời này lại có sự tuyệt hảo, bèn hỏi K.H.,cháu Thầy Hải Linh, có khuyết điểm gì kể chị nghe.Cứ moi ra, khen là thường, chê mới có ích. Cô ấy bảo chỉ mải hát, có để ý gì đâu, nhưng sau đó Nhạc Sĩ P.T. gọi điện thoại, đáp ứng yêu cầu cho là oái oăm của HT là buổi hát ấy có chỗ nào dở ? có khâu nào đáng chê ? Rất vui là anh P.T. khen nhiều, có chê mà chê ít, như vậy cám ơn Chúa, Quê Hương thành công, đại thành công. Chúc mừng cha Xuân Thảo.
Còn Đêm Bài Ca Ngân Vang của LM. NS. Kim Long thì mình có đi, đi Lễ, đi nghe. Không chê đâu vì mình đến hơi trễ, lại phải ngồi ngoài sân, chỉ ngạc nhiên sao Bố KL. một trời Tác phẩm, mà  dâng Lễ lại hát bài của Viết Chung nhể ? (Anh VC. trên Thiên Đàng ...khoái chí nhé). Nói thật nhé, mình không chê ( biết !không làm thì đừng chê), nhưng người đi dự về chê "quả đi mât ".
Nào,đề nghị chúng mình cùng nhau tự kiểm điểm cho tốt. Đức Thánh Cha Phanxico chẳng khuyên là  "Hãy làm việc thiện" đó sao ! Mình thật lòng, đừng ai nói mình oái oăm nhé. Cám ơn nhiều.

Thứ Hai, 10 tháng 6, 2013

MÁI ẤM

Tôi vừa gửi gắm tâm tình về Nhà Hưu lên blog thì hôm nay lại nhận được thư Bạn thông tin về Mái Ấm.
Mái Ấm và Nhà Hưu cùng một dạng như nhau, trong hai nơi đó, chỉ có những tâm hồn, già, trẻ, cần nương tựa nơi  y dưỡng viên, nơi người bảo mẫu.
Ở đó rất cần sự chăm sóc, ân cần lo lắng, thương yêu thật sự.
Quý Ông quý Bà thì cần tâm sự, lắng nghe ủi an.
Các cháu mồ côi cần ...tất tần tật. Chúng thiếu cái mà Bạn có dư thừa, đó là Tình Yêu.
Bạn hãy nhìn vào đôi mắt trẻ thơ, nhất là đôi mắt những đứa trẻ sống trong một mái ấm tình thương. Chúng thiếu thốn tình thương như thế nào Bạn biết !
Ở Việt Nam hiện nay có rất nhiều Mái Ấm.
Và sau một thời gian dài đi thăm viếng nhiều "Mái", kể cả chuyến đổ bộ vào bệnh viện Nhi Đồng vào ngày mồng Một Tết năm nào, tôi không có can đảm nghĩ về chuyện này nữa, vì lòng tôi không đủ rộng, tay tôi không đủ quà và nhất là sự phán đoán của tôi không đủ quảng đại.
Vậy thưa Bạn, nếu Bạn có điều kiện và thời giờ, muốn tìm thăm một Mái Ấm nào đó ở Việt Nam, xin gợi ý với Bạn vài điều :
1. Bạn  xác định rõ, tấm lòng tràn đầy yêu thương mình dành cho các bé là có thật.
2. Bạn chụp cho nhiều những cảnh cảm động mà cô cháu trong Mái Ấm dành cho nhau.
3. Bạn thật thà trao trọn niềm tin cho Vị Chủ Nhiệm Mái Ấm. Đừng nghi ngờ có sự gian lận hay giả dối.
4. Bạn nhìn các Vị ấy như nhìn các Thánh.
5. Bạn dốc hết túi ra, càng nhiều quà, Mái Ấm càng vui.
Cam đoan với Bạn,
nếu đạt được những điều kiện trên, Bạn sẽ rất hài lòng khi đến thăm một Mái Ấm.
Với điều 1, tôi nghiêng mình cảm phục Bạn.
Điều 2, ru lòng Bạn cho êm đềm, như một giấc mơ đẹp đi.
Xin Bạn nhớ kỹ điều 4, (như Hiến Pháp nhà nước vậy). Bởi nếu sai sót hoặc quên lời khuyên này, Bạn sẽ trở nên....giống tôi, khi ấy, tôi không thể giúp gì cho Bạn được.
Bạn còn đòi hỏi gì nữa không ? À, niềm vui của các cháu ấy hả ?
Vâng, dĩ nhiên trẻ con thấy khách đến nhà đứa nào chả thích. Cháu tôi có mẹ có cha đầy đủ mà còn thích cô bác đến chơi, huống hồ trẻ mồ côi trong nhà bảo trợ.
Lại còn thắc mắc về bữa ăn của các cháu nữa ư ? Cái này thì tôi không bảo đảm. Muốn biết các cháu no đói ra sao, cơm nấu có ngon không, thức ăn có đủ chất bổ dưỡng không, Bạn phải ĐỘT KÍCH.
Nói chung, muốn biết sự thật, mọi vấn đề , ta đều phải đột kích chứng kiến.Vì thế tôi mới đề nghị với Bạn điều 3.
Về điều 5, tuyệt đối xin Bạn đừng trao hiện kim vào tay Vị đứng đầu ngôi nhà tình thương ấy, nếu không sẽ hối hận dài lâu. Chúng ta phải xác định lại với nhau rằng : Đến với Mái Ấm Tình thương thì quà quý nhất, các cháu thèm nhất  là Tình thương chứ không phải bạc vàng tiền của. Bạn đến thăm các cháu hay vì mến Vị Chủ Nhiệm ? Dĩ nhiên toàn quyền ở Bạn, nhưng ở đây chúng ta đang nói tới vấn đề Mái Ấm. Nếu Bạn trao tiền cho Vị Chủ Nhiệm nhà nuôi trẻ, liệu cái Mái này có Ấm hơn không ?
Biết sao nói vậy. Bạn không tin thì thôi.

Chủ Nhật, 9 tháng 6, 2013

NHÀ HƯU



Còn chờ đợi còn thấy đằng đẵng.
Ai trong bất cứ một mối chờ đợi nào cũng chỉ mong thời gian chóng qua. Bao lâu chưa đạt được kết quả, bấy lâu cứ sốt ruột, đứng ngồi không yên. Cho nên, nơi ta muốn đến và rời nhanh nhất là trạm xe. Nơi các trẻ em mong nhất là sân trường ngày mãn khóa. Còn gì đằng đẵng hơn những ngày tháng trong nhà hưu ?
Mỗi lần có dịp bước vào một nhà Hưu dưỡng, tôi luôn phải né tránh ánh nhìn của các bô lão, các Quý Ông, Quý Bà ngụ trong đó. Luôn luôn là những đôi mắt đau đáu nhìn về nơi xa xăm. Hình ảnh ấy buồn bã làm sao ! Tôi biết, các Cụ lúc nào cũng nhìn qua một khung cửa, ngoài kia, có con gái tôi thế nọ thế kia, con trai tôi thế kia thế nọ. Nhất là khi nói về các cháu Nội Ngoại, Cụ nào cũng sáng bừng cặp mắt mờ đục, chiếc miệng móm sều nhoẻn cười thật tươi khi có người ngồi nghe Cụ khoe con khoe cháu. Khi nghe dụ khị, dỗ dành, Bà (Ông) ráng ăn hết chén cơm này, giữ sức khỏe, con cháu vào thấy Bà (Ông) có da có thịt thì mừng, vui, các Cụ cũng thích, nhưng im lặng, cái cách trả lời này cho thấy, Cụ hiểu vấn đề không lạc quan , đơn giản như thế. Dĩ nhiên gặp chúng nó thì vui thật, nhưng niềm vui qua mau, đôi khi nỗi buồn ập tới lúc nào không biết.
Nhà Hưu là nơi sạch sẽ, ngăn nắp, thứ tự, có người ra vào, lưu tâm chăm sóc sức khỏe cho từng thành viên, nhưng, không ai muốn ở nhà Hưu, hay nói cách khác, bần cùng bất đắc dĩ mới phải ở. Một Cụ Bà đã 90 tuổi cho biết, Cụ không ở nhà Hưu, vì ở nhà Hưu không được tự do.
Thế các Cụ ở nhà Hưu thì nói sao ? Một khi đã vào, chọn nhà Hưu làm nơi ăn ngủ, ngày qua ngày, đêm lại đêm, thì các Cụ luôn có thái độ chấp nhận, nhưng ...buồn.Buồn không thốt nên lời. Nó cứ thăm thẳm....
Tôi thương nỗi buồn ấy lắm.
Ước gì trên đời này những người con trai, con gái đừng phải rơi vào hoàn cảnh để cha mẹ mình phải vào nhà Hưu.
Một ngày nào đó, khi đến lượt tôi già cả, lẫn lộn, lẩm cẩm, người thân phải đưa vào nhà Hưu, tôi nghĩ sao ?
Ồ, thì cũng chấp nhận thôi. Cuộc đời chóng qua, ta đừng làm phiền lòng người xung quanh, thế là tốt.
Nhớ đến một Bà Cụ quen biết. Cụ rất già, nhưng vẫn ăn uống bình thường. Cụ nói giọng còn khỏe, suốt ngày ngồi trước cửa, thấy ai đi qua đi lại thì kể tội con dâu, chửi bời, nhiếc móc đứa nào ăn cắp tiền của bà.
Ôi thôi, nếu tôi có tật ấy, xin bà con đẩy ngay tôi vào nhà Hưu.
Ở nhà Hưu sạch sẽ, ngăn nắp, thứ tự có y tá, có thuốc men, và nhất là ở đó, mọi người không bị phiền lòng vì tôi. Tôi hứa, đôi mắt tôi sẽ rất vui, không chờ đợi, không thăm thẳm chiều trôi, không buồn vui lẫn lộn, tôi chỉ ngồi lẩm bẩm chuyện ngày xưa thôi không làm mất lòng ai ....
Nhưng, như một con bệnh tự kỷ như thế thì cũng bó tay...
Tuổi già thật đáng thương phải không ?
Còn một tuổi già khác thật dễ thương, đó là các Nữ Tu, các Linh mục lớn tuổi.
Mời Bạn bước vào một nhà Hưu trong tu viện nào đó.
Bạn sẽ thấy ở đó, tuổi già rất dễ thương và được kính trọng. Các Tu Sĩ trong nhà gọi các ngài là Quý Bà, Quý Mẹ, Quý Cha Cố...
Thật dễ thương phải không ạ ! Xin mời vào nhà Hưu.
Còn nếu ở ngoài vui thì xin cứ ở, chúc quý Vị  hài hước như thế này nè :
Chơi ngon
Thời trang  tếch-ních

Các cháu nhỏ thèm nhỏ rãi...

Thứ Bảy, 8 tháng 6, 2013

NGƯỜI MANG TÊN LE


Mới đây, tôi nhận được Tin nhắn bàn hỏi về Thánh nhạc, ký tên là Le Nguyen.
Thoạt tiên, nhìn vào tên này ai cũng có thể đoán đúng nhiều phần trăm người này họ Nguyễn, hoặc họ Lê. Đây cũng là một trường hợp bình thường .
Tôi không biết đây là tên được viết theo cách nào, Họ ở trước hay Họ ở sau ?
Đáng lẽ ra, tôi chỉ cần theo phép lịch sự trả lời vào đúng vấn đề người ta hỏi, là xong.
Nhưng không hiểu sao, nhìn vào cái tên không mang dấu chính tả tiếng Việt,  tự nhiên tôi ngồi suy xét linh tinh, mất bao thì giờ. Tôi tính vầy :
Cho là Họ Lê đi, thì tên là Nguyên, Nguyện, Nguyền...
Họ Nguyễn thì  tên sẽ là ..., a! lắm chuyện đây! Ta phải ghép các dấu vào, rồi xem mặt đặt tên, khổ đây là người không quen. Thì cứ thử : Lé, không đâu, mà cũng có thể .. - Lè, cũng không, ai mà tên thế - Lẻ, chắc không, nhưng hay là chỉ có bố, hoặc chỉ có mẹ... - Lẽ, chả lẽ muốn con mình làm lẽ sao ! Lẹ, có thể cha mẹ mong con mau chóng công thành danh toại ....Nhưng tiếng Việt còn dấu mũ ^ nữa. Nếu thêm ^ vào tên này có thể là Lế, Lề, Lể, ồ toàn những tên kỳ quá. Lễ , hay Lệ mới đẹp chứ.
Sau đó, tôi được biết tên người này là Le. Em tên Nguyễn văn Le. Làm le, lấy le, le te, le lói...đó, xấu chị hỉ !
Đơn giản thế thôi mà mình phức tạp hóa vấn đề làm chi.
Cũng bởi trong giao tiếp qua bàn phím, ngày nay người ta làm mất dấu tiếng Việt, khiến cho có những vụ hài hước cười bể bụng, nhưng cũng có những hiểu lầm kinh khủng dẫn tới xích mích, giận dỗi.
Cách xét đoán cũng vậy, không cho phép chúng ta nghĩ quàng xiên.
Tôi phải luôn sống đơn sơ, giản dị, không chỉ qua một cử chỉ nhỏ, như cái tên chưa thêm dấu, mà nghĩ đó là một cái tên xấu ( xấu từ cha mẹ họ xấu đi mới bậy chứ!)
Trong sinh hoạt tập thể con người với nhau, chúng ta luôn gặp nhiều tính cách khác biệt. Bao nhiêu khuôn mặt, bấy nhiêu tính cách. Tôi không thể nhìn người có nước da ngăm mà đinh ninh họ không sạch sẽ, người trắng trẻo chưa chắc siêng tắm rửa. Người gầy thầy cơm, chưa chắc. Béo ăn nhiều, làm sao dám nghĩ vậy được. Chỉ dám đưa ra một ví dụ đơn giản vậy thôi để tự nhắc nhở mình rằng hãy nhìn ở người đối diện tất cả những vẻ đẹp họ có. Người trước mặt tôi là Lễ, là Lệ , là Lê đó. Những cái tên hay đấy chứ.
Còn Le ư ? Ôi, xứng đáng biết bao. Chúng ta đều là thiên tử, con cái một Cha trên trời, chúng ta có quyền làm le, lấy le, le te cho le lói chứ Le. Cám ơn cha mẹ Le đã đặt cho Le cái tên rất có ý nghĩa Thần học.

Thứ Năm, 6 tháng 6, 2013

TRỖI DẬY KHỎE KHOẮN

Mọi sự trỗi dậy đều cần thiết cho mỗi chúng ta, nhất là trong tình trạng chây lì, biếng nhác.
Tính lười dần kéo con người đứng lại hơn là đi, ngồi xuống hơn là đứng, nằm xuống hơn là ngồi , và im lìm hơn là động đậy.
Nhiều khi tôi cảm thấy lì lợm đến độ không muốn động đậy, ấy là lúc phải báo nguy.
Cơ thể vẫn cử động nhưng rỗng tuếch, vẫn thở mà không hít lấy sự sống.
Như một tay chơi đàn vô cảm.
Như một họa sĩ đâm toạc bức toan khi cụt hứng.
Như nhà thơ cố chèn chữ nghĩa vào câu thơ...
Như tôi, khi từ sáng đến tối chỉ tiếp xúc với cách làm món..., cách nấu..., cách bày tiệc...
Vậy trong những lúc tưởng như chán chết đi được ấy, ta rất cần trỗi dậy.
Đâu phải đợi tới khi "mắt nhắm rồi lại mở ra ngay" mới  Giêsu, Maria, Giuse xin cứu con.
Trỗi dậy, không phải cho mình, mà cho người khác.
Chúa Giêsu chắc chắn thương bà mẹ góa mất người con quý tử. Nên mới cho anh ta sống lại.
Vinh Danh Chúa ở Tình Yêu.
Tôi cũng phải vì người lân cận mà đứng lên, trỗi dậy.
Làm việc như không có gì chán nản.
Vui vẻ như không có chuyện gì xảy ra.
Yêu mến, tín nhiệm như chưa hề thấy sự dối trá.
Mục đích là để cuộc sống luôn vui tươi, đẹp đẽ, vì nhau.
Tôi không thể nào gọi là trỗi dậy được khi tôi không tha thứ cho ai đó.
Chính sự tha thứ cách khiêm tốn chân thành là một sự trỗi dậy cao cả và khỏe khoắn nhất.
Tôi cho là thế. Và sau đó, chắc chắn  sẽ là sự khoan khoái.
Không gì bằng khoan khoái tinh thần và không khoan khoái tinh thần nào bằng sự chân tình tha thứ.
Tha thứ là chết cho cái tôi để trỗi dậy cho người.
Trỗi dậy từ từng cái chết nhỏ bé để tập đón nhận một sự chết vĩ đại mà Thánh Phanxicô đã trìu mến gọi là Chị Chết. Khi  Chị Chết viếng thăm, khuôn mặt Chị thân quen đến có thể ngả vào lòng Chị.
Và khi ấy, sự Sống nối tiếp sẽ hạnh phúc biết bao.
Người vô thần cũng không thể nghĩ khác hơn.
Chỉ đáng buồn thay cho những ai bị người đời nguyền rủa : "Đi chết đi".
(Và đáng tiếc thay chỉ có một số nào đó mà cả dân bị đuổi. Nhưng dân lành đừng ngại, tôi vẫn yêu người).
Hãy trỗi dậy, hỡi người ngủ mê thôi.
HT.

Thứ Tư, 5 tháng 6, 2013

BẬP PHÙ XÍ XÓA

Minh họa Tom & Jerry thật là thích hợp.
Bất cứ một blogger nào cũng muốn tự chăm sóc vườn mình, để hoa là hoa của mình, quả là quả của mình. Nhưng không phải blogger nào cũng là nhà văn. Đây là trường hợp của tôi. Thoạt đầu, ý tưởng tạo blog là một món quà cậu bạn họa sĩ tài hoa làm tặng cho tôi. Chắc chắn tôi khi ấy cũng chẳng nổi bật gì về văn chương chữ nghĩa, nhưng có tật hay viết. Từ khi có cái laptop, tôi siêng gõ lách cách , dĩ nhiên mổ cò. Và cậu bạn đã dùng blog  để khích lệ tôi, một người đã quá già để học hỏi Internet....
May thay, Trời cho tính tôi hiếu học.
Lúc đầu thi thoảng đưa lên được một bài Tạp bút. Viết tạp bút là để tập tành gõ Word và post bài.
Nay đã có blog được hơn một năm rồi. Truyện ngắn, truyện dài, chuyện phịa, vẽ vời, nhạc nhiếc lên cũng được một số, tôi vẫn thích mỗi ngày mình có một Tạp bút. Đây mới chính là của riêng mình. Mình hiện thời và mình là mình.
Nhưng nói dễ hơn làm, nhiều ngày, nhiều lúc, đầu óc trống rỗng, hay có suy mà nghĩ không ra. Mở blog mà không biết gõ gì.
Khi nào Bạn thấy tôi sưu tầm, lướt web, ấy là lúc đầu óc tôi không ra làm sao cả.
Khi nào Bạn thấy tôi đăng cuối bài câu này: " Cảm ơn ....đã gửi bài này cho NHT'", là Bạn biết tôi hôm ấy chán phèo thế nào.
Hôm qua, khi còn đang cảm thấy khổ tâm vì chưa viết gì cho blog, tôi nhận được một bài sưu tầm trên mạng do một cha bạn gửi cho. Bài thật hay, đọc xong thích ngay, mở blog để post lên cho mọi người cùng suy tư. Tôi rất thích chia sẻ như vậy. Nếu Bạn vào vườn này, nhằm lúc tôi đã click vô chữ XUẤT BẢN xong, Bạn đã đọc thấy bài ấy ở ngay Trang Chủ, mới cáu chỉ hôm qua.
Sau khi đăng bài ấy, tôi trở lại tìm Nguồn của nó để gõ tên Tác giả cho chính xác, nhà Đạo gọi là theo lẽ công bằng.
Gõ xong tên tác giả, đúng hơn là tên Người đánh Máy bài ấy rồi, tôi mới chú ý tới một câu viết kèm theo, đại ý là ai  lấy bài này đem đi đăng nơi khác mà không gõ tên người Đánh Máy thì là vô lễ, bất lịch sự, này kia....
tôi liền bị sốc, bởi đây giống như một tiếng chửi bâng quơ. Không biết chửi ai, chửi có đúng đâu mà !
Tôi quay ngoắt lại blog và XÓA ngay lập tức bài ấy. Chả việc gì phải mượn phải nhờ.( Nó biến mất rồi, Bạn không còn thấy đâu).
Bạn nghĩ xem, tôi có lòng tự trọng chứ.
Đâu phải tôi không nghĩ ra điều gì đâu. Chưa thôi.
Cám cảnh thay cho người chửi đổng ấy, bởi công lớn là ở Tác giả bài viết chứ đánh máy là chuyện nhỏ.
 Thôi kệ ! Bập phù, xí xóa !
Minh họa bài này bằng hình ảnh Tom và Jerry thật là thích hợp.
Cả hai đều láu cá, chí chóe rồi lại khoác vai nhau cười hòa. Tôi không láu cá, nhưng phải viết bài này, coi như xin phép cộng đồng cho tôi "chơi" anh chàng nào đó một cái, bởi tức mình to đầu  mà dại, Jerry bé dái mà khôn...
Thôi được rồi, hành nghề đánh máy tiếp đi Jerry, công to đấy.....
Tom HT.

MỘT VÀI DÒNG...

Nhiều năm về trước, một ủy viên chấp hành khá cao tuổi của một công ty dầu lửa đã đưa ra một quyết định sai lầm, làm công ty thiệt hại hơn 2 triệu đôla. John D. Rockefeller lúc đó là người đứng đầu tập đoàn này. Vào cái ngày đen tối mà tin tức khủng khiếp trên được lan truyền ra, hầu hết các nhân viên và ủy viên khác của công ty đều lo lắng và muốn tránh mặt Rockefeller, không ai muốn bị liên lụy gì.

Chỉ trừ có một người, đó chính là ủy viên đưa ra quyết định sai lầm kia. Ông ta là Edward T. Bedford. Rockefeller ngay hôm ấy hẹn gặp Bedford và Bedford rất đúng giờ. Ông ta đã sẵn sàng nghe một "bài diễn thuyết" nghiệt ngã từ Rockefeller.
Khi Bedford bước vào phòng Rockefeller, ông vua dầu lửa đang ngồi cạnh bàn, bận rộn viết bằng bút chì lên một tờ giấy. Bedford đứng yên lặng, không muốn phá ngang. Sau vài phút, Rockefeller ngẩng lên.
- A, anh đấy hả, Bedford?- Rockefeller nói rất bình tĩnh - Tôi nghĩ là anh đã nghe tin những tổn thất của công ty chúng ta rồi chứ?
Bedford đáp rằng ông đã biết rồi.
- Tôi đã suy nghĩ rất nhiều về điều này - Rockefeller nói - Và trước khi tôi nói chuyện với anh, tôi đã ghi ra đây vài dòng.
Sau này, Bedford kể lại cuộc nói chuyện của ông với Rockefeller như sau:
Tôi thấy rõ dòng đầu tiên của tờ giấy mà ông chủ đã "viết vài dòng" là: "Những ưu điểm của Bedford". Sau đó là một loạt những đức tính của tôi, kèm theo là miêu tả vắn tắt rằng tôi đã giúp công ty đưa ra quyết định đúng đắn được 3 lần, và giúp công ty kiếm được gấp nhiều lần số tiền tổn thất lần này.
Tôi không bao giờ quên bài học ấy. Trong nhiều năm sau, bất kỳ khi nào tôi định nổi cáu với người khác, tôi đều bắt mình phải ngồi xuống, nghĩ và viết ra một bảng liệt kê những ưu điểm của người đó, dài hết sức có thể. Khi tôi viết xong bản đó thì thường tôi cũng thấy bớt cáu rồi.
Không biết là thói quen này đã giúp tôi bao nhiêu lần tránh được những sai phạm tôi có thể có: đó là nổi cáu một cách mù quáng với người khác. Tôi biết ơn ông chủ tôi vì thói quen này, và bây giờ tôi giới thiệu nó cho tất cả các bạn.

Hi!Hai sưu tầm & minh họa
Tài liệu cha L.gửi cho NHT'.

Thứ Ba, 4 tháng 6, 2013

DỄ THƯƠNG CHƯA !


Trẻ em là những hình ảnh đẹp nhất trần gian. Dù chúng cười hay khóc, vui hay nhăn nhó, khuôn mặt trẻ thơ luôn biểu lộ cảm xúc thật mà ở người lớn chúng ta thường phải cố gắng, gọi là làm dáng để chụp ảnh.
Cũng có những em bé có năng khiếu làm người mẫu nhiếp ảnh, có những đứa trẻ xinh xắn, dễ thương từ bé, nhưng mọi trẻ em đều đáng yêu. Chúng ta không được làm đau chúng, dù chỉ bằng một cái lườm. ...

Hôm nay dậy trễ quá, điểm vội vài cái tít .


Thụt  một ván thôi mẹ sắp hô đi tắm rồi.


Mê tơi nuôn !

Không say không về nha bố ?


Rồi ! Thấy trời trăng !
Mẹ ơi, em bảo em muốn ăn kem.

Mẹ đẻ em ra mau đi, nhiều việc quá.
Ở nhà con vất vả lắm bố ạ.


Bù lúc Hai dành ăn với em nha.

Được, hoành tráng đấy!

Hết thời trọng nam khinh nữ rồi, đừng tự hào nhé  !


Nhà cháu hết tiền rồi chú ơi.

Mẹ ơi mở nước mau kẻo hết hứng.





Em kia ơi, đợi anh với.






Đứa nào dám đụng vô em !


Anh sẽ vẽ lên đầu nó.











Nghĩ tình đời thêm chán.


Những tấm ảnh trên mạng cũng cho thấy có một sự tương đồng nào đó giữa trẻ em với các con thú nhỏ.
Nhất là các chú cún. Rất dễ thương.Tiếc thay chú nhỏ đây chưa có ai đoái hoài tới, trông thật tội nghiệp!
Nhưng các bà mẹ của lũ chúng thì thật dữ dằn :
Chạm vào con vàng con bạc nhà bà là  chết với bà đấy.
                                           

Thằng hoang đàng đã về kìa, cho nó một trận thôi.




Có chú nào rảnh không, bế cháu lên coi !
( Ảnh Internet)