#Stats1 ul{margin:0;border:0;padding:0;height:32px;background:url(//goo.gl/ZHG881) no-repeat 0 -34px} #Stats1 li{margin:10px 0;border:0;padding:0 0 0 40px;list-style-type:none} #totalComments{height:32px;background:url(//goo.gl/ZHG881) no-repeat} #totalCount{height:32px;background:url(//goo.gl/ZHG881) no-repeat 0 -68px}

Thứ Hai, 16 tháng 12, 2013

BAY CÙNG SAO


Hôm sau, tức hôm qua, Chúa Nhật, ngày 15, chúng tôi lại đi tiếp, là đến thăm các bệnh nhân hiện đang nằm điều trị trong khu vực thuộc sự chăm sóc và chữa trị của các Thầy Dòng Gioan Thiên Chúa, Biên Hòa.
Người bệnh, nói chung là buồn, lo, nản, thấy rất thương. May sao, họ có được những ngôi sao hiểu lòng họ, đó chính là các Thầy. Tôi gọi các Thầy Dòng Gioan Thiên Chúa là những ngôi sao, sao không lên sân khấu, sao không xuất hiện trước đám đông, sao không ở trên trời cao.
Những ngôi sao hiểu lòng người đang bay là là vào các phòng bệnh, tìm cho ra những nhu cầu của bà con đang u sầu, đớn đau vì bệnh tật . Những ngôi sao ấy hôm qua đã dẫn dường cho hai "bà Noen" và chúng tôi đến viếng thăm tận giường những " Giêsu đau khổ", có Chúa đang chạy thận, Chúa đang chữa trị HIV, Chúa bị điện giật bất tọai 2 năm nay, Chúa bị tai nạn giao thông bán thân bất tọai, Chúa bị mổ xương sọ v.v... .
Coi như hôm nay chúng tôi được bay cùng sao.
Sau đây là một số hình ảnh lưu lại chuyến viếng thăm  những "Chúa Giêsu trên từng chặng đường thánh giá khác nhau ", và cả nơi Chúa yên nghỉ ...tập thể .
ht.


(Ảnh: Anh Quyền, ht.)

KIỂM TRA TUYẾN LỆ

Các cháu ở Mai Tâm đều mồ côi, hầu hết bị lây nhiễm từ cha mẹ.
Bởi đã viết bài "Sao cho tôi khóc lại như xưa" (tại đây) nên khi có bạn rủ đi thăm ngôi nhà nuôi các cháu nhỏ bị lây nhiễm HIV., tôi liền muốn nhân cơ hội này kiểm tra tuyến lệ của tôi xem khả năng họat động của nó có khá hơn mình tưởng không. Nhiều khi  nói quá cho quan trọng hóa vấn đề ! Mong rằng thực tế lòng mình vẫn cứ ướt rượt, cho chính mình nhờ.
Sáng hôm kia, thứ Bảy, ngày 14 tháng 12, từ ga Hòa Hưng, trạm nhà cô Thắm "Thương chiếc áo bà ba",  dưới sự điều hành  và hiện diện của các anh chị phòng cầu nguyện online Mẹ Khiết Tâm Bảo Vệ Sự Sống, chúng tôi khởi hành đi thăm mái ấm MAI TÂM.
Sau khi gửi các hình ảnh lên đây, mình mong hai cha chủ nhiệm nhà Mai Tâm sẽ cung cấp cho blogger ht. những thông tin về mái ấm, về các cháu, về các việc hai cha và các tình nguyện viên đang lo toan cho các cháu, để quý độc giả, ai yêu thì đến thăm. Xem trong ảnh mình chụp, quý vị thấy có đôi vợ chồng trẻ người ngoại quốc đang chơi với các cháu, họ như thiếu tình cảm của trẻ thơ. Còn người Việt chúng ta vốn vẫn được tiếng thơm là giàu tình cảm cơ mà! 
Đây, mái ấm MAI TÂM :


ht.

Thứ Bảy, 14 tháng 12, 2013

THU PHAI


MH.đã  viết như sau :Hôm trước AH gởi bài 2 người mù, trong đó có câu "Tôi sợ một chiếc lá rơi vô tình làm vỡ ánh trăng vàng trên mặt hồ yên lặng" ... em thấy hay quá ... rồi đến hôm qua đọc được bài Heo May Mơ Tiếng Dương Cầm trên blog chị HT, có tấm hình thiệt đẹp ... thế là cả ngày mơ mộng và tối về mất ngủ viết thêm vài hàng :)
Em gởi đây tặng luôn chị HT và AH nha.


(BÀI THƠ CHƯA CÓ TÊN)
Hồ gương tịnh vắng trăng thanh
Hàng cây trầm mặc mấy nhành giăng giăng
Lung linh bóng nước nguyệt hằng
Nghe như thoảng tiếng dương cầm nhẹ lơi
Vô tình một lá buông rơi
Trăng tan nước vỡ đàn thôi dặt dìu
Ai hay một góc đời nghèo
Có người nghệ sĩ khóc theo cung sầu
Nắng mưa năm tháng dãi dầu
Tâm hồn nghệ sĩ đượm màu thời gian
Chỉ mơ mấy chiếc lá vàng
Bay vào khung cửa vương ngang phím đàn
Như gương mặt nước yên hàn
Trăng nay thôi vỡ cung đàn lại ngân ...
 MH.

Cám ơn MH.
Thu phai 
Trăng lành
Tình trong
Đàn ngân
Mơ mơ mơ, cứ mơ....
ht.

Thứ Năm, 12 tháng 12, 2013

HEO MAY MƠ TIẾNG DƯƠNG CẦM

Sáng nay, có anh bạn hỏi thăm cho tới nay tôi đã viết được bao nhiêu bài hát, khi sáng tác tôi sử dụng nhạc cụ gì. Đó là những câu phỏng vấn quen thuộc. Lần nào nghe ai hỏi vậy tôi cũng có thể mau mắn trả lời, thong dong không cần suy nghĩ. Đây tôi thưa thế này :
Bạn biết đó, cách đây mấy chục năm, người miền Nam Việt Nam mình ai cũng nghèo, chẳng ai có gì, có gì cũng bán để mua cái ăn. Khi đó tôi đang tuổi ham học, mê nhạc, tập tành ca hát, viết bài. Nhà nghèo làm sao  dám mơ có cây đàn. Thói quen của tôi là viết nốt nhạc bằng bút chì trên giấy, dĩ nhiên là giấy vàng chứ không phải trắng, giấy mảnh nhặt nhạnh chứ không phải nguyên tờ tinh tươm. Thời đó tờ lịch không to hơn bàn tay, tôi kẻ nhạc viết lời trên mặt sau của nó, lấy làm thỏa mãn với cuộc sống ổn định, mỗi năm sở hữu 365 tờ lịch trong tay. Chực, cứ đêm, nhà không ai cần xem ngày tháng, là mình bứt một tờ làm của. Một thu gom cần thiết nữa là hộp diêm. Hộp diêm dùng để khứa ngòi kẻ năm dòng nhạc. Cũ, lờn, nhìn không nét nữa thì bỏ, cắt, khứa ngòi khác. Nghề chế tạo ngòi kẻ dòng nhạc này tôi học được từ anh kế tôi. Anh ấy là nhạc sĩ.. Với cách viết nhạc bằng mảnh vỏ hộp diêm quẹt, người ta chỉ có thể viết ra một bản, độc nhất vô nhị.
Vài năm sau, tôi biết tới cách in bản hát bằng thạch bản gồm bột mì và mực tím, mỗi lần sản xuất được chừng 30 bản.
 Vài năm sau nữa tiến bộ vượt bậc, pas de géant, tôi sử dụng stencil. Trước đó đã có một năm làm nghề đứng quay ronéo, lúc này tôi có thể cung cấp một lần, một bài hát ra rất nhiều bản, cho tới khi tờ stencil rách quá sức thì thôi, cũng hiếm khi bị vậy vì thực tế nhu cầu không cần nhiều bản.
Bây giờ có encore, có photocopy, có pdf, có máy in. Vô lượng.Vô cùng. Bền vững muôn năm. Chẳng hề mất, chẳng phai mờ. Chỉ cần anh có máy. Thời nay ô kê mọi thứ.
Thế nhưng sáng tác đâu phải chỉ là những phương tiện như thế mà thành nhỉ .
Tôi nghe nói các nhạc sĩ khi viết nhạc còn sử dụng đàn. Guitar này, organ này, piano này.
Tôi thì không. Từ khi bắt đầu viết bài hát tôi đã không có một không gian đủ để kê đàn, không có tiền mua đàn. Dù có sắm đàn cũng không có thời gian tập luyện.Cho nên tôi viết từ trong đầu viết ra, nghĩa là chỉ cần một cây bút chì, một tờ giấy kẻ nhạc sẵn , một cục tẩy. Thế là đủ, gọi là nháp. Khi viết hoàn thành bản nhạc cho đẹp thì cần một đoạn thước ngắn, dùng để gạch đuôi nốt, cứ rê rê nó trên mặt giấy. Đẹp như mơ nhé. 
Đối với tôi, viết thì nhanh, nhưng chỉ nghe được, cảm được trong đầu, trong lòng mình. Không có đàn để chơi thử. Làm xong, ngồi nhìn ! Có nhiều khi, sáng tác đến đâu khóc đến đấy. Chả hiểu ! Có cái rõ nhất là gia tài gom góp lại, đem gửi lên blog, được một số rồi, còn nữa, từ từ. Khi rảnh, mở blog ra, ngồi nhìn ! ( Nói của đáng tội, trên Youtube cũng có bài hát của mình, người ta thu lúc nào. Chả biết !)
Thế cho nên, mãi đến bây giờ tôi vẫn mơ một căn nhà xinh, trước nhà ươm hoa, sau vườn xanh ngắt những luống rau, bên trong có kê một cây đàn dương cầm. ...Ơ hơ hơ hơ...! Phím đàn vương vương vài cánh lá thu vàng úa! Ối giời ơi, khéo sắp sửa có hứng viết một bài "Heo may mơ tiếng dương cầm" chăng !!!!!!!
Đúng là mộng là mơ ! 
ht.

Thứ Tư, 11 tháng 12, 2013

HỌC ĐƯỢC GÌ TỪ VĨ NHÂN ?


Học được gì từ Vĩ Nhân?

Một vĩ nhân vừa mới qua đời:
 NELSON MALDELA

  
          Những câu nói bất hủ của huyền thoại Nam Phi Nelson Mandela

"Đừng đánh giá tôi dựa trên những thành công, hãy đánh giá tôi dựa trên số lần tôi gục ngã và đứng dậy" là một trong những câu nói bất hủ của huyền thoại Nelson Mandela.

Ngày 25/2/1985, mặc dù đã bị cầm tù suốt hơn 20 năm, ông Nelson Mandela vẫn thẳng thắn khước từ đề nghị của Tổng thống Nam Phi khi đó là P.W.Botha về việc từ bỏ phương thức đấu tranh chính trị bằng bạo lực để đổi lấy tự do: “Chỉ những người tự do mới có thể thương lượng mà thôi, tù nhân thì không. Tự do của tôi và của ông không thể tách rời.”

Trước khi ra tù năm 1990, ông Mandela nói: "Khi tôi bước đến với tự do, tôi biết rằng nếu không bỏ lại nỗi đau và sự căm thù lại phía sau, tôi vẫn sẽ ở trong tù."

Trong tự truyện “Hành trình đến tự do” của huyền thoại Nelson Mandela, xuất bản năm 1994, ông viết: 
“Từ chối nhân quyền của con người chính là thách thức nhân tính của họ.”
“Về cơ bản thì tôi là người lạc quan. Đó là do tự nhiên hay được giáo dục thì tôi không biết. Một phần của sự lạc quan là luôn hướng về phía mặt trời và liên tục bước về phía trước. Đã từng có nhiều thời điểm đen tối, khi mà niềm tin vào nhân tính của tôi bị thử thách khốc liệt, nhưng tôi không bao giờ và không thể để bản thân mình từ bỏ. Vì đó là cội nguồn của thất bại và cái chết.”

Đề cập tới cuộc chiến chống phân biệt chủng tộc: “Không ai sinh ra đã có lòng thù hằn với người khác bởi màu da, địa vị hoặc tôn giáo. Điều đó được hình thành qua giáo dục, và nếu họ có thể học thù ghét, thì họ cũng có thể học yêu thương, mà tình yêu thì luôn tìm đến trái tim một cách tự nhiên hơn thù hận.”

Khi thôi làm Tổng thống Nam Phi, ông tuyên bố: "Tôi bước xuống với ý thức, một cảm giác rõ ràng rằng bằng một cách nhỏ nhoi, tôi đã hoàn thành nhiệm vụ với dân tộc tôi và đất nước tôi."

Ông cũng từng nói: 
“Giáo dục là vũ khí mạnh mẽ nhất để thay đổi thế giới.”

“Dũng cảm không phải là không hề sợ hãi mà là nỗ lực vượt qua nó. Người dũng cảm không phải là người không biết sợ mà là người chinh phục được nỗi sợ hãi.”

“Mọi thứ luôn trông có vẻ bất khả thi cho đến lúc bạn hoàn thành nó.”

“Thù hận giống như thể uống thuốc độc và rồi tự hi vọng điều đó sẽ giết chết kẻ thù của bạn.”

"Đừng đánh giá tôi dựa trên những thành công, hãy đánh giá tôi dựa trên số lần tôi gục ngã và đứng dậy."

“Vinh quang lớn nhất trong cuộc đời không phải là không hề thất bại mà đứng lên sau mỗi thất bại.”

“Tự do không chỉ là bẻ gãy gông cùm của mình mà còn là tôn trọng và đề cao tự do của người khác.”

