#Stats1 ul{margin:0;border:0;padding:0;height:32px;background:url(//goo.gl/ZHG881) no-repeat 0 -34px} #Stats1 li{margin:10px 0;border:0;padding:0 0 0 40px;list-style-type:none} #totalComments{height:32px;background:url(//goo.gl/ZHG881) no-repeat} #totalCount{height:32px;background:url(//goo.gl/ZHG881) no-repeat 0 -68px}

Thứ Bảy, 13 tháng 4, 2013

CHANTS A NOTRE-DAME





Đây là bìa tập Thánh Ca CHANTS A NOTRE-DAME .
Bìa trong, tập tôi đang giữ, có chữ ký của cố Linh Mục Nhạc sĩ Hoàng Kim :

Ngoài ra, khi nhận tập nhạc này, tôi còn tìm thấy một mảnh bìa nhỏ màu hồng, được kẹp bên trong, có chữ viết tay ghi như sau :
Dom Robert Vion
Chants à Notre- Dame
( đơn sơ, bình dân, giá trị
HK. có vẻ khoái đặt lời Việt vào)
ed. de Fonterielle - Lyon 1958

Với bút tích trên, tuy không biết nét chữ của ai nhưng nếu  được cho biết  rằng Cha Hoàng Kim ( HK.) muốn chuyển ngữ tập nhạc này thì cho tới nay, tôi chưa hề được thấy tác phẩm người lưu lại.
Cùng một nhận xét với bậc Tiền Bối, tôi rất thích ngâm nga những giai điệu giản dị trong Chants a N.D.
Nay mạo muội dựa theo nguyên bản mà viết ra lời Việt một số bài riêng lẻ, còn bài Au pied de la croix  và phần Lần Hạt Mân Côi  trong Thánh ca Việt Nam đã có bản tiếng Việt  quá quen thuộc thì xin  bỏ qua.
Nếu Quý vị nào biết Cố LM.NS.Hoàng Kim  sinh thời đã thực hiện việc chuyển ngữ tập nhạc này,  vui lòng cho bần đạo xin một bản để học hỏi. Đa tạ.
Trang 4
Trang 5


























     





(còn tiếp)

Thứ Năm, 11 tháng 4, 2013

CỨ MÃI LÀ MÙA THU


NHT. Không chỉ đơn giản là đồng cảm với tác giả mà mình post một bài nào đó khi lướt web hay khi nhận được bài từ e-mail thân hữu ưu ái gửi cho. Ví dụ như bài này chẳng hạn, nội dung còn như xoáy  lòng, nhắc mình một mơ ước khắc khoải từ lâu nhưng biết khả năng có hạn, không dám mơ tới. Hôm nọ gặp cha Thượng, cha  tên Thượng nhưng là người Kinh, ở lâu với người Dân tộc, bảo cha rủ con đi, đầu cha gật gật, rồi lắc nhẹ, chán nản, không mong hy vọng. Ừ thôi, cha cứ thất vọng, nhưng xin cha đừng nản lâu, có những tâm tư nguyện vọng ở trong lòng Chúa biết và Chúa sẽ chúc phúc cho nó. Bằng cách nào, thưa, Chúa biết phải làm gì. Giả như Chúa không sai con cũng có lý của Chúa nhưng bù lại Chúa nhìn thiện tâm của cha, sẽ ban cho cha 10 HT khác nhiệt tình hơn. Cũng như Chúa sẽ chúc phúc cho những trăn trở của cha Thành. Với quyền năng vô biên của Thiên Chúa, đâu phải cứ mãi là mùa thu ! Mà là Thu thì cũng đẹp, cha Phụng bảo HT. phải ra Hà Nội vào mùa Thu, năm xưa cha Uy bảo chị ra mà nghe hát ru, ối giời thèm quá. Và chúng ta  ước gì tông đồ sẽ bộn như lá mùa thu nhỉ ! Những đôi mắt trẻ thơ  cao nguyên to tròn, đen nhánh và sâu thẳm vẫn luôn trong tâm khảm mình, tương tự như ký ức của cha Thành về chúng. 
Yêu sao !
CỨ MÃI LÀ MÙA THU
(tại đây)
Tuần Thánh năm nay tôi trải nghiệm ở vùng cao nguyên Pleiku, nơi vùng tôi đến có nhiều giáo điểm của cả người Kinh lẫn người Dân tộc. Sợ tôi không quen, hơn nữa khí hậu mùa hẻ nóng nực, anh em bảo tôi ở lại điểm lớn nơi nhà cửa tạm ổn định, cộng đoàn giáo hữu đông đảo và các phương tiện tương đối tốt hơn các giáo điểm khác, tuy nhiên cuối cùng tôi vẫn được vào dâng lễ Chúa nhật Phục Sinh ở một ngôi làng không hẻo lánh mấy trên đường đi Pleime nhưng rất nhỏ bé, đơn sơ, thiếu thốn đủ điều.
 Ngay khi đọc tên Pleime với chiều dài đường 20 km trên cột cây số, lòng tôi đã rộn ràng nghĩ về những trận đánh ác liệt trên vùng cao này, trong đó Pleime là tên tuổi gây kinh hoàng cho tuổi trẻ chúng tôi ngày ấy, tôi nhớ đến những người bạn nằm xuống vĩnh viễn trên cao nguyên đầy lửa đạn vì cuộc chiến tranh phi lý huynh đệ tương tàn. Tôi cầu nguyện cho họ được bình an, cả “bên thắng” lẫn “bên thua cuộc”, tôi nhắc lòng sẽ cầu nguyện đặc biệt trong Thánh lễ sáng nay.
 Làng Ia Drieng đón tôi bằng một khung cảnh mộc mạc, một mảnh đất bằng phẳng không cây không cỏ, chỉ có đất đỏ và một ngôi nhà nguyện nhỏ bé nghèo nàn rêu phong rệu rã, chân tường đỏ kè vì mưa làm văng đất đỏ lên. Dân làng ngơ ngác trước một ông to lớn quần áo tươm tất, họ nhìn tôi chăm chú và chắc họ đoán là ông cha đến dâng lễ chứ người làng đâu có ai “béo tốt” như vậy ! Nhưng không ai đám lại gần vì hình như giữa tôi và họ khác nhau quá, những mái đầu rối bù, những bộ quần áo cũ kỹ với lớp hoa văn sặc sỡ đã phai nhạt theo thời gian. Tôi hiểu thế nào và vì sao những người anh em của tôi trên các vùng truyền giáo luôn chọn lựa một thái độ ứng xử, một cách sinh hoạt xem ra không hợp mấy với người thành phố, để gần với anh em mình, mình phải nên như họ.
 Khi cho chịu lễ chúng tôi đặt tay chúc lành cho các em bé chưa đến tuổi được rước lễ và các anh chị em dự tòng chưa đến ngày thanh tẩy. Ở thành phố, tôi thường tủm tỉm cười khi bọn con trai hầu hết mang đầu đinh, tóc ướt đẫm mồ hôi vì nghịch ngợm, ngay cả khi lên để được chúc lành chúng vẫn nghịch, tay tôi chạm vào những đầu tóc lởm chởm. Các em làm tôi nhớ đến tuổi thơ năm xưa của mình, cũng nghịch không kém, cũng ướt át áo quần không kém các em ngày nay. Bọn con gái thì ngoan hơn, nhu mì hơn, nhưng nhiều lúc tôi phải phì cười vì những cái áo theo thời trang của người lớn, quá người lớn, có em mặc áo hai dây mà cũng có em chẳng có dây nào, xúng xính đi lên như người lớn, thậm chí tóc còn xịt keo bóng lộn!
 Bọn trẻ Dân tộc ở các làng quê thì khác, con trai cũng như con gái, tóc cháy vàng vì nắng gió, rít rịt vì hình như không gội đầu, hoặc có gội thì chẳng có sữa gội, vẫn bọn con trai với cái dầu loay hoay không yên, vẫn bọn con gái mắt mở to ngơ ngác nhìn Ama (Cha) lạ chúc lành cho chúng, có đứa chẳng chịu cúi mà còn ngước nhìn, không có chỗ cho sự đặt tay vì chúng cứ nhìn Ama lạ. Hôm ở Ia Drieng, một bà mẹ Dân tộc bế con lên chịu lễ, cho bà rước lễ xong tôi đặt tay chúc lành cho đứa bé, nhưng nó nhất định không chịu, quay đi khi tôi cố với đặt tay cho nó, cuối lễ ra ngoài sân tôi gặp lại hai mẹ con, thằng bé đang khóc thút thít, tôi hỏi tại sao cháu khóc, bà mẹ trả lời bằng một tràng tiếng dân tộc tôi không hiểu, khi có người dân tộc khác đến nói chuyện, anh ta cho tôi biết nó đang hờn mẹ nó vì chưa được chúc lành, sở dĩ nó không cho tôi chúc lành vì tôi không phải là Ama của nó, Ama của nó là vị linh mục đang chịu trách nhiệm vùng truyền giáo này, đối với nó như thế là hôm nay nó chưa được chúc lành. Tôi nhớ lại ý kiến của một linh mục trẻ đang dấn thân trên miền truyền giáo, ngài chia sẻ với tôi rằng “phải trở nên người Dân tộc, là người Dân tộc, được người Dân tộc thương, lúc đó mới nói Tin Mừng được”.
Trong mỗi chuyến đi lên vùng cao nguyên, tôi bị trăn trở vì mênh mông những bản làng chưa biết Chúa, tôi bị thôi thúc rất nhiều vì trùng điệp núi đồi chưa có ánh sáng Tin Mừng, tôi biết nhiều anh chị em linh mục tu sĩ đã dấn thân miệt mài cho công cuộc truyền giáo, tôi biết nhiều anh chị em tín hữu đã hiến dâng đời mình cho việc loan báo Tin Mừng, nhưng còn nhiều quá, quá nhiều những con người cần được ánh sáng Tin Mừng chiếu soi, quá nhiều núi đồi cần bóng thập giá. Ước gì chúng ta bớt đi những phí uổng công sức cho những nơi thừa bứa tiện nghi, ước gì chúng ta bớt đi những vấn đề không đáng đã làm hao tổn công sức của Giáo Hội, để Giáo Hội dồn sức cho hơn nữa những vùng cần đến lời Chúa, cần đến ơn cứu độ.
 Ước gì chúng ta bớt chăm chút cho hình dáng bên ngoài của những cộng đồng miền xuôi, để chia ít nhiều cho những ngôi nhà nguyện lụp sụp tăm tối, những nơi không có nhà nguyện phải che mảnh nhựa dâng lễ trong sân nhà một Bok (già làng) nào đó, những nơi chị em Dân tộc phải địu con thơ đi bộ nhiều cây số để tham dự Thánh lễ ngày Chúa nhật, rồi trở về dưới cái nắng gay gắt của miền cao.
Tôi trở về thành phố nhưng vẫn mang theo những cái đầu tóc cháy vàng rít rịt, những mái tóc cứng như rễ cây xoắn tít vào nhau, cái cảm giác nham nhám và khô cứng theo tôi mãi, tôi như đang chạm vào những thảm lá vàng của múa thu nào đó, chẳng lẽ cứ mãi là mùa thu ?
 Lm. Vĩnh Sang, dcct.

BÌNH AN


Sau khi sống lại, mỗi lần hiện ra với các môn đệ, Chúa Giêsu đều chào các ông "Bình an cho các con". Đây là lời chào thông thường của người Do thái "Shalom". Giáo hội cũng bắt chước lối chào đó, trong Thánh lễ, Chủ tế chào giáo dân "Bình an của Chúa hằng ở cùng anh chị em", và giáo dân chào lại "Và ở cùng Cha", nghĩa là "Và cũng xin bình an của Chúa hằng ở cùng Cha". Xét ra lời chào này hơi lạ so với những kiểu chào mà chúng ta quen biết, nhưng có ý nghĩa nhiều hơn. Quả thực. Bình an là điều quý nhất mà chúng ta cần có và cũng là điều tốt nhất mà chúng ta cầu chúc cho nhau. Nhưng bình an là gì mà quý như vậy? và làm thế nào để có được bình an? Đó là điều mà chúng ta sẽ đưa vào bài Tin Mừng hôm nay để tìm hiểu.
Khi ấy các môn đệ đang sợ: Thầy đã bị bắt và bị giết chết rồi. Rất có thể tới phiên các ông cũng sẽ bị bắt và bị giết như vậy. Cho nên họ sợ, và họ trốn trong nhà đóng kín cửa lại. Rồi Chúa Giêsu hiện đến ở với họ, trò chuyện với họ, cho họ xem các vết thương, ăn uống với họ, khích lệ họ... Thế là họ không còn sợ nữa. Họ được bình an. Nhưng do đâu mà họ được bình an? Có phải là vì nguy hiểm đã qua đi rồi chăng? Thưa không, nguy hiểm vẫn còn đó, kẻ thù vẫn còn vẫn đang tìm cách hãm hại các ông. Nhưng nay họ không sợ nữa là vì họ biết đã có Chúa ở bên cạnh họ. Có Chúa bên cạnh thì mọi nguy hiểm không còn làm họ nao núng nữa. Thực ra họ chưa hoàn toàn bình an đâu. Sau khi Chúa Giêsu biến đi thì họ lại sợ, lại đóng cửa trốn. Có lần họ cũng đánh bạo cùng nhau đi đánh cá. Nhưng mới thấy có một cái bóng đen tiến đến là họ lại sợ, họ tưởng là ma. Và khi biết đó là Chúa thì họ lại hết sợ. Mãi tới khi Chúa Giêsu nói với họ trước khi về trời rằng: "Thầy sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế", thì họ mới hết sợ hoàn toàn, họ mới hoàn toàn được bình an. Kể từ đó trở đi, các môn đệ mạnh dạn ra đi rao giảng. Người ta bắt, họ cũng không sợ, người ta tra tấn, họ không sợ mà còn vui mừng vì được chịu khổ vì Thầy; người ta xử tử, họ vẫn bình an vui sướng vì được giống như Thầy.
Như vậy, Bình an tức là một sức mạnh, một nơi nương tựa, một nguồn an ủi khiến ta không nao núng sợ sệt dù phải đứng trước bất cứ gian truân nguy hiểm nào. Bình an ấy có được khi ta ý thức có Chúa vẫn ở bên cạnh mình.
Giống như một em bé. Em đang chơi vui vẻ thì trời đổ mưa lớn. Sấm chớp ầm ầm, em hoảng sợ khóc thật lâu. Nhưng mẹ em đã đến, bế em vào lòng, em cuộn mình trong lòng mẹ và ngủ thiếp đi. Sau đó dù mưa vẫn cứ rơi, sấm chớp vẫn cứ ầm ầm, nhưng em vẫn ngủ yên vì em đang ở trong vòng tay che chở của mẹ. Đó là một hình ảnh rất đẹp giúp ta hiểu thế nào là sự bình an.

Phần chúng ta, nếu chúng ta luôn ý thức có Chúa ở bên cạnh mình, và ta luôn nương tựa vào Chúa như em bé nương tựa vào mẹ nó thì chúng ta cũng sẽ luôn được bình an.
Có một gia đình nọ, nhà nghèo, lao động thật là vất vả, tính toán làm ăn rất là lo âu. Nhưng chiều về, vợ chồng con cái đều quây quần trước bàn thờ gia đình và cùng đọc kinh tối chung. Họ dâng lên Chúa những lao nhọc trong ngày, họ xin Chúa thứ tha những vấp váp lỗi lầm đã phạm, họ phó dâng cuộc sống cùng tất cả mọi âu lo cho Chúa. Sau đó họ lên giường ngủ. Bình an! Biết bao gia đình khác cũng lao động vất vả như họ, cũng lo âu toan tính như họ, nhưng các gia đình đó không có được một giấc ngủ bình an. Chỗ khác nhau là một bên có Chúa và biết sống với Chúa, còn một bên thì không.
Hay như một cụ già kia đang hấp hối, cái chết gần kề mà vẫn bình thản sẵn sàng buông tay nhắm mắt ra đi không hề sợ sệt, vì cụ già ấy biết rằng mình ra đi là ra đi trong tay Chúa. Trong khi có biết bao nhiêu người khác đối diện với cái chết mà lòng hoang mang sợ hãi, họ sợ không dám ra đi, vì họ không biết đi về đâu, họ không có Chúa cùng đi với họ.
Kinh nghiệm mà các môn đệ đã trải qua là một bài học quý giá cho chúng ta. Sau khi Chúa Giêsu bị quân thù bắt giết đi, các ông đã sợ hãi trốn kín trong phòng đóng cửa lại, sợ vì cảm thấy cô thế không có Thầy nâng đỡ. Nhiều lần chúng ta gặp cảnh túng thiếu, gian truân, hiểm nguy, chúng ta cũng sợ hãi như thế, chúng ta muốn rút lui trốn tránh, chúng ta muốn ngã lòng, là vì chúng ta không có Chúa ở với mình. Nhưng khi các môn đệ đã biết có Chúa ở bên cạnh họ, cho dù Chúa chỉ hiện diện một cách vô hình sau khi Chúa đã về trời, các ông không còn sợ nữa mà lòng luôn bình an dù phải đối diện với bất cứ hiểm nguy nào. Thì chúng ta cũng thế: Chúa hằng ở bên cạnh chúng ta nếu chúng ta ý thức được điều đó, nếu chúng ta biết tin yêu phó thác vào Chúa và làm việc gì chúng ta cũng nghĩ là có Chúa cùng làm với chúng ta thì chúng ta cũng sẽ luôn được bình an.
Nguyện chúc bình an của Chúa hằng ở cùng chúng ta luôn mãi. Amen.
Lm. Carôlô Hồ Bặc Xái

Thứ Tư, 10 tháng 4, 2013

NHÀ VUA, ÔNG MUỐN CHẾT THẾ NÀO?


Có một vị hoàng đế kia trị vì một đất nước giàu có hùng mạnh. Nhưng tâm hồn ông không thoải mái an vui vì ông luôn bị ray rứt bởi những tội lỗi tàn bạo đã phạm trong thời quá khứ. Một hôm ông bỏ hoàng cung đi vào rừng, cất một túp lều đơn sơ. Trong rừng có một vị ẩn sĩ. Nhà vua tìm đến và nói :
-"Thưa Ngài, tôi muốn từ bỏ kinh thành ồn ào náo nhiệt vào đây để tìm được một sự bình an như Ngài đang hưởng".
Ẩn sĩ đáp:
- "Tâu đức vua, ở đây cũng không hơn gì nơi khác, vì bình an phải ở trong lòng người".
Nhà vua trở về lều mình. Khi thì quỳ gối tha thiết đọc kinh, khi thì thơ thẩn trong rừng, chỉ ăn lương khô và uống nước lã. Chiều đến nhà vua mệt lả ngả mình xuống đất có trải một mớ lá khô. Nhưng suốt đêm cứ trằn trọc không ngủ được. Sáng hôm sau ông tìm đến vị ẩn sĩ: - "Thưa ngài, lương tâm tôi cắn rứt làm tôi không ngủ được. Xin ngài nghe lời thú tội của tôi".
 Ẩn sĩ đáp:
-"Chỉ có Thiên Chúa mới có quyền tha tội thôi".
Nhà vua cãi:
-"Nhưng tôi không nghe được tiếng Chúa".
Ẩn sĩ trả lời:
-"Tiếng Chúa chỉ nghe được trong thinh lặng, mà thinh lặng chỉ có ngay trong lòng ta. Người nào chỉ biết kêu cầu than vãn rên rỉ mãi mà không biết thinh lặng lắng nghe thì sẽ không nghe được tiếng Chúa".
 Nhà vua trở về. Vài hôm sau ông đến chào vị ẩn sĩ:
-"Tôi đã nghe lời ngài, tôi không kêu than rên rỉ nữa mà tập thinh lặng lắng nghe, và tôi đã được nghe tiếng Chúa. Nhưng đó không như tiếng loài người, tôi chỉ nhận thấy như một cảm xúc êm dịu là lỗi lầm của tôi đã được tha thứ. Xin cám ơn ngài, hôm nay tôi sẽ trở về triều đình".
Vài năm sau nhà vua lại trở vào rừng, và cũng tìm đến vị ẩn sĩ:
-"Thưa ngài không bao giờ tôi quên được tâm trạng an bình khi sống trong rừng này. Hôm nay tôi muốn trở lại đây ít lâu để cầu xin Chúa cất bớt những gánh nặng mà hằng ngày tôi phải vác".
Ẩn sĩ đáp:
-"Tâu Bệ Hạ, khi chúng ta phàn nàn với Chúa về các gánh nặng của mình thì cách đáp ứng tốt nhất của Chúa là không phải cất những gánh nặng đó đi, nhưng là tăng cường đôi vai của ta để ta có thể vác nổi những gánh nặng đó".
Nhà vua thắc mắc:
-"Nhưng làm sao biết được Chúa đang tăng cường sức mạnh cho ta?"
Ẩn sĩ:
-"Bao lâu ta còn dãy dụa chiến đấu thì ta chưa nhận biết được điều đó. Cần phải thinh lặng, ngưng chiến đấu mà chờ đợi sự trợ giúp của Chúa thì khi đó ta mới cảm thấy được bàn tay uy quyền của Chúa đang giúp sức cho ta".
Nhà vua cám ơn lui về. Vài ngày sau ông trở lại chào biệt vị ẩn sĩ :
-"Thưa ngài tôi đã cảm nghiệm rằng Đấng đã làm cho cỏ cây xanh tốt và nuôi nấng chim trời cũng đang dang tay tăng sức mạnh cho đôi vai tôi. Xin cám ơn ngài và chào ngài".
Thế là nhà vua trở về triều đình. Mấy năm sau ông lâm trọng bệnh, sai người đi mời vị ẩn sĩ đến. Khi ẩn sĩ đến, nhà vua nói:
-"Thưa ngài đã hai lần ngài giúp tôi tìm thấy bình an. Bây giờ là lần thứ ba mà cũng là lần chót, vì tôi sắp từ giã cõi đời này".
 Ẩn sĩ hỏi:
-"Bệ Hạ có còn nhớ cái ngày mà cơn khủng khiếp đầu tiên rời xa Bệ Hạ?"
Vua đáp:
-"Không bao giờ tôi quên, đó là ngày tôi biết lắng nghe tiếng Chúa trong thâm tâm".
Ẩn sĩ hỏi tiếp:
-"Bệ hạ còn nhớ cái ngày mà cơn khủng khiếp thứ hai rời xa Bệ Hạ không?"
 Nhà vua đáp:
- "Cũng không bao giờ quên, đó là ngày tôi biết chờ đợi trong thinh lặng ơn Chúa đến tăng sức cho tôi".
Ẩn sĩ bây giờ cao giọng:
- "Tâu Bệ Hạ, Bệ Hạ đã được nghe tiếng Chúa, Bệ Hạ đã được thấy bàn tay Chúa tăng sức cho Bệ Hạ. Bây giờ Bệ Hạ sắp được chiêm ngưỡng Chúa".
 Nhà vua sung sướng như đang mơ :
-"A, tôi sẽ được chiêm ngưỡng Chúa. Nhưng làm sao được?"
Ẩn sĩ giải thích:
-"Chỉ khi ở trong yên lặng tuyệt đối, khi cái nhìn của chúng ta không còn nhìn vào cõi đời đầy những sầu thương tang tóc, không còn ngó nhìn về những tương lai với những ước mơ hay sợ sệt, không còn ngó vào bên trong mình để ngắm chính cuộc đời mình, mà chỉ nhìn về hướng duy nhất là Chúa thôi, thì khi ấy chúng ta sẽ được chiêm ngưỡng Chúa".
Nhà vua thì thầm:
-"Yên lặng tuyệt đối. Người ta có thể yên lặng tuyệt đối không?"
 Ẩn sĩ đáp:
 "Ở đời này thì không. Nhưng trong sự chết thì được".
Nhà vua sung sướng thì thầm :
- "Thế thì tôi muốn chết".
Và ông sai sứ giả đi khắp nơi trong nước ra lệnh cho thần dân đừng cầu nguyện cho ông khỏi chết nữa. Còn trong phòng của nhà vua thì cả ngày hôm đó rất yên tĩnh. Khi bình minh ló rạng thì nhà vua ra đi an bình. Cái nhìn của ông như chìm vào một cõi xa xăm, một nụ cười tươi sáng rạng ngời trên gương mặt của nhà vua. Ông đã chiếm hữu được sự an bình vĩnh cửu (Vị Ẩn sĩ)
( Chuyện minh họa trong bài giảng của Lm. Carôlô Hồ Bặc Xái)
------------------------------------------------------------------------
Bài "khuyến độc" :
 HÀI CỐT MỘT ÔNG VUA (*)
Hoàng đế Richard III
Bằng chứng ADN xác nhận, hài cốt nằm dưới một bãi đậu xe ở Leicester, Anh thuộc về vị vua Richard III, trị vì xứ sở sương mù trong những năm cuối thế kỷ 15.
Để xác định xem hài cốt có phải là vua Richard III, các nhà khoa học đã lấy mẫu ADN từ bộ xương và so sánh mẫu đó với những hậu duệ của đức vua. Kết quả mà họ thu được vô cùng đáng kinh ngạc, khi bằng chứng ADN giúp khẳng định, bộ xương nằm sâu 5m dưới bãi đỗ xe ở Leicester chính là vị vua bị giết chết trong trận chiến năm 1485.
Không chỉ giúp các nhà khảo cổ tìm ra phần mộ của vua Richard III, bộ xương còn tiết lộ những điều kinh hoàng mà vị vua trẻ tuổi phải trải qua trong những ngày cuối đời. Bộ xương cho thấy, vua Richard III bị thương ở 10 vị trí khác nhau ngay trước khi bị hạ sát. Thậm chí, các vết thương còn cho thấy quãng thời gian kinh hoàng nhất cuộc đời Richard III.
Theo đó, vua Richard III bị hành hạ, tra tấn với một vết thương nghiêm trọng ở đầu, khiến một phần não bị lấy khỏi hộp sọ. Ngoài ra, còn một vết thương rất nghiêm trọng khác được phát hiện ở ngực trong khi khinh khủng nhất là vết thương ở xương chậu, do vũ khí nào đó đâm xuyên từ dưới mông lên trên.
Những mô tả giải phẫu còn cho thấy, bộ xương thuộc về một người đàn ông mảnh khảnh, trên dưới 30 tuổi. Thời điểm chết được xác nhận khi vua Richard III chừng ngoài 30 tuổi. Hình ảnh bộ xương cũng cho thấy cột sống bị cong, cho thấy đây là một người gù. Có bằng chứng cho thấy một trong những cánh tay bị teo, nhưng chưa đủ chứng cứ xác nhận.
Trên thực tế, bộ xương nằm dưới bãi đậu xe đã được phát hiện và khai quật từ tháng 8/2012, sau đó được Đại học Leicester lưu giữ để tiến hành nghiên cứu. Kết quả cho thấy, bộ hài cốt thuộc về Richard III, vị vua Plantagenet cuối cùng của nước Anh.
“Thực sự đáng kinh ngạc và có thể nói rằng chứng minh được danh tính bộ xương thuộc về Richard III là một trong những khám phá khảo cổ lớn nhất thời gian gần đây”, Richard Taylor chuyên viên cấp cao của nhóm nghiên cứu khẳng định.

Bộ xương được xác định bên dưới một bãi đậu xe tháng 8/2012.
Nhà văn, nhà viết kịch lừng danh William Shakespeare mô tả, Richard là vị bạo chúa khét tiếng người tự tay giết chết hai hoàng tử trong Tháp London, bị tử trận tại chiến trường Bosworth bởi đội quân do Henry Tudor chỉ huy. Theo ghi chép lịch sử, thi thể vị vua này được phát hiện cách Leicester 25km và được chôn cất tại tu viện dòng Franciscan.  ( Theo Zing)
(*) Tựa do blogger

Thứ Ba, 9 tháng 4, 2013

ĐAN SĨ NGÀN THƠ

Linh mục nhà thơ Điệp Lan Đình (cha Hồng)
NHT. Dưới đây là bài hát phổ thơ một Đan Sĩ Xitô : Linh mục  Điệp Lan Đình.
         Cha có một chồng những tập thơ mong mỏng để tặng khách yêu thơ.
         Cha có  khuôn mặt vui vẻ thanh nhàn với nụ cười tươi luôn nở trên môi.
         Cha có cách nói chuyện hồn nhiên, đơn sơ như đời không có gì phải  lo lắng .
         Cha cởi mở, hiếu khách khiến cho không ai là không muốn xin ...thơ cha, ngay cả cái đứa biết làm thơ (dẫu là thơ con cóc) nó cũng cố nhào vào đòi cha cho cả bộ. Với lại  ai bảo các cha trẻ cũng cứ gại khách : Có muốn xin thơ Điệp Lan Đình không ? Cho đấy, ngài có nhiều lắm. Thế là ùa xin, thế là cha vào phòng lấy ra, cho tất. Mấy chục tập tinh tươm.
Nơi đây, người cho thơ .

Người cười tươi như thơ
Trước khi dợm chân đi (cha đi 3 chân), cha dặn : Ở yên đấy, không được theo vào. Ha ha, cha sợ lỗi đức Trong Sạch chắc !
         Tưởng cha già thì chắc thơ cha ngây ngô, buồn cười,
         Nhưng không hề nhé !
         Thơ  Điệp Lan Đình rất  ý nhị, sâu lắng, đạo đức đơn sơ  và ...nên thơ thật.
         Mời bạn đọc một trong những ý thơ nhè nhẹ của cha già (lại già, kỳ ghê, "người ta" đâu đã già !) đáng kính mến :
         VỀ NHÀ CHA -  Thơ Điệp Lan Đình  - nhạc  Hải Triều


Đan viện Xitô Phước Vĩnh, Trà Vinh.
Các cha Xi-tô đứng trước chuồng bò, bò đi vắng. Trong ảnh có 1 cha là em ruột lm. nhạc sĩ Ân Đức ( áo xanh nhạt, tướng hộ pháp).

Kỷ niệm ngày 13.3.2013 vào thăm đan viện Xi-tô Thánh Mẫu Phước Vĩnh, ấp Thôn Rôn, Vĩnh Kim, Cầu Ngang, Trà Vinh.
Mấy hôm sau vào trụ sở Phước Sơn, 81 Trần Bình Trọng, Q.5 mới thấy thơ Điệp Lan Đình rải khắp tường !
In phun trên simili, tếch-ních-cô-lo, đặt trang trọng nơi phòng tiếp khách nhé.
Chỉ thương nhà dòng này sao nghèo quá, chả có cái gì đáng kể, cái gì cũng cũ.
Thơ Điệp Lan Đình thì  bám ...bụi. Tội ghê !
HT.


Thứ Hai, 8 tháng 4, 2013

PHÚT SUY TƯ

Đáng lẽ bây giờ con rời máy.
Không lẽ hôm nay con suy nhiều vậy ?
Dạ thưa Mẹ Mến Yêu,
không phải tự dưng con phởn chí như thế, nhưng  chính Mẹ đã cho con niềm hứng khởi .
Lạy Mẹ Maria, Mẹ Thiên Chúa,
Con xin cám ơn Mẹ.
Mẹ biết, hôm qua con suy nghĩ nhiều về món quà dâng Mẹ trong ngày lễ ghi nhớ giây phút sứ thần truyền tin cho Mẹ, Mẹ đã trả lời Xin Vâng, phúc đức cho toàn nhân loại.
Con cám đội Mẹ Ơn Cả ấy bằng cách post bài hát đơn sơ "Chữ M là Mẹ mến yêu", lời của cha Bài cho con. Con xòe hai tay minh họa và hát cho Mẹ nghe. Khi ấy con nhận ra rằng hai bàn tay con thật là đẹp khi được Tạo Hóa in dấu chữ M hoa. Còn hai tay Chúa ...?
Rồi như Mẹ cũng đã biết, con đã hứa sẽ post  suy niệm của cha bạn, nên khi nhận được bài của ngài, con chép và đăng ngay không cần đọc trước.
Thật không ngờ, nội dung bài viết này lại nói về HAI BÀN TAY CHÚA.
Như nhắc con chưa phải lúc ngừng suy.
Những ý tưởng trong bài chứa đầy khắc nghiệt, thương tâm khi nhắc con người tưởng nghĩ về hai bàn tay Chúa chịu đóng đinh vào Thánh Giá.
Khiến cho con suy rằng : Giả như thời gian chỉ ngừng ở  3 giờ chiều Thứ Sáu Thánh , Chúa chết thì nhân loại còn chi để nói ! Nhưng không, vì Chúa là Sự Sống thì đượng nhiên Chúa sẽ sống lại và khi Chúa sống lại thì dấu đinh đóng ở hai tay Chúa đó đã trở thành Hình Ảnh Bất Tử tuyệt vời.
Như vậy, hai bàn tay con với chữ M đã được tuyệt hóa , họa theo nét đẹp hoàn hảo của hai bàn tay Chúa.
Dấu đinh của Chúa đã thánh hóa chữ M của con.
Giống như bác sĩ Scott Harrison, mỗi khi nhìn vào hai bàn tay, chớ gì con có thể hô lên như thánh Tôma : "Lạy Chúa là Thiên Chúa của con". Thảng thốt, run rẩy, xúc động !
Thôi chứ Chúa, tạm biệt Chúa con đi đóng vai Mat-tha, nổi lửa bếp nhà ....

LẠY CHÚA LÀ THIÊN CHÚA CỦA CON



LẠY CHÚA LÀ THIÊN CHÚA CỦA CON (*)
Trong tạp chí Guidepots, bác sĩ Scott Harrison, một chuyên viên phẫu thuật bàn tay có viết rằng: lần nào giải phẫu ông cũng đều kêu lên vào một lúc nào đó: “Lạy Chúa là Thiên Chúa của con!”.  Ông có thói quen lạ lùng nầy từ hồi ông còn ở Việt Nam.  Một đêm nọ, vừa mới rời trường Y, ông được kêu đi gắp một viên đạn bị kẹt trong tay một người lính.  Đã vậy, ông còn phải giải phẫu dưới ánh sáng của ngọn đèn pin.  Cuộc giải phẫu ấy khiến ông cảm xúc sâu xa đến nỗi sau khi cuộc chiến kết thúc, ông đã quyết định đi chuyên ngành giải phẫu bàn tay.  Nhờ đi sâu vào lãnh vực chuyên môn nầy, ông đã thẩm định được cách sâu sắc cơn đau khủng khiếp do một vật gây ra, chẳng hạn như một viên đạn, khi vật ấy xuyên thủng lớp xương, lớp gân và những sợi dây thần kinh nơi bàn tay con người.  Nhà phẫu thuật ấy kể rằng ông thường giật thót người mỗi lần nghĩ đến cơn đau kinh khiếp Chúa Giêsu phải chịu khi đôi tay Ngài bị đóng đinh vào thập giá.
Khi chia sẻ bài Tin Mừng hôm nay, ông nói rằng theo ông, tiếng kêu “lạy Chúa là Thiên Chúa của con” của Thánh Tôma không chỉ là một lời tuyên xưng đức tin, mà còn là tiếng kêu đầy rung động khi vị tông đồ nhìn thấy dấu vết của đôi bàn tay bị xé toạc ra của Chúa Giêsu.  Chỉ đến lúc đó, Tôma mới hoàn toàn nhận thức được cơn đau đớn Chúa Giêsu đã phải chịu trên thập giá.  Theo nhận định của nhà phẫu thuật, khám phá nầy hầu như vượt quá mức chịu đựng của Tôma.  Và ông đã kết thúc bản văn đầy cảm động đó với lời chứng sau đây: “Mỗi lần giải phẫu mà nhìn phía dưới làn da của bàn tay con người, tôi luôn nhớ tới Chúa Kitô đã hy sinh đôi tay toàn hảo của Ngài cho tôi, và cũng như Tôma, tôi thốt lên: “Lạy Chúa là Thiên Chúa của con”.

********************************************
Câu chuyện trên làm nổi bật một điểm thuộc về đức tin mà chúng ta rất thường hay quên.  Đó là mỗi người chúng ta phải tiếp xúc trực tiếp với Chúa Giêsu qua đức tin.  Không phải vì cha mẹ, họ hàng, bạn hữu chúng ta tin nên chúng ta tin theo.  Đức tin của họ giúp ích cho chúng ta rất nhiều, nhưng chỉ như thế mà thôi thì chưa đủ.  Chúng ta phải tiếp xúc trực tiếp bằng đức tin với Chúa Giêsu giống như nhà phẫu thuật trong câu chuyện, hoặc giống như Thánh Tôma trong Tin Mừng hôm nay.  Ông nghĩ mình có quyền được xem thấy Chúa sống lại như các anh em khác.  Các tông đồ kia lúc đầu cũng chẳng ai tin Chúa đã sống lại.  Các ông chỉ tin sau khi được tiếp cận với Chúa Giêsu, được sờ đến thân xác Ngài, được ăn uống với Ngài.  Vì thế, Tôma thấy mình thiệt thòi và thua kém.  Cho nên ông cương quyết không chịu tin lời anh em kể lại và ông đòi phải được sờ vào những dấu đinh ở tay Ngài.
Ông Robert Cleath, một tác giả viết sách đã trở lại với đức tin khi ông suy niệm về sự biến đổi kỳ diệu đã đến với các môn đệ Chúa Giêsu vào dịp lễ Phục Sinh.  Trước biến cố nầy, họ là đám người thất vọng thảm bại, thế mà sau biến cố nầy, họ đã được biến đổi kỳ diệu và còn có năng lực làm phép lạ nữa.  Ông nói: “Không có cách giải thích nào hữu lý về sự biến đổi của họ hơn là sự giải thích của chính họ: đó là vì họ đã nhìn thấy Chúa Giêsu hiện đang sống”.
Blaise Pascal, nhà thiên tài toán học, được hấp dẫn đến với đức tin khi ông suy niệm về sự kiện, không có sự đe dọa giết chóc nào có thể ngăn cản các môn đệ Chúa Giêsu nói thật to cho thế giới biết rằng, Chúa đã sống lại.  Pascal nói ông tin chắc chắn vào kẻ nào dám sẵn sàng chịu “chém đầu” vì lời rao giảng của mình.
Ernest Gordon( 1916-2002)
Trong cuốn sách mang tựa đề “Ngang qua thung lũng sông Kwai”, Ernest Gordon đã kể lại câu chuyện hai ngàn tù binh đã bị chết vì bệnh tật và vì bị đối xử tàn tệ.  Thế nhưng, họ được lôi cuốn đến với đức tin qua cảm nghiệm riêng tư về quyền năng Chúa Giêsu đang hoạt động trong cuộc sống của họ.  Chúng ta hãy nhớ lại những tù binh nầy từng lao động đầu trần chân đất dưới cơn nóng cháy da miền nhiệt đới.  Trong chỉ vài tuần lễ, từ những người đàn ông lực lưỡng, họ đã biến thành những bộ xương biết đi.  Tinh thần họ bị xuống đến mức tệ nhất.  Người ta lo sợ sắp có điều gì xảy ra.  Thế nhưng vào ngay thời điểm ấy, hai tù nhân đã đứng lên tổ chức nhóm tù còn lại thành những nhóm tìm hiểu Kinh Thánh.  Nhờ suy tư tìm hiểu Kinh Thánh, các tù nhân đã học biết rằng Chúa Giêsu Phục Sinh đang ở giữa họ.  Họ chỉ việc tiếp xúc với Ngài.  Và sau khi tiếp xúc với Ngài, các tù nhân đã được biến đổi kỳ diệu trong cuộc sống từng người.  Chính cảm nghiệm thiêng liêng nầy khiến họ quỳ gối xuống thưa Chúa Giêsu “Lạy Chúa là Thiên Chúa của con”.
Chúng ta cũng phải biểu lộ niềm tin trực tiếp vào Chúa Giêsu như thế.  Chúng ta cũng phải tìm được lý do riêng tư thôi thúc chúng ta quỳ gối xuống thưa với Chúa Giêsu: “Lạy Chúa là Thiên Chúa của con!”.  Dĩ nhiên chúng ta không thể leo lên cỗ máy thời gian, bay ngược dòng lịch sử cách đây hơn 2000 năm để dự lễ Phục Sinh đầu tiên.  Chúng ta cũng không thể đặt ngón tay vào lỗ đinh nơi tay Chúa Giêsu giống như Thánh Tôma.  Vậy thì chúng ta có thể làm gì?

Chúng ta có thể làm như những tù nhân ở bờ sông Kwai.  Chúng ta có thể tin vào Tin Mừng, có thể tiếp xúc với Chúa Giêsu bằng đức tin, có thể cảm nghiệm được Chúa Giêsu Phục sinh đang ngự giữa chúng ta: Ngài sẵn sàng giúp đỡ chúng ta như Ngài từng giúp đỡ đám tù binh nọ.  Đây là lời mời gọi mà Tin Mừng hôm nay dành cho chúng ta.  Đây là lời mời gọi Chúa Giêsu ngỏ với chúng ta như Ngài nói với Thánh Tôma: “Tôma, vì con đã thấy nên con mới tin, nhưng phúc cho kẻ nào không thấy mà tin”.
Khi Chúa Giêsu nói với Thánh Tôma: “Phúc cho ai không thấy mà tin” là Ngài đang ngỏ lời với chính chúng ta, cũng như với triệu triệu Kitô hữu trong suốt dòng lịch sử.  Phúc cho chúng ta nếu chúng ta tin vào Tin Mừng.  Phúc cho chúng ta nếu chúng ta tiếp xúc với Chúa Giêsu bằng đức tin.  Thật vậy, phúc cho chúng ta, vì cũng như các tù binh nọ, chúng ta sẽ khám phá được Chúa Giêsu đã sống lại, và hiện đang sống ngay lúc nầy đây giữa chúng ta, và luôn sẵn sàng giúp đỡ chúng ta.
Cuối cùng, đức tin còn phải được nuôi dưỡng bằng những dấu hiệu, dấu chỉ.  Không có các bí tích, không có Thánh Thể, chúng ta sẽ tìm đâu ra cơ hội để gặp thấy sự hiện diện của Đức Kitô Phục Sinh? Một khi đức tin của chúng ta đã được các dấu hiệu, các bí tích nầy thức tỉnh rồi, thì mọi sự sẽ có thể trở thành dấu hiệu về sự hiện diện của Chúa Kitô: các biến cố, các hoàn cảnh, tha nhân…  Mỗi giây phút đưa chúng ta đến với một cuộc gặp gỡ và chúng ta lại có thể tuyên xưng như Thánh Tôma tông đồ:“Lạy Chúa, lạy Thiên Chúa của con”.
Trích trong ‘Niềm Vui Chia Sẻ’
-----------------------------------------------------------------------------
* Bài do Lm. Jean Vianey TVL. cung cấp. Xin cám ơn cha. NHT'
( Ảnh mạng)

CHỮ M LÀ MẸ


Kính cha Antôn,
Hai câu thơ Lục Bát yêu mến Mẹ là Món quà cha tạm biệt Saigon trở về Foyer de Charité của cha , con đã thực hành ngay theo lời cha dặn : Viết nhạc.
Con vẫn hát cho Đức Mẹ nghe.
Hôm nay Lễ Truyền Tin, suy lời Xin Vâng của Mẹ, cũng nhân vậy, con xin đăng trình bản nhạc này.
con, Hải Triều

Chủ Nhật, 7 tháng 4, 2013

KHỦNG HOẢNG ĐỨC TIN


Khủng hoảng đức tin là chuyện thường gặp. Tôma đã gặp, và Tolstoy cũng đã gặp, như câu chuyện sau đây:
Năm 1879, Tolstoy 51 tuổi. Khi đó ông có đầy đủ mọi lý do để thỏa mãn về đời mình. Ông đã viết nhiều tác phẩm, đặc biệt hai bộ "Chiến tranh và Hòa bình", và "Anna Kerenina". Những tác phẩm ấy đã khiến ông nổi tiếng và bảo đảm cho ông một vị trí nổi bật trong lịch sử văn chương thế giới. Ai cũng công nhận ông là người có thiên tài và đầy óc sáng tạo. Lẽ ra Tolstoy phải rất hạnh phúc. Thế nhưng ông lại cảm thấy bất hạnh. Ông thấy đời mình thật vô nghĩa lý. Một câu hỏi luôn ám ảnh ông: "Liệu trong dời mình có cái gì có ý nghĩa mà không bị sự chết hủy diệt đi không?". Khoảng thời gian ấy thật khủng khiếp đối với Tolstoy, đến nỗi ông đã tính đến việc tự tử. Ông đi tìm câu trả lời trong mọi lãnh vực kiến thức loài người. Ông tìm kiếm suốt ngày suốt đêm, giống như một người sắp chết đi tìm đường sống. Nhưng tìm mãi mà ông chẳng gặp gì cả.
Thế rồi ông tìm nơi những niềm tin Kitô giáo. Thực ra ông đã được sinh ra và lớn lên trong đức tin Kitô giáo nhưng ông cũng đã bỏ nó từ lâu, lý do là ông thấy nó quá vô nghĩa trong môi miệng những người sống ngược hẳn với đức tin của họ. Tuy nhiên cũng chính đức tin ấy lại thu hút ông khi ông nhìn những tín hữu sống đức tin ấy. Ông viết: "Tôi đã nghĩ rằng chẳng có sự thật chắc chắn nào trong đời. Nhưng rồi tôi đã tìm thấy một nguồn sáng chắc chắn, ấy là Tin Mừng. Tôi đã loá mắt vì sự sáng ngời của Tin Mừng. Những lời dạy của Chúa Giêsu quả thực là một giáo huấn tinh tuyền nhất và trọn vẹn nhất cho đời sống. Từ 2000 năm nay, những lời dạy cao quý ấy đã tác động lên biết bao người một cách tuyệt vời không thể tìm được nơi bất cứ ở nào khác. Từ đó một ánh sáng đã bừng chiếu trong tôi và quanh tôi, và ánh sáng ấy không bao giờ rời xa tôi nữa".
Có nhiều người được sinh ra trong đức tin, và trải qua bao năm tháng đức tin ấy vẫn cứ vững mạnh. Thật là một ơn ban vô cùng quý giá. Nhưng cũng có nhiều người mà đức tin luôn là một cuộc chiến đấu liên lỉ. Họ phải trải qua những cơn khủng hoảng đức tin rồi mới có được một đức tin sâu sắc và xác tín.
Nói cách lý thuyết, chỉ có đức tin mới trả lời được cho những câu hỏi sâu xa về cuộc đời. Nhưng trên thực tế, chúng ta không nên hy vọng rằng đức tin sẽ giải quyết hết mọi vấn đề của chúng ta. Không phải chỉ vì chúng ta tin mà chúng ta có được mọi câu trả lời. Tuy nhiên chúng ta đâu cần biết hết mọi câu trả lời, vì tin là tín nhiệm chứ không phải là chắc chắn.
Câu chuyện của văn hào Tolstoy giúp chúng ta nhận thức rằng đức tin được chứa đựng trong một chiếc bình dễ vỡ như thế nào. Nó cũng giúp ta hiểu thêm rằng đức tin kitô giáo chủ yếu không phải là tin vào một mớ giáo điều, mà là tin vào một Đấng đã yêu thương chúng ta - những thương tích của Ngài chứng tỏ điều đó. Hơn nữa, Thánh Kinh còn cho ta biết điều quan trọng không phải là niềm tin chúng ta đặt vào Thiên Chúa mà là niềm tin mà Thiên Chúa đặt vào chúng ta.
Lm. Carôlô HỒ BẶC XÁI

Thứ Bảy, 6 tháng 4, 2013

BÀI HỌC TỪ TÔMA



Thật là sai lầm khi tưởng rằng tin là chuyện dễ dàng đối với những kẻ may mắn được thấy Chúa Giêsu hơn là đối với chúng ta ngày nay. Tin Mừng đã cho thấy có nhiều người đã được thấy Chúa Giêsu nhưng họ vẫn không tin. Vậy "thấy" không nhất thiết sẽ dẫn tới "tin". Muốn tin thì phải có một quyết định.
Thực thế, các sách Tin Mừng đã kể rằng ngay cả các tông đồ mà cũng gặp khó khăn trong việc tin. Tôma không phải là người duy nhất đã hồ nghi về việc Chúa Giêsu sống lại, mọi tông đồ khác cũng thế. Tin Mừng Thánh Mác cô kể rằng khi Chúa Giêsu hiện ra với họ vào buổi chiều ngày phục sinh thì Ngài đã "trách họ vì sự không tin và cứng lòng bởi họ đã không tin theo lời của những người đã từng thấy Ngài sau khi Ngài sống lại" (Mc 16,14)
Chúng ta có thể thông cảm với các tông đồ. Việc Chúa Giêsu bị đóng đinh quả là một gáo nước lạnh tạt thẳng vào mặt họ. Họ đã đầu tư rất nhiều vào Ngài. Họ đã bỏ nghề nghiệp và bỏ hết mọi sự để theo Ngài. Rồi bỗng nhiên Ngài bị giết chết. Thực tế về cái chết của Ngài càng rõ ràng bao nhiêu thì họ càng cảm thấy mất mát bấy nhiêu. Giá trị và ý nghĩa của mọi thứ đều bị đe dọa: tình thân với Ngài, niềm tin vào Ngài, và cả cuộc đời của họ nữa.
Đang lúc đó thì một chuyện không thể tin được xảy ra: đột nhiên họ nhìn thấy Ngài đang đứng ở giữa họ. Việc đầu tiên Ngài làm là chỉ cho họ thấy các vết thương của Ngài. Tại sao Ngài làm thế? Thứ nhất là vì những vết thương ấy giúp họ nhận dạng được Ngài, xác định Ngài vẫn là người trước đó đã bị đóng đinh. Thứ hai là những thương ấy là bằng chứng rằng Ngài yêu thương họ, một tình yêu chứng tỏ bằng hành động. Kế đó Chúa Giêsu mời họ hãy xem và hãy sờ vào những vết thương ấy.
Thái độ của Tôma rất đáng làm gương cho chúng ta. Đó là một thái độ thẳng thắn vì không dấu diếm nỗi hồ nghi của mình. Hồ nghi thường là dấu chỉ của sự yếu kém. Khi chúng ta hồ nghi ai thì đồng thời chúng ta cảm thấy như mình có lỗi với người ấy. Tuy nhiên hồ nghi cũng có thể là một bước khởi đầu tốt, dẫn tới một sự hiểu rõ hơn và sâu hơn. Đây là trường hợp của Tôma: nhờ hồ nghi nên sau đó Tôma đã đạt tới một lời tuyên xưng đức tin cao nhất trong sách Tin Mừng "Lạy Chúa, lạy Thiên Chúa của con".
Ở thế gian này, chẳng có gì là tuyệt đối chắc chắn về những sự thiêng liêng, vì nếu có thì đâu cần tới đức tin nữa. Những sự tuyệt đối chắc chắn có thể dẫn tới thái độ ngạo mạn, bất khoan dung và ngu xuẩn. "Người có đức tin mà không bao giờ cảm thấy hồ nghi thì thực ra không phải là người có đức tin" (Thomas Merton)
Mỗi cộng đoàn đều cần có một con người như Tôma, tức là con người dám đặt ra những câu hỏi mà không ái khác dám đặt ra. Người như thế là người đáng tin, người như thế còn giúp những khác trở thành những kẻ đáng tin, bởi vì người như thế giúp cho những người đang tin nhận ra đức tin của họ còn yếu kém lắm, và đồng thời cũng làm cho những kẻ hồ nghi cảm nhận được nỗi ray rứt khi không có niềm tin.
Sau khi vượt qua cơn khủng hoảng đức tin, Tôma đã mạnh dạn làm chứng cho Chúa Giêsu và trở thành một trong những vị thừa sai vĩ đại nhất của Giáo Hội sơ khai. Theo thánh truyền, ngài đã mang Tin Mừng đến các xứ Ba Tư, Syria và Ấn Độ, nơi ngài chịu tử đạo. Tôma là vị tông đồ đầu tiên chết vì đức tin.
Chúa Giêsu mời chúng ta đến gần Ngài trong đức tin và chạm vào các vết thương của Ngài. Mặc dù chúng ta không thể chạm tới Ngài một cách thể lý, nhưng chúng ta có thể đến gần Ngài một cách thiêng liêng. Chúa Giêsu cũng mời chúng ta làm chứng cho Ngài trước mặt những người khác. Nhiệm vụ của chúng ta là làm cho Chúa Giêsu trở thành hữu hình trong thế giới hôm nay. Đó cũng là nhiệm vụ của các tông đồ ngày xưa. Ngày xưa khi các tông đồ đã nhìn thấy Chúa rồi thì các ông cảm thấy được thúc đẩy phải làm cho nhiều người khác cũng biết và tin vào Ngài.
Thế giới hôm nay đầy dẫy những hoài nghi và những người không tin. Cách duy nhất khiến họ tin là làm sao cho họ "thấy" được Ngài, "chạm" được Ngài nơi những môn đệ của Ngài. Thế nhưng, nếu các môn đệ của Chúa Giêsu không có những vết thương để chỉ cho người ta thấy và cho người ta chạm vào thì làm sao mà người ta tin được!
Ước gì chúng ta được ở trong số những người được Chúa Giêsu công khai chúc phúc "Phúc cho những ai tuy không thấy mà vẫn tin" .
Lm. Carôlô  HỒ BẶC XÁI

NGƯỜI TA BẢO

Từ xưa, người ta vẫn nghĩ ai vô tội sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa.
Trong bài Bát Phúc, Chúa Giêsu cũng giảng  "Phúc cho kẻ có lòng trong sạch vì họ sẽ được nhìn xem Thiên Chúa".
Hôm qua, cậu Tông Đồ được Chúa yêu đã  thảng thốt thấy Chúa trước hết mọi ông anh già, người ta cũng bảo tại chú ấy độc thân chưa vợ. Chưa vợ là trong sạch ? Cứ cho là thế, nhưng cha giảng rằng thảy các Tông Đồ đều được nhìn thấy Chúa hiện ra trên Biển Hồ Ti-bê, ấy là nhờ Chúa không nhớ các lỗi lầm của các ông.
Hôm nay, vị Chủ tế lại đưa ra một  ý nghĩa khác nữa tô đậm hình ảnh Chúa Nhân Lành. Đó là sau khi Chúa sống lại, Chúa toàn đi gặp những người mà đại loại ta thấy nếp sống, tính cách họ chẳng tốt đẹp gì  khi Người còn ở bên họ. Chúa biết hết. Nhưng kể từ khi Chúa sống lại, không bao giờ thấy Chúa nhắc tới những tội lỗi của họ, đã vậy, Chúa mau mắn đi tìm họ. họ chứ không phải những người tử tế .
Thế  ai sống tử tế, trong sạch, tốt lành thì sao ? Chúa không ngó ngàng tới ư ?
Không phải đâu.
Hãy hiểu cho Chúa rằng, chiên yêu vẫn ở trong lòng, mấy con lòng vòng Chúa mới chạy theo. Chủ chăn sẽ chăm chú vào những chú chiên ưa lăng xăng phá đàn, lo lùa chúng về, còn những em hiền lành ngoan ngoãn thì khỏi cần để ý.
Khi vào thăm ngôi nhà của dân bụi đời, nghe một anh chàng càu nhàu, tại sao mẹ cứ bắt chúng con phải tha thứ cho nó, cái thằng cả chớn, vô kỷ luật ấy. Người mẹ của ngôi nhà nhủ rằng : Con ơi, trên đời này phải có người hư để Chúa còn  có cớ thi thố lòng thương xót chứ. Toàn người tốt, lấy ai cho Chúa tha tội ?
Ha ! Thì ra bao lâu còn tội còn lỗi, con vẫn được Chúa yêu vì, chú ý.
Và sau khi rời tòa , con liền trong sạch có khả năng thấy Chúa, người ta bảo xưng tội ra chết cái lên Thiên Đàng thẳng rẵng.
Dù con có tội, dù khi con đã xưng thú, Chúa vẫn yêu con.
Nghĩa là lúc nào con cũng ở trước mặt Chúa.
Sướng chưa ! Còn mong chi nữa ! Ơ hờ !!!
HT

Thứ Sáu, 5 tháng 4, 2013

CHỚ GÌ TIM TÔI !

Chúa đó. Chúa lại bình thường ở trước mặt anh em, môn đệ, như không hề có cuộc tang thương nào. Tuần Thánh đã qua với bao biến động, phản bội, từ chối, yếu đuối mê mệt, với Chúa chỉ là chuyện nhỏ. Chúa đã quên hết. Chuyện lớn giờ đây là Chúa lại ở bên mạn thuyền, trìu mến xem bạn hữu sinh hoạt ra sao, và Chúa sốt ruột vì thấy họ thả lưới nhầm địa điểm. Cứ phải là có Chúa mới yên, mới được. Thế là Chúa cất tiếng chỉ đạo. Chỉ trong giây phút, cá đầy khoang, lưới nào chịu thấu với 158 loại cá khác nhau. Ngày mai nhân loại cũng sẽ như một mẻ lưới trong tay ngư phủ khi chúng ta tin vào quyền năng tuyệt đối của Thiên Chúa. Từ tạo thiên lập địa, từ phép lạ cụ thể đầu tiên hóa nước lã thành rượu ngon cho hai Họ mừng vui, Chúa vẫn luôn hào phóng ban cho nhân loại vô vàn ơn phúc, chỉ ai tin kính mới nhận ra. Hỏi rằng mây bay, gió thoảng, hoa xinh, bướm lượn, trời đất cứ xoay vần theo luật có đơn giản là thiên nhiên tự nhiên không ?
Khi nhận được một món quà , sao ta lại không thắc mắc về người tặng quà nhỉ. Đấy, con người vô ơn vô tình như thế, nhưng Chúa thì không. Chúa đâu ở trên cao mãi được bởi vì Chúa cứ vấn vương thương nhớ hoài các anh em bạn hữu. Cho nên, hôm nay Chúa phải hiện ra trên biển hồ Tibêrat. Biển hồ Ti-bê may mà có Chúa nên thật dễ thương, không như hồ Xuân Hương thúi. Hôm nay Chúa hiện ra, trời thấp  thật gần ...Các môn đệ được gặp lại Thầy yêu, niềm ủi an vô biên trong cơn rối loạn, buồn bã, lo âu, thất vọng. Và Chúa là Thiên Chúa, được thỏa lòng.
Tôi muốn tóm gọn lại ý suy tư này là Chúa Giêsu, hay Thiên Chúa của tôi vô cùng tình cảm.
Tới nỗi Chúa đã không hề xử sự theo lý trí.
Chúa chỉ biết yêu thương.
Tôi tin, vì yêu thương nhân loại, Chúa đã phải chiến đấu mãnh liệt nhất, là sao cho con tim đừng tan nát.
Đòn roi nhục mạ của quân dữ đã  tuôn máu Chúa ra trên đường tử nạn, nhưng chắc chắn tội lỗi nhân loại làm
Chúa đau đớn hơn, bởi vì Chúa yêu loài người một cách ....mù quáng.
Chỉ vỏn vẹn với hơn mươi người đàn ông quê mùa lao động, Chúa đã trút hết ruột gan để yêu thương trăng trối và sau khi sống lại đã vội hiện ra với họ.
Chớ gì tôi luôn biết cảm động với tình yêu Chúa trong đời tôi.
Chớ gì tôi không biết tới tính toán theo lý trí nữa..
Chớ gì con tim tôi luôn mềm yếu...
Lạy Chúa, xin ban cho con một quả tim bằng thịt.
HT

Thứ Năm, 4 tháng 4, 2013

MỜI CHÚA


Suốt hơn tuần nay, trời Sài Gòn nóng nực quá, cơm canh đậy lồng bàn im lìm, cả nhà chả ai buồn động ngó.
Dân thành thị có khác, chán cơm nhà là rủ nhau ra ngồi vớ vẩn quán nọ hàng kia, bụi đường , khói xe, kệ, ung thư lao phổi chết sớm càng tốt.
Đàn ông thì áo may ô quần lửng, đàn bà thì hai dây, váy ngắn, lang thang lang thang, nghe tin 2020 ta chỉ còn là 1 tỉnh của quân cướp, ức chế quá, bỏ nhà đi lang thang. He he. Đi mãi mỏi chân rồi cũng phải về nhà.
Về nhà chó vẫy nhẹ đuôi, không buồn mừng, đi dạo sướng thế không dắt em đi.
Vào bếp lật lồng bàn : một con cá rô chiên từ hôm nỏ hôm nọ, quắt queo, một bên mắt nó liếc xéo ta như bảo đi nữa đi, tôi thành khô rồi.
Mở cửa buồng, khí nóng tỏa ra như đuổi chủ.
Trời ơi là trời có thương chúng con không.
Ngửa cổ than rồi chợt hốt hoảng, giả như bây giờ bỗng Chúa hiện ra bảo : Con có gì cho Ta ăn không ? như trong Phúc Âm kể, thì xấu hổ chết đi được !
Lạy Chúa,
bếp con chỉ có muối vừng, cá khô.
Vì bấy lâu nay con mải mê lang bạt kỳ hồ.
Chúa mới bảo, thì cho Ta ăn cơm nắm muối vừng, cá rô chấm nước mắm gừng cũng ngon con ạ.
Hú hồn ! Thì ra Chúa vẫn luôn dễ tính như vậy. Thôi cũng được, cám ơn Chúa không chê.
Và con  hiểu rằng món ăn giờ không phải là quan trọng, nhưng quan trọng ở chỗ con phải biết nhận ra Chúa đã chiến thắng sự chết, Chúa đã Sống Lại, không như bất cứ một thụ tạo nào, dù tài giỏi, đạo hạnh cách mấy, chết là hết. Ma thì không ăn bao giờ.
Bởi biết các môn đệ yếu hèn, kém tin, Chúa phải đòi ăn.
Con cũng hèn tin thế, Chúa ăn gì, ăn đi cho con xem để con tin Chúa đã sống lại.
A con nhớ, có món này luôn tốt, xin mời Chúa : Đó là Glucosamine.
Uống thuốc cũng như ăn thôi, và con, ngày nào cũng uống, mỗi ngày 1 viên.
Chúa không hề khô khớp, đau chân bao giờ , nhưng Chúa luôn chia sẻ với con mọi sự, vậy 1 viên  nhé. Thuốc đây, nước lọc đây. Chúa đã sống lại và cùng con  uống thuốc.
HT

Thứ Tư, 3 tháng 4, 2013

EMMAUS CÓ GÌ LẠ KHÔNG ?


Thưa chẳng có gì, ngoại trừ đủ gần để hai người đàn ông buồn bã kia có thể từ thành lê bước tới. Chừng mười một cây số đường, nhưng ngổn ngang trăm mối sầu muốn khóc. Nhắc lại đủ chuyện đã xảy ra làm chi cho lòng thêm đau. Ấy là hai kẻ kém tin, Chúa thương xót biết bao, và Người buộc phải đồng hành với họ.
Thật ra, tự nơi lòng Chúa, Chúa đã luôn vấn vương tình bạn hữu. Đành lòng để bạn đau khổ sao, không, Chúa chẳng đành lòng. Vì thế mới có câu chuyện " Trên đường Emmaus".
Chúa có duyên ghê nơi. Chúa bày tỏ nỗi nhớ nhung trong mấy câu vờ thăm hỏi. Chúa dấu niềm yêu trong những  lời trách móc. Chúa làm sáng tỏ mọi sự khi giải thích Kinh Thánh. Và mình thích nhất là "Chúa làm như". "Chúa làm như còn phải đi xa hơn nữa ". Cha ! Chúa là Chúa mà còn thèm mong chúng con chiều chuộng mời mọc quý mến sao ?  Chúa là Chúa mà còn thiếu thốn tình thương sao ? Không. Chả phải ! Chúa đợi con người tỏ lòng đấy thôi ! Tình yêu đòi chia sẻ, đòi cho và nhận cùng lúc. Lại còn phải nài ép mới nhận lời mời a ? Mình thích thú khi thấy Chúa làm eo với hai môn đệ như vậy. Chúa biết lòng họ đang cháy bừng, không thể xa lìa Chúa được, còn Chúa cũng chẳng khác chi. Đâu phải Emmaus có gì lạ để Chúa đến, Chúa kiếm cớ đó thôi.
Chúa ơi,
xin hãy kiếm cớ  để đi cùng con.
Chúa cứ việc giả vờ hỏi han,  coi như con không biết.
Con sẽ kể lể tâm sự ỉ ôi. Con sẽ dài giòng văn tự, nói đi nói lại, vừa than vừa thở, nghe phát chán.
Rồi Chúa trách sao lải nhải hoài đi , Chúa  mắng hèn tin đi, Chúa lườm con đi...
Con không ngại "mười một cây số mỏi chân ". Con chỉ sợ không có Chúa đi cùng.
Emmaus chẳng có gì lạ. Cuộc đời chẳng có chi lôi kéo.
Nhưng Emmaus đã trở thành bất tử vì Chúa đã hiện ra với hai môn đệ sau Phục Sinh.
Con cũng sẽ yêu cuộc sống vô vị này khi có Chúa ở trong lòng.
Chúa ở cùng con, con  ở cùng anh em con.
Và như thế là một vòng Tình Yêu bất diệt. Alleluia. Alleluia.
Nhà con đây, mời Chúa vào cụng nhấp ly rượu nhỏ chất đầy  thương yêu, nhung nhớ.
HT.