NHT.:
“Bình an dưới thế cho người thiện tâm”.
Thiện tâm, tâm thiện là làm sao mà người ta đa số phải lao nhọc, bất an?
Người phàm, phải sống giữa cõi đời ô trọc, lòng không được yên ổn đã đành, giới tu hành cũng lao đao, nhấp nhỏm. Qua chiếc áo tăng ni, giáo sĩ, ta thấy họ an vui, thanh nhàn, điềm tĩnh, nhưng chưa chắc bên trong không sóng gió! Thật tội nghiệp cho chiếc áo tu, suốt ngày ôm ấp một con trăn luôn vùng vẫy, quằn quại, mà không biết, không hay. Bên ngoài, các nếp áo vẫn nghiêm trang, thẳng thớm! Miệng vẫn thốt lời từ bi!
Là bởi chưa rành hai chữ thiện, ác.
Sống sao cho có thiện tâm đây?
Sách luân lý đạo Phật có luận về thiện ác rất hay, giá mà chúng ta biết khiêm tốn đọc rồi suy, rồi đổi thay, chỉnh sửa, tương lai chắc chắn có được nhiều vị ...đạt chánh quả.
Nói đâu xa xôi, chỉ xin ước cho đời tu sĩ được phúc bình an, muôn lòng bình an.
Mến chúc mọi người bình an.
LUẬN VỀ CHỮ THIỆN
1. Thế nào là thiện ?
Theo Luận Thành Thật định nghĩa:
Tùy làm việc gì, hay cho người sự ưa thích, ấy là thiện...
Khiến người được vui, ấy gọi là ưa thích, cũng gọi là thiện, cũng gọi là phước.
(Tùy dĩ hà nghiệp, năng dữ tha hão sự, thị danh thiện...
Linh tha đắc lạc, thị danh vi hão, diệc danh vi thiện, diệc danh vi phước.)
(Thành Thật Luận 8, phẩm Nghiệp 100)
Lại cũng trong Luận Thành Thật, phẩm Giải:
Nếu được lợi mình lợi người, lợi hiện tại và vị lai đều do tâm thiện làm gốc, nếu bị tổn mình tổn người, tổn hiện tại và vị lai đều do tâm bất thiện làm gốc!
(Nhược nhân lợi tha lợi dĩ, kim lợi đương lợi, giai dĩ thiện tâm vi bản, nhược nhân tổn dĩ, kim tổn đương tổn giai dĩ bất thiện tâm vi bản.)
Căn cứ theo Luận Thành Thật định nghĩa: Phàm làm việc gì khiến người ta vui thích là thiện, và lợi ích cho mình và người, hiện tại và vị lai là thiện.
2. Thế nào là thiện, ác?
Ngài Thái Hư định nghĩa thiện ác: Việc làm lợi mình lợi người, hiện tại và vị lai, lấy đại chúng làm tiền đề là thiện. Việc làm chỉ nhằm lợi ích mình hiện tại, lấy tổn hại người làm tiền đề là ác.
Qua các nhà luận trên, tương đối chúng ta thấy thiện ác đã rõ. Nhưng cũng còn vài nghi vấn nhỏ. Như việc làm lợi mình lợi người, hiện tại và vị lai, gọi là thiện. Thực tế có nhiều việc lợi người, hại mình mà vẫn là thiện. Như thấy nhà cháy, một em bé đang bị kẹt trong ấy, có người hi sinh chạy vào lửa cứu em ra. Khi cứu được em bé, người kia bị cháy phỏng khá nhiều, phải đau khổ vì những vết phỏng hành hạ. Sự an ổn của em bé, trong sự đau khổ của người kia như vậy, đâu phải hiện tại cả hai đều lợi? Hoặc như người phát nguyện vào bệnh viện lao, hủi săn sóc bệnh nhân. Hiện tại họ an ủi bệnh nhân được phần nào, song tương lai họ có thể bị truyền nhiễm. Như vậy, hiện tại thấy có lợi một phần, mà tương lai đâu hẳn là lợi?
Tuy nhiên, theo Phật giáo, những hành động cứu người, vì người, hiện tại hoặc vị lai ta có khổ, song cái khổ ấy chỉ thời gian ngắn ngủi, sau này sẽ hưởng cái vui thời gian dài gấp mấy lần. Như trường hợp người cứu em bé sắp bị chết thiêu, người phát nguyện vào nhà thương lao chẳng hạn. Vì cái khổ ngắn, cái vui dài, nên cũng gọi là vui. Hơn nữa, tuy thân khổ mà cứu được mạng người, tâm vui thích, nên cũng gọi là vui.
Bởi tánh cách phức tạp của thiện ác như thế, nên qui định tiêu chuẩn thật khó khăn.
Thể theo những ý trên, tôi qui định tiêu chuẩn thiện ác thế này:
“Đối tự thân, hành vi xuất phát từ ý chí hướng thượng, được hướng dẫn bằng trí sáng suốt là thiện. Hành vi xuất phát từ tâm niệm hưởng thụ dục lạc, bị sai sử bởi si mê là ác.
Đối tha nhân, hành động xuất phát từ tình thương chân thật, được hướng dẫn bằng trí sáng suốt là thiện. Hành động xuất phát từ tâm tổn hại, sai sử bởi si mê là ác.
Bản thân chúng ta, bất cứ một hành vi nào xuất phát từ ý chí hướng thượng cộng với trí suy nghĩ sáng suốt, đều đưa đến kết quả tốt đẹp, an ổn. Như từ người xấu xa hèn hạ muốn tiến lên người thường, từ người thường muốn tiến lên người tốt, từ người tốt muốn tiến lên thành người hiền, từ người hiền muốn tiến lên thành bậc Thánh. Sự mong mỏi tiến lên ấy là ý chí hướng thượng. Có ý chí hướng thượng rồi, cần phải có trí sáng suốt xét đoán muốn thành người tốt người hiền phải làm thế nào? Sau khi xét đoán rồi, phải thanh lọc cái gì làm cho mình xấu, phụ trợ cái gì làm cho mình tốt. Có thế mới từ người xấu trở thành người tốt được.
( trích Vài nét chính luân lý Phật giáo - Thích Thanh Từ)