#Stats1 ul{margin:0;border:0;padding:0;height:32px;background:url(//goo.gl/ZHG881) no-repeat 0 -34px} #Stats1 li{margin:10px 0;border:0;padding:0 0 0 40px;list-style-type:none} #totalComments{height:32px;background:url(//goo.gl/ZHG881) no-repeat} #totalCount{height:32px;background:url(//goo.gl/ZHG881) no-repeat 0 -68px}

Thứ Tư, 5 tháng 12, 2012

DÀN NHẠC CTM


DÀN NHẠC CTM
Kính thưa cha Đỗ Xuân Quế,
Trước hết, chúng con xin phép được được bày tỏ lòng biết ơn của chúng con đối với những đóng góp lớn lao của cha trong công tác Thánh Nhạc cũng như những hướng dẫn của cha đối với các ca đoàn trong công việc thờ phượng Chúa, đã giúp chúng con rất nhiều trong việc phụng thờ Chúa bằng lời ca tiếng hát.
Thứ đến, chúng con cũng xin phép được nói rõ trước là trên tinh thần tôn trọng tài năng và những cống hiến lớn lao của Ban Hợp Xướng Pio X và dàn nhạc cũng như của cá nhân nhạc sĩ Tiến Linh, trong phạm vi bài viết này, chúng con hoàn toàn không có ý kiến gì về vấn đề “Pio X có hát nhép” hay không? Chúng con chỉ xin phép nêu ra dưới đây những trình bày cá nhân về thuật ngữ “Công Thức Mới” của cha Tiến Dũng khi ngài thành lập dàn nhạc CTM (Công Thức Mới) mà thôi, ngõ hầu tránh được những hiểu lầm đáng tiếc về Công Thức Mới và dàn nhạc CTM trước đây.
Kính thưa cha, được đọc những bài viết của cha, của nhạc sĩ Hải Triều và của nhạc sĩ Tiến Linh trên http://nshaitrieu.blogspot.com thời gian vừa qua, chúng con thật sự rất buồn và cảm thấy thật “tội nghiệp” cho linh mục nhạc sư Tiến Dũng, người thầy rất đáng kính mến của chúng con. Vì với những ai chưa từng biết về dàn nhạc CTM của cha Tiến Dũng ngày xưa khi đọc được những lời của cha trong bài “Giải Tỏa Một Ngộ Nhận” về việc cha “làm chứng rằng Pio X (không hát nhép mà) chỉ hát theo dàn nhạc công thức mới. Công thức này do nhạc sư Tiến Dũng nghĩ ra…” thì chắc chắn họ sẽ … bị ngộ nhận ngay về dàn nhạc CTM cũng như về khái niệm CTM “công thức mới” mà cha Tiến Dũng đã đề ra trước đây!
Có lẽ cha cũng như chúng con hoặc những ai đã từng dự khán một buổi biểu diễn của Dàn Nhạc CTM của cha Tiến Dũng ngày xưa thì không thể nào quên được sự “hoành tráng” của một dàn nhạc với gần 40 nhạc viên diễn tấu thật sống động và đầy tính sáng tạo nghệ thuật. Đôi khi ngài đã đưa cả những nhạc cụ không được xem như nhạc cụ thuộc dàn giao hưởng truyền thống nhưng ngài lại “có sẵn trong tay” để thay thế cho những nhạc cụ “lẽ ra nên có” trong một dàn nhạc giao hưởng mà ngài không thể kiếm được cho dàn nhạc của mình, khi trình tấu những tác phẩm cổ điển. Thậm chí, ngài còn đưa cả tiếng trống chầu, tiếng mõ... để thêm màu sắc mới cho dàn nhạc của ngài và đã được giới chuyên môn, các nhà phê bình âm nhạc đánh giá rất cao.
Thật ra cách làm này của cha Tiến Dũng cũng không hẳn là “mới” vì nhiều nhạc sĩ cổ điển đã từng làm như vậy, và trong một số trường hợp, có khi cách làm của ngài cũng chưa đạt được hiệu quả nhất định vì sắc tiếng cũng như tính năng cũng các nhạc khí có sẵn mà ngài dùng để thay thế cho những nhạc khí trong dàn nhạc giao hưởng truyền thống đôi khi chưa thể hiện được hết cái hồn, cái chất của tác phẩm khi được ngài biên soạn lại cho dàn nhạc CTM trình tấu. (Một ví dụ được thấy rõ nhất về chuyện này là khi ngài dùng Guitare điện để thay thế cho Cello khi ngài không tìm được cây Cello nào). Tuy nhiên, điều “mới” mà cha Tiến Dũng muốn gởi gấm đến cho các học trò của ngài, khi thành lập dàn nhạc CTM là tầm quan trọng của việc sáng tạo nghệ thuật và việc sử dụng các nhạc khí một cách sống động trong việc thờ phượng Chúa, để, dù với một số lượng hạn chế các nhạc cụ, nhạc khí và nhạc viên có sẵn, nhưng với vốn kiến thức vững vàng về hòa âm, phối khí, các học trò của ngài vẫn có thể thành lập được một dàn nhạc theo kiểu “công thức mới”, có thể trình tấu được một cách sống động, đầy tính sáng tạo những tác phẩm cổ điển vốn chỉ dành cho các dàn nhạc giao hưởng truyền thống.
Chính nhạc sĩ Tiến Linh trong bài viết “Công Thức Mới” đăng trên http://nshaitrieu.blogspot.com  cũng thừa nhận: “Gọi là công thức mới cho nôm na dễ hiểu. Dàn nhạc của cha Tiến Dũng ngày xưa vì thiếu Cello nên cha đã đưa cây Guitare điện để thay thế, thiếu Clarinetto và Oboe nên mới đưa sax alto và sax tenore thay thế, đôi khi đưa vào cả chiếc mõ chiếc sênh... làm cho dàn nhạc có thêm màu sắc mới, nên cha gọi là công thức mới.”
Vì thế, thưa cha, chúng con nghĩ rằng, dàn nhạc của Pio X, theo cắt nghĩa của cha và của nhạc sĩ Tiến Linh nữa, thật là khác hoàn toàn về bản chất của 3 chữ “công thức mới” theo nguyên nghĩa của cha Tiến Dũng. Vì với quy mô của một dàn nhạc chưa tới một chục nhạc viên, tấu nhạc trên nền âm nhạc với đủ thứ sắc tiếng của một dàn giao hưởng được phối khí sẵn bằng chương trình Encore và được phát ra từ một chiếc laptop thì sao lại có thể nhận định là Pio X “hát theo dàn nhạc công thức mới.” và “Công thức này do nhạc sư Tiến Dũng nghĩ ra…” được?

Cái sáng tạo, cái "Công Thức Mới" theo kiểu cha Tiến Dũng đã làm là sử dụng những nhạc cụ mình có trong tay để tạo sắc thái mới cho dàn nhạc của mình vẫn được nhiều nhạc sĩ nổi tiếng trên thế giới tiếp tục thực hiện. Trong những vở nhạc kịch rất nổi tiếng hiện nay như "The Phantom of the Opera" của Andrew Lloyd Webber hay "Les Miserable" của Claude-Michel Schonberg, cũng đều thấy xuất hiện những nhạc cụ hiện đại kết hợp với dàn nhạc giao hưởng truyền thống. Đó là sáng tạo nghệ thuật chính đáng theo kiểu “Công Thức Mới” mà cha Tiến Dũng đã làm, xét về mặt nghệ thuật, không tính đến khía cạnh tôn giáo.
Chúng con thiết tưởng, việc dùng chương trình Encore phối khí sẵn một số nhạc cụ rồi dùng laptop phát ra làm nền để thêm vài “nhạc cụ chơi nhạc sống” lên trên như kiểu Pio X đang thực hiện cũng giống như mình cắm vài bông hoa thật trên một giỏ hoa giả! Nếu sử dụng kiểu này để thu âm, làm băng đĩa... thì cũng tốt, nếu sử dụng để biểu diễn thì cũng chấp nhận được. Chúng con thật sự không biết là Pio X có sử dụng kiểu âm nhạc này trong phụng vụ hay không, nhưng nếu sử dụng kiểu này trong phụng vụ thì khác nào việc cắm vài bông hoa thật vào một giỏ hoa giả rồi mang lên bàn thờ Chúa, phải không cha?
Việc nhạc sĩ Tiến Linh phải "chuẩn bị trước ở nhà, chuẩn bị rất khéo léo và chu đáo đến từng chi tiết, rồi sau đó phải phối hợp sao cho nhịp nhàng... đòi hỏi mọi thành phần phải luyện tập thật nhiều" để nên như của lễ "tinh tuyền dâng lên Thiên Chúa và làm Người vui lòng" như nhạc sĩ Tiến Linh trình bày trong bài “Công Thức Mới” thì cũng không thực sự thuyết phục. Chúng con nghĩ rằng Chúa là Thiên Chúa sống động và chân thật, hẳn Người cũng thích những gì chân thật và sống động. Đối với một số khán thính giả “khó tính” trong thưởng thức âm nhạc thì việc thưởng thức âm nhạc từ một "Dàn Nhạc Encore-Công Thức Mới" kiểu này sẽ thấy hơi “khó chịu” một chút vì âm thanh giả-thật lẫn lộn, chứ không phải là được "thưởng thức một bữa tiệc âm thanh toàn vẹn đầy đủ" như  nhạc sĩ Tiến Linh nghĩ. Và, dù cho các anh em nhạc viên có luyện tập thật nhiều thì cũng chỉ là để phù hợp theo "cảm xúc" đã được tạo sẵn của cái... “dàn nhạc Encore” phát ra từ cái laptop mà thôi! Đó là chưa kể đến đôi khi giữa cái “dàn nhạc Encore” và các “nhạc cụ chơi sống” không “ăn ý” với nhau thì thật là “tai họa”, như chúng con đã từng được dự thính trong một lần biểu diễn của Pio X tại Mai Khôi cách đây vài năm.

Cha mẹ nào cũng thích nghe con tự hát, tự đàn, tự nói bằng khả năng thực của nó, dù chúng có ấp úng, ngọng nghịu hay vấp váp, nhưng đó là những cảm xúc sống động xuất phát từ tấm lòng chân thành, hơn là họ nghe con mình hát hoặc đàn một cách trơn tru, hoàn hảo, nhưng là đàn theo và hát theo "cảm xúc" của một cái laptop vô hồn.  Huống hồ gì Chúa là Thiên Chúa sống động! Chúng con thiết nghĩ dù có hát có đàn một cách cao siêu như kiểu CTM của cha Tiến Dũng hay có ngọng nghịu, vấp váp vì tài hèn, sức mọn nhưng Chúa hẳn sẽ vui lòng khi nghe đoàn con cái của Người ca khen Người bằng những cảm xúc sống động xuất phát từ những tấm lòng đơn sơ, khiêm nhu và chân thành.
Phải thành thực nhìn nhận là nhạc sĩ Tiến Linh là một nhạc sĩ có tài và có tâm với thánh nhạc nữa. Nhưng giả như nhạc sĩ Tiến Linh sử dụng những nhạc khí đa âm như Organ hay Piano để thay thế cho những nhạc cụ còn thiếu trong dàn nhạc của mình thì tốt biết bao. Vì cái Organ bây giờ có thể "bắt chước" nhiều thứ tiếng khác nhau rất giống, có thể đáp ứng được phần nào "trí tưởng tượng" của người nhạc sĩ để "những bản phối khí không mãi nằm trên giấy". Điều này rất dễ được chấp nhận vì âm nhạc vẫn được nhạc viên diễn tấu một cách sống động trên cây đàn Organ thay thế cho những nhạc khí còn thiếu. Nhiều dàn nhạc vẫn làm kiểu này để bù đắp cho việc thiếu nhạc cụ hoặc nhạc viên mà vẫn bảo đảm được “tính sống động”. 
Hiện nhạc sĩ Tiến Linh cũng đang dạy môn phối hợp chương trình Encore với nhạc cụ “chơi sống”, nên chúng con thật sự lo rằng, trong tương lai, sẽ có những "dàn nhạc Encore-công thức mới hơn" với một cái laptop và 1, 2 nhạc cụ “chơi sống” kèm theo hay biết đâu lại chẳng có nhạc cụ “chơi sống” nào, vì nào có thấy giới hạn trong “tương quan lực lượng” giữa “dàn nhạc Encore” và số lượng nhạc cụ “chơi sống” trong “dàn nhạc Encore-công thức mới” này đâu. Từ một dàn nhạc CTM đầy tính sáng tạo nghệ thuật với gần 40 nhạc viên của cha Tiến Dũng ngày xưa, bỗng trở thành "dàn nhạc Encore” với một cái laptop và chưa tới một chục nhạc viên của ngày nay (mà vẫn được xem là dàn nhạc Công Thức Mới do cha Tiến Dũng nghĩ ra), thì thật không biết được tương lai của "dàn nhạc Encore-công thức mới hơn" sẽ "phát triển" tới đâu, đặc biệt với sự phát triển của các chương trình xử lý âm thanh và kỹ thuật vi tính như hiện nay? 
Ông bà ta có câu: “Lời thật, mất lòng”. Có thể cha, nhạc sĩ Tiến Linh và các anh chị em trong Ban Hợp Xướng Pio X và dàn nhạc không mấy vui khi đọc bài viết này, nhưng chúng con thực sự chỉ muốn giãi bày những băn khoăn, thao thức liên quan đến thuật ngữ “Công Thức Mới” của cha Tiến Dũng, người thầy đáng kính mến của chúng con, đã đề ra, chứ hoàn toàn không mang một ý đồ cá nhân, riêng tư hay “xét nét” gì. Mong cha và các anh chị em thông cảm bỏ qua cho những thiếu sót của chúng con, nếu có, trong việc trình bày trên.
Chúng con xin kính chào cha,
Chúc cha, nhạc sĩ Tiến Linh cùng các anh chị em Ban Hợp Xướng Pio X và Dàn Nhạc luôn tràn đầy ơn Chúa, luôn hạnh phúc với những đóng góp của mình và ngày càng thăng tiến trong công tác dùng âm nhạc để phụng thờ Thiên Chúa.

Trần Quốc Dũng - Thúy Loan
(Bài gởi đăng trên http://nshaitrieu.blogspot.com)

Không có nhận xét nào: