NHT. Có lẽ khi nhìn vào những ảnh trong bài này, một vài người trong chúng ta sẽ phàn nàn tác giả sao cho đăng những hình ảnh gây sốc, tạo ấn tượng ghê sợ vậy. Mình khuyên bạn đừng sợ hãi, đừng ghê rợn, mà hãy yêu thương, lại gần. Chúa đã xuống thế cứu chuộc muôn dân, chẳng lẽ Chúa loại trừ những ông bà này sao? Chúa yêu thương nhân loại, chẳng lẽ chúng ta không dám nhìn mặt họ sao ? Một ngày nào đó, bạn như mình, thử vào thăm cô bác trong một trại phong nào đó gần nhất. Nếu bạn chưa nhận ra tình yêu Chúa nơi họ, nơi bạn, mình e rằng trái tim bạn sẽ thành đá. Còn nếu bạn không dám đi, mình nghĩ bạn sẽ còn than thở vì những đau khổ đời bạn. Đi theo Chúa, ở những ngõ ngách tối tăm, bạn sẽ thấy Chúa tỏa sáng như thế nào.Bạn sẽ thấy bình an như thế nào.
Những cô bác , anh chị em trong các trại phong rất vui vẻ đón chào bạn và khi ấy, bạn sẽ mềm lòng ra, mà cảm nhận được bạn sung sướng hơn họ biết chừng nào, để biết, họ đáng thương và đáng nể biết bao. Nếu không gì thuyết phục được nữa, xin bạn đóng bài này lại, đừng kéo xuống kẻo ...ghê.
Nhưng mình sẽ tiếc, nếu bạn không kéo xuống.
Tình yêu đưa lại gần chứ không hề xa lánh bạn ạ.
Đó là kinh nghiệm của chính mình. Năm 1997, lần thứ nhất mình vào sinh hoạt với các em thiếu nhi trong trại Thanh Bình, gặp gỡ và nghe chuyện cô bác trong trại. Họ cũng như chúng ta, chỉ khác là Thánh Giá Chúa thương ban cho họ ngày càng mẻ sứt, nứt nẻ tươm máu, họ càng đẹp hơn trước mặt Chúa.
Còn chúng ta, muốn đẹp và đẹp hơn, ta cần trang điểm gì ? Bài học quý từ đây :
BÌNH AN CỦA CHÚA
NƠI TRẠI PHONG BẾN SẮN
Trại phong Bến Sắn đã được thành lập từ năm 1959. Kể từ ngày đầu thành lập, trại phong Bến Sắn đã được trao cho các nữ tu tu hội Nữ Tử Bác Ái Vinh Sơn coi sóc và phục vụ. Từ sau năm 1975, các nữ tu chỉ còn là người phục vụ như nhiều cán bộ công nhân viên khác của trại.
I. BÌNH AN GIỮA NHỮNG NGHỊCH LÝ.
Hơn nửa thế kỷ, gần cả một đời người, nơi đây đã lưu dấu bao nhiêu bước chân con người đi qua. Có thể họ là những người phục vụ với tư cách là y bác sĩ; có thể họ là những người mang lý tưởng tình yêu Chúa Kitô như các nữ tu và nhiều thành viên thiện nguyện khác; có thể họ là những ân nhân một lần đến thăm rồi từ đó gắn bó với trại phong; cũng có thể đó là những người tình cờ hay tò mò muốn biết bệnh nhân phong là thế nào, rồi khi chứng kiến, đã ghi dấu ấn hình ảnh những con người bất hạnh tận tâm khảm đời mình; và trên hết, thành phần chủ yếu của trại phong là tất cả bệnh nhân phong. Chính vì họ mà trại phong Bến Sắn có lý do tồn tại và hiện diện trong nhiều chục năm qua.
Như một tuyên úy cho trại phong, hằng ngày đến dâng thánh lễ, nhiều lần rửa tội, giải tội, xức dầu, cử hành các nghi thức tẩm liệm, an táng… cho những anh chị em trong trại, chúng tôi đã thấm thía lời Chúa Giêsu trong nhà tiệc ly trước khi chia tay các môn đệ của Người: “Thầy để lại bình an cho các con, Thầy ban bình an của Thầy cho các con. Thầy ban cho các con không như thế gian ban tặng” (Ga 14,27). Lời ban bình an này được thực hiện ngay giữa cơn thử thách đang đè nặng trên tông đồ đoàn, vì Chúa sắp bước vào thụ nạn.
Nếu Chúa nói lên lời bình an, trao ban bình an giữa khung cảnh an vui, tấp nập người người tung hô Chúa, hay giữa cảnh đoàn đoàn lũ lũ người chạy đi tìm Chúa, hay giữa đám đông đang muốn tôn Chúa làm vua, thì lời ban bình an ấy còn dễ hiểu. Nhưng hôm nay, trong giờ phút thương đau nhất, giờ phút Chúa phải đối diện với sự phản bội của môn đệ; đối diện với sự thù hận của lòng người đã lên đến đỉnh điểm; đối diện với bạo lực kinh hoàng dành cho mình, đối diện với cây thập giá tủi nhục; đối diện với sự phản trắc của đám đông đã từng nhận hết ơn này đến ơn khác từ nơi Chúa…, thì Chúa lại trao ban bình an!
Một hoàn cảnh xem ra quá ngược, qua nghịch lý để có thể thốt lên lời bình an. Bởi cứ nhìn bằng đôi mắt phàm trần, đây là lúc Chúa không còn bình an, không có bình an. Làm sao mà một người đang đối diện với cái chết tàn nhẫn và khủng khiếp mà người ta dành cho mình, lại có thể có bình an? Làm sao mà một người biết mình sẽ kết thúc cuộc đời bi thảm đến cùng cực lại có đủ bình an mà trao ban cho môn đệ?
Nói như thế là ta đang áp đặt kiểu suy nghĩ của loài người. Bởi bình an mà Chúa trao ban không phải bình an mà “thế gian ban tặng”, nhưng là bình an của Chúa. Bình an giữa những khổ đau vây chặt mới thật sự là bình an. Người vẫn giữ nội tâm của mình bình an giữa những rát buốt mới thật là người vỹ đại. Hơn thế, người vẫn có thể thốt lên hai tiếng bình an và trao ban bình giữa cảnh tượng tàn khốc của sự dữ đang nhắm vào mình, đó mới thật là quà tặng vô giá cho người đón nhận.
Chúa Kitô là như thế. Giữa lúc vây bủa bởi đau khổ tứ bề giăng mắc đang tiến về phía mình, Chúa lại trao bình an cho kẻ khác. Đặc biệt, Chúa trao bình an cho ngay chính kẻ hãm hại mình, bình an của Chúa vì thế càng lớn lao, cao cả. Đó mới thật là bình an của Chúa. Đó mới thật là bình an mà thế gian còn không thể hiểu nổi, chứ đừng nói là thế gian ban tặng.
II. CHÚNG TA CẦN BÌNH AN CỦA CHÚA.
Bình an của Chúa. Chúng ta cần bình an ấy. Từng cá nhân cần bình an ấy. Nhân loại cần bình an ấy. Bình an của Chúa, bình an giữa mọi thách thức, bình an làm sống trong lòng ta tất cả những can đảm, những chấp nhận, những tình yêu, những cảm thông, những say mê xót thương, những hạnh phúc nội tâm…
Bình an của Chúa đem chúng ta đến gần anh chị em, cho chúng ta được liên kết trong đau khổ với tất cả mọi người khổ đau, bị tước đoạt quyền sống, bị thất bại trong cuộc đời…; liên kết trong yêu thương với tất cả mọi người đang đói khát yêu thương, đói khát tự do, đói khát hòa bình, đói khát quyền được sống như một con người…; liên kết trong sớt chia với tất cả những ai cần được ủi an, những ai bị loại ra khỏi đời sống chung, bị rẻ rúng giá trị làm người…; liên kết trong yếu đau với tất cả mọi người bệnh tật, bị áp bức, bị bóc lột, bị bỏ rơi, bị hiểu lầm, bị đối xử tệ bạc, bị tù tội, nhất là những ai bị những án tù oan khuất…; liên kết trong hy vọng với tất cả mọi người đang cố gắng vươn lên từ những vùi giập, vươn lên trong nỗ lực tìm lại căn tính của mình, cố gắng vươn lên và vượt thoát những hoàn cảnh như đang nhấn chìm bản thân mình…; liên kết trong sự hiểu biết với tất cả những ai đang đi tìm cho mình một định hướng, một chân lý không chỉ giúp sống mà còn giúp thăng tiến mình, thăng tiến mọi con người còn đang lạc hậu, khổ ngèo, bị tước bỏ nền văn hóa…; liên kết trong sự rộng lượng với tất cả những người bị khinh bỉ, bị bách hại vì mọi lý do chính trị, bị thách thức lòng tin, bị làm cho xói mòn tình người, xói mòn sự tương thân tương ái…
Bình an của Chúa. Chúng ta cần bình an ấy. Bình an của Chúa giúp chúng ta vượt trên mọi khổ hạnh, thắp sáng lên sự mạnh mẽ của ý chí, của quyết tâm chiến thắng. Bình an của Chúa đem lại cho chúng ta hoa trái của vui tươi, đón nhận, đùm bọc, chở che, sống hết tình, sống hết mình vì đồng loại... Bình an của Chúa sẽ cho chúng ta nội tâm thanh thản trên số phận của mình, dẫu số phận ấy, nhìn từ bên ngoài sẽ chỉ có bi đát, thất vọng, bất hạnh… Bình an của Chúa làm cho chúng ta, dẫu đớn đau cực độ qua từng nỗi đau của tinh thần lẫn thể xác, vẫn không nổi loạn, không đánh mất nhân tính, nhưng càng thấm thía sự bất tất vô cùng của thân phận mong manh…
III. LÒNG NGƯỜI TRỔ SINH BÌNH AN CỦA CHÚA.
Chúng tôi đã học được tất cả những bài học quý báu ấy nơi mọi con người và từng người trong trại phong Bến Sắn này. Vì thế, đến với họ, chúng tôi được mà không hề mất. Chúng tôi đã nhận nơi họ quá nhiều, đến nỗi nhiều lúc phải hỗ thẹn. Anh chị em trong trại phong là món quà, không thể có món quà nào quý hơn, mà Chúa đã trao tặng chúng tôi.
Làm sao mà những con người, tưởng chừng xấu số ấy, vẫn có thể nở nụ cười trên môi, dẫu nhiều khi vì bệnh tật, nụ cười đã dị dạng.
Làm sao mà những con người, tưởng chừng không còn niềm tin, lại có thể tin vào Chúa là tình yêu, khi mà cả một đời gắn chặt trên giường bệnh, hay trên những chiếc xe lăn oan nghiệt.
Làm sao mà những con người tưởng chừng bị mất hy vọng dường ấy lại có thể nhìn nhận Thiên Chúa là Cha từ ái, và suốt đời ôm ấp lòng mến yêu, sự cậy trông tha thiết đối với Thiên Chúa đến vậy.
Làm sao mà những con người đáng thương ấy lại có thể cất lên tiếng “cha” niềm nỡ với các linh mục, hay tiếng “dì”, tiếng “thầy” thân thương với các tu sĩ.
Làm sao mà những con người bạc phận ấy lại có thể can đảm níu kéo cuộc sống của mình từng ngày trong căn bệnh quái ác đã từng gây đau nhức đến nỗi chỉ muốn chết, chỉ có thể chết mà thôi.
Làm sao những con người đáng thương ấy lại có thể chấp nhận bản thân mình, trong khi bị chính những người thân nhất đời mình như cha mẹ, vợ chồng, anh chị em, con cháu… chối bỏ, thậm chí bị khước từ, bị khinh bỉ như một kẻ dơ bẩn, xấu xa, hèn mạc.
Làm sao mà những con người, cứ tưởng là bi đát, lại có thể chìa đôi tay không còn nguyên vẹn của mình để làm cho đứng dậy những ai muốn gục ngã trong đời.
Làm sao mà những con người khó đứng vững trên đôi chân mình, lại có thể làm điểm tựa vững chắc cho những ai đang sầu thương trên đường đời. Bởi nhiều khi vấp phải những khủng hoảng trong đời sống, chúng tôi đã chiêm ngưỡng những anh chị em tưởng chừng bi thương ấy, để lấy lại thăng bằng cho đời hiến dâng của mình.
Làm sao mà những con người, cứ tưởng là bất hạnh ấy, lại giàu nghị lực, giàu lòng can đảm chịu đựng bệnh tật, chịu đựng hoàn cảnh thiếu tình thương của người thân, thiếu sự ấm áp của một mài gia đình đúng nghĩa, lại có thể chấp nhận một gia đình mà trong đó, toàn là người xa lạ, đến từ nhiều nơi, với nhiều cách nghĩ, cách sống lắm lúc quá chênh lệch, quá khác nhau…
Làm sao mà những con người tưởng như chỉ còn màn đen phủ trọn kiếp sống, lại có thể quả cảm đến mức lạ thường, khi phải chấp nhận hoàn cảnh của mình, hoàn cảnh của những người cùng chung sống, hoàn cảnh của những người phục vụ mình, hoàn cảnh của tất cả những ai có trách nhiệm, có liên can, mà nhiều khi vì hoàn cảnh riêng ấy, đã không mang lại nụ cười, hay đã không thể mang lại nụ cười, nhưng chỉ là nước mắt, là khổ đau cho mình…
Làm sao mà những con người như thế, lại có thể vỹ đại đến vậy. Đáng yêu quá! Đáng quý quá! Đáng trân trọng quá!...
Biết bao nhiêu tiếng “làm sao…” đã nhảy múa trong đầu chúng tôi, trong tim chúng tôi, trong những ngày tháng chúng tôi được chứng kiến. Biết bao nhiêu tiếng “làm sao…” nghẹn ứ trong cổ họng, đã không thể bật thành lời, mà thành những dòng cảm động rót đầy vào hồn chúng tôi. Biết bao nhiêu tiếng “làm sao…” đổ dồn trong cõi riêng tư, khiến chúng tôi càng yêu quá đỗi, càng trân quý quá đỗi những ân huệ lớn lao của Thiên Chúa ban tặng trong cuộc đời mình.
Không thể trả lời cho xiết những tiếng “làm sao…”. Bởi nếu đi tìm câu trả lời bằng suy nghĩ của phàm nhân, sẽ thất bại.
Chỉ có lời Thiên Chúa mới mong lý giải đến tận cùng những tiếng “làm sao…” ấy. Đó chính là lời Chúa Giêsu thốt lên để ban bình an ngay trước giờ thụ nạn, giờ đau khổ nhất trong cuộc đời dương thế của Người đang lồ lộ phía trước: “Thầy để lại bình an cho các con, Thầy ban bình an của Thầy cho các con. Thầy ban cho các con không như thế gian ban tặng” (Ga 14,27).
Hóa ra LÒNG NGƯỜI ĐÃ TRỔ SINH BÌNH AN CỦA THẦY.
Chính “BÌNH AN CỦA THẦY”, đó là bình an giữa những vây bũa bởi những thách thức, những rúng động (chứ không phải thứ bình an êm ái nhưng giả tạo của thế gian, hay của bất cứ ai khác), mới có thể làm tăng sức, làm mạnh mẽ, làm cao cả, làm mãnh lực, làm cứng cáp… những gì yếu đuối nhất, mềm mại nhất, đơn côi nhất, thiếu thốn nhất…
Chính vì được “Thầy để lại”, được “Thầy ban” cho mình “BÌNH AN CỦA THẦY” mà những con người đầy khiếm khuyết trên thân xác, lại có thể sống tích cực, sống dồi dào đức tin, lòng mền, niềm cậy trông, sống dồi dào tình yêu cho nhau, và cho đời đến vậy.
Chính “BÌNH AN CỦA THẦY”, bình an trong sự vâng phục Thánh Ý đến tận cùng mà Chúa Giêsu rót vào hồn những kẻ đang bước đi cùng Người trên con đường thánh giá, mới làm cho họ vững vàng, chấp nhận, chịu đựng, và biết hiến dâng đến vậy.
Chính “BÌNH AN CỦA THẦY” đã làm cho mọi bệnh nhân nơi đây, dẫu còn đó những khó khăn, những thiếu thốn, vẫn yêu và ra sức xây dựng nơi mình sống, xây dựng môi trường bệnh viện thành ngôi nhà chung cho tất cả những ai đồng cảnh ngộ, cho tất cả những ai muốn tìm về để có chốn nương thân.
“BÌNH AN CỦA THẦY” một khi được trao ban cho con người, cứ y như dấu lạ mà chính Thầy đã từng thực hiện trong Tin Mừng, nay lại tiếp tục để chữa lành, để xoa dịu, để ủi an, để tăng nghị lực, để lấp đầy những trống vắng, để tha thứ, để đón nhận… mọi con người.
Hay nói cách khác, giờ đây Thầy đang hiện diện bằng chính “BÌNH AN CỦA THẦY”, để những gì mà ngày xưa Thầy đã từng thực hiện nơi những trang Tin Mừng, vẫn tiếp tục thực hiện bằng chính những dấu lạ hôm nay, ngay trên chốn này. Chính Thầy đã làm cho lòng người hôm nay trổ sinh bình an của Thầy.
Cảm nghiệm “BÌNH AN CỦA THẦY” trổ sinh trong lòng người, như chạm tới được, chúng tôi bàng hoàng. Đã có lúc chúng tôi sợ hãi, vì nhận ra, đôi lần mình còn sống hình thức, chưa dám dấn thân, chưa dám hòa mình trọn vẹn với anh chị em. Chúng tôi nguyện xin Chúa Giêsu, người Thầy của ơn bình an ấy, tha thứ cho những dại khờ, những lơ đễnh, những hời hợt của chúng tôi. Xin Người tha thứ cho những lần chúng tôi chưa đặt hết tâm của mình trong việc phục vụ. Xin Người tha thứ cho chúng tôi vì chúng tôi đã không làm đầy thêm, không vun bồi thêm khuôn mặt từ ái yêu thương của Người nơi tất cả những anh chị em đang đau khổ, vì sự xa tránh, sự thiếu chân thật, thiếu tấm lòng, thiếu sự cảm thông… của chúng tôi.
Nguyện xin Chúa Giêsu tác giả của ơn bình an, ban cho chúng tôi, ban cho mọi người có nhiệm vụ phục vụ, và ban cho mọi bệnh nhân bình an của Chúa, để nhờ ơn bình an ấy, cuộc sống nơi đây ngày càng đẹp hơn, thắng thiết hơn, trào tràn yêu thương hơn.
Đức TGM Leopoldo Girelli thăm trại phong chiều ngày 16/11/2012, vào lúc 15h30’.
IV. MỘT LỜI CÁM ƠN.
Xin lỗi Chúa bao nhiêu, chúng tôi càng phải mang ơn anh chị em trại phong này bấy nhiêu. Anh chị em là ngọn lửa thắp lên niềm an ủi, thắp lên sức mạnh tình thần, sức mạnh của nghị lực khi chúng tôi vấp phải những chán chường, bạc nhược mà đôi lần vì bản thân, vì giới hạn của con người, vì những hoàn cảnh khác nhau có thể gây ra. Chính anh chị em làm cho chúng tôi vui hơn, tươi hơn, đáng sống hơn, dám đương đầu hơn…
Chính trong nỗi bất hạnh của mình, anh chị em là nét đẹp của cuộc đời, là ánh nắng pha trong u tối, là cơn mưa nhẹ xua đi những oi nồng trong lòng chúng tôi, mỗi khi chúng tôi gặp phải những cản trở nào đó trên đường phục vụ và mục vụ. Từ nay, cứ nhìn anh chị em, chúng tôi không còn dám than thân trách phận, không còn dám nghĩ suy ích kỹ cho riêng mình, không còn dám bỏ qua những tiện ích, những khả năng mà Chúa ban cho mình, không còn dám “đem chôn dấu nén bạc” của Chúa, mà không tìm ích lợi hồn xác cho mình, cho đời.
Ngàn vạn lần cám ơn anh chị em. Chúng tôi đã nhận từ anh chị em quá nhiều. Chúng tôi kính phục anh chị em. Anh chị em đã cho chúng tôi không phải vật chất, mà là cho tất cả con người, cho cả đời sống, cho cả những khiếm khuyết trên thân thể của anh chị em, để chúng tôi càng nhận ra hồng ân sự sống cao quý biết chừng nào.
Anh chị em là quà tặng của sự sống chúng tôi. Anh chị em muốn sống, muốn vươn cao hơn nữa trong đời sống, dù vẫn còn đó trên thân thể bệnh tật của mình, thì chúng tôi càng phải sống, và sống cho có ý nghĩa, sống cho tích cực, sống vì lợi ích thiêng liêng của mình, vì lợi ích thiêng liêng của chính anh em và của muôn người mà chúng tôi có nhiệm vụ phục vụ.
Xin cúi mình kính chào anh chị em. Xin được hôn lên mọi đau khổ của anh chị em.
Xin Chúa tuôn đổ bình an của Chúa trên tất cả chúng ta.
Lm. JB NGUYỄN MINH HÙNG
Cám ơn conggiaovietnam.net đã gửi cho NHT'
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét