#Stats1 ul{margin:0;border:0;padding:0;height:32px;background:url(//goo.gl/ZHG881) no-repeat 0 -34px} #Stats1 li{margin:10px 0;border:0;padding:0 0 0 40px;list-style-type:none} #totalComments{height:32px;background:url(//goo.gl/ZHG881) no-repeat} #totalCount{height:32px;background:url(//goo.gl/ZHG881) no-repeat 0 -68px}

Thứ Hai, 28 tháng 1, 2013

LAN MAN SÁCH CŨ


Lan man sách cũ
by Khuong Ha Bui on Saturday, January 26, 2013 at 3:51am •
Những ngày đầu tiên sống ở Sài Gòn, tôi còn rảnh rỗi nên tham gia một câu lạc bộ thơ văn trẻ của Nhà văn hóa Thanh Niên. Phương Lan cũng là thành viên của CLB, chị học khoa Văn nên hiểu biết nhiều về văn học. Một ngày đẹp trời, tôi thấy Lan cầm vài cuốn sách, trong đó có cuốn Uyên Ương Gãy Cánh của Kahlih Gibran. Cuốn sách mỏng dính, gáy te tua, bìa xơ xác vá chằng vá đụp, giấy màu ngà đã ngả sang nâu, đây đó loang lổ vết nước… Nói chung nhìn nó rất tội nghiệp bên cạnh những cuốn sách giấy trắng tinh (pha bột đá đó mà), nặng chịch và cáu cạnh mới in xong.
Đó là lần đầu tiên tôi thực sự “gặp” một cuốn sách cũ. Đó, cũng là lần đầu tiên tôi hiểu thế nào là “tiếng sét ái tình”. Người yêu đầu đời của tôi đúng theo kiểu “hình thức phản bội nội dung”: nàng trần trụi một cách sexy và rách rưới một cách kiêu kỳ. Nàng bay bổng, ngập tràn tình yêu và thơ mộng đến khó thở. Và mùi hương của nàng là điều mà tôi sẽ không bao giờ quên được. Đó là tổng hòa của rất nhiều thứ: mùi bụi, mùi ẩm mốc, mùi nồng nồng của bột gỗ ngày càng đậm vì bị nhiều thứ mùi khác xung quanh ảm vào sau mấy chục năm… Ngoài ra, thứ mùi đó còn làm tôi nhớ lại tuổi thơ của mình. Hồi xưa ông nội là thợ mộc. Phía sau bếp có một gian phòng rộng, một  bên nuôi heo, một bên là “xưởng mộc” nơi ông giắt cây viết chì lên tai mà cưa búa, gọt đẽo suốt ngày. Tôi thường tha thẩn chơi ở đó với những mảnh gỗ vụn, dăm bào. Mùi dăm bào tươi và ngòn ngọt, nhưng chỉ cần một hai tuần thì nó sẽ khô và có mùi gỗ cũ khi để ở chỗ tối tăm ẩm ướt lâu ngày.
Chính vì nàng sở hữu thứ “mùi hương của tuổi thơ” đó, mà tôi đã bị nàng dẫn dụ vào một thế giới hoàn toàn mới mẻ, và cũng là khởi nguồn của rất nhiều cơ duyên trong đời tôi sau này. Nhưng đó là một câu chuyện khác, sẽ kể trong một dịp khác.
Sau lần gặp gỡ đầu tiên và “fall in love” lập tức với sách cũ, tôi được Phương Lan dẫn tới vài tiệm sách cũ trên đường Nguyễn Thị Minh Khai. Mãi sau này, khi đã lùng sục ở khá nhiều nơi, tôi mới biết đó là khu “chém đẹp” nhất nhì Sài Gòn. Sau 1975, hầu hết sách được in dưới chế độ Việt Nam Cộng Hòa đều bị tịch thu. Bởi vậy, những đầu sách còn sót lại trở  nên ngày một khan hiếm và giá khá cao so với sách mới. Bố tôi kể, hồi những năm 80s, bố từng phải cắn răng mua bộ Tam Quốc Diễn Nghĩa do Mộng Bình Sơn dịch năm 1966 với giá… 4 chỉ vàng. Tuy nhiên, sau vài chục năm, khi khoảng cách giữa hai miền không còn quá hằn sâu, dòng sách cũ in trước 75 trở thành mục tiêu săn lùng của những người ưa hoài niệm và những kẻ thích sưu tầm. Bởi vậy, những đầu sách quý hiếm bắt đầu xuất hiện nhiều trở lại trên thị trường nên giá cả cũng dần trở nên hợp lý hơn. Nguồn gốc của những cuốn sách từng bị “truy sát” này thường là từ tủ sách gia đình, bố mẹ chết đi để lại một mớ sách mà con cháu chỉ thấy chật nhà; hoặc từ các thư viện; hoặc, thậm chí, từ trong kho của “bên thắng cuộc”, khi họ tịch thu và vứt xó cả một thời kỳ huy hoàng của văn chương Việt.
Năm 2009, tôi mua bộ Tam Quốc Diễn Nghĩa do Tử Vi Lang dịch với giá 750k, theo nhiều người thì đó là mức giá khá đúng, tuy nhiên có thể thấy nó chênh lệch rất lớn với giá mà bố tôi phải mua (dù là bản dịch khác). Cho đến bây giờ, nếu bạn vào trang sachxua.net, diễn đàn về sách cũ lớn nhất của VN, sẽ thấy hầu hết các đầu sách đều đã có một mặt bằng giá chung khá đồng nhất. Nơi đây là cả một thế giới online mua bán sách cũ nhộn nhịp. Có người mua về đọc, có người mua về để… ngắm, có người mua đi bán lại, số dân buôn sách chuyên nghiệp cũng không ít. Thỉnh thoảng tôi cũng đặt mua vài cuốn, nhiều cuốn cũng chỉ để… ngắm và hẹn lên hẹn xuống ngày nào đó sẽ cùng nàng tình tự. Nói thêm một chút, cũng nhờ mua sách trên trang web này mà tôi có thêm một số người bạn rất hay ho sau mấy phi vụ “gặp mặt giao hàng”.
Tôi thì không thích sách in trong thời kỳ bao cấp cho lắm, dù nó cũng là sách cũ, nhưng in quá xấu và lại vô cùng phổ biến, có thể tìm bất cứ nơi đâu thì tại sao ta không mua sách mới in lại cho nó tử tế và có vẻ tôn trọng nội dung cuốn sách hơn?! Sách in trước 75 thường dùng loại giấy tốt và nhẹ tênh, màu ngà vàng đỡ hại mắt hơn giấy trắng bây giờ, và rất ít lỗi mo-rát, chưa kể bìa thường rất đẹp do chủ yếu dùng tranh minh họa của các họa sĩ có tiếng thời đó. Quan trọng nhất là, trước 75, Sài Gòn có rất nhiều cuốn sách triết, văn học nước ngoài rất hay được dịch ra tiếng Việt mà mãi đến tận giờ vẫn chưa hề được tái bản lại. Chưa kể có những tác giả Việt Nam với nhiều tác phẩm có giá trị, mà nếu không nhờ internet và sách cũ, tôi sẽ không bao giờ có may mắn được biết đến tên họ.
Mỗi cuốn sách thời đó thường in mỗi lần đến mấy nghìn bản, mà có khi bán hết veo trong một thời gian ngắn. Cứ thử làm một phép so sánh thật đơn giản: sách in của Sài Gòn trước 75 đương nhiên gần như chỉ có dân miền Nam được đọc, trong khi dân số hồi đó không thể mang ra so với dân số hiện nay. Vậy mà, thời bây giờ, có những cuốn sách thực sự có giá trị, mà với 90 triệu dân với tỉ lệ mù chữ thấp hơn rất nhiều so với ngày xưa, NXB chỉ dám rón rén in… 500 bản. Chỉ chừng đó, mà vẫn tồn kho.
Một điều khác khiến sách cũ trở nên đặc biệt, đó là vì nó… cũ, tức là nó có đời sống riêng, nó nhiều tuổi hơn mình, nó chứng kiến nhiều điều hơn mình. Đôi khi, tôi mua một cuốn sách cũ chỉ bởi vì trông nó như một cô gái già tội nghiệp, rất thảm hại dù đã từng một thời vàng son được nâng niu trìu mến. Đôi khi cô còn là nạn nhân hay chứng nhân của lịch sử. Cô, với tâm hồn hoài cổ, chỉ thích nói về những điều đã cũ, đã bị lãng quên và có nguy cơ bị vứt vào sọt rác. Còn gì đáng buồn hơn một đời sống bị vứt vào sọt rác? Tôi không đến mức tin sách có linh hồn, nhưng chắc chắn một điều, nhưng ai mê đọc sách đều cảm nhận được sức sống của chúng truyền qua mình khi lần giở từng trang, đọc ngấu nghiến từng dòng chữ, từng câu chuyện. Tôi nhận ra rằng, bất cứ cuốn sách nào, dù cũ đến đâu, dù nói về điều gì, đều mang lại cho ta ít nhất một kinh nghiệm nào đó. Thậm chí, dù có là loại kinh nghiệm kiểu như “biết vậy đừng đọc cuốn sách dở ẹc này”, thì cũng là một kinh nghiệm không tệ. Vậy thì, cớ gì ta lại bỏ qua một cô gái già, khi nàng có thể kể cho ta rất nhiều điều về tình yêu, về cuộc sống?
Tôi cứ nhớ mãi một kỷ niệm rất đáng xấu hổ về cái lần đi xem sách ở tiệm Minh Ngọc trên Nguyễn Thị Minh Khai. Bữa đó, tiệm này có bán cuốn Ý Thức Mới Trong Văn Nghệ Và Triết Học của Phạm Công Thiện, một tác giả mà tôi rất thích. Đây cũng là một trong những cuốn sách rất quan trọng trong sự nghiệp và góp phần làm nên tên tuổi của Phạm Công Thiện ngày xưa. Cuốn sách đề giá 350k - một số tiền không quá lớn, nhưng không hề nhỏ so với một kẻ vẫn còn ăn bám bố mẹ như tôi thời đó. YTMTVNVTH là một cuốn sách khá hay và hiếm. Bởi vậy tôi thèm lắm. Tôi cứ đi ra đi vào, lượn qua lượn lại, suy tính đắn đo mãi dù biết chắc là mình chẳng dám mua. Bạn tin không, lần đầu tiên trong đời, tôi nảy ra ý định… ăn cắp. Ông chủ tiệm thì đã bắc một cái ghế đẩu, đang ngồi đốt thuốc rung đùi nhìn ra ngoài đường, chỉ còn mình tôi trong tiệm và đấu tranh khổ sở với cái điều xấu xa vừa nhen nhúm trong đầu. Tôi nhìn xuống túi xách của mình: dư sức nhét cuốn sách vào mà không ai biết. “Mình có nên lấy không?”, tôi nghĩ. Tôi đứng thần người ra đến năm phút vì hồi hộp và phân vân. Nhưng rồi ngay lúc đó, tự nhiên tôi nghĩ đến bố. Trong các bữa cơm gia đình, bố tôi thường vừa ăn vừa… càm ràm anh em tôi vì những lỗi lầm, hoặc kể những câu chuyện nho nhỏ để dạy chúng tôi về tư cách của một con người. Hình ảnh bố mặt nhăn nhăn, vừa nhai vừa nói, tay cầm chén cơm, tay cầm đôi đũa ve vẩy vẽ vời trước mặt để minh họa cho những câu chuyện của ông khiến tôi tự nhiên sực tỉnh và có được quyết định cuối cùng: thôi về! Tôi ra về và cũng không mua cuốn sách nào khác, đơn giản vì không có tiền.

Ý Thức Mới Trong Văn Nghệ Và Triết Học - tác phẩm của Phạm Công Thiện viết khi chưa được 19 tuổi.
Từ sau lần đó, tôi bắt đầu có ý thức để dành tiền đi mua sách cũ. Những cuốn sách hay và hiếm thường có giá khá cao, gấp đôi gấp ba sách mới in, nhưng nếu đủ khả năng, tôi vẫn mua. Tôi sung sướng ngắm tủ sách của mình ngày càng đầy thêm với những gáy sách te tua, cũ kỹ. Những cuốn rách nát quá, tôi mang đi đóng bìa lại cẩn thận. Rồi khi tôi bắt đầu đi làm, có chút tiền, tôi còn mang những cuốn mình rất quý đi đóng bìa da thật, mạ chữ vàng, giá đóng sách khoảng 70-100k một cuốn (bây giờ có lẽ khoảng 150k). Cách nào đó, thật là phung phí và xa xỉ. Nhưng biết làm sao được, mỗi người đều có vài thói quen, vài tính xấu, vài đam mê nào đó. Đam mê sách cũ thì vô hại, và cũng tự nhiên như chuyện yêu đương vậy thôi. Đã yêu, thì làm sao cưỡng lại được, phải không?
Vậy mà thời gian gần đây, không hiểu sao tự nhiên trong tôi nhen nhóm cái ý nghĩ sẽ “giải tán” mớ sách cũ của mình, chỉ giữ lại cuốn nào thực sự yêu thích. Khi ta không còn đủ thời gian để thưởng thức, không còn đủ sức giữ tất cả những mối tình bên mình, thì ta để các nàng ra đi. Tôi chỉ nghĩ đơn giản rằng, nếu đã không hẳn là tri kỷ, thì ta giữ lại có khác gì giam hãm, trong khi còn biết  bao nhiêu trái tim ngoài kia chờ đợi các nàng?
Nghe đồn khi người ta bắt đầu biết buông, bắt đầu biết tha thứ, là khi người ta bắt đầu già. Nghĩ thấy cũng hơi chạnh lòng, hehe :D…
(chép lại  từ Email Bố của Khương Hà gửi cho bạn bè)