Văn hóa từ chức
8:56'
18/1/2013
TCCSĐT - Từ chức được
hiểu xin thôi không làm chức vụ hiện đang giữ. Như vậy, từ
chức chỉ có thể xảy ra ở những người có chức, có quyền. Từ chức một cách tự
nguyện, tự giác là thái độ trung thực với chính mình, biết xấu hổ khi làm điều
trái với đạo lý, đi ngược lại nguyện vọng của cơ quan, tổ chức và cộng đồng, là
biểu hiện của sự cao thượng, dũng cảm, tự trọng.
Hiện nay, vấn đề văn hóa từ chức ở nước ta
đang được nhiều nhà nghiên cứu đề cập đến. Từ chức chỉ được xem là một hành vi
có văn hóa khi người ta tự nguyện và mang lại ý nghĩa tốt đẹp cho xã hội. Ở các
nước phát triển, từ chức là văn hóa hành xử của những người có chức, có quyền
và đã trở thành trách nhiệm của người có chức, có quyền, được dư luận xã hội
chấp nhận.Từ xưa, nước Việt ta có khá nhiều người tài giỏi nhưng đã treo
ấn từ quan như Chu Văn An, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Bỉnh Khiêm,... Các ông từ
chức không phải không làm tròn chức trách, gây tác hại lớn mà phần nhiều là do
khảng khái, không đồng ý với quan điểm của vua. Tuy nhiên, tôi cho rằng, ở Việt
Nam từ xưa đã có văn hóa từ chức rồi thì chưa hẳn đúng.
Vừa qua, Chính phủ chỉ đạo Bộ Nội vụ nghiên cứu xây dựng Đề
án tiếp tục cải cách chế độ công vụ, công chức, trong đó có việc nghiên cứu xây
dựng các quy định về từ chức của cán bộ, công chức và coi từ chức - thuộc khía
cạnh văn hóa của chế độ công vụ - là một nội dung nằm trong chương trình tổng
thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2020.Tại sao Chính phủ lại phải xây dựng các quy định về từ chức của
cán bộ, công chức? Theo tôi là do những nguyên nhân sau đây:
Một là, công tác tổ chức cán bộ
của chúng ta còn yếu kém, nhất là trong việc giáo dục, lãnh đạo, quản lý đã làm
cho một bộ phận không nhỏ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp thiếu rèn luyện, tu
dưỡng, thực hành liêm chính và thiếu gương mẫu, không làm tròn chức trách, gây
tác hại lớn nhưng hầu như không thấy ai có lời xin lỗi hoặc từ chức cả.
Hai là, chúng ta chưa có hệ
thống pháp luật quy định rõ trách nhiệm, thẩm quyền của từng vị trí, nhất là đối
với lãnh đạo, quản lý nên thiếu cơ sở để người dân hoặc các tổ chức, cơ quan
giám sát.
Ba là, việc từ chức hiện nay
khó quá nên không thấy ai tự nguyện từ chức nên phải có quy định, đồng thời ở
nước ta hiện nay chưa hình thành văn hóa từ chức. Điều đó có nghĩa là một bộ
phận không nhỏ cán bộ lãnh đạo, quản lý chưa có lòng tự trọng, thiếu trung
thực, ứng xử chưa liêm khiết.
Tại sao việc từ chức lại khó và ở ta chưa có văn hóa từ chức?
Qua nhiều ý kiến của các nhà nghiên cứu có thể khái quát như sau:
- Chức tước thường đi đôi với quyền lực, thường gắn với lợi ích,
bổng lộc, đặc quyền, đặc lợi. Nếu từ chức có nghĩa sẽ không còn gì cả.
- Học để “làm quan” đã ăn sâu, bén rễ trong tâm thức người Việt
và vì thế truyền thống coi “làm quan” là một sự thành đạt cao nhất.
- Dư luận xã hội chưa được định hướng để đồng tình hay ủng hộ
việc tự nguyện từ chức. Nếu ai đó là đảng viên thì viện dẫn đây là nhiệm vụ
Đảng giao, nếu từ chức lại coi là không có tinh thần đảng viên, phai nhạt lý
tưởng, giảm sút ý chí chiến đấu…, từ chức là để trốn tránh trách nhiệm, để
thoát tội, để hạ cánh cho an toàn…
Rõ ràng, quyền lực thể chế nào cũng liên quan tới lợi ích cá
nhân. Một khi động cơ lợi ích cá nhân lớn đến mức, nhà tư sản “sẵn sàng treo cổ
khi lợi nhuận tới 300% - Các Mác”, thì người có quyền, có chức càng không thể
dễ dàng từ bỏ nó, nếu quyền lực chính là phương tiện có thể “vinh thân, phì
gia”.
Văn hóa từ chức là một dạng văn hóa cá nhân của những người có
chức, có quyền. Họ được cơ quan, tổ chức và xã hội tôn trọng khi ở họ có nhân
cách đạo đức, biết lãnh đạo bằng tấm gương. Nếu không có nhân cách và gương mẫu
thì không thể thuyết phục được mọi người. Để có văn hóa từ chức theo tôi cần:
- Phải có hệ thống pháp luật quy định rõ trách nhiệm, thẩm quyền
của từng vị trí, nhất là đối với các chức danh lãnh đạo, quản lý. Xây dựng các
quy định về từ chức của cán bộ, công chức phải dựa trên nền tảng cải cách, xây
dựng được quy chế công chức thật chuẩn về tiêu chuẩn của từng chức vụ, từng vị
trí công tác.
- Đẩy mạnh tuyên truyền trong xã hội về văn hóa từ chức; nên
khuyến khích sự tự nguyện từ chức và đánh giá cao những người có đủ dũng khí,
lòng tự trọng, biết liêm sỉ tự nguyện từ chức, đồng thời định hướng dư luận xã
hội cũng không nên nặng nề đối với những người tự nguyện từ chức.
- Bản thân cán bộ lãnh đạo, quản lý cần phải tự nhận thức rằng
chức vụ không chỉ đi liền với quyền lợi, mà cao hơn phải thấy chức vụ đi liền
với trách nhiệm, với tinh thần, thái độ cống hiến, hy sinh.
Việc từ chức tự nguyện của người có chức, có quyền sẽ tạo cơ hội
cơ cấu lại, kiện toàn đội ngũ cán bộ của cơ quan, tổ chức nghĩa là tạo ra sự
hợp lý tốt hơn trong xã hội. Điều đó giúp những người thực sự có nhân cách, tài
giỏi, có trình độ, năng lực thực tiễn có thể phát huy cao nhất năng lực của
mình nếu ở đúng vị trí, đồng thời cũng giúp cho cơ quan, tổ chức và xã hội
tránh được những thiệt hại không đáng có.
Văn hóa có mặt trong tất cả những hoạt động sống của con người
và là tất yếu của cuộc sống, thế nên, văn hóa từ chức cũng biểu hiện sự tất yếu
của cuộc sống. Thiết nghĩ, từ chức sớm trở thành cách ứng xử bình thường trong
đời sống lãnh đạo, quản lý ở nước ta, đồng thời, văn hóa từ chức cũng từ đó mà
hình thành và phát triển./
Quyền Duy
Quyền Duy
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét