ĐI LANG THANG
*LM Piô Ngô Phúc Hậu
Sơn Tây 25.02.2012
Hôm nay mình dành trọn buổi sáng để đi dạo. đi dạo để tạo sức cho đôi chân già nua. Đi dạo để thấy phía sau lưng của thi xã Sơn Tây, một thị xã đang hãnh diện vì mới được sáp nhập vào Hà Nội thủ đô của tổ quốc. Đi để may ra vớ được thời cơ mở một giáo điểm mới.
Giã từ phố Lê Lợi sầm uất, mình leo lên đê sông Hồng. đứng trên đê cao, để ngắm dòng sông – chả thấy dòng sông đâu. Chỉ thấy bãi cát và sương mù. Đi trên đê cao thấy mình cao hơn nóc nhà người ta. Lòng nhẹ lâng lâng, quên thế sự thăng trầm.
Mình đi, đi mãi về hướng Nam mải mê ngắm cảnh làng mạc với ruộng vườn và ao chuôm, mình quên hẳn bản thân. Chỉ còn thấy quê hương yêu dấu. yêu quá là yêu! Yêu con bò đang vô tư đứng giữa đường, nghếch mõm nhìn trời, bất chấp tiếng còi ô tô đang kêu inh ỏi. yêu con ngang trống đang khệnh khạng đuổi theo con ngang mái vừa bé vừa nhanh. Yêu cây đa cổ thụ đang lấy chùm rễ phụ ôm lấy một cá miếu cổ, sợ nó lùi dần vào quên lãng. Yêu bà cụ răng đen chít khăn mỏ quạ đang cười tươi với một cháu gái mặc đẹp như nàng công chúa…
Trời rét căm căm. Mưa bui bui. Hạt mưa nhỏ như nước đái muỗi, không đủ sức rơi xuống đất đành bay theo gió bấc. Rét quá, mình phải khoanh tay mà đi. So vai, rụt cổ, khúm núm y như đưa con gái đang ăn vụng bị mẹ bắt quả tang. Người người người khoanh tay. Người người khúm núm. Mùa rét miền Bắc là thế. Mưa phùn gió bấc là vậy. Buồn cười…
Mình đang đắc chí với câu “mùa đông là mùa lễ phép, là mùa khúm núm”, thì bỗng cụt hứng! một luồng gió lạnh buốt từ dưới sông thổi lên quật vào mặt tuồn vào cổ, luồn qua nách, lách vào mọi ngõ ngách của thân thể. Mình thôi khoanh tay, để lấy hai bàn tay bịt mặt. lạnh buốt xương sống, tê buốt hai chân.
Chẳng còn hứng thú gì để ngắm cảnh, mình đành dừng bước để thủ thế. Hai đường đùi khép khít khịt. hai bàn tay bịt chặt lấy mặt. Nhưng vẫn để hở một kẻ nhỏ, để thấy xe cộ lác đác vụt qua, để may ra gặp được một tình người ấm áp…
Bỗng thấy một ông già từ đàng xa đi tới. tay phải cầm roi tre, vừa đi vừa quất, y như một người vô công rỗi nghề. Râu bạc trắng, ngắn tủn và lưa thưa, mẫu người không cầu toàn. Mình thôi bịt mặt, chăm chắm nhìn ông. Ông dứng lại, chăm chắm nhìn mình. Mình toe miệng cười. Ông toét miệng đáp lễ. Mình vội vã chạy đến với ông. Hai bàn tay xoắn lấy nhau. Mình đon đả hỏi:
- Bác đi đâu đấy?
- Tôi đi chăn bò. Mới buộc nó vào nọc ở đàng kia. Tính về nhà nghỉ một tí.
- Nhà bác ở xa không?
- Ngay đàng kia kìa.
- Năm nay bác thọ bao nhiêu?
- Bảy mươi hai rồi.
- Thế là bác thua tôi bốn tuổi. tôi bảy mươi sáu rồi.
- Tôi thua thì tôi xin làm em.
- Làm em thì phải ăn thêm vác nặng. còn tôi làm anh thì…đóng đanh vào đit.
Hai người cùng cười hể hả, y như bạn thân từ thuở thơ ấu. Chưa quen mà đã thân, mình dấn tới:
- Bác cho tôi theo về thăm nhà được không?
- Thế thì hân hạnh quá.
Hai ông già băng qua đường, xuống dốc đê, vừa đi vừa nhảy bậc y như hai thằng trẻ con. Từ chân đê về đến nhà ông chăn bò không tới 100m. Căn nhà gỗ ba gian cũ kỹ. Trang trí nội thất vừa chật chội vừa rườm rà, y như bà già đang níu kéo sắc đẹp một cách vô vọng.
Sau một tuần trà, hai ông già thi nhau dốc bầu tâm sự, mình mở màn:
- bác tên là gì nhỉ?
- Em tên là Châu (tên tác giả đặt, không phải tên thật).
- Tại sao bác bảy mươi hai tuổi rồi mà còn lanh lẹ thế? Răng còn nguyên, mắt còn tinh, tai còn thính. Chỉ có cổ thì…như có dây leo…
- Em mồ côi cả cha lẫn mẹ, được Đến Và đem về nuôi, ai cũng bảo em sống được đến ba mươi lăm tuổi là cùng. Thế mà năm kia em mừng thất tuần rồi đấy.
- Nhắm chừng bác sống tới một trăm không?
- Sống chết là do trời định, có ai biết được đâu? Thế còn bác thì nhà ở đâu?
- Nhà tôi ở trong Nam. Tôi di cư vào Nam năm 1954. sau ba mươi bảy năm tha phương cầu thực, bây giờ lá rụng về cội. Cội ở 70 Lê Lợi, Sơn Tây.
- Thế còn vợ con thì thế nào?
- Không vợ, không con. Cu ki chùi lủi. vì thế hôm nay mới rảnh mà đi lang thang. Nhờ đi lang thang mới gặp bác ở đây. Nhờ gặp nhau mà biết nhau và kết nghĩa anh em.
- 70 Lê Lợi là chỗ nào nhỉ ?
- Là nhà thờ Sơn Tây.
- Thế thì em biết. Em đến đó hôm có đám tang ông giám mục. Thế bác đi tu ha?
- Ừ. Tôi là linh mục. Nhưng nghỉ hưu rồi. sở thích của tôi là truyền giáo. Nếu bác muốn tìm hiểu về đạo Công giáo thì tôi nói hết cho mà nghe.
- Đạo nào tôi cũng quý. Nếu được thì bác đến nhà tôi, dạy đạo cho tôi.
- Sẵn sàng. Để rồi chúng mình tính sau. Bây giờ tôi phải về, vì sắp tới giờ cơm. Chúng tôi ăn cơm tập thể. Mai mốt tôi sẽ tặng bác một cuốn sách do tôi viết. Bác đọc sẽ thấy tôi là ai và đạo Công giáo là gì… Thôi chào bác nhá.
- Anh về. Nhớ trở lại thăm em nhá.
Hai ông già bắt tay nhau, vỗ vai nhau, cười với nhau, níu kéo nhau. Có vẻ thân thương lắm, may mà không có ai trông thấy. Nếu có ai thấy thì bia miệng lại dèm pha: “Già mà chơi trống bỏi. Già mà như trẻ con”.
Sáng nay mình lấy một cuốn Nhật Ký Truyền Giáo và một cuốn Viết Cho em bỏ vào túi sách, nhẩn nha đến bậc cầu thang, xuống văn phòng, bảo chú tu sinh:
- Con lấy xe máy chở cha đi dạo một tiếng đồng hồ.
Xe chạy với tốc độ 40km/h. gió thổi vù vù. Lạnh quá! Mình giấu mặt sau lưng chú tu sinh để tránh gió. Gió lạnh không quất vào mặt được, thì lại vuốt hai đường đùi. Đùi tê cóng, mình phải lấy hai bàn tay mà xoa. Hai đùi ấm lên. Nhưng hai mu bàn tay lại lạnh buốt. đúng là tránh hùm phải hạm. Buồn cười. đời là vậy.
Sau mười phút. Mình đã đứng trong sân nhà ông Châu. Căn nhà gỗ ba gian: cửa đóng im lìm. Căn nhà dưới: cửa mở kiểu e thẹn. Mình la to:
- Ông Châu có ở nhà không?
- Có! (Giọng the thé của đàn bà). Ông ơi! Về mau đi, có khách hỏi thăm ông đấy!
Ông Châu từ bên nhà đứa con cả, vội vã chạy về. Hai vợ chồng mừng qua đua nhau nói tíu tít, nói oang oang. Chồng nói nhiều, vợ nói nhiều hơn. Cuối cùng chồng ngồi yên để cho vợ nói một mình.
Bà khen chồng: “Ông nhà tôi lành lắm. từ ngày lấy nhau đến bây giờ, tôi chưa hề nghe ông ấy nói ‘Đ…M…’ bao giờ”.
Bà khoe con: “Con cái nhà tôi đứa nào cũng có công ăn việc làm. Chỉ có đứa con gái thì nghèo. Chồng nó gặp khó khăn phải bán nhà bán cửa, ra Hà Nội làm mướn. Không đến nỗi thiếu ăn nhưng không dư dả được. Mà…nó có một đứa con học giỏi lắm. Tôi dặn nó phải học thật giỏi để được lên tivi… Con nhà tôi không biết nói tục, đứa nào chửi tục thì tôi bảo: dù anh hay em cũng được vả vào mồm nó”.
Bà tôn vinh ông thân sinh: “Ông cụ sinh ra chúng tôi dạy chúng tôi phải giúp đỡ xóm giềng. Ai không có cơm ăn, thì cho người ta một bát gạo. Ai hỏi vay, thì cho vay. Không được từ chối..”.
Bà tự khen mình: “Tôi nhớ mãi lời dạy của ông cụ. Thấy ai nghèo, tôi cũng giúp đỡ. Có những người xấu vay mà không trả. Tôi cũng bỏ qua luôn…”.
Thấy bà già nối muốn cụt hơi, mình ra tay tế độ. Mình vỗ vai bà già:
- Bà ơi, bây giờ bà cho tôi phỏng vấn nhá. Tôi không phải là nhà báo, nhưng tôi cũng có viết lai rai.
- Bác muốn phỏng vấn cái gì?
- Bà có bốn đứa con, vậy mỗi đứa bà chùi đít cho nó bao nhiêu lần?
- Tôi chả nhớ đâu.
- Tôi tính rồi. Mỗi đứa con được mẹ chùi đít ít nhất là 1.500 lần. Mẹ chùi đít cho con nhiều như thế, mà con thì chưa chùi cho mẹ được một lần nào. Thế mới thấy: công cha mẹ thì qua nhiều, mà con cái đáp đền chẳng có bao nhiêu.
- Có chứ. Tôi được chùi đít cho ông cụ tôi nhiều lần. Những ngày cuối đời, cụ nằm một chỗ, tôi phải lo hết, từ thay quần áo cho tới lau chùi…
- Bà hiếu thảo với cha mẹ: tốt quá. Nhưng còn người cha nữa mà chưa thấy bà hiếu thảo.
- Tôi có một cha một mẹ thôi. Còn cha mẹ nào nữa?
- Ông Trời là người cha cao nhất. Chúng ta vừa phải thờ cha mẹ, vừa phải thờ ông Trời nữa. Tôi là linh mục truyền giáo, tôi chỉ mơ ước được thấy bà thờ Trời, gọi Ông Trời là cha. Bà đã hiếu thảo với cha mẹ, bà đã yêu thương những người nghèo, bà đã làm đúng ý trời đấy. Tôi đề nghị với bà là, mỗi sáng bà chắp tay lạy Trời nhưng phải gọi Ông Trời là cha: “Lạy ông Trời là cha của con”. Khi nào rảnh tôi sẽ đến đây nói chuyện ông Trời là cha cho bà nghe.
- Thế bác là linh mục hả? Vâng con xin mời cha đến dạy con về đạo. Con đội ơn cha.
- Rồi, tôi về nhá. Tôi sẽ trở lại thăm hai bác hoài hoài.
Mình ra về, lòng vui phơi phới. Vui quá, quên cả mưa phùn, quên cả gió bấc. Mình thầm cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin Chúa biến gia đình này thành gia đình Lyđia, con đầu lòng của giáo đoàn Philipphê”.
PIO NGÔ PHÚC HẬU
Trích BGCN, TGP SG số tháng 5.2012
NGUỒN :
(tại đây)