Trong bộ phim tài liệu về cuộc đời mình, ông Nelson Mandela chia sẻ: "Cái chết là điều không thể tránh khỏi. Khi một người đã hoàn thành điều mà người đó coi là trách nhiệm với dân tộc mình, với đất nước mình, anh ta có thể yên nghỉ. Tôi tin rằng tôi đã hoàn thành nỗ lực đó, và vì vậy, đó là lý do tôi sẽ yên nghỉ trong vĩnh hằng".
~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~

Thứ Ba, 10 tháng 12, 2013

SAO CHO TÔI TÌM LẠI NGÀY XƯA


SAO CHO TÔI KHÓC LẠI NHƯ XƯA
Thơ MỸ HẠNH

Sao cho tôi khóc lại như xưa
Khi còn chưa biết những lọc lừa
Khi chưa nghe mãi nhiều ai oán
Chưa biết tim người nhiều đen tối đẩy đưa

Ôi những niềm đau nói sao vừa
Cứ ngỡ chai rồi không đau nữa
Nhưng sao khô lệ mà tim ứa
Mấy chục năm rồi sao vẫn khổ như xưa

Sao cho tôi muốn trở lại quê xưa
Thăm mấy bờ mương, mấy hàng dừa
Nghe nói bây giờ không còn nữa
Nên vẫn ngậm ngùi khi ai hỏi, đã về lại hay chưa

Sao cho tôi tìm lại những ngày xưa ...
MH.




























"Khi LN đọc lại bài thơ, tự dưng hồn nhạc ở đâu kéo về, xướng đại ra một ĐK khác. Vậy là ngồi dậy viết thêm ĐK 2"
 (trích email LyCa Nguyen)
Hay thiệt! 
(trích email mh.)
MH nói hay thiệt, mình cũng nói hay thiệt là hay. Nhiều khi cảm hứng đến chỉ bởi một chi tiết, một hình ảnh rất bình thường, nhỏ bé. LN. (LyCa) xướng đại, đó, cái đại là ngẫu hứng. Mình thích ngẫu hứng. Dĩ nhiên, nói theo chuyên môn, tác phẩm hay hẳn phải gò, phải chỉnh, phải đầu tư chất nghệ thuật, phải có khả năng chuyên môn.v.v.Thế mà thực tế không như vậy. Nhiều tác phẩm hòa âm kỹ lưỡng nghe khô như ngói. Nhiều bài hát viết vèo một cái, hát lên nghe rưng rưng, phải không MH, LN ? Cái này gọi là không giỏi, "chơi luôn !" He he he! Ai chê cười trừ ! Thử đọc đoạn LN.(LyCa) sáng tác cả nhạc lẫn lời, nghe  khác với HT. viết. Rõ ràng dễ hát hơn, nhiều hình ảnh hơn, nghe  thương hơn ! : 
(Đoạn Nhạc và Lời của LyCa Nguyen)


Thứ Hai, 9 tháng 12, 2013

ỚT KHÔNG VÊNH VÁO THÌ THÔI !

Rau Kinh Giới
Nhìn tô bún bò đỏ chóe màu ớt thấy bụng cồn cào muốn sà xuống húp.
Ngó bên cạnh thấy đĩa rau thơm mát ruột, kèm miếng chanh tươi cắt gọn hấp dẫn lạ lùng.
Có chiếc lá Kinh Giới nằm im lắng nghe hai vợ chồng chủ nhà phân tích các món ăn có rau thơm :
- Kinh Giới ăn kèm đậu phụ rán chấm mắm tôm vô cùng hấp dẫn.
- Rau muống luộc xanh chấm nước mắm chanh ớt có Kinh Giới cũng rất ngon.
- Kinh Giới còn là một vị thuốc dân gian.
 Kinh Giới ưỡn cong, nó cảm thấy mình quan trọng hơn hết, liền quay mặt ngó các rau thơm khác chung quanh mà rằng :
- Chỉ có Kinh Giới tôi đây là được việc. Ai cũng thích tôi.
Chiếc lá thơm nhỏ bé, mỏng dính, có răng cưa viền quanh  ấy đã không biết rằng mỗi món ăn cần có các lọai rau thơm khác nhau. Bò thuôn hành Răm cần rau Răm. Thịt bò lá Lốt cần lá Lốt. Thịt cầy thì lá Mơ, chuột nướng phải có Kèo Nèo. Ốc cần Tía Tô. Ăn phở phải có đĩa Húng Cây, Húng Quế, Ngò Gai ở bên. Rồi Dấp Cá, Thì Là, v.v..mỗi mùi của rau thơm lại thích hợp với từng món ăn khác nhau. Có nhiều món lại không hề cần Kinh Giới, như  Cà-ri, Bò Né, v.v......Ngoài Kinh Giới ra, còn có nhiều loại rau thơm khác cũng là vị thuốc.
Vậy,
Mỗi người đều có khả năng riêng, tôi không thể tự hào mình là nhân vật quan trọng chỉ vì đã làm được đôi việc ngoài xã hội . 
ht.
Ớt không vênh váo thì thôi!
Một mình Kinh Giới làm giời được chăng?

MỘT HỘI THÁNH BẦM TÍM, TỔN THƯƠNG VÀ NHƠ BẨN


Tôi vừa trở về thành phố từ một vùng truyền giáo cao nguyên, một lần nữa chuyến đi để lại trong lòng tôi nhiều nỗi trăn trở, tiếng cồng tiếng chiêng theo tôi về phố, âm vang đều đặn nghe buồn não nuột như tiếng rên nhẹ của núi rừng.
Dâng lễ trong một căn nhà nguyện nhỏ, cả ngàn người chặt như nêm, vây kín trong ngoài, may mà cao nguyên mùa này se lạnh, gió núi thổi về từng cơn xua đi cái nóng hừng hực của hơi người. Các Cha cho tôi biết tại giáo điểm này có hơn 2.500 giáo dân, nhưng toàn vùng dọc quốc lộ dài hơn 40 cây số có hơn 8.000 giáo dân, chỉ có 1 giáo điểm này đươc phép tụ tập dâng lễ. Vị Giám mục giáo phận đã nói với nhà cầm quyền về quyền tự do tôn giáo của giáo dân, người dân có quyền được thụ hưởng sự chăm sóc tâm linh khi có nhu cầu. Ngài kêu gọi lương tâm của những người có trách nhiệm, hãy nhìn đến các cụ già, các người bệnh tật không thể vượt 40 cây số để đến giáo điểm như hiện nay. Ngài đề nghị chấp thuận cho mở thêm các giáo điểm khác gần đó.
Không chỉ im lặng, không giải quyết, vị đứng đầu huyện trả lời với dân chúng “ai muốn theo đạo thì ra khỏi huyện, huyện này không chấp nhận có người theo đạo”, một linh muc trong hạt nói với tôi như vậy. Tôi cố không tin vào tai mình, rồi tôi cố không tin vào lời của vị linh mục đó, nhưng chính vị Giám mục nói với tôi “hồ sơ nằm ở huyện nhiều năm nay, không giải quyết và cũng không chuyển lên tỉnh !”.
Chỉ có một giáo điểm, mà giáo điểm này do chính giáo dân lập nên, tự động xây dựng, bị hành hạ đủ điều, bị hạch sách đủ thứ, cuối cùng trước sự “lì lợm” của giáo dân, bất đắc dĩ phải công nhận. Nhưng vị linh mục quản nhiệm không được phép cư trú, ngài phải ở một nhà xứ khác cách đó hơn 40 cây số, ngày ngày di chuyển đến dâng lễ và giáo dân trong vòng bán kính 40 cây số của giáo điểm tìm cách đến với ngài.
Trong hoàn cảnh khốn khó như vậy, vị quản nhiệm không ngại khó, không ngại khổ, ngài lao mình vào công cuộc loan báo Tin Mừng, ngài tìm đến các buôn làng xa xôi để an ủi, để khuyến khích, để nâng đỡ các linh hồn. Giáo dân nghèo nhưng hồn nhiên sống Lời Chúa, họ duy trì các buổi phụng tự và siêng năng tham dự các bí tích. Cha quản nhiệm chỉ cho tôi một đống biên bản do nhà cầm quyền địa phương lập vì ngài “vi phạm” hoạt động tôn giáo, nụ cười hiền hòa ngài nói “lập nhiều quá quen rồi”, ngài kể cho tôi nghe những gian khổ khi đến vùng này khi đó còn là vùng trắng (không có hoạt động tôn giáo), “khi đó con khổ biết mấy mà không làm gì được con, bây giờ con hết sợ rồi !”.
Đức Thánh Cha Phanxico vừa ban hành Tông Huấn “Niềm vui của Tin Mừng”, ngài nói về một Giáo Hội mở cửa đi ra, tôi thật sự bị đánh động bởi bức Tông Huấn này.
Ngài lặp đi lặp lại rằng ngài thích “một Hội Thánh bị bầm tím, bị tổn thương và nhơ bẩn vì ra ngoài các đường phố, hơn là một Hội Thánh... chỉ quan tâm đến việc nằm ở trung tâm và cuối cùng bị vướng vào một mạng lưới của những cố chấp và thủ tục. …. (Bản Tổng lược Tông Huấn Niềm Vui Tin Mừng của GLV. Phaolo Phạm Xuân Khôi).
Quả thật anh em tôi bị bầm tím, anh em tôi bị tổn thương, nhưng hình như anh em tôi có được niềm vui Tin Mừng, trong nỗi trăn trở của tôi lóe lên một ánh sáng, chính sức sống của Giáo Hội đang tồn tại và mãnh liệt như ở những vùng như vậy, chứ không phải nơi những nhà thờ nguy nga “ở những trung tâm và cuối cùng bị vướng vào một mãng lưới của những cố chấp và thủ tục”.
Lm. Vĩnh Sang, dcct.
06/12/2013

Chủ Nhật, 8 tháng 12, 2013

HIẾM THẤY AI YÊU !

Ảnh "khó tin": Cha sở thăm hỏi, tặng quà giáo dân.(ảnh minh họa)
Có những chuyện đã xảy ra từ lâu, cách đây cả nửa thế kỷ, như công cuộc đổi mới của Công đồng Vaticano 2, những gì yếu kém trước đổi mới sẽ không thể tồn tại sau đổi mới, thực tế cho thấy có những vấn đề tinh vi, khó kiểm soát, nhưng chắc chắn những gì tốt đẹp hơn, đã xảy ra. Chuyện chị Ange Hattei (tại đây) là chuyện  "tiền công đồng".
 Giáo Hội đã được canh tân nhờ những Hiến chế Công đồng, trải qua nhiều thập niên với nhiều cố gắng cải tổ.Ngày nay, khi trên mạng Internet xuất hiện những thông tin, tin tức cập nhật về tòa thánh, về giáo hội, về nhân sự nổi bật trong giáo hội, người ta bình luận sôi nổi, qua e-mail, Facebook, bằng hình ảnh, bài viết,phản hồi.v.v, tất cả nói lên điều gì ? Rằng không có gì là che dấu dưới ánh mặt trời. Tốt có, xấu có.
Mỗi khi bước vào mùa Vọng, Giáo hội khuyên các tín hữu sám hối, cải thiện đời sống để đón Chúa.
Chúa đến. Tất cả phải được chỉn chu. Đường quanh co phải uốn cho ngay, lối gập ghềnh phải san cho phẳng. Hố tử thần phải lấp cho đầy. Vậy mỗi khi đi qua những con đường trải nhựa đen mới sửa chữa thẳng thớm, nắng trưa làm bốc lên mùi hắc ín thơm , tôi suy nghĩ về sự cải thiện trong tâm hồn mỗi người.
Cám ơn Chúa, ngày nay người ta có nhiều bài giảng răn dạy.
Cám ơn Chúa, ngày nay người ta có nhiều cơ hội trở về.
Cám ơn Chúa, ngày nay người ta có điều kiện làm con Chúa xứng đáng hơn.
Tôi nhớ ngày xưa, giáo dân coi trọng các bậc tu hành hơn bây giờ. Một điều lạy cha, hai điều lạy cha. Cha phán là Chúa phán. Vào nhà xứ thì thụt lùi như vào nhà quan. Diện kiến cha thì xin phép cha cho con được lạy cha, lạy cha nghỉ, con xin phép cha, con về. Cha ra nhà thì từ ông bà bố mẹ chí đàn con cái xếp hàng đón cha như rước Chúa. Cha thích gì thì chồng cuống cuồng  bảo vợ  mau mang biếu.
Tôi nhớ ngày xưa, khi ba mẹ tôi dọn nhà từ Đà lạt xuống Sài gòn, thời gian đầu mới gia nhập giáo xứ, anh chị em chúng tôi còn đang được dạy cho học Giáo lý Tân tòng, cha xứ ra thăm nhà, thấy ba tôi mới mua về cái quạt máy hình vuông, có chân cực vững, cánh chạy cực mát, cha "thít", cha khen.
Ba tôi lặng thinh. Ba tôi không bảo mẹ tôi mau đem vào nhà xứ biếu cha.
Đơn giản là ba tôi là người cương trực, không quỵ lụy chức quyền, uy thế. Xem ra, người không biết gì về Công Đồng Vaticano II mà bấy giờ đã biết "canh tân" ra phết !
Cái quạt máy vẫn ở nhà tôi, chạy tốt cho chúng tôi trong những ngày hè, Saigon nóng bức.
Lớn lên tôi biết tính thời gian thì cái quạt ấy về nhà tôi bấy giờ là sốt sột " hậu Vatican 2".
Chúng tôi  mù tịt về Công Đồng, nhưng thế lại may!
Tạ ơn Chúa. Chả biết gì thì hơn. Bấy giờ mà biết thì....sinh tội.
Sau hơn 50 chục năm Hậu Công Đồng, nghe nói ngày nay giáo dân có bất mãn chút ít với giáo sĩ, hiếm thấy ai yêu! Có cũng chỉ bằng mặt, nỏ bằng lòng.
ht.

VỚI CHỊ ANGE HATTEI


"Chị Ange Hattei, trong tác phẩm "Jesus Caritas" có thuật lại câu chuyện như sau :
Trước Công đồng Vaticanô II, một hôm có người bạn vô thần tôi yêu mến đã nhận định với tôi rằng: Hội Thánh là một thế lực tiền bạc, là điểm tựa của các nhà độc tài và đại tư bản. Ông ta thắc mắc về các vị lãnh đạo Hội Thánh độc đoán và phe phái, về các tín hữu tự cho mình là tốt mà hành động xấu xa, về các linh mục lo lắng thụ hưởng và làm giàu...
Tôi kiên nhẫn lắng nghe ông rồi nói: "Tôi đã làm gì mà anh hạ nhục tôi như vậy?"
Ông ta sừng sỏ bảo: "Tôi sỉ nhục cô ư? Nhưng tôi đâu có nói gì cô! Không nói gì cô mà cũng chẳng nói gì về một người bạn nào của cô cả, như linh mục X, hay chị Y chẳng hạn. Tôi nói đến Hội Thánh cách chung mà!"
Tôi trả lời: "Hội Thánh cách chung là tôi, Hội Thánh cách chung là tất cả những người mà anh chỉ trích, những kẻ mà anh loại trừ. Họ trộn lẫn với nhau một cách không thể phân ly được. Hội Thánh cách chung là họ, là tôi, là tất cả những người ấy".
 (ÐHY NVT, Trên đường lữ hành)
Theo mình , thật khá khen cho lòng trung tín của chị Ange Hattei, mà cũng khá khen cho tâm hồn đơn sơ của ông vô thần này. Nếu đem so sánh thái độ của hai vị với những câu chuyện của đám khách ngồi cà phê quán cóc, hoặc ngay với những ý nghĩ, những tạp bút lặt vặt trong blog này, hẳn chúng ta nhận ra ngay có sự khác biệt lớn, phần tốt lành thuộc về hai vị trên, một là tu sĩ của Chúa và một là người ngòai giáo hội. Các loại chém gió bây giờ không dễ chấp nhận chung chung ở trong giáo hội chung chung nữa. Tội ai nấy chịu, phần ai nấy lãnh.
Ví dụ, bác Đằng, chú Dũng, chú Diên đã ra khỏi đảng cộng sản (thông tin trong mấy ngày nay) và còn những ai nữa, đó là vì họ không còn niềm tin vào đảng.
Thế thì người công giáo cần xét xem Hội Thánh có gì sai quấy khiến người này người kia phiền trách chê bai, từ bỏ, để mau cải thiện, củng cố, sửa mình.
Chị Ange Hattei có vẻ hơi tự hào về Hội Thánh. Cũng có thể chị chả biết gì về những gương mù gương xấu, chị tốt lành thánh thiện quá nên vơ Hội thánh vào mình, nhận mình là Hội Thánh.Thái độ của chị hòan tòan có lý, nhưng đời có nhiều sự vô lý lắm. Con cái bây giờ không dễ chấp nhận sự xấu xa bố mẹ, chú bác cô dì  nó làm ....mất mặt nó. Xã hội ngày nay không những nhiều sự vô lý, còn thực tế và phũ phàng hơn xưa nhiều, với những vụ án phi đạo đức, mất tình người , làm sao có thể chấp nhận tội người khác làm tội của mình, không lọai trừ những nố phạm tội nằm trong các thành viên hội thánh ! Chị A. Hattei thì không vậy, chị bảo ai hạ nhục hội thánh là hạ nhục chị. Vậy, tôi nói chị đơn sơ thật thà. Chứ tôi mà nghe nói cha này cha kia xơ này xơ nọ linh tinh các cái, tôi bực lắm. Tôi là tôi cứ đòi đi tu không được tham sân si. Đã tham sân si thì đừng tu nữa. Mấy người đi tu mà mê tình, thích tiền ấy, tôi gặp sẽ giục ra đi, ngoài đời có nhiều người để yêu, nhiều đô la Mỹ lắm. Cho họ ra sớm ngày nào tốt ngày ấy, để họ ở, hội thánh đâm bẩn, chị Hattei có nghĩ đến điều này không ?
Thế người ngoài hội thánh bảo ông Phan Khắc Từ làm xấu mặt người Công Giáo, chị A.Hattei có nhận ông ấy là "người anh em" không ? Thế người ngoài hội thánh phàn nàn sao người Công Giáo không bênh vực những bà con giáo dân bị cướp đất, chị A.Hattei có lên tiếng không ? Thế nghe ông vô thần chê bai hội thánh của chị, chị có cúi đầu thú nhận vài  lỗi nho nhỏ của hội thánh không? 
Giả như tôi là một đảng viên cộng sản, nếu nghe nhân dân phàn nàn chế độ, liên tiếp ngày hôm trước hôm sau, hết đồng chí nọ lại đến đồng chí kia viết đơn từ bỏ đảng, thì tôi phải suy nghĩ xem đảng bộ đã điều hành kém cỏi, dốt nát, tồi tệ thế nào, chính quyền độc ác, hại dân ra sao mới ra sự thể nông nỗi thế chớ ! Rồi tôi còn phải đứng về phía nhân dân đệ trình, góp ý, yêu cầu nhà cầm quyền sửa chữa, cải đổi.Nghe dân phàn nàn nhà nước, tôi đâu có nói sao đồng bào dám phàn nàn tôi ! Nghe dân nói đảng ác, tôi đâu có nhận  cái ác vào tôi ! Giả dụ vậy đó!
Trở lại chuyện hội thánh.
Trần gian mà chị, lữ hành mà chị, chị A.Hattei ơi, Chúa mình cũng còn chịu sỉ nhục mà, chị nghe vậy  đã thấm thía gì, thực ra chúng ta đáng tội lắm lắm nữa kia. Ông vô thần ấy sừng sộ thế là khá tốt đấy, chứ chẳng chua ngoa như ht. này đâu.
Tự hào về Thiên Chúa toàn năng và đầy lòng thương xót là Cha trên trời của chúng ta, tự hào về Hội Thánh trần gian với những thánh nhân, những tâm hồn tốt lành, những công cuộc bác ái, kiến tạo hòa bình....v.v..
Không tự hào về những sỏi đá vương trên đường đi. 
Không đủ sức gạt chúng sang bên thì buồn! 
Rủi cho ai, vì gồ ghề , vướng lối, khó ...đón Chúa đến.
Cho nên mới phải cầu nguyện rằng "Xin Cha đừng để con sa chước cám dỗ" .
ht.

Thứ Năm, 5 tháng 12, 2013

NỮ TU GIẢ

NGUỒN( xem lớn hơn): (tại đây)

SAO CHO TÔI KHÓC LẠI NHƯ XƯA ?

Thà rằng mà có tình thương! (ảnh minh họa)
Anh, chị hào hứng, vui vẻ kể cho tôi nghe về những chuyến bay về quê hương, vất vả đi thật xa làm công tác xã hội, thăm, cho quà các trẻ vùng sâu vùng xa, để bữa cơm có thịt, để em có xe đạp, không phải mỗi sáng lầm lũi đi bộ chục cây số đến trường, đôi chân trần không có tiền mua dép, hoặc đến những mái ấm tình thương của quý cha quý xơ, trao tiền cho quý vị để quý vị chi phí về việc nuôi dạy những em bé mồ côi, nghèo khổ.
Nghe vậy, tôi can, đừng! Đã bảo "tiền làm hư cha". Thời nay tiền, tiện nhất là đô la, là mối tội rất to yêu quái sử dụng để chen chân vào tu giới, gạt nhà tu ra ngòai. Thường thì các thầy các sư được sự khôn ngoan thế gian dụ khị ( nghe hay không nghe theo nó tùy lượng nhân đức), thấy có tiền thì không ra, nhất định không ra.Ha ha ha !
Cứ ở, làm gì được ta ? Ở mới chết, và thế là chết. Chết mất xác trên núi, linh hồn bay theo tà vạy.
Cô Đ, thầy B., cô T. vốn đã từng tìm nơi thâm sơn cùng cốc, hòng mong siêu thoát, nhưng tiền đã dẫn họ đi lối khác, đường thoáng hơn, gốc bồ đề có nệm êm ái. Nghe nói bây giờ các vị ấy sắm được khối nhà, cùng vườn tược, heo bò bầy đàn đông đúc, tới nỗi phải rào xây, chặn cả lối đi ...nhân loại . Cứ ngồi trong nhà, đạo diễn màn kịch soạn sẵn, sao cho trẻ con sinh hoạt rõ khổ vào, đói vào, bệnh vào, tự kỷ vào, tàn tật vào, trông rõ ra một lũ nheo nhóc khốn nạn, ai nhìn vào cũng xót xa thương cảm, rưng rức khóc, chụp ảnh, quay phim, rồi vừa sụt sịt vừa mở ví đầm ra, có bao nhiêu tiên dâng hết, đây con gửi xơ, gửi cha, gửi thầy. Con về Mỹ, hẹn lần sau con mang về nhiều đô la  hơn.
Tôi có cậu bạn quý, hắn tên D., tốt như thánh, năm xưa cho một mái ấm kia hẳn 50 cây vàng, dặn chủ nhiệm mái ấm, nổi danh người mẹ ( các cháu trong mái ấm gọi chị là mẹ) tuyệt vời của mấy chục đứa trẻ cút côi : Chị cầm số vàng này mua căn nhà cho các cháu ở, không phải đi thuê nữa. Nhiệt tình đưa chị ra ngân hàng,chỉ dẫn chi tiết cách mở tài khoản, chị ký vào đây, vào đây, làm sổ nhận tiền, vì chị bảo chị không biết thủ tục, chưa hề vào ngân hàng....
Tội hết sức!
Đúng là tội thiệt. Tội ma giáo, tội gian dối, tội tham lam. Chị ta đã có bao nhiêu tiền trong tài khoản rồi. Vải thưa vải dày gì cũng không che được mắt thánh. D.biết sự thật, hốt hoảng la toáng lên. Ấy vậy mà cho đến khi lộ chuyện rồi, "người mẹ" được tiếng khó nghèo, ngây ngô, dốt nát chuyện ngân hàng ấy vẫn cứ trơ trẽn phơi mặt. Bị bắt phải trả lại số vàng ấy chị ta cũng trả, ok, của cải chị có lớn hơn nhiều, 50 cây vàng chắc chỉ là tiền lẻ.
Cũng có thể là muối mặt quá, nhục quá, nhắm chừng không nuốt nổi, đành  phải trả.
Điều tôi muốn nói tới không phải chỉ nguyên là thói tham tiền của những người mở mái ấm.
Quý vị đi làm công tác từ thiện đã chủ trương không giúp cá nhân, không đưa tiền cho cá nhân vì không tin cá nhân, nhưng xin lưu ý cho rằng, tại các nhà Mở, Mái Ấm, các trường, các viện nuôi người nghèo đều có một người đứng làm chủ. Cho dù đó là nhà sư hay tu nữ, ai tin được những người chủ ấy nhận tiền để lo cho các thành viên được ăn ngon ngủ yên, được thương yêu xứng đáng? Tôi thì không. Thật giả khó lường (*). Tốt lành như thánh cũng chẳng tin được họ.
(Thành thật xin lỗi những quý vị làm việc vì nhân đức yêu người thực sự, chắc chắn quý vị sẽ không động lòng vì cách nói của tôi).
Tôi biết rất rõ có những người lao tâm mệt tứ, bòn mót từng tí của mình, của bạn bè, của người quen, để mong với chút quà ít ỏi có thể đem no ấm, niềm vui cho người nghèo, cho trẻ mồ côi, cho các cụ già cô quả, bệnh tật. Những vị này tôi gọi là thánh.Trái tim của họ đúng là trái tim Bồ Tát.
Tôi lại cũng biết rất rõ, tiền của họ dâng tặng, nhiều khi đã vào túi ....yêu ma mất rồi.
Phần tôi, thật xấu hổ phải khai rằng, kể từ khi biết nhà cô Đ., mấy năm nay, tôi đã dứt bỏ cái gọi là công tác xã hội, việc từ thiện này nọ....Năm nào, hồn nhiên rơi nước mắt thương bé mồ côi, nay sốc vì những "ác mẫu thời đại", tôi chai đá mất rồi. Biết những trò ham danh, hám tiền của người khác, tôi muốn làm một kẻ mềm lòng, yếu đuối, sao khó quá !. Làm sao cho tôi biết thổn thức, biết khóc lại như xưa ?
ht.

(*) Mời đọc thêm: (Sư giả đi khất thực)
                               (giả dạng nữ tu Mân Côi)

Thứ Ba, 3 tháng 12, 2013

PHÂN ƯU VỚI ẤN-KIỀU

R.I.P. GIUSE
Được tin anh ruột của Ấn và Kiều là GIUSE Khánh qua đời đột ngột tại Ban Mê Thuột.
Xin được chia sẻ nỗi buồn này với Tang quyến, 
cách riêng với cháu Chu Đại Phong và hai chú Ấn-Kiều.
Nguyện xin Chúa Ki tô là Đấng đã Phục Sinh từ cõi chết, cũng sẽ xót thương đem GIUSE là con Chúa về chốn Vĩnh Hằng.
ht. 




MOZART  -  REQUIEM  -  KARAJAN
Ba cái Tên mà chúng ta rất mê kể từ thời Cung Chiều tập miệt mài và hát REQUIEM bằng tiếng Việt tại Đắc Lộ cách đây đúng 33 năm : Lễ Kitô Vua, tháng 12- 1980.
(Nếu không ra được, xin click vào biểu tượng Youtube bên phải, phía dưới)

Chủ Nhật, 1 tháng 12, 2013

NHỮNG GIỌT NƯỚC TRONG


Cây cối trong vườn nhà héo hon sau hai ngày không mưa. Ánh nắng mặt trời rất tốt, nhưng khi trời gay gắt quá, sức nóng hun đến từng ngọn cỏ nhỏ bé trong vườn, lá trên cành cao héo buồn rủ mặt xuống, hoa vừa hé nụ, vươn cánh, quãng gần trưa đều ủ rũ muốn tàn. Dàn bí trông thật tội. Luống rau xanh  bên dưới nằm rạp mềm như chẳng còn sức sống.
Bé Su mang chiếc thùng tưới có vòi sen xinh xắn ra rô-bi -nê hứng lấy nửa thùng nước, chầm chậm men theo dãy rau lang, nâng cao thùng nước tưới từng gốc. Những giọt nước trong vắt từ vòi sen tung lên , rồi vòng xuống, tỏa đều các ngọn lá xanh. 
Chẳng mấy chốc, cây lá trong vườn tươi tỉnh hẳn lên như những khuôn mặt u buồn có niềm vui nâng dậy. Ngoại thấy bé Su tưới vườn, khen rằng :  Su vừa làm việc tốt.
Bé Su dạ thưa, lòng con lại muốn cám ơn những giọt nước trong này, khi con thấy, nhờ có nước, cây lá trong vườn đẹp hơn. 
Ngắm lá cây, rau cỏ hồi sinh sau khi được tưới nước, lòng ta thấy vui.
Cũng vậy, mỗi khi cảm động bởi một bài viết, hoặc một lời hay ý đẹp trong sách, trên mạng, lòng ta như đang cơn khao khát, khô khan, héo buồn, chợt được tưới mát, hồn nhiên vui tươi trở lại.
Xin cám ơn những giọt nước trong.
ht.

Thứ Bảy, 30 tháng 11, 2013

ĐỒNG HƯƠNG HUẾ Ở SÀIGÒN

ĐỒNG HƯƠNG HUẾ 
HỌP MẶT LẦN 3
 tại Giáo Xứ Mỹ Hòa, 
sáng Thứ Bảy ngày 30 tháng 11 năm 2013
------------------------------------------------------
Nhờ hồng ân 13 năm trước đã từng hân hạnh được làm quen những người Huế rất chi là Huế tại Huế, sáng nay, ht. lại được làm con Huế...xí. Xin cảm ơn quý Đồng Hương Huế.
ht.


Bảng tên vào cửa
Hai đấng chủ tọa
Họp xong
 NS Vũ Đình Ân(con cha Xứ) và ĐC.Têphanô
MC: "Hôm nay chúng ta thấy trên bàn chủ tọa và bàn thư ký có hoa, nhưng không được tươi. 
Chúng con xin giới thiệu : Đây, cha Tươi. Xin mời cha Tươi".
Thánh giá nến cao đi đầu
                                                Linh mục đòan, rước từ nhà xứ qua nhà thờ.

                                                                           Lễ
                                                    Cha Trần văn Lộc ngồi trong góc.
                                         

THANKSGIVING 2013 -TẤM LÒNG NGƯỜI VIỆT TRÊN ĐẤT MỸ

Thứ Năm, 28 tháng 11, 2013

MUÔN TÂU BỆ HẠ -6-

TỈNH DẬY ĐI !
Mấy ngày nay nghe lính tráng rỉ tai về chuyện say xỉn của bệ hạ, thần buồn và mệt mỏi lắm!
Thần biết trên mạng có những bài nói về thói xấu nhậu nhẹt, họ viết dài, viết hay hơn thần nhiều, nhưng thần cũng cứ viết, viết thêm, viết cho bệ hạ đọc, vì bệ hạ là người mà thần yêu quý. Đáng lẽ ra bệ hạ phải biết giữ lấy tình cảm tốt đẹp ngừơi ta dành cho bệ hạ, bằng cách sống tử tế, nguyên tắc, gương mẫu, cho đáng mặt quân vương chi phụ mẫu. 
Đây, không! Hư gì đâu !
Sao học đâu cái thói nhậu nhẹt , say bí tỉ, tới độ mềm nhũn như con chi chi, bạn nhậu thuê tài xế tắc xi đưa về, nó vừa chửi vừa quăng người ngợm mình vào sân đình Tam Chung, lăn quay ra, không còn biết gì nữa,không lết nổi vào nhà.
Sáng nào cũng vậy, áo xống xênh xang, bước chân ra tiền đường dâng hương dâng lễ trước bá quan văn võ, có dân chúng cúc cung phục quỳ, thân người đi còn xiêu vẹo, mở miệng không ra lời, giọng khàn đặc, biếng nhác, cố bắt kinh ngợi ca Đấng Thượng Thiên Tiên Tổ cho tòan dân đồng thanh hô bái, có Tam Tự Khởi mà cũng ăn bớt còn có một chữ : "..............Cha,..."
Sáng nào cũng vậy, lễ nào cũng vậy.
Thọat đầu, thần tưởng bệ hạ bị viêm họng mãn tính, hay  ung thư thanh quản giai đọan cuối, sắp lâm chung, thần đã vội mừng.Thì ra đêm trước bí tỉ với thịt rượu, với đắm say, nên khi ánh dương lên, thiên hạ lục tục sống, thì bệ hạ bắt đầu rơi vào tối tăm, hậu quả của men, của nghiện ngập.
Vậy sao nơi bàn tiệc thì hô hào cụng ly, dzô, dzô, nói cười to tát, ồn ào, câu nào ra câu ấy, rõ ràng từng chữ một ?
Thế là làm sao ? Có đáng làm người nữa không, đừng nói làm cha thiên hạ.
Bệ hạ láo lắm ! Mới tí tuổi, oắt con sao dám xưng cha với các cụ già ?
Thần mà nghe được, bệ hạ không còn cái răng !
À mà phải phải ! Cái ngai của bệ hạ đã vững rồi mà ! Bệ hạ đâu sợ gì nữa phải không?
Đóng ấn rồi! Ấn từ trời ! 
Rượu vào tưởng mình làm cha hết mọi người trên thế gian. Mẹ kiếp! 
Yêu cầu bệ hạ phải ghi nhớ điều này : Dù là ấn dù là trượng, dù là ngai vua, bệ ngọc, đời sống bệ hạ không ra gì chúng thần vẫn khinh.
Khốn thay cho bọn quan hư hèn, bạc nhược trong triều, không lên tiếng sửa dạy cho thằng oắt mới nắm quyền. Đã không có người dạy, người phạt thì để đấy, thần tẩn cho. Đây, có phải những lời này là đòn đau không ? Hay cùn lụt rồi, tối tăm mê muội rồi. Ôi, bệ hạ đã chết khi tuổi đời chưa quá già, sống thế không xứng đáng, chết quách đi người đời còn thương.
Hực hực! Nghĩ tới thói xấu nhậu nhẹt say xỉn của bệ hạ mà thần muốn ói. Nghe nói bệ hạ chuyên môn triệu tập các quan chỉ để hỏi một câu " Ê, bữa nay có độ nào không?". Phải không bệ hạ ? Nhục quá, nhục cho giáo hội quá, à quên, xém tí lộ chuyện, nhục cho triều đình quá !
Tỉnh dậy đi thôi "cha nội" ! 

TIỀN LÀM HƯ CHA


Này đây , xin lắng nghe nỗi lòng của một Phật tử tha thiết với Thiện Đạo. Tôi không quen biết, nhưng thấy vị đây có nỗi thống khổ phải bật ra thành lời cay đắng thế này, đọc kỹ, càng đọc càng thấy đúng, thấy thấm, thật đáng cho giáo dân chúng ta  suy nghĩ.
Thưa quý vị là người Công Giáo, xin  hãy lưu tâm đến vấn đề này :
Dịch Xây CHÙA!!!..... TIỀN LÀM ĐỘNG TÂM, TIỀN SINH BẤT TỊNH :
Dịch xây NHÀ THỜ !!!....TIỀN LÀM HƯ CHA, TIỀN SINH HƯ ĐỐN.
Nhắn riêng P.A., 
Ngày đêm bạn phấn khích đi chạy chọt xin tiền cho các thầy, các cha xây nhà thờ .Tôi đã nói, vậy là bạn đang làm hư các Tu sĩ của Chúa. Tôi có nói P.A. có một "ơn gọi" mà tôi không có : Đó là "ơn gọi đi xin tiền cung phụng cho các cha các thầy".
Tôi nói có sai không ? Tại sao bạn cứ cố nài ép người quen, dù thân dù sơ, dù mới gặp, dù chỉ nghe tên, cũng dẫn các thầy các cha mò đến tận nhà người ta, ra mắt người ta, để xin tiền, hệt cử chỉ đứng trước mặt, hất cằm,chìa tay : Cho đi ! 
Cho dù bạn "nghe nói" người ấy có vẻ giàu, tôi can bạn, đừng làm thế. Xin hãy để tùy hỷ, tùy tâm. Bạn đừng làm cái trò giống như kiểu " xin đểu" ngòai đường.
Tôi nói có sai không, sao bạn vô duyên quá đi. Tự nhiên nhận được một cú điện thọai của cha quen với bạn, vậy là bạn dí ngay cái máy vào tai người bên cạnh mà bạn gọi là giàu ấy, để cho...cha trực tiếp xin tiền. Khốn nạn thay, lúc  đó cha đang bận, chưa thèm xin. Làm cho người nghe đớ mặt. Bạn có biết cử chỉ của bạn lúc ấy  rất mực kỳ cục, vô duyên, vô dáng ,vô dạng, vô tình không ? Bạn có biết người kia khó chịu đến thế nào không ? Bực quá, bực quá, không lẽ giữa đám đông tôi quát mắng ! Sống trên đời phải có hiểu biết chớ  bạn !
Rồi ! Còn nữa :
Tôi nói có sai không, sao bạn vô văn hóa quá đi. Tự nhiên bảo tôi cho số điện thọai, địa chỉ email anh chị gì đó, để xin tiền cho các thầy xây nhà. Có cũng không cho nha, phép xã giao, luật tôn trọng tôi đâu có được quyền cung cấp số ĐT. hay e-mail của ai nếu không được sự đồng ý của chính chủ nhân. Mà bạn đâu có email ! Bạn muốn là ai cho tiền thì cứ đưa trực tiếp vào tay bạn hoặc thầy chứ gì ? Tôi nói vậy thì thua. Tiền bạc là phải giấy trắng mực đen. Cấm lậm lọa. Bạn nghe thua, bèn bày trò với tôi rằng, vậy cho thầy lấy tên bạn làm tên email của thầy. 
 PA., bạn ngu xuẩn từ bao giờ vậy ? 
Tôi khuyên bạn hãy thôi cái trò sưu tầm số điện thọai và địa chỉ email  người giàu đi.
Ai giàu, mặc họ! Họ còn phải sống, phải nuôi gia đình họ nữa chớ. Các thầy các cha đi tu, đáng lẽ ra bạn phải để cho các ngài noi gương Đức Thánh Cha Phanxicô, nghe lời người khuyên, sống đời sống khó nghèo mới đúng lý tưởng cao quý các ngài đang theo đuổi. Cớ gì bạn thiểu não xót thương vì nhà thầy dột nát, xuống cấp ? Xin bạn hãy đọc kỹ những lời van xin dưới đây, tôi muốn mượn lời tác giả để gửi cho bạn. 
PA., đọc đi.( à mà bạn đâu có sử dụng Internet! Bố khỉ, thế mình gửi "tâm thư" này cho ai bây giờ ?).
ht.
 ------------------------------------------------------------------
Dịch Xây CHÙA!!!..... 
TIỀN LÀM ĐỘNG TÂM, TIỀN SINH BẤT TỊNH
HLTL TÔN GIÁO 10/23/2013
 Đức thế Tôn rời bỏ Cung vàng điện ngọc...tầm đạo;
 Thế kỷ 21 các SƯ với lòng DỤC muốn xây chùa thiệt lớn...!!!!  (NDHV) 
TIỀN LÀM ĐỘNG TÂM, TIỀN SINH BẤT TỊNH (**)
NANCY DANG
Tu hành trong hoàn cảnh kinh tế thị trường hiện nay rất khó. Tu trong xã hội Âu Mỹ với nền kinh tế thực dụng càng khó hơn.
Dịch xây chùa và phấn đấu làm trụ trì của các tu sĩ Việt nam tại các xứ Âu Mỹ đang diễn ra như một chiến trường. Tiền! Tiền! Tiền! trở thành tiếng réo gọi át tiếng cầu kinh và niệm chú. Các thầy đã biến chùa chiền thành các “siêu thị Phật”. Thầy chưa có chùa thì lo vận động chạy đôn chạy đáo mua đất mua nhà xây chùa dựng tượng. Thầy có chùa rồi thì có bao nhiêu là dự án xây dựng để kêu gọi Phật tử đóng góp. 
Đồng tiền đã làm cho cửa Thiền thành chợ Trời buôn thần bán thánh. Không có cách kiếm tiền phàm tục nào ngoài đời mà không có trong các chùa: Xổ số, lô tô, đại nhạc hội, tiệc ăn uống gây quỹ, bán đấu giá, ký sổ cúng dường hàng tháng, mượn vốn không lời… đang trở thành bệnh dịch biến cửa chùa là nơi tôn nghiêm thành nhà hàng bán đồ ăn, biến sân chùa thành sân khấu cho ca sĩ hát hỏng nỉ non uốn éo, biến Phật đài trang nghiêm thành nơi bán và ký gởi tượng Phật. 
Tất cả những phương tiện hoằng dương chánh pháp thiêng liêng của Phật giáo Đại thừa đang biến thành dịch vụ thương mãi. 
Cầu siêu: tiền. Dâng sớ cầu an: tiền. Ma chay, giỗ kỵ: tiền. 
Xuống cấp thấp nhất là các thầy thu tiền và bỏ tiền vào túi. Hình ảnh đọa lạc nhất là có những thầy chuyên nghiệp lên sân khấu, cầm micro thay vì nói pháp thì thao thao nói lời thuyết phục vận động xin tiền. Ôi, hồng ân Tam Bảo, long thần hộ pháp làm sao mà tha thứ được.
Những Phật tử mê tín, đầu óc mù mờ u tối đã xem các thầy chùa như Phật thánh. Họ không hiểu rằng đưa phương tiện vật chất vào tay nhà tu là đang làm thay cho ma quỷ tới phá đường tu thanh tịnh của quý thầy. Khi đầu óc đã dính mắc lo nghĩ tới tiền, tới chùa to tượng lớn, tới thế giới màu mè hình tướng thì vô hình chung nhà tu đã không còn an trú trong giới luật. 
Đạo Phật Việt Nam đang đi sai đường trầm trọng vì đang lâm vào hai tình trạng cực đoan. Số các thầy sống ở “cõi trên” thì lo nói toàn những chuyện cao siêu huyền hoặc. Số các thầy đang đọa lạc vào tham ái thì biến đạo Phật thành mê tín dị đoan để làm phương tiện kiếm tiền. 
Thật ra, các thầy ra ngoài giới luật chỉ là nạn nhân. Thủ phạm chính là những người mang danh Phật tử mà không chịu hiểu Phật, đem vật chất làm sa đọa các thầy. 
Xin các thầy tỉnh táo lại để khỏi trễ đường tu. 
Xin các đạo hữu Phật tử hãy cùng nhau đứng ra xây chùa dựng tượng. Nhưng tuyệt nhiên xin đừng làm sa đọa quý thầy bằng cách đưa tiền, chính là đưa thuốc độc đến cho bậc chân tu.
Đức Phật và Thánh chúng ngày xưa ngày ngày khất thực, chỉ cần có miếng ăn đạm bạc ngày một bữa mà nuôi sống xác thân để thanh tịnh tu hành. Các thầy ngày nay ăn uống có kẻ hầu người hạ, bữa chính bữa phụ thật là đã lạc đường quá xa về xứ Phật. 
Đôi điều chân thật nói ra, xin các thầy và Phật tử hoan hỷ suy gẫm.
NANCY DANG
Nguồn (tại đây)