#Stats1 ul{margin:0;border:0;padding:0;height:32px;background:url(//goo.gl/ZHG881) no-repeat 0 -34px} #Stats1 li{margin:10px 0;border:0;padding:0 0 0 40px;list-style-type:none} #totalComments{height:32px;background:url(//goo.gl/ZHG881) no-repeat} #totalCount{height:32px;background:url(//goo.gl/ZHG881) no-repeat 0 -68px}

Thứ Bảy, 8 tháng 2, 2014

XEM ĐI ĐỂ THẤY NHỤC

Cầm mic. đi tìm người Việt Nam đích thực.


ht. Clip trên đây thiếu  một phần âm thanh. Mình bổ túc như sau : 
" Anh nhìn mặt em tưởng là người Việt Nam, không phải đâu, nhưng em cũng không  rảnh để trả lời, em bận bấm điện thọai, bận đi họp, bận đi cho nhanh, bận chạy trốn, em giả điếc lờ anh đi. Em sợ  phỏng vấn về nhân quyền nắm, em có biết gì đâu, em chỉ thích lãnh tiền nhà nước, diện vét, tếch sang ngọai quốc chu du, sắm đồ vi vút. Em ngu lắm, em hèn lắm, anh đừng phỏng vấn , em sợ té đái ra bây giờ".
Mình bận xem cái clip ngắn này và mình bận cười khằng khặc. Buồn cười nhất thằng đầu tiên co giò chạy, sợ hãi trông thấy luôn. Khổ thân phóng viên chạy sất bất sang bang không tìm cho ra được một con người Việt Nam đích thực. Các chúng này là cái giống gì chứ đâu phải người Việt Nam chú ơi! Mình muốn đi tìm đức cha Ngô Quang Kiệt để mời ngài xem, chắc ngài cũng phải bật cười cái lũ hèn này.Chúng nhục lây sang người khác mà chúng không biết !






Thứ Sáu, 7 tháng 2, 2014

XIN CHÚA THƯƠNG XÓT


Tôi có một người bạn.
Đó là một người luôn làm phiền lòng mọi người.
Đối với mọi người, bạn như một cái gai cần phải nhổ đi.
Đối với bác sĩ, bạn là một bệnh nhân bất khả trị.
Đối với những người đã từng yêu thương cưu mang bạn, bạn gieo sự sợ hãi cho họ, khiến họ ngày càng bảo nhau  lánh xa.
Đối với xã hội, bạn chỉ bầy trò phá hoại, gây rối loạn tai hại .
Người thân bạn đau khổ vô cùng.
Bạn nghĩ dùm xem, đây là loại người nào ?
Hầu hết đều bảo bạn tôi  bị tâm thần, không còn biết đâu là lẽ phải và sự tử tế.
Tôi thì vẫn coi bạn là bạn, một người bạn đau khổ, đáng thương, với điều kiện : Bạn là một con người.
Ý tôi muốn nói là người chứ không phải là ma quỉ.
Nếu là người bị quỉ ám, thì xin quyền năng Chúa ĐÁNH CHO ĐAU, để quỉ xuất ra ngòai bạn tôi mà không bao giờ trở lại phản công nữa. 
Xin Chúa chữa bạn con. 
Xin Chúa thương xót chúng con. Xin Chúa Ky-tô thương xót chúng con.

Thứ Năm, 6 tháng 2, 2014

Thứ Ba, 4 tháng 2, 2014

LÌ XÌ


Ngày lại qua ngày.Xuân đến rồi Xuân sẽ đi qua.
Cụ lão nói : "Mong sao năm nay có sự thay đổi, già lão như chúng tôi giờ chỉ biết trông mong vào tuổi trẻ dồi dào lý tưởng cao đẹp như các cháu".
Bác trai mới về hưu ngậm ngùi :" Năm 75, tuổi thanh xuân hăng say giúp đời, chợt bị dập dụi  mặt xuống đất, nay kể như thế hệ chúng tôi là bỏ đi. Ước gì các con cháu thay mình. Ước gì thanh niên bây giờ biết đứng lên trên từng viên đá, vượt qua mọi cản trở đạt tới niềm cha mẹ mong muốn".
Cô tôi khuyên nhủ : " Nếu không làm được sự gì to lớn, hãy làm một chiếc đũa. Nhiều chiếc đũa chập lại sẽ thành một bó đũa cháu ạ".
Đối với tôi, những lời cha ông trên đây chính là những phong bao Lì Xì có giá trị lớn nhất, khích lệ tôi hãy sống sao cho xứng đáng.Ấy là : Sống dũng. Quyết không hèn, không ngu, không giả dối, không ác độc.
Và tôi lì xì lại đàn em :"Các bé thơ Việt Nam ơi, hãy đứng thẳng lưng, ngước cao đầu, tài cao, tâm hiền, đức dũng, trí minh, quyết đập tan ngoại xâm, giữ gìn nước non nhà. Đừng sợ gì cả nghe em !"
Ngày lại qua ngày. 
Xuân đến rồi Xuân sẽ đi qua.
ht.

Chủ Nhật, 2 tháng 2, 2014

CHÚNG TA ĐANG THIẾU MỘT CHỮ "DŨNG"


Chúng ta đang thiếu một chữ "Dũng"
LÊ THANH PHONG 
Nguồn :  (tại đây)
Xuân nào cũng  dạo một vòng các phố bán tranh thư pháp. Ở thời này, ngắm một bức thư pháp cũng như một sự lắng đọng, một điểm dừng của tâm tưởng, của tâm tư. 
Người xưa viết thư pháp chữ Hán, nay các ông đồ thời hiện đại viết thư pháp chữ Việt, ngạc nhiên hơn là thư pháp chữ Tây. Không biết nên khen hay chê, nhưng thực sự khó có cảm xúc với tranh thư pháp ký tự Latinh.
Thôi không bàn đến chữ mà xin bàn về nghĩa của chữ. Hình như thói quen, nên ai cũng thích mua tranh chữ "Đức", để gia đình tích lũy nhân đức. Chữ "Phúc" cũng quá nhiều, vẽ bao nhiêu bức cũng bán được, không sợ ế - một ông đồ trẻ nói như vậy. Còn chữ "Lộc" thì ôi thôi rồi, ai mà chẳng thích lộc vào nhà, vì vậy mà vẽ xấu cũng bán chạy.
Chữ "An" nhiều người chuộng. "An" trong đạo học ít ai hiểu, mà chỉ thích an theo nghĩa an thân. Ai làm gì mặc, miễn sao thân mình yên là ấm. Chữ "An" thời nay có lẽ vì thế mà đắt khách. Nói ai cho xa,  mình cũng là kẻ hèn, né tránh nhiều việc để tìm cái an.
Nhưng nhiều nhất là chữ "Nhẫn". Ai cũng tìm chữ này bởi vì nghĩ rằng mình đạt đạo, là minh triết. Nhưng ẩn giấu bên trong e cũng là chữ hèn. Nhẫn của bậc đắc đạo khác với nhẫn của kẻ sợ hãi. Với kẻ sĩ "Phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ  bất năng khuất" (không thấy giàu sang mà tham, không thấy  nghèo mà xa lánh, không thấy quyền lực mà sợ hãi) thì cần chi phải nhẫn.
Có một chữ cả nước này, mọi công dân đang cần nhất chính là chữ "Dũng".
Một dịp Tết cách đây chừng 5 năm, người viết bài này đã đi tìm chữ "Dũng" ở Văn Miếu. Tuy rất ít, nhưng dù sao cũng lác đác đôi bức và có người hỏi mua. Viết về chữ "Dũng" lúc ấy tuy đau lòng nhưng còn hy vọng.
Hãy dẹp chữ nhẫn, chữ an đi, lúc này chỉ  cần một chữ "Dũng".

THƯ TẾT CỦA QUÂN


(Ảnh BBC)

VĂN HÓA VIỆT TRONG VẬN KHÍ SUY ĐỒI

ht. Tết này buồn thật !

Phạm Chí Dũng và câu chuyện đầu xuân: 
Văn hóa Việt trong vận khí suy vong
Đầu năm, khi đất trời vào xuân, cũng là dịp để suy ngẫm lại những vấn đề về văn hóa. RFI đã phỏng vấn tiến sĩ Phạm Chí Dũng, cũng là một nhà văn đồng thời còn là người có nhiều bài viết phê bình về văn học nghệ thuật.
RFI : Thân chào tiến sĩ Phạm Chí Dũng, rất vui được tiếp chuyện anh nhân dịp xuân về. Trước hết anh có thể cho biết cảm xúc của anh trong bầu không khí đầu năm mới ? 
Tiến sĩ Phạm Chí Dũng :
Rất khó tả, nhưng rõ rệt nhất là thiếu hẳn hương sắc mùa xuân. Làm sao có thể vui nổi khi đây là cái Tết thứ ba liên tiếp tôi chứng kiến cảnh tượng hàng vài chục ngàn công nhân ở các khu công nghiệp, khu chế xuất không có đủ tiền mua vé tàu xe về quê ăn Tết. Với họ, đang xảy ra một nét văn hóa rất mới, có thể gọi là “văn hóa tết cấm trại”. Tức phỏng theo một điều lệnh trong quân đội, công nhân ở nguyên trong khu nhà trọ mà không dám bước ra đường vì chẳng có tiền. Mà như vậy thì còn gì là tết?
Không khí đường phố cũng uể oải và bải hoải. Chỉ sát Tết người dân mới có chút tiền để mua sắm, nhưng ở nhiều tụ điểm mai và đào vẫn ế chỏng chơ. Khách hàng đã và đang quay lưng với thị trường như một dạng văn hóa phủ nhận trong kinh doanh.
Đã đến lúc người dân không thể mặc định sắc màu của nền văn hóa dân tộc như những báo cáo tô hồng của chính phủ về nền kinh tế hay những nghị quyết của đảng về đường lối kiên định đi lên chủ nghĩa xã hội đến hết thế kỷ 21. Hiện tại được dẫn dắt bởi quá khứ, và tương lai lại được quyết định bởi những gì trong hiện tại.
Quá khứ đó, chúng ta thấy cái gì? Năm 2013 chứng kiến những trận hôi của vĩ đại chưa từng thấy ở một số địa phương, cuộc tranh cướp bánh sushi trong một nhà hàng ngay tại thủ đô, cho dù không thể cho rằng tất cả những người tranh giành đều đói khát và đất nước cũng chưa đến thời đói kém…
Những hiện tượng xã hội đó đang góp phần triệt tiêu nhanh chóng khẩu hiệu của đảng “xây dựng nền văn hóa tiên tiến và đậm đà bản sắc dân tộc”. Tương tự, điều lạ lùng là trong mấy năm gần đây, chẳng mấy cơ quan tuyên giáo và dân vận còn nhắc tới khẩu hiệu này. Vì sao vậy? Đơn giản là thực tiễn đã trở nên tồi tệ đến mức giới chức đảng lẫn chính quyền không thể cứ mãi tự ru ngủ mình và mị dân xã hội bằng những lý lẽ một chiều đã bị thực tế bào mòn đến tận chân gốc. Dù luôn bị ăn sâu tâm lý thành tích, ít nhất họ cũng phải tự rung động một nỗi xấu hổ tối thiểu nào đó chứ!
RFI : Những giá trị truyền thống của ông cha như « Giấy rách phải giữ lấy lề », « Một câu nhịn chín câu lành »…dường như đã bị thay bằng sự vô cảm, tâm lý mạnh được yếu thua. Ngày nào đọc báo cũng đều thấy những tin được gọi là « cướp, hiếp, giết », người ta sẵn sàng chà đạp lên nhau, thậm chí mạng người có thể bị mất đi vì những lý do rất nhỏ nhặt. Thưa anh, phải chăng đạo đức xã hội đang rơi xuống tận đáy ?
Khi xảy ra cái chết ở thẩm mỹ viện Cát Tường tại Hà Nội vào năm 2013, một quan chức cao cấp ngành y tế đã phải thốt lên rằng đạo đức và y đức đã xuống đến đáy. Nhưng tôi cho là tất cả vẫn chưa phải tồi tệ nhất. Cái tồi nhất nằm ở phía trước, ở thì tương lai đầy sương mù và dưới vực thẳm, mà chế độ này và phần lớn dân chúng vẫn chưa hình dung hết.
Phía trước ấy là một cuộc tha hóa vĩ đại của toàn bộ nền văn hóa. Tuân theo quy luật vật chất quyết định ý thức, kinh tế quyết định văn hóa và bất kỳ khi nào nền kinh tế lao vào hố sâu khủng hoảng, đời sống sẽ trở nên thiếu thốn và đói kém đến mức một bộ phận dân chúng sẵn sàng giết nhau để sinh nhai.
Lịch sử đã chứng minh hết sức cận kề ở một quốc gia đông dân nhất thế giới, chính là Trung Quốc trong thời Cách mạng văn hóa những năm 60 của thế kỷ trước. Khi đó có đến 30 triệu người bị chết không chỉ bởi vô số cuộc thanh trừng, mà còn bởi đất nước này đã rơi vào thảm trạng đói kém đến mức tại một số nơi người dân đã phải ăn nhau để cầm hơi. Đó chính là điều tồi tệ phi nhân tính nhất, mà một nền văn hóa suy đồi đến tận cùng có thể mang lại.
Năm 2013 đã trở nên một đặc tả khá kinh khủng, trên bức tranh khốn quẫn của nền văn hóa đang lao dốc và còn chưa tìm thấy đáy ở Việt Nam. Cùng với cái gọi là nền văn hóa tham nhũng chưa từng thấy ở đất nước này, khắp nơi trong xã hội đã diễn ra cảnh cha con giết nhau, vợ chồng giết nhau, thầy đánh trò và trò giết thầy, nạn cướp của và hiếp dâm nổi lên khắp nơi. Cường hào ác bá cũng hoàn hành tàn lộng và bất chấp đạo lý. Nhưng nghịch lý ghê gớm là kinh tế càng suy thoái, người giàu lại càng giàu. Không biết bao nhiêu quan chức đã ních đầy túi và chỉ còn chờ chực cơ hội biến khỏi tổ quốc nếu xảy ra động loạn…
Rồi một điều tất yếu phải xảy ra là khi luật pháp không còn là mái nhà che chở cho người dân, chính nhân dân đã phải làm thay luật pháp. Nạn tự xử đối với những kẻ trộm chó mèo diễn ra ở Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Tĩnh… Ở Bắc Giang, khi vài người dân bị công an khởi tố bắt giam vì đánh chết cẩu tặc, đã có đến 800 người dân khác đồng ký tên vào một bản tuyên bố cùng nhận tội. Đó là cái gì? Một loại văn hóa phản kháng của người dân đang phát tiết ngay trong lòng chế độ “của dân, do dân và vì dân”.
Tố chất văn hóa phản kháng đó đã dẫn đến làn sóng chống người thi hành công vụ lan rộng một cách đầy tự phát và bạo lực ở nhiều nơi. Không hiếm cảnh thanh niên đi đường và những người dân “săn sóc” một cách đặc biệt đến hành vi của cảnh sát giao thông, bởi lực lượng cảnh sát bị xem là đối tượng tham nhũng nhất quốc gia này càng ngày càng mang ý nghĩa như một mồi lửa châm ngòi cho các cuộc xung đột tự phát và rất khó kềm chế.
RFI : Thưa anh đầu năm thường nói chuyện vui, nhưng bức tranh thực tế xã hội lại quá xám. Những cách hành xử của con người thường từ nền giáo dục mà người đó được hấp thụ. Vậy thì theo anh trách nhiệm của ngành giáo dục đối với nền văn hóa như thế nào ?
Đóng góp không nhỏ vào sự xuống cấp của nền văn hóa là thực trạng lầy lội và ô nhiễm nặng mùi của ngành giáo dục vẫn chưa hề được cải tạo. Tiên đề “Tiên học lễ, hậu học văn” từ ngàn đời nay đã từ lâu bị phần lớn trường học biến thành thảm trạng mà chúng ta nên nhận thức lại là “Tiên học phí, hậu học thêm”. Có lẽ mệnh đề này mới nói lên tất cả cái thực trạng quay quắt đến mức khốn cùng của môi trường giáo dục đào tạo và giới quan chức điều hành ngày nay.
Không khác gì thị trường bất động sản, vài năm gần đây người ta đã phải dùng đến cụm từ “bong bóng đại học” cho sự bùng nổ bội cung của hàng trăm trường đại học tư thục và dân lập từ Bắc chí Nam. Nhưng ngược lại với đà tăng tiến theo cấp số nhân về số lượng các trường đại học, cao đẳng và chương trình “đào tạo 20.000 tiến sĩ’ của nguyên Bộ trưởng Giáo dục Nguyễn Thiện Nhân và đời Bộ trưởng kế vị, chất lượng đào tạo còn lâu mới làm nên một nền văn hóa xứng tầm với Thái Lan. Ít nhất là về tỉ lệ công trình nghiên cứu được công bố trên đầu các tiến sĩ, cùng bài luận văn tả cảnh các cô giáo bỏ nghề và học sinh vùng cao phải bắt chuột ăn thay cơm.
Tình trạng xuống cấp toàn diện của giáo dục và văn hóa cũng khiến cho hiện tượng không có tác phẩm hay trong văn học nghệ thuật trong suốt nhiều năm qua trở nên rất dễ lý giải trong đời sống văn nghệ Việt Nam. Bất chấp các cuộc thi và trao giải thưởng đều đặn hàng năm của các hội đoàn văn học và nghệ thuật nhà nước, vẫn không có lấy vài ba tác phẩm trong lĩnh vực văn học, sân khấu, mỹ thuật, điện ảnh, âm nhạc… ghi dấu ấn cho một tinh thần hồi tâm thành khẩn.
Hầu như tất cả đều nhàn nhạt, nhòa nhạt và luôn đi sau hiện tồn nhức nhối của xã hội ít ra vài thập kỷ. Nhiều nhà văn và nhà viết kịch đủ lòng tự trọng không còn cầm nổi bút, bởi tâm trạng chán chường và thất vọng quá giới hạn cho phép. Chỉ còn một số người viết vì cơm áo gạo tiền, hoặc làm cái gọi là “sáng tạo” vì các đơn đặt hàng và giải thưởng từ Nhà nước. Không thể nói khác hơn, văn học nghệ thuật quốc doanh từ lâu nay đã mang trên mình thiên chức văn hóa cộng sinh.
RFI : Khái niệm « văn hóa cộng sinh » mà anh vừa đề cập, có lẽ không thể loại trừ giới quan chức, vì những lề thói đã ăn sâu vào họ ?
Văn hóa gia đình, văn hóa trường học và văn hóa cộng đồng là ba rường cột của một nền văn hóa. Nhưng một khi cả ba trụ cột ấy đều bị xâm hại một cách trầm kha, thì không còn gì có thể cứu vãn nổi một nền văn hóa chính trị. Nhất là khi nền văn hóa chính trị ấy lại bị ruỗng mục bởi thói vô cảm, vô trách nhiệm và quá đậm đặc tố chất lợi ích nhóm của giới quan chức.
Vì thế, chúng ta có thể coi văn hóa quan chức là thành tố thứ tư gây xâm hại đối với nền văn hóa Việt Nam đương đại, nhưng đặc biệt hơn cả lại là nhân tố cộng sinh ưu tú nhất. Giới quan chức đổ cho 70% doanh nghiệp chủ động đưa hối lộ, nhưng làm sao có thể lý giải sự mâu thuẫn không thể chấp nhận được, giữa tỉ lệ “chỉ có 1% công chức yếu kém” như báo cáo của chính quyền, với con số ít nhất 30% công chức “chủ động nhận hối lộ” trong những kết quả khảo sát về tham nhũng?
Một cuộc khủng hoảng văn hóa đang tăng tiến với gia tốc ngày càng gấp rút. Cuộc khủng hoảng ấy lại biến diễn sang cuộc khủng hoảng niềm tin của người dân đối với xã hội, của công dân đối với đất nước và cuối cùng là của người dân đối với chế độ. Những cuộc điều tra xã hội học đã cho thấy niềm tin của giới trẻ vào đảng và chế độ sa sút khủng khiếp, và trong giới trẻ giờ đây không còn cái gọi là lý tưởng nữa. Nếu có được một cuộc khảo sát độc lập, người ta tin chắc rằng chỉ còn không đầy 10% trong số lớp trẻ tin vào việc “nền văn hóa xã hội chủ nghĩa” có thể tôn tạo cho nền văn hóa dân tộc.
Ngược lại, một chủ nghĩa văn hóa phủ nhận đang hình thành và phát triển rất ghê gớm trong một số khá đông lớp trẻ ở Việt Nam.
RFI : Về « chủ nghĩa văn hóa phủ nhận » như anh nói, theo anh lớp trẻ đang phủ nhận những giá trị gì ?
Phủ nhận những giá trị tinh thần, phủ nhận những giá trị truyền thống, và phủ nhận với chính những thế hệ đi trước. Hiện tượng đó làm chúng ta nhớ lại thế hệ mất mát, nảy sinh ở châu Âu trong vài thập kỷ sau cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai. Cũng là suy thoái kinh tế trầm kha, cũng là cái nhìn về một tương lai mơ hồ, cũng là tâm trạng đầy bất an và dễ nổi loạn.
Nhưng ở Việt Nam, điều nguy hiểm hơn nhiều là cái tương lai như thế còn trở nên vô định bởi một nền chính trị hủ hóa, cố chấp và luôn có nguy cơ gây nên hiệu ứng hạ cánh cứng. Từ đó sẽ sinh đẻ vô số hậu quả trầm luân cho đời sống người dân, đặc biệt là dân nghèo.
Hơn bao giờ hết, đặc thù văn hóa Việt Nam được quyết định bởi nội lực nền kinh tế và kế sinh tồn của mỗi công dân. Trong giai đoạn “cất cánh” từ thời mở cửa kinh tế những năm 1990, chủ nghĩa kiếm tiền và đầu cơ thượng hạng đã phủ trùm lên cả xã hội, để sau đó vào thời kỳ suy thoái từ năm 2008 đến nay, điều được coi là “văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc” cũng bị suy mòn theo lý lịch không mấy trong sáng của đồng tiền.
Phía trước, màu đen khó che giấu của của nền kinh tế đang chờ đón một khoảng trống chân không văn hóa, nơi mà hố sâu bất bình đẳng xã hội sẽ sâu thẳm hơn bao giờ hết. Tâm lý chà đạp lẫn nhau sẽ thổi bùng lên ngọn lửa tranh đấu cực kỳ tàn khốc giữa các giai tầng và trong chính từng giai cấp, để cuối cùng bản thân nền văn hóa bị giẫm đạp đến kiệt sức.
Không thể lạc quan về nền văn hóa Việt trong năm 2014 và cả những năm sau đó, tôi cho rằng sự biến mất của một nền chính trị đương thời còn dễ được chấp nhận hơn rất nhiều, so với những mất mát của một nền văn hóa dân tộc mà người dân nước Việt có thể phải mất đến nửa thế kỷ để phục hồi nó.
Rất nhiều người như tôi vẫn ngày đêm dồn dập thổn thức trong lòng một câu hỏi đích đáng: Ai và những tác nhân nào đã khiến cho nền văn hóa dân tộc suy đồi và suy vong ghê gớm đến thế? Kẻ nào phải chịu trách nhiệm lịch sử về hậu quả quá đau đớn ấy?
RFI : Xin chân thành cảm ơn tiến sĩ Phạm Chí Dũng đã dành thì giờ để tâm tình với thính giả RFI Việt ngữ trong những ngày đầu năm về những suy tư liên quan đến nền văn hóa Việt.
http://www.viet.rfi.fr/viet-nam/20140201-cau-chuyen-dau-xuan-van-hoa-viet-trong-van-khi-suy-vong 

CHUYỆN ĐÁNG SUY NGHĨ


Bao gạo của người phụ nữ bán ve chai
Mấy ngày qua, mạng xã hội mạng xã hội chia sẻ câu chuyện người phụ nữ bán ve chai đem bao gạo 10kg và chai dầu ăn 1 lít tới góp cho quán cơm từ thiện 5.000 đồng/suất ở TP.HCM.

Quán cơm chay Thiên Phước khai trương chừng ba tháng nay, mỗi buổi trưa mang đến cho người nghèo 250 suất cơm với giá 5.000 đồng/suất. Hơn 11h trưa 13/1, anh Trần Phước Hòa (38 tuổi), chủ quán nghe có người muốn đóng góp cho quán.
Ảnh đăng trên mạng xã hội FB. 
Câu chuyện được chia sẻ rất nhiều trên mạng xã hội.
Tưởng đâu là các mạnh thường quân như mọi lần, nhưng khi trông thấy người phụ nữ đội nón lá lụp xụp ôm bao gạo cùng chai dầu ăn trao cho anh, anh ngỡ ngàng. Anh kể lại: “Cô bán ve chai này là khách quen của quán từ hồi mới khai trương, tôi từ chối không nhận vì biết cảnh khổ của cô nhưng cô nhất quyết trao, nói cỡ nào cũng không lay chuyển được”.
Vậy là anh đành nhận, dặn người phụ nữ sau này đừng góp gạo nữa nhưng “cổ lại nói từ giờ sẽ cố gắng đều đặn mỗi tháng góp gạo, góp chút tấm lòng cho quán cơm”, anh Hòa nói.
Việc làm của người phụ nữ sau đó được anh chia sẻ trên trang mạng xã hội cá nhân, rồi chỉ sau khoảng thời gian ngắn, điều tốt ấy lan đi nhanh chóng. Khi kể lại câu chuyện, anh vẫn còn rất xúc động, vì chưa bao giờ có một mạnh thường quân “lạ” như thế tới đóng góp và càng giúp anh thêm cố gắng duy trì quán cơm dù nhiều khi phải bỏ tiền túi bù lỗ.
Chiều muộn, ngồi trò chuyện với anh Hòa và chưa biết làm sao để dò ra “tung tích” người phụ nữ - hôm nay cũng là ngày cuối cùng quán bán vì sau đó sẽ nghỉ tết. May mắn cho chúng tôi khi người phụ nữ đạp xe ba gác chở ve chai ngang qua để đến vựa ve chai gần đó. Dáng bà nhỏ thó, cơ cực nhưng gương mặt chân chất lành hiền.
Bà tên Huỳnh Quế Phương (60 tuổi), quê Vĩnh Long, lên Sài Gòn sinh sống hơn ba chục năm nay. Thuê trọ ở quận 11, ngày ngày bà đi thu mua ve chai rồi cùng chồng nuôi ba người con, nay hai người đã lập gia đình có cuộc sống ổn định.
Vừa nói chuyện, bà vừa móc túi đưa chúng tôi xem xấp tiền cả ngày mua ve chai của bà. Tổng cộng hơn sáu chục ngàn đồng quăn queo trên đôi bàn tay sạm đen. Bà nói có những ngày chỉ kiếm được 20.000 - 30.000 đồng.

Vậy sao bà lại góp gạo cho quán? “Góp là góp thôi chứ tôi biết tại sao đâu, tới ăn hàng ngày thấy nhiều người khổ quá nên tôi bớt đại tiền mua ve chai ra mua bao gạo với chai dầu ăn đem tới quán. Nói hoài chú chủ quán mới nhận cho. Giờ tôi ráng để dành tới ngày rằm tháng bảy đặng góp 100 ký, chứ 10 ký như bữa ít quá thấm vô đâu”, bà phân trần.
Bà Phương đem bao gạo 10kg và chai dầu ăn góp cho quán cơm chay Thiên Phước.
Rồi bà lật đật đạp xe đi để kịp chuyện bán mua. Chẳng kịp nói nhiều điều với bà bởi bà chẳng muốn ai biết việc mình làm, “việc nhỏ lắm sợ người ta cười”.
Chẳng muốn để người khác biết việc mình làm vì theo bà đó là chuyện nhỏ, nhưng thông điệp mà người phụ nữ tần tảo này truyền đến người đọc thật lớn lao, đó là tín hiệu tốt lành về tình tương thân tương ái: "Lá lành đùm lá rách, lá rách đùm lá rách hơn"...

(theo Tuổi Trẻ)

Thứ Bảy, 1 tháng 2, 2014

SÁNG MỒNG 1 TẾT TRONG GIA ĐÌNH

ht. Người Việt Nam ta có phong tục con cháu trong họ hàng Nội Ngoại  tụ họp nhau lại sáng Mồng 1 Tết để chúc tuổi Ông Bà, cha mẹ, cô chú bác, anh chị em chúc nhau. Mỗi lời chúc lại được lì xì phong bao đỏ. Nhà mình cũng vậy.
Mong sao các cháu nhỏ sau này lớn lên còn giữ được truyền thống hiếu kính, thuận hòa vui vẻ này. Mong sao những lời chúc còn đọng lại trong tâm trí mỗi thành viên trong gia đình, để dù có vì công ăn việc làm phải xa xôi cách trở, lòng mỗi người vẫn luôn nhớ đến nhau, tình gia đình không bao giờ phai nhạt. Nhất là con cháu luôn nhớ đến các đấng sinh thành.


Thứ Năm, 30 tháng 1, 2014

HT. XIN CẢM ƠN


ht. Xin  gửi lên đây lời  chân thành cám ơn tất cả Quý Thân Hữu, qua điện thọai, Tin nhắn, Thư điện tử, Thiệp Tết, đã dành cho ht. những Câu Chúc Xuân tốt lành, trìu mến  trong những ngày cuối năm. 
Thật hạnh phúc!
Lại có một email thân thương còn kèm theo lời chúc một câu chuyện ngụ ngôn quen thuộc có  câu kết luận rất  ý nghĩa cho những ngày đón Năm Mới. Xin được chia sẻ với mọi người.

MỪNG NĂM MỚI GIÁP NGỌ 2014 Chi HAI TRIEU va Gia -Dinh

Xin gởi tặng món quà tết , là một mẫu chuyện nho nhỏ "tí xíu" thôi ..
Cùng với lời chúc mừng năm mới tràn đầy yêu thương và thành công trong đời ..

CHUYỆN CON LỪA GIÀ

Một ngày nọ , con lừa của ông chủ trang trại , xảy chân rơi xuống một cái giếng .
Lừa kêu la tội nghiệp hàng giờ liền .
Người chủ trang trại cố nghĩ xem nên làm gì .
Cuối cùng ông quyết định :
Con lừa đã già , dù sao thì cái giếng cũng cần được lấp lại và không ích lợi gì trong việc cứu con lừa lên cả .
Ông nhờ vài người hàng xóm sang giúp mình .
Họ xúc đất và đổ vào giếng .
Ngay từ đầu , lừa đã hiểu chuyện gì đang xảy ra và nó kêu la thảm thiết .
Nhưng sau đó lừa trở nên im lặng .
Sau một vài xẻng đất , ông chủ trang trại nhìn xuống giếng và vô cùng sửng sốt .
Mỗi khi bị một xẻng đất đổ lên lưng , lừa lắc mình cho đất rơi xuống và bước chân lên trên .
Cứ như vậy , đất đổ xuống , lừa lại bước lên cao hơn .
Chỉ một lúc sau mọi người nhìn thấy chú lừa xuất hiện trên miệng giếng và lóc cóc chạy ra ngoài .
*** 
Cuộc sống sẽ đổ rất nhiều thứ khó chịu lên người bạn ..
Hãy xem mỗi vấn đề bạn gặp , phải là một xẻng đất để bạn bước lên cao hơn .
Chúng ta có thể thoát khỏi cái giếng sâu nhất , chỉ đơn giản bằng cách đừng bao giờ đầu hàng ..

Chút chia sẻ đầu năm Con Ngựa cách dzí dzỏm ..
Để cùng nhau cố gắng đạt đến thành công như lòng mình hằng ao ước ..
Với cả tâm tình !
John Vianney Long

Thứ Tư, 29 tháng 1, 2014

ENGLISH FOR CHATTERS..

ht. Hôm qua có một tin nhắn cho mình, đọc chả hiểu gì, hình như chữ Ả Rập thì phải, bèn tìm hiểu mạng, may thấy bài này, nhưng cũng thua vì FB. MTC không có chữ Ả Rập. Tuy vậy cũng có nhiều cái từ thuở bé đến giờ mình chưa hề gặp, đăng cho vui và cũng để hiểu tin nhắn các cháu gửi cho, kẻo lỡ nó báo đại ý " Ninh Thuận cứ xây nhà máy điện hạt nhân kìa" , đọc không ra, lại ngồi im như phỗng thì ...ngu thật ngu.

Trích FB.Mai Trung Chính:
EM YÊU TIẾNG ANH: ENGLISH FOR CHATTERS...
Mình có nhiều học trò tuổi teen, và over-teen...
Đôi khi nhận được tin nhắn, và ngồi cười một mình...
Thực ra có những cái hay và thú vị, sẽ được mọi người chấp nhận.
Nhân ngày tết gần đến, sưu tầm một số thuật ngữ trên tin nhắn giới trẻ thường dùng, vui ra phết...bạn nào có gì hay, có thể góp thêm...




XIN CHÚA CHÚC LÀNH


BÀN TAY CHÚA 
TOÀN NĂNG và YÊU THƯƠNG
XIN CHÚC LÀNH 
CHO CON
CHO GIA ĐÌNH CON
CHO THÂN BẰNG QUYẾN THUỘC CON
CHO THÂN HỮU CON
CHO DÂN TỘC CON
CHO ĐẤT NƯỚC CON
CHO KHẮP THẾ GIỚI
MÙA XUÂN TƯƠI AN LÀNH 
MỘT NĂM MỚI CẢI THIỆN
ĐÀN CHIÊN NGOAN ĐẸP LÒNG CHÚA
                                                                    ht. 

Thứ Ba, 28 tháng 1, 2014

THƠ XUÂN THY THY


Xuân Về
Lại một năm nữa Xuân về
Nàng Xuân vẫn thắm chẳng hề đổi thay
Xuân đem tình nghĩa ngất ngây
Mai, Đào, Cúc... nở phơi bầy sắc hoa
Xuân mang ấm cúng cửa nhà
Khói hương nghi ngút... Ông Bà ngóng trông
Rượu Xuân xoá hết bận lòng
Bánh chưng, bánh tét, mứt... nồng vị Quê
Chung vui trong bức tranh về
Kẻ đi... người ở, bốn bề gặp nhau
Xuân này mãi nữa Xuân sau
Cho tình ấp ủ muôn màu của Xuân!...
ThyThy
NY. Jan. 28, 2014

TÌNH XUÂN
Ngoài kia Oanh hót líu lo
Trong tâm lại thấy buồn so... một mình
Năm nào Xuân cũng mới tinh
Còn tâm cũng mới nhưng mình cũ re
Chân, tay, tai, mắt nặng nề
Nhăn da, bạc tóc... muôn bề đổi thay
Có người lại bước qua mây
Còn người nán níu tháng ngày đợi Xuân
Cỏ, cây, hoa, lá... đón mừng
Nhi... vui mong Tết, lão... từng vẫy tay
Tình Xuân muôn kiếp vẫn đầy
Tình người một kiếp đổi thay chẳng ngừng
Xuân về cho bếp đỏ bưng!!!...
Thy Thy 
NY. Jan. 28, 2014
Bánh Tét  do tay "Nàng Thơ ThyThy"
Đẹp tuyệt như bánh đi thi ấy nhỉ !

Thứ Hai, 20 tháng 1, 2014

XIN ĐỪNG HÓA ĐÁ CON TIM


"Từ đá vô cảm – lạnh như đá, người thợ đá Non Nước đã thổi hồn cho các sản phẩm mỹ nghệ của mình. Công việc đầu tiên của người làm đá là khai thác nguồn đá. Từ nguồn đá Ngũ Hành Sơn, rồi khi có lệnh cấm khai thác tiếp, người làng nghề lặn lội ra tận Thái Nguyên, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, rồi Bình Định… đi tìm mua thêm đá, phát triển nghề làm đá. Mua trực tiếp từ người khai thác đá, mua của người kinh doanh đá, rồi nhập khẩu những loại đá có chất lượng cao của nhiều nước như Ấn Độ, Myanmar, các nước Trung Đông để chế tác theo yêu cầu của khách hàng. Mua đá theo khối, mua đá mềm theo kg. Để có đủ đá cần thiết không phải là dễ dàng. Người bắt đầu học nghề làm thợ là bắt tay vào làm công đoạn đầu tiên là xẻ đá và ra phôi. Người theo học nghề không kiên nhẫn và sáng ý thì khó thành thợ chính, mãi cứ làm hai công việc đơn giản của nghề này. Những tảng đá hàng tấn mang về được thợ cưa xẻ thành từng mảng nhỏ. Trên những tảng đá chất chồng, những người thợ bắt đầu tạo phôi. Để có một sản phẩm đá ra đời đúng ý tưởng, lại tiết kiệm được lượng đá, phải biết chọn hình dáng vốn có của đá phù hợp với sản phẩm. Người chọn đá phải là người có trí tưởng tượng về hình khối nghệ thuật phong phú, sáng tạo( trích Làng đá Non Nước)".
ht. : Đọc đoạn trên , trích từ một bài viết nói về công phu sáng tác trên đá của các điêu khắc gia mỹ nghệ, mình mới thấy tội nghiệp mấy tay thợ cưa đá trong ảnh dưới đây. Thật khổ khi phải vừa lao động vừa biết chắc mình sẽ mang bệnh vào người mà vẫn phải làm.  Ai đời trong khi mọi người xung quanh ăn mặc tử tế, ấm cúng, mà mình lại phải ra sức cưa đá , xẻ đá, bụi bay tứ tung, hít vào thế nào cũng lao phổi. Mà nào có phải vì mưu sinh cho cam. Thật đáng thương cho các chú ! Cái lệnh từ đâu sai các chú làm việc này thật ác độc, ngu si, cùng kế quá thể đấy.


 Thế rồi, sau đó nghe nói thành quả của các chú, tức tác phẩm ra lò như sau, ai nhìn vào cũng phải bật cười, trông giống cái bánh chưng hóa đá. Thế là Tết nhìn bánh chưng đá mà chúc nhau nhé. Thôi thì mình chỉ biết ước mong, cầu chúc : Ai ơi có hóa đá cái gì thì hóa, xin đừng hóa đá con tim :

TU CHI NỮA ?



Hòa thượng trụ trì tại chùa trên núi Cấm Sơn, chiều nay tiếp một trung niên xin được quy y của phật.
- Thầy ơi con đến xin được nép bóng thiền môn, xa lánh sự đời, mong thầy chấp thuận.
Hòa Thượng khuyên can:
- Nhà chùa nào phải là nơi giải sầu, tam bảo đâu là chốn lánh trần. Tu hành cũng lắm gian nan, thí chủ phải suy nghĩ thật kỹ, lỡ sau này không chịu được mà hoàn tục thì tội lỗi lắm!
- Thưa thầy ý con đã quyết, xin thầy thí phát và cho con được kêu bằng “sư phụ”!
- Con à, nghĩ lại đi, cuộc đời hãy còn lắm niềm vui với thất tình lục dục. Đang tuổi xuân sao thí chủ không tìm vui trong tình ái?
- Thầy ơi, bây giờ ngoài đó yêu nhau hôm trước bốp cổ nhau hôm sau! Với lại lấy vợ thì phải sinh con, lỡ vô sinh cũng khổ mà sinh được thì còn khổ hơn, nếu con đau bệnh mà không lo nổi viện phí, không tìm ra giường nằm, con đến tuổi đi học không đủ tiền để chạy trường, lo quà cáp biếu thầy cô… Bao nhiêu nỗi khổ thầy làm sao hiểu được. Con quyết rồi: Tu là cõi phúc. Tình là dây oan!
- Thiện tai! Thế sao con không giải khuây bằng thú vui trần thế khác như ẩm thực, như du lịch?…
- Thầy xa lánh thế gian quá lâu nên không biết cõi tục bây giờ nó… tục lắm! Ăn một món ngon cũng có nghĩa là ăn mầm bệnh. Ra đường thì đầy rẫy hiểm nguy, vừa sợp cướp, sợ hung thần đường phố, sợ cả công an. Thầy không biết đó thôi, đường không đủ mà đi, nhưng sơ hở lấn làn xe là ăn biên bản, xử theo Nghị định 71 là đi đứt cả tuần lương, vui chưa thấy đã lo nhãn tiền!
- Thế chẳng nhẽ ngoài đó chẳng còn gì vui?
- Con chẳng biết nữa. Với con bây giờ tất cả đều là không!
Hòa thượng ngẩn người : MÔ PHẬT, NÓI THẾ THÌ THÍ CHỦ ĐẮC ĐẠO RỒI
Nguồn : ( tại đây)

BỐ XÉ THƯ GỌI ĐI LÀM ĐỂ Ở NHÀ VỚI CON

Thứ Bảy, 18 tháng 1, 2014

ÔNG TRẺ TINH TƯỜNG

ht. Mình đặt tít bài này như trên vì ông ấy tên Young, young mình dịch  là trẻ và vì ông ấy viết cứ tinh tường như người Việt giỏi viết vậy. Mà có khi người Việt "chính chủ" không dám viết tinh như ông ấy đâu. Người mình vị nể  lắm, biết hết mà không nói ra. Không nói ra, cố mà chịu đựng, cho chết !
Ai thống trị Việt Nam ngày nay?
Facebook Lâm Mạnh Di
Stephen B. YOUNG
 Có một tổ chức hiện nay cai trị Việt Nam từ Lạng Sơn đến Cà Mau như là vua chúa Phong kiến ở Tàu hay ở Âu châu thời Trung cổ. Một bộ máy võ trang tập trung các quyền hành lớn trong tay; không được dân bầu lên, và dân tuyệt đối không có quyền kiểm soát hay phê bình. Tổ chức này mang tên là “Đảng Cộng Sản Việt Nam”. Nhưng, thực sự, tổ chức nầy có phải là một Đảng đúng nghĩa của một đảng hay không?
Đáng lẽ ra một Đảng chánh trị phải có một chánh nghĩa, một sức mạnh do một lý tưởng, một nền tảng triết lý hay lý thuyết, một khuynh hướng thể hiện nguyện vọng của đảng viên để hành động nhằm phục vụ đất nước và dân tộc của mình. Vì vậy, nếu cái gọi là Đảng Cộng Sản mà không phải là một Đảng đúng nghĩa, thì bộ máy đó là cái gi?
Một tập thể những người có chung một chí hướng tôn thờ người ngoài, một công ty làm ăn, một tổ chức mafia khai thác thị trường đất nước của họ chăng? Như vậy chúng ta có vài tiêu chuẩn để đánh giá cái gọi là Đảng Cộng Sản bây giờ, đó là một đảng phái hay chỉ là một bọn làm ăn thiếu lương thiện?
Tôi đồng ý đã có thời gian cái goi là đảng Cộng Sản ngày nay có những hoạt động như là đảng phái đúng nghĩa. Nhưng những hoạt động ấy tốt xấu, hay dở, có lợi hay có hại cho đất nước Việt nam là chuyện khác. Tôi nói đó là một “thứ đảng phái” vì lúc ấy đảng Cộng Sản theo ý thức hệ Mác-Lê, vận dụng chủ thuyết Mác-Lê làm cách mạng võ trang cướp chánh quyền thực dân. Tiếp theo, đảng cộng sản phát động cuộc cách mạng xã hội, tiến hành giai cấp đấu tranh, đấu tố địa điền chủ, ám sát công chức, trí thức, lãnh đạo tôn giáo, tịch thâu tài sản của người giàu có để sau cùng đưa giới lao động, những tên du thủ du thực, lên cầm quyền và khi vào Bộ chánh trị, lại lãnh đạo đất nước, dân tộc. Hành động của đảng cộng sản lúc đó có mục đích thi hành “chính nghĩa xã hội chủ nghĩa” theo ý hệ Mác-Lê.
Nhưng từ lâu lắm rồi, cái gọi là đảng Cộng Sản không còn giống như trước đó nữa. Nó đã hoàn toàn biến chất để trở thành một cái gì khác hẳn. Tức nó không phải cộng sản, không mang nội dung Mác-Lê, không chủ trương giai cấp đấu tranh để tiến lên xã hội công bằng, người không bốc lột người, như kinh điển Mác-Lê dạy người cộng sản.
Cách đây vài năm, ông Đặng Quốc Bảo, Khoa giáo trung ương, trong một báo cáo phổ biến hạn chế cho đảng viên cao cấp, nói rằng “hiện tại đảng Cộng Sản không còn chính nghĩa chút nào vì thuyết Mác-Lê lỗi thời và cũng không đúng, không khoa học”. Theo ông Bảo, thì đảng cộng sản không nên áp dụng thuyết ấy nữa. Hai ông Mác và Lê đã nghĩ sai về vũ trụ, về trời đất, về đời sống nhân loại. Vậy người thông minh phải vứt bỏ chủ thuyết Mác-Lê.
Nếu ông Bảo đánh giá lý thuyết Mác-Lê đúng, thì đảng Cộng Sản không có một chính nghĩa nào để vẫn khẳng định tiếp tục đưa Việt nam đi theo con đường của Mác-Lê.
Vậy đảng cộng sản là cái gì? Chỉ là một tập hợp những người đầy tham vọng và quyền lực. Họ không khác gì một thứ giặc cướp đối với nhân dân. Ông Bảo nói thêm rằng “tổ chức anh chị em cán bộ phải giữ quyền cai trị Việt Nam vài năm nữa, vì nếu không có một lực lượng mạnh giữ ổn định chính trị xã hội, thì nước sẽ loạn và dân sẽ khổ”.
Lấy sự ổn định làm chính nghĩa của mình không có ý nghĩa tốt đẹp vì hoàn toàn thiếu thuyết phục. Chính nghĩa ổn định, nhiều người bình thường có thể nói và thi hành. Cần gì phải có cái gọi là đảng Cộng Sản với 3 triệu đảng viên, với vai trò lãnh đạo toàn diện đất nước và xã hội? Quân Đội làm được. Phật Giáo làm được. Việt Quốc làm được. Ai cũng hy vọng làm được. Cái gọi là đảng Cộng Sản không thể tự cho là chỉ có họ mới làm được.
Theo tuyên truyền của đảng cộng sản, trong quá khứ, họ có công đức lớn để đứng trên và trước mọi người khác. Tức họ cho rằng họ có vai trò lịch sử Có đúng như vậy không?
Để trả lời, giờ đây, Bộ Chính Trị hãy tổ chức gọi hồn các đồng chí của họ đã chết, chết vì hi sinh hay chết oan vì đảng cũng được, để hỏi công việc đảng làm. Rồi, có lẽ họ nên gọi hồn để hỏi cái gọi là đảng cộng sản thật sự có công đức với dân tộc Việt Nam hay không? Rồi, họ có thể gọi hồn để hỏi đảng cộng sản tại sao ngày nay vẫn nói đi theo mác-lê, mà trên thực tế không thấy xã hội việt nam chuyển biến theo mô hình” chính nghĩa Mác-Lê.” một chút nào nữa. Vậy thì cái đảng này nên tự giải tán, và có mang tội với đất nưóc, với dân tộc không?
Chúng tôi cũng có thể gọi hồn như Bộ Chính Trị. Chúng tôi có thể gọi hồn các vị cũng nằm xuống, vì nhiều lý do khác nhau, hỏi họ về công đức của cái gọi là đảng Cộng Sản.
Thí dụ, hỏi Đức Huỳnh Giáo Chủ của Phật Giáo Hòa Hảo, hỏi ông Trương Tử Anh, Đảng trưởng Đại Việt Quốc Dân Đảng, ông Lý Đông A, Thư ký trưởng Đảng Duy Dân, các nhân sĩ yêu nước Ngô Đình Khôi, Nguyễn văn Bông, Tạ Thu Thâu, Nguyễn An Ninh, Hồ văn Ngà, Phan Văn Hùm, Nguyễn Văn Sâm,… và những người dân Huế chết hồi Tết Mậu Thân, vân vân,… cho đến 1,2 triệu người Việt Nam bình thường khác, chết trên biển cả, trong rừng sâu, trong các trại tù rải rác khắp cả nước.
Gọi hồn tất cả những người này về và lắng tai nghe họ nói số phận của dân tộc Việt Nam từ khi Đảng Cộng Sản vận dụng “chính nghĩa Mác-Lê” để cướp lấy quyền lãnh đạo đất nước và giữ độc tôn cho đảng.
Xin trả lời: Công đức ở đâu?
Bằng chứng thứ hai cho thấy cái gọi là đảng Cộng Sản là một đảng thì đảng ấy có hành động cụ thể như thế nào? Ngoài sự hiểu biết, sự suy nghĩ, sự tính toán của con người, các hành động của người đó phải cho chúng ta thấy rõ, một cách minh bạch, để kết luận người đó tốt hay xấu, giỏi hay dở, đạo đức hay gian ác, cần tồn tại hay nên vứt đi thôi?
Cái gọi là đảng Cộng Sản đó, cách đây 8 năm, đã tự động hiến dâng đất đai của tổ tiên để lại cho Bắc Triều mới. Và cả biển nữa! Tại sao?
Để đáp ứng sự đòi hỏi của Bắc Triều mới? Phải.
Ở điểm này, chúng ta hãy nhìn rõ. Cái gọi là đảng Cộng Sản đó vì nhu cầu tồn tại đã dâng đất, dâng biển cho Bắc kinh. Đây là nhu cầu sanh tử. Đảng cộng sản phải làm một việc tội lỗi như vậy chỉ vì đảng lo sợ nhân dân Việt Nam hỏi tội của họ đối với Tổ Quốc và nhân dân từ trước đến giờ. Mà nhân dân hỏi tội có nghĩa là đảng sẽ bị mất quyền cai trị. Hoặc một vụ Thiên An Môn Việt Nam sẽ xảy ra. Trước nỗi ám ảnh mất quyền lực, đảng cộng sản cần sự ủng hộ, sự tiếp tay của Bắc Triều mới, mặc dầu có tổn hại đến quyền lợi tối thượng của Quốc gia.
Như vậy đảng cộng sản ở Hà nội không thể tự cho là một đảng có chính nghĩa yêu nước được, mà phải bị kết án là một đảng bán nước mới đúng.
Nếu đảng Cộng Sản Hà nội chuyên tâm phục vụ cho đòi hỏi, tham vọng của Bắc Triều mới, thì Việt Nam tất nhiên phải lâm nguy làm thân nô lệ cho Hán Tộc. Nếu chỉ có riêng cái đảng cộng sản làm nô lệ Hán tộc thì chúng ta hà tất phải tốn lời.
Thực tế ở Việt Nam cho ta thấy công an, tình báo của Việt Nam đều do công an, tình báo Trung Quốc đào tạo và cố vấn. Nhờ đó mà công an, tình báo Hà Nội mới có đủ bản lãnh đàn áp những người dân chủ ở Việt Nam, đàn áp dân oan nạn nhân của những vụ đất đai bị đảng cộng sản tước đoạt, đàn áp những vụ biểu tình chống Trung quốc xâm chiếm đất đai bằng vũ lực và thô bạo.
Nhìn lại lịch sử Việt nam thì từ thời Ngô Quyền đến nay, chỉ có vài nhà vua Việt nam theo Bắc Triều một cách xấu hổ như vậy. Có Nhà Mạc phải xin sự ủng hộ của Hoàng đế phương Bắc để đối phó với Nhà Lê. Có vua Lê Chiêu Thống xin Trung Quốc gởi binh qua Hà Nội để đánh anh em Nhà Tây Sơn. Có vua Gia Long và Minh Mạng lấy y thức hệ Tống Nho của Nhà Thanh bên Tàu để làm nền tảng đạo lý xây dựng uy quyền cho Nhà Nguyễn. Nhưng các ông vua này không làm mất đất, mất biển vào tay ngoại bang chỉ vì quyền lợi riêng tư như đảng cộng sản ngày nay.
Cầu viện thường hay lệ thuộc tư tưởng của kẻ khác, khó tránh khỏi bị dẩn đến mất chánh nghĩa quốc gia. Phải chăng vì thế mà Nhà Mạc đã không thắng Nhà Lê, vua Lê Chiêu Thống thua Quang Trung Nguyễn Huệ. Riêng Nhà Nguyễn vì chọn lựa sai lầm học thuyết lỗi thời mà cứ khăng khăng ôm giữ nên thua người Pháp. Tức một thứ lệ thuộc tư tưởng. Khi có được chỗ dựa mạnh là Bắc kinh, cái gọi là đảng Cộng Sản sẽ đánh bại được toàn dân Việt Nam chăng? Tức đảng cộng sản vĩnh viễn đàn áp, bốc lột nhân dân chăng?
Mới đây khi nghe tin Bắc Kinh tổ chức Hoàng Sa và Trường Sa trở thành môt đơn vị hành chánh mới trực thuôc Tỉnh Hải Nam, lập tức xảy ra nhiều cuộc biểu tình của dân chúng thanh niên, sinh viên ở TP Hồ Chí Minh, ở Hà nội, chống chánh sách xâm lược của Trung Quốc. Cái gọi là Đảng Cộng Sản không dám lên tiếng phản đối kẻ cướp đất, trái lại thô bạo đàn áp dân chúng công khai bày tỏ lòng yêu nước. Khí thế của nhân dân Việt Nam bây giờ làm cho đảng cộng sản Hà Nội bắt đầu lo sợ. Nếu đảng cộng sản khôn ngoan thì hãy thấy ở đây, tức ở nhân dân, mới là chỗ dựa vững chắc hơn thế của Trung Quốc.
Nhưng cái gọi là Đảng Cộng Sản nghe theo ai?
Buồn mà nói. Vì nói cho đúng thì phải nói lớn và nói rõ phe nhóm cai trị Việt Nam hiện nay là một bọn Hán Ngụy. Tiếc vì chúng tôi biết chắc chắn có nhiều đảng viên của cái gọi là Đảng Cộng Sản không muốn như vậy. Họ thương dân, yêu nước thật lòng. Nhưng họ lo sợ, có thể vì bất lực, cho sự an nguy của bản thân và gia đình trước những thủ đoạn khéo léo, gian ác, đê hèn của lực lượng Công An, Tình Báo đang có mặt khắp nơi rình rập.
Bọn Hán Ngụy thật sự không có nhiều người, nhưng họ có thế mạnh và nhiều tiền bạc. Họ quyết tâm giữ quyền lực cai trị đất nước mãi mãi. Họ sẽ làm cái gì phải làm để không mất địa vị cầm quyền, tức quyền làm ăn, làm giàu của họ.
Lệ thuộc Bắc Kinh, đối với họ, là một giá phải trả, họ chấp nhận trả, để có phương tiện ổn định xã hội chính trị Việt nam, tức duy trì chế độ độc tài toàn trị. Ổn định là cho quyền lợi của họ. Đất nước đối với họ chỉ là phương tiện trao đổi. Trung Quốc có một triết lý bình định thiên hạ từ đời Tần Thủy Hoàng. Ông ấy lấy ý kiến của phái Pháp Gia gồm lý thuyết âm dương, ngũ hành để kiến tạo thái hòa. Làm chính trị như vậy không theo sự giảng dạy của Khổng Mạnh, trái lại, đưa ra chính sách đại đoàn kết, giữ phép nước dưới sự lãnh đạo đọc tôn theo một vị hoàng đế. Đó là thuyết của Mặc Địch.
Cái đạo chính trị này – “hoàng đế chính thuyết”– là lý thuyết xây dựng xã hội không cần nghe ý dân. Đi từ trên xuống, không phải từ dân lên. Ngày nay là tập trung dân chủ, tức dân chủ xã hội chủ nghĩa và tư tưởng Hồ Chí Minh. Hoàng Đế nghe trời, ra lịnh và thiên hạ phải tuân theo. Dân không nghe theo thì sẽ bị phạt, nặng nhẹ tùy theo mức độ của sự phản bội, bất hiếu đối với chế độ.
Một ông Hoàng Đế không cần đức, không cần uy tín mà vẫn giữ được ổn định xã hội. Hiếu nghĩa thay thế nhân nghĩa. Cấp trên nói cái gì thì cấp dưới vâng dạ theo răm rắp. Nói vô phép, mất dạy, thì bị phạt, không được phần thưởng.
Đạo làm hoàng đế có mục đích lấy ý trời và qua cơ cấu hành chánh, ép thiên hạ vâng lệnh làm theo ý đó, mặc cho họ muốn hay không.
Trong lịch sử Việt Nam, các Nhà Lý, Trần và Lê không lấy đạo Hoàng Đế của Bắc Triều để trị dân. Nhà Lý và Nhà Trần theo đạo Phật. Nhà Lê cho đến Vua Lê Thánh Tôn theo quan điểm nhân nghĩa do Nguyễn Trãi viết ra.
Vua Lê Thánh Tôn bắt đầu theo chủ nghĩa Bắc Triều, tức lấy Tống Nho bênh vực ngôi vị Hoàng Đế một cách mù quáng với đạo hiếu nghĩa cha mẹ, vua chúa. Đến Nhà Mạc, Chúa Trịnh, thì ảnh hưởng Tống Nho ở cấp quan văn và các đại gia đình quan chức mở rộng. Nhà Nguyễn áp dụng Tống Nho và quan điểm hoàng đế, đưa triều đình Huế đi theo gương Nhà Thanh bên Tàu.
Trước đây, cái gọi là đảng Cộng Sản chụp mũ những người Việt Nam không Cộng Sản mà hợp tác với Mỹ Quốc để giữ độc lập cho miền Nam Việt Nam là “Mỹ Ngụy”.
Bây giờ, nhìn về quá khứ thì chúng ta có thể đánh giá ai có công lớn hơn cho Dân Tộc Việt nam: “Mỹ Ngụy” hồi đó hay “Hán Ngụy” bây giờ?
Người Mỹ khi họ giúp các Chính Phủ Việt nam Cộng Hòa, khi họ làm cố vấn cho Chính phủ và quân đội quốc gia, họ thật sự muốn gì? Họ khuyến khích người Quốc Gia làm gì? Họ đòi hỏi Chính Phủ Sài gòn có chính sách nào?
Nói chung, người Mỹ từ Tổng Thống Eisenhower cho đến Tổng Thống Nixon, từ Đại Sứ Elbridge Durbrow cho đến Đại Sứ Ellsworth Bunker, tất cả đều yêu cầu Chính Phủ Sài Gòn lo cho dân, áp dụng chế độ hiến trị, tổ chức các cuộc bầu cử từ xã ấp đến trung ương, trong sạch, dân chủ, cải cách ruộng đất, phát triển kinh tế, mở rộng giáo dục theo tôn chỉ “nhân bản, khoa học, khai phóng ”… Đối với Mỹ thì ý dân là hơn ý trời. Mỹ không bao giờ theo “hoàng đế chính thuyết”.
Như vậy làm “Mỹ Ngụy” là chọn phương pháp lo cho dân, cho quê hương Việt Nam, cho văn hóa, đạo đức dân tộc. Người Mỹ đến Việt Nam, không ở lại Việt Nam. Và “dân Ngụy.” không hiến dâng đất dai, biển cả cho ngoại bang. Hơn nữa, trong lịch sử, người Mỹ không làm thuộc địa, không làm Thái thú, chỉ làm bạn đồng minh giai đoạn.
Còn người Việt nào bây giờ làm Hán Ngụy thì phục vụ ai ? Họ có lo sợ số phận Tổ quốc của họ không? Hay chỉ có chung một thứ tập hợp những người cùng chí hướng tôn thờ quyền lợi bản thân mà thôi?
Stephen B. Young

Giáo sư người Mỹ Stephen B. Young là một nhà nghiên cứu Việt Nam học, đã có nhiều bài viết có giá trị về chính trị, xã hội Việt Nam. Ông lấy vợ Việt và nói, viết tiếng Việt rất chuẩn. Rất có thể ông là người sáng tạo ra danh từ Hán-Nguỵ trong bài viết bằng tiếng Việt trên đây.
(FB. Lâm Mạnh Di)

Thứ Năm, 16 tháng 1, 2014

THẰNG ĂN CẮP


                                                                   ( Nguồn của Ảnh)

THẰNG ĂN CẮP
Sunday, Jan. 12 2014 MN
Ở một làng nào đó bên xứ Ấn Độ, có một thương gia nghèo. Ðời sống khó khăn, nạn cường hào ác bá quá đỗi lộng hành khiến bác ta sống không nổi, phải bỏ đi một xứ xa sinh sống. Sống nơi đất khách quê người lâu ngày, lòng riêng vẫn tủi. Lại thêm tuổi đà xế bóng, tính ganh đua, lòng ham muốn cũng mỏi mòn. Một hôm chạnh nhớ cố hương, bác quyết định trở về. Bán hết tài sản lấy tiền mua vàng, gói vào một túi vải giấu trong túi hành lý khoác vai, bác lên đường về quê hương.
 Trong vùng quê người thương gia, giữa một cánh đồng, dân trong vùng xây một ngôi chùa nhỏ để các nông phu buổi trưa ghé vào lễ Phật và nghỉ ngơi. Một cây bồ đề lâu năm che bóng rợp xuống một sân nhỏlát gạch, một cái giếng khơi, nước mát và trong vắt, cũng là nơi cho khách bộ hành ghé chân nghỉ ngơi, giải khát, hoặc đôi khi ngủ qua đêm trong chùa. Chùa không có người coi. Phật tử trong chùa đều là nông dân. Lúc rảnh việc thì tự ý tới làm công quả quét tước, dọn dẹp, chăm sóc cho đám cây cỏ sân chùa lúc nào cũng hương khói quanh năm.
 Sau nhiều ngày lặn lội đường xa, người thương gia về gần đến làng cũ. Trời đã xế trưa, nắng gắt. Ði ngang qua chùa, bác ghé vào nghỉ chân dưới gốc bồ đề. Ra giếng nước giải khát, rửa ráy sạch sẽ xong, bác vào chùa lễ Phật. Trong chùa vắng lặng. Bác thắp hương quỳ trước bàn thờ Phật. Ngước nhìn lên, nét mặt đức Thế Tôn vẫn trầm mặc như xưa nay, hơn mười năm qua không có gì thay đổi. Cảnh vật như đứng ngoài thời gian. Lễ xong, người thương gia rời chùa. Thấy bóng chiều đã ngả, đường về còn khá xa, bác liền rảo bước, bỏ quên túi hành lý trong chùa.
 Buổi chiều hôm đó, một nông dân nghèo khổ trở về làng sau một ngày làm việc ngoài đồng. Ngang qua chùa, ngày nào cũng vậy, bác ghé vào lễ Phật trước khi trở về nhà. Lễ xong, bác trông thấy một túi vải tođể gần bàn thờ. Bác ta nghĩ thầm: “Không biết túi vải của ai đi lễ đã bỏ quên. Nhỡ có người tham tâm lấy mất thì tội nghiệp cho người mất của. Âu là cứ mang về nhà rồi bảng thông báo để trả lại cho người ta.”
Về đến nhà, bác nông dân gọi vợ con ra, trỏ vào túi vải, nói:
- Ðây là vật người ta bỏ quên trong chùa. Nay mình cứ tạm kiểm kê rõ ràng, đầy đủ, mai mốt có người đến nhận đúng thì trả lại cho người ta.
Giở ra xem, thấy có gói vàng to, người nông dân nghiêm giọng dặn vợ con:
- Vàng của người ta là một vật rất nguy hiểm. Nó làm nảy lòng tham. Mọi điều bất chính, bất lương, mọi sựđau khổ cũng từ đó phát sinh. Mẹ con mày chớ có dúng tay vào mà khốn!
Bác cất cẩn thận vào rương, khóa lại.
Người thương gia rảo bước về gần đến làng, nhìn xa xa ráng chiều êm ả, những làn khói bếp vương vấn trên rặng tre quen thuộc. Cảnh xưa vẫn còn trong trí bác so với nay như không có gì thay đổi sau hơn mười năm xa cách.
Vừa đến cổng làng, người thương gia mới sực nhớ đã bỏ quên túi hành lý ở chùa. Lo sợ, hốt hoảng, bác vội quay lại con đường cũ, vừa chạy vừa kêu:
- Khổ thân tôi! Thế là tôi mất hết cả sản nghiệp dành dụm từ hơn mười năm nay! Bao nhiêu công lao trôi sống trôi biển cả rồi! Khổ thân tôi chưa!
Người đi đường ai thấy cũng ngạc nhiên.
Tới chùa thì cảnh vẫn vắng tanh, bên trong chỉ có một cụ già đang lễ Phật. Người thương gia vội túm lấy cụgià, hốt hoảng hỏi:
- Túi đồ của tôi đâu? Vàng của tôi đâu?
Cụ già ngạc nhiên:
- Túi đồ nào của bác? Vàng nào của bác?
- Thì cái túi hành lý tôi để quên hồi xế trưa trong chùa này!
Cụ già vẫn bình thản:
- Quả thật lão không thấy túi đồ của bác. Lão đã sống thanh đạm cả đời, nỡ nào trong chốc lát vứt bỏ lương tâm mà tham của người. Bác cứ bình tĩnh. Của mất, có duyên còn có ngày lấy lại, vô duyên thì của cầm trong tay cũng mất. Túi đồ của bác đã thất lạc, bác lại mất luôn cả cái tâm công chính, đỗ vấy cho người làcớ làm sao? 
Gần đây có một xóm làng, buổi chiều nông dân thường lễ Phật trước khi về nhà. Bác thử tới đó hỏi xem. Thói thường, thấy vàng là tối mặt lại. Nhưng cũng còn tùy. Cũng còn có nhiều người tốt.
Người thương gia nghe ra, nhận thấy mình vô lý, bèn xin lỗi cụ già rồi theo lời chỉ dẫn, tiếp tục đi tìm. Tới làng, ông ta hỏi nhiều người mà không ai biết. Nghĩ rằng sản nghiệp dành dụm trong mười năm của mình nay phút chốc như chiếc lá vàng rơi theo gió đưa, biết đâu là bờ bến mà tìm! Ðành phó mặc cho bước chân tình cờ may rủi. Khi tới cuối làng, giữa vườn cây cối um tùm có một căn nhà lá nhỏ tồi tàn. Trước cửa treo một tấm bảng đen, với hàng chữ trắng viết to: “Tôi có nhặt được một túi vải bỏ quên trong chùa. Ai là chủxin tới nhận lại.”
Người thương gia mừng quýnh đập cửa, gặp anh nông dân ra mở hỏi:
- Bác là chủ túi đồ bỏ quên trong chùa?
- Vâng, chính tôi. Tôi đã để quên trong chùa hồi xế trưa nay. Xin cho tôi nhận lại.
- Nếu đó là của bác thì bác phải nói xem túi đồ của bác như thế nào? Trong đựng những gì?
Người thương gia trả lời:
- Ðó là túi vải, trong đựng một ít lương khô đi đường.
Người nông phu nói:
- Thế thì không phải túi đồ của bác.
- Thú thật với bác, cũng còn một số vàng trong một gói vải khác màu đỏ.
Người nông phu nghe tả đúng các đồ vật và số lượng vàng đựng trong túi vải, biết chắc người tới hỏi là chủ nhân bèn mở rương ra, nói với người thương gia:
- Quả thật đó là túi đồ của bác. Xin mời vào nhận.
Người thương gia nhận đủ số vàng, lòng vui khôn tả. Bác thấy cảnh nhà người nông dân nghèo nàn mà lại không có lòng tham, để tỏ lòng biết ơn, bác chia đôi số vàng gói vào một miếng vải đưa cho người nông dân. Bác nói:
- Vàng của tôi tưởng đã mất, may sao lại gặp tấm lòng quý của bác. Tôi xin biếu bác một nửa để tỏ lòng thành thật biết ơn.
Người nông dân ngạc nhiên:
- Trả lại món vật không phải của mình chỉ là một việc bình thường, có ơn gì mà được đền?
- Bác đã làm một điều thiện. Ðược đền ơn là đúng lẽ.
- Làm việc thiện là nghĩa vụ tự nhiên. Đạo lý xưa nay vẫn dạy như vậy.
Đó không phải là cái cớ để đòi hay nhận tiền thưởng. Cũng như lòng yêu dân tộc, yêu tổ quốc không phải là cái cớ để được trả công. Vàng của bác do công sức làm ra thì bác hưởng. Tôi có góp công lao gì vào đómà chia phần? Thôi, xin bác hãy để tôi được sống yên vui trong cái nghèo của tôi hơn là sống giàu có nhờvào của cải người khác. Như thế cũng là một cách ăn cắp.
Người thương gia không còn lý lẽ gì để nói thêm bèn khoác hành lý lên vai, bất thần vất gói vải đựng nửa số vàng lên bàn rồi bỏ chạy. Ý định của ông ta là bắt buộc bác nông dân phải nhận sự đền ơn, nhưng bác vội nhặt gói vàng rồi đuổi theo, miệng hô hoán :
- Bớ người ta, thằng ăn cắp! Bắt lấy thằng ăn cắp.
Dân trong làng nghe tiếng hô hoán liền đuổi theo bắt được người thương gia dẫn trở lại trước mặt bác nông dân, hỏi:
- Hắn đã ăn cắp vật gì của bác?
- Hắn định ăn cắp cái tâm công chính và chân thật mà tôi có được từ ngày tôi học Phật!
Những người làm việc công mà đòi trả ơn, làm việc thiện chỉ do tư lợi, làm việc nước cốt vì quyền hành địa vị... thảy đều không hiểu chuyện nầy!!

Nguồn Internet
(Không biết tên người kể chuyện.)

Thứ Tư, 15 tháng 1, 2014

GIẢ BỮA


ht. : Khỏi cái cúm kéo dài 2 tuần nay rồi, hôm nay người còn lơ mơ, cố lò mò vào vườn chăm bón tưới táp cho hoa, thấy không nỡ phụ lòng bà con, bà con vẫn ghé thăm. Thân thương thế ! Vườn mình tòan đồng thảo li ti bé bỏng, có người nhận xét thẳng thừng : " Blog chị hiền quá. Em thích cái gì góc cạnh". Mình hiểu ý cậu ấy muốn đọc những chính chị chính em, những ăn gian nói dối, những quan tham lộng quyền, những mất nước nhà tan. Quả thật vườn mình không có những hạt giống ấy, đôi khi chỉ vương vấn tí cỏ lùng nhưng không phải mình là con người thờ ơ vô cảm lãnh đạm lạnh lùng mà là vì hiện nay có vô số các chủ vườn trồng nhiều hoa lạ, hay quá, mình mải đọc họ mà mất hết thì giờ. Thế nhé, bà con khỏi thắc mắc. 
Hay là để thay đổi không khí, mình sẽ đăng mảng "các món ăn " đi ! Cái vụ vào bếp thì mình dở ẹc, nhưng post  bài hướng dẫn thì mình giỏi lắm. Nè, mở mạng, copy link, past vào ổ Liên kết, dán 1 image cho thêm phần hấp dẫn. Cái này gọi là của người phúc ta, nhưng không sao, mình có bài hát tặng bà con, bà con lại quả cho mình những link dạy làm món ăn, thế chẳng hòa bình sao ! Cái này cũng có thể gọi là "ăn giả bữa" vì mình mới khỏi bệnh í mà, cả tuần nay có ăn gì đâu!
 Các chị em ơi, làm thử xem có món nào...dễ làm, dễ thành công, giới thiệu ht. nhé. (Xin lưu ý, có những link do quán ăn quảng cáo có kèm còm của thực khách ghi ở dưới là "ăn tới muỗng thứ 2 bỏ nguyên tô "đấy nhé). Tuy nhiên tự bản chất món ngon vẫn là làm ngon, ăn mới ngon. Nói nhỏ là mình thích món nào thì đăng món đó thôi, cho nên đọc các links dưới đây là các bạn biết khẩu vị của mình liền. Ghét nhất món cháo cá, có link mà lờ nó đi. Ngòai cơm trắng với cà pháo muối xổi chấm mắm tôm chanh ớt ra, mình thích các món sau đây :

Ốc leng xào dừa


CUA RANG ME 1
CUA RANG ME 2
GIẢ CẦY
GỎI XÒAI
HẾN XÚC BÁNH TRÁNG
HỦ TÍU MÌ (khô, nước)
MÌ QUẢNG
ỐC LENG XÀO DỪA
PHỞ BÒ
RAU MUỐNG XÀO TỎI
BÚN BÒ
BÚN MẮM

Dễ nuôi ha !