#Stats1 ul{margin:0;border:0;padding:0;height:32px;background:url(//goo.gl/ZHG881) no-repeat 0 -34px} #Stats1 li{margin:10px 0;border:0;padding:0 0 0 40px;list-style-type:none} #totalComments{height:32px;background:url(//goo.gl/ZHG881) no-repeat} #totalCount{height:32px;background:url(//goo.gl/ZHG881) no-repeat 0 -68px}

Thứ Ba, 27 tháng 9, 2011

Tạp bút số 24:Giỗ cha...


GIỖ CHA NGÀY BẢY THÁNG MƯỜI

Thứ bảy, mồng 7 tháng Mười con dậy sớm và nhận ra Ba đã ra đi. Ba chỉ mới đi khi rạng vì khuya ba còn húng hắng. Hồi tối Ba còn ngồi dậy uống thuốc con đưa vào tay.
Từ ấy, hằng năm, nhà Giỗ Ba ngày bảy tháng Mười. Ngày ấy, năm 1979, con chạy vào nhà Dòng báo tin : Ba em mất rồi.Xin Mẹ , các Bà, các Chị cầu nguyện cho Linh Hồn GIUSE.
Nhà Dòng đang rộn ràng mừng Lễ Quan Thầy Dòng, không khí có khác với cảnh nhà mình ảm đạm. Con cô đơn, lủi thủi quay về.
Bà Sửu hàng xóm mang cho tấm drap trắng, gọi là chút tình với vợ con ông Tổ Trưởng. Ba nằm yên trên giường, hai tay đặt chéo nhau, người đã gầy gò cao lênh  khênh,giờ bé  hẳn lại,dài hẳn ra. Ai đó đã quấn một chuỗi Hạt vào tay Ba. Mợ và chúng con bắt đầu đội khăn tang, mặc áo sô.
Anh Tuấn là con trai lớn, phải sang nhà Xứ gặp cha xin Lễ và hỏi về nghi thức đưa quan tài vào nhà thờ.
Cho đến giờ cũng không ai biết chuyện gặp gỡ giữa cha Xứ và con trai người giáo dân trong Xứ vừa mới qua đời hôm ấy như thế nào, chỉ biết kết quả là cha Xứ không cho phép gia đình đưa  Ba vào trong nhà thờ hưởng Ơn Phúc Chúa trong Thánh lễ An Táng là Lễ Misa cuối cùng của cuộc đời một người con cái Chúa.
Nghe thuật lại rằng đây là câu cha Xứ nói :
-“ Tôi không thấy ông ấy đi lễ bao giờ”.
Thì thôi! Không đưa vào nhà thờ nữa.
Nhưng Chúa lòng lành vô cùng, đón Ba bằng cửa khác, đó là con cũng chẳng biết đường mà xin, vả lại, đã xuất khỏi nhà Dòng từ năm ngoái, nên không dám vào làm phiền Bề Trên, thế mà tự dưng, thật là tự dưng, Cha Trác và cha phụ tá Vãng đã  tìm đến tận nhà mình dâng Lễ Đồng tế cầu nguyện cho Ba.
Lại có ai đó đã bầu cử cho nhà ta.
Ngay buổi tối hôm Ba nằm xuống, vì là thứ Bảy, sau giờ tập hát, các bạn Cung Chiều của con đã từ Đắc Lộ  tìm về  cái hẻm Nghĩa Hòa nhỏ bé chật hẹp để đọc kinh, hát Thánh ca cầu nguyện cho Ba. Người trong xóm bảo sao đông thế! Thúy Nga ghé tai con nói tụi này phải gửi xe tận ngoài đường ( đường Thánh Mẫu). Những tiếng hát thân quen, thân ái vang lên làm ấm lòng tang quyến và khiến láng giềng ngạc nhiên lạ lẫm như nghe đâu đây tiếng thiên thần hát nơi cửa chùa. Bởi hàng xóm có mấy ai biết nhà mình  là người có Đạo.
Con đạp xe lên Sở Nhà Đất lãnh nhu yếu phẩm lần cuối cho Ba, suốt đoạn đường dài từ Ông Tạ lên Lê Lợi,quận 1,từ sở Ba về nhà, cứ  để mặc cho nước mắt tuôn rơi lã chã, ướt hết cả mặt, ướt hết cả áo, không chùi,không lau, muốn chảy bao nhiêu thì chảy.
Con khóc Ba và khóc vì ông cha xứ không hiểu Ba.
Ba là người cha vô cùng hiền lành của con. Ba không bao giờ tỏ ra hung hãn, giận dữ hay nặng lời với chúng con.
Ba làm gương cho chúng con để không đứa con nào của Ba lại có thể học dở và viết chữ xấu được. Con biết Ba vui khi sau này nhà mình có  Út Trang viết chữ đẹp như in, giống Ba.
Khi con đi tu, ấy là lúc Ba cứ đang quẩn quanh với những nẻo đường đi tìm Chúa. Ba đã bỏ Phật ở lại trong chùa rồi,  Ba đi tìm Chúa trong nhiều thứ Đạo của loài người lập ra mà Ba bỏ quên Chúa trong Đạo Chúa, cho nên Ba vẫn mãi là người luôn khao khát Chúa, mong mỏi Chúa, suốt đời đi tìm Chúa không ngơi. Ở nhà Đệ Tử Mân Côi, con nhận được những lá thư với nét chữ rất đẹp của Ba nói về niềm khát khao mãnh liệt ấy. Ba bảo trong nhà có con là hiểu Ba nhất. Ba nói đúng,tại vì con cũng đang trên đường đi tìm Chúa như Ba. Ai cũng vậy. Không ai nói mình đã thấy Chúa.Tất cả mọi người đều đang trên đường đi tìm Chúa, đến với Chúa.
Thời gian Ba đổ bệnh, nhà nghèo( như mọi nhà năm 1978 ấy) không có gạo, chỉ có bo bo, mì sợi, xếp hàng cả buổi mới được mua theo tiêu chuẩn đầu người trong hộ. Ba thèm cơm. Ba không có thuốc. Răng đau rụng dần. Người vừa cao,vừa gầy, vừa móm, vừa bệnh. Lo âu thời cuộc, mặt buồn tênh, tuyệt vọng. Con ngồi đan len cho hợp tác xã,  cúi gằm,không dám ngước  nhìn Ba. Cả nhà không ai dám nhìn ai. Một nỗi thống thiết bao trùm mọi gia đình, trải dài nhiều năm trời ròng rã. Chị Dung qua Mỹ từ mười năm trước, 1975 nghe tin tức, sợ cộng sản,không dám liên lạc với gia đình,mãi sau này  mới dám gửi mấy lọ thuốc về. Khi ấy Ba đã mồ yên.
Có một người, ngày ấy, thỉnh thoảng, khi sắp xếp được thời giờ lại ghé nhà mình để ủi an, hướng dẫn,nâng vực và cầu nguyện cho Ba, đó là Bà Blandina Tiến,  tu Dòng con tu và là người bạn lớn của con hồi con còn ở trong nhà Khấn, chung phòng với Bà. Bà là một nữ tu thánh thiện và Chúa đã ban Bà làm thiên thần đến với  Ba, với gia đình mình. Con luôn tin có ai đó hằng cầu nguyện cho người nhà ta.
Nay thì thuận tiện lắm,chúng con đã có cơ hội đưa Ba vào nhà thờ rồi. Qua cuộc nhân gian đau khổ vì  khát khao tìm Chúa mãnh liệt của Ba như vậy, con tin nơi lòng Thương xót Chúa, Ba giờ đã thảnh thơi. Bên chân Chúa, xin Ba cầu nguyện cho mợ và chúng con, các cháu Ba còn long đong vất vả kiếm ăn mỗi ngày.
Con lại tin Ba sẽ luôn bầu cử cho chúng con từng giây phút, vì  chắc chắn Ba rất thương chúng con, kiếp phù sinh tháng ngày vất vả.
Và vì xác tín rằng muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương, nên con thấy được Ba, chị Dung, em Việt và cháu Diane nhà mình đang được Tình yêu Chúa cứu độ cho hưởng Phúc Nước Trời.
Ngày Giỗ Ba cũng là ngày giáo hội mừng lễ Đức Mẹ Mân Côi. Con xin Đức Mẹ thương cho Ba, Maria Dung, Phê-rô Việt và Diane được cùng Mẹ chung tiếng ngợi khen, chúc tụng Chúa đến muôn thuở muôn đời.



Không có nhận xét nào: