#Stats1 ul{margin:0;border:0;padding:0;height:32px;background:url(//goo.gl/ZHG881) no-repeat 0 -34px} #Stats1 li{margin:10px 0;border:0;padding:0 0 0 40px;list-style-type:none} #totalComments{height:32px;background:url(//goo.gl/ZHG881) no-repeat} #totalCount{height:32px;background:url(//goo.gl/ZHG881) no-repeat 0 -68px}

Thứ Sáu, 9 tháng 8, 2013

ĐI LANG THANG

ĐI LANG THANG
*LM Piô Ngô Phúc Hậu
Sơn Tây 25.02.2012

Hôm nay mình dành trọn buổi sáng để đi dạo. đi dạo để tạo sức cho đôi chân già nua. Đi dạo để thấy phía sau lưng của thi xã Sơn Tây, một thị xã đang hãnh diện vì mới được sáp nhập vào Hà Nội thủ đô của tổ quốc. Đi để may ra vớ được thời cơ mở một giáo điểm mới.
Giã từ phố Lê Lợi sầm uất, mình leo lên đê sông Hồng. đứng trên đê cao, để ngắm dòng sông – chả thấy dòng sông đâu. Chỉ thấy bãi cát và sương mù. Đi trên đê cao thấy mình cao hơn nóc nhà người ta. Lòng nhẹ lâng lâng, quên thế sự thăng trầm.
Mình đi, đi mãi về hướng Nam mải mê ngắm cảnh làng mạc với ruộng vườn và ao chuôm, mình quên hẳn bản thân. Chỉ còn thấy quê hương yêu dấu. yêu quá là yêu! Yêu con bò đang vô tư đứng giữa đường, nghếch mõm nhìn trời, bất chấp tiếng còi ô tô đang kêu inh ỏi. yêu con ngang trống đang khệnh khạng đuổi theo con ngang mái vừa bé vừa nhanh. Yêu cây đa cổ thụ đang lấy chùm rễ phụ ôm lấy một cá miếu cổ, sợ nó lùi dần vào quên lãng. Yêu bà cụ răng đen chít khăn mỏ quạ đang cười tươi với một cháu gái mặc đẹp như nàng công chúa…
Trời rét căm căm. Mưa bui bui. Hạt mưa nhỏ như nước đái muỗi, không đủ sức rơi xuống đất đành bay theo gió bấc. Rét quá, mình phải khoanh tay mà đi. So vai, rụt cổ, khúm núm y như đưa con gái đang ăn vụng bị mẹ bắt quả tang. Người người người khoanh tay. Người người khúm núm. Mùa rét miền Bắc là thế. Mưa phùn gió bấc là vậy. Buồn cười…
Mình đang đắc chí với câu “mùa đông là mùa lễ phép, là mùa khúm núm”, thì bỗng cụt hứng! một luồng gió lạnh buốt từ dưới sông thổi lên quật vào mặt tuồn vào cổ, luồn qua nách, lách vào mọi ngõ ngách của thân thể. Mình thôi khoanh tay, để lấy hai bàn tay bịt mặt. lạnh buốt xương sống, tê buốt hai chân.
Chẳng còn hứng thú gì để ngắm cảnh, mình đành dừng bước để thủ thế. Hai đường đùi khép khít khịt. hai bàn tay bịt chặt lấy mặt. Nhưng vẫn để hở một kẻ nhỏ, để thấy xe cộ lác đác vụt qua, để may ra gặp được một tình người ấm áp…
Bỗng thấy một ông già từ đàng xa đi tới. tay phải cầm roi tre, vừa đi vừa quất, y như một người vô công rỗi nghề. Râu bạc trắng, ngắn tủn và lưa thưa, mẫu người không cầu toàn. Mình thôi bịt mặt, chăm chắm nhìn ông. Ông dứng lại, chăm chắm nhìn mình. Mình toe miệng cười. Ông toét miệng đáp lễ. Mình vội vã chạy đến với ông. Hai bàn tay xoắn lấy nhau. Mình đon đả hỏi:
-         Bác đi đâu đấy?
-         Tôi đi chăn bò. Mới buộc nó vào nọc ở đàng kia. Tính về nhà nghỉ một tí.
-         Nhà bác ở xa không?
-         Ngay đàng kia kìa.
-         Năm nay bác thọ bao nhiêu?
-         Bảy mươi hai rồi.
-         Thế là bác thua tôi bốn tuổi. tôi bảy mươi sáu rồi.
-         Tôi thua thì tôi xin làm em.
-         Làm em thì phải ăn thêm vác nặng. còn tôi làm anh thì…đóng đanh vào đit.
Hai người cùng cười hể hả, y như bạn thân từ thuở thơ ấu. Chưa quen mà đã thân, mình dấn tới:
-         Bác cho tôi theo về thăm nhà được không?
-         Thế thì hân hạnh quá.
Hai ông già băng qua đường, xuống dốc đê, vừa đi vừa nhảy bậc y như hai thằng trẻ con. Từ chân đê về đến nhà ông chăn bò không tới 100m. Căn nhà gỗ ba gian cũ kỹ. Trang trí nội thất vừa chật chội vừa rườm rà, y như bà già đang níu kéo sắc đẹp một cách vô vọng.
 Sau một tuần trà, hai ông già thi nhau dốc bầu tâm sự, mình mở màn:
-         bác tên là gì nhỉ?
-         Em tên là Châu (tên tác giả đặt, không phải tên thật).
-         Tại sao bác bảy mươi hai tuổi rồi mà còn lanh lẹ thế? Răng còn nguyên, mắt còn tinh, tai còn thính. Chỉ có cổ thì…như có dây leo…
-         Em mồ côi cả cha lẫn mẹ, được Đến Và đem về nuôi, ai cũng bảo em sống được đến ba mươi lăm tuổi là cùng. Thế mà năm kia em mừng thất tuần rồi đấy.
-         Nhắm chừng bác sống tới một trăm không?
-         Sống chết là do trời định, có ai biết được đâu? Thế còn bác thì nhà ở đâu?
-         Nhà tôi ở trong Nam. Tôi di cư vào Nam năm 1954. sau ba mươi bảy năm tha phương cầu thực, bây giờ lá rụng về cội. Cội ở 70 Lê Lợi, Sơn Tây.
-         Thế còn vợ con thì thế nào?
-         Không vợ, không con. Cu ki chùi lủi. vì thế hôm nay mới rảnh mà đi lang thang. Nhờ đi lang thang mới gặp bác ở đây. Nhờ gặp nhau mà biết nhau và kết nghĩa anh em.
-         70 Lê Lợi là chỗ nào nhỉ ?
-         Là nhà thờ Sơn Tây.
-         Thế thì em biết. Em đến đó hôm có đám tang ông giám mục. Thế bác đi tu ha?
-         Ừ. Tôi là linh mục. Nhưng nghỉ hưu rồi. sở thích của tôi là truyền giáo. Nếu bác muốn tìm hiểu về đạo Công giáo thì tôi nói hết cho mà nghe.
-         Đạo nào tôi cũng quý. Nếu được thì bác đến nhà tôi, dạy đạo cho tôi.
-         Sẵn sàng. Để rồi chúng mình tính sau. Bây giờ tôi phải về, vì sắp tới giờ cơm. Chúng tôi ăn cơm tập thể. Mai mốt tôi sẽ tặng bác một cuốn sách do tôi viết. Bác đọc sẽ thấy tôi là ai và đạo Công giáo là gì… Thôi chào bác nhá.
-         Anh về. Nhớ trở lại thăm em nhá.
 Hai ông già bắt tay nhau, vỗ vai nhau, cười với nhau, níu kéo nhau. Có vẻ thân thương lắm, may mà không có ai trông thấy. Nếu có ai thấy thì bia miệng lại dèm pha: “Già mà chơi trống bỏi. Già mà như trẻ con”.
 Sáng nay mình lấy một cuốn Nhật Ký Truyền Giáo và một cuốn Viết Cho em bỏ vào túi sách, nhẩn nha đến bậc cầu thang, xuống văn phòng, bảo chú tu sinh:
 -         Con lấy xe máy chở cha đi dạo một tiếng đồng hồ.
Xe chạy với tốc độ 40km/h. gió thổi vù vù. Lạnh quá! Mình giấu mặt sau lưng chú tu sinh để tránh gió. Gió lạnh không quất vào mặt được, thì lại vuốt hai đường đùi. Đùi tê cóng, mình phải lấy hai bàn tay mà xoa. Hai đùi ấm lên. Nhưng hai mu bàn tay lại lạnh buốt. đúng là tránh hùm phải hạm. Buồn cười. đời là vậy.
 Sau mười phút. Mình đã đứng trong sân nhà ông Châu. Căn nhà gỗ ba gian: cửa đóng im lìm. Căn nhà dưới: cửa mở kiểu e thẹn. Mình la to:
 -         Ông Châu có ở nhà không?
-         Có! (Giọng the thé của đàn bà). Ông ơi! Về mau đi, có khách hỏi thăm ông đấy!
 Ông Châu từ bên nhà đứa con cả, vội vã chạy về. Hai vợ chồng mừng qua đua nhau nói tíu tít, nói oang oang. Chồng nói nhiều, vợ nói nhiều hơn. Cuối cùng chồng ngồi yên để cho vợ nói một mình.
 Bà khen chồng: “Ông nhà tôi lành lắm. từ ngày lấy nhau đến bây giờ, tôi chưa hề nghe ông ấy nói ‘Đ…M…’ bao giờ”.
 Bà khoe con: “Con cái nhà tôi đứa nào cũng có công ăn việc làm. Chỉ có đứa con gái thì nghèo. Chồng nó gặp khó khăn phải bán nhà bán cửa, ra Hà Nội làm mướn. Không đến nỗi thiếu ăn nhưng không dư dả được. Mà…nó có một đứa con học giỏi lắm. Tôi dặn nó phải học thật giỏi để được lên tivi… Con nhà tôi không biết nói tục, đứa nào chửi tục thì tôi bảo: dù anh hay em cũng được vả vào mồm nó”.
 Bà tôn vinh ông thân sinh: “Ông cụ sinh ra chúng tôi dạy chúng tôi phải giúp đỡ xóm giềng. Ai không có cơm ăn, thì cho người ta một bát gạo. Ai hỏi vay, thì cho vay. Không được từ chối..”.
 Bà tự khen mình: “Tôi nhớ mãi lời dạy của ông cụ. Thấy ai nghèo, tôi cũng giúp đỡ. Có những người xấu vay mà không trả. Tôi cũng bỏ qua luôn…”.
 Thấy bà già nối muốn cụt hơi, mình ra tay tế độ. Mình vỗ vai bà già:
-         Bà ơi, bây giờ bà cho tôi phỏng vấn nhá. Tôi không phải là nhà báo, nhưng tôi cũng có viết lai rai.
-         Bác muốn phỏng vấn cái gì?
-         Bà có bốn đứa con, vậy mỗi đứa bà chùi đít cho nó bao nhiêu lần?
-         Tôi chả nhớ đâu.
-         Tôi tính rồi. Mỗi đứa con được mẹ chùi đít ít nhất là 1.500 lần. Mẹ chùi đít cho con nhiều như thế, mà con thì chưa chùi cho mẹ được một lần nào. Thế mới thấy: công cha mẹ thì qua nhiều, mà con cái đáp đền chẳng có bao nhiêu.
-         Có chứ. Tôi được chùi đít cho ông cụ tôi nhiều lần. Những ngày cuối đời, cụ nằm một chỗ, tôi phải lo hết, từ thay quần áo cho tới lau chùi…
-         Bà hiếu thảo với cha mẹ: tốt quá. Nhưng còn người cha nữa mà chưa thấy bà hiếu thảo.
-         Tôi có một cha một mẹ thôi. Còn cha mẹ nào nữa?
-         Ông Trời là người cha cao nhất. Chúng ta vừa phải thờ cha mẹ, vừa phải thờ ông Trời nữa. Tôi là linh mục truyền giáo, tôi chỉ mơ ước được thấy bà thờ Trời, gọi Ông Trời là cha. Bà đã hiếu thảo với cha mẹ, bà đã yêu thương những người nghèo, bà đã làm đúng ý trời đấy. Tôi đề nghị với bà là, mỗi sáng bà chắp tay lạy Trời nhưng phải gọi Ông Trời là cha: “Lạy ông Trời là cha của con”. Khi nào rảnh tôi sẽ đến đây nói chuyện ông Trời là cha cho bà nghe.
-         Thế bác là linh mục hả? Vâng con xin mời cha đến dạy con về đạo. Con đội ơn cha.
-         Rồi, tôi về nhá. Tôi sẽ trở lại thăm hai bác hoài hoài.
 Mình ra về, lòng vui phơi phới. Vui quá, quên cả mưa phùn, quên cả gió bấc. Mình thầm cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin Chúa biến gia đình này thành gia đình Lyđia, con đầu lòng của giáo đoàn Philipphê”.
PIO NGÔ PHÚC HẬU
 Trích BGCN, TGP SG số tháng 5.2012
 NGUỒN : (tại đây)

Thứ Năm, 8 tháng 8, 2013

BUÔNG DAO ĐỒ TỂ




Xem original blog : "NÓ CÓ DAO"  (tại đây)
____________________________________________
BUÔNG DAO ĐỒ TỂ

Nhìn những hình ảnh trong cái TV nó cứ nhảy múa chập chùng đến chóng mặt, đầu óc thì cứ nặng chình chịt, còn mình mẩy tui thì nó cứ rêm rêm đủ chỗ, chán quá trời, thèm một cốc đế đến quíu cả lưỡi luôn.  Từ hôm bị khiêng vào bệnh viện và bác sĩ cho biết hai trái thận của tui đã “đi chợ” thì đời hết còn sướng rên mé đìu hiu nữa, bác sĩ còn nói chỉ chậm một hôm nữa thì sáng khiêng tui vào nhà thương thì trưa họ đẩy xuống nhà xác rồi, cũng còn may, nhưng mà bệnh tui hết thuốc chữa rồi, chỉ còn mong “Bà” cứu mà thôi.  Bây giờ một tuần hai bận vào nhà thương lọc máu cho đến khi nào tìm được thận để thay vào thì thôi, rồi còn tiền chạy thầy, chạy thuốc, bôi trơn các cửa ải quan chức để được lên danh sách xin Thận… Úi chèng ơi, nghĩ đến là nhức đầu muốn nổi điên, chán ơi là chán.  Mấy thằng bạn nhậu trời đánh trốn đâu mất biệt từ khi biết tui té bịnh, nhiều lần tui gọi phone, nháy máy mà chẳng ma nào thèm trả lời.  Chẳng biết tụi nó bận nhậu, hay sợ nếu trả lời thì bị tui mượn tiền hay sao chứ.  Khi còn phong độ thì ngày nào tụi nó cũng gọi tui đi nhậu bất kể giờ giấc, còn bây giờ một cái nhắn tin hỏi thăm cũng không có, cầu cho ông vật bà bắn tụi nó như tui cho biết thân á.
Ngoài trời đang mưa lớn, con hẻm nhà tui chắc lại sắp bị lụt nước như tuần rồi, rầu quá. Nghĩ đến chuyện tối nay lại được tham gia cúp điện, tui lật đật lôi cái máy vi tính ra, và đi long rong trên mạng cả tiếng mà chẳng biết mình đã đi đến đâu.  Đọc vài tin tức thành phố thì thấy toàn những chuyện trời ơi đất hỡi, chuyện các quan lớn tổ chức đám cưới trăm triệu cho các cậu ấm, cô chiêu hoang đàng, chuyện chỗ này ăn chơi, góc kia nhậu, tụ điểm nọ xập xình ca múa, lại có cả chuyện mấy ông lính “ngụy” lê lết ăn xin ngoài đường làm xấu bộ mặt thành phố, làm phiền cho công an và dân phòng phải chật vật gom bi họ lại, chở ra bỏ ngoài Củ Chi thành đồng.  Mèn, đủ thứ chuyện lung tung xà bèng cả lên.  Bình thường tui khoái mấy chuyện này lắm vì nó là đề tài mà bạn nhậu tụi này nói rôm rả suốt buổi nhậu, thế nhưng từ khi bị cấm không được cầm lon bia nữa thì tui hết hứng đọc mấy cái chuyện đó nữa.  Bây giờ tui xoay qua đọc văn hay đọc blog cho đỡ buồn, đỡ thèm rượu.  Hôm nay tự dung ông xui bà khiến hay sao mà tui vào ngay một trang blog của gã Hải Triều nào đó, mà càng đọc tui càng ngờ ngợ có … tui trong đó, đọc cho đến đoạn cuối thì đúng rồi, đúng là chuyện kể về tui, thật ra là blog nói xấu tui thì đúng hơn.  Nếu tui đọc cái blog này trước khi bị bịnh vật chắc tui sẽ nổi xung thiên lên, nhưng mà bây giờ thì chỉ bật cười, có phần mếu máo nữa.  Chuyện kể về tui và mấy mẹ con nằm chung phòng bệnh mấy tháng trước, chuyện tụi đầu gấu như tui hù dọa họ làm cho họ sợ mất hồn chẳng còn dám xin trở lại bệnh viện nữa dù bà cụ chắc có khi cũng cần vào lại.  Để nhớ lại coi, bữa đó tui đang nhậu xỉn thì té ngay ở bàn nhậu, rồi khi tỉnh lại trong bịnh viện thì thấy có hai mẹ con bà nọ ngồi thu lu trong cái giường cạnh bên cái giường tui nằm.  Họ ít nói hoặc chỉ nói nho nhỏ với nhau, hình như đang nói xấu tui hay sao đó nên không dám nói lớn, còn tui thì lại khát khô họng, cứ gào con vợ đi tìm cho tui chai bia hay xị đế để dằn bụng, lại gặp cái con vợ cà chớn, cứ đôi co cãi lại xoèn xoẹt làm tui càng thêm mất mặt với láng giềng mới.  Cãi cọ một hồi chán chường thì con vợ nó bỏ đi ra chợ, lúc đó tui mới nhìn sang hai mẹ con bà nọ, một bà sồn sồn gầy nhom như thiếu ăn thiếu ngủ mấy chục năm nay như là từ cái dạo ấy, còn bà mẹ già thì dòm dáng người trông hiền lành phúc hậu nhưng cứ húc hắc ho khan mãi, tui nghe mà phát bực. 
Trong khi tui cứ đứng ngồi không yên vì chỉ muốn ra về, lại thêm mấy cú phone nhắn đi nhậu tiếp, thì tui nghe bà “con” nói với bà mẹ “Mợ cố ráng ở đây trị bệnh nhe mợ, cho thật hết bệnh hẵng về”.  Nghe có tức không chứ, tui thì muốn lóng ngóng đi về, còn họ thì cứ ráng chịu trận ở lại nhà thương, tui tự nghĩ hình như họ đang trêu ngươi tui chắc!  Chả biết làm gì nữa tui vớ cái remote bật TV lên xem, tui đổi đài lia lịa để tìm mấy chương trình vui nhộn cho bớt buồn.  Dân nhậu tụi tui thích cái gì ồn ào cho nên xem một lúc tui cũng tạm quên cơn thèm rượu.  Đến chừng nhìn sang lần nữa thì thấy hai mẹ con đã quay lưng lại với tui, và tay họ cầm cái gì như chuỗi tràng hạt, miệng thì thầm lí nhí chắc là đọc kinh, mặc thây bọn họ tui cứ tiếp tục đổi đài xem show, lại cố tình vặn lớn hơn để không phải nghe tiếng họ cầu kinh.  Chừng một giờ sau thì con vợ tui trở về đi vào phòng, nó kể là vừa đi ra chỗ tui nhậu hằng đêm, và đã nói với tụi bạn nhậu của tui đừng kiu réo tui nữa, thế là có một màn cãi nhau xuýt nữa có đứa bị bể đầu sứt trán.  Cãi ong óng một hồi xong nó nguýt nguẩy đi ra về, bỏ lại tui với hai người hàng xóm thầm lặng. Chán quá, tui leo lên giường trùm mền làm một giấc.  Đang thiu thiu ngủ thì điện thoại réo vang, đầu dây kia thằng Nghĩa Móm nhắn là đang có độ nhậu với thằng Hùng Bựa, tui len lén ngồi dậy, xỏ dép và chuồn ra ngoài kêu xe ôm “đến hẹn lại lên”.  Đến gần khuya, tụi nó chở tui về liệng trước cửa nhà thương, khệnh khạng bước vào phòng, cố leo được lên cái giường là tui đánh một giấc đến sáng.  Vậy đó, hết một ngày thứ nhất.
Hôm sau, tui đã tỉnh táo lại ít nhiều, khi gặp bác sĩ tui liền xin xuất viện, ổng không cho bắt tui phải ở lại để theo dõi cái áp xuất áp xiếc gì đó của tui, nghe nói đã cao tới trời, xém bị đứt bóng hôm trước nếu con vợ không kịp lôi tui vào đây thì chắc tui đã đi đoàn tụ ông bà rồi.  Nghe vậy tui cũng bắt ớn, đành nằm lại trong phòng.  Tui nhắn máy dặn con vợ buổi trưa khi vào đây nhớ “bôi trơn” cho bảo vệ để tuồn vào một chai bia, thèm quá trời muốn phát điên lên được.  Trong khi tui thì cả ngày cứ ngật ngừ vì thiếu rượu, thiếu nhậu thì hai bà hàng xóm của tôi lại vẫn cứ nhỏ nhẹ trò chuyện với nhau, có lúc lại yên lặng như đang nhập thiền. Cũng có khi bà mẹ lâm râm đọc kinh, còn bà “con” thì lâm râm đọc mấy cuốn sách gì đó, tui liếc thấy mấy cái hàng nhạc chồng chất lên nhau loạn cả lên, chẳng thấy lời hát chi cả, hổng biết bà con có giả bộ thông thái chọc nư tui hay không, chứ nhạc nhung gì mà chẳng có chữ gì hết.  Họ làm như là hể vào đây thì cứ sáng uống thuốc, chiều ăn cơm, tối đọc kinh, rồi hết bịnh, rồi đi về;  Đời sống như vậy theo tui thì chán quá đi.
Đến trưa thì bác sĩ vào lôi tui đi khám máu, khám tim, gan, phèo, phổi.  Đang nằm trong phòng khám tui nghe tiếng con vợ tui nó léo nhéo gì đó ở ngoài hành lang, rồi nó biến đi mất dạng.  Sau buổi trưa lại có thêm một cô con gái khác của bà cụ vào thế chỗ cho bà chị kia về nghỉ. Lại thêm một cái mặt rầu rầu trang nghiêm làm như sắp đưa đám tang tui ra nghĩa địa, bực quá trời luôn.  Đến xế chiều sau khi xem xét hồ sơ bệnh lý, ông bác sĩ đưa cho tui một nắm thuốc bảo uống ngay kẻo lên tăng-xông, lên đường, lên mỡ, tui nốc vào mà không biết trong đó cũng có tị thuốc ngũ, thế là tui bị làm một giấc dài, chắc con vợ tui lại bôi trơn để y tá bỏ thuốc ngủ cho tui uống vì sợ tui lén trốn ra đi nhậu tiếp như hôm qua.  Điện thoại lại reo từng chập, con bà nó, mắt quíu lại rồi, chân đứng không vững nữa, đành leo lên giường.  Xong, đã hết một ngày thứ hai.
Buổi sáng ngày thứ ba thì bác sĩ lại vào và nói không cho đi tui đâu hết.  Tui đi loanh quanh trong phòng gọi điện tìm con vợ và lũ bạn nhậu, nhắn tin tùm lum mà chẳng đứa nào gọi lại.  Cái bà em mới vô coi bộ biết chuyện dân giang hồ tứ chiến như tui nên càng ít nói hơn cả bà chị hôm qua.  Chừng đến xế chiều thì bà chị lại trở vô thay ca cho bà em, chập sau thì mới thấy con vợ tui nhơn nhơn đi vào, nó nói bận chạy hàng nhái cả ngày để kiếm cho đủ tiền bệnh phí hổm rày.  Bực mình cái là nó chẳng mang theo chai bia hay xị đế nào cả mà chỉ rinh vào một chục cam và cái cà-mèn cháo sườn, nó lên lớp là ăn cho nhẹ bụng mà lại nên thuốc chứ bia biết gì giờ này.  Thế là lại thêm một chầu đấu khẩu um tỏi cả phòng lên.  Vậy mà một chút cũng yên, rồi nó nhảy tót lên giường nằm chung với tui, và giựt cái remote bấm sang đài có phim Hàn Quốc, những cái giọng léo nhéo, khóc lóc ỉ ôi trong phim tui nghe bắt phát mệt, định bụng giựt cái remote mở mấy đài xem xổ số để dò mấy con đề tui đang nuôi, nhưng nghĩ lại con vợ tui nó cũng sẽ chẳng chịu thua mà sẽ quậy nữa, nên thôi.  Tui liếc sang giường bên thì thấy cái bà chị hình như đang mím môi hay bĩu môi gì đó, làm như là đang muốn xía dô chuyện của vợ chồng tui.  À, nếu vậy thì tui phải ra oai cho họ biết tay tui.  Tui khều con vợ, rồi nói nhỏ cho nó nghe bảo nó xuống lấy dao cắt mấy trái cam ra, xong rồi nhớ bỏ con dao trên bàn chứ đừng cất vào giỏ xách.  Nó bổ cam xong thì tui ngồi dậy, bỏ vài miếng cam vào miệng, nhăn mặt rồi chửi đổng một tràng lấy le, thiệt ý là hù dọa hàng xóm của tui thôi.  Nghĩ lại tức cười thiệt, cái kế sách để con dao như vậy mà ngon cơm nghen.  Tui vờ nhìn bâng quơ thì thấy hai chị em nét mặt đã đổi sang màu tai tái, xám xanh. Bà chị thì co rút lại ngồi trong cái ghế đẩu nhỏ ở góc phòng, im re, còn bà em thì nắm tay bà mẹ nói lí nhí gì đó làm như để trấn an nổi sợ sệt của bà mẹ cũng như cho cô ta …. Hà hà, biết tay ông chưa, đờn bà con gái mà bày đặt làm le hả, tui chỉ ngán cái con vợ mồm loe mép vãi của tui thôi, còn mấy bà mấy cô thì sức mấy, bỏ đi tám!  Kể từ lúc đó thì tui an nhiên tự tại quản lý tất cả mọi thứ trong phòng coi như là của riêng tụi tui, TV, tủ lạnh, bật đèn tắt đèn tùy hứng mà hàng xóm tui hổng dám hó hé gì rốt ráo.  À, bây giờ tui mới thấy cái oai của mấy ông cán bộ quản lý, muốn thì tịch thu, thích thì giữ cho mình, hét ra lửa, mửa ra khói, hèn chi mấy quan cứ bám trụ, cứ mua chức bán quyền. Xong vụ hù dọa mấy cô láng giềng thì hết ngày thứ ba.
Rồi  qua đến ngày thứ sáu thì mọi chuyện như đã êm lại, bây giờ thì tui cũng sáng thuốc, trưa cơm, chiều TV, nhưng tối lên đèn thì tui nhậu cách ly qua điện thoại, cũng đỡ ghiền chút chút.  Sang đến ngày thứ bảy thì tui được cho phép nghỉ ngơi, rồi bác sĩ cho xuất viện.  Ổng dặn là tui không được uống rượu bia nữa, tui ậm ừ cho qua chuyện.  
Tối hôm đó đám bạn nhậu thâm căn lố cố tổ chức ăn mừng sự trở lại của tui, “Một, hai, ba …dzô, dzô…”, vui mát trời ông địa luôn.


………
Hôm nay ngồi đây đọc blog nhớ lại chuyện trong bịnh viện hôm nọ, tuy thấy mắc cười nhưng hồi nãy nhìn lại hình tui trong gương, cái mặt tui bây giờ còn xám xanh hơn mấy chị em hôm nọ nữa . Con dao thì vẫn còn nằm trên bàn bếp, mà bây giờ tui cũng sợ nhìn nó y như lúc hai chị em hàng xóm nhìn nó.  Tui cũng nhìn lấm lét như vậy bởi vì bây giờ thì cái hình ảnh thần chết mang cái lưỡi dao bén ngót cứ như đang muốn gặp tui để bàn chuyện giúp tui đi vượt biển thế gian.  Bây giờ tui thèm sự yên tĩnh, thèm được có hai bà hàng xóm nằm cạnh bên giường như hôm nào để có dịp trò chuyện tâm sự, để hỏi thăm xem bà cụ đã khỏe chưa.  Mà tui cũng vẫn còn thèm rượu lắm nhưng chẳng dám vớ vào.  Bây giờ hai trái thận đã nghỉ hưu rồi, chẳng còn để mà lọc mấy cái lợn cợn đó nữa, giờ mà uống vào thì có cơ ngơi đi đoàn tụ ông bà sớm. Thôi hổng dám đâu, tui thì chưa muốn đi gặp ông bà sớm, đành cố nhịn để chờ thời.  
Thôi, vầy nghen, cho tui nhắn lời xin lỗi đến bà cụ và cả hai bà chị láng giềng bất đắc dĩ hôm nọ, xin tha thứ cho tui lúc đó chắc bị con ma men nó hành hạ nên làm thánh làm tướng, nhất là xin xót thương kẻ bệnh hoạn ngặt nghèo như tui bây giờ.  Làm phước nghe hai bà chị, nếu có đọc kinh hằng ngày thì xin giúp lời cầu nguyện ông Phật hay Đức Bà phù hộ tế độ cho tui được qua cơn bịnh này. Tui xin thề không dám chơi với ông ma men nữa, và sẽ từ bỏ đám bạn nhậu đầu gấu cà chớn, và tui cũng sẽ quẳng đi con dao dùng để hù dọa hôm đó.  Tui nhớ mang máng là ông bà xưa có nói “buông dao đồ tể xuống thì sẽ thành Phật”.  Dao tui buông rồi, còn làm Phật thì tui hổng ham vì tui nhậu món mặn đã quen, ăn chay trường rủi bịnh còi xương thì làm Phật cũng chết trơ xương. Thôi hén, xin xí xóa mần ơn.  Tui hy vọng mấy bà chị siêng năng đạo đức cầu kinh dùm thì Chúa, Phật sẽ thương nghe lời và ban ơn cứu giúp cho tui.  Tui hứa là nếu tui mà được ban phước đức cho khỏi bệnh thì tui sẽ đãi mấy bà chị một chầu nhậu linh đình, nói thiệt lòng chứ không đãi bôi miệng lưỡi đâu.  Mà mấy bà chị cứ thoải mái nhậu hén, còn tui, hổng biết lành bệnh rồi có sương sương lại được không nữa, kệ đời nó, tới lúc đó hẳn tính tiếp.
Ờ, mà bây giờ tui nhớ ngờ ngợ là cái bà chị lớn sao dòm mặt mũi và tướng mạo hao hao giống như mấy ma sơ ở trường các bà phước ngày xưa.  Mấy ma sơ ở trong nhà dòng thì ăn nói nhỏ nhẹ, hiền khô, vậy mà ra lớp học thì có nhiều bà dữ lắm nghen, bà nào bà nấy cũng lăm lăm cây roi mây trên bàn, nhìn bắt ớn.  Tui nhớ hôm ở nhà thương, nếu tui không đem dao ra hù dọa thì hổng chừng bà chị sẽ rút cây roi mây ra ăn thua đủ với tui chứ chẳng chơi, cứ nhìn cái môi mấp máy, cái tay run run là tui nghĩ chắc sẽ có chuyện. May quá, hôm đó con vợ tui đã quá là ồn ào, mà nếu thêm chuyện đôi co với hai bà chị nữa thì chưa biết ra sao. Cái nghề tay trái của nó là nghề chặt thịt heo ở chợ Chánh Hưng, tui sợ...Nhưng thôi chuyện đã qua, bà chị có là ma sơ bà phước hay không thì bây giờ tui đã xuống cấp rồi, tay chưn yếu xìu, đuổi con ruồi còn hông nổi nói chi cầm dao.  Giờ tui mà có gặp lại mấy bà chị hàng xóm nhà thương thì chắc tui sẽ đổi tông khác, sẽ không hù dọa chọc giận mấy bà mấy chị nữa đâu, mà hổng chừng tui xin học kinh, học nhạc cho nhẹ nhàng thần thái hơn.  
Vậy nhen, cho tui gởi lời xin lỗi chân tình, dù có hơi muộn màng nhưng vẫn … có còn hơn không, có còn hơn không… 
LaKy

Thứ Ba, 6 tháng 8, 2013

GIẦY KHÔNG LẤM BỤI

Mỗi lần nghe bạn bè  nói vui  rằng các cha đọc lời khấn khó nghèo, còn giáo dân thực hành lời khấn ấy, tôi mỉm cười nhủ thầm thật đấy không đùa đâu.
Không đùa đâu, nghĩa là tôi cũng đồng ý chút chút, nhưng trong thực tế tôi biết có những nhà tu sống khó nghèo thực sự. Tôi rất mến những linh mục, tu sĩ sống đời sống đạm bạc đơn sơ giản dị trong cách ăn mặc, trong ứng xử, trong lựa chọn và nhất là trong sự bỏ mình.
Khó nghèo là một nhân đức, hay nói nhẹ nhàng là một đức tính từ bỏ dễ mến, đáng phục. Không chỉ có ở các bậc tu trì mà còn có thể nhìn thấy ở mọi người. Tiếp xúc với người đối diện, thoạt tiên ta chưa thể nhận ra đức tính này ở họ, nhưng nếu gần gũi, sống chung, chắc chắn ta sẽ thấy người khó nghèo lộ ra nhiều điểm mà tôi gọi là hữu xạ. Hữu xạ tự nhiên hương. Đóa hoa tỏa hương không phải vì ta xức dầu thơm cho nó. Người có đời sống khó nghèo dễ nhận ra. Tôi sẽ chỉ cho bạn bí quyết tìm ra đức tính khó nghèo nơi người đối diện.
Nhưng trước hết, xin nói trước là bài viết này chỉ hạn chế trong giới hạn ngắm nhìn nhân đức khó nghèo nơi các tu sĩ thôi. Tại sao ? Tại vì người nghèo trong đất nước Việt Nam quá đông, đông gấp nghìn lần quân Nguyên, cả tỉ trường hợp nghèo khó, làm sao tôi có thể nói tóm được.
Vậy chỉ có thể xúi bạn dòm vào một đơn vị nhỏ là bậc khấn dòng, tức đội quân truyền giáo ưu tú của Giáo hội.
Đừng sốt ruột, cách của tôi rất thực tế :
1. Đứng trước một tu sĩ,  nhìn vào "người", trước tiên bạn có thói quen nhìn vào chỗ nào, cái gì trên con người của "người" ? Xin trả lời ngay : ĐÔI DÉP.
Ô, tôi khá bình dân đấy nhỉ, thời nay các cha, các xơ ai mà đi dép. Vâng, thì giày hoặc xăng - đan vậy, bạn hãy liếc mắt vào đôi chân của "người", thấy ngay giàu - nghèo ở đôi giày, đôi xăng-đan đó.
Là tôi không kể đến sự điệu đàng, tính làm dáng, thói phô trương, đua đòi, chơi trội là những thói đời , không  thể có ở tu sĩ , không thể lôi cuốn người đời đi theo, nếu người đó mong tìm thấy Thiên Chúa .
Một lần, tôi bắt gặp đôi chân của một linh mục coi xứ trên cao nguyên, về thành phố họp và tôi kết luận, đây chính là đôi chân người truyền giáo : Đôi dép nhựa nhuộm màu đất đỏ, hai gót bị vạt mòn, một bên quai được cột thêm dây cột đồ cho chắc hoặc là nối đoạn quai đã bị đứt.
Người truyền giáo phải sống nghèo khó như thế đó bạn ơi. Dĩ nhiên tôi biết, nếu tôi để dép đứt quai là gây chậm trễ, phiền hà cho người anh em đồng hành với tôi, anh chị em ấy sẽ phải dừng bước, tìm cách giúp đỡ tôi sửa lại quai dép, nhìn tôi đi thử vài bước, xem vá víu như thế đã ổn chưa, có đau chân không v.v....nhưng tôi tin Chúa không tính chiều dài hay thời gian đoạn đường chúng tôi đi giảng đạo.Chúa tính tình yêu. Chúa nhìn vào sự chúng tôi lo lắng cho nhau. Nếu quai giày của tôi bền chắc, làm sao tôi thấy được  sự săn sóc của người bạn đi cùng ?
Từ hôm nay, đi đến đâu, nếu có gặp các cha hay các xơ, chúng mình cúi xuống nhìn kỹ xem các ngài đi dép (à không, ai lại sỉ nhục tu sĩ thế,đi giày cơ, đi xăng đan cơ) loại nào nhé. Có lấm bụi đường không nhé.Có mòn vẹt gót không nhé.
Đức Khó Nghèo nằm ở những hạt bụi đường đó bạn.
Nhân đức tu sĩ nằm ở đôi gót giày đó bạn.
Không đúng a ? Thế sao các cha vẫn giảng giáo dân ơi,hãy nhớ ngươi là bụi tro, một mai ngươi sẽ trở về bụi tro ? Toàn thân là một cục đất to mấy chục kí lô thì xấu hổ gì khi đôi giày dính bụi ? Đức Thánh Cha khuyên hãy ra đi, nhưng  xin thông cảm cho con, giày mới mua, đi thấy tiếc.
Dạ thưa, ngại ngùng tiếc xót thật, nhưng chính đôi giày luôn mới toanh, hàng hiệu đắt tiền láng coóng, a la mốt, mới làm cho người tu sĩ mang chúng phải lấy làm hổ thẹn.
ht.

Chủ Nhật, 4 tháng 8, 2013

CHIẾC ÁO DÒNG


Bất cứ một tu sĩ nào, dù nam hay nữ,  khi khoác lên người chiếc áo dòng, trông vẫn ....đẹp hơn là khi mặc y phục thường. Áo dòng có nhiều màu : đen, trắng, xám, xanh, nâu, thậm chí đỏ chói, tu sĩ mặc y phục dòng nhìn luôn tốt lành, thánh thiện.
Ngày nay, người đi tu không chỉ sống trong nội vi tu viện. Việc chăm chú chắp tay cầu nguyện suốt ngày, hết buổi kinh này đến buổi kinh kia trong nhà thờ không nói lên được tất cả tinh thần truyền giáo của Chúa.Phải ra đi, sống giữa lòng đời, lao động, dạy dỗ và dẫn đường cho đàn chiên.
Cho nên các cha, các thầy, các xơ chỉ mặc áo dòng trong lễ chung hay trong các dịp hội họp cần phân biệt dòng hay cần đại diện cho dòng. Ngay  trong các giờ kinh phụng vụ trưa, chiều, tối, tu sĩ cũng có thể được phép mặc áo ngắn, tùy luật nhà dòng. Vì lý do hoạt động tông đồ cần nhanh nhẹn, gọn gàng, tu sĩ càng không bị gò bó trong những chiếc áo thụng thùng thình.
Dù mặc áo dòng hay không mặc áo dòng , tu sĩ vẫn là tu sĩ, người yêu của Chúa Giêsu, người tình nguyện khấn hứa với Chúa và với Bề trên ba lời Khấn lý tưởng mà người đời không buộc giữ. Cho nên mới gọi đời tu là lý tưởng cao vời. Con đường tu trì là con đường không mấy ai muốn đi.
Chiếc áo dòng, theo ý nghĩa đó, là biểu chứng, là sự nhắc nhở người đi tu luôn nhớ mình phải sống vâng lời Bề trên, sống trong sạch và sống khó nghèo.
Một nữ tu đã viết bài " Tôi và chiếc áo dòng" (tại đây) trình bày những bất đồng và những đồng ý với câu nói  "Chiếc áo dòng không làm nên thầy tu": "Tôi không hoàn toàn đồng ý và cũng không hoàn toàn phản bác câu nói này". Câu nói quá quen thuộc, có lẽ ai cũng hiểu, ai cũng có thể nói lên 3 điều đồng ý và 3 điều phản đối  như xơ phân tích vấn đề trong bài viết, xin tóm tắt ý xơ như sau :
Câu nói có lý :
1. Bản chất tu sĩ vẫn trong sạch, vâng lời, khó nghèo, dù không khoác áo dòng.
2. Tu luật không bắt tu sĩ mặc áo dòng.
3. Có dòng không có tu phục.
Câu nói không đúng :
1. Tu phục là dấu chỉ sự thánh hiến và nhân chứng của sự nghèo khó.
2. Giúp cho người khác biết mình là tu sĩ.
3. Tỏ cho mọi người biết mình thuộc về Thiên Chúa.
Tôi tán thành câu xơ phát biểu :
"Tu phục không chỉ là dấu chỉ tôn vinh Thiên Chúa mà thôi, nó còn nói lên sự từ bỏ và lối sống nghèo khó của người bước theo Đức Kitô trên hành trình dâng hiến",
 nhưng có một vấn đề, không biết phải đặt vào đâu khi bàn về câu nói quá quen thuộc này, trong bài của xơ, tôi không tìm thấy, nhưng hình như nó có liên quan tới hai số 1 ở trên thì phải. Xin thử đưa ra, mong được sự hướng dẫn, giải thích của quý tu sĩ là những người con Chúa yêu dấu cách riêng, một đời khoác chiếc áo dòng cao quý và như vậy, chắc chắn phải chịu trách nhiệm về tư cách đạo đức của mình với danh nghĩa là  linh mục, tu sĩ của Chúa..
Xin thưa :
- Bản chất tu sĩ trước hết là bản chất con người. Con người tự bản chất không giữ 3 lời khấn của tu sĩ .
- Tu phục là dấu chỉ sự thánh hiến và nhân chứng của sự nghèo khó, nhưng tu sĩ không luôn sống thánh thiện và có những tu sĩ mà sự giàu có thì không chịu thua ai.
- Tu sĩ giả ( mặc áo dòng ngày đêm)  thì không thuộc về Thiên Chúa.
 Như vậy, chắc chắn chiếc áo dòng không phải là điều kiện bắt buộc phải có.
 Thế còn TINH THẦN TU ?
Cụ thể là người tu sĩ mặc áo dòng mà trong lòng bức bối với Bề trên vì phải vâng lời, thì chiếc áo dòng có ý nghĩa gì ? Mặc áo dòng mà tình cảm nặng tính thế tục thì chiếc áo dòng có ý nghĩa gì ? Và sau cùng, gây ra nhiều gương ...tối giữa đời , là mặc áo dòng mà thích sống vương giả, giàu có, thích ăn ở sang trọng, xài đồ tiện nghi, tân thời, thì chiếc áo dòng có ý nghĩa gì ?
Theo tôi, TINH THẦN TU cao cả và cần thiết hơn hết.
TINH THẦN TU biểu lộ rõ ràng qua đời sống hằng ngày của một tu sĩ,  chiếc áo dòng không là cái gì cả.
Câu ngạn ngữ nổi tiếng này có ý đó.
Phần tôi, vẫn yêu chiếc áo dòng của Tu sĩ mà không cần bàn luận.
ht.

LÀM GIÀU TRƯỚC MẶT THIÊN CHÚA

Bài giảng Chúa Nhật XVIII TN. hôm nay : 
Tin Mừng Lc.12,13-21 : LÀM GIÀU TRƯỚC MẶT THIÊN CHÚA
NGUỒN : (tại đây)
Bài liên quan : (tại đây)

Thứ Bảy, 3 tháng 8, 2013

ÔI, LẠI CẤM !

NHT' : Bao giờ cấm, blogger chỉ cần copy một đoạn rồi dẫn link, thì không bị phạt. Đó là lời dặn dò của người ra luật.Thế cũng như không, chả hiểu nhà nước ký cái 72 để làm gì, lại một sản phẩm của "đỉnh cao trí tuệ" ra đời.



L Ạ I  C Ấ M !
PHẠM ĐÌNH TRỌNG

Cán bộ quản lí Nhà nước yếu kém và lười biếng, sợ việc, sợ trách nhiệm, quen lối quản lí bằng mệnh lệnh hành chính vừa dễ dàng, vừa nhàn nhã, lại phô trương được quyền uy vì thế cứ cái gì phức tạp, khó quản lí liền ra lệnh cấm đoán là xong . Nghị định 72/2013 qui định: Trang thông tin cá nhân trên mạng internet chỉ được đưa tin của chính mình, không được trích dẫn, tổng hợp tùy tiện thông tin từ các cơ quan báo chí là sản phẩm của cách quản lí đó! Đó là một mệnh lệnh hành chính vi Hiến, là sự cấm đoán tước đoạt quyền Con Người.
Nghị định 72/2013 được ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kí ngày 15. 7. 2013 và ban hành ngày 31. 7. 2013. Các ông lãnh đạo bộ Thông tin – Truyền thông đề xuất và viết dự thảo Nghị định, ông Thủ tướng kí Nghị định 72/2013 đều là những ông Cộng sản bự, các ông có nhớ ông Mác, người khai sinh ra chủ nghĩa Cộng sản, khai sinh ra mô hình Nhà nước Cộng sản của các ông viết về Con Người như thế nào không? Ông Mác viết rất chí lí rằng: Con Người là tổng hòa các mối quan hệ xã hội.
Chỉ có con vật mới chỉ biết bản thân nó. Con Người là sinh vật xã hội. Phần sinh vật là phần di truyền do cha mẹ sinh ra. Phần xã hội do Con Người đó tự sinh ra mình bằng cách tiếp nhận nền văn hóa xã hội của loài Người để hình thành nên Con Người xã hội của mình. Con Người xã hội không thể tách ra khỏi xã hội. Con Người xã hội sống không thể chỉ cho riêng mình.
Ngay từ thời xã hội Việt Nam còn trì trệ trong nền văn minh nông nghiệp cơ bắp: Trên đồng cạn, dưới đồng sâu / Chồng cày vợ cấy con trâu đi bừa, còn khép kín trong văn hóa làng xã: Phép vua thua lệ làng, con người xã hội đã được đề cao: Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách, nước nhà thịnh suy, mọi người Dân đều phải quan tâm, đều phải có trách nhiệm.
Đi qua nền văn minh nông nghiệp, bước vào nền văn minh công nghiệp, Con Người xã hội không phải chỉ quan tâm lo toan đến những vấn đề của quốc gia, dân tộc mình mà còn phải bận tâm nghĩ suy, tham gia kiến giải những vấn đề của hành tinh, của loài người.
Ngày nay loài người đã đi qua nền văn minh công nghiệp, bước vào nền văn minh tin học. Không phải chỉ rút ngắn mọi khoảng cách không gian, thời gian, nền văn minh tin học còn nâng Con Người xã hội lên vị trí rất cao. Với văn minh tin học, mọi người Dân bình thường đều tiếp cận được với những vấn đề đang đặt ra của đất nước mình và của thế giới.
Văn minh công nghiệp đã thỏa mãn được những nhu cầu rất cao của Con Người sinh vật. Văn minh tin học lại đáp ứng những nhu cầu ngày càng cao của Con Người xã hội, nâng cao vị trí của Con Người xã hội, mở rộng những vấn đề quan tâm, lo toan của Con Người xã hội. Thế mà giữa thời văn minh tin học ở một Nhà nước vẫn tự nhận là đỉnh cao trí tuệ lại có nghị định buộc trang thông tin cá nhân trên mạng toàn cầu chỉ được đưa tin về chính mình, không được trích dẫn, tổng hợp thông tin từ các cơ quan báo chí! Cấm người Dân không được trích dẫn tổng hợp thông tin từ các cơ quan báo chí thực chất là cấm người Dân bàn luận, kiến giải những vấn đề các cơ quan báo chí đã thông tin.
Những trang facebook, blog, website dù của cá nhân nhưng không phải chỉ là những trang nhật kí cá nhân, chỉ chứa đựng thông tin cá nhân. Nếu chỉ là trang nhật kí, thông tin cá nhân thì chả cần dùng internet, chẳng cần phải lên mạng toàn cầu. Facebook, blog, website là công cụ không thể thiếu của Con Người xã hội thời văn minh tin học để Con Người xã hội được bộc lộ chính kiến về những vấn đề xã hội, để Con Người xã hội của những người Dân bình thường được thể hiện mình, được tham gia bàn bạc, kiến giải những vấn đề xã hội của đất nước, của loài người. Facebook, blog, website cho người Dân được sử dụng tốt nhất quyền tự do ngôn luận đóng góp cho xã hội.
Nghị định 72/2013 buộc những trang thông tin cá nhân trên mạng internet chỉ được đưa tin cá nhân, không được trích dẫn, tổng hợp lại thông tin trên báo chí đã vi phạm điều 69 Hiến pháp hiện hành: Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí.
Nghị định 72/2013 đã chống lại một tư tưởng Nhân văn hiếm hoi của chính Nhà nước Cộng sản Việt Nam, tư tưởng Dân biết, Dân bàn, Dân làm, Dân kiểm tra. Nếu không chống lại thì nghị định 72/2013 đã vạch trần sự giả dối, nói một đằng làm một nẻo của Nhà nước Cộng sản Việt Nam khi những quan chức lãnh đạo Nhà nước Cộng sản Việt Nam miệng leo lẻo nói Dân biết, Dân bàn, Dân làm, Dân kiểm tra nhưng tay lại ném vào mặt Dân nghị định 72/2013 cấm Dân không được bàn luận những vấn đề xã hội  trên những trang thông tin cá nhân mạng internet.
Nghị định 72/2013 cũng tước đoạt một quyền cơ bản trong những quyền đương nhiên của Con Người, quyền: “Mọi Người đều có quyền tự do ngôn luận và bày tỏ quan điểm. Quyền này bao gồm sự tự do quan điểm mà không bị xen vào quấy rầy và được tự do tìm kiếm, thu nhận và quảng bá tin tức và tư tưởng qua mọi phương tiện truyền thông bất kể biên giới.” (Tuyên ngôn quốc tế Nhân Quyền được Đại hội đồng Liên hiệp quốc thông qua từ năm 1948 và Nhà nước Việt Nam kí kết thực hiện từ năm 1982)
Nghị định 72/2013 buộc các trang mạng xã hội của cá nhân chỉ được đưa thông tin cá nhân, không được trích dẫn, tổng hợp thông tin của các cơ quan báo chí đã thô thiển, thấp hèn hóa Con Người, là một nghị định lạc lõng với thời đại.
Những trí thức thực sự có tầm hiểu biết sâu rộng, đương nhiên trang mạng cá nhân của họ không thể thiếu những bài viết về những vấn đề xã hội với những phát hiện sâu sắc ở góc nhìn văn hóa. Những bài viết đó vô cùng có ích cho xã hội, càng có ích cho nhà quản lí xã hội. Cấm trang mạng cá nhân của trí thức không được bàn những vấn đề xã hội, chỉ được đưa thông tin cá nhân, nghị dịnh 72/2013 là một nghị định ngu Dân.
Một nghị định Nhà nước thời tin học mà cấm trang thông tin cá nhân trên mạng internet không được đưa thông tin xã hội, chỉ được đưa thông tin về chính mình thì Con Người xã hội của người soạn thảo nghị định nhỏ bé đến mức như không có. Không có Con Người xã hội, chỉ có Con Người sinh vật, Con Người đó lại ở vị trí quản lí Nhà nước là thảm họa cho người Dân, là điều xỉ nhục cho một đất nước văn hiến.
Nghị định 72/2013 là sự hốt hoảng của một Nhà nước độc tài trước sự lớn mạnh nhanh chóng, mạnh mẽ của những trang cá nhân nói tiếng nói thẳng thắn, trung thực của người Dân về những vấn đề xã hội hàng ngày và những vấn đề khẩn thiết của đất nước. Thẳng thắn, trung thực, những tiếng nói đó không thể đồng thuận, nương nhẹ với những chủ trương, chính sách và việc làm của một Nhà nước tham nhũng đang đi ngược lại lợi ích của người Dân
Với một Nhà nước dân chủ, người Dân tham gia luận bàn, kiến giải những vấn đề xã hội được thông tin trên báo chí là điều quá bình thường, lành mạnh. Càng có nhiều ý kiến phản hồi ngược chiều về những vấn đề xã hội của người Dân, Nhà nước càng mở rộng tầm nhìn, càng có thêm nhiều góc nhìn và điểm sáng tư duy, càng năng động kịp thời điều chỉnh những hoạt động của Nhà nước phù hợp với cuộc sống và lòng Dân. Với Nhà nước độc tài, quen độc quyền chân lí, độc quyền lẽ phải, coi mọi ý kiến khác biệt đều là “thế lực thù địch” và khi “thế lực thù địch” xuất hiện đông đảo, mạnh mẽ trên các trang mạng cá nhân thì hốt hoảng đến rối trí vội ban hành nghị định 72/2013: Cấm! Cấm! Cấm!
Tôi mong cơn hốt hoảng mau qua đi, những người soạn thảo nghị định 72/2013 bình tĩnh, tỉnh táo, khôn ngoan trở lại mà ngôn ngữ dân gian nói là “khôn hồn” thì chỉnh sửa lại ngay ghị định 72/2013, bãi bỏ ngay nội dung tước đoạt quyền Con Người, thấp hèn hóa Con Người và ngu Dân khi qui định, trang mạng xã hội của cá nhân chỉ được đưa thông tin cá nhân, không được trích dẫn, tổng hợp thông tin trên các cơ quan báo chí.
P.Đ.T.
NGUỒN : (tại đây)

TIN MỪNG Lc 12,13-21


NHT' : 40giaysuyniemLoiChua.net. (tại đây), theo mình nhận xét, là một công trình đã được thực hiện với nhiều công sức, ý tưởng suy niệm, vẽ tranh, dịch thuật, làm Powerpoint show của rất nhiều cộng sự viên nhiệt thành đạo đức. NHT' xin hoan nghênh những quý vị đã góp công sức cho ra trang web quý báu này và xin phép đăng tải lên đây để mọi người cùng suy niệm về Tin Mừng Chúa Nhật 13 TN năm C, một bài rất hay, rất thấm, rất bổ ích. 
                                               Kính chúc vạn an trong ơn nghĩa Chúa.

Tin Mừng Lc 12,13-21
         
Khi ấy, có người trong đám đông nói với Đức Giê-su rằng: “Thưa Thầy, xin Thầy bảo anh tôi chia phần gia tài cho tôi”. Người đáp: “Này anh, ai đã đặt tôi làm người xử kiện hay người chia gia tài cho các anh?” Và Người nói với họ: “Anh em phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam, vì không phải hễ ai được dư giả, thì mạng sống người ấy nhờ của cải mà được bảo đảm đâu”. Sau đó Người nói với họ dụ ngôn này: “Có một nhà phú hộ kia, ruộng nương sinh nhiều hoa lợi, mới nghĩ bụng rằng: “Mình phải làm gì đây? Vì còn chỗ đâu mà tích trữ hoa mầu!” Rồi ông ta tự bảo: “Mình sẽ làm thế này: phá những cái kho kia đi, xây những cái lớn hơn, rồi tích trữ tất cả thóc lúa và của cải mình vào đó. Lúc ấy ta sẽ nhủ lòng: hồn ta hỡi, mình bây giờ ê hề của cải, dư xài nhiều năm. Thôi, cứ nghỉ ngơi, cứ ăn uống vui chơi cho đã!” Nhưng Thiên Chúa bảo ông ta: “Đồ ngốc! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai?” Ấy kẻ nào thu tích của cải cho mình, mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa, thì số phận cũng như thế đó.”













NGUỒN : (tại đây)

BÉ NATHAN DE BRITO

NHT': Mình có nhiều chuyện muốn tâu với nhà vua, toàn những chuyện không đáng nói, không muốn nói, nhưng cần thiết phải nói, bởi vì nó ích quốc lợi dân, đó là lòng dân, dân đen thấp cổ bé miệng không dám nói, mình liều mạng nói. Nói rồi chết không ân hận. Buồn phiền quá, nói. Bỗng, trong đêm đen, một tia sáng nhỏ tuyệt đẹp xuyên qua đường hầm làm tươi rói bầu trời xám ngoét, làm hồng lên con tim héo hắt trong mình, làm mình muốn quên hết cả và triều đình, quên cả Bệ hạ, quên cả những mặt nạ từ bi... .Đọc bài viết dưới đây và xem ảnh chụp thấy cảm động, vui thích quá chừng, ước gì có thêm một bé nữa, một bé nữa nhỉ...Cám ơn truyền thông đã đưa em bé lên. Nathan de Brito, con hãy cố gắng sống đúng với lý tưởng cao đẹp con đang theo đuổi nhé, đừng làm vua con ơi, làm vua người ta muôn tâu Bệ hạ là người ta mắng cho đấy. 




WYD: Một bé trai 9 tuổi đã làm Đức Thánh Cha rơi lệ.
Têrêsa Thu Lan 8/2/2013

Hình ảnh và video cuả một bé trai 9 tuổi làm Đức Thánh Cha rơi lệ đã lan tràn 'như lửa cháy' trên cộng đồng mạng trong những ngày qua.
Lúc đó là hôm thứ Sáu ngày 26 tháng 7 khi xe cuả Đức Thánh Cha đi qua phố Rio, một cậu bé trai tên là Nathan de Brito, mặc áo thun cuả đội banh Brazil, đã len lỏi chạy theo Đức Thánh Cha một hồi rất lâu, rồi khi chiếc xe tạm ngừng thì đã vượt qua hàng rào an ninh, leo lên ôm lấy ngài và noí trong nước mắt: "Đức Thánh Cha ơi, con muốn trở thành một linh mục của Chuá Kitô, làm đại diện cho Chúa Kitô"
Đức Thánh Cha đã tỏ ra rất xúc động, Ngài noí với em rằng:"Cha sẽ cầu nguyện cho con, nhưng Cha xin con cũng cầu nguyện cho Cha", sau đó Ngài lau nước mắt cho em, ôm lấy em và nói, "Kể từ hôm nay thì ơn Kêu Gọi cuả con là chắc chắn nhé".
Phải khó khăn lắm người ta mới gỡ em ra khỏi Đức Thánh Cha và kéo em xuống.
Cậu bé Nathan còn tiếp tục tung nụ hôn tới cho Đức Thánh Cha, cho đến khi một nhân viên an ninh giỗ dành em và đưa em về với gia đình.
Theo tin từ Brazil cho biết thì Nathan là một cư dân cuả khu phố Cabo Rio, và sau khi sự việc xảy ra thì em đã được chào đón như một vị anh hùng.
Hãng truyền hình O Globo TV mô tả rằng: "Mọi người đều đã biết về ước muốn làm linh mục cuả em và muốn biết thêm về cuộc gặp gỡ với Đức Giáo Hoàng và làm thế nào mà em đã có đủ can đảm để vượt qua hàng rào các nhân viên bảo vệ."
Bạn bè của em thì hãnh diện vì 'một trong những người cuả chúng' đã được gặp Đức Giáo Hoàng, còn gia đình de Brito thì cho biết họ cảm thấy "rất may mắn."
Còn cảm tưởng cuả em?
"Em cần phải học thêm thần học", cậu bé nói với một nụ cười, thêm rằng em sẵn sàng làm "tất cả mọi thứ" để theo đuổi ơn gọi làm linh mục cuả em.
Keyla Fernandes, cô giáo của em, cho biết de Brito có điểm học xuất sắc và hạnh kiểm tốt.
"Hạnh kiểm tốt chứng tỏ em đã thấm nhuần các đức tính Kitô giáo, chẳng hạn như đức vâng lời," cô nói.
Còn Cha Xứ Valdir Mesquita dự đoán rằng cuộc gặp gỡ với Đức Giáo Hoàng cuả em "sẽ truyền cảm hứng cho nhiều người khác muốn làm linh mục."
Kể từ khi em lên năm hay sáu tuổi, "em đã nói rằng em muốn trở thành một linh mục," Cha Mesquita nói. "Cuộc gặp gỡ này chắc chắn sẽ lưu lại trong trái tim cuả em và mãi mãi thay đổi cuộc sống của em."
Nhắc lại sự việc đó trong bài phát biểu tại buổi họp ngày 30 tháng 7 để cảm ơn các nhân viên Ngày Giới trẻ Thế giới 2013, Đức Tổng Giám Mục Orani Tempesta của Rio de Janeiro cũng nói rằng tình cảm của cậu bé (dành cho Đức Thánh Cha) "là điển hình của toàn thể người dân Brazil."

NGUỒN : (tại đây)

Thứ Sáu, 2 tháng 8, 2013

MẶT NẠ TỪ BI


Tôi muốn người hãy tháo ngay chiếc mặt nạ xấu xí đáng xấu hổ ấy ra.
Khuôn mặt người trái soan, nước da người trắng, sống mũi người cao, đôi mắt người tròn to, đen nhánh, đôi môi người chỉ thốt lời thơ êm, người như thánh đẹp trong mắt mọi người.
 Tại sao người đeo mặt nạ ?
Có phải bây giờ thấy bạn bè nổi trội, hãnh tiến, người cũng đua đòi ?
Có phải bây giờ cần nhiều chi phí cho cuộc sống riêng nên người tìm cách kiếm chác ?
Có phải người mồ côi vất vả ?
Không, chẳng tại cái gì. Tôi nghi người bởi lòng tham mà ra.
Người bảo người từ bi từ thiện, người cứu giúp cô nhi quả phụ, vậy chứ ai cần ?
Người có một muốn hai, có hai muốn mười, bao giờ cho đủ ?
Người than van năn nỉ, người bòn mót, tích góp, rồi ngồi ngắm của.
Trước đó, người đeo mặt nạ vào.
Như thể nghệ sĩ chuẩn bị lên sâu khấu phải tô vẽ phấn son cho ra vẻ, nhân vật của người đóng vai nghèo khổ, bệnh tật, đói khát. Nếu không được xót thương, người sẽ gục chết.
Khán giả là đồng loại, ai nấy xót xa, một tấm lòng dủ thương chia người tấm áo.
Ngây thơ, quảng đại, họ đem cho người nào thuốc nào băng, nào bánh nào sữa.
Tất cả những gì gọi là chia sẻ chân thành ấy được người đáp lại bằng sự giả dối không ngờ, người che khuất mặt thật bằng tấm bìa vẽ miệng cười buồn bã, hai mắt cụp xuống tang thương. Người than còn thiếu, người quen của người còn thiếu, người cần giúp đỡ, ai có thương cứu giúp người cùng, giúp đâu cũng là giúp, xin giúp người.
Thực ra người đã có cơ ngơi to lớn, người đã có người hầu cơm bưng nước rót, người là con nhà giàu cơ mà.
Nhưng người tham đó thôi. Người muốn làm trượng phu cứu nhân độ thế, người muốn làm vị ban phát hào phóng lừng danh khiến mọi người kính nể cúi chào .
Phải, cái danh nó cám dỗ người rồi, cái tờ giấy xanh nó làm cho người đứng ngồi không yên, người phải tính toán, người phải ra đi kiếm tìm.
Người ơi, ai khiến người  ngược xuôi vất vả ?
Hãy nhìn lại và sống thật đi thôi, khoác áo từ bi mà lòng tham vô đáy hèn lắm ạ , người đời khinh cho.
Đừng đeo mặt nạ nữa, cái mặt nạ là một thứ cải trang dành cho nghệ sĩ trên sân khấu thôi, khi rời vai kịch, nghệ sĩ ấy sẽ sống thật chứ đâu có mãi là vua hay lính ? Thưa người, phải chăng người là kịch sĩ ? Không có đâu ! Kịch sĩ mà đóng dở thế a ? Nếu trung thực, người hãy để mặt mộc, mặt thật có mốc cũng chẳng bị ai cười, sống với mặt nạ nhếch nhác xanh đỏ nhìn tởm lợm lắm. Huống chi người, một thôn nữ thánh thiện đơn sơ, vì tham bòn mót, đeo chi cái mặt nạ giả bần cùng đi ăn xin ? Hoài lắm người. Ngừng thôi người, hỡi nhà từ thiện đáng thương !
HT



Thứ Tư, 31 tháng 7, 2013

CPCĐ 18 :MUÔN TÂU BỆ HẠ -4-


BỆ HẠ NGHĨ SAO ?
Khi bàn về vấn đề Nhạc-Lễ là lúc thần giận Bệ hạ lắm thì thôi. Giận nhất luôn.
Làm sao á ta, cứ như Bệ hạ là gỗ, là đá không bằng, Bệ hạ không có tâm hồn nghệ sĩ gì hết trơn. Mà nào thần có nói gì đến những loại nhạc cao siêu, hàn lâm, gây khó cho Bệ hạ đâu. Thần cũng không đòi Bệ hạ phải giỏi nhạc lý, giỏi xướng thanh, biết đánh nhịp hoa mỹ như các vị  học trò nhạc sư Hải Linh. Còn Nhạc-Lễ là đương nhiên Bệ hạ phải rành. Bệ hạ không rành Nhạc-Lễ , Bệ hạ làm vua làm chi, không lẽ làm vua chỉ để ngồi trên ngai vàng quát tháo và sai quân thiết tiệc ăn nhậu thôi sao ? Riêng về Nhạc thì từ nhỏ, Bệ hạ cũng phải được giáo quan dạy cho ít là bảy nốt rồi chứ, lại hằng ngày Bệ hạ là vua mà không tế đàn tạ ơn Đức  Chúa Thượng Thiên tối cao, thử hỏi chúng thần ai được phép làm việc này ? Đó, Bệ hạ thấy thần phân tích vấn đề minh bạch không? Bệ hạ đừng có cãi, thần nói thật, thần thấy Bệ hạ lười biếng việc triều đình lắm, nói vậy hơi quá, chứ mà người toàn đổ công đổ bạc lo chuyện gì, xây thành xây lũy cho cao làm chi, có đâu trộm đạo giặc thù viếng lắm mà sợ, hay chỉ để lưu danh cho đời ? Ôi, phù hoa, thảy đều phù hoa, Bệ hạ chưa chết có khi tường thành này đã được trao vào tay vị vương khác, biết bao gương tày liếp mà sao Bệ hạ hám danh làm gì, .
 Trong khi đó, ban Nhạc Lễ trong triều quá ư thiếu thốn, khát khao học hỏi, tìm hiểu về ngành chuyên môn, mà không có nhạc sư hướng dẫn.
 Bệ hạ không yêu âm nhạc thì để thần dân yêu.
Bệ hạ không ca hát thì để chúng thần ca hát.
Chúng thần thèm ca hát, nhảy múa lắm.
Đứng trong trời đất, chúng thần sẽ ca hát say sưa những lời thánh thiện tốt đẹp nhất trần gian, sao cho lương dân cảm nhận ơn Đức Chúa Thượng Thiên thương mọi người trần thế, cho mây bay gió thổi, cho mưa sa nắng gắt, cho  mặt trời sáng soi, cho trăng thanh vằng vặc, cho suối nước trong veo, cho tất cả vũ trụ càn khôn, cho cả sự chết đến đem họ về trời.
Như thế Ca Hát trong triều quả là một sứ mạng cao cả lắm thay, phải không Bệ hạ?
Vậy xin hỏi nè : Sao hồi nào tới giờ, Bệ hạ không khuyến khích , không nâng đỡ, không thăm nom, hỏi han dàn Nhạc Lễ một lần cho các vị ấy đỡ tủi ?
Sao vậy ? Đừng để dân tình truyền khẩu "Bệ hạ hãm tài" nha !
Nói chi vòng vo vô ích, Bệ hạ khô khốc sao hiểu, vậy phải nói thẳng ra thôi. Hôm nay thần xin dâng một đề nghị : Bệ hạ làm ơn ra chiếu chỉ rước nhạc sư về triều dạy cho dàn Nhạc Lễ về môn Phụng Ca.
Được không Bệ hạ ? Không được à ?  Không dài lâu thì một khóa thôi.
Được không Bệ hạ ? Không được à ? Không một khóa thì một buổi thôi.
Được không Bệ hạ ?
 Bệ hạ nhìn xem, quanh đây chí ít cũng có một, hai tiểu quốc, tuy quốc vương ở đó không hẳn là xuất thân từ viện hàn lâm, bác học gì nhưng ông có tâm hồn mến yêu Nhạc Lễ, nên đã từng thỉnh mời các bậc tài ba về triều đình giảng huấn về Phụng ca, rất ích lợi và lý thú, khiến cho dàn Nhạc Lễ của họ khởi sắc nhanh chóng. Một lần, rồi lại mời lần nữa, lần nữa, ca công nghe nhiều, thấm đẫm tình yêu nghệ thuật Thánh, thể hiện nghệ thuật ấy qua đời sống thực tế, con dân đất nước mà Bệ hạ đang trị vì đây được lên tinh thần, cuộc đời  hướng thiện, tốt lành, đất nước mình đẹp đẽ biết bao. Bệ hạ thực hiện điều này, thần cam đoan các tiểu quốc láng giềng sẽ noi gương Bệ hạ hết thảy.
Vậy Bệ hạ nghĩ sao ?
Trong khi chờ đợi quyết định của Bệ hạ, thần xin cúi đầu đa tạ Bệ hạ đã lắng nghe thần tâu chuyện. Nhân đây, thần xin gửi tới Bệ hạ một audio ngắn 5 phút , thu được từ buổi nói chuyện về Phụng ca của quan Tiến Lộc dành cho các ca công trong triều đình, với chủ đề Ngôn sứ hát ca. Quan đây nổi tiếng tính tình vui vẻ, chịu đi, chịu nói, Bệ hạ cứ rước về triều giảng dạy, của Trời ban sao ta  không hưởng !
Bệ hạ nghĩ sao ?
HT
Bài liên quan : (tại đây)


ÔI VĂN HÓA !

NGUYÊN NGỌC: HY VỌNG GÌ…
Mấy hôm nay dư luận xôn xao vụ luận văn thạc sĩ của chị Nhã Thuyên. Cái đất nước mình thật lạ: thỉnh thoảng, chẳng hiểu sao, lại lui về thời kỳ đồ đá, nhất là trong lĩnh vực tư tưởng văn hóa.
Nhân vụ này, tôi chợt nhớ anh Trần Độ, theo tôi là một người lãnh đạo văn nghệ giỏi và hay đến hiếm hoi từng có được trong suốt quá trình đời sống văn học nghệ thuật của ta trước nay.
Tôi xin kể một chuyện:
Hồi ấy, đầu năm 1979, tôi được điều về làm việc ở Hội Nhà Văn Việt Nam. Anh Độ bấy giờ là Trưởng ban Văn hóa văn nghệ trung ương. Một hôm anh bảo tôi sang chỗ anh chơi, và hỏi về Hội Nhà văn tôi định làm những gì. Tôi nói với anh về ý định, về các kế hoạch trù tính của tôi, và kết luận: với những việc ấy, nếu làm giỏi thì trong mươi năm, dở hơn thì khoảng vài ba mươi năm, hy vọng sẽ nâng cao được mặt bằng chung lên một bước, và trên cơ sở ấy mong có thể xuất hiện một vài đỉnh cao mới …
Anh Độ ngồi im một lúc, rồi nói, châm rãi: Mình tán thành tất cả kế hoạch của cậu, đều đúng và cần thiết … Nhưng có điều mình nghĩ thế này cậu ạ, trong nghệ thuật thường vẫn vậy, muốn có đỉnh cao mới thì bao giờ cũng phải có trường phái mới …, cậu nghĩ coi, có đúng không? …
Tôi quen anh Độ đã lâu, từ hồi anh còn làm Chính ủy Quân Khu Đồng bằng, biết anh là một người rất tốt, yêu văn nghệ và quý trọng văn nghệ sĩ …, nhưng cũng chắc đến thế thôi, anh có được học hành, đào tạo gì gọi là cơ bản và hệ thống về chuyện này đâu. Ý kiến của anh khiến tôi giật mình, kinh ngạc. Không ngờ anh tinh tế, sâu sắc, thậm chí cũng có thể nói uyên bác đến thế.
Chúng tôi thân nhau từ đấy, tâm huyết.
Cho đến nay tôi vẫn nghĩ chúng ta đã bỏ mất một người lãnh đạo văn nghệ giỏi nhất, hay nhất, tốt nhất mà ta đã từng có thể có. Bao giờ mới tìm lại được một người như vậy?
Nhắc lại chyện này tôi không có ý nói rằng luận văn của Nhã Thuyên về một hiện tượng văn học bên lề đã là khẳng định một trường phái văn học mới, nhóm Mở miệng đã là một trường phái văn học mới như anh Độ từng mong. Nhưng chỉ mới một hiện tượng hơi lạ như vậy, bàn về một hiện tượng hơi lạ như vậy, mà đã hô hoán cháy nhà um cả lên, rồi ngang nhiên trừng trị, cách chức …, thì liệu còn hy vọng chút gì thoát ra khỏi ao tù nữa. Thế mà chính những kẻ la làng ấy lại luôn miệng đòi hỏi đỉnh cao, đỉnh cao …
Không phải cái gì ở bên lề cũng là trường phái mới, đương nhiên rồi. Nhưng cũng đương nhiên là trường phái mới thì hẳn phải xuất hiện từ bên lề.
Nhân đây cũng xin được nói luôn: hiện đang có một cái gọi là hội đồng lý luận văn học nghệ thuật trung ương ban bố mọi thứ đúng sai về văn học nghệ thuật trên cả nước này. Mà đứng đầu cái hội đồng ấy thì theo dư luận là mấy người chẳng dính dáng gì và chẳng biết chút gì về văn học nghệ thuật cả. Trong cuộc gặp của Tổng bí thư Nguyên Văn Linh với văn nghệ sĩ cách đây mấy mươi năm, anh Nguyễn Đăng Mạnh có nói một câu chấn động, anh bảo Đảng khinh bỉ sâu sắc văn nghệ sĩ. Có người cho là giận mà nói quá. Nay với cái hội đồng vừa kể có người đứng đầu như vừa nói, lại có quyền hành lớn nhất về văn học nghệ thuật trên đất nước đau khổ này, thì quả là một sự sĩ nhục to lớn đối với toàn bộ giới văn nghệ và lý luận văn nghệ
Đỉnh cao với đỉnh thấp, hy vọng gì nữa.
Nguyên Ngọc

NGUỒN : (tại đây)

MUÔN TÂU BỆ HẠ -3-

tranh minh họa

BỆ HẠ QUÁ QUẮT
Tại sao Bệ hạ ép tài xế uống rượu ?
Tại sao Bệ hạ đánh vào đầu khách đến nhà ?
Tại sao Bệ hạ không hỏi han cho biết vì sao người đó không uống ?
Tại sao Bệ hạ mày tao chi tớ với khách lạ: Mày phải uống với tao ?
Tại sao Bệ hạ vô văn hóa như thế ?
Tại sao Bệ hạ lè nhè ?
Tại sao Bệ hạ không nhận ra sai lầm ?
Tại sao Bệ hạ không biết gì ngoài nhậu ?
Tại sao Bệ hạ quá quắt vậy ?
Bệ hạ có biết rằng hôm ấy bác tài đã nhận định thế nào về Bệ hạ không ?
- Bác ấy lẩm bẩm bên tai thần rằng : Đây không phải là chính nhân quân tử. Vua dỏm !
Bệ hạ có biết sau đó bác tài xử sự thế nào không ?
- Mới ngồi vào tiệc, vừa gắp ăn được 1 miếng chả, bị Bệ hạ cú đầu, đòi cụng ly, bác ấy đã đứng lên bỏ ra ngoài.
Bệ hạ có biết sau đó ra sao không ?
- Sau đó thần phải lẽo đẽo theo ra xin lỗi bác tài. Thần nói xin thông cảm, thế gian có người này người kia.
Bệ hạ có biết bác tài trả lời sao không ?
- Bác ấy im lặng, nét mặt đầy muộn phiền.
Bệ hạ có hiểu không ?
- Im lặng này là sự khinh bỉ đấy.
Bệ hạ nhìn quanh đi, bao nhiêu tiểu quốc, nếu vua nào cũng xấu tính như Bệ hạ thử hỏi thiên địa sẽ ra sao ?
- Ông Trời chịu không thấu  đâu. Đất cũng nổi tam bành cho coi.
Thế Bệ hạ có biết cái người mà Bệ hạ đánh lên đầu đòi nhậu  đó là ai không ?
- Người ta là con Phật đó.
Than ôi, thần xấu hổ vì Bệ hạ vô cùng. Bao lâu Bệ hạ còn nhậu nhẹt bí tỉ, thiên hạ còn phải đan rổ che mặt đó Bệ hạ ơi. Dân tình trong Tiều quốc của Bệ hạ thật đáng thương! Sao họ hiền lành đến thế, đúng là dân quê xóm Đạo ?
HT

BUỒN QUÁ CHÚA ƠI !

Đứa bé thẫn thờ nhìn theo hai vợ chồng trẻ, người chồng ôm đứa con nhỏ được bọc khăn kín mít, người vợ bận cáo áo kiểu màu vàng, tay níu áo chồng, tay run rẩy vuốt đầu đứa con, nước mắt tuôn tràn, có lúc chị khóc lặng không ra tiếng. Chị thương đứa con nhỏ vừa chào đời đã lặng lẽ lìa đời sau một mũi tiêm của bệnh viện. Anh chị lủi thủi ôm xác con về, chẳng biết kêu cứu ai. Mọi người xót thương nhưng bất lực. Kia, cùng lúc có hai gia đình nhỏ nọ cũng đang khóc con. Bà con phẫn nộ la hét. Bệnh viện lặng im, sếp lặng im, lặng im hết. Đứa bé cũng lặng im, vì nó chẳng làm được gì hơn ngoài sự im lặng, nhưng nó thấy hết.
Nó thấy rõ nỗi khốn cùng của kiếp người không được cất tiếng nói. Con chết mà không biết kêu tới ai, không ai chịu trách nhiệm, họ trốn hết rồi.
Nó đang suy nghĩ miên man, không biết ngày mai còn thêm bao nhiêu em bé sơ sinh chết oan như thế này nữa ? Nó cảm thấy ngộp thở khi rời hành lang bệnh viện. Nó sẽ thà chết vì bệnh, không cho bác sĩ chích, chích là chết chắc.
Hôm qua nó đã phải bịn rịn nhớ nhung khi víu chiếc nón lá trên đầu bước ra khỏi sân trường, lớp học thân thương, nơi đó nó biết nó có chuyên cần chăm chỉ, lắng nghe thầy cô, thi không gian lận, cũng sẽ chẳng được gì vì điểm không dành cho nó. Điểm tùy vào bộ giáo dục. Nó đành xa bạn xa trường, sẽ không đi học nữa, học làm gì ?
Nó nhìn sang bên kia đường. Bên ấy có một nhóm người tụ tập, hô hào, nghe nói là biểu tình. Biểu tình để làm gì ? Biểu tình được cái gì ? Ông Bảy xe ôm thấy nó cứ đứng trơ một mình, giữa đường phố đông ken, nó lạc loài bất động, liền cất tiếng kêu lại, sao, mày muốn biểu tình không, được tiền đó con.
Nó thảng thốt nghe chữ tiền lạnh và bẩn. Không thèm.
Sao bây giờ người lớn cái gì cũng nói tiền, tiền. Nước mình, dân nghèo chết mẹ cho nên bây giờ ai cũng hám tiền.Vậy chứ bên Mỹ cũng có biểu tình đó, người mình bên Mỹ giàu, mắc mớ gì họ phải đi biểu tình ! Ông Bảy giỡn sao á chớ ! Xấp nhật trình trong tay đăng toàn tin phát ớn, phát ói, nó không muốn tìm hiểu thêm vấn đề. Nó thích nghe lỏm chuyện mấy chú xe ôm hơn. Mấy chú nghèo mà sao giỏi quá, gì cũng biết, phân tích sự việc nghe có lý có tình, mấy chú đâu có ngu như mấy người làm bộ này bộ nọ phát biểu mắc cười quá, nhất là vụ đỉnh cao trí tuệ, vú lép không được lái xe, nghe luật nhà nước ban ra, chú cháu cười ngất. Phải chi nó có tiền, sắm áo vét cho mấy chú mặc lịch sự, đặt lên làm Bộ Trưởng hết. Mấy chú nói không ham đâu mày, chỉ thèm độc lập tự do hạnh phúc. Nói vậy nó thấy được, tội hết sức. Dân bây giờ vừa nghèo vừa mắc nợ nhà nước, nghe nói mỗi đầu người nợ bao nhiêu triệu đó, trả bao nhiêu thì vô túi mấy ông lớn hết. Thôi kệ, đợi coi khi chết mấy ổng còn xài tiền được nữa không, í được chứ, tiền âm phủ, đô la Mỹ rải đầy đường đó, xài đi.
Hễ mỏi chân, dừng bước ngồi bên lề đường, nghe mấy chú tám , mắc cười hơn mắc tè. Cười xong chú cháu thấm lòng, buồn tái tê, nhục mất mặt luôn. Ông Bảy nói đó, mày biết buồn, biết nhục là mày có lòng yêu nước đó con. Hay ha ! Thiệt tình không biết trên thế giới có cái nước nào như nước mình không ta ! Xe ôm thì trí tuệ, bộ trưởng thì hễ cứ mở miệng là bị chửi là ngu hay dốt.
Bây giờ nè, trời mưa, buồn quá ! Chúa ơi, mưa thôi, đừng bão nghe !
Nó bọc kỹ xấp báo mới vô bao ni-lông, tay ôm chặt trước ngực, sợ ướt không ai thèm đọc, ủa mà sao người ta mua báo đọc rồi cứ hậm hực chửi thề cái gì ta ?
Nó rón rén bước vô cổng nhà thờ.
Cha xứ làm lễ xong là sai ông Từ đóng cửa, dĩ nhiên sợ trộm là đúng. Nó không vào được.
Nhưng nó biết, nó tin Chúa có ở bên trong.
Nó đứng ngoài, kêu Giêsu ơi, có con đây. Vậy thôi, Chúa biết hết mọi sự thế gian, nói nhiều làm chi.
Nhưng cho con than một câu thôi Chúa, Việt Nam buồn quá Chúa ơi.
Rồi nó cúi đầu quay trở ra đường, đi thẳng, sợ buồn quá hóa rồ.
HT

Thứ Ba, 30 tháng 7, 2013

ÔI NGOẠI GIAO !


Ông Sơn vô tình hay cố ý phá hoại?
Bà Đầm xòe
Cư dân mạng mấy ngày nay sôi sục “ném đá” về câu nói của ông Nguyễn Thanh Sơn, thứ trưởng Bộ ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài của nước ta khi trả lời với kênh truyền hình TV- Phố Bolsa, rằng:

“… người Mỹ gốc Việt phản đối chuyến thăm của Chủ tịch Trương Tấn Sang tới Hoa Kỳ là vì “chút hận thù cuối cùng” và “muốn có thêm thu nhập”!?.(tại đây)
Cư dân mạng chứng minh rằng, những người Mỹ gốc Việt, không phải đi biểu tình với “chút hận thù cuối cùng” mà là với lòng “hận thù CS mãi mãi” và họ đi biểu tình không phải “muốn có thêm thu nhập” mà là ngược lại họ bị “mất thu nhập”.
Đây là một sự thật hiển nhiên, khó có đầu óc bình thường nào có thể chứng minh ngược lại.
Vậy, phải hiểu những lời nói của ông Sơn như thế nào cho đúng? Và ông  phát biểu như vậy nhằm mục đích gì?
Nhiều, nhiều đích lắm.
Nhưng, tôi là người cạn nghĩ,  không liên hệ được sự sâu xa, rộng lớn gì từ lời nói của ông Sơn mà chỉ thấy:
Đó là sự bịa đặt trắng trợn, nhằm phá hoại “Kịch bản Việt Kiều” của ông chủ tịch nước qua chuyến thăm nước Mỹ lần này.
Vì rằng, trong lúc chủ tịch nước đang phủ dụ Việt kiểu phải năng về nước, phải hướng về dân tộc… và còn trịnh trọng cảm ơn Tổng thống Mỹ O-ba-ma về “sự chăn sóc Việt Kiều của nước Mỹ”, thì lời nói của ông Sơn như chan “cà chua, trứng thối” vào mâm cơm mà chủ tịch nước muốn bày ra mời bà con Việt Kiều đến chung ăn.
Điều này cũng có nghĩa là, ông Sơn đã trực tiếp đánh vào “mồm” ông Chủ tịch nước, đập tan kế hoạch phủ dụ Việt Kiều của ông chủ tịch nước.
Sao một nhà ngoại giao có thâm niên nhiều năm trên lĩnh vực chăm sóc Việt Kiều lại có một “hành động tối tăm” nhiều mặt đến không ngờ như vậy? Phải chăng nó chỉ là ở sự ngu đốt mà ra?
Không hẳn thế.
Một con vật được chủ nuôi, chẳng hạn như con chó, còn biết nín lặng khi chủ và nó đang thực hiện một “kịch bản” săn mồi cơ mà, và đương nhiên nó cũng biết sủa to nhỏ, giận dữ hay hiền nhu như thế nào cho đúng lúc, miễn là bắt được mồi.
Nhưng ông Sơn đã không làm như vậy.
Ông quên “Kịch bản” hay ông phải thực hiện mệnh lệnh phá hoại trong chuyến đi này từ chủ trương, kế hoạch của ai đó, của phe nhóm lợi ích nào đó? Hay của “anh” Tàu Cộng?
Ông Sơn vô tình hay cố ý phá hoại?
Hẳn thời gian sẽ lộ rõ hẳn ra.
BĐX
NGUỒN(tại đây)

Chủ Nhật, 28 tháng 7, 2013

CON YÊU MẸ

NHT. xin giới thiệu bài thơ sau đây là tác phẩm của CMC NQ., một người bạn cũ cách đây hơn 40 năm. Nhờ Ơn Mẹ Maria, với duyên Thơ-Nhạc , chúng tôi mới gặp lại nhau. Hồi đó, chúng tôi học chung niên khóa Đệ Tam C, trường Mai Khôi.
Quý vị có thể tìm xem, giao lưu và tham gia vào Phòng Cầu Nguyện của NQ. nơi trang web có tên :
MẸ KHIẾT TÂM-BẢO VỆ SỰ SỐNG
(tại đây)
(theo lời NQ., những chữ màu Hồng là nick của các Anh Chị trong hội Cầu Nguyện này).




Con Yêu Mẹ
TỪ LINH
Mùa Hồng Ân  đã đến
Con dệt vần thơ yêu
Kính dâng Mẹ mỹ miều
Mẹ Khiết Tâm tuyệt diệu

Ngàn tình khúc muôn điệu
Hòa trăm triệu lời ca
Cung tiến trước Thiên Tòa
Muôn Hoa Lòng Dâng Mẹ

Vườn hoa trước gió nhẹ

Thơm ngát hoa Tình Yêu
Ngắt Bông Hồng Dâng Mẹ
Tim con ươm tình nồng

Có Mẹ Nguồn Cậy Trông
Niềm Vui Hy Vọng 
Cho con Khúc Nhạc Lòng
Để Tình Hồng Dâng Mẹ

Lên Đồi Sim Có Mẹ
Xế chiều Hồng nắng nhẹ
Khẽ gọi Mẹ yêu ơi !
Yêu Mẹ nhất trên đời

Hoa quỳnh đêm nở vội
Bằng Lăng Tím vương sầu
Anh đào mầu nhung nhớ
Con yêu Mẹ hết tình

Maria  khiết tịnh

Đẹp như ánh bình minh
Nguồn suối mát ân tình
Mẹ Mân Côi diệu vợi
Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội

Đường trần gian tăm tối

Mẹ dẫn lối con đi
Về bên Mẹ diệu kỳ
Cùng Mẹ nghe Lời Chúa

Tình Mẹ ôi chan chứa
Sống có Mẹ con mơ
Đời An Vui Bên Mẹ
Thiên Đàng không xa mờ

Mẹ ơi ! con luôn nhớ

Dâng Mẹ hạt mân côi
Khi có Mẹ trong đời
Con vui Nép áo Mẹ

Mẹ là lời ru nhẹ
giấc mơ bình yên
Thiên Ân che chở
Tới bên bờ yêu thương

Maria  thuyền trưởng

Đưa thuyền con xuôi giòng
Mẹ  Suối Nguồn Hy Vọng
Cho  đời con tựa nương
  
Dâng  Dzạ Khúc Yêu Thương
Trầm hương nghi ngút toả
Một trời hoa quyện Mẹ
Ôi diễm lệ nguy nga

Có Mẹ là tất cả

Mẻ cá lạ trong đời
Êm trôi  thuyền  cập bến
Bến Từ Bi Mẹ ơi !

Maria  tuyệt vời

Êm như mây chiều trôi
Một đời tri ân Mẹ
Con yêu Mẹ  khôn vơi

Mẹ Sao Mai sáng ngời
Soi đường và dẫn lối
Với Mẹ về quê trời
Bến Từ Tâm con đợi .
(Xin Tri Ân Tình Mẹ)

Từ Linh

ÔI Y TẾ !


O Tiến nè...
Nguyễn Quang Vinh
(tại đây)

Ai  tham mưu cho O mà dại thế? Sao tới bây giờ O lại ký công văn hỏa tốc gửi Bộ Công an đề nghị điều tra nguyên nhân 3 cái chết trẻ sơ sinh do tiêm vacxin tại Quảng Trị?
O không cần ký hỏa tốc thì về trách nhiệm, ngay khi sự vụ này ra, chắc chắn công an đã vào cuộc rồi O ạ, và họ lặng lẽ làm, lặng lẽ xác minh, lặng lẽ đưa mẫu đi lấy kết quả, thậm chí cả nước ngoài, O chẳng phải làm ồn ào lên thế, vừa thừa vừa buồn cười, vì làm thế cũng không giảm nhẹ điều tiếng của dư luận đang nói về trách nhiệm của O được đâu.
O đã tuột tay cơ hội để lấy uy tín với dư luận, cơ hội của một Chính khách rồi, O ký cái văn bản này chỉ thêm lần nữa khẳng định rằng, O không thành thật với mình, O diễn với dư luận thôi O ạ.
Tôi nghĩ rằng nếu O và cấp dưới O- trung thực, một chút dũng cảm- một chút thôi, thì chắc chắn đã đưa ra kết luận rồi. Vì đâu phải là lần đầu tiên xảy ra chuyện trẻ chết khi tiêm vacxin đâu O. Mấy lần rồi, chết gần 20 cháu rồi, O có đưa ra nguyên nhân gì đâu trong khi những người có chuyên môn trong ngành O thì đã viết thẳng ý kiến của mình là do vắc xin, do khâu sản xuất, do cả nguyên nhân đấu thầu....O biết rõ quá gì nữa  O Tiến.
Nhân dân cần O sự thật lòng, trung thực, đừng cố đấm ăn xôi, đừng diễn, và điều quan trọng số 1 là O phải lấy sinh mạng chính trị của O ra nói rằng: Nếu tiếp tục tiêm mà cháu nào còn chết thì O thế mạng. O dám không? Nếu không dám thì đừng vội tuyên bố nhân dân tiếp tục tiêm vacxin cho các cháu. Và cũng đừng nói liều là do nước ta nghèo nên phải tiêm vacxin cũ...
Theo blog Cu Vinh khoai lang

Ý kiến của nhà báo Nguyễn Vạn Phú
(tại đây)
Thật không thể nào tin được dù TTXVN đưa tin: “Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến vừa văn bản hỏa tốc gửi Bộ trưởng Bộ Công an chỉ đạo các cơ quan liên quan tiến hành vào cuộc điều tra xác minh vụ ba trẻ tử vong sau khi tiêm vắcxin tại tỉnh Quảng Trị”.
Cái gì lạ vậy? Tại sao bà Tiến lại đẩy quả bóng (trách nhiệm điều tra vụ việc) sang cho bên công an?
Bất thường đầu tiên là sự tham gia của bên công an vào một vụ việc chỉ xảy ra khi có dấu hiệu tội phạm mà tội phạm thì phải có động cơ và ý đồ phạm tội.
Nhưng cho dù có yếu kém đến đâu cũng phải hiểu dư luận đâu phải đòi hỏi điều tra tìm nguyên nhân để xác định người gây ra sự việc nhằm mục đích trừng trị họ!!! Dư luận muốn tìm hiểu nguyên nhân để từ đó ngành y tiếp tục tiêm chủng vắc-xin an toàn, không gây ra các trường hợp đáng tiếc tương tự.
Mà điều tra như vậy chỉ có người trong ngành y mới hiểu quy trình, mới có chuyên môn để xác định đâu là khâu có vấn đề như sản xuất vắc-xin, vận chuyển, bảo quản, tiêm chích hay chăm sóc, theo dõi sau chủng ngừa.
Một Bộ trưởng mà không hiểu được điều đơn giản như vậy, hèn gì rất nhiều người đòi bà này phải từ chức.
Theo FB Nguyễn Vạn Phú
Choáng váng với câu hỏi : Sao bác sĩ lại muốn em chết?
Nguyễn Quang Vinh
Người đàn ông ấy tên Thụy quê Hưng Yên, bị điện giật.
Gia đình đưa tới một bệnh viện Hà Nội ( báo Tiền Phong viết tắt là bệnh viện B-mình ngờ là bệnh viện Bạch Mai)
Các bác sĩ trả về bảo về nhà đợi chết đi, chết ở bệnh viện nhiều thủ tục nhiêu khê lắm.
Mang chồng về, vợ anh Thụy lại thấy anh Thụy hồi tỉnh, lại mang chồng tới bệnh viện, lại bị các bác sĩ đuổi quát bảo mang về nhà chờ chết.
Cuối cùng thì chính bệnh viện đa khoa Phố núi và y học cổ truyền tỉnh Hưng Yên đã cứu sống anh Thụy.
Câu hỏi của anh Thụy như một quả bom giáng vào mặt các bác sĩ bệnh viện B: Tại sao các bác sĩ lại muốn em chết?
Còn mình muốn hỏi thêm, tại sao phóng viên báo Tiền Phong không đi tới cùng bài điều tra này? Phải chỉ rõ, bệnh viện B là bệnh viện nào?
Và câu hỏi này còn là câu hỏi âm hồn những đứa trẻ liên tục chết vì tiêm vacxin, âm hồn các cháu đang hỏi Bộ trưởng Tiến: Tại sao các bác sĩ lại để cháu chết? Tại sao biết rõ nguyên nhân cái chết khi tiêm vacxin mà Bộ y tế vẫn khăng khăng trả lời là chưa rõ nguyên nhân?
(tại đây